Tóm tắt

Bài viết xem xét các tranh luận và sự mơ hồ về chiến lược trong nội bộ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, từ đó tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng này. Bài viết nhận thấy Trung Quốc chưa xác định liệu rằng vấn đề Biển Đông có thuộc lợi ích quốc gia cốt lõi của mình hay không. Thêm vào đó, Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được câu hỏi về thứ tự ưu tiên giữa các yêu sách trên Biển Đông và quan hệ Trung – Mỹ. Đồng thời, nước này vẫn chưa giải thích được một cách chính xác về ý nghĩa của đường 9 đoạn. Bài viết khẳng định bản sắc là một nhân tố chính trong việc định hình các mối quan tâm chiến lược của một quốc gia và các mục tiêu chính sách liên quan tới Biển Đông. Bài viết cho rằng “bản sắc kép” của Trung Quốc đã khiến nước này có một lập trường lập lờ, dẫn tới mơ hồ và tranh luận về chiến lược. Cuối cùng, bài viết tập trung xác định việc bản sắc cường quốc trỗi dậy đang chiếm ưu thế ở Trung Quốc và hệ luỵ cuả nó đối với chính sách Biển Đông của nước này.

Giới thiệu

Trong những năm gần đây, không có tranh chấp biển quốc tế nào thu hút được nhiều sự quan tâm hơn tranh chấp trên Biển Đông. Tranh chấp này trở nên căng thẳng hơn bởi hàng loạt các động thái liên quan, đặc biệt là việc xây dựng và lắp đặt các cơ sở hạ tầng quân sự trên diện rộng của Trung Quốc trên bảy đá san hô thuộc quần đảo Trường Sa, chính sách xoay trục sang châu Á của cựu Tổng thống Mỹ Barrack Obama và các chiến dịch quân sự của Mỹ để bảo đảm tự do hàng hải, cũng như Phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện mà Philippines đưa ra. Với việc chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump tuyên bố khai tử chính sách tái cân bằng sang châu Á của ông Obama, tương lai của vấn đề Biển Đông bị đẩy vào một cuộc chơi mới với ngày càng nhiều yếu tố bất định. Tuy nhiên, về nguyên nhân của tranh chấp, việc đa số dư luận quốc tế, cả ở giới chính trị lẫn học thuật đều chỉ trích Trung Quốc khá mạnh mẽ đã đưa đến kết luận chắc chắn rằng các hành động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng tranh chấp (Dutton, 2011; Johnson, 2013; Thayer, 2011; Yahuda, 2013). Các nước bên ngoài cũng đang quan ngại sâu sắc đối với lập trường không rõ ràng của Trung Quốc và cho rằng việc không nhất quán về lập trường chính thức của Bắc Kinh đã tạo thành một lực cản cho tiến trình giải quyết vấn đề. (Poling, 2013, p. 2). Để hiểu rõ hơn về lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, bài viết tiếp cận vấn đề từ góc độ nội bộ, từ đó phân tích các cuộc tranh luận cũng như mơ hồ về chiến lược bên trong Trung Quốc về vấn đề Biển Đông nói chung cũng như giải thích cho sự xuất hiện của hiện tượng này.

Bài viết sẽ đi theo trình tự như sau: Phần đầu tiên xem xét chi tiết về sự mơ hồ về chiến lược trong nội bộ Trung Quốc liên quan tới vấn dề Biển Đông, trong đó có bao gồm việc Trung Quốc vẫn chưa xác định được liệu rằng vấn đề Biển Đông có nên nằm trong lợi ích quốc gia cốt lõi của nước này hay không. Thêm vào đó, Trung Quốc vẫn chưa xác định được liệu các yêu sách trên Biển Đông hay mối quan hệ Trung – Mỹ mới nên là ưu tiên hàng đầu, và nước này cũng không xác định được cụ thể ý nghĩa của Đường 9 đoạn.[1] Phần tiếp theo sẽ phân tích mối quan hệ giữa bản sắc và chiến lược tương ứng trên Biển Đông ở cấp độ lý thuyết. Phấn tiếp đến lập luận rằng bản sắc kép của Trung Quốc là nguyên nhân cho  các tranh luận và mơ hồ về chiến lược trong nội bộ về vấn đề Biển Đông. Cuối cùng, bài viết sẽ đưa ra kết luận hàm ý của bản sắc cường quốc trỗi dậy đang chiếm ưu thế của Trung Quốc đối với chính sách Biển Đông của nước này.

Tranh luận và mơ hồ chiến lược của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Tranh cãi xung quanh việc coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”

Không có nghi ngờ gì về việc lợi ích cốt lõi là ưu tiên hàng đầu của một quốc gia. Tập Cận Bình đã từng phát biểu “Chúng ta sẽ tiếp tục theo đuổi con đường phát triển hoà bình. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ những quyền chính đáng của mình và cũng sẽ không bao giờ hy sinh các lợi ích quốc gia cốt lõi của mình. Không một quốc gia nào nên kỳ vọng Trung Quốc sẽ đánh đổi lợi ích quốc gia cốt lõi của mình để đạt lấy một vài lợi ích nho nhỏ từ việc chà đạp lên lợi ích cốt lõi của Trung Quốc,  bao gồm chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển” (Cpc.people.com.cn, 2013). Phát biểu của ông Tập đã thể hiện rằng, trong trường hợp cần thiết, Trung Quốc sẽ sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo đảm lợi ích cốt lõi của mình. Vì vậy, việc xác định Biển Đông nằm ở đâu trong phân loại các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc nhận được rất nhiều sự quan tâm. Như  Michael Swaine đã nhận xét “việc đặt các yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc là một lợi ích cốt lõi là biểu hiện cho một chuyển biến quan trọng và đáng báo động trong lịch sử lập trường của nước này đối với vấn đề Biển Đông” (Swaine, 2011, p. 10).

Vào cuối tháng 4 năm 2010, tờ New York Times đã lần đầu tiên đưa ra một báo cáo về việc các quan chức Trung Quốc đã xác định việc bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của nước này trong một cuộc gặp không chính thức tổ chức tại Bắc Kinh tháng 3 năm 2010 với hai quan chức cấp cao của Mỹ: Giám đốc phụ trách vấn đề Châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) Jeffrey Bader và Thứ trưởng Ngoại giao James Steinberg (Wong, 2010). Sau đó, báo này tiếp tục cho biết ông Đới Bỉnh Quốc đã lặp lại điều này với bà Hilary Clinton vào tháng 5 năm 2010 trong cuộc gặp tại Washington. Bản thân bà Clinton đã xác nhận nội dung này trong một cuộc họp báo tại Úc (US Department of State, 2010). Vấn đề này đã ngay lập tức tạo ra hàng loạt quan ngại về việc Trung Quốc không muốn thoả hiệp lập trường của mình, từ đó sẵn sàng sử dụng vũ lực, nếu cần thiết (Swaine, 2011, p. 2). Tuy nhiên, các tiếng nói phản đối nội dung trên đã xuất hiện tại Trung Quốc ngay sau đó, và rất nhiều học giả nước này đã lập luận rằng báo cáo nêu trên từ phương Tây có thể đã bị cố tình làm cho sai lệnh hoặc là kết quả của một sự hiểu lầm nào đó (Lianhezaobao, 2010). Các quan chức Ngoại giao Trung Quốc cũng đã phản bác lại các nội dung của báo cáo bằng cách giấu nhẹm đi hồ sơ chính thức về sự vụ này (FMPRC, 2010b). Trong những năm gần đây, các cử chỉ không rõ ràng như vậy ngày càng được củng cố khi mà ngay cả Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chưa bao giờ xác định hay phủ nhận liệu rằng Biển Đông có nằm trong các lợi ích cốt lõi của nước này hay không. Một số học giả đã khẳng định mạnh mẽ rằng Biển Đông không nằm trong các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc (Xue, 2016).

So sánh với một tranh chấp lãnh thổ tương tự, tranh chấp Trung - Nhật trong vấn đề Đảo Điếu Ngư/Senkaku, giúp làm sáng tỏ tính độc nhất về các mục tiêu của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông. Đầu năm 2013, Tư lệnh Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ trả lời tờ NHK tại Tokyo rằng, trong chuyến thăm của ông tới Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc đã cho biết Senkaku là “một trong những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” (The Japan Times, 2013). Thay vì việc giấu thông tin về báo cáo này như đã làm trước kia, Trung Quốc đã xác nhận điều này. Lần đầu tiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng Trung Quốc coi quần đảo Senkaku là một “lợi ích cốt lõi” của mình. Theo Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc “Đảo Điếu Ngư thuộc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, là một phần của lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” (FMPRC, 2013). Thêm vào đó, vào tháng 11 năm 2013, Trung Quốc đã đặt vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông mà không có bất kỳ một thông báo chính thức trước nào.

Cũng cần ghi nhận rằng, các tiếng nói hiếu chiến trên Biển Đông cũng không hoàn toàn biến mất. Vào ngày 18 tháng 7, trong buổi họp với người đồng nhiệm Mỹ, tướng John Richardson, Tư lệnh Quân đội Giải phóng Nhân dân, Vũ Thắng Lợi đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ hy sinh chủ quyền và các lợi ích của mình trên Biển Đông, đây là vấn đề thuộc về lợi ích cốt lõi của Trung Quốc (English.news.cn, 2016). Đã không có bất kỳ một phản hồi nào từ phía Bộ Ngoại giao về tuyên bố này, đồng thời, Sách Trắng về Biển Đông đã không nhắc tới cụm từ “lợi ích cốt lõi”. Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí quốc gia sau phán quyết của Toà Trọng tài về Biển Đông ngày 16 tháng 7, ông Dương Khiết Trì, Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc có nhắc tới cụm từ “lợi ích cốt lõi” xong không chỉ cụ thể tới Biển Đông, điều có thể dễ dàng được hiểu là ông đang cố gắng để làm hài lòng tất cả các bên trong nội bộ Trung Quốc (FMPRC, 2016).

Cuộc tranh luận về ưu tiên giữa Biển Đông và quan hệ Trung – Mỹ

Trên thực tế, theo quan điểm của Trung Quốc, vấn đề Biển Đông không thể tách rời khỏi quan hệ Trung – Mỹ. Mỹ dường như có vai trò rất quan trọng trong vấn đề Biển Đông, ngay cả khi đây là một thế lực tiêu cực. Như tuyên bố của hai đại diện chính thức của Trung Quốc là Phó Oánh và Ngô Sỹ Tồn, tại Trung Quốc, có rất nhiều người tin rằng với việc Mỹ thực hiện chiến lược tái cân bằng tại Châu Á – Thái Bình Dương, đứng về một bên trong vấn đề Biển Đông và sự can thiệp trực tiếp đã làm căng thẳng thêm tình hình cũng như làm vấn đề trở nên phức tạp hơn (Fu & Wu, 2016). Hơn nữa, trong suy nghĩ của Trung Quốc, Mỹ có ý định làm vấn đề nóng lên và lợi dụng căng thẳng lên cao để chống lại, nếu không muốn dùng từ kiềm chế hoặc bao vây, sự trỗi dậy của Trung Quốc đồng thời hạn chế vai trò và ảnh hưởng đang lên của Bắc Kinh trong khu vực trong khi vẫn duy trì ưu thế của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương (Chu, 2014). Tuy nhiên, nhận thức về vai trò tiêu cực của Mỹ trong việc gia tăng căng thẳng trong tranh chấp là một vấn đề, việc giải quyết vai trò tiêu cực này như thế nào lại là một vấn đề khác.

….

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Nie Wenjuan, Viện Quan hệ quốc tế, Đại học Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh, Trung Quốc. Bản gốc được đăng trên Pacific Review, 2017.

Hà Như Mai (dịch)

Trần Quang (hiệu đính)

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.



Chú thích

[1] Phương pháp định tính được sử dụng trong bài để tiếp cận các nghiên cứu về tranh cãi chiến lược trong nội bộ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Mục tiêu của việc này là khảo sát một vài khía cạnh của tranh cãi có tầm quan trọng rất lớn đối với vấn đề Biển Đông này một cách sâu sắc. Việc phân tích các văn bản chính thức, các tài liệu học thuật với nhiều lập luận trái ngược đang được sử dụng rộng rãi để góp phần tạo ra một cách hiểu toàn diện vể tranh chấp trên Biển Đông của Trung Quốc.