18/10/2019
Đông Nam Á đối mặt với nhiều khó khăn khi chứng kiến sự biến động của chính họ ở trong và ngoài nước - kết quả trực tiếp của việc một nước Trung Quốc nổi lên tại lục địa châu Á vào năm 1949, có khuynh hướng muốn khẳng định tầm ảnh hưởng.
Cuộc cạnh tranh siêu cường thời Chiến tranh Lạnh, mối quan hệ “bấp bênh” với người Trung Quốc địa phương và chính trị nội địa bị chia rẽ bởi ý thức hệ mong manh... đã cản trở việc quản trị mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Điều này gây khó khăn cho việc xây dựng các quốc gia kết nối và các nền kinh tế hiện đại vào thời kỳ cuối của kỷ nguyên thuộc địa châu Âu.
Mối quan hệ đầy thách thức của Trung Quốc với Đông Nam Á chỉ bắt đầu thay đổi vào đầu thập niên 1970, lần đầu tiên bằng cuộc hòa hoãn Trung-Mỹ và lần thứ hai với sự ra mắt của nhà lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình, người ban hành chính sách kinh tế mở cửa. Bắc Kinh đã từ bỏ các học thuyết chính sách đối ngoại gây tranh cãi như mặt trận thống nhất với các đảng cộng sản nước ngoài và “các phe thứ ba” đối lập với cả hai cường quốc Nga và Mỹ. Chủ nghĩa thực dụng kinh tế của Đặng Tiểu Bình và quan hệ hợp tác liên tục của ông với Mỹ đã thiết lập một nền tảng mới cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc và quan hệ ngoại giao với Đông Nam Á.
Cho đến nay, câu chuyện của 70 năm trước về các mối quan hệ của Trung Quốc với một khu vực có tầm quan trọng chiến lược to lớn đối với Bắc Kinh vẫn còn bao hàm đồng thời cả cơ hội và sự e ngại. Nhiều thế hệ lãnh đạo ở Đông Nam Á đã được Bắc Kinh “khai hóa” để nhận ra những tiềm năng kinh tế và chiến lược to lớn của Trung Quốc. Họ cũng không quên những ký ức và lo ngại kéo dài về cách mà Trung Quốc đã sử dụng hay lạm dụng quyền lực của mình. Và họ cũng đã được chứng kiến cả tài năng của hệ thống chính trị Trung Quốc cũng như việc nhân dân nước này vừa ngưỡng mộ, vừa sợ hãi.
Bắc Kinh, trong suốt con đường của mình, đã thành công khi duy trì chính sách ngoại giao khu vực. Trung Quốc đã tận hưởng những khoảnh khắc quyền lực của mình như trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khi từ chối phá giá đồng nhân dân tệ (NDT), giải vây áp lực cho đồng baht của Thái Lan và đồng rupiah của Indonesia, hay vào đầu những năm 2000, khi các “cuộc tấn công quyến rũ” dưới thời Chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cho thấy Trung Quốc lúc đó đã nhấn mạnh sự tôn trọng chủ quyền đối với các quốc gia ASEAN, ký hiệp ước giao hảo và hợp tác, và bắt đầu đàm phán về bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Nước này cũng từng bị lôi kéo vào một loạt cuộc xung đột với các nước có lịch sử, văn hóa và lợi ích quốc gia rất khác biệt. Rắc rối không phải lúc nào cũng do Trung Quốc tạo ra. Trong vài tháng tận hưởng chiến thắng ngoại giao của Trung Quốc, giữa cuộc khủng hoảng tài chính, Ngoại trưởng Trung Quốc khi đó là Đường Gia Triền đã đưa ra một cảnh cáo thẳng thừng cho Indonesia về việc cố tình nhằm mục tiêu vào người dân tộc thiểu số Trung Quốc trong các cuộc bạo loạn xảy ra vào tháng 5/1998, bằng cách nhấn mạnh nó đã gây ra “sự phẫn nộ trong cộng đồng người Trung Quốc trên toàn cầu”.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng thường xuyên bị cáo buộc là đã đi quá xa, những vi phạm của Trung Quốc là quá thường xuyên. Không có vấn đề chiến lược nào tại Đông Nam Á trong vòng vài năm gần đây quan trọng hơn các tuyên bố đơn phương của Trung Quốc vào năm 2009 về chủ quyền đối với hơn 80% Biển Đông. Điều này không chỉ là một lời tuyên bố đã gây phẫn nộ, mà còn là những gì mà quốc gia này cho rằng thuộc về uy lực của các phán quyết chiến lược của Bắc Kinh và cách mà Trung Quốc sẽ hành xử khi trở nên mạnh mẽ hơn về quân sự và kinh tế. Trung Quốc đang dần thâu tóm khả năng quân sự để giải phóng nguồn sức mạnh trên các tuyến đường biển quan trọng ở Đông Nam Á, bằng cách xây dựng các căn cứ ở Biển Đông. Đối với các quốc gia quần đảo, vốn coi việc kiểm soát đường thủy là sự gắn kết nội tại của quốc gia và là tư tưởng về chủ quyền, thì đây là một vấn đề nhạy cảm.
Trong bối cảnh đó, những hành động phô trương quân sự của Trung Quốc trong cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình, có thể là niềm tự hào của Trung Quốc, nhưng cũng gây ra sự khó chịu cho các quốc gia láng giềng. Điều này cho thấy một khoảng cách rất lớn giữa những lời nói hoa mỹ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong vòng vài năm gần đây và những hành động của họ. Nhiều người chia sẻ điều này, nhưng họ thấy bất lực khi chẳng thể làm được gì nhiều. Malaysia bất bình về hành xử của Bắc Kinh với người Ngô Duy Nhĩ và cộng đồng người Hồi giáo ở Trung Quốc cũng như việc các tàu khảo sát của Trung Quốc thường xuyên xâm phạm những nơi mà Kuala Lumpur coi là vùng biển quốc gia. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương, ngay trước lễ kỷ niệm của Trung Quốc, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói: “Chúng tôi không có ý định gây hấn khi chúng tôi không có đủ năng lực, vì vậy, chúng tôi sử dụng những phương thức khác”. Trong “một đòn tấn công khôn khéo” ở Bắc Kinh, ông Mahathir đã ám chỉ đến thời vua chúa Trung Quốc, các hoàng đế thường yêu sách cống nạp những vật phẩm dưới dạng “hoa vàng và bạc hàng năm như một biểu tượng về việc chúng ta phụ thuộc vào họ”.
Tập Cận Bình đã cam kết can dự hòa bình và vì lợi ích chung khi hợp tác với Đông Nam Á trong một “cộng đồng cùng chia sẻ lợi ích và vận mệnh chung”. Phần lớn cam kết đó được xây dựng dựa trên sức hút thương mại và đầu tư Trung Quốc. Với giá trị thương mại hai chiều đạt 588 tỷ USD, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đông Nam Á. Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại rằng kinh tế có thể trở thành đòn bẩy để Bắc Kinh để theo đuổi tham vọng chiến lược của mình. Trên toàn khu vực, các chính phủ đang xây những rào chắn chống lại sự phụ thuộc vào thị trường và nguồn vốn của Trung Quốc. Ngay cả khi các nước này ký kết tham gia dự án cơ sở hạ tầng theo sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, họ vẫn tạo ra rủi ro bằng cách chào mời các quốc gia khác tham gia các khoản đầu tư lớn.
Câu hỏi quan trọng là liệu Trung Quốc và Đông Nam Á có thể đạt được sự hiểu biết, đủ để tránh được cạm bẫy của một mâu thuẫn lịch sử có thể lặp lại hay không? Đông Nam Á háo hức đón nhận phiên bản mềm hơn của sức mạnh Trung Quốc so với giai đoạn đầu những năm 2000. Khu vực này hiện không thể tránh khỏi việc phải tạo không gian dành cho một Trung Quốc hùng mạnh hơn, quốc gia mong muốn nhìn thấy trật tự khu vực “dần được điều chỉnh và tái kiến thiết”. Cách mà mọi chuyện đang diễn ra cho thấy những lo ngại tại một khu vực vốn luôn coi trọng quyền tự chủ của mình không kém gì những cơ hội gắn liền với sự giàu có của Trung Quốc. Trung Quốc cũng sẽ phải công nhận rằng nước này đang phục vụ rất nhiều lợi ích cốt lõi của chính mình khi đáp ứng lợi ích của những nước láng giềng phía Nam./.
Tác giả Donald Greenlees là cố vấn cao cấp của Đại học Melbourne và học giả thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng, Đại học Quốc gia Úc. Bài viết đăng trên mạng “Viện Chính sách Chiến lược Úc”.
Hương Trà (gt)
Trung Quốc cũng có lợi thế hơn Mỹ trong lĩnh vực phát triển thị trường số ASEAN. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế số, có thể giúp Trung Quốc và ASEAN cùng xây dựng các tiêu chuẩn thương mại số, đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - ASEAN...
Bộ Tứ có thể tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh nhưng khó đem lại kết quả thực chất nếu thiếu tầm nhìn chiến lược rõ ràng và chương trình nghị sự phù hợp.
Trung Quốc không muốn đưa khu vực biên giới với Ấn Độ trở về trạng thái trước xung đột, ngăn cản Ấn Độ vươn lên trên trường quốc tế, coi Ấn Độ là đối tượng dễ bị cưỡng ép. Mặt khác, dù chính phủ Ấn Độ vẫn thận trọng tiếp cận vấn đề Eo biển Đài Loan tại các diễn đàn quốc tế, nhưng mối quan hệ hai bên...
Truyền thông Trung Quốc gần đây đăng bài viết tựa đề “Chiến lược mơ hồ hay chiến lược rõ ràng: Thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ về vấn đề Đài Loan” của tác giả Chen Feng, biên tập viên báo Người Quan sát. Bài báo kết luận, chính sách mơ hồ về vấn đề Đài Loan không phải do Mỹ chủ động lựa chọn, mà là sự...
Khi cạnh tranh Mỹ - Trung trở nên căng thằng, có thể sẽ xảy ra những cuộc chiến ủy nhiệm ở những mức độ khác nhau trên khắp châu Á.
Ngày 14/5/2021, Đại học Thanh Hoa Trung Quốc phối hợp cùng Đại học Bắc Kinh và Đại học Nhân dân tổ chức tọa đàm với chủ đề “Trật tự quốc tế thời kỳ hậu Covid”. Tại tọa đàm, Giám đốc Cơ sở trao đổi nhân văn Trung - Mỹ, Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh Giả Khánh Quốc đã có bài phát biểu về 3...