Thứ nhất, về chính sách thương mại: Trong khi Mỹ tìm cách thúc đẩy thương mại tự do, dựa vào WTO dù đôi khi cũng bị chi phối bởi lợi ích cục bộ của một nhóm cử tri nào đó, thì Trung Quốc có một mục tiêu duy nhất là sử dụng thương mại như một vũ khí để vượt Mỹ về kinh tế và quân sự. Trung Quốc chủ trương giữ giá trị đồng NDT thấp để thúc đẩy tối đa xuất khẩu nhằm tạo việc làm cho hàng triệu người từ nông thôn chuyển ra thành phố. Mỹ tìm cách thúc ép Trung Quốc tăng giá đồng tiền, song chưa bao giờ chính thức tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Hậu quả là Trung Quốc tiếp tục chơi cờ theo ý của mình. Trung Quốc sẽ không thả nổi đồng tiền cho đến khi đạt được 2 mục đích:

- Một, tiếp tục nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ, qua đó có thể tác động hơn nữa đến chính sách đối ngoại của Mỹ (khi được cựu TTh Úc Kenvin Rudd hỏi về cách đối phó với Trung Quốc, NT Hillary Clinton đã trả lời: “Liệu có thể cứng rắn với chủ nợ của mình hay không?”.

- Hai, thu hút được đủ công nghệ của Mỹ và Phương Tây để có thể chi phối thị trường thế giới. Một ví dụ Trung Quốc nhập công nghệ tàu cao tốc từ Pháp, Đức và Nhật song hiện nay là nước xuất khẩu hàng đầu về công nghệ này. Về năng lượng sạch, Trung Quốc đồng ý tăng nhập khẩu từ Mỹ, song với điều kiện đó phải là công nghệ cao cấp (năng lượng nguyên tử, năng lượng sạch, ô tô…) và phải có chuyển giao công nghệ cho người Trung Quốc. Các công ty Mỹ vì mục đích ngắn hạn sẽ chấp thuận điều này để tiếp cận thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Gần đây, tập đoàn Westinghouse của Mỹ đã chuyển hơn 75 ngàn trang tài liệu cho Trung Quốc theo thỏa thuận trên.

Thứ hai, trong khi Mỹ và Hàn Quốc đang ăn mừng về hiệp định thương mại giữa hai nước thì Trung Quốc không ngừng mở rộng hoạt động tại châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông nhằm chiếm giữ các mỏ quặng, dầu lửa và lương thực. Trong khi CP Mỹ hạn chế đầu tư ra nước ngoài bằng cách tăng thuế thu nhập từ các khoản thu từ nước ngoài thì Trung Quốc lại khuyến khích, thậm chí trợ cấp cho các công ty Trung Quốc tăng cường hoạt động ở các nước, nhất là trong lĩnh vực khai khoáng và dầu mỏ. Những bước đi nói trên của Trung Quốc không chỉ có mục tiêu kinh tế - thương mại, mà còn nhằm tăng sức ép đối với các nước khác nếu muốn tiếp cận các mỏ quặng hiếm của thế giới (như đất hiếm chẳng hạn).

Thứ ba, về quan hệ với Ấn Độ. Trong chuyến thăm mới đây đến Ấn Độ, TTh Obama dẫn theo một đoàn doanh nghiệp khổng lồ, kết quả là hai bên ký được các hợp đồng trị giá 10 tỷ USD. Sau đó, TTg Ôn Gia Bảo cũng thăm Ấn Độ, hai bên ký các hợp đồng trị giá 16 tỷ USD và cam kết sẽ tăng gấp đôi kim ngạch thương mại lên 100 tỷ USD vào năm 2015.

Những bước đi trên đang gây ra hai hệ quả, một về kinh tế, một về chính trị.

Về kinh tế, Trung Quốc đang tìm cách thay thế đồng USD. Các đối tác thương mại của Trung Quốc có thể dùng đồng NDT thay cho đồng USD. Các nhà kinh tế của HSBC dự đoán trong vòng từ 3-5 năm tới, một nửa kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các nước đang phát triển (chiếm 55% thương mại của Trung Quốc) sẽ được thực hiện bằng đồng NDT so với 3% hiện nay.

Về chính trị, Trung Quốc đang trở nên cứng rắn hơn trong các tuyên bố chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản, tại Biển Đông với Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Trung Quốc đang đóng tàu ngầm và tầu sân bay, hiện đại hóa Hải quân, xây dựng lực lượng chiến tranh vũ trụ… Không có gì ngạc nhiên khi gần đây Australia và các nước châu Á – Thái Bình Dương khác phải tính lại việc dựa vào Mỹ để duy trì an ninh khu vực.

Tuy nhiên, những nước cờ trên của Trung Quốc sẽ thất bại nếu Mỹ biết sử dụng ưu thế của mình. Đó là nguồn sức mạnh khoa học, công nghệ, môi trường kinh doanh, giáo dục, tài nguyên thiên nhiên và quân sự của Mỹ. Chính quyền Obama cần phải thay đổi cách tiếp cận trong những năm gần đây với Trung Quốc và đưa ra được chiến lược đối phó hợp lý.

Nguồn: Weekly Standard

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)