Theo tờ "Thời báo Tài chính" (Anh), trong một phát biểu gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Pakixtan Ahmad Mukhtar cho biết Ixlamabát muốn mời Bắc Kinh xây dựng căn cứ hải quân ở cảng Gwadar và đề xuất này đã được Thủ tướng Pakixtan Yousuf Raza Gilani đưa ra trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua. Tờ "Thời báo Tài chính" còn dẫn lời một quan chức cao cấp Pakixtan cho biết Ixlamabát hy vọng sau khi có căn cứ hải quân, hải quân Trung Quốc có thể định kỳ tới thăm và lấy căn cứ này làm nơi duy trì, bảo dưỡng cho hạm đội Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương.

Thông tin này vừa loan ra ngay lập tức đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều nước, đặc biệt là Mỹ và Ấn Độ. Trong một báo cáo gửi Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tâm Nghiên cứu Stimson cho rằng nếu nắm trong tay cảng Gwadar, Trung Quốc có thể giám sát nhất cử nhất động của quân Mỹ ở Vịnh Pécxích và “nằm lòng” các hoạt động của hải quân Ấn Độ tại vùng biển Arập cũng như các cuộc diễn tập quân sự của Mỹ và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 24/5 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa chứng thực thông tin trên. Tại cuộc họp báo sau đó một ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng chỉ nhắc lại câu trả lời của Bộ Ngoại giao nước này và không có bổ sung mới. Điều này cho thấy Bắc Kinh vẫn rất thận trọng với vấn đề trên. Tuy nhiên, nếu xem xét và phân tích những thông tin liên quan, người ta sẽ thấy mức độ hợp tác quân sự Trung Quốc-Pakixtan đã gia tăng rõ rệt và đây là một sự thật không cần phải tranh cãi. Đồng thời, trên phương diện hợp tác hải quân, trong tương lai, khả năng Trung Quốc và Pakixtan cùng xây dựng và sử dụng chung quân cảng là rất cao.

Về phía Pakixtan, việc tàu chiến Trung Quốc có mặt ở cảng Gwadar có thể giúp nước này tăng thêm cảm giác an toàn, đặc biệt là sau khi quan hệ Pakixtan-Mỹ nguội lạnh. Về phần Trung Quốc, hải quân nước này sẽ có được căn cứ trung chuyển để vươn ra bên ngoài. Đây cũng là một bước đi mà công cuộc xây dựng lực lượng hải quân biển xa của Trung Quốc sớm muộn cũng phải tiến hành. Cho nên, việc Trung Quốc và Pakixtan cùng xây dựng và sử dụng chung căn cứ ở cảng Gwadar là một kết cục "đôi bên đều có lợi". 

Xem xét tình hình hiện nay, thách thức lớn nhất của đề xuất xây dựng căn cứ hải quân chung giữa hai nước là nó sẽ làm thay đổi chính sách quốc phòng truyền thống của Trung Quốc. Mấy chục năm gần đây, ba quân chủng hải, lục và không quân Trung Quốc chưa từng có một căn cứ quân sự mang tính vĩnh cửu ở nước ngoài. Không kết đồng minh quân sự và không xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài đã trở thành nguyên tắc quan trọng trong chính sách quốc phòng của Trung Quốc.

Nhưng thời thế đã thay đổi, chính sách ngoại giao và quốc phòng cũng phải theo kịp thời thế. Trước đây, Trung Quốc vẫn nói ‘không” đối với các hành động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ), cho rằng đây là sự can thiệp vào vấn đề nội bộ và chủ quyền của quốc gia mà lực lượng gìn giữ hòa bình tới làm nhiệm vụ. Nhưng hiện nay, Trung Quốc đã trở thành một trong những nước tham dự lớn nhất vào lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Đối với việc Trung Quốc cần phải có căn cứ quân sự ở nước ngoài, tính cần thiết của nó ngày càng trở nên nổi cộm.

Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, lợi ích kinh tế của Trung Quốc đã phủ khắp toàn cầu, cần phải có lực lượng hải quân viễn dương làm nhiệm vụ bảo vệ. Việc có căn cứ quân sự ở nước ngoài là rất cần thiết cho việc xây dựng lực lượng hải quân viễn dương bởi nó giúp cung cấp hậu cần cho các tàu hoạt động ở khu vực cách xa Trung Quốc. Về mặt quân sự, đây chính là cánh tay nối dài, mở rộng tầm hoạt động và cũng là một bộ phận cấu thành không thể thiếu trong chiến lược "nước lớn".

Điều quan trọng là nhìn từ góc độ dư luận quốc tế, mấy năm gần đây, hải quân Trung Quốc đã nhiều lần thành công trong việc hộ tống tàu thuyền chống nạn cướp biển ở Vịnh Ađen. Việc này không chỉ mang đến sự an toàn cho các tàu buôn của Trung Quốc ở vùng biển quốc tế, mà quan trọng hơn nó cho thấy khả năng hoạt động của hải quân Trung Quốc ở biển xa, vì tàu chiến Trung Quốc không chỉ bảo vệ tàu buôn của nước này, mà còn phải bảo đảm đi lại thông suốt của tuyến đường biển quốc tế.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng đối với một số nước, việc hải quân Trung Quốc có căn cứ trung chuyển ở nước ngoài là vấn đề rất nhạy cảm. Sau khi thông tin Pakixtan muốn mời tàu chiến Trung Quốc đồn trú ở nước này được loan báo, Mỹ và Ấn Độ tỏ ra rất căng thẳng. Từ lâu, Mỹ và Ấn Độ đã làm rùm beng cái gọi là “chiến lược chuỗi chân trâu” của Trung Quốc, chỉ trích Trung Quốc lấy cớ giúp nước khác sửa chữa cảng biển dùng cho mục đích thương mại để củng cố “chuỗi chân trâu” bao vây Ấn Độ trên Ấn Độ Dương. Nhưng là một nước lớn, Trung Quốc có chiến lược quốc phòng của riêng mình và không thể hành xử dựa theo hy vọng của nước khác: vĩnh viễn ở trong sân nhà, không vươn ra ngoài.

Theo Bình luận Trung Quốc

Trần Thịnh (gt)