Các tàu Trung Quốc và Nhật Bản áp sát quần đảo Senkaku / Điếu Ngư đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông vào năm 2013. Ảnh: GETTY

Từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiến vào vùng tiếp giáp xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông trong 64 ngày liên tiếp. Tại khu vực nhạy cảm này, số vụ xâm nhập của Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại đã vượt xa tổng số của năm 2018. Mặc dù các vụ xâm nhập mới nhất xảy ra trong bối cảnh mối quan hệ song phương Trung-Nhật đang được cải thiện và không tạo ra hay báo hiệu một sự cố hay một cuộc khủng hoảng lớn nào, nhưng việc căng thẳng gia tăng trở lại chỉ là vấn đề thời gian. Do các cuộc khủng hoảng ở quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư có thể đem tới những hậu quả to lớn cho sự ổn định của khu vưc, liên minh Mỹ-Nhật và cạnh tranh Trung-Mỹ, do dó việc hiểu được chiến lược của Bắc Kinh là hết sức quan trọng.

Nghiên cứu cho thấy rằng Bắc Kinh thường xuyên tìm cách sử dụng các cuộc xung đột trên biển để gây mâu thuẫn liên minh Mỹ-Nhật, đặc biệt trong các sự cố lớn tại quần đảo này vào các năm 2010, 2012 và 2013. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Bắc Kinh trong chiến lược “thọc gậy bánh xe” tại Biển Hoa Đông là khác biệt. Theo truyền thống, một quốc gia có ý định chia rẽ một liên minh thường tập trung nỗ lực vào đối tác “cấp thấp” -hoặc dễ bị tổn thương hơn- của liên minh đó, nhưng trong cuộc xung đột Senkaku/Điếu Ngư, mục tiêu chính của Trung Quốc lại nhằm vào Mỹ - đối tác “cấp cao”. Bắc Kinh nhận thức được sự bất cân xứng đáng kể về lợi ích giữa Mỹ và Nhật Bản trong tranh chấp, và Washington trên thực tế không có lợi ích tại quần đảo này nên muốn tránh khả năng xảy ra một cuộc xung đột thảm khốc với Trung Quốc. Hay nói cách khác, trong xung đột Senkaku/Điếu Ngư, Washington được coi là bên dễ bị tổn thương hơn.

Bằng cách gợi ra các lợi ích của Mỹ trong quản lý xung đột, ổn định khủng hoảng và quan hệ Trung-Mỹ lành mạnh, Bắc Kinh đã tìm cách xúi giục và thúc ép Mỹ áp dụng các chính sách “đi ngược lại” với lợi ích lãnh thổ của Nhật Bản. Bằng cách làm này, Trung Quốc đã gieo rắc sự bất hòa trong liên minh Mỹ-Nhật và làm tăng nỗi lo của Nhật Bản về việc bị Mỹ bỏ rơi. Trong năm 2012-2013, sau khi điều số lượng tàu và máy bay chưa từng có vào vùng biển và không phận xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư làm nguy cơ xung đột gia tăng ở Biển Hoa Đông, Bắc Kinh đã kêu gọi Washington kiềm chế Nhật Bản và buộc Tokyo phải nhượng bộ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ chịu trách nhiệm về vấn đề quần đảo Điếu Ngư và thực hiện các hành động cụ thể để bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực”. Bắc Kinh thậm chí còn đi xa hơn, yêu cầu Mỹ làm trung gian hòa giải. Trong một hội thảo do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức, một cựu quan chức cấp cao nước này nhận xét: “Nếu Mỹ thực sự muốn đóng vai trò trung lập và mang tính xây dựng, Washington nên kêu gọi các bên tranh chấp ngồi vào bàn đàm phán và giải quyết sự khác biệt bằng các biện pháp hòa bình”.

Washington tỏ ra dễ dàng chấp nhận lời kêu gọi của Bắc Kinh. Nhà Trắng thúc giục Tokyo nhượng bộ, trong khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ khi đó là Tom Donilong gợi ý rằng “các bên nên tìm cách nói chuyện về vấn đề này thông qua kênh ngoại giao”. Trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy khái niệm mơ hồ về “quan hệ nước lớn kiểu mới”, một khuôn khổ rộng mở cho tương lai quan hệ Mỹ-Trung mà chính quyền Obama, vốn muốn thiết lâp quan hê lành mạnh lâu dài, ban đầu đã chấp nhận. “Tôn trọng lợi ích cốt lõi” được cho là “điểm then chốt” của khuôn khổ quan hệ kiểu mới này. Tháng 4/2013, Bắc Kinh lần đầu tiên tuyên bố quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư là một trong những “lợi ích cốt lõi” của nước này. Bắc Kinh do đó đã tìm cách liên kết các mối quan hệ Mỹ-Trung được cải thiện với việc Washington sẵn sàng giảm bớt sự ủng hộ cho các lợi ích lãnh thổ của Nhật Bản.

Tiếp theo, vào cuối năm 2013, Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, bao gồm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, được thiết kế để đặt lợi ích của Mỹ và Nhật Bản đối lập với nhau. Đây là động thái hiếm hoi được thông báo vào thời điểm đó, Bắc Kinh đã công khai đề nghị thực thi một cơ chế xử lý khủng hoảng vốn bị trì trệ từ lâu sau khi thành lập ADIZ.

Bất chấp sự phản đối của Tokyo vì lo ngại Trung Quốc sẽ hợp pháp hóa các yêu sách lãnh thổ, Washington lại nhanh chóng ủng hộ lời đề nghị của Bắc Kinh. Phó Tổng thống Joe Biden thậm chí tuyên bố rằng ADIZ “là rất cần thiết để quản lý khủng hoảng”. Điều này làm “tăng số lượng cử tri Nhật Bản nghi ngờ về cam kết bảo đảm an ninh của Mỹ”. Mặc dù mối quan hệ Mỹ-Trung ngày nay khác xa so với thời điểm của chính quyền Obama, Bắc Kinh có thể được cho là sẽ sử dụng một chiến lược tương tự chống lại chính quyền Trump và các chính quyền khác trong tương lai. Bất chấp mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên đối nghịch như thế nào, sự bất cân xứng trong lợi ích Mỹ-Nhật có thể sẽ tiếp tục bị lợi dụng và tạo thành một điểm yếu cố hữu trong một liên minh mạnh mẽ.

Andrew Taffer là Chuyên viên nghiên cứu của Bộ phận An ninh Trung Quốc & Ấn Độ-Thái Bình Dương tại Trung tâm Phân tích Hải quân (Australia). Bài viết được đăng trên The Interpreter.

Kim Nguyên (gt)