(Phần 1; Phần 2)

 

Trong tay của Trung Quốc?

Những nhận thức trên đây không tồn tại trong chân không, nó được chứng minh bởi sự tăng lên kỷ lục những người Ấn Độ tin rằng Trung Quốc đặt ra một mối đe doạ trong giai đoạn 2005 và 2010 và bởi việc giảm đi mạnh mẽ về số người có quan điểm tốt về Trung Quốc chỉ riêng trong năm qua. Những nhận thức đó cũng không phải là sản phẩm của các ý thức hệ cứng nhắc hoặc sự liên kết đảng phái. Chúng bị ảnh hưởng bởi trạng thái cụ thể trong quan hệ Trung-Ấn, vốn bản thân gần đây đã thể hiện đặc điểm quyết đoán của Trung Quốc. Trên thực tế, nhân tố quan trọng nhất quyết định Ấn Độ sẽ nhìn nhận Trung Quốc như thế nào trong những năm tới có lẽ là Trung Quốc sẽ xa rời đến đâu từ chính sách “trỗi dậy hoà bình” mà nước này lâu nay vẫn kiên trì (sau này đã được sửa thành “phát triển hoà bình”). Năm 2010, Trung Quốc dường như đã đi được một bước rất quan trọng. Vào mùa hè, Bắc Kinh làm kinh ngạc cả thế giới khi nước này tuyên bố rằng biển Đông tạo nên “lợi ích cốt lõi,” điều đã tác động gây leo thang căng thẳng cho những xung đột biên giới với rất nhiều các quốc gia Đông Nam Á xung quanh. Vào tháng 9, khi Nhật Bản bắt giữ một ngư dân Trung Quốc ở biển Hoa Đông, đe doạ xét xử ngư dân này theo pháp luật Nhật bản thì Trung Quốc đáp trả với sự giận dữ lớn. Nước này đình chỉ việc xuất khẩu đất hiếm, loại khoáng sản mà nước này nắm giữ 97% trữ lượng của thế giới và huỷ bỏ rất nhiều chuyến viếng thăm. Trung Quốc cũng từ chối buộc tội Bắc Triều Tiên trong một trận tấn công bằng ngư lôi đẫm máu vào một con tàu của Hàn Quốc vào tháng 3 năm 2010, và sau đó từ chối tìm cách khuất phục đồng minh khi nước này bắn phá một hòn đảo Hàn Quốc.

Nhưng sự bạo dạn của Bắc Kinh trên thực tế lại bắt đầu sớm hơn. Sự kiện đảo Hải Nam năm 2001, khi đó Trung Quốc buộc một máy bay do thám của Mỹ đang hoạt động trên không phận quốc tế phải hạ cánh khẩn cấp (trên đảo Hải Nam – ND) và bắt giữ phi hành đoàn, là mối quan ngại không chỉ với Washington mà còn với các nước láng giềng của Trung quốc, những nước đã đọc được tín hiệu rằng Bắc Kinh sẽ sẵn sàng đi theo đường lối diều hâu cứng rắn trong các cuộc tranh chấp. Năm 2006, một tàu ngầm của PLA trồi lên gần hàng không mẫu hạm USS Kitty Hawk của Mỹ, một sự vụ mà một vài người trong Hải quân Ấn Độ nhìn nhận với hồi chuông báo động. Giống như vậy, một cuộc thử nghiệm chống vệ tinh của Trung Quốc vào tháng 1 năm 2007, dù rõ ràng có ý định là nhắm vào điểm yếu của quân đội Mỹ, lại cũng gây hoang mang trong các quan chức cấp cao Ấn Độ.

Những động thái hung hăng này của Trung Quốc làm nới lỏng “nguồn cung” các đối tác cân bằng cho Ấn Độ, đẩy các quốc gia Đông Nam Á cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc vào cam kết hợp tác quốc phòng lớn hơn với Delhi. Tháng 11 năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đã thực hiện một chuyến thăm được công bố công khai đến Việt Nam, nước mà quan hệ với Delhi đã được mở rộng rõ rệt. Cũng quan trọng như vậy, những hành động gần đây của Trung Quốc đã tăng cường sức mạnh cho giới cứng rắn ở Ấn Độ bằng việc hợp pháp hoá những giả định mà dựa trên đó họ xây dựng thế giới quan của mình.

Điều này đặc biệt quan trọng bởi vì, trong nhiều năm, cả Ấn Độ và các cường quốc khu vực khác đã kiềm chế tránh công khai ngăn chặn Trung Quốc vì sợ rằng sẽ kích động Bắc Kinh. Tính toán đó đã thay đổi, và năm 2010 có thể chứng kiến sự thay đổi lớn nhất trong thập kỷ qua. Trung Quốc, bằng việc thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận nguy cơ leo thang và sử dụng thiết bị mới phát minh của mình một cách công khai hơn, đã ra hiệu cho công chúng và giới chiến lược Ấn Độ rằng sẽ phải trả giá rất nhiều trong tương lai nếu không hành động.

Nhận thức của Ấn Độ cũng bị hạn chế nếu xét đến tính dễ tổn thương của nước này. Ấn Độ không có phương tiện để áp đặt việc giải quyết các tranh chấp biên giới, tuy nhiên, rất nhiều đơn vị quân đội tốt nhất của nước này lại được chuyển hướng sang mặt trận Pakistan để canh chừng sự trả đũa của Trung Quốc.

Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc không chỉ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn Ấn Độ rất nhiều mà còn đi trước rất nhiều năm. Khi tình thế này bắt đầu cân bằng, và khi tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ ngang bằng và có lẽ vượt qua Trung Quốc, một mức độ tự tin nhất định mới bộc lộ ra, từ đó đẩy những người thực dụng của Ấn Độ hướng về hợp tác. Theo một báo cáo kịch bản tiềm năng năm 2010 do Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ chuẩn bị, “nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm vài phần trăm, Ấn Độ có thể nổi lên trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2020.” Điều này sẽ cho phép Ấn Độ tăng cường chi tiêu quân sự trong khi đặt ít gánh nặng hơn vào nền kinh tế. Kết quả như vậy dường như khả thi hơn nếu Delhi có thể khởi xướng một vòng cải cách kinh tế mới.

Nhưng nó cũng đòi hỏi Ấn Độ theo đuổi đầu tư cho quân đội với định hướng chính trị và logic chiến lược gắn kết với nhau. Ngày nay, khát vọng phát triển hải quân nhắm vào xây dựng tàu sân bay của Ấn Độ thì khó thực hiện do học thuyết chống xâm nhập, phong toả biển cũng như công nghệ mà Trung Quốc đã mài giũa trong thập kỷ qua để sử dụng chống Mỹ trong xung đột với Đài Loan. Lực lượng không quân Ấn Độ đã mua được những máy bay thượng hạng nhưng mà không hiểu liệu những máy bay này có phù hợp với các cuộc hành quân ở phía đông bắc không, nơi mà, ví dụ máy bay tấn công mặt đất nên được ưu tiên hơn. Quân đội đã làm việc rất vất vả để phát triển một học thuyết chiến tranh hạn chế để chiến đấu trong ngưỡng hạt nhân của Pakistan, nhưng lưc lưọng pháo binh hạng nhẹ của nước này, điều bắt buộc cho các cuộc chiến tranh trên núi kiểu như có thể xảy ra trên đường biên giới tranh chấp với Trung Quốc hay không vẫn còn là quan ngại lớn, khi việc trang bị này còn sa lầy trong các vụ tham nhũng và nạn quan liêu. Nếu không hiện đại hoá thành công, chỉ riêng việc gia tăng chi phí quân sự không thôi khó có thể làm giảm đi sự lo lắng của người Ấn Độ.

Mặc dù sức mạnh của Ấn Độ và sự hung hăng của Trung Quốc dường như là hai chuyện khác nhau, nhưng tất nhiên không có bảo đảm nào rằng sự trỗi dậy của Ấn Độ sẽ không củng cố vị thế cho những người ở Bắc Kinh, những người mà nhìn nhận Ấn Độ như là một mối đe doạ đối với uy thế vượt trội của Trung Quốc ở châu Á. Bởi những tiền lệ về việc các cường quốc trỗi dậy cùng một lúc là rất hiếm và khác biệt, dự đoán hiệu ứng từ những sự tương tác này là một vấn đề lớn trong nghiên cứu. Điều rõ ràng là tương lai thái độ của Ấn Độ với Bắc Kinh nằm trong tay những người ở Bắc Kinh, người mà trong vài năm gần đây đã đẩy chính sách đối ngoại của họ theo hướng vũ trang hơn. Điều này cũng sẽ trở nên rõ ràng hơn với Thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc khi tới thăm New Delhi.

SHASHANK JOSHI, nghiên cứu sinh theo học tiến sĩ tại đại học Harvard

Hằng Ngân (dịch)

Đỗ Thủy (hiệu đính)

Bản  gốc tiếng Anh "Why India Is Becoming Warier of China"

Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.