16/05/2023
Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á thường niên (The State of Southeast Asia) của Viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore (ISEAS) là báo cáo khảo sát uy tín nhất về tình hình điạ chính trị ở Đông Nam Á hiện nay. Mỗi khi công bố, kết quả của các Báo cáo được rất nhiều báo chí, truyền thông trong khu vực như Borneo Bulletin, the Australia, Japan Times, v.v.) quan tâm và đưa tin.
Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á thường niên (The State of Southeast Asia) của Viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore (ISEAS) là báo cáo khảo sát uy tín nhất về tình hình điạ chính trị ở Đông Nam Á hiện nay. Báo cáo khảo sát khoảng hơn 1000 người dân Đông Nam Á đến từ các nhóm nghề nghiệp khác nhau (nghiên cứu, doanh nghiệp, xã hội dân sự, cơ quan chính phủ và các tổ chức quốc tế và khu vực) để có được những nhận định, đánh giá về tình hình khu vực, điểm nóng trên thế giới, cạnh tranh nước lớn cũng như về các liên minh được thành lập, sáng kiến toàn cầu,v.v. Mỗi khi công bố, kết quả của các Báo cáo được rất nhiều báo chí, truyền thông trong khu vực như Borneo Bulletin, the Australia, Japan Times, v.v.) quan tâm và đưa tin.
Từ khi Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á đầu tiên được công bố năm 2019 đến nay, ISEAS đã thực hiện được năm cuộc khảo sát thường niên với báo cáo gần đây nhất hoàn thành vào tháng 2 năm 2023.[1] Bài viết này so sánh kết quả khảo sát của ISEAS qua các năm và đánh giá những xu hướng trong nhận thức của người dân Đông Nam Á về tình hình địa chính trị trong khu vực thời gian vừa qua. Từ đó, bài viết tìm ra những nhận thức của người được khảo sát có tính ổn định, không thay đổi trong bốn năm qua và một số vấn đề mà trong đó nhận thức của người được khảo sát đã có sự thay đổi rõ rệt.
Những nhận thức của người được khảo sát không thay đổi từ 2019 đến nay
Nhận thức của người được khảo sát liên quan đến các quan ngại đối với tổ chức ASEAN; ảnh hưởng của Trung Quốc; cũng như vai trò của các cường quốc tầm trung là không thay đổi xuyên suốt năm lần khảo sát.
ASEAN trở thành đấu trường cho cạnh tranh ảnh hưởng nước lớn là vấn đề đáng quan ngại thứ hai của tổ chức này: Trong số các quan ngại về ASEAN như ASEAN trở thành đấu trường cho cạnh tranh ảnh hưởng nước lớn và các thành viên, các quân cờ cho nước lớn; ASEAN ngày một mất đoàn kết; ASEAN đang bị kỹ trị hóa và bị mất liên hệ với người bình thường; ASEAN trở nên chậm chạp và không hiệu quả, nên không thể theo được những tiến triển chính trị và kinh tế không ngừng; ASEAN không thể vượt qua những thử thách tù bệnh dịch; ASEAN trở nên không liên quan trong trật tự thế giới mới; và những lợi ích cụ thể của ASEAN không thể được những người dân Đông Nam Á cảm nhận, Việc ASEAN trở thành đấu trường cho cạnh tranh ảnh hưởng nước lớn luôn là vấn đề đáng quan ngại đứng thứ hai của đa số người được khảo sát đối với tổ chức này qua cả năm lần khảo sát. Cụ thể trong các lần khảo sát năm 2019 và 2020, quan ngại này đứng sau quan ngại những lợi ích cụ thể của ASEAN không thể được những người dân Đông Nam Á cảm nhận; còn trong các lần khảo sát năm 2012, 2022 và 2023, quan ngại này đứng sau quan ngại ASEAN trở nên chậm chạp và không hiệu quả, nên không thể theo được những tiến triển chính trị và kinh tế không ngừng.[2]
Trung Quốc có ảnh hưởng lớn nhất cả về chiến lược, chính trị lẫn về kinh tế đối với Đông Nam Á nhưng lại không được tin tưởng sẽ làm điều đúng đắn đóng góp vào hòa bình, an ninh, thịnh vượng, và quản trị thế giới: Trong cả năm kỳ khảo sát, đa số những người được khảo sát đều cho rằng Trung Quốc có ảnh hưởng lớn nhất về chiến lược, chính trị và kinh tế đối với khu vực Đông Nam Á (so với Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nga, Ấn Độ, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và ASEAN).[3] Tuy nhiên, cũng trong cả năm lần khảo sát, đa số người chọn đều không tin tưởng Trung Quốc sẽ làm điều đúng đắn, đóng góp vào hòa bình, an ninh, thịnh vượng và quản trị thế giới.[4]
ASEAN không nên chọn bên trong cạnh tranh Mỹ - Trung: Trong các khảo sát từ năm 2020 đến nay, một câu hỏi liên tục được ISEAS đặt ra đối với những người được khảo sát là ASEAN phải phải ứng như thế nào trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ở Đông Nam Á. Năm câu trả lời được đưa ra: 1) ASEAN cần tìm các bên thứ ba để mở rộng không gian và sự lựa chọn chiến lược của mình; 2) ASEAN cần tăng cường khả năng phục hồi và sự đoàn kết của mình để chống lại áp lực từ cả hai siêu cường; 3) ASEAN cần tiếp tục chủ trương không chọn bên của mình; 4) ASEAN phải chọn một trong hai siêu cường vì đứng trung lập về mặt trung và dài hạn là không thể; và 5) ASEAN cần không cho Trung Quốc và Mỹ gây ảnh hưởng đến khu vực. Câu trả lời xuyên suốt được đa số những người được khảo sát chọn là ASEAN cần tăng cường khả năng phục hồi và sự đoàn kết của mình để chống lại áp lực từ cả hai siêu cường và tiếp đó là ASEAN cần tiếp tục chủ trương không chọn bên của mình.[5]
Tin tưởng Nhật Bản và không tin tưởng Ấn Độ: Trong số các cường quốc (Trung quốc, Mỹ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu, và Ấn Độ), xu hướng xuyên suốt của người được khảo sát trong thời gian vừa qua là tin tưởng nhiều nhất vào Nhật Bản sẽ có những đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, thịnh vượng và quản trị thế giới. Bên cạnh đó, là một quốc gia có vị trí quan trọng đối với Đông Nam Á và được kỳ vọng sẽ trở thành một đối trọng của Trung Quốc, song dường những gì mà Ấn Độ thể hiện lại chưa đủ để thuyết phục được người được khảo sát có thể đóng vai trò lãnh đạo thế giới.[6] Từ năm 2020, ISEAS cũng đặt câu hỏi về lý do vì người được khảo sát tin tưởng hay không tin tưởng một quốc gia. Đối với Nhật Bản, lý do tin tưởng Nhật Bản được lựa chọn nhiều nhất là Nhật Bản là một quốc gia có trách nhiệm và tôn trọng luật pháp quốc tế. Trong khi đó, đối với Ấn Độ có hai lý do không tin tưởng Ấn Độ được đa số người khảo sát hay lựa chọn là Ấn Độ không có đủ năng lực và ý muốn chính trị để lãnh đạo thế giới và Ấn Độ hay bị sao nhãng bởi các vấn đề nội bộ và Nam Á nên không có thời gian tập trung vào các vấn đề toàn cầu.
Mỹ và Anh là các lựa chọn hàng đầu làm điểm đến du học: Xuyên suốt cả năm kỳ khảo sát, Mỹ và Anh luôn là sự lựa chọn hàng đầu của những người được khảo sát làm điểm đến du học trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ là Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Hàn Quốc và ASEAN.[7] Điều trên thực tế là dễ hiểu vì Mỹ và Anh cũng là những điểm đến hàng đầu của người dân các khu vực khác trên thế giới cho việc du học. Lựa chọn của người dân Đông Nam Á hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung toàn cầu.
Những biến chuyển trong nhận thức của người khảo sát từ năm 2019 đến nay
Nhận thức của người được khảo sát ở Đông Nam Á từ năm 2019 có sự biến chuyển trong việc nhìn nhận những thách thức nghiêm trọng nhất mà Đông Nam Á đang phải đối mặt; mức độ quan tâm của Mỹ đối với khu vực; và quốc gia/tổ chức đi đầu trong đi đầu thúc đẩy tự do thương mại và thúc đẩy thượng tôn pháp luật và luật pháp quốc tế.
Các thách thức nghiêm trọng nhất mà Đông Nam Á phải đối mặt: Nhận thức của những người được được khảo sát về các thách thức nghiêm trọng nhất mà Đông Nam Á phải đối mặt có nhiều thay đổi từ năm 2019 đến nay. Năm 2019, ba thách thức nghiêm trọng nhất mà Đông Nam Á phải đối mặt là bất ổn chính trị nội bộ, căng thẳng sắc tộc và tôn giáo, và biển đổi khí hậu.[8] Năm 2020, ba thách thức này là nghiêm trọng nhất là bất ổn chính trị nội bộ bao bồm căng thẳng sắc tộc và tôn giáo, kinh tế đi xuống và các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu.[9] Trong các năm 2021 và 2022, khi tình hình COVID-19 đang diễn ra hết sức nghiêm trọng ở Đông Nam Á thì các mối đe dọa đối với sức khỏe từ đại dịch COVID-19 được cho là thách thức nghiêm trọng nhất ở Đông Nam Á.[10] Năm 2023, bốn thách thức nghiêm trọng nhất đối với Đông Nam Á là thất nghiệp và giảm sút kinh tế, biến đổi khí hậu và gia tăng căng thẳng quân sự ở các điểm nóng và gia tăng cách biệt giầu nghèo và khác biệt về thu nhập.[11]
Thay đổi nhận thức về Mỹ thời Tổng thống Trump và thời Tổng thống Biden: Trong giai đoạn Tổng thống Donald Trump cầm quyền, Mỹ bị cho là không quan tâm đến Đông Nam Á, không được coi là một đối tác chiến lược đảm bảo an ninh cho khu vực và sẽ đóng góp vào hòa bình, an ninh, thịnh vượng, và lãnh đạo thế giới. Ngược lại, dưới thời Tổng thổng Joe Biden, Mỹ được cho là ngày càng quan tâm đến Đông Nam Á hơn, là một đối tác chiến lược đảm bảo an ninh cho khu vực, đóng góp vào hòa bình, an ninh, thịnh vượng, và lãnh đạo thế giới. Các cuộc khảo sát diễn ra vào các năm 2019 và 2020, khi Tổng thống Trump đang cầm quyền, cho thấy một cái nhìn khá tiêu cực của người được khảo sát về Mỹ. Cụ thể, đa số người được khảo sát cho rằng mức độ quan tâm của Mỹ đến Đông Nam Á đã suy giảm hoặc suy giảm trầm trọng.[12] Đa số cũng không hoặc ít tin tưởng Mỹ không phải là đối tác chiến lược đảm bảo an ninh cho khu vực.[13] Tuy nhiên, các cuộc khảo sát diễn ra vào các năm sau này cho thấy một cái nhìn rất tích cực của người được khảo sát. Đa số người được khảo sát cho rằng sự quan tâm của Mỹ với khu vực đã tăng lên hoặc tăng lên đáng kể; thể hiện tin tưởng Mỹ là đối tác chiến lược đảm bảo an ninh cho khu vực cũng như thể hiện tin tưởng Mỹ sẽ đóng góp vào hòa bình, an ninh, thịnh vượng, và lãnh đạo thế giới.[14] Trong số các lý do khiến những người được khảo sát không tin tưởng Mỹ,[15] thì lý do được lựa chọn nhiều nhất là Mỹ bị các vấn đề nội bộ làm cho xao nhãng nên không thể tập trung vào các vấn đề toàn cầu.[16] Trong số các lý do khiến những người được khảo sát tin tưởng Mỹ,[17] thì lý do được lựa chọn nhiều nhất là Mỹ có tài nguyên kinh tế to lớn và ý chí chính trị lãnh đạo thế giới.[18]
Quốc gia/Tổ chức đi đầu thúc đẩy tự do thương mại: Nhận thức của người được khảo sát về quốc gia hoặc tổ chức đi đầu[19] trong việc thúc đẩy tự do thương mại thay đổi theo từng năm khảo sát. Năm 2020, là năm đầu tiên khảo sát về vấn đề này, Nhật Bản được nhiều người tin tưởng nhất.[20] Năm 2021, Mỹ giành vị trí đứng đầu.[21] Năm 2022, Mỹ vẫn tiếp tục đứng đầu.[22] Năm 2023, một điều khá bất ngờ là ASEAN giành vị trí đứng đầu.[23]
Quốc gia/Tổ chức đi đầu thúc đẩy thượng tôn pháp luật và luật pháp quốc tế: Nhận thức của người được khảo sát về quốc gia hoặc tổ chức đi đầu[24] trong việc thúc đẩy thượng tôn pháp luật và luật pháp quốc tế cũng không đứng yên mà có sự thay đổi. Tuy nhiên sự thay đổi này chỉ xoay quanh Mỹ và Liên minh Châu Âu. Cụ thể, trong các năm 2020 và 2021 thì Liên minh Châu được phần lớn tin tưởng là tổ chức đi đầu trong việc thúc đẩy thượng tôn pháp luật và luật pháp quốc tế.[25] Còn trong các năm 2022 và 2023 thì Mỹ lại chiếm vị trí này.[26]
Kết luận
Mặc dù còn một số hạn chế (như số người được khảo sát là ít so với dân số của Đông Nam Á, một số lựa chọn trả lời mang tính định hướng,…) nhưng Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á thường niên vẫn là nguồn tham khảo có giá trị rất cao về những thách thức địa chính trị ở Đông Nam Á cũng như vai trò, ảnh hưởng và cạnh tranh nước lớn đối với khu vực. Đặc biệt, các báo cáo này thể hiện được những thay đổi trong nhận thức của người dân Đông Nam Á về tình hình khu vực và thế giới qua từng năm. Trong xu hướng ASEAN và các quốc gia thành viên đang hướng tới tăng cường phụ vụ người dân và doanh nghiệp, đây sẽ là những dữ liệu quan trọng phụ vụ quá trình xây dựng chính sách của mình.
Hải Đăng
[1] Xem kết quả các Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á thường niên từ năm 2019 đến nay online tại: ISEAS <https://www.iseas.edu.sg/category/articles-commentaries/state-of-southeast-asia-survey/>.
[2] Chi tiết: Các năm 2019 và 2020, với 62% người khảo sát lựa chọn năm 2019 và 73.2% người lựa chọn năm 2020, quan ngại này đứng sau quan ngại không cảm nhận được các lợi ích hữu hình của ASEAN (72.6% người chọn năm 2019 và 74.9% người chọn năm 2020). Các năm tiếp theo, với 69.1% người chọn năm 2021, 61.5% người chọn năm 2022 và 73% người chọn năm 2023, quan ngại này đứng sau quan ngại ASEAN trở nên chậm chạp và không hiệu quả, nên không thể theo được những tiến triển chính trị và kinh tế không ngừng (71.5% người chọn năm 2021, 70.1% người chọn năm 2022 và 82.6% người chọn năm 2023). Xem Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2019, tr.12; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2020, tr.8; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2021, tr.8; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2022, tr.11 và Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2023, tr.11.
[3] Chi tiết: Năm 2019, 45.2% người chọn cho rằng Trung Quốc có ảnh hưởng nhất về kinh tế và 73.3% cho rằng Trung Quốc có ảnh hưởng nhất về chiến lược và chính trị. Năm 2020, 79.2% người chọn cho rằng Trung Quốc có ảnh hưởng nhất về kinh tế và 52.2% cho rằng Trung Quốc có ảnh hưởng nhất nhất về chiến lược và chính trị. Năm 2021, 76.3% người chọn cho rằng Trung Quốc có ảnh hưởng nhất về kinh tế và 49.1% cho rằng Trung Quốc có ảnh hướng nhất về chiến lược và chính trị. Năm 2022, 76.7% người chọn cho rằng Trung Quốc có ảnh hưởng nhất về kinh tế và 54.4% cho rằng Trung Quốc có ảnh hưởng nhất về chiến lược và chính trị. Gần đây nhất, năm 2023, 59.9% người chọn cho rằng Trung Quốc có ảnh hưởng nhất về kinh tế và 41.5% cho rằng Trung Quốc có ảnh hưởng nhất về chiến lược và chính trị. Xem Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2019, tr.20; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2020, tr.15; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2021, tr.20; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2022, tr.20; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2023, tr.24.
[4] Chi tiết: Năm 2019, 51.5% người chọn trả lời ít hoặc không tin Trung Quốc sẽ làm điều đúng đắn, đóng góp vào hòa bình, an ninh, thịnh vượng và quản trị thế giới; năm 2020, tỷ lệ này là 60.4%; năm 2021, 63%; năm 2022, 58.1%; và năm 2023, 49.8%. Xem Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2019, tr. 26; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2020, tr.43; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2021, tr.42; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2022, tr.42; và Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2023, tr.44.
[5] Chi tiết: Năm 2020, 48% người được khảo sát chọn ASEAN nên tăng cường khả năng phục hồi và sự đoàn kết của mình để chống lại áp lực từ cả hai siêu cường và 31.3%, ASEAN cần tiếp tục chủ trương không chọn bên của mình. Năm 2021, 53.8% chọn ASEAN nên tăng cường khả năng phục hồi và sự đoàn kết của mình để chống lại áp lực từ cả hai siêu cường và 29.9%, ASEAN cần tiếp tục chủ trương không chọn bên của mình. Năm 2022, 46.1% chọn ASEAN nên tăng cường khả năng phục hồi và sự đoàn kết của mình để chống lại áp lực từ cả hai siêu cường và 26.6%, ASEAN cần tiếp tục chủ trương không chọn bên của mình. Năm 2023, 45.5% chọn ASEAN nên tăng cường khả năng phục hồi và sự đoàn kết của mình để chống lại áp lực từ cả hai siêu cường và 30.5%, ASEAN cần tiếp tục chủ trương không chọn bên của mình. Xem Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2020, tr.28; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2021, tr. 32; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2022, tr.31; và Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2023, tr.36.
[6] Chi tiết: Năm 2019, 65.9% người được khảo sát trả lời tin tưởng Nhật Bản và chỉ có 21.7% tin tưởng Ấn Độ (đứng thứ tư trên Trung Quốc và sau Mỹ). Năm 2020, 61.2% người tin tưởng Nhật bản chỉ có 16% người tin tưởng Ấn Độ (đứng thứ năm). Năm 2021, Nhật Bản có 67.1% người tin tưởng; Ấn Độ đứng thứ tư, trên Trung Quốc, với 19.8% người tin tưởng. Năm 2022, Nhật Bản có 54.2% người tin tưởng và Ấn Độ lại xuống vị trí thứ năm sau Trung Quốc với 16.6% người tin tưởng. Năm 2023, Nhât Bản vẫn dẫn đầu với 54.4% người tin tưởng và Ấn Độ vẫn ở vị trí thứ năm với 25.7% người tin tưởng. Xem Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2019, tr.31; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2020, tr.53; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2021, tr.52; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2022, tr.52; và Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2023, tr.54.
[7] Chi tiết: Năm 2019, trong số sáu sự lựa chọn (Mỹ, một quốc gia Châu Âu, Úc, Nhật Bản, một quốc gia ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ) thì Mỹ là sự lựa chọn hàng đầu với 31.5% người được khảo sát chọn; tiếp đến là một quốc gia Châu Âu 28.4%. Có lẽ do năm 2019, Brexit chưa kết thúc nên ISEAS chưa để Anh là một sự lựa chọn riêng so với một quốc gia Châu Âu. Năm 2020, trong số 10 quốc gia (Mỹ, Anh, Úc, một quốc gia EU, Nhật Bản, New Zealand, một quốc gia ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ) thì Mỹ được 29.3% người chọn và Anh được 23.3% người chọn. Năm 2021, trong số 10 sự lựa chọn, Mỹ được 29.7% người chọn và Anh, 19.9%. Năm 2022, Mỹ được 25.6% người chọn và Anh, 20.8% trong số 10 sự lựa chọn. Năm 2023, Mỹ được 25.2% người chọn và Anh, 15.9% trong số 10 sự lựa lựa chọn. Xem Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2019, tr.33; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2020, tr.54; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2021, tr.53; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2022, tr.53; và Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2023, tr.55.
[8] Trong số sáu thách thức được nêu ra: kinh tế đi xuống, khủng bố, căng thẳng sắc tộc và tôn giáo, gia tăng căng thẳng quân sự, bất ổn chính trị nội bộ, và biến đổi khí hậu. Xem Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2019, tr.11.
[9] Trong số năm thách thức: kinh tế đi xuống; bất ổn chính trị nội bộ bao bồm căng thẳng sắc tộc và tôn giáo; khủng bố, gia tăng căng thẳng quân sự ở Biển Đông, Đài Loan và Bán đảo Triều Tiên; và các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên với cường độ mạnh hơn do biến đổi khí hậu như hạn hán, ngập lụt, bão biển, nước biển dâng. Xem Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2020, tr.7.
[10] Trong số tám thách thức: sự đi xuống của nhân quyền; bất ổn chính trị nội bộ bao bồm căng thẳng sắc tộc và tôn giáo; gia tăng căng thẳng quân sự ở Biển Đông, Đài Loan và Bán đảo Triều Tiên; các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên với cường độ mạnh hơn; khủng bố; các mối đe dọa đối với sức khỏe từ đại dịch COVID-19; thất nghiệp và giảm sút kinh tế; và gia tăng cách biệt giầu nghèo và khác biệt về thu nhập). Xem Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2021, tr.7 và Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2022, tr.8.
[11] Trong số tám thách thức là sự đi xuống của nhân quyền; bất ổn chính trị nội bộ; gia tăng căng thẳng quân sự ở các điểm nóng; các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên với cường độ mạnh hơn; khủng bố; sự phân tách giữa Trung Quốc và Mỹ; thất nghiệp và giảm sút kinh tế; và gia tăng cách biệt giầu nghèo và khác biệt về thu nhập. Xem Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2023, tr.9.
[12] Trong số năm lựa chọn: suy giảm trầm trọng, suy giảm, không thay đổi, tăng, tăng nhiều. Xem Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2019, tr.16 và Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2020, tr.39.
[13] Trong số năm lựa chọn: không tin tưởng, ít tin tưởng, không bình luận, tin tưởng một chút, hoàn toàn tin tưởng. Xem Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2019, tr.17 và Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2020, tr.40.
[14] Chi tiết: năm 2021, 61% người chọn cho rằng sự quan tâm của Mỹ với khu vực đã tăng lên hoặc tăng lên đáng kể; 55.4% người chọn thể hiện tin tưởng một chút hoặc hoàn toàn tin tưởng Mỹ là đối tác chiến lược đảm bảo an ninh cho khu vực; và 48.3% người chọn tin tưởng hoặc hoàn toàn tin tưởng Mỹ sẽ đóng góp vào hòa bình, an ninh, thịnh vượng, và lãnh đạo thế giới. Năm 2022, 45.8% người chọn cho rằng mức độ quan tâm của Mỹ với khu vực đã tăng lên hoặc tăng lên đáng kể; 42.6% tin tưởng hoặc rất tin tưởng Mỹ là đối tác chiến lược đảm bảo an ninh cho khu vực; và 52.8% tin tưởng hoặc rất tin tưởng Mỹ sẽ đóng góp vào hòa bình, an ninh, thịnh vượng, và lãnh đạo thế giới. Năm 2023, 39.4% người chọn cho rằng mức độ quan tâm của Mỹ với khu vực đã tăng lên hoặc tăng lên đáng kể; 47.2% tin tưởng hoặc rất tin tưởng Mỹ là đối tác chiến lược đảm bảo an ninh cho khu vực; và 54.2% tin tưởng hoặc rất tin tưởng Mỹ sẽ đóng góp vào hòa bình, an ninh, thịnh vượng, và lãnh đạo thế giới. Xem Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2021, các tr.39, 40 và 50; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2022, các tr.38, 39 và 50; và Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2023, các tr.42, 43 và 52.
[15] Bao gồm: Mỹ không có khả năng và ý chí chính trị lãnh đạo thế giới; sự khác biệt về văn hóa chính trị và thế giới quan với Mỹ, Mỹ bị các vấn đề nội bộ làm cho xao nhãng nên không thể tập trung vào các vấn đề toàn cầu; quyền lực quân sự và kinh tế của Mỹ có thể được sử dụng để đe dọa chủ quyền và lợi ích quốc gia khác; và Mỹ không phải là một quốc gia đáng tin cậy.
[16] Xem Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2020, tr.52; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2021, tr.51; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2022, tr.51; và Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2023, tr.53.
[17] Bao gồm: Mỹ có tài nguyên kinh tế to lớn và ý chí chính trị lãnh đạo thế giới; sự tương đồng về văn hóa chính trị và thế giới quan với Mỹ; Mỹ là quốc gia có trách nhiệm và tôn trọng, thúc đẩy luật quốc; sức mạnh quân sự của Mỹ đóng vai trò quan trọng cho hòa bình và an ninh toàn cầu; và sự tôn trọng đối với nền văn minh và văn hóa Mỹ.
[18] Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2020, tr.52; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2021, tr.51; Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2022, tr.51; và Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2023, tr.53.
[19] Trong số mười một quốc gia và tổ chức: Úc, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, ASEAN, và Vương quốc Anh.
[20] Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2020, tr.19.
[21] Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2021, tr.24.
[22] Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2022, tr.24.
[23] Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2022, tr.28.
[24] Trong số mười một quốc gia và tổ chức đã nêu ở chú thích số 19.
[25] Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2020, tr.20 và Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2021, tr.25.
[26] Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2020, tr.26 và Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2021, tr.30.
Ngày 08/7/2024, tại cuộc họp 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng giữa Nhật Bản và Philippines tại Manila, hai nước đã ký Hiệp định Tiếp cận quân sự tương hỗ (RAA). Đây là thỏa thuận RAA đầu tiên Philippines ký với nước khác và là RAA đầu tiên Nhật Bản ký với một nước Đông Nam Á cũng là RAA thứ...
Ngày 17/6, lực lượng tác chiến đặc biệt và lực lượng cứu hộ dân sự Philippines đã sử dụng một tàu vận tải, 5 xuồng cao su tốc độ cao để tiếp tế cho binh lính đồn trú trên tàu Sierra Madre nằm cạn tại Bãi Cỏ Mây. Trước diễn biến này, Trung Quốc cũng dùng các tàu, xuồng của lực lượng hải cảnh để ngăn chặn,...
Việt Nam có thể xem xét tham gia các tuyến cáp quang biển kết nối đầu từ xây dựng tuyến cáp quang mới kết nối với Sydney và Chennai, xây dựng một tuyến dây cáp quang ven biển nội bộ, và xây dựng liên doanh giữa các doanh nghiệp cáp quang biển Việt Nam.
Dự báo trong thời gian tới, Campuchia sẽ thúc đẩy quan hệ với Mỹ, đồng thời tiếp tục duy trì và đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc. Song, Campuchia sẽ cần khéo léo trong đường lối đối ngoại để có thể vừa tối đa hóa lợi ích quốc gia, vừa cân bằng được quan hệ với Mỹ-Trung.
Lễ nhậm chức của nhà cầm quyền Đài Bắc Lại Thanh Đức diễn ra ngày 20/5/2024 vừa qua đang thu hút sự quan tâm của dư luận về triển vọng quan hai bờ, quan hệ Mỹ - Đài cũng như những điều chỉnh chính sách của Đài Bắc đối với khu vực.
Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức ngày 20/5, tân lãnh đạo Đài Bắc Lại Thanh Đức nhắc tới Trung Quốc tổng cộng 7 lần. Điểm đáng chú ý là ông Lại công khai chỉ trích hoạt động “vùng xám” của Trung Quốc, cho rằng“các hành động quân sự và hành động vùng xám của Trung Quốc bị coi là các thách thức chiến...