PDF file

Tướng (nghỉ hưu) Daniel Schaeffer (trái), Trung tâm nghiên cứu châu Á 21 của Pháp  Nguyên tùy viên quân sự Pháp tại Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc

 

Ngày 23/7 năm nay, tại Hà Nội, nhân cuộc gặp về vấn đề an ninh khu vực, Mỹ, thông qua tiếng nói của Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, đã bày tỏ mối quan ngại về tương lai tự do hàng hải ở Biển Đông, thừa nhận rằng những mối quan ngại đó liên quan đến tầu hải quân hơn là các tầu thuyền thương mại. Bà Clinton nói: “Mỹ có lợi ích quốc gia trong vấn đề tự do hàng hải, tiếp cận tự do với các vùng biển chung của châu Á và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông”. Thời gian trước đó, ngày 5/6, nhân một hội nghị an ninh khác ở Xinhgapo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert Gates, cũng thừa nhận rõ ràng rằng Mỹ sẽ không chấp nhận việc các công ty của họ có thể bị Trung Quốc đe dọa khi các công ty đó ký hợp đồng với các công ty của các nước liền kề khác ở Biển Đông. Điều đó có nghĩa là Mỹ không muốn bị làm phiền bởi những tuyên bố chủ quyền không có lợi cho lợi ích của Mỹ ở châu Á. Về phần mình, Trung Quốc tuyên bố rõ ràng rằng họ coi Biển Đông là một trong những lợi ích cốt lõi của họ như Tây Tạng và Đài Loan. Trong thời gian qua, để thể hiện sự kiên quyết của mình, Trung Quốc đang tăng cường các phương tiện giám sát bán quân sự của họ tại Biển Đông và đang thực hiện các cuộc tập trận hải quân lớn, không chỉ ở Biển Đông, mà cả ở các vùng biển khác.

 

Mong muốn lợi ích của mình vẫn được duy trì ở khu vực Đông Nam Á cũng như quan hệ với Trung Quốc không bị tổn hại thêm, Mỹ đã đã đề nghị giúp tiến hành đàm phán về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông để tìm cách tháo gỡ vấn đề rắc rối đó. Trung Quốc khước từ đề nghị như thế, cho rằng vấn đề tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông là vấn đề nội bộ của châu Á cần được giải quyết chỉ giữa các nước Viễn Đông. Bằng hành động theo cách đó, Trung Quốc nhận thức rất rõ rằng, một mặt, Trung Quốc vì thế có cơ hội chia rẽ sự đoàn kết của ASEAN dù, mặt khác, Trung Quốc đã tìm cách chứng minh điều ngược lại bằng việc thúc đẩy và thực hiện các chương trình hợp tác kinh tế khu vực. Nhưng hành động sau chỉ là một biện pháp trong chính sách sức mạnh mềm Trung Quốc để thu hút các quốc gia Đông Nam Á từ đó khiến họ phụ thuộc ảnh hưởng của Trung Quốc và tách họ khỏi ảnh hưởng của Mỹ.

 

Như đã nói, vấn đề Biển Đông chỉ là một trong những vấn đề tồn tại gây xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, quan hệ giữa hai cường quốc đang căng thẳng dù hai nước cùng cố  gắng tìm cách làm nhẹ bầu không  khí thông qua các cuộc gặp gỡ khác nhau như thảo luận an ninh hàng hải vừa được tổ chức ở Hawai (14-15/10) hay thảo luận tham vấn quốc phòng Trung Quốc - Mỹ, phiên họp tới dự định tổ chức ở Washington 9-10 tháng 12. Nhưng căng thẳng vẫn còn đó vì nó còn bị trầm trọng thêm bởi các vấn đề khác mà ai cũng biết như sự mất cân bằng, bất lợi cho Mỹ trong ngoại thương giữa hai nước, việc Trung Quốc miễn cưỡng định giá lại đồng Nhân dân tệ, việc Mỹ kiên trì ủng hộ quân sự Đài Loan, sức mạnh nổi lên của hải quân Trung Quốc và mối đe dọa tiềm tàng mà nó có thể hiện hữu.

 

Trên thực tế, nếu chúng ta tìm cách phân tích chính xác tình hình, câu hỏi thách đố có vẻ như tại sao Trung Quốc chứng minh mình là có thẩm quyền khẳng định điều họ coi là thuộc quyền lợi hợp pháp của mình đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Thật vậy, Biển Đông vẫn là nơi tập trung một số lợi ích của Bắc Kinh.

 

1. Những lợi ích đầu tiên là kinh tế bởi vì vùng biển này chứa đựng nguồn tài nguyên rất lớn, các nguồn thủy sản và trên hết là nguồn dầu khí (hydrocarbon). Và, liên quan đến việc khai thác dầu khí, nó chỉ có thể được thực hiện trên các thêm lục địa bao quanh biển này, hay ở trong các khu vực lân cận, bởi vì các trầm tích chỉ nằm xung quanh đó và không thể ở nơi nào khác. Đó là một trong những nguyên nhân tại sao Trung Quốc nêu yêu sách đối với vùng biển được đánh dấu bởi đường chín đoạn, bao quanh phần lớn Biển Đông, có lợi cho Bắc Kinh. Theo đó, nó trao cho Bắc Kinh cơ hội ở một số nơi xâm lấn vào thềm lục địa và các vùng lân cận thềm lục địa của các nước khác như: Việt Nam, Malaixia, Philíppin. Và do đó nó mở ra cho Trung Quốc nhiều khả năng hơn để tiếp cận các nguồn dầu khí ở các khu vực này. Tháng 5 năm ngoái, chúng ta đã có thể chứng kiến việc Trung Quốc đã phản ứng như thế nào sau khi Malaixia và Việt Nam đệ trình lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc yêu sách chung về thềm lục địa kéo dài ở phần phía Nam của Biển Đông. Chúng ta hãy nhớ lại rằng đây là lần đầu tiên kể từ khi các lợi ích xung đột đang tồn tại ở khu vực đó, Trung Quốc đã trình lên Liên hợp quốc một văn bản chính thức miêu tả các vùng biển họ coi là thuộc quyền chủ quyền của họ và khu vực biển đó được khoanh lại bằng đường chín chấm. Đó cũng là lý do tại sao Trung Quốc thể hiện sự tức giận của mình đối với các công ty dầu khí nước ngoài khi họ ký hợp đồng hoặc muốn ký hợp đồng với các công ty dầu khí của các nước lân cận khác ở Biển Đông khi mục tiêu là khai thác dầu và khí đốt ở khu vực bị coi là tranh chấp. Điều đó đã xảy ra ngày 10 tháng 4 năm 2007 khi Trung Quốc đã phản ứng chống lại sự ủy quyền của Việt Nam dành cho tập đoàn dầu khí BP-Conoco Phillips-Petrovietnam khai thác các mỏ khí Mộc Tinh và Hải Thạch, nằm ở vùng cực Tây Nam Trường Sa, tuy nhiên chúng không nằm trong quần đảo Trường Sa, một lý  do nữa  khiến BP rút khỏi khu vực đó là tập đoàn này có những lợi ích quan trọng hơn ở Trung Quốc. Vào mùa xuân năm 2008, Trung Quốc cũng phản đối dự án giữa Petrovietnam và công ty dầu khí Exxon Mobil về việc tìm kiếm và khai thác một số lô ở ngoài khơi Việt Nam.

 

2. Nhóm lợi ích thứ hai là kinh tế - chiến lược vì phần lớn vận tải thương mại đường biển của Trung Quốc đến các cảng của Trung Quốc thông qua vùng biển này, số lượng dầu khí đến từ ngoài vùng Viễn Đông chiếm đến 80% nhu cầu của Trung Quốc. Do đó, mối quan tâm chính của Trung Quốc là làm sao có thể bảo đảm an ninh cho các đoàn tầu vận tải khi chúng di chuyển từ Trung Đông và châu Phi. Đây là  điều họ thực sự không thể làm được cho đến thời điểm này, ít nhất là khi tàu thuyền của họ đi qua Ấn Độ Dương. Nhưng đổi lại, họ có thể làm được điều đó ở Biển Đông với điều kiện là họ có thể áp đặt sự thống trị của mình đối với cả khu vực Biển Đông, từ cửa eo biển Malacca đến các cảng của Trung Quốc. Hơn thế nữa, việc thực thi ưu thế nào đó đối với toàn bộ Biển Đông sẽ trao cho Trung Quốc quyền lực áp đặt ý chí của mình đối với các nước khác xung quanh vùng biển này. Bằng cách so sánh với những gì đã xảy ra với Phần Lan trong Chiến tranh lạnh khi Phần Lan bị tê liệt trong hoạt động vì họ nằm gần với Liên Xô, Trung Quốc vì thế có cơ hội để “Phần Lan hóa” những nước không có đường tiếp cận trực tiếp với vùng nước sâu của Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương, tức là những nước như Việt Nam, Campuchia, Xinhgapo, Brunây và ở mức ít hơn là Thái Lan. Các nước khác như Inđônêxia, Malaixia và Philipspin ít lo ngại hơn bởi vì họ có các lối ra đại dương. Vì thế, đó là những lý do thứ hai tại sao Trung Quốc muốn một mình cai trị toàn bộ Biển Đông và đòi các tàu chiến Mỹ ra khỏi vùng nước này.

 

3. Nhóm lợi ích thứ ba mang tính hoàn toàn chiến lược. Trong thực tế, việc áp đặt luật lệ đối với toàn bộ Biển Đông sẽ tạo cho Trung Quốc khả năng bắt đầu xây dựng lực lượng  hải quân bao vây Đài Loan mà không bị Mỹ can thiệp vào tiến trình thống nhất có thể được thực hiện bằng sức ép hay bằng vũ lực. Cho đến nay, Trung Quốc lục địa vẫn chưa đưa ra sự lựa chọn mặc dù hai bên của eo biển Đài Loan vẫn đang tìm cách xích lại nhau một cách hòa bình. Nhưng trên tất cả, một khi các tầu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Jin được đưa vào sử dụng, sự thống trị của Trung Quốc đối với Biển Đông sẽ tạo cho các tầu ngầm chiến lược của Trung Quốc sự an toàn cần thiết để di chuyển lặng lẽ từ cảng Sanya đến các khu vực triển khai của chúng mà không có rủi ro bị phát hiện bởi bất kỳ phương tiện giám sát nước ngoài nào, đặc biệt là của Mỹ. Đó là lý do thứ hai tại sao Trung Quốc muốn Hải quân Mỹ rời khỏi Biển Đông.

 

Trong những điều kiện như thế, Trung Quốc chuẩn bị như thế nào để áp đặt quyền bá chủ của họ đối với vùng biển này và buộc Mỹ phải rời khỏi đó?

 

- Đầu tiên họ tìm cách giảm bớt càng nhiều càng tốt sự hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Nam Á, mà đó là một thách thức thực sự. Rất nhiều biện pháp đã được sử dụng.  Biện pháp đầu tiên là thúc đẩy và thực hiện hợp tác kinh tế khu vực giữa các tỉnh miền Nam Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á, thông qua chương trình hợp tác ba nhánh (sáng kiến “Một trục Hai cánh”) là Hành lang kinh tế Nam Ninh - Xinhgapo; Hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và Khu hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng. Biện pháp thứ hai là xây dựng các thỏa thuận tài chính như “Đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai” mà thông qua đó các nước liên quan đồng ý thực hiện các hợp đồng kinh tế (SWAP) bằng đồng Nhân dân tệ. Một biện pháp nữa là kêu gọi Mỹ rời khỏi khu vực.

 

- Thứ hai: Trung Quốc diễn giải Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) theo cách của mình. Nhưng như thế nào?

 

1. Trái với Điều 17, phần II, mục III của UNCLOS, họ từ chối việc qua lại vô hại của hải quân nước ngoài qua vùng lãnh hải của họ trừ khi trước đó các tàu nước ngoài được sự đồng ý từ phía Bắc Kinh.

 

2. Họ có xu hướng áp dụng các quy tắc của vùng lãnh hải cho vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Ít nhất một vụ va chạm với Mỹ là bằng chứng cho điều đó. Đó là trường hợp xảy ra với máy bay do thám US EP-3 Orion ngày 1 tháng 4 năm 2001, khi máy bay Mỹ va chạm với một máy bay đánh chặn J-8 của Trung Quốc. Vụ việc xảy ra cách bờ biển phía Nam của đảo Hải Nam khoảng 70 dặm. Phải nói rằng nó xảy ra không phải trên lãnh hải Hải Nam, mà trên vùng đặc quyền kinh tế của Hải Nam. Vì thế việc bay qua được thực hiện không trái với Luật Biển. Trung Quốc coi nó là trái với Luật Biển.

 

Trái lại, khi Trung Quốc ngăn chặn tàu thăm dò đại dương USS Impeccable từ ngày 5-8/3/2009, họ đã đúng bởi vì tàu của Mỹ đã tiến hành thăm dò cách bờ biển Hải Nam khoảng 87 dặm, tức là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Trong trường hợp đó, Mỹ đã hành xử trái với các điều khoản của UNCLOS, tức là vi phạm Điều 246-2 quy định rằng “nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa phải được thực hiện với sự đồng ý của Nước ven biển” và Điều 240-a quy định “khi tiến hành các nghiên cứu khoa học biển, các nguyên tắc sau đây sẽ được áp dụng: (a) nghiên cứu khoa học biển sẽ được thực hiện chỉ cho các mục đích hòa bình”, mà trường hợp trên chắc chắn không phải thế. Thật vậy, mục tiêu của Impeccable có lẽ là thực hiện các đo đạc hải dương ở chân dốc lục địa của Hải Nam, một khu vực rất đáng quan tâm về quân sự bởi vì nó là khu vực chuyển tiếp tạo ra các điều kiện đặc biệt cho việc truyền âm thanh dưới nước. Và nơi này rất có thể sẽ là hành lang quá cảnh cho các tàu ngầm Trung Quốc hoạt động từ căn cứ Sanya.

 

3. Trung Quốc còn áp dụng quy tắc của đường cơ sở thẳng đối với các quần đảo họ tuyên bố chủ quyền mặc dù quy tắc như vậy chỉ được áp dụng đối với các quốc gia quần đảo (Phần IV của UNCLOS) và không bao giờ được áp dụng đối với các loại quần đảo khác. Bất cứ nước nào có thể được công nhận là có chủ quyền thực sự cuối cùng đối với bất kỳ quần đảo được đòi hỏi đó, sẽ phải áp dụng những chế độ có hiệu lực với chúng, tức là chế độ của các đảo (Điều 121 của UNCLOS). Nhưng trong trường hợp này, chúng ta có thể thấy rằng Trung Quốc đã áp dụng chế độ của quốc gia quần đảo:

 

+ Có hiệu lực đối với các đảo trên quần  đảo Hoàng Sa, như đã được miêu tả trong “Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về đường cơ sở của vùng biển lãnh thổ”, ngày 15 tháng 5 năm 1996.

 

+ Hầu như chỉ áp dụng trong thời điểm hiện nay, đối với quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield, bãi ngầm theo quan niệm của Trung Quốc của Trung Sa qundao và không theo khái niệm địa lý thông thường của bãi ngầm Macclesfield. Thông qua khái niệm Trung Sa qundao, Trung Quốc hợp nhất các bãi cát ngầm Truro và bãi đá ngầm Scarborough, điều tạo cho Trung Quốc khả năng gần như hợp nhất cả một khu vực rộng lớn thành một thực thể duy nhất. Nhưng thực thể đó không hợp lệ bởi vì, thứ nhất, ở đây không có sự liên tiếp địa mạo giữa bãi ngầm Macclesfield và hai thực thể kia, thứ hai, không ai có thể đòi hỏi chủ quyền đối với bãi ngầm Macclesfield bởi vì nó chưa bao giờ nổi lên khi triều lên.

 

- Hậu quả của việc giải thích khác thường như vậy là rất lớn:

 

+ Điều đó cho phép Trung Quốc thể hiện rằng chín đường đứt khúc là đường nằm giữa những gì Trung Quốc coi là lãnh thổ hải đảo của họ và các nước lân cận ở vùng Biển Đông.

 

+ Nếu như giải thích như thế được quốc tế công nhận:

(i) Điều đó có nghĩa là một quốc gia nào đó vì thế có thể đòi hỏi quyền đối với đại dương, điều đi ngược lại với Điều 89 của UNCLOS mà quy định rõ ràng rằng “không nhà nước nào có cơ sở hợp lệ để chiếm hữu bất kỳ phần nào của đại dương làm chủ quyền của mình”.

(ii) Điều đó trao cho Trung Quốc khả năng cấm hải quân các nước đi vào cùng biển đó vì, theo những điều kiện nói trên, phần của biển được bao bởi chín đường đứt đoạn sẽ được coi là lãnh hải của Trung Quốc.

 

+ Hậu quả là điều đó sẽ tạo cho Trung Quốc khả năng cấm việc đi qua Hoàng Sa – đường Trung Sa qundao đối với hải quân nước ngoài với kết quả là tàu ngầm của Trung Quốc, đi theo lộ trình hướng Đông từ căn cứ Sanya, có thể đi một cách an toàn đến các khu vực triển khai của chúng, hoặc trong khu vực sâu hơn ở phía Bắc của Biển Đông hay trong các khu vực sâu hơn của Biển Đông, trong trường hợp này đi qua bãi ngầm Macclesfield – rãnh cát ngầm Truro.

 

Kết luận

Việc Trung Quốc muốn ưu tiên cho những mối quan tâm chiến lược của mình là có thể hiểu được bởi vì tất cả các nước trên thế giới đều làm như thế, nhưng cũng có thể hiểu được và là hợp hiến việc một nước nào đó khác, có lợi ích ở vùng biển đó, dù họ là các nước Đông Nam Á hay là nước Mỹ hay là bất kỳ nước nào khác trên thế giới, muốn được chia sẻ bình thường vùng biển này một cách nghiêm chỉnh bằng cách thực hiện tuân thủ các quy tắc của Công ước Liên hợp quốc về luật biển, và bằng cách đó tôn trọng chữ ký của mình khi đồng ý tuân thủ Công ước. Và nếu các cuộc đối thoại song phương và đa phương không thể dẫn đến kết quả nào thì ở đây có hai cơ quan có thể giải quyết các vấn đề khác nhau, cái này sau cái kia, bằng việc đưa các trường hợp tranh cãi hoặc ra Tòa án quốc tế về Luật Biển ở Hamburg hay ra Tòa án Tư pháp Quốc tế ở La Hay.

 

Tướng (nghỉ hưu) Daniel Scheaffer

Trung tâm nghiên cứu châu Á 21 của Pháp, Nguyên tùy viên quân sự Pháp tại Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc

 

Bản quyền thuộc NCBĐ

Tải bản PDF tại đây