101229_98408649.jpg

Tuy nhiên, hiện cả Mỹ và Trung Quốc đều có những cam kết ở Biển Đông và khó có thể tìm được đường lùi. Trong vài tuần trở lại đây, những cam kết này đã trở thành nguyên nhân kích động một cuộc khẩu chiến khiến giới phân tích vô cùng quan ngại. Những khúc mắc chủ yếu liên quan đến nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng (hoặc xây mới) trái phép nhiều hòn đảo ở quần đảo Trường Sa, những thực thể về lý thuyết có thể trở thành cơ sở cho nhiều yêu sách biển. Sự cương quyết của Mỹ đối với vấn đề tự do hàng hải đã đẩy các căng thẳng lên tới đỉnh điểm. Có ba hướng diễn biến nguy hiểm có thể đẩy những mâu thuẫn này lên thành một cuộc xung đột nghiêm trọng ở Biển Đông:

1. Hoạt động xây dựng và bồi đắp đảo được đẩy mạnh ở Biển Đông

Trong vài tháng trở lại đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh hơn kế hoạch xây dựng cái mà giới quan sát gọi là “Vạn lý Trường thành bằng cát”, bao gồm việc mở rộng một nhóm đảo tại quần đảo Trường Sa để chuẩn bị cho sự hiện diện của một đường băng, các khí tài quân sự và nhiều hạ tầng kiên cố khác. Những hoạt động này cho thấy Bắc Kinh cương quyết bảo vệ các hòn đảo mới này như là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc, lập trường mà Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) hoàn toàn phủ nhận. Washington cũng không đồng tình với tham vọng này của Bắc Kinh và nhiều lần khẳng định sẽ tiến hành hoạt động tự do hàng hải tại những vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Nguy cơ xung đột là có thật. Nếu tàu hoặc máy bay của Mỹ tiến vào những vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, các thủy thủ, lực lượng vũ trang và phi công Trung Quốc cần phải hết sức thận trọng với cách hành xử của mình. Phản ứng dưới hình thức quân sự sẽ nhanh chóng làm leo thang xung đột, nhất là nếu phía Mỹ có những thiệt hại cụ thể. Hơn thế nữa, hoạt động xây đảo của Trung Quốc rất dễ biến nước này thành bên xung đột với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong trường hợp đó, chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải sẽ đẩy Trung Quốc vào một vị thế khó xử liên quan tới bên thứ ba.

2. Đụng độ trên không

Đã nhiều lần xung đột suýt xảy ra giữa máy bay hai nước. Khi máy bay P-3 Orion của Mỹ va chạm với máy bay J-8 của Hải quân PLA (PLAN) vào năm 2011, các cuộc khẩu chiến và đàm phán căng thẳng đã kéo dài nhiều tuần lễ trước khi phi hành đoàn P-3 được trở về Mỹ, và chiếc máy bay được trao trả cho Washington... trong một chiếc hộp. Không khó để hình dung mức độ nguy hiểm của một cuộc đối đầu tương tự trên Biển Đông.

Nếu Trung Quốc dấn bước và quyết định tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, mọi chuyện sẽ càng trở nên phức tạp. Mỹ cũng đã nhiều lần thể hiện sự phủ nhận đối với ADIZ mà Trung Quốc thiết lập ở biển Hoa Đông, song Bắc Kinh có những lợi ích lớn hơn và cũng có nhiều ảnh hưởng hơn tại Biển Đông. Sự hiện diện của một ADIZ tại vùng biển nhạy cảm này chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt từ Mỹ và đẩy hai bên tới nguy cơ đối đầu nghiêm trọng.

3. Đụng độ dưới biển

Trong Chiến tranh Lạnh, tàu ngầm của Liên bang Xôviết và Mỹ đã không ít lần “vờn nhau”, và đã có những vụ va chạm xảy ra ở Đại Tây Dương, Bắc Cực và Biển Bắc. Nguy cơ đụng độ của Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực này chưa lớn tới như vậy, một phần bởi Trung Quốc chưa sở hữu tàu ngầm đủ khả năng hoạt động hiệu quả và cũng bởi hạm đội của Trung Quốc khó có thể sánh bằng của Xôviết. Tuy nhiên, bởi thực tế hạm đội tàu ngầm của PLAN đang dần được củng cố và bắt đầu có những chuyến huấn luyện ở xa, trong các điều kiện khó khăn hơn, nguy cơ xảy ra đối đầu ngày càng lớn, và những thiệt hại mà nó mang lại cũng sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với các cuộc đụng độ trên không.

Chiến tranh hiếm khi vô tình xảy ra, song mọi chuyện đều có thể. Điểm chung của tất cả những kịch bản này là dư luận Trung Quốc, hoặc thậm chí là Mỹ, có thể bị kích động quá mức và vô hình trung sẽ tác động tới giới hoạch định chính sách. Nếu Chủ tịch Tập Cận Bình, người từng coi chính sách đối ngoại hiếu chiến là một trụ cột trong cách lãnh đạo của mình, cảm thấy rằng ông không thể nhượng bộ và phải bằng mọi cách đảm bảo uy tín chính trị của mình, nhiều diễn biến khó lường sẽ nhanh chóng nảy sinh.

Denny Roy, một nhà nghiên cứu kỳ cựu làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương từng chỉ ra rằng Trung Quốc đang có một cuộc tấn công mạnh mẽ trên Biển Đông. Bằng việc tạo dựng những thực tế (cụ thể là những hòn đảo và cơ sở hạ tầng nhân tạo), quốc gia này đang tạo nên một bối cảnh mà những hành động hết sức bình thường của Mỹ đều có thể bị xem là những cuộc xâm lược nghiêm trọng. Tuy nhiên, không rõ liệu Bắc Kinh có hoàn toàn nhận thức được những rủi ro mà chiến lược này đem lại, hoặc dự trù được những nguy hiểm từ việc gây quá nhiều sức ép đối với hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, một trong những lợi ích cốt lõi dài hạn của Mỹ, hay không. Nhiều chính quyền không nhận thức được rằng họ đang mạo hiểm và tự tạo ra rắc rối cho chính mình tới khi họ bắt đầu vướng vào chúng. Có lẽ thận trọng sẽ không thừa.

Tác giả Robert Farley là giảng viên cao cấp tại Trường Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Patterson. Bài viết đăng trên “National interest”.

Nhật Linh (gt)