Cuối năm ngoái, Anh tuyên bố sự trở lại của “Phía Đông kênh đào Suez” (East of Suez)[1] [cụm từ “Phía Đông kênh đào Suez” được giới quân sự và chính trị Anh dùng để chỉ những lợi ích của Anh bên ngoài biên giới châu Âu - ND], tái mở cửa một cơ sở hỗ trợ hải quân ở Bahrain và thành lập các trung tâm đào tạo nhân viên quốc phòng mới ở Dubai và Singapore.[2] Nhưng, vẫn nên thận trọng khi đánh đồng những hoạt động này với một “chiến lược xoay trục tới Châu Á” của Anh. Ý kiến rằng nước Anh sẽ quay trở lại và có tầm ảnh hưởng như đã có trước đây tại khu vực trong giai đoạn phát triển tới đỉnh điểm về thương mại của Đế quốc Anh rõ ràng là rất thiếu thực tế. Hồi chuông báo tử cho tham vọng đó đã đổ khi Anh đánh mất vị thế của mình ở ngay tại kênh đào Suez vào năm 1956. Sau đó một thập kỷ, ngay khi chính quyền Wilson rút quân khỏi các căn cứ ở Singapore và Malaysia thì cơ hội để Anh có thể quay trở lại đã hết.[3]

Tuy nhiên, kết quả thu được của bà Theresa May sau chuyến thăm Nhật Bản là cơ sở thuận lợi để bắt đầu các cuộc thảo luận mới về chiến lược của Anh ở châu Á nên như thế nào. Điểm đáng chú ý trong chuyến thăm của Thủ tướng, vốn có mục đích ban đầu nhằm mở đường cho một thoả thuận về thương mại hậu Brexit, đó là chuyến thăm này tình cờ trùng với thời điểm gần nhất mà Bắc Triều Tiên phóng tên lửa – lần này tên lửa của Bắc Triều Tiên bay qua đảo Hokkaido ở phía bắc của Nhật Bản. Đó chính là một minh chứng sinh động cho thực tế thương mại và an ninh được kết nối một cách vô cùng chặt chẽ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Nhiều quốc gia đã bày tỏ sự ủng hộ khi Anh tuyên bố rằng chuyến hải trình đầu tiên của tàu sân bay mới hạ thuỷ, tàu HMS Queen Elizabeth, sẽ diễn ra vào năm 2021 ở Thái Bình Dương.[4] Tuy nhiên, trong khi tuyên bố này của Anh nhận được nhiều sự hoan nghênh từ các nước như Singapore, Úc và Niu Di-lân, thì đâu đó vẫn còn nhiều nghi vấn về ý nghĩa của hành động này trong thực tiễn. Nhiều người cho rằng Anh vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể thuyết phục các đồng minh tin vào cam kết chia sẻ gánh nặng trong dài hạn của nước này.

Tương tự như vậy, người ta đặt nhiều kỳ vọng vào tầm quan trọng của các thị trường và các Thoả thuận Thương mại Tự do ở châu Á nhằm đảm bảo sự phồn vinh dài lâu của Anh bên ngoài EU. Nhưng còn cần phải suy nghĩ sâu hơn để làm sao đạt được mục tiêu chỉ với các công cụ hiện có và làm sao kết hợp chúng vào với vị thế toàn cầu của Anh, mà vẫn thể hiện được các thực tế đang thay đổi ở châu Âu, châu Mỹ và Trung Đông. Mặc dù Anh nên tránh đưa ra bất kỳ tuyên bố phô trương nào về một giai đoạn mới của sự can dự vào châu Á, nhưng Báo cáo tổng kết Chiến lược An ninh và Quốc phòng kỳ tới cũng nên được chuẩn bị một cách kỹ càng hơn để trình bày rõ nét tầm quan trọng của khu vực, cũng như đưa ra một vài "chỉ dẫn" về các thách thức và cơ hội của việc can dự sâu hơn vào khu vực này của thế giới.

Một chiến lược cân bằng

Ở giai đoạn đầu, Anh cần có một chiến lược đồng bộ với chiến lược của các đồng minh thân cận nhất của mình. Rút gọn lại thành nguyên tắc cơ bản, đây nên là chiến lược hướng tới việc bảo toàn các trật tự quốc tế hiện có trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và đảm bảo tự do hàng hải. Về nguyên tắc này thì Anh có rất nhiều quan điểm chung với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Úc, Niu Di-lân và Mỹ.

Nhưng đồng thời, Anh cũng phải bắt đầu làm rõ nội dung của chiến lược đó để thể hiện sự thay đổi lợi ích quốc gia của mình trong giai đoạn hậu Brexit. Trong thời điểm mà cạnh tranh địa chính trị và chuyển giao quyền lực ở châu Á – Thái Bình Dương đang ngày càng gay gắt, lợi ích quốc gia của Anh không nên chỉ gói gọn trong việc theo chân các đồng minh quyền lực nhất của mình, tuy nhiên, Anh phải đảm bảo rằng lợi ích của họ sẽ không ảnh hưởng tới lợi ích nền tảng của các quốc gia đồng minh.

Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng và sẽ cần có sự khéo léo, sự khôn ngoan cũng như khả năng cân bằng ngoại giao trong cả quá trình thực hiện. Thúc đẩy quan hệ nồng ấm với một nước lớn ở châu Á – như bà Thủ tướng đã thử làm với Nhật Bản – sẽ không tránh khỏi phải đánh đổi bằng kinh tế và ảnh hưởng từ một nơi khác, nhất là ở Bắc Kinh, quốc gia đã phản ứng “một cách gay gắt” trước việc bà chỉ trích Trung Quốc đã không quyết liệt hơn với Bắc Triều Tiên.[5] Các phát biểu về dự định “can dự” nhiều hơn với các nước lớn trong khu vực chỉ là điểm khởi đầu. Từ điểm khởi đầu này, mỗi bước đi hướng tới sự can thiệp lớn hơn phải đồng hành cùng với sự nhận thức rõ hơn về nguyên nhân và tác động có thể có.[6]

Hành động dựa trên thực tế, không dựa vào phán đoán

Cán cân quyền lực toàn cầu đang dịch chuyển từ Tây sang Đông. Việc hiểu rõ về sự chuyển dịch đó là thách thức chiến lược lớn nhất của một phần tư thế kỷ tiếp theo. Nó không chỉ đơn giản nghĩa là, như rất nhiều nhà bình luận đã vui mừng tuyên bố, rằng phương Tây đang bước vào giai đoạn suy thoái “không thể tránh khỏi” – họ sẽ dễ dàng bị đánh bật ra khỏi thị trường thương mại, tài chính và mất đi tầm ảnh hưởng địa chính trị. Cần phải hiểu sự thay đổi này một cách có hệ thống hơn.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

John Bew là Trưởng nhóm Dự án Nước Anh trong Thế giới của Viện nghiên cứu Policy Exchange (Anh) và là Giáo sư Lịch sử và Chính sách Đối ngoại tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh của trường King’s College, Luân Đôn. Năm 2015, Giáo sư Bew được trao Giải Philip Leverhulme về Nghiên cứu Quốc tế và Chính trị. Trước đó, ông là người trẻ nhất từng đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm chương trình Henry A. Kissinger của Thư viện Quốc hội Mỹ. Các sách mới xuất bản của ông có “Citizen Clem: A life of Attlee”, quyển sách đã được trao giải Orwell năm 2017, và “Realpolitik: A History”, quyển sách đã được tạp chí Thời đại đánh giá là quyển sách của năm 2016.

David Martin Jones là nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu Policy Exchange, Giáo sư Khoa Nghiên cứu Chiến tranh của Đại học Nhà vua (King’s College), Luân Đôn và Độc giả Danh dự tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế và Chính trị tại Đại học Queensland. Ông đã viết một số sách về nền chính trị và quan hệ quốc tế tại Đông và Đông Nam Á, trong số đó quyển mới nhất là “Asian Security and the Rise of China” (cùng viết với Nick Khoo và M.LR. Smith). Các bài bình luận của ông về những khía cạnh của nền chính trị Châu Á đã được xuất bản trên nhiều tờ báo như International Security, International Affairs, Comparative Politics, Orbis, Studies in Conflict and Australian, The Spectator, The Straits Times, The Australian Financial Review, The Daily Telegraph, Quadrant và Policy.

Về Dự án nước Anh trong Thế giới:

Dự án nước Anh trong Thế giới của Viện nghiên cứu Policy Exchange được Thứ trưởng Quốc phòng, Ngài Michael Fallon, và cựu Thứ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Thư ký NATO, Ông Robertson của Port Ellen khởi động từ tháng 3/2016. Dự án này nhằm đưa ra thêm các dự báo chiến lược và cách tư duy mới để cùng thảo luận về vị thế của Anh trên thế giới.

Bài viết nằm trong Một góc chính sách trong Dự án nước Anh trong Thế giới (Britain in the World) Tháng 9/2017 và được đăng trên Policy Exchange.

Hương Lan (dịch)

Quang Tiệp (hiệu đính)

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.



[1] Foreign Secretary Speech: ‘Britain is back East of Suez’”, Foreign & Commonwealth Office, 9/12/2016. Đăng tải trên trang https://www.gov.uk/government/speeches/foreign-secretary- speech-britain-is-back-east-of-suez

[2] Jeevan Vasagar, “Britain revives military engagement east of Suez”, Financial Times, 23/12/2016. Đăng tải trên trang https://www.ft.com/content/3477fe5a-c809-11e6-8f29-9445cac8966f

[3] Saki R. Dockrill, Britain’s Retreat from East of Suez: The Choice between Europea and the World, (New York: Palgrave Macmillan, 2002)

[4] Michael Auslin, “Britain Flies into the Danger Zone: But the risks of getting involved in Asia are worth it”, Policy Exchange, 12 /1/2017. Đăng tải trên https://policyexchange.org.uk/britain- flies-into-the-danger-zone-but-the-risks-of-getting-involved-in-asia-are-worth-it/

[5] Harry Cole, “Stop the Strikes: Theresa May refuses to rule our British cyber attacks to halt more nuclear tests from North Korea – and sparks diplomatic row by calling on China to step up”, The Sun, 30/8/2017. Đăng tải trên https://www.thesun.co.uk/news/4351212/theresa-may- refuses-to-rule-out-british-cyber-attacks-to-halt-more-nuclear-tests-from-north-korea/

[6] John Bew and Gabriel Elefteriu, “Making Sense of British Foreign Policy After Brexit”, Policy Exchange, Tháng 7/2016. Đăng tải trên: https://www.policyexchange.org.uk/wp- content/uploads/2016/09/british-foreign-policy-after-brexit-policy-exchange-briefing-july- 2016.pdf