Đường đứt đoạn ở biển Biển Đông là chỉ đường đứt đoạn hình chữ U đánh dấu trên bản đồ Biển Đông, cũng gọi là “đường chữ U’ hay “đường 9 đoạn”. Đường chữ U nói trên được công bố năm 1947, cộng đồng quốc tế lúc đó không hề có dị nghị, các nước Đông Nam Á ở xung quanh cũng chưa bao giờ phản đối về mặt ngoại giao, điều đó coi như đã được mặc nhận. Sau đó bản đồ xuất bản của rất nhiều nước cũng vẽ hình đánh dấu như vậy và chú thích rõ thuộc về Trung Quốc. Tuy nhiên sau khi “Viện lập pháp Đài Loan” thông qua “Cương lĩnh chính sách Biển Đông”, gọi vùng nước trong đường đứt đoạn là “vùng nước mang tính lịch sử” từ năm 1993, đường đứt đoạn này bắt đầu khiến quốc tế quan tâm rộng rãi, các nước Đông Nam Á xung quanh Biển Đông thậm chí lên tiếng thắc mắc về tính chất và địa vị pháp lý của đường đứt đoạn. Dưới đây sẽ trình bày bối cảnh ra đời, hiệu lực và tác dụng của đường đứt đoạn để làm rõ diện mạo lịch sử của đường đứt đoạn đó. 

Bắt đầu từ việc Pháp chiếm lĩnh 9 đảo nhỏ ở Trường Sa năm 1933. Từ khi chiếm Việt Nam làm thuộc địa năm 1885, Chính phủ Pháp luôn có dã tâm xâm chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc. Ngoài việc ngụy tạo ra những “sự thực lịch sử”, biên soạn ra tài liệu hoang đường như cái gọi là “đầu thế kỷ 19, vào thời vua Gia Long và vua Minh Mạng ở An Nam (nay là Việt Nam), đều đưa quân ra Hoàng Sa, An Nam hiện đã thuộc quyền sở hữu của Pháp nên quần đảo Hoàng Sa cũng thuộc quyền sở hữu của nước Pháp”, họ còn tỏ ý nghi ngờ tính hợp pháp của việc Thủy sư đề đốc Quảng Đông Lý Chuẩn thời nhà Thanh dẫn đầu đoàn tuần tra thị sát quần đảo Hoàng Sa vào năm 1909, mỗi lần ra đảo lại khắc đá đặt tên, làm nhà bằng gỗ, dựng cột buồm, treo cờ Hoàng Long khẳng định lãnh thổ Trung Quốc. Tháng 3/1930, Toàn quyền Đông Dương tại Hà Nội gửi thư cho Bộ trưởng thuộc địa Pháp viết rằng tỉnh Quảng Đông quyết định nhà đương cục Hoa Nam đứng ra tuyên bố họ có chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa. Sự kiện lớn diễn ra năm 1909 về việc tuần thú quần đảo Hoàng Sa là nghi thức chiếm lĩnh chính thức do Toàn quyền Lưỡng Quảng đề xướng, và việc tuyên bố của chính quyền tỉnh Quảng Đông hiện nay dường như căn cứ theo nghi thức này. Đối với nước Pháp, hành động chiếm lĩnh này chỉ là biểu hiện của vũ lực, từ trước đến nay chưa bao giờ được chính thức thừa nhận, nếu muốn có hiệu lực về mặt pháp luật thì chỉ có thể giả thiết quần đảo Hoàng Sa lúc đó là đất vô chủ.

Trước việc này, tháng 9/1932, Công sứ của Trung Hoa Dân quốc tại Pháp đã gửi công hàm đến Bộ Ngoại giao Pháp để phản đối, cho rằng “căn cứ theo luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế thì điều kiện chủ yếu để có được một đảo cách xa đất liền là trước tiên phải có sự chiếm lĩnh hữu hiệu, nói cách khác là có người của nước mình định cư ở đó trước tiên, khiến cho quốc gia có người ở đó có được những phần lãnh thổ này. Ngư dân Hải Nam định cư ở quần đảo Hoàng Sa, đồng thời làm nhà ở và đóng thuyền đánh cá để đáp ứng nhu cầu của họ, từ xưa đến nay chính là cách làm như vậy. Năm 1909, rõ ràng Chính phủ nhà Thanh đã đưa hải quân đến quần đảo khảo sát, đồng thời tuyên bố với các nước trên thế giới về sự chiếm đóng hữu hiệu của mình, liền ngay đó là kéo cờ của Trung Quốc, bắn 21 phát đại bác. Chính phủ Pháp lúc đó không kháng nghị phản đối. Năm 1908 có tổ chức quốc tế kiến nghị xây dựng cột đèn trên một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa để bảo vệ tàu thuyền, đó là công trình quan cho hàng hải quốc tế. Tháng 4/1930, tại Hội nghị khí tượng họp ở Hồng Công, Trưởng đài khí tượng của Pháp ở Đông Dương, ngài Blouson và Trưởng đài thiên văn Từ Gia Hối ở Thượng Hải là Linh mục Frock (?) tham gia hội nghị lúc đó đã kiến nghị với đại biểu Trung Quốc xây dựng một đài khí tượng ở quần đảo Hoàng Sa”. 

Thấy không có chỗ nào có thể lợi dụng trong vấn đề Hoàng Sa, Pháp bèn chuyển ý đồ vươn đến quần đảo Trường Sa. Năm 1930, pháo hạm Pháp mang tên Malicieuse đã tự ý đến “đo đạc” ở đảo Nam Uy (Spratly) thuộc quần đảo Trường Sa, không nhìn nhận sự thực về việc ngư dân Trung Quốc đã định cư trên đảo này, và bí mật cắm cờ Pháp rồi bỏ đi. Tháng 4/1933, pháo hạm “Alerte và tàu đo đạc Astrolabe do Trưởng phòng nghiên cứu hải dương Sài Gòn dẫn đầu đã đến “khảo sát” tường tận trên khắp quần đảo Trường Sa để thể hiện sự “chiếm lĩnh”. Tháng 9/1930, Chính phủ Pháp đã thông qua một tờ Công báo tuyên bố với các nước khác rằng Pháp đã chiếm lĩnh quần đảo Trường Sa. Tháng 4/1933, Pháp còn chính thức tổ chức nghi thức chiếm lĩnh và công bố trên báo chí chính thức của Chính phủ vào ngày 26/7/1933. Tháng 12 cùng năm, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương Giao Chỉ (tức miền Nam Việt Nam) Krautheimer đã ký pháp lệnh sáp nhập các đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa của An Nam. Kỳ thực, mục đích của Pháp khi đó là thôn tính toàn bộ quần đảo Trường Sa chứ không chỉ vẻn vẹn mấy đảo nhỏ. Có thể thấy rõ điều này qua thư của Bộ Quốc phòng Pháp gửi Bộ Ngoại giao nước này ngày 30/3/1932 nói rằng “các ngài yêu cầu chúng tôi khi có khả năng phải chiếm lĩnh ngay quần đảo này, nhưng hành động như vậy cần phải được tiến hành trong điều kiện thời tiết thật tốt […], chúng tôi sẽ truyền đạt yêu cầu của các ngài đến Tư lệnh hải quân ở Đông Dương, yêu cầu họ đến, lập tức chiếm lĩnh quần đảo nói trên trong điều kiện thời tiết họ cho là thuận lợi nhất”. 

Trong tài liệu có tên “Trung Quốc địa lý tân chí” xuất bản ngày đó đã liệt kê các đảo nhỏ mà Pháp chiếm lĩnh gồm: 1) Đảo Trường Sa hay còn gọi đảo Storm (đảo bão gió), hiện nay gọi là đảo Nam Uy; 2) Đảo Itu Aba, nay gọi là đảo Thái Bình; 3) Đảo Amboyna Cay, nay gọi là bãi An Ba Sa; 4) Đảo North Danger North-east Cay, nay gọi là đảo Bắc Tử; 5) Bãi North Danger South-west Cay, nay gọi là bãi Nam Tử; 6) Đảo Loaita Is hay South Is., nay gọi là đảo Nam Thược; 7) Đảo Thitu, nay gọi là đảo Trung Nghiệp; 8) Đảo Nam Yet, nay gọi là đảo Hồng Ma; 9) Đảo West York, nay gọi là đảo Tây Nguyệt. Sự kiện Pháp chiếm 9 đảo ở Trường Sa đã gây tác động rất lớn đối với Chính phủ Dân quốc lúc đó. Ngày 4/8/1933, Bộ Ngoại giao Chính phủ Dân quốc gửi công hàm cho Sứ quán Pháp, yêu cầu điều tra rõ và trả lời chính thức về tên gọi, kinh độ, vĩ độ của các đảo. Bộ Ngoại giao Pháp đã thông qua Đại sứ Trung Quốc tại Pháp lúc đó là Cố Duy Quân gửi đi bức điện báo, nói “9 đảo nói trên nằm giữa An Nam và Philíppin, đều là nham thạch, được coi là tuyến đường biển quan trọng, tàu bè của Pháp thường lợi dụng chỗ hiểm yếu để tránh nạn nên đã chiếm giữ để xây dựng các thiết bị phòng chống rủi ro, đồng thời nói rõ trên bản đồ, thực tế không hề liên quan gì đến quần đảo Hoàng Sa”. Trước tình thế như vậy, Chính phủ Dân quốc cảm thấy cần phải xuất bản bản đồ chi tiết phạm vi lãnh thổ Biển Đông của Trung Quốc, thống nhất thẩm định lại tên bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh của các đảo và bãi đá trong vùng lãnh thổ đó nên đã thành lập “Ủy ban thẩm định bản đồ biển và đất liền”. Hội nghị lần thứ 25 được tổ chức ngày 21/12/1934 đã thẩm định tên gọi tiếng Trung và tiếng Anh của các đảo ở Biển Đông. Trên tập san lần đầu tiên của Ủy ban phát hành tháng 1/1935 đã liệt kê tương đối rõ tên gọi của 132 đảo, mỏm đá, bãi đá, bãi cát. Tháng 4/1935 Ủy ban nói trên lại xuất bản “bản đồ các đảo ở Biển Đông”, xác định đường biên giới lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông cực Nam đến vĩ tuyến 4, đánh dấu bãi đã ngầm Tăng Mẫu vào phạm vi lãnh thổ. Năm 1936, bản đồ nói trên được đưa vào tập bản đồ do Bạch Mi Sơ chủ biên, gọi là tập “Bản đồ mới kiến thiết Trung Hoa” (Trung Hoa kiến thiết tân đồ), còn có tên gọi khác là “Bản đồ toàn Trung Quốc sau phát triển cương vực biển phía Nam” (Hải cương Nam triển hậu chi Trung Quốc toàn đồ). Trong lãnh thổ Biển Đông trên bản đồ có đánh dấu các quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, Trường Sa và Đoàn Sa, xung quanh các quần đảo này được đánh dấu rõ bằng đường ranh giới quốc gia để thể hiện rõ các đảo ở Biển Đôngđều đã có trong bản đồ Trung Quốc. Đường ghi dấu lãnh thổ quốc gia ở các đảo Biển Đông cực Nam nằm ở độ 4 vĩ tuyến Bắc, đồng thời đánh dấu rõ tiêu chí của bãi Tăng Mẫu ở đường ranh giới quốc gia. Đó là đường ranh giới lãnh thổ trên biển xuất hiện sớm nhất trên bản đồ của Trung Quốc, cũng là hình hài ban đầu của đường đứt quãng hình chữ U trên bản đồ Biển Đông của Trung Quốc hiện nay. 

Thu hồi các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa sau kháng chiến chống Nhật Sau khi xâm lược Trung Quốc vào thập niên 30 thế kỷ trước, Nhật Bản đã cưỡng chiếm quần đảo Trường Sa và đổi tên thành “quần đảo Tân Nam”, hoạch định quần đảo này thuộc quyền quản lý của Toàn quyền Đài Loan (lúc đó Đài Loan là thuộc địa của Nhật Bản). Sau kháng chiến chống Nhật, Chính phủ Trung Quốc lúc đó căn cứ theo “Tuyên ngôn Cairô” - do 3 nước Trung Quốc, Mỹ và Anh ký tháng 12/1943 quy định “tôn chỉ của 3 nước […] ở chỗ làm cho các phần lãnh thổ của Trung Quốc bị Nhật Bản cướp đọat như Mãn Châu, Đài Loan, quần đảo Bành Hồ được trả về cho Trung Hoa Dân quốc” - và “Thông cáo Potsdam” - hối thúc Nhật Bản đầu hàng do 3 nước Trung, Mỹ, Anh ký tháng 7/1945 về “điều kiện trong bản Tuyên ngôn Cairô sẽ phải thực thi, còn chủ quyền của Nhật Bản sẽ phải hạn chế trong phạm vi lãnh thổ Nhật Bản hiện có, Bắc Hải đạo, Cửu Châu, cùng các đảo nhỏ khác do 4 nước và người Ngô (một tộc người ở Thường Xuân thuộc tỉnh Cát Lâm?) - quyết định” thu hồi Đài Loan, sau đó chính thức thu hồi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ngày 25/10/1945. 

Mùa Thu năm 1946, Chính phủ Trung Quốc lúc đó quyết định Bộ tư lệnh hải quân đưa binh lính và tàu chiến ra đóng ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, đồng thời Bộ Quốc phòng, Bộ Nội chính, Bộ tư lệnh không quân, Ban hậu cần cũng cử đại biểu ra thị sát; chính quyền tỉnh Quảng Đông cử nhân viên ra tiếp nhận. Những người ra tiếp nhận đi trên 4 tàu mang tên “Thái Bình”, Vĩnh Hưng”, “Trung Kiến”, “Trung Nghiệp”. Tháng 11 cùng năm, 2 tàu “Vĩnh Hưng”, “Trung Kiến” do Diêu Nhữ Ngọc dẫn đầu ra đến đảo chính trong quần đảo Hoàng Sa là đảo Vĩnh Hưng, dựng “Bia kỷ niệm hải quân thu hồi quần đảo Hoàng Sa” trên đó. Mặt chính của bia khắc 4 chữ lớn là “Biển ĐôngBình Phiên” (nghĩa là phên dậu Biển Đông), bắn pháo, kéo cờ tuyên bố công việc thu hồi quần đảo Hoàng Sa đã hoàn thành. Tháng 12, 2 tàu “Thái Bình” và “Trung Nghiệp” do Lâm Tuân dẫn đầu ra đến đảo chính trong quần đảo Trường Sa, đã đặt tên cho đảo là đảo “Thái Bình” để kỷ niệm tàu “Thái Bình” tiếp nhận đảo này, đồng thời dựng bia đá ở đầu phía Đông của đảo với tên gọi “Đảo Thái Bình quần đảo Trường Sa”, cử hành nghi thức tiếp nhận và kéo cờ bên cạnh bia đá. Sau đó nhân viên thu hồi lại đến đảo Trung Nghiệp, đảo Tây Nguyệt và đảo Nam Uy, lần lượt dựng bia để làm chứng cứ. Tại đảo Thái Bình đã thành lập Phòng quản lý quần đảo Trường Sa, thuộc quyền quản lý của chính quyền tỉnh Quảng Đông.

Tuy nhiên, Pháp với ý đồ khôi phục chế độ thống trị tại Đông Dương và Philíppin vừa thoát khỏi ách thống trị của Mỹ đều muốn kiểm soát hữu hiệu quần đảo. Trong khi quân đội Nhật đầu hàng còn chờ trao trả, Pháp đã tranh thủ đến chiếm ngay một số đảo trước khi bộ đội Trung Quốc đến đóng trên các đảo ở Biển Đông, đồng thời đưa tàu chiến tuần tra thường xuyên ở Biển Đông. Tháng 7/1946, một tàu không rõ quốc tịch đã xâm nhập vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, sau khi biết tin Tổng bộ hải quân Trung Quốc quyết định đưa tàu chiến đến tiếp nhận quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa mới tự động rút đi sau đó mấy ngày. Tháng 10, lại có tàu chiến Chevreud của Pháp đến chiếm đảo Nam Uy và đảo Thái Bình ở quần đảo Trường Sa, đồng thời dựng bia trên đảo Thái Bình. Trước việc Trung Quốc quyết định thu hồi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Pháp lên tiếng phản đối và đưa tàu chiến Tonkinois đến quần đảo Hoàng Sa, trên đường đến đảo Vĩnh Hưng thấy có bộ đội Trung Quốc đóng giữ liền đổi hướng đi đến đảo San Hô, và thiết lập Trung tâm hành chính trên đảo. Philíppin cũng muốn nhân cơ hội Trung Quốc chưa hoàn toàn tiếp nhận các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chiếm quần đảo Trường Sa làm của mình. Ngày 23/7/1946 Ngoại trưởng Philíppin lúc đó là Quirino tuyên bố: “Trung Quốc đã tranh chấp với Philíppin về quyền sở hữu đối với quần đảo Trường Sa, quần đảo này ở cách đảo Palawan 200 hải lý về phía Tây, Philíppin sẽ hợp nhất quần đảo này vào phạm vi quốc phòng của mình”. 

Trong hoàn cảnh phức tạp như vậy, để bảo vệ chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông, Chính phủ Trung Quốc khi đó đã kịp thời có một số biện pháp cần thiết. Trước hết, đã điều chỉnh lại tên gọi của các đảo theo vị trí địa lý của các đảo đó tại vùng biển Biển Đông, đổi lại tên gọi ban đầu của “Quần đảo Đoàn Sa” thành “Quần đảo Trường Sa”, đổi lại tên gọi cũ của “Quần đảo Trường Sa” thành “Quần đảo Trung Sa”. Thứ hai, ngày 14/4/1947, Bộ Nội chính đã mời các cơ quan hữu quan cử người đến thảo luận và ra quyết định: 1) Phạm vi lãnh thổ Biển Đôngcực Nam phải đến bãi Tăng Mẫu, phạm vi này trước kháng chiến Chính phủ, cơ quan, trường học và các ấn phẩm xuất bản của Thư cục Trung Quốc đều lấy đó làm chuẩn; Bộ Nội chính đã chịu trách nhiệm lập hồ sơ, vẫn giữ nguyên không thay đổi. 2) Việc công bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, sau khi Bộ Nội chính đặt tên, có bản đồ minh họa kèm theo, trình lên Chính phủ Dân quốc lập hồ sơ, vẫn do Bộ Nội chính thông báo cho cả nước biết. Trước khi công bố, Bộ tư lệnh hải quân cũng đồng thời cố gắng đưa quân ra đóng ở các đảo thuộc các quần đảo nói trên. 3) Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mùa cá đến nhanh, ngư dân đến các quần đảo do Bộ tư lệnh hải quân và chính quyền tỉnh Quảng Đông bảo vệ và tạo thuận lợi  trong việc chuyên chở và thông báo tin tức. Thứ ba, để cụ thể hóa phạm vi lãnh thổ đã xác định ở Biển Đông, năm 1947, Vụ quản lý địa phương thuộc Bộ Nội chính khi đó đã in ấn “Bản đồ vị trí các đảo ở Biển Đông”. Bản đồ này có đánh dấu các quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa, đồng thời có vẽ đường đứt quãng hình chữ U ở xung quanh, vị trí cực Nam của đường đứt quãng ở vị trí khoảng 4 độ vĩ Bắc. Tháng 2/1948, bản đồ nói trên được đưa vào “Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân quốc” do Phó Giác Kim thuộc Vụ Phương vực Bộ Nội chính chủ biên, Vương Tích Quang vẽ và biên tập, Thương vụ ấn thư quán phát hành đối ngoại công khai. Đây chính là đường đứt quãng hình chữ U được đánh dấu chính thức trên bản đồ Biển Đôngcủa Trung Quốc. 

“Hòa ước San Francisco ” và đường đứt quãng Biển Đông

Về ý kiến của Mỹ và Anh liên quan việc xử lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, gần đây trong cuốn “Biên giới châu Á-Thái Bình Dương thời Chiến tranh Lạnh: Lãnh thổ chia rẽ hệ thống San Francisco”, nghiên cứu viên Kimi Sahara thuộc Trung tâm quản lý cải cách quốc tế Canađa đã tiết lộ một số dự thảo hiệp ước hòa bình mà ông đã được đọc trong mấy nơi như Nhà lưu giữ hồ sơ quốc gia Mỹ và Phòng quản lý hồ sơ Học viện Park ở Maryland. Xin được trình bày một số tư liệu liên quan trong đó như sau: 

1. Trong văn kiện mà Bộ Ngoại giao Mỹ đã trù định sẵn ở thời kỳ đầu Chiến tranh thế giới thứ Hai, văn kiện T-324 về “đảo Nam Uy và quần đảo khác (quần đảo Tân Nam)” được phác thảo ngày 25/5/1943, mục đích là để chuẩn bị cho công tác kiểm tra của Tiểu ban lãnh thổ. Văn kiện xuất phát từ góc độ địa lý, chiến lược, lịch sử Nhật Bản chiếm đóng, tuyên bố của các nước tranh chấp – tên gọi chung của các nước Nhật Bản, Pháp cùng với Trung Quốc và thái độ của Mỹ để thảo luận về các quần đảo này. Vấn đề đặc biệt cần chú ý là văn kiện nói trên đã tuyên bố về việc Philíppin tuyên bố chủ quyền sau chiến tranh: “Quần đảo Tân Nam chắc chắn là nằm ngoài phạm vi giới hạn mà Philíppin hoạch định ngày 10/12/1898”.

 2. Ngày 19/12/1944, trước Hội nghị Yalta, Ủy ban Phân khu Viễn Đông đã chuẩn bị văn kiện CAC-301 về “Đảo Nam Uy và quần đảo khác (quần đảo Tân Nam)”. Nội dung văn kiện cũng đề cập đến khu vực giống như khu vực được đề cập trong Văn kiện T-324 nói trên. Cả hai văn kiện đều có câu nói giống nhau: “Quần đảo Tân Nam là ở ngoài phạm vi giới hạn của Philíppin”. Phía trước câu nói như trên, văn kiện CAC-301 còn ghi thêm: “Nước Mỹ không tuyên bố chủ quyền cho mình, cũng không tuyên bố chủ quyền cho Philíppin ở quần đảo”. 

3. Văn kiện CAC-308 theo bản thảo chính thức tháng 12/1944 về “quần đảo Hoàng Sa” là chuẩn bị riêng cho quần đảo Hoàng Sa. Trong khi xem xét tình hình xung đột giữa các nước tranh chấp lúc đó – tức Pháp và Trung Quốc (Nhật Bản chưa bao giờ tuyên bố chính thức chủ quyền ở Hoàng Sa), văn kiện nói trên đã rõ ràng thừa nhận rằng tuyên bố của Trung Quốc là chiếm ưu thế về tính chất hợp pháp lịch sử.

Từ các văn kiện nói trên có thể thấy Mỹ cho rằng quần đảo Trường Sa chắc chắn nằm ngoài phạm vi giới hạn của Philíppin, đồng thời Mỹ cũng không tin vào tuyên bố của Pháp, cho rằng tuyên bố của Pháp về chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa là yếu ớt, không có sức mạnh. Nước Anh cũng giữ quan điểm tương tự như vậy đối với tuyên bố của Pháp về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tuy vậy, trong giai đoạn soạn thảo cuối cùng của “Hòa ước San Francisco đối với Nhật Bản” năm 1951, cả Mỹ và Anh lại đưa vấn đề xử lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vào hiệp ước theo yêu cầu của Pháp, hơn nữa cũng đồng ý cho Pháp đưa cả các đồng minh của họ là Lào, Campuchia và Việt Nam đến hội nghị, trong khi Trung Quốc đại lục và Đài Loan Trung Quốc lại không đuợc mời tham gia. Ngày 23/8/1951, một bức điện báo gửi từ Pari đến Bộ Ngoại giao ở Luân Đôn viết rằng “các nước đồng minh Lào, Campuchia và Việt Nam tham gia hội nghị San Francisco đã được đảm bảo, họ sẽ ký vào bản hiệp ước. Tại San Francisco, vấn đề Nhật Bản bồi thường chiến tranh do chiếm đóng sẽ được nêu lên, Pháp cần phải bảo vệ quyền lợi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa”.

Điều nghiêm trọng hơn nữa là “Hòa ước” chỉ viết Nhật Bản từ bỏ tất cả mọi quyền lợi ở Hoàng Sa và Trường Sa nhưng không nêu rõ sẽ trả lại những quyền lợi đó về cho Trung Quốc. Chính điều này đã để lại mầm họa cho việc tranh chấp lãnh thổ, khiến cho vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc và 2 thế lực thực dân là Nhật Bản và Pháp trước Chiến tranh thế giới thứ Hai chuyển thành tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á mới giành độc lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Vì thế, Bộ trưởng Ngoại giao nước CHND Trung Hoa lúc đó là Chu Ân Lai đã nghiêm túc tuyên bố: “Dự thảo văn kiện đã cố ý quy định Nhật Bản từ bỏ mọi quyền lợi ở đảo Nam Uy và quần đảo Hoàng Sa nhưng không đề cập đến vấn đề hoàn trả chủ quyền. Trên thực tế, quần đảo Hoàng Sa và đảo Nam Uy cũng như toàn bộ quần đảo Trường Sa, quần đảo Trung Sa và quần đảo Đông Sa, từ trước đến nay đều thuộc lãnh thổ của Trung Quốc. Trong thời kỳ đế quốc Nhật Bản phát động chiến tranh, tuy có lúc thất thủ nhưng sau khi Nhật Bản đầu hàng đã được Chính phủ Trung Quốc lúc đó thu hồi toàn bộ. Vì thế, Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố: Chủ quyền không thể xâm phạm của Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại đảo Nam Uy (Trường Sa) và quần đảo Hoàng Sa, dù Mỹ và Anh có quy định hay không quy định và quy định như thế nào trong dự thảo hòa ước với Nhật Bản, cũng đều không chịu bất cứ ảnh hưởng gì”.

Mặc dù Mỹ-Anh khi soạn thảo “hòa ước” đều biết rõ, bất luận là tuyên bố của nuớc tranh chấp trước chiến tranh – Pháp, hay là tuyên bố của nước tranh chấp mới sau chiến tranh – Philíppin, cũng đều không có lý do đầy đủ. Nhưng cùng với Chiến tranh Lạnh từng bước leo thang và Chủ nghĩa cộng sản phát triển ở châu Á, mục tiêu quan trọng của Mỹ đã biến thành mục tiêu không để cho nước Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản được hưởng lợi trong vấn đề lãnh thổ mà Nhật Bản phải hoàn trả. Tháng 1/1950, Mỹ tuyên bố cực Nam của “Phòng tuyến Acheson” ở Tây Thái Bình Dương kéo dài đến Philíppin, đảm bảo an ninh cho Philíppin đã trở thành mục tiêu chủ yếu trong chính sách Đông Nam Á của Mỹ. Vấn đề xử lý lãnh thổ theo “Hòa ước với Nhật Bản” đã đem lại cơ hội không chỉ cho Philíppin, mà cho cả các nước láng giềng xung quanh Biển Đôngmới độc lập tham gia cạnh tranh lãnh thổ ở Biển Đông, đồng thời dựa vào đó đã để lại “mảnh chêm” lợi hại như một nhân tố tiềm tàng đối phó với Trung Quốc.

Báo “Quốc phòng Trung Quốc” ra ngày 10/5/2011 có bài viết xung quanh câu hỏi đặt ra về việc “Đài Loan - Đại lục cùng giữ đảo Thái Bình?” với mọi khả năng có thể đặt ra của tác giả Mai Phong, nội dung như sau:

Gần đây có báo đưa tin nhà cầm quyền Đài Loan sẽ tổ chức “Hội nghị chống khủng bố quốc tế” trên đảo Thái Bình (Ba Bình) ở Biển Đông, Mã Anh Cửu sẽ đích thân tham gia “tuyên bố chủ quyền” để đối phó với nước xung quanh có mưu đồ đánh chiếm đảo Thái Bình. Nhà cầm quyền Đài Loan tuy đã phủ nhận tin này nhưng đảo Thái Bình và tình hình Biển Đôngmột lần nữa lại trở thành đề tài cho dư luận trên đảo. Ngày 5/5, Trung tướng nghỉ hưu ở Đài Loan, Ủy viên thường vụ Hội chiến lược Trung Hoa Truyền Ứng Xuyên có bài viết cho biết hiện nay hai bờ tuy không có đối thoại hay thỏa thuận chính thức về vấn đề Biển Đông, nhưng trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, lợi ích hai bờ là thống nhất. Hai bờ cùng không thể vì lập trường chính trị bất đồng mà gây tổn hại cho lợi ích chung của dân tộc, tin tưởng chắc chắn rằng Quân giải phóng quyết không thể ngồi nhìn. 

Tin đồn bên ngoài làm khuấy động Đài Loan

Đối với hai bờ, những năm gần đây Biển Đông đều là vấn đề “cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng”. Một số học giả người Hoa khi phân tích tình hình Biển Đôngđều cho rằng lực lượng phòng thủ của Đài Loan ở đảo Thái Bình mỏng yếu, nước xung quanh có thể có mưu toan đối với đảo Thái Bình. Một số người như học giả Bao Thuần Lượng thuộc Chương trình nghiên cứu toàn cầu, Phân hiệu Riverside, Đại học California và Tiết Lý Thái, Nghiên cứu viên thuộc Trung tâm an ninh và hợp tác quốc tế, Đại học Stanford, cho rằng nếu đảo Thái Bình thất thủ, không chỉ quyền và lợi ích ở Biển Đông sẽ mất đi mà cũng đồng thời có nghĩa trắc trở về mặt chính trị. 

Tin đồn từ hải ngoại đã làm khuấy động dư luận Đài Loan dẫn đến lo ngại cho các giới trên đảo về sự an nguy ở đảo Thái Bình. Trong một đợt thảo luận, có học giả Đài Loan lên tiếng nói rằng thực lực của Đại lục là nhân tố quan trọng đảm bảo cho nước xung quanh không dám manh động ra tay ở đảo Thái Bình. Trợ lý giáo sư Lý Đại Trung tại Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược, Đại học Đạm Giang khi trả lời phỏng vấn của báo chí có nói đến Biển Đôngliên quan đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc đại lục, nước xung quanh nếu có mạo muội hành động e sẽ không thể có được giá hời gì mà chỉ giúp quân đội Trung Quốc đại lục “luyện binh” mà thôi. Lý Đại Trung đồng thời cho rằng ngoài lãnh thổ, vấn đề Biển Đôngcòn bao gồm tranh giành nguồn năng lượng. Nhà cầm quyền Đài Loan cần chọn thời điểm thích hợp để đàm phán với Đại lục, cùng phát triển nguồn năng lượng ở Biển Đông. Một số học giả Đài Loan cũng nói rằng nhà cầm quyền chi bằng liên kết với Đại lục phối hợp phòng thủ đảo Thái Bình. 

Không ít dân chúng Đài Loan đều tin rằng Biển Đông khi có sự cố, hai bờ nhất định sẽ liên kết giữ đảo Thái Bình. Ngay đến nhà cầm quyền Đài Loan cũng còn xem xét việc đưa hợp tác với Đại lục bảo vệ đảo Thái Bình vào trong chính sách. Phó giám đốc Sở bảo vệ môi trường Đài Loan Khâu Văn Ngạn cũng đã phát biểu tại “Diễn đàn hải dương hai bờ eo biển” rằng có thể mời chuyên gia, học giả Đại lục đến khảo sát kế hoạch phối hợp, hỗ trợ ban lãnh đạo Đài Loan xây dựng đảo Thái Bình thành “công viên hòa bình quốc tế”. 

Đảo Thái Bình đã mấy lần bị chiếm 

Sở dĩ đảo Thái Bình có thể trở thành vấn đề Biển Đông, thậm chí là một điểm nóng trong quan hệ giữa hai bờ là do tính chất chiến lược quan trọng của bản thân hòn đảo này. Một đảo nhỏ hình bầu dục dài và hẹp nằm trên vị trí cốt tử ở Biển Đông, có diện tích lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, khoảng 0,5 Km vuông, cũng là đảo duy nhất có nguồn nước ngọt, vừa có thể trở thành cơ sở của nghề cá lại vừa có thể phát huy vai trò quân sự quan trọng. Có thể nói, có được đảo Thái Bình sẽ có được cả Biển Đông. Chính vì thế, từ thời cận đại khi thế lực các nước đã xâm nhập Biển Đông, đảo Thái Bình liền biến thành nơi tranh giành tất yếu của nhà binh, lịch sử từng ghi nhận đã 7 lần sang tên đổi chủ ở đảo này. Cuối đời nhà Thanh, đội quân lớn thương nhân và ngư dân người Nhật Bản đã kéo đến Trường Sa cướp đoạt tài nguyên, đảo Thái Bình cũng bị họ chiếm cứ lâu dài. Vào những năm 20 thế kỷ trước, quân đội thực dân Pháp chiếm đóng Đông Nam Á cũng xâm nhập quần đảo Trường Sa. Năm 1933, quân Pháp đã đuổi thương nhân Nhật Bản trên đảo Thái Bình, trở thành kẻ chiếm đóng mới ở đây. Năm 1939 quân đội Nhật Bản tràn đến Biển Đông, tháng 3 chiếm đóng đảo Thái Bình. Máy bay trinh sát của hải quân Nhật cũng từng đóng tại đảo Thái Bình, thi hành nhiệm vụ, những tin tức tình báo thu thập lúc đó đều được quân đội Nhật sử dụng để phát động cuộc chiến tranh Thái Bình Dương sau này. Kháng chiến chống Nhật vừa kết thúc, thực dân Pháp nhảy vào, đảo Thái Bình lại tiếp tục đổi chủ. Tuy nhiên do sức ép quốc tế, không lâu sau nước Pháp lại tự rút quân. Năm 1946 hải quân của Quốc dân đảng đã đưa tàu chiến “Thái Bình” ra tuần tra ở tận Trường Sa, đồng thời tiếp nhận các đảo ở Biển Đông. Chính phủ Quốc dân đảng lúc đó đã lấy tên của tàu chiến chính thức đặt tên cho đảo là đảo “Thái Bình”. Hải quân Quốc dân đảng đã thành lập “Phòng quản lý Trường Sa” và tiến hành thực thi công việc quản lý. Đầu những năm 50 thế kỷ trước, tất cả bộ đội Quốc dân đảng đóng trên đảo rút về Đài Loan. Một số người dân Philíppin còn cố tình đổ bộ lên đảo. Năm 1956 hải quân Quốc dân đảng đưa quân ra đuổi người Philíppin, đồng thời đội lục chiến trở lại đảo để trấn thủ. Từ đó đảo Thái Bình do nhà cầm quyền Đài Loan kiểm sát trên thực tế. Sau khi Lý Đăng Huy lên nắm quyền trên đảo, được ông này gợi ý, năm 1999 đội hải quân lục chiến của Đài Loan đã kết thúc nhiệm vụ đóng giữ ở đảo Thái Bình mấy chục năm, đến năm 2000, nhà cầm quyền Đài Loan thành lập “Sở tuần tra phòng vệ bờ biển”, tiếp quản đảo Thái Bình.

Phối hợp phòng vệ đảo Thái Bình ảnh hưởng tình hình Trường Sa 

Trong thời gian nắm quyền, Trần Thủy Biển đã từng làm to chuyện trong vấn đề đảo Thái Bình, cho xây dựng đường băng sân bay, còn lên cả đảo để ra oai nhằm dựa vào vấn đề Biển Đông phục vụ cho “Đài Loan độc lập”, bị báo chí trên đảo chế giễu, nói Trần Thủy Biển muốn mượn sân bay ở đảo Thái Bình để di chuyển tiền của tham nhũng, chuẩn bị sẵn khi vụ án vỡ lở chạy ra nước ngoài. Sau khi Mã Anh Cửu trở thành người lãnh đạo khu vực Đài Loan, quan hệ hai bờ đi vào thời đại mới, giao lưu hai bờ ngày càng mật thiết, cũng khiến cho rất nhiều vấn đề vốn nhạy cảm có được môi trường thảo luận rất tốt. Tình hình Biển Đông chính là một trong những vấn đề nhạy cảm nói trên. Đặc biệt sau khi “Hiệp định khung về hợp tác kinh tế hai bờ” (ECFA) được ký kết, hợp tác hai bờ trong vấn đề Biển Đôngcó được căn cứ pháp lý. Đây cũng là điều kiện quan trọng cho học giả hai bờ dồn dập lên tiếng đề nghị hai bờ hợp tác phòng thủ đảo Thái Bình, thậm chí cùng bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông hiện nay. Trên thực tế, nếu việc hai bờ phối hợp phòng thủ trở thành sự thực, thì điều này sẽ không chỉ là bảo vệ được một đảo Thái Bình mà sẽ còn có ảnh hưởng chiến lược tích cực đối với cả tình hình Biển Đông. Rất nhiều chuyên gia quân sự Đại lục cho rằng đảo Thái Bình hoàn toàn có thể dựa vào vị trí địa lý tuyệt vời và nguồn nước ngọt tại đó để xây dựng thành căn cứ tiếp tế hậu cần cho tàu chiến, khiến cho hải quân hai bờ có thể hợp tác tốt hơn trong khi bảo vệ Biển Đông. Ngoài ra, đảo Thái Bình chỉ cách quần đảo Hoàng Sa mà Quân giải phóng đang đóng giữ mấy trăm hải lý, khi cần thiết có thể kịp thời phối hợp nhịp nhàng từ xa, thống nhất xử lý với bên ngoài. Thiếu tướng La Viện thuộc Học viện khoa học quân sự có lần đề xuất quân nhân hai bờ cần cùng nhau bảo vệ cương vực vốn có của dân tộc Trung Hoa, Biển Đôngkhi có tình hình, quân đội Đài Loan trên đảo Thái Bình có thể tạo điều kiện thuận lợi về hậu cần cho Đại lục. Về việc thảo luận phối hợp phòng vệ đảo Thái Bình và cùng bảo vệ Biển Đông giữa hai bờ, tại đảo Đài Loan đã có môi trường dư luận nhất định nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn so với thực tế, trong đó chủ yếu do lãnh đạo Đài Loan vẫn còn cảm thấy rất “vướng víu” trong một số vấn đề sâu xa giữa hai bờ, nhất là trong lĩnh vực chính trị và quân sự. Nếu không xây dựng được lòng tin lẫn nhau cao độ về chính trị, hai bờ sẽ rất khó đi đến hợp tác quân sự. Ngoài ra, việc thế lực nước lớn can thiệp, phản ứng của nước xung quanh cũng khiến cho vấn đề Biển Đônghoàn toàn không chỉ hạn chế ở cấp độ hai bờ, mà còn là cuộc chơi đa phương, không thể không thận trọng theo đuổi. Tuy nhiên, nếu hai bờ đều lấy đại nghĩa dân tộc làm trọng, không ngừng làm sâu sắc thêm giao lưu hợp tác sẽ nhất định có thể bảo vệ chủ quyền Biển Đông, cũng có thể bảo vệ thái bình lâu dài trên đảo Thái Bình.   

Theo Tri thức thế giới

Đinh Anh (gt)