02/10/2023
Thúc đẩy một Bộ Quy tắc ứng xử cho các hoạt động hàng hải ở Đông Nam Á không chỉ giúp đạt được hòa bình và an ninh một cách toàn diện trong toàn bộ các vùng biển ở Đông Nam Á mà còn giúp thúc đẩy tính trung tâm của ASEAN trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như được nêu trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Từ COC đến Bộ Quy tắc ứng xử cho các hoạt động trên biển ở Đông Nam Á
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 và các cuộc gặp liên quan tại Jakarta, Indonesia, hai tiến bộ quan trọng đã đạt được liên quan đến quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông, hay COC, đã được công bố. Trước hết, lần đọc thứ hai của Dự thảo Văn kiện đàm phán duy nhất đã được hoàn thành. Thứ hai, một bộ Hướng dẫn thúc đẩy việc sớm hoàn thành một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông được thông qua tại Hội nghị PMC 10+1 giữa ASEAN và Trung Quốc. Thực chất, đây là những tiến bộ về mặt thủ tục (và có thể là chính trị) nhiều hơn là tiến bộ về mặt nội dung.
Với việc quá trình đàm phán COC bị kéo dài, bài bình luận này đề xuất các Quốc gia Đông Nam Á có thể xem xét thúc đẩy, song song với tiến trình COC, việc phát triển và ký kết một công cụ khác và mở rộng hơn nhằm quản lý toàn bộ các hoạt động trên biển của tất cả các bên liên quan trong tất cả các vùng biển của Đông Nam Á. Đó là “Bộ Quy tắc ứng xử cho các hoạt động trên biển ở Đông Nam Á”. Mục đích, phạm vi áp dụng, nội dung và phương thức đám phán của công cụ mới sẽ được giải thích dưới đây.
Một Bộ Quy tắc với phạm vi rộng hơn
Mục đích của COC giữa các Quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc là nhằm đạt được một môi trường hòa bình, thân thiện và hòa hợp ở trên Biển Đông. Tuy nhiên, Biển Đông không phải là vùng biển duy nhất ở Đông Nam Á và Trung Quốc hiện giờ không còn là quốc gia duy nhất có Hải quân hoạt động trên các vùng biển ở Đông Nam Á nữa. Vì thế, nếu các quốc gia Đông Nam Á muốn duy trì hòa bình, thân thiện và hòa hợp một cách toàn diện trên toàn bộ phạm vi các vùng biển của Đông Nam thì có thể xem xét việc thúc đẩy một văn kiện áp dụng cho toàn bộ các vùng nước xung quanh khu vực và mở cho toàn bộ các quốc gia sử dụng các vùng nước này tham gia. Như vậy, phạm vi địa lý của Bộ Quy tắc ứng xử mới có thể là toàn bộ các vùng biển thuộc quyền tài phán của các quốc gia Đông Nam Á, tức là không chỉ vùng Biển Đông mà cả các khu vực thuộc Biển Philippine, Biển Sulu-Celebes, Biển Bandar, Biển Arafura, Biển Timor, Eo biển Malacca và Singapore, và biển Adaman. Thành viên tham gia Bộ Quy tắc có thể bao gồm, ngoài các quốc gia Đông Nam Á, tất cả các quốc gia hiện đang hoạt động trong các vùng biển này, bao gồm cả Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Vương quốc Anh, Liên minh Châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và bất kỳ quốc gia nào có kế hoạch hoạt động ở đó.
Với các nội dung tương tự
Nhiều nội dung của COC có thể được tái khẳng định trong Bộ Quy tắc ứng xử cho các hoạt động trên biển ở Đông Nam Á. Mặc dù đàm phán COC chưa kết thúc, một số nguyên tắc được công nhận trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 chắc chắn sẽ được nêu lại trong COC. Đó là cam kết tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, Hiệp định Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Năm nguyên tắc chung sống hòa bình và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế khác được chấp nhận rộng rãi là tiêu chuẩn cơ sở quản lý quan hệ giữa các quốc gia với nhau; tôn trọng và cam kết với tự do hàng hải và tự do hàng không; và cam kết giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Các nguyên tắc này có giá trị phổ quát nên có thể được áp dụng cho tất cả các vùng biển, dù có tranh chấp hay không, và cho tất cả các quốc gia. Một nội dung khác cần phải có mặt trong cả COC và Bộ Quy tắc ứng xử cho các hoạt động trên biển ở Đông Nam Á là một cơ chế đảm bảo tuân thủ mạnh mẽ để đảm bảo sự tôn trọng của các điều khoản của văn kiện. Thiếu một cơ chế đảm bảo tuân thủ, cả COC lẫn công cụ mới sẽ phải chịu cùng hạn chế của DOC: tất cả các quốc gia ký kết đều có thể trách quốc gia ký kết khác không tôn trọng các điều khoản của DOC mà không phải lo nghĩ gì đến các động thái của mình.
Và phương thức đàm phán khác
Bộ Quy tắc ứng xử cho các hoạt động trên biển ở Đông Nam Á sẽ không thay thế COC mà nên là một công cụ độc lập và song song với COC vì mỗi văn kiện phục vụ một mục đích khác nhau. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm việc đàm phán COC bị kéo dài quá lâu, các quốc gia Đông Nam Á không nên sử dụng phương thức đàm phán COC cho việc dự thảo và đàm phán văn kiện mới. Thay vào đó, các quốc gia này nên sử dụng cách thông qua TAC năm 1967. Vào thời điểm đó, các Quốc gia thành viên ASEAN đã đàm phán và ký kết Hiệp định này với nhau, sau đó mới mở cho các quốc gia khác ở ngoài Đông Nam Á tham gia. Ngày nay, TAC đã có 51 quốc gia thành viên. Bên cạnh đó, ký kết TAC là điều kiện tiên quyết để một quốc gia thứ ba có thể trở thành đối tác đối thoại của ASEAN.
Theo đó, Bộ Quy tắc ứng xử cho các hoạt động trên biển ở Đông Nam Á cần phải được đàm phán trước hết giữa các Quốc gia thành viên ASEAN. Một khi tất cả các Quốc gia thành viên ASEAN đã ký kết và Bộ Quy tắc chính thức có hiệu lực, văn kiện sẽ được mở cho tất cả các Quốc gia ngoài Đông Nam Á tham gia. Ngoài ra, tư cách thành viên của Bộ Quy tắc có thể trở thành một điều kiện tiên quyết để tham gia các diễn đàn liên quan đến các vấn đề trên biển của ASEAN (như Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng). Chiến thuật này có thể giúp các Quốc gia Đông Nam Á ưu tiên các lợi ích của mình trước mà không phải tiến hành các cuộc đàm phán dài lê thê đối với các nội dung phức tạp trong văn kiện.
Thúc đẩy một Bộ Quy tắc ứng xử cho các hoạt động hàng hải ở Đông Nam Á không chỉ giúp các Quốc gia Đông Nam Á cố gắng đạt được hòa bình và an ninh một cách toàn diện trong toàn bộ các vùng biển ở Đông Nam Á mà còn giúp thúc đẩy tính trung tâm của ASEAN trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như được nêu trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương./.
Hải Đăng
Ngày 08/7/2024, tại cuộc họp 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng giữa Nhật Bản và Philippines tại Manila, hai nước đã ký Hiệp định Tiếp cận quân sự tương hỗ (RAA). Đây là thỏa thuận RAA đầu tiên Philippines ký với nước khác và là RAA đầu tiên Nhật Bản ký với một nước Đông Nam Á cũng là RAA thứ...
Ngày 17/6, lực lượng tác chiến đặc biệt và lực lượng cứu hộ dân sự Philippines đã sử dụng một tàu vận tải, 5 xuồng cao su tốc độ cao để tiếp tế cho binh lính đồn trú trên tàu Sierra Madre nằm cạn tại Bãi Cỏ Mây. Trước diễn biến này, Trung Quốc cũng dùng các tàu, xuồng của lực lượng hải cảnh để ngăn chặn,...
Việt Nam có thể xem xét tham gia các tuyến cáp quang biển kết nối đầu từ xây dựng tuyến cáp quang mới kết nối với Sydney và Chennai, xây dựng một tuyến dây cáp quang ven biển nội bộ, và xây dựng liên doanh giữa các doanh nghiệp cáp quang biển Việt Nam.
Dự báo trong thời gian tới, Campuchia sẽ thúc đẩy quan hệ với Mỹ, đồng thời tiếp tục duy trì và đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc. Song, Campuchia sẽ cần khéo léo trong đường lối đối ngoại để có thể vừa tối đa hóa lợi ích quốc gia, vừa cân bằng được quan hệ với Mỹ-Trung.
Lễ nhậm chức của nhà cầm quyền Đài Bắc Lại Thanh Đức diễn ra ngày 20/5/2024 vừa qua đang thu hút sự quan tâm của dư luận về triển vọng quan hai bờ, quan hệ Mỹ - Đài cũng như những điều chỉnh chính sách của Đài Bắc đối với khu vực.
Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức ngày 20/5, tân lãnh đạo Đài Bắc Lại Thanh Đức nhắc tới Trung Quốc tổng cộng 7 lần. Điểm đáng chú ý là ông Lại công khai chỉ trích hoạt động “vùng xám” của Trung Quốc, cho rằng“các hành động quân sự và hành động vùng xám của Trung Quốc bị coi là các thách thức chiến...