Bộ Quốc phòng Ôxtrâylia xác nhận chiến hạm HMAS Warramunga đã hoàn tất cuộc tập trận bắn đạn thật đầu tiên hết sức thành công với khu trục hạm Lạc Dương của Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hôm 23/9 ở ngoài khơi bờ biển Thanh Đảo, thuộc tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. Ngoài ra, tàu HMAS Warramunga còn tiếp tục diễn tập với tàu của Trung Quốc các tình huống giả định mới, bao gồm các chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn phối hợp với sự tham gia của máy bay lên thẳng. 


Tư lệnh Hải quân Ôxtrâylia, Đô đốc Russ Crane cho rằng đây là một trong những cuộc diễn tập chung phức tạp nhất với Trung Quốc. Giới phân tích đánh giá sự hiện diện của chiến hạm HMAS Warramunga cùng với thuỷ thủ đoàn nhằm nhấn mạnh sự hợp tác nhiều hơn giữa hai nước. 


Chỉ huy trưởng chiến hạm HMAS Warramunga, Trung tá Bruce Legge đánh giá đây là một cách hiệu quả để xây dựng lòng tin và tăng cường quan hệ hữu nghị giữa quân đội hai nước, đồng thời cho rằng chẳng có gì phải bận tâm khi đồng minh truyền thống của Ôxtrâylia là Mỹ không được mời tham gia cuộc tập trận này. 


Theo các nhà phân tích thì do Trung Quốc đang gây căng thẳng với cả Mỹ, Nhật Bản và khối ASEAN vì các vấn đề liên quan đến biển Hoa Đông và biển Đông nên đã tìm cách "ve vãn" Ôxtrâylia để phá vỡ thế cô lập, cho dù trong Sách Trắng Quốc phòng 2009, Ôxtrâylia đã nêu Trung Quốc là một mối đe dọa chính. 

Tháng Tư vừa qua, Ôxtrâylia đã ký Hiệp ước hợp tác quốc phòng Ôxtrâylia - Nhật Bản (ACSA) với mục đích nâng cao sự hợp tác giữa lực lượng quốc phòng hai nước trong nỗ lực cứu trợ, gìn giữ hòa bình hay cứu trợ nhân đạo. Theo đó, lực lượng quốc phòng của hai nước có thể chia sẻ cho nhau các dịch vụ và các nguồn tiếp liệu, bao gồm thực phẩm, nhiên liệu, nước, phương tiện chuyên chở, liên lạc, dụng cụ quân y và hỗ trợ huấn luyện. Tuy nhiên, Hiệp ước ACSA không nhắm đến việc trao đổi hay cung cấp đạn dược và vũ khí. 


Từ năm 1954, quân đội Nhật Bản mang tên "Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản" bao gồm ba binh chủng không quân, lục quân và hải quân. Sau thập niên 1990, khi Liên Xô sụp đổ thì nguy cơ bị tấn công từ phía Bắc là không còn, nhưng Nhật Bản vẫn đối diện với sự đe dọa thường xuyên của Bắc Triều Tiên. 


Trong thời gian gần đây, với thái độ gây hấn công khai của Trung Quốc, quân đội Nhật Bản đã thay đổi chiến lược chuyển sang tấn công chứ không còn giữ thế phòng thủ như trước. Hướng phát triển quân đội Nhật Bản chủ yếu tập trung vào giảm số lượng nhưng tăng chất lượng, thiết bị, tăng khả năng cơ động, mở rộng phạm vi hoạt động, tăng cường hợp tác với Mỹ. Ngoài ra, Tôkyô cũng đẩy nhanh các biện pháp củng cố an ninh, phòng ngừa, công khai về quốc phòng qua các hoạt động, diễn đàn chung về an ninh, giải trừ quân bị, trao đổi quân sự với các nước trong và ngoài khu vực. 


Quân đội Nhật Bản được đánh giá là một lực lượng quân sự có thực lực trên thế giới. Với ngân sách quốc phòng 50 tỷ USD/năm (kể cả chi phí cho quân đội Mỹ tại Nhật Bản), đứng thứ ba chỉ sau Mỹ (400 tỷ USD) và Trung Quốc (khoảng 80 tỷ USD), xếp trên cả Nga (15 tỷ USD). Từ tài khoá 2002, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản đã vượt con số 1% GDP. Những động thái gia tăng binh lực của Nhật Bản, đặc biệt là những "va chạm" trên biển gần đây giữa hai bên, đã khiến Trung Quốc ngày càng lo ngại trước nguy cơ bị cô lập và tìm cách phá vỡ thế bao vây qua việc "chèo kéo" Ôxtrâylia, một cường quốc hạng trung nhưng nằm ở tít xa tận Nam bán cầu và ít có nguy cơ xung đột trực tiếp về lợi ích trên biển với Trung Quốc. 


Trong khi đó, Ôxtrâylia hiện rất chú ý đến tình hình an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là những căng thẳng tại Biển Đông. Cách đây hai tuần, Chính phủ Ôxtrâylia đã quyết định tăng 5% ngân sách quốc phòng trong tài khoá 2010-2011. Nếu trong năm 2009-2010, ngân sách quốc phòng là 24,4 tỷ AUD thì năm tới tài khoá sẽ là 25,7 tỷ AUD. 


Trong việc gia tăng ngân sách này, Ôxtrâylia chú trọng đặc biệt đến việc củng cố sức mạnh hải quân và không quân để làm chủ mặt biển và không phận trên mặt biển. Ngân sách quốc phòng mới dự chi khoảng 6,08 tỷ AUD cho việc mua sắm vũ khí và trang thiết bị quân sự, trong đó 3,5 tỷ AUD được dành để chi trả cho việc mua 24 trực thăng chống tàu ngầm, thay thế cho 16 trực thăng S-70B Seahawk đã hết hạn sử dụng. Còn 218 triệu AUD sẽ được dùng để mua máy bay không người lái. Các nguồn tin cho biết Ôxtrâylia đã đặt mua máy bay không người lái UAV Shadow 200 của Mỹ. 


Bên cạnh đó, Ôxtrâylia sẽ dành 1,1 tỷ AUD để mua trang thiết bị bảo vệ cho các binh sĩ đang triển khai tại chiến trường Ápganixtan. Số tiền này dự tính được chi trong giai đoạn 2010-2013, trong đó năm 2010 là 437 triệu AUD. Số tiền còn lại sẽ được dùng để mua các tuần dương hạm mới. 


Song song với việc tăng ngân sách, Bộ Quốc phòng Ôxtrâylia sẽ tiếp tục thực hiện chương trình cắt giảm chi tiêu đã khởi sự từ năm 2009, hướng đến mục tiêu tiết kiệm số tiền 20,6 tỷ AUD vào năm 2019, tương đương 8,5% ngân sách quốc phòng chung trong cả giai đoạn nói trên. Trong tài khoá 2009-2010, Bộ Quốc phòng Ôxtrâylia đã tiết kiệm được 797 triệu AUD và trong tài khoá tới dự trù sẽ tiết kiệm được không dưới 1 tỷ AUD. Số tiền có được do tiết kiệm chi tiêu sẽ được dùng vào đầu tư mua sắm vũ khí và khí tài quân sự, phục vụ chương trình hiện đại hoá quân đội để sẵn sàng đối phó với những thách thức đang nổi lên trong tình hình chiến lược mới, như đã đề ra trong Sách Trắng Quốc phòng 2009. 


Theo đánh giá, việc Ôxtrâylia ký kết hiệp định hợp tác quốc phòng với Nhật Bản đã khiến Trung Quốc lo ngại. Trong thời điểm hiện nay, giới chiến lược tại Bắc Kinh cho rằng họ phải tự kiềm chế, không nên có hành động phiêu lưu quân sự tại Biển Đông, được coi là lý do tiên quyết thúc đẩy các quốc gia trong khu vực thành lập khối "NATO Thái Bình Dương" để chống lại Trung Quốc. 


Các chuyên gia cho rằng một khi Trung Quốc có hành động gây hấn tại Trường Sa thì dư luận và báo chí Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước phương Tây khác sẽ đứng về phía Việt Nam. Có thể Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ hỗ trợ tình báo cho Việt
Nam . Bên cạnh đó, Ôxtrâylia cũng không thể khoanh tay vì Sách Trắng Quốc phòng của nước này đã nhấn mạnh đến Biển Đông thuộc phạm trù "lợi ích biên cương". 


Nếu Trung Quốc có hành động quân sự trên biển Đông sẽ khiến các lực lượng hay các khối liên minh khác có lý do hành động từ trên xuống và từ dưới lên. Ở bên trên, Hải quân Nhật Bản có lý do để tiến sâu về phía
Nam và Mỹ sẽ có lý do để thiết lập căn cứ hải quân mới tại Biển Đông. 


Từ dưới có Ôxtrâylia bị ràng buộc bởi "Hiệp ước phòng thủ Mỹ - Xinhgapo - Ôxtrâylia". Kể từ năm 1995 trở đi thì Mỹ, Ôxtrâylia và sáu nước ASEAN là Philíppin, Thái Lan, Xinhgapo, Malaixia, Inđônêxia và Brunây thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận "Karat". Đây chưa phải là đồng minh, nhưng nếu Trung Quốc "ra tay" thì chắc chắn khối 8 nước này sẽ củng cố thành một khối quân sự./. 

Theo The Canberra Times;