Tuyên bố của Biden về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có xóa tan quan ngại?

Đỗ Hoàng & Lê Long, Viện Biển Đông

Mảnh ghép còn thiếu cho Chiến lược Ấn - Thái

Sau khi rút khỏi TPP, Chính quyền Trump chủ yếu dựa vào trụ cột quân sự - an ninh và ngoại giao để triển khai Chiến lược Ấn – Thái. Với IPEF, Chiến lược khu vực của Mỹ sẽ trở nên toàn diện hơn khi có thêm trụ cột kinh tế, nhất là khi dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và cạnh tranh nước lớn sâu sắc đặt ra nhu cầu tăng tính cạnh tranh và tự cường của các nền kinh tế khu vực.

Ngoài ra, Mỹ cũng chọn công bố IPEF trong chuyến công du Châu Á đầu tiên của Biden, tại nước đồng minh khu vực số một (Nhật Bản), sau Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN 10 ngày và trước Tuyên bố Thượng đỉnh Quad một ngày. Ngoại trưởng Blinken cũng nhắc đến IPEF trong Tuyên bố về cách tiếp cận Trung Quốc mới ngày 26/5[1]. Động thái này có ý nghĩa biểu tượng to lớn, cho thấy cam kết của Mỹ với khu vực là toàn diện và dài hạn, nhất là khi nhiều ý kiến lo ngại Mỹ khó lòng tập trung vào Ấn – Thái nếu chiến sự Ukraine kéo dài.

Hợp tác mang tính mở

Trước đó, nhiều ý kiến quan ngại khả năng IPEF trở thành công cụ để Mỹ cô lập Trung Quốc, củng cố nhóm thân Mỹ, tăng sức ép chọn bên hay can thiệp nội bộ.

Tuy nhiên, các tuyên bố 23/5 đã khẳng định IPEF không chỉ gói gọn trong 13 nước (Mỹ, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Úc và Việt Nam) mà còn hoan nghênh các nước quan tâm khác. Các nước cũng chưa đàm phán chính thức mà chỉ bắt đầu “tham vấn” hướng tới đàm phán nội dung – quá trình có thể kéo dài 12 - 18 tháng nên các nước khác hoàn toàn có không gian tham dự.

Quan trọng nhất, các nước không nhất thiết phải tham gia đầy đủ các nội dung IPEF mà có thể chọn đàm phán những gì mình quan tâm, tránh quan ngại về việc Mỹ có thể dùng IPEF để áp đặt ý chí chủ quan.

Nội dung cụ thể hơn

Tháng 10/2021, Biden nhắc đến IPEF tại Cấp cao Đông Á nhưng chưa đưa ra nội hàm cụ thể. Trong 7 tháng, quan chức Mỹ có nhắc đến nội dung IPEF trong nhiều tuyên bố riêng rẽ nhưng chưa thực sự cung cấp thông tin mới.

Lần này, Mỹ chính thức đưa ra 4 trụ cột trong IPEF: i) Kinh tế Kết nối, tập trung vào thương mại công bằng và bền vững (bao trùm 7 lĩnh vực nhỏ gồm lao động, môi trường và khí hậu, kinh tế số, nông nghiệp, minh bạch và khung chính sách tốt, chính sách cạnh tranh và xúc tiến thương mại); ii) Kinh tế Bền bỉ, tập trung vào chuỗi cung ứng; iii) Kinh tế Xanh, tập trung vào cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và phi các-bon hóa và iv) Kinh tế Công bằng, xoay quanh các vấn đề về thuế và chống tham nhũng.

Kinh tế số là vấn đề được khu vực quan tâm nhất. Trước đó, nhiều ý kiến băn khoăn liệu Mỹ có theo đuổi thỏa thuận riêng về kinh tế số với khu vực. Việc gộp nội dung này vào kinh tế Kết nối sẽ gia tăng giá trị của IPEF, khiến IPEF hấp dẫn hơn. Đây cũng là cơ hội để IPEF bổ sung những vấn đề các thỏa thuận có nội hàm kinh tế số khác trong khu vực như CP-TPP hay DEPA chưa đề cập, ví dụ như an ninh mạng hay nâng cao năng lực – đào tạo ngành STEM.

Rào cản nội bộ?

Quan ngại khác của khu vực là liệu Mỹ có triển khai được IPEF khi nội bộ Mỹ chia rẽ về vấn đề thỏa thuận thương mại. Chính quyền Obama trước đó đã cố gắng thúc đẩy Quốc hội phê chuẩn TPP nhưng không thành công.

Tuy nhiên, IPEF có thể vượt qua rào cản này: i) IPEF tự định hình mình là khung kinh tế toàn diện, gồm các trụ cột nói trên, không phải “thỏa thuận thương mại” nên có thể tránh nhạy cảm nội bộ xung quanh cụm từ này; ii) Mỹ dự định sẽ thông qua IPEF bằng Sắc lệnh Tổng thống thay vì đẩy qua Quốc hội, tránh được rào cản về chính trị nội bộ hay thủ tục phê chuẩn kéo dài trong Quốc hội; iii) các tuyên bố 23/5 nhấn mạnh ý nghĩa kinh tế đối nội của IPEF, khẳng định IPEF đặt người dân Mỹ vào “trung tâm” chính sách đối ngoại và đảm bảo công nhân, doanh nghiệp nhỏ và chủ trang trại Mỹ giảm chi phí cạnh tranh ở Ấn – Thái – những vấn đề các nhóm lợi ích Mỹ và những người ủng hộ “nước Mỹ trước tiên” thời Trump quan tâm.

Những vấn đề còn bỏ ngỏ

Dù đã giải tỏa một phần quan ngại khu vực, IPEF vẫn còn nhiều khoảng trống.

Về thành phần, ủng hộ 13 nước với IPEF không hoàn toàn thống nhất: Hàn Quốc khẳng định tham gia IPEF là điều “đương nhiên”[2]; Nhật hoan nghênh IPEF như “tượng trưng” cho can dự kinh tế của Mỹ tại khu vực[3]; Singapore là nước ASEAN đầu tiên ủng hộ IPEF, khuyến khích tất cả ASEAN tham gia[4]… Một số ủng hộ dè dặt hơn: Malaysia nói IPEF là khởi đầu tích cực nhưng không phải TPP, cho rằng RCEP mang lại cơ hội ngay lập tức và lớn hơn cho Đông Nam Á[5]; Thái Lan mới chỉ đồng ý tham gia tham vấn và dự trù khả năng Mỹ thay đổi IPEF[6]; Philippines chỉ tuyên bố quan tâm đến một số điều khoản (nhất là về SME)[7]. Trong khi đó, phản ứng của Trung Quốc lại khá gay gắt[8], có thể có tác động tiêu cực tới quan tâm khu vực với IPEF.

Ngoài ra, “tính bao trùm” của IPEF cũng có giới hạn. Các nước ASEAN còn lại (gồm Lào, Campuchia và Myanmar) chưa tỏ dấu hiệu sẽ đón nhận IPEF. Ấn Độ có thể tham gia “nửa vời” vì trước kia, Ấn đã tự rút khỏi RCEP sau nhiều năm đàm phán vì lý do chiến lược và để bảo vệ một số ngành nội địa. Đài Loan đã “ngỏ ý” quan tâm đến IPEF[9] và là đối tác có thể thúc đẩy các tiêu chuẩn cao về kinh tế số và phát triển bền vững nhưng Mỹ muốn theo đuổi thỏa thuận riêng với Đài Loan[10].

Về nội dung, nếu không đẩy qua Quốc hội, IPEF khó bao gồm vấn đề khu vực quan tâm nhưng thuộc thẩm quyền Quốc hội, ví dụ như mở rộng thị trường tại Mỹ, giảm thuế quan hay đưa ra các nhượng bộ về luật lao động hay luật an ninh mạng cho các đối tác tham gia IPEF… Bên cạnh đó, Mỹ thời hậu Biden có thay đổi hoàn toàn IPEF hoặc đổi ưu tiên về chuyển đổi xanh và lao động, nhất là khi biến đổi khí hậu và nhân quyền vốn bị chính trị hóa tại Mỹ.

Quan ngại về các trụ cột vẫn có thể nảy sinh vì Mỹ có tiêu chuẩn về lao động hay tự do và bảo mật thông tin khác với nhiều nước khu vực. Quan hệ giữa IPEF và sáng kiến kinh tế khác trong khu vực như B3W/Mạng lưới Điểm Xanh hay Cửa ngõ Toàn cầu (của EU) cũng chưa được Mỹ làm rõ.

Tóm lại, các tuyên bố ngày 23/5 của Mỹ về IPEF đã phần nào xoa dịu quan ngại khu vực về sáng kiến này. Sáng kiến sẽ giúp Mỹ triển khai Chiến lược Ấn – Thái toàn diện và thực chất hơn, có thể giúp khu vực có nhiều lựa chọn hơn và giải quyết các nhu cầu thiết thực. Tuy nhiên, IPEF vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng về thành phần, ủng hộ của các bên và nội hàm cụ thể. Trong bố cảnh đó, việc Việt Nam sớm tham gia thảo luận về IPEF là lợi thể để vừa có thể tìm hiểu thông tin về những vấn đề còn chưa rõ, vừa định hình nội dung sáng kiến và thể hiện vai trò chủ động trong khu vực.

Bài viết thể hiện quan điểm tác giả.

 

[1] https://www.state.gov/the-administrations-approach-to-the-peoples-republic-of-china/

[2] https://en.yna.co.kr/view/AEN20220523004200315

[3]https://english.kyodonews.net/news/2022/05/133339c65725-japan-positive-about-us-led-indo-pacific-economic-scheme-govt.html

[4]https://www.channelnewsasia.com/singapore/asean-united-states-singapore-summit-lee-hsien-loong-biden-proposed-indo-pacific-economic-framework-2682336

[5] https://www.reuters.com/world/asia-pacific/malaysia-touts-trade-access-us-indo-pacific-plan-only-good-beginning-trade-chief-2022-05-13/

[6] https://www.thaipbsworld.com/thailand-to-begin-talks-on-indo-pacific-economic-framework/

[7]https://www.bworldonline.com/economy/2022/04/19/443167/phl-seeking-to-join-us-led-indo-pacific-economic-framework/

[8] https://baoquocte.vn/ipef-vu-khi-moi-cua-my-tai-chau-a-thai-binh-duong-co-gi-184457.html

[9]https://www.reuters.com/world/asia-pacific/taiwan-seeks-indo-pacific-economic-framework-membership-with-us-2022-04-19/

[10] https://www.reuters.com/markets/asia/us-taiwan-launch-trade-talks-after-biden-excludes-island-indo-pacific-group-2022-06-01/