Trung Quốc, Mỹ tranh giành ảnh hưởng tại Indonesia (World Politics Review): Trong cuộc chiến nhằm tăng vị thế tại khu vực Đông Nam Á , Trung Quốc và Mỹ đều đang cố tranh giành ảnh hưởng tại Indonesia. Cả Mỹ và Trung Quốc gần đây đều đã mở rộng các lĩnh vực hợp tác truyền thống với Indonesia từ thương mại, FDI, hỗ trợ kỹ thuật sang lĩnh vực hợp tác thiết bị quân sự và quốc phòng.

 

Năm 2005, Trung Quốc và Indonesia công bố “đối tác chiến lược”, đánh dấu bước đột phá trong quan hệ 2 nước. Theo đó, quan hệ song phương được mở rộng trên lĩnh vực chính trị, văn hóa, an ninh quân sự. Đặc biệt, nó cho phép 2 nước có thể hỗ trợ lẫn nhau nhằm phát triển nền công nghiệp quốc phòng, thiết lập cơ chế tư vấn quân sự và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật cũng như ngành tình báo của mỗi nước trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa an ninh xuyên biên giới.

 

Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2005 của TTh Indonesia, 2 nước đã ký một bản ghi nhớ về hợp tác công nghệ quân sự nhằm phát triển tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Jakarta cũng đặt hàng Trung Quốc tên lửa chống tầu loại YJ-82/C-802 trị giá 11 triệu USD. Năm 2006, 2 nước bắt đầu các cuộc đàm phán về tư vấn an ninh quốc phòng.

 

Tháng 3/2007, lần đầu tiên trong vòng 12 năm, Trung Quốc cử 2 tàu chiến thăm Indonesia. Một bản dự thảo về hợp tác quân sự được ký kết sau cuộc gặp lần 2 về tư vấn an ninh quốc phòng giữa 2 nước, bao gồm cả hợp tác công nghệ quân sự, trao đổi sinh viên quân sự và khả năng Trung Quốc bán thêm vũ khí cho Indonesia.

 

Tháng 1/2008, 2 nước đồng ý tăng cường hợp tác của ngành công nghiệp quốc phòng nhằm cùng phát triển thiết bị vận chuyển vũ khí và máy bay. Một công ty Trung Quốc cũng đã ký với một công ty Indonesia cùng phát triển một loại bệ phóng tên lửa cùng đạn dược.

 

Tuy nhiên, các động thái trên của Trung Quốc chưa có các kết quả rõ rệt. Trao đổi quân sự Trung Quốc - Indonesia vẫn khá hạn chế. Indonesia chưa có các đơn đặt hàng lớn các thiết bị quân sự từ Trung Quốc.

 

Một trong những nguyên nhân là do những nỗ lực của Mỹ nhằm khôi phục quan hệ với Indonesia. Mặc dù nền tảng mới được thiết lập vài năm, tốc độ mà Mỹ tiến hành trong việc phục hồi quan hệ với Indonesia đã thu được những kết quả đáng chú ý trong vòng 12 tháng qua.

 

Tháng 3/2010, Mỹ đã cử đội hỗ trợ kỹ thuật thuộc Không quân Mỹ đến Indonesia nhằm đánh giá công tác an toàn và bảo dưỡng các máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất đang được không quân Indonesia sử dụng. Đến tháng 6, Hiệp định khung về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng đã được ký kết, theo đó tăng cường hơn nữa việc hợp tác sẵn có giữa 2 nước trong lĩnh vực quốc phòng.

 

Cũng trong tháng 6, ĐSQ Mỹ tại Indonesia đã thông báo khoản tài trợ trị giá 56 triệu USD cho việc sản xuất hệ thống rada cho vùng ven biển và tàu chiến tại Trung tâm chỉ huy hàng hải khu vực Batam.

 

Tháng 7, ĐSQ Mỹ cho biết BQP Mỹ đang cho triển khai hàng loạt các đề nghị của Indonesia về dịch vụ và trang bị. Mỹ cũng khẳng định mong muốn trở thành nhà cung cấp trang thiết bị quân sự chủ yếu cho Indonesia.

 

Kể từ sau khi bãi bỏ lệnh cấm vận quân sự, Indonesia nhận được 1 triệu USD từ chương trình tài trợ quân sự nước ngoài (FMF) của Mỹ năm 2006. Năm 2010, con số đó đã lên tới 20 triệu USD.

 

BTQP Mỹ Gates cũng đã loan báo việc dỡ bỏ lệnh cấm hợp tác đối với lực lượng Kopassus (thuộc quân đội Indonesia). Đây là lệnh cấm vận quân sự cuối cùng của Mỹ đối với Indonesia.

 

Một số đồn đoán cho rằng TTh Indonesia sẽ đề nghị Mỹ tăng khoản tiền tài trợ FMF dành cho Indonesia nhân chuyến thăm nước này của TTh Mỹ Obama vào cuối năm 2010.

 

 

 

 

 

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)