Ngày 12 tháng 7 năm 2016, một hội đồng trọng tài thành lập theo Công ước Liên hiệp quốc về luật biển (UNCLOS) đã ra phán quyết cho vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tranh chấp ở Biển Đông. Phản ứng lại quyết định này, chính quyền Đài Loan đã tuyên bố “Chúng tôi nhất định không chấp nhận phán quyết trọng tài này, và chúng tôi khẳng định phán quyết này không có giá trị ràng buộc pháp lý đối với Trung Hoa dân quốc”.

Tuy lúc đầu đưa ra phản ứng bác bỏ, nhưng Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-Wen / 蔡英文) đã thông qua một chính sách Biển Đông mới không trực tiếp thách thức quyết định của Tòa trọng tài. Chính sách này dựa trên 4 nguyên tắc: giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình theo UNCLOS, đưa Đài Loan tham gia vào các cơ chế đa phương, thực hiện tự do hàng hải và giám sát, và tạm gác khác biệt để cùng phát triển. Chính sách này cũng đưa ra 5 hành động: đảm bảo quyền và sự an toàn cho ngư dân Đài Loan, tăng cường đối thoại đa phương với các bên có liên quan, mời học giả quốc tế đến đảo Ba Bình (“Itu Aba” hay “đảo Thái Bình”) để tiến hành nghiên cứu khoa học, phát triển đảo này thành một cơ sở trợ giúp và cung cấp vật tư cho mục đích nhân đạo, và khuyến khích thêm nhiều người bản địa có tài theo học luật hàng hải. Một người phụ tá chủ chốt, ông Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu / Wu Jau-Shieh / 吳釗燮) – nguyên Tổng thư ký Phủ tổng thống và nay là Bộ trưởng Bộ ngoại giao – đã nhắc lại 4 nguyên tắc và 5 hành động này trong một phiên họp của Viện lập pháp (nghị viện) Đài Loan ngày 14 tháng 12 năm 2017.

Ngoài việc đưa ra một khuôn khổ chính sách mới, chính quyền của bà Thái cũng đã có những chuyển dịch khiến cách tiếp cận của Đài Loan đối với tranh chấp ở Biển Đông hài hoà hơn với UNCLOS. Bài viết này sẽ điểm lại những bước chuyển dịch này và nêu lên ý nghĩa của chúng đối với chính sách của Đài Loan ở Biển Đông.

Loại bỏ “vùng biển lịch sử” và “danh nghĩa lịch sử” khỏi các văn bản chính thức

Bước chuyển dịch đầu tiên là ở cách tiếp cận của Đài Loan về các tuyên bố yêu sách lãnh hải. Theo nguyên tắc “biển đi theo đất” (land dominates the sea) của UNCLOS thì các quyền trên biển được định theo chủ quyền trên đất liền của một quốc gia ven biển. Do vậy, nếu Đài Loan muốn yêu sách vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay thềm lục địa từ các đảo ở Biển Đông thì các luật lệ nội địa cũng phải tuân theo nguyên tắc này. Trên thực tế, Đài Loan đã dần loại bỏ những văn bản đề cập đến các quyền lịch sử thông qua quy trình lập pháp và các quy chế hành pháp.

Bước dịch chuyển này là khá rõ ràng khi so sánh giữa chính quyền của bà Thái với những người cầm quyền trước đó. Trong bản Chỉ đạo Chính sách đối với Biển Đông năm 1993 mà sau đó bị chính quyền Trần Thuỷ Biển (Chen Shui-Bian / 陳水扁) cho tạm ngưng năm 2005, điểm đầu tiên tuyên bố rằng “khu vực Biển Đông nằm trong vùng biển lịch sử là khu vực biển thuộc quyền tài phán của Trung Hoa dân quốc, trong đó Trung Hoa dân quốc có toàn quyền và lợi ích”. Nhưng năm 1998, Viện lập pháp Đài Loan thông qua “Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp” và “Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”, nhìn chung là phù hợp với thông lệ luật quốc tế như phản ánh trong UNCLOS. Các luật mới này không đề cập gì đến vùng biển lịch sử hay quyền sở hữu lịch sử.

Trái lại, Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 1998 ghi ở Điều 14 rằng các điều khoản của luật này không ảnh hưởng đến các quyền lịch sử của CHND Trung Hoa. Cao Chi Quốc (Gao Zhiguo / 高之国), thẩm phán Trung Quốc tại Tòa trọng tài quốc tế về luật biển, và Giả Binh Binh (Jia Bingbing / 贾兵兵) (giáo sư luật quốc tế Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh) cho rằng cả quyền sở hữu lịch sử lẫn luật phát hiện và chiếm đóng về căn bản đều không thể được hiểu theo luật hiệp ước mà đây là những vấn đề của tập quán quốc tế. Cao và Giả cũng cho rằng những điều khoản có liên quan của UNCLOS là đi cùng với quyền lịch sử vì lời nói đầu của hiệp ước này ghi rằng “những vấn đề không được Công ước này điều chỉnh sẽ tiếp tục chịu sự điều chỉnh của các luật lệ và nguyên tắc của luật quốc tế chung”.

Dịch chuyển về yêu sách chủ quyền

Để thực thi Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp vào tháng 2 năm 1999, Viện hành pháp Đài Loan ban hành “Bộ hồ sơ đường cơ sở và đường giới hạn ngoài lãnh hải và vùng tiếp giáp Trung Hoa dân quốc” đầu tiên. Bộ hồ sơ này tuyên bố tất cả các đảo, rạn san hô, đá của quần đảo Trường Sa (trong tiếng Trung là “quần đảo Nam Sa”) bên trong đường chữ U truyền thống là lãnh thổ của Trung Hoa dân quốc. Đường chữ U (hay đường 11 đoạn) được ghi rõ trong bộ hồ sơ đường cơ sở đầu tiên năm 1999 là tuyên bố cho quyền sở hữu đối với các đảo và thực thể giống đảo khác mà Trung Hoa dân quốc có chủ quyền.

Chính quyền của bà Thái đã tuyên bố rằng “Trung Hoa dân quốc nắm tất cả các quyền đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển liên quan theo luật quốc tế và luật biển”. Công thức này có hai điểm quan trọng. Một là, cụm từ “luật biển” ở đây bao gồm cả UNCLOS lẫn tập quán quốc tế. Hai là, chính quyền này đã đưa ra yêu sách chủ quyền mơ hồ hơn bằng cách dùng công thức “các đảo ở Biển Đông” thay cho cách các chính quyền trước liệt kê bốn nhóm đảo chính là Trường Sa (Spratly / Nam Sa), Hoàng Sa (Paracel / Tây Sa), bãi Macclesfield (Trung Sa), và Pratas (Đông Sa). Sự mập mờ này mở ra cánh cửa cho khả năng điều chỉnh yêu sách chủ quyền trong tương lai. Một trong những điều chỉnh đó có thể là làm cho yêu sách chủ quyền phù hợp hơn với luật quốc tế. Ví dụ, vì bãi Macclesfield chỉ trồi lên khi triều thấp nên không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với một mình bãi này. Thay vào đó, chính quyền của bà Thái đã tuyên bố rằng yêu sách chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông được đưa ra phù hợp với luật quốc tế.

Mặc dù chính quyền của bà Thái chưa định nghĩa rõ ràng các đảo ở Biển Đông, nhưng cách hành xử của họ cho thấy được đôi điều. Khi tàu khu trục USS Hoppercủa Mỹ đi vào phạm vi 12 hải lý của bãi cạn Scarborough ngày 17 tháng 1 năm 2018, Trung Quốc đã phản đối và buộc tội Hoa Kỳ xâm phạm lãnh hải Trung Quốc. Tuy nhiên, trái với các chính quyền trước, chính quyền của bà Thái đã không phản đối hay có phản ứng nào trước sự kiện này, mặc dù họ đã tuyên bố một đường cơ sở lãnh hải cho bãi cạn Scarborough, và luật nội địa có quy định rằng tàu quân sự hay của chính phủ nước ngoài phải thông báo trước khi đi qua lãnh hải Trung Hoa dân quốc. Nói cách khác, nếu chính quyền của bà Thái coi bãi cạn Scarborough là một phần của các đảo ở Biển Đông thì họ đã phải phản đối và yêu cầu tàu quân sự nước ngoài thông báo trước cho chính quyền Đài Loan.

“Các vùng biển liên quan”: bình cũ, rượu mới

Khi đưa ra cụm từ “các đảo ở Biển Đông và các vùng biển liên quan” để thay cho cụm từ “các đảo ở Biển Đông và vùng biển xung quanh các đảo này”, chính quyền Trung Hoa dân quốc lần đầu tiên đã dùng ngôn từ giống như CHND Trung Hoa. Trong công hàm gửi Cao uỷ Liên hiệp quốc về ranh giới thềm lục địa (CLCS) đáp lại hồ sơ thềm lục địa của Việt Nam bên ngoài vùng 200 hải lý ở Biển Đông, CHND Trung Hoa đưa ra yêu sách rằng nước này “có quyền chủ quyền và tài phán ở các vùng biển liên quan cũng như đáy biển và đất dưới đáy biển ở đó”.

Tuy nhiên, tuyên bố này không nên được hiểu là đang nói về cùng khái niệm vùng biển theo ngôn ngữ của Đài Loan. Theo UNCLOS, một quốc gia ven biển có quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của quốc gia đó. Do đó, nếu chính quyền của bà Thái có ý định yêu sách các quyền trên biển phù hợp với UNCLOS, thì vùng biển liên quan xung quanh các đảo ở Biển Đông sẽ bị giới hạn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tuy vậy, chính quyền của bà Thái vẫn chưa làm rõ ràng quan điểm này.

Khác nhau trong phản đối phán quyết

Trung Quốc tìm cách phớt lờ quyết định phân xử, tuyên bố rằng phán quyết cuối cùng này là không có giá trị và vô nghĩa. Chính quyền Đài Loan cũng coi bất kỳ quyết định nào phương hại đến quyền của Trung Hoa dân quốc là không có tính ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, dù Đài Loan và Trung Quốc có vẻ như có cùng quan điểm, nhưng trên thực tế họ coi phán quyết trên là không ràng buộc vì những lý do khác nhau. Đài Loan phản đối việc bị coi là một phần của Trung Quốc, cũng như việc đảo Ba Bình bị toà trọng tài cho là không có quyền có vùng đặc quyền kinh tế, trong khi đó lại không tạo cơ hội cho Đài Loan chính thức tham gia vào quy trình phân xử. Tuy vậy, chính quyền của bà Thái không bác bỏ tính chính danh của hội đồng trọng tài. Thay vào đó, Phủ tổng thống đã ra một tuyên bố ghi nhận việc các trọng tài đã đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, tức là thể hiện sự công nhận của chính quyền đối với tính pháp lý của hội đồng.

Đài Loan là một nước dân chủ và pháp quyền. Những dịch chuyển trong luật và lập luận về lãnh hải cho thấy Đài Loan không còn theo đuổi quyền lịch sử ở Biển Đông nữa và sẵn sàng tuân theo luật quốc tế và UNCLOS khi đưa ra yêu sách chủ quyền và quyền chủ quyền. Nếu tất cả các bên có yêu sách cũng đều tôn trọng chế độ pháp quyền thì việc bảo đảm hoà bình và ổn định ở Biển Đông sẽ là khả thi.

Tác giả Lâm Đình Huy (Lin Ting-Hui / 林廷輝) là Phó tổng thư ký Hội luật quốc tế Đài Loan. Bản gốc tiếng Anh được đăng trên Maritime Awareness Project.

TS. Nguyn Trnh Đôn (Biên dịch) hiện đang làm việc tại Anh quốc và là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Những quan điểm trong bài viết không nhất thiết là quan điểm của các thành viên và cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hay của các nhà tài trợ Dự án. 

Bản dịch được đăng lần đầu trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.