xi_beijing_net.jpg

Việc Trung Quốc kết nối các quốc gia vùng biển Caribbean với “Con đường Tơ lụa trên biển” là một phong vũ biểu quan trọng về khả năng ứng dụng toàn cầu của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Trong những năm gần đây, Mỹ đã trở thành người quản lý vắng mặt trên vùng biển Caribbean. Viện trợ đang cạn kiệt, các vị trí đại sứ bỏ trống và các nhà lãnh đạo Caribbean đang cho thấy họ sẵn sàng chấp nhận tài trợ của BRI như một cách để đáp ứng nhu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng.

Bắc Kinh đang quẳng một chiếc phao cứu sinh cho nhiều quốc gia nhỏ ở Caribbean, cố gắng bán mô hình phát triển của mình cho một khu vực bão hòa với ảnh hưởng của Mỹ. Sự hiện diện ngày càng nổi bật của Trung Quốc- cùng với các điều khoản cho vay hào phóng và đôi khi cắt cổ- gây ra những lo ngại rằng Bắc Kinh đang đặt ra một “bẫy nợ” để giành lấy các tài sản ở sân sau của Mỹ. Nhưng việc coi BRI như một sự chiếm đoạt bất động sản là điều thiển cận và lập lại những cảnh báo thời Chiến tranh Lạnh rằng tiền của Trung Quốc thường đi kèm với những tai họa. Theo một nghiên cứu của Tập đoàn Rhodium, Trung Quốc đàm phán lại các điều khoản cho vay thường xuyên hơn nhiều so với việc nước này chiếm đoạt tài sản, như cảng Hambantota của Sri Lanka.

Những lo ngại của phương Tây về việc các quốc gia Caribbean phải gánh nợ Trung Quốc là có chọn lọc. Gần đây nhất là năm 2012, nợ của Jamaica là 147% GDP, nhưng phần lớn là nợ các tổ chức cho vay như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển liên Mỹ. Tiền từ Ngân hàng EXIM của Bắc Kinh chỉ chiếm 3,9% tổng số nợ của Jamaica, mặc dù quốc gia này là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở Caribbean chẳng hạn.

Ngân hàng phát triển Caribbean ước tính rằng khu vực này vẫn cần thêm 30 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng. Trung Quốc đang cố gắng chứng tỏ họ phù hợp nhất để đáp ứng những nhu cầu này thông qua lãi suất thấp và dòng tiền mặt ổn định.

Một số quốc gia Caribbean- bao gồm Antigua và Barbuda, Jamaica, Guyana, Barbados, và Trinidad và Tobago- đã chính thức đồng ý tham gia BRI. Tổng thống Guyana, ông David Granger đã nắm bắt được chu kỳ mà nhiều quốc gia nhỏ ở Caribbean phải đối mặt: “Chúng ta không thể phát triển mà không có cơ sở hạ tầng và chúng ta không thể làm được điều đó nếu không có vốn. Vì vậy, cho dù nguồn vốn đến từ Mỹ, Trung Quốc hay Anh, chúng ta phải có nó và tất nhiên chúng ta phải tìm kiếm thỏa thuận tốt nhất”.

Ngoài bờ biển của Bahamas, một doanh nghiệp Hong Kong đã chi 3 tỷ USD để xây dựng Cảng Container Freeport, một cảng nước sâu có khả năng chứa các tàu chở dầu cỡ lớn của Trung Quốc đi qua Kênh đào Panama. Công ty Cơ khí Hải Cảng Trung Quốc (CHEC) đã xây dựng những con đường ngoằn ngoèo qua Jamaica, bao gồm một đường cao tốc trị giá 730 triệu USD nối Kingston đến Ocho Rios, và đã dành thêm 349 triệu USD cho một đường cao tốc dọc theo bờ biển phía Nam kém phát triển. Tại Guyana, CHEC đang thực hiện việc mở rộng Sân bay Quốc tế Cheddi Jagan trị giá 150 triệu USD.

Mục tiêu của Trung Quốc tại Caribbean là sự pha trộn giữa chính trị và kinh tế. Một nền kinh tế Mỹ ổn định sẽ hỗ trợ cho các thị trường ở Tây bán cầu, do đó, không có khả năng Bắc Kinh nhìn thấy sự cạnh tranh trực tiếp với Mỹ ở Caribbean nằm trong lợi ích tốt nhất của mình. Nhưng Caribbean là nơi cư trú của hơn một nửa đồng minh ngoại giao còn lại của Đài Loan và điều kiện tiên quyết “Một Trung Quốc” của BRI có thể giúp Bắc Kinh cô lập thêm Đài Bắc.

Trung Quốc đã cam kết hàng tỷ USD để tân trang cơ sở hạ tầng ở thủ đô của Haiti, một trong những đồng minh lâu đời nhất của Đài Loan. Chế độ của Tổng thống Haiti Jovenel Moise đã báo hiệu rằng tình hữu nghị của nước này với Đài Bắc không nên bị đem ra trao đổi: “Đài Loan là một người bạn lâu năm… [nhưng] Haiti đang tìm kiếm lợi ích của mình nằm ở đâu”.

Vùng biển Caribbean cũng là nơi có trữ lượng lớn dầu, bauxite và magiê. Trung Quốc đang bị hấp dẫn bởi sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên của Guyana. Có tới 4 triệu thùng dầu đã được phát hiện ở ngoài khơi Guyana, biến quốc gia này trở thành nhà sản xuất dầu quan trọng. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc sở hữu 25% trữ lượng dầu được phát hiện ở nước này, trong khi Tập đoàn Khoáng sản Bosai đang mở rộng hoạt động magiê và bauxite. Tại Jamaica, năm 2019 Tập đoàn Sắt Thép Cửu Giang đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 3 tỷ USD vào một nhà máy luyện nhôm, ngoài một nhà máy lọc dầu 300 triệu USD mua hồi năm 2016.

Trong khi Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn Huawei hoạt động trong phạm vi biên giới của mình, công ty công nghệ “bị trói buộc chân tay” của Trung Quốc này đang “dệt” một con đường tơ lụa kỹ thuật số. Với việc trở thành đối tác của công ty điện thoại di động Digicel ở Caribbean, Huawei đã đồng ý mở rộng vùng phủ sóng 4G và 5G cho Jamaica, Trinidad và Tobago, Barbados và Guyana. Huawei Marine, một công ty con của gã khổng lồ công nghệ, đã đặt hơn 3.500 km cáp ngầm dưới biển từ Bahamas đến Haiti.

Mối lo ngại về nợ Trung Quốc nên được liên kết với câu hỏi liệu đầu tư của BRI có thúc đẩy tăng trưởng nội địa hay không. Các công ty Trung Quốc đã bị cáo buộc về các chính sách môi trường bừa bãi, không tuân thủ luật lao động địa phương và không có khả năng hoàn thành các dự án đúng thời hạn. Những nỗ lực của Bắc Kinh còn bị làm suy yếu thêm bởi các động thái của Mỹ không cho nước này gia tăng ảnh hưởng. Washington đã cảnh báo các nhà lãnh đạo Caribbean “không nên đi theo” Trung Quốc và hứa sẽ làm mới các khoản đầu tư và sự chú ý ở Venezuela.

Cuối cùng, làm thế nào các quốc gia Caribbean có thể chọn lựa giữa Trung Quốc và Mỹ mà ít lệ thuộc ảnh hưởng trong khi có nhiều dự án để thúc đẩy kinh tế. Đây rõ ràng là một câu hỏi khó và chỉ thời gian mới có thể trả lời./.

Jared Ward là Giảng viên tại Khoa Lịch sử, Đại học Akron, Ohio. Bài viết trên trang “East Asia Forum”.

Hùng Sơn (gt)