Đối với những nhà quan sát bình thường, Trung Quốc dường như đang trên đường trở thành một lực lượng chính trên các đại dương của thế giới, phát triển sức mạnh hải quân xa bờ để bảo vệ các quan hệ kinh tế đang mở rộng của nhà nước Trung Quốc với những khu vực rộng lớn của thế giới, đồng thời tạo ra ảnh hưởng chính trị và thậm chí cả ảnh hưởng chiến lược. Những nhà quan sát này có lý khi lưu ý tới sự tăng trưởng nhanh chóng trong thương mại hàng hải quốc tế của Trung Quốc, các lĩnh vực vận chuyển tàu biển và đóng tàu của Trung Quốc cũng như nền kinh tế biển và các lợi ích hàng hải của Trung Quốc nói chung. 


Những phát triển hải quân của Trung Quốc trong thập niên qua đã được bình luận rộng rãi, đặc biệt về việc Trung Quốc mua tàu chiến, tàu ngầm và máy bay của Nga, việc Trung Quốc tự đóng cả tàu ngầm thông thường lẫn tàu ngầm hạt nhân, việc Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) bắt đầu triển khai một đội tàu chống cướp biển ở Vịnh Ađen. Trong năm qua, thế giới mạng cũng như các diễn đàn an ninh có uy tín đã lan truyền tin đồn về việc Trung Quốc sắp sửa đóng tàu sân bay đầu tiên của nước này. 


Vậy liệu có phải Trung Quốc sắp tự khẳng định trong một thách thức toàn cầu đối với sức mạnh vượt trội trên biển của Mỹ? Hoặc Bắc Kinh chỉ đơn giản đang bảo vệ những quyền lợi trên biển hợp pháp theo một cách thức hạn chế và có thể hiểu được như là một ''cổ đông'' có trách nhiệm ở mức độ lớn trong hệ thống quốc tế? Tất cả những hoạt động trên biển đó có ý nghĩa gì về mặt chiến lược? Trung Quốc xuất bản Sách Trắng thường kỳ về quốc phòng, nhưng đó không phải là một chiến lược biển cụ thể và hơn nữa, vẫn chưa biết liệu Trung Quốc có một chiến lược biển quốc gia hợp nhất hay không. 


Có 4 luận điểm về chương trình chiến lược biển của Trung Quốc: 


1/ Trung Quốc có những lợi ích trên biển hợp pháp và ngày càng tăng lên, và sẽ ngày càng đặt kế hoạch bảo vệ những lợi ích đó một cách độc lập. 


Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc phụ thuộc nặng nề vào thương mại, vốn được dẫn dắt bởi sự tiếp cận trọng thương là tích lũy những thặng dư thương mại lớn tạo ra từ khu vực xuất khẩu hàng hóa được kích thích một cách giả tạo và sự đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng cũng như đô thị hóa trong nước. Tất cả những hoạt động này đòi hỏi một lượng lớn đầu vào là tài nguyên thiên nhiên. Trung Quốc có một cơ sở tài nguyên thiên nhiên giàu có, nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu hầu như vô tận đối với các nguồn cung cấp nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp. Ôxtrâylia là một nước được hưởng lợi chủ yếu từ nhu cầu đó, như đã được chứng minh rõ ràng trong các khu vực quặng sắt, khí đốt hóa lỏng, than đá và urani. Tuy nhiên, trong tất cả những tài nguyên nhập khẩu, dầu mỏ vẫn là tài nguyên mang tính sống còn về mặt chiến lược nhất và cũng giống như những nguyên liệu thô nhập khẩu khác, dầu mỏ hầu như được vận chuyển bằng đường biển. Dầu mỏ thường được vận chuyển qua Ấn Độ Dương và một hành lang qua Eo biển Malắcca từ những cảng xuất phát ở Vịnh Pécxích và Tây Phi. 


Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các tuyến đường giao thông trên biển (SLOC) đã dẫn đến việc một số nhà bình luận Trung Quốc nói về ''tình trạng tiến thoái lưỡng nan Malắcca'' đối với những lợi ích an ninh quốc gia của nước này, mặc dù mối đe dọa lớn về gián đoạn giao thông đường biển thông qua tuyến đường đó dường như bị cường điệu. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tháng 11/2003 đã cảnh cáo những mưu đồ của những cường quốc lớn khác nhằm tìm kiếm sự kiểm soát Eo biển Malắcca và ông không phải là nhân vật duy nhất làm như vậy. Căn cứ vào những nhạy cảm chính trị của các nước ven eo biển này đối với sự can thiệp từ bên ngoài, ý tưởng đó có phần kỳ lạ và cũng có thể là hiểu sai bản chất vốn đã mang tính cơ động và linh hoạt của sức mạnh hải quân: ngay cả khi có ai đó đưa ra giả định rằng việc phong tỏa quyền đi lại của tàu bè Trung Quốc qua các eo biển ở Đông Nam Á có thể được cho là cần thiết (hoặc mang tính sống còn) trong tương lai, thì điều đó cũng hầu như không cần kiểu kiểm soát địa chính trị đối với eo biển Malắcca mà ông Hồ Cẩm Đào ám chỉ. Bất cứ một cuộc phong tỏa nào của một cường quốc đối địch chỉ có thể được dự tính một cách hợp lý như là phản ứng trước sự gây hấn của Trung Quốc ở nơi khác (ví dụ như chống lại Đài Loan, Nhật Bản hoặc Ấn Độ), do đó cách cư xử có trách nhiệm của chính Trung Quốc có thể là sự bảo vệ tốt nhất trước một tình huống như vậy. 


Những mối đe dọa ít hơn đối với vận tải đường biển từ cướp biển, chủ nghĩa khủng bố hoặc thậm chí rủi ro hàng hải là những lo ngại thứ yếu. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bắt đầu đóng phần của họ trong những nỗ lực quốc tế nhằm cải thiện an ninh hàng hải, như ký và phê chuẩn Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu bè ở châu Á (ReCAAP) là một trong những quốc gia sử dụng đồng ý với Cơ chế hợp tác đối với các eo biển Malắcca và Xinhgapo do Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) khởi xướng và triển khai các đơn vị Hải quân PLA tới tuần tra ở Vịnh Aden. Hoạt động như vậy có thể được coi là sự can dự quốc tế tích cực và có lợi thế hấp dẫn là thúc đẩy những khát vọng ngoại giao của Trung Quốc về uy tín và sự tôn trọng thích hợp với một cường quốc lớn. Có thể mong đợi sự can dự trên biển hơn nữa của Trung Quốc, vì không có cường quốc lớn nào sẵn sàng giao phó những khía cạnh quan trọng trong an ninh của họ cho những nước khác trong một thời gian dài (mặc dù Nhật Bản là một ngoại lệ điển hình, chí ít cho đến lúc này). Một khả năng đóng tàu sân bay trong tương lai của Trung Quốc sẽ thỏa mãn rất nhiều trong số những nhu cầu này: uy tín, an ninh của các tuyến đường giao thông trên biển và biểu tượng của sức mạnh cũng như của sự quyết tâm đối với chính sách ngoại giao pháo hạm. Các tàu sân bay sẽ là những tài sản ghê gớm để theo đuổi những lợi ích lãnh thổ trên biển, đặc biệt là ở Biển Đông. 


2/ Hải quân PLA khao khát khả năng thực hiện các chiến dịch xa nhà, nhưng những khả năng viễn dương không phải là trọng tâm chính đối với sự phát triển hải quân của Trung Quốc. 


Những hoạt động triển khai ở Ấn Độ Dương và sự gia tăng ''đột kích'' hải quân vào Thái Bình Dương của Hải quân PLA cho thấy Trung Quốc dự định hoạt động một cách thường xuyên hơn bên ngoài môi trường ven biển Đông Á, vốn bao gồm một số biển nông trải dài từ Bắc xuống
Nam gần kề với lục địa châu Á, ''nửa khép kín'' bởi các chuỗi đảo. Tuy nhiên, trong khi những hoạt động đại dương được biết đến nhiều của Trung Quốc đang trở nên thường xuyên hơn, những hoạt động này đáng chú ý vì tính mới lạ hơn là vì bất kỳ ý nghĩa chiến lược sâu rộng nào. Tình thế này có thể thay đổi trong tương lai, nhưng bất kỳ sự xem xét nào về cơ cấu lực lượng hiện nay của Hải quân PLA phải phản ánh xác nhận rằng lực lượng này chưa được phát triển chủ yếu cho những chiến dịch viễn dương. Ví dụ, mặc dù Trung Quốc đang đóng những tàu chiến to hơn và có khả năng hơn với tầm hoạt động và tính bền vững lớn hơn, Hải quân PLA chưa có nhiều tàu tiếp tế, cho dù những hoạt động triển khai đại dương lớn của bất cứ lực lượng hải quân nào cũng đòi hỏi những khả năng hậu cần như vậy để duy trì sứ mạng. 


Một manh mối nữa nằm trong việc đóng tàu ngầm, ưu tiên của hải quân kể từ giữa thập niên 1990. Mặc dù một lớp tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) mới hiện đang được sử dụng, hầu hết các tàu ngầm được đưa vào sử dụng trong vòng 15 năm qua đều là các tàu chạy bằng diesel–điện thông thường. Những tàu này có những thuộc tính ''tàng hình'' khiến cho chúng trở thành vũ khí trên biển hiệu quả cao trong chiến tranh ven biển, nhưng lại có tính cơ động hạn chế so với các tàu SSN và tàu chiến và do đó ít phù hợp hơn với các chiến dịch viễn dương. 


3/ Sự chú trọng chiến lược biển của Trung Quốc vẫn nhằm vào các biển bán khép kín và những biển nông khác của Đông Á. 


Luận điểm rằng Trung Quốc vẫn chú trọng vào môi trường biển Đông Á liên quan trực tiếp đến luận điểm thứ hai. Tư duy của người Trung Quốc ở một chừng mực nào đó bị ảnh hưởng bởi ý tưởng rằng để thịnh vượng, Trung Quốc sẽ cần sự tiếp cận bảo đảm tới các đại dương. Nhưng trong quan điểm này, sự tiếp cận của Trung Quốc với Thái Bình Dương bị kiềm chế bởi chuỗi đảo thứ nhất hiện do những cường quốc thù địch (hoặc có tiềm năng thù địch) kiểm soát, nhất là Đài Loan và Nhật Bản đều do Mỹ bảo trợ. Hơn nữa, sự tiếp cận tới Ấn Độ Dương cũng phụ thuộc vào hành lang bảo đảm thông qua các biển hẹp và những “điểm chốt'' trên biển của khu vực Đông Nam Á. Cùng với nhiều tranh chấp lãnh thổ và tài phán trên biển của Trung Quốc, tình trạng tiến thoái lưỡng nan này đã bảo đảm rằng những phát triển chiến lược chủ yếu của Bắc Kinh trong vòng một phần tư thế kỷ qua phải tập trung vào khả năng thống trị Biển Đông, Đông Hải và Hoàng Hải. Mối bận tâm của Trung Quốc vừa được định hướng vừa là điểm dẫn dắt của chương trình địa chiến lược cụ thể này. 


4/ Những bận tâm trên biển ở Đông Á của Trung Quốc, chứ không phải là những lần thỉnh thoảng đột kích viễn dương, mang tầm quan trọng chiến lược lớn nhất. Những bận tâm này đặt ra những thách thức trực tiếp đối với hệ thống liên minh dựa vào biển của Mỹ và trật tự khu vực mà hệ thống đó chống đỡ. 


Sẽ là sai lầm khi tin rằng một lực lượng hải quân Trung Quốc tiến ra đại dương mang tầm quan trọng chiến lược: môi trường viễn dương không phải là nơi dành cho mối đe dọa quan trọng nhất mà sự hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc tạo ra. Hơn nữa, những tham vọng của Trung Quốc nhằm thống trị các biển khu vực có thể được nhìn nhận một cách đơn giản là Bắc Kinh đang tìm kiếm một điều kiện tiên quyết cho sự thống trị địa chính trị của chính bản thân Đông Á. Trọng tâm chiến lược của Trung Quốc hướng đến những khả năng chống thâm nhập kể từ sau khi Mỹ can thiệp vào cuộc khủng hoảng tên lửa Eo biển Đài Loan tháng 3/1996 đã được dự định là để làm suy yếu khả năng của Mỹ tăng viện cho các đồng minh và khách hàng nếu xung đột nổ ra, hoặc thậm chí để ngăn cản sự can thiệp ngay từ đầu. Những khả năng đó của PLA bao gồm các tàu ngầm, mìn, các tên lửa hành trình chống hạm phóng ra từ trên không, trên biển và trên bộ, sức mạnh không quân dựa trên đất liền ngày càng tối ưu hóa cho tấn công trên biển, sức mạnh trên không trung, cũng như các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, kể cả một phiên bản của tên lửa đạn đạo DF - 21 có vẻ là được thiết kế để tấn công các tàu trên biển, đặc biệt là những mục tiêu lớn trong các nhóm tàu sân bay của Hải quân Mỹ. Trung Quốc đã từ từ (nhưng chắc chắn) gia tăng sức ép đối với Đài Loan và Nhật Bản thông qua những cuộc tập trận và chiến dịch ngày càng tự tin và quyết đoán. Thậm chí rất nhiều chiến dịch của Trung Quốc vượt ra bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất dường như nhằm vạch kế hoạch cho các chiến dịch chống xâm nhập trên biển. Ví dụ, các hoạt động khảo sát và vẽ bản đồ trong nhiều phần của Ấn Độ Dương gần như là được thiết kế nhằm lên kế hoạch cho các chiến dịch tàu ngầm để có thể ngăn chặn các lực lượng Hải quân Mỹ di chuyển từ Guam, Trân Châu Cảng hoặc bờ biển phía Tây Thái Bình Dương của Mỹ. 


Trung Quốc cũng hung hăng nhằm vào các hoạt động quân sự thường lệ của Mỹ trong khu vực để quấy rối. Việc đó đã gây ra một và chạm có khả năng trở nên nghiêm trọng ở Biển Đông ngoài khơi đảo Hải Nam tháng 3/2009, khi các tàu của Trung Quốc cản trở những hoạt động hợp pháp của tàu khảo sát đại dương dân sự không vũ trang USNS Impeccable. Tàu USNS Impeccable được thiết kế để thu thập số liệu dưới đáy biển và đang hoạt động trong một khu vực có sự hiện diện của các tàu ngầm Trung Quốc, kể cả những tàu hạt nhân lớp mới mang tên lửa đạn đạo đóng tại căn cứ hải quân mới được mở rộng ở Tam Á, phía Nam của đảo Hải Nam. Tự do hàng hải và diễn tập chiến dịch là yếu tố cần thiết cho sự hoạt động hữu hiệu của hệ thống liên minh trên biển của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương - lực lượng thực sự duy nhất bảo đảm trật tự và ổn định trên khắp khu vực. Hơn nữa, việc Trung Quốc đóng tàu sân bay vào thời điểm này có thể cho thấy rằng Bắc Kinh hiện nay hài lòng với tính hiệu quả của những khả năng chống xâm nhập của họ và đang bắt tay vào giai đoạn tiếp theo của sự phát triển hải quân - có khả năng sử dụng sức mạnh một cách rộng rãi hơn và khẳng định sự vượt trội chiến lược của Trung Quốc trong những tính toán an ninh ở Đông Á. 


Một số người đã lập luận rằng một sự cân bằng địa chiến lược mang tính ổn định về bản chất tồn tại ở Đông Á, với Trung Quốc thống trị trên đất liền và Mỹ thống trị trên biển. Tuy nhiên, lập luận này hiểu sai thách thức mà sự bành trướng ra biển của Trung Quốc đặt ra đối với hệ thống an ninh khu vực của Mỹ. Không chỉ Nhật Bản và lãnh thổ Đài Loan, mà còn nhiều quốc gia khác, đang cảm thấy sức ép. Thậm chí các lực lượng Mỹ, vốn đang củng cố lại sự hiện diện trong khu vực và tái tập trung vào những khả năng cho các chiến dịch ven biển, cũng đang bị buộc phải suy nghĩ lại những lựa chọn của họ để đáp lại tính dễ bị tấn công ngày càng tăng trước kho vũ khí chống xâm nhập của PLA. 


Có lẽ, điều ngược đời là không phải khả năng hạn chế hiện nay của Trung Quốc trong việc tiến hành các chiến dịch viễn dương hoặc tiềm năng phát triển tàu sân bay là nguyên nhân chủ yếu gây lo ngại, tuy rằng có những lo lắng quá mức nhưng có thể hiểu được của Ấn Độ. Chính khả năng ngày càng tăng của PLA trong việc chống tiếp cận các biển của Đông Á trong một cuộc khủng hoảng hay xung đột, và để phá vỡ hệ thống an ninh do Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ lãnh đạo, mới đe dọa trật tự khu vực và sự hòa thuận trên biển nhiều nhất.