Trung Quốc – mối lo ngại của các quốc gia láng giềng

Thời điểm hiện nay, có vẻ như Trung Quốc đang từ bỏ phương châm “Ẩn mình chờ thời cơ” mà Đặng đã đề ra, và có vẻ như chính sách “trỗi dậy hòa bình” mà nước này đã tích lũy đang bị phá hủy, và Trung Quốc  có lẽ đã tự tin hơn bao giờ hết khi  từ sau cánh gà sân khấu quốc tế công khai bước ra và như muốn tuyên bố rằng họ sẽ thiết lập lại hệ thống thế giới theo luật chơi của Bắc Kinh. Tham vọng của Trung Quốc là biến khu vực châu Á nằm dưới sự thống trị của mình, và từ Biển Đông, Trung Quốc sẽ vươn ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương gửi đi thông điệp với Hoa Kỳ rằng : Mỹ  - Trung sẽ chia đổi Thái Bình Dương mối bên một nửa.

 

Năm 2010 là năm đỉnh điểm trong cách hành xử của nước này đối với các quốc gia láng giềng. Hàng loạt những hành động cũng như những tuyên bố của Trung Quốc khiến cho cộng đồng quốc tế thực sự nghi ngờ về sự ‘trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Từ việc tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, lối hành xử theo kiểu “ngạo mạn” của kẻ “bắt nạt” trong vụ va chạm tàu cá Trung Quốc với tàu phòng vệ bờ biển Nhật Bản đến việc từ chối cấp visa cho một quan chức quân đội của Ấn Độ với lý do vị tướng này đang phục vụ trong khu vực tranh chấp lãnh thổ với Pakistan đều cho thấy một sự tương phản, thậm chí là trái ngược với những ngôn từ mà nước này thường rao giảng như “ phát triển hòa bình”, “xã hội hài hòa”, “chống bá quyền”, “win – win” (cùng thắng)…

 

Với số dân hơn 1 tỷ người kéo theo đó là nhu cầu về không gian sống, với tư tưởng đại Hán, với nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới rõ ràng nước này sẽ tiếp tục chính sách bành trướng của mình, và đó chính là lý do chính đáng để các quốc gia láng giềng cũng như Hòa Kỳ phải lo lắng và hành động ngay từ bây giờ.

 

Hoa Kỳ hành động

Xung đột về chiến lược Mỹ - Trung là điều rõ ràng không phải bàn cãi. Một nước Mỹ suy yếu sau khủng hoảng, một Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ với ý chí khẳng định mình hứa hẹn một tương lại cạnh tranh gay gắt giữa hai quốc gia.

 

Hoa Kỳ đã mở màn bằng cuộc “phục kích” hết sức ngoạn mục tại ARF 17. Có lẽ Trung Quốc khó có thể ngờ đến những tuyên bố của bà H.Clinton, một thông điệp mạnh mẽ gửi đến Bắc Kinh, một sự chuyển hướng chiến lược trong chính sách đối với châu Á mà chính quyền Bush trước đó đã xao nhãng. Từ đây, vấn đề Biển Đông đã thực sự có những chuyển biến mới.

 

Không dừng lại ở đó, Hoa Kỳ tiếp tục thắt chặt hơn nữa với các nước đồng minh truyền thống trong khu vực – những quốc gia có vấn đề với Trung Quốc trong thời gian gần đây: Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ...

 

Với Nhật Bản, qua sự việc vừa rồi có lẽ nước này đã thực sự nhận thức được tầm quan trọng trong mối liên minh với Mỹ. Đứng trước một Trung Quốc đang ngày có những hành động hung hăng, ngạo mạn, một Trung Quốc dường như đang theo xu hướng của chủ nghĩa xét lại khiến cho Nhật Bản phải có những bước đi cụ thể, trong đó việc thắt chặt hơn nữa mối quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ là trọng tâm hang đầu. Có lẽ việc di dời căn cứ quân sự tại Okinawa của Mỹ sẽ phải cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng hoặc cần phải có một phương án thay thế khác  Sau va chạm và dẫn đến những căng thẳng ngoại giao Trung – Nhật xung quanh vụ va chạm tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mối quan hệ Mỹ - Nhật được củng cố thêm. Bằng chứng rõ ràng nhất là tuyên bố của Mỹ về Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật, trong đó khẳng định Mỹ sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với đồng minh Nhật Bản. Thông điệp này được gửi đi trong thời gian căng thẳng ngoại giao Trung – Nhật, nghĩa là Hoa Kỳ muốn tuyên bố với Trung Quốc rằng Hiệp ước này bao hàm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Một thông điệp rất rõ ràng cho Bắc Kinh! Gần đây nhất là tuyên bố của thủ tướng Naoto Kan tại buổi duyệt binh của Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản rằng Triều Tiên và Trung Quốc sẽ là hai mối đe dọa đến an ninh của Nhật Bản. Việc nêu đích danh trong thời điểm như hiện nay cho thấy Nhật Bản có lẽ đã hết kiên nhẫn đối với Trung Quốc và nước này đã sẵn sàng nếu như Trung Quốc làm tới!

 

Với Indonesia, quốc gia không có tranh chấp trong Biển Đông nhưng lại có ảnh hưởng và lớn nhất trong khối ASEAN, Hoa Kỳ cũng đã có những bước đi nhằm tái thiết lập mối quan hệ đồng minh nhằm tách Indonesia ra khỏi quỹ đạo mà Bắc Kinh đang tạo ra. Việc tái hỗ trợ và huấn luyện cho lực lượng đặc nhiệm Kopassus cùa Indonesia – tổ chức mà chính Mỹ đã chỉ trích vì vi phạm nhân quyền trong vấn đề Đông Ti Mo, cho thấy sự khởi động ban đầu trong chiến lược của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Và trong chuyến thăm của Obama vào thời điểm sau bầu cử tại Mỹ chắc chắn mối quan hệ sẽ còn được thiết lập mạnh mẽ trên các phương diện.

 

Quan hệ Mỹ - Ấn gần đây ngày càng xích lại gần nhau hơn, đặc biệt là trước thái độ của Trung Quốc gần đây. Hiện nay Mỹ đang thúc đẩy Ấn Độ nâng cao vai trò của mình tại khu vực châu Á với tư cách là một đối trọng với một Trung Quốc đầy tham vọng. Việc này phải chăng là nỗ lực từ riêng phía Mỹ hay xuất phát từ chính bản thân Ấn Độ? Câu trả lời là từ Trung Quốc!

 

Với các thành viên ASEAN, việc ông Obama có cuộc gặp với các lãnh đạo khối này và ra tuyên bố chung về Biển Đông, chuyến thăm của bà H.Clinton đến một loạt nước trong khu vực cho thấy Hoa Kỳ đang “tăng tốc” nhằm “ve vãn” những nước này trước một Trung Quốc không ngừng gia tăng tham vọng

 

Chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây, các quan chức bộ quốc phòng, bộ ngoại giao Mỹ liên tiếp có những chuyến thăm các nước đang có nguy cơ nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Trên tờ The Washington Times ngày 26/10 có đăng tin bà H.Clinton sẽ có chuyến công du 13 ngày tới hàng loạt các quốc gia trong khu vực: Campuchia, Việt Nam, Malaysia, New Zealand, Australia.., ngoài ra bà cũng sẽ có cuộc dừng chân tại đảo Hải Nam Trung Quốc và sẽ gặp gỡ ông Đới Bỉnh Quốc. Trong khi đó, sau cuộc bầu cử tại Mỹ, ông Obama cũng sẽ có chuyến thăm đến Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Câu hỏi đặt ra là tại sao ông lại đến thăm các quốc gia này mà không phải là Trung Quốc hay một quốc gia châu Âu nào đo? Rõ ràng các quốc gia trên đều đang có vấn đề nhất định với Trung Quốc gần đây. Và theo Robert Kaplan, nếu để ý kỹ hơn nữa chuyến thăm của ông Obama nằm trong khu vực từ Ấn Độ Dương tới Biển Đông và biển Hoa Đông – một vòng cung bán nguyện chặn đứng của ngõ vươn ra Ấn Độ Dương của Trung Quốc!

 

Theo tin tức gần đây, Mỹ sẽ tiến hành xây dựng một siêu căn cứ quân sự với chi phí ước tính lên tới 12,6 tỷ USD trên hòn đảo Guam ở Thái Bình Dương. Đây là số tiền đầu tư lớn nhất vào một căn cứ quân sự ở phía tây Thái Bình Dương kể từ Thế chiến thứ II và cũng là khoản chi tiêu lớn nhất cho cơ sở hạ tầng hải quân trong nhiều thập niên qua.

Một chặng đường trong chuyến thăm của ông Obama từ Ấn Độ Dương, Biển Đông tới Hoa Đông hình thành vòng cung bán nguyệt bao vây của ngõ vươn ra Ấn Độ Dương của Trung Quốc; một căn cứ quân sự với mức chi phí  khổng lồ lên đến 12,6 tỷ USD tại đảo Guam chặn đứng lối ra Thái Bình Dương của nước này. Nếu như  một liên minh Mỹ - Ấn – Nhật – Hàn tạo thành vòng cung kéo dài từ Ấn Độ Dương qua Biển Đông và kết thúc tại Nhật Bản để bao vây Trung Quốc thực sự hình thành,  cùng với đó  là việc xây dựng căn cứ quân sự tại đảo Guam, thì rõ ràng tham vọng vươn ra đại dương với chiễn lược “ Hai chuỗi đảo” của Trung Quốc sẽ trở nên bất khả thi. Cùng với đó là  một Đài Loan – con át chủ bài của Mỹ và cũng là yếu điểm của Trung Quốc vẫn không ngừng mua sắm khí tài từ Hoa Kỳ. Chuyến công du 13 ngày của bà H.Clinton tới các nước châu Á – Thái Bình Dương với mục đích là tăng cường sức mạnh mềm và khôi phục lại hình ảnh của nước Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc ngày một quyết đoán tại khu vực.

 

Tất cả những điều này có thể hình dung rằng: Hoa Kỳ đang “tổng lực” tấn công  Trung Quốc trên tất cả các phương diện từ ngoại giao, kinh tế, chính trị cho đến quân sự.

Trần Nhật