Theo một số chuyên gia an ninh, mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc không chỉ là thành lập một Khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng lớn, mà nước này đang tìm cách kiểm soát Biển Đông như một phần của kế hoạch tăng cường sức mạnh hải quân tại các tuyến đường biển trải dài từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. Biển Đông có tuyến hàng hải nhộn nhịp thứ hai trên thế giới và được coi là cửa ngõ để Trung Quốc nhập khẩu dầu từ Vịnh Pécxích và các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ châu Phi.

Chuyên gia cao cấp Richard Fisher của Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế ở Oasinhtơn cho rằng "đối với giới lãnh đạo chính trị của Trung Quốc, việc kiểm soát Biển Đông là mục tiêu quan trọng để đảm bảo sự tồn tại về kinh tế và chính trị". Việc Trung Quốc tăng cường hiện diện trên biển đồng nghĩa với việc các ngư dân và tàu khảo sát của các nước khác trong khu vực hoạt động ở Biển Đông sẽ đụng độ nhiều hơn với các tàu Trung Quốc lớn hơn và được trang bịtốt hơn, trong đó có tàu Ngư Chính 311.

Giáo sư chính trị C. Thayer của trường Đại học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Ôxtrâylia cho biết Trung Quốc đã đưa ra một bản đồ có 9 đường chấm đánh dấu những khu vực mà Bắc Kinh nói là thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Ông nói Trung Quốc đang cố tình theo đuổi một chính sách mập mờ có tính toán trong vấn đề này và sẽ trì hoãn việc giải quyết các tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau cho đến thời điểm mà Bắc Kinh cảm thấy thích hợp.

Cuộc hội thảo thứ hai về Biển Đông có thể sẽ được tổ chức ở Hà Nội vào giữa năm 2010. Theo giới phân tích, biện pháp tích cực đầu tiên sẽ là tổ chức một diễn đàn khu vực đa phương để thảo luận về một loạt dự án đa phương có thể được triển khai nhằm nghiên cứu khối lượng dầu khí nằm dưới đáy Biển Đông. Một biện pháp tích cực khác sẽ là phát triển cơ cấu quản lý đa phương đối với các nguồn tài nguyên hiện nay, trong đó có một tổ chức khu vực để điều chỉnh hoạt động đánh cá của tất cả các nước tuyên bố chủ quyền theo một thỏa thuận phân bổ lượng cá mà mỗi nước được phép đánh bắt. Những biện pháp đó sẽ giải quyết một số thách thức ít khó khăn hơn, đồng thời gác lại những vấn đề gai góc hơn liên quan đến chủ quyền. Bắc Kinh xem ra muốn tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề này hơn việc áp dụng một khung pháp lý có thể làm tổn hại đến những tuyên bố chủ quyền khác của Trung Quốc.

Tuy nhiên, giáo sư C. Thayer cho rằng bất kể có hay không có khung pháp lý, Trung Quốc vẫn đang tìm cách chia rẽ các nước trong khu vực và ký kết các thỏa thuận song phương. Ông cũng cho rằng mục tiêu chính của Trung Quốc là buộc Mỹ phải giảm quy mô, nếu không muốn nói là ngừng hẳn, các hoạt động giám sát ở ngoài khơi Trung Quốc, đặc biệt là căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam.

Theo: mạng tin "Asia Times"