(Phần 1; Phần 2; Phần 3)

Cơ quan Ngư Chính (FLEC)

Do thực hiện đánh bắt cá trên toàn cầu, ngành công nghiệp đánh bắt cá của Trung Quốc trong thập kỷ trước đã gặp nhiều khó khăn do sự tàn phá môi trường bắt nguồn từ nạn đánh bắt hết cá. Trong khi sự phát triển trong ngành nuôi trồng thủy sản đã làm dịu bớt một phần nào đó cơn khủng hoảng này, ngư dân dọc bờ biển Trung Quốc đã phải trải qua một sự chuyển đổi khó khăn. Như một nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy, “Thực tế rất rõ ràng là sự phát triển ngành công nghiệp đánh bắt cá của đất nước chúng ta đã đạt đến điểm nút cực kỳ quan trọng. Hầu hết – nếu không nói là tất cả - các ngư trường đều đã bị khai thác hết, và nhiều trong số đó đã hoàn toàn cạn kiệt.”67  Một nghiên cứu công khai khác cho thấy tầm vóc của vấn đề. Từ những năm 1960, các loài cá trong vùng Vịnh Bắc Bộ thuộc biển Đông đã giảm từ 487 xuống 238. Khối lượng dự trữ chạm đến mức thấp nhất năm 1998, chỉ bằng 16,7% so với năm 1962; các nguồn dự trữ cá đã phần nào phục hồi từ đó.6

 

Ảnh 9. Tàu thăm dò FLEC 44183 đang tuần tra. So với các cơ quan thực thi pháp luật trên biển khác, đội quân đảm bảo thi hành ở các ngư trường đã không có những nguồn lực tương đương, ít nhất đến thời điểm này, và có thể cũng còn thiếu thủy thủ trầm trọng. Tấm áp phích lớn trên tàu đề: “Hãy Bảo vệ các Nguồn tài nguyên Ngư nghiệp Quốc gia.” Như đối với nhiều quốc gia, những nỗ lực bảo tồn các ngư trường đã trở thành một nhiệm vụ cực kỳ nhiều thách thức đối với chính phủ Trung Quốc. (Diễn đàn Quốc phòng Trung Quốc)

Ảnh 10. Một nhân viên của FLEC, hợp tác với Lực lượng tuần duyên của Hoa Kỳ, đã bắt một tàu đánh cá của Trung Quốc bị nghi là đánh bắt cá bằng lưới thả trái phép tại một vùng biển sâu rộng lớn ở Bắc Thái Bình Dương, vào ngày 12/09/2008. (Ảnh Chính thức của USCG)

 

Những điều kiện như vậy đã tăng áp lực lên các cơ quan và nhân viên thực thi pháp luật ở các ngư trường do yêu cầu phải đảm bảo thi  hành các qui định mới một cách nghiêm ngặt để làm đầy lại các nguồn cá. Kế hoạch “tăng trưởng bằng không” (“zero growth” plan) cho tàu đánh bắt cá được khởi xướng vào năm 1999. Đến năm 2004, tám nghìn tàu đánh cá đã bị loại bỏ, và đến năm 2010 kết quả đạt được là tổng số tàu đánh bắt cá của Trung Quốc giảm xuống 192.000 tàu. Việc ngừng hoạt động vào mùa hè hiện được áp dụng ở hầu hết tất cả các vùng ven biển Trung Quốc.69 Nhiệm vụ này thậm chí trở nên phức tạp hơn do sự chồng lấn ngày càng tăng các vùng đặc quyền kinh tế ở Tây Thái Bình Dương, đó là chưa nói đến tính di cư trên diện rộng của các nguồn cá ở khu vực.

Với một mẻ lưới tổng cộng mười bảy nghìn tấn năm 2007, số cá bắt được của Trung Quốc bằng bốn lần nguồn thu của đối thủ kế cận nhất.70 Các số liệu chính thức cho thấy rằng Trung Quốc gần đây có khoảng tám nghìn ngư dân. Trong số các loại cá có vảy, Trung Quốc đa phần bắt cá trống, cá sòng Nhật Bản, cá hố, cá croaker vàng nhỏ; dùng lưới, dây thép, và móc, và lưới kéo dạng túi. Các ngư trường biển và các ngành công nghiệp liên quan của Trung Quốc được xếp là ngành lớn nhất trong các ngành công nghiệp biển chính của nước này. Quảng Đông và Sơn Đông là hai tỉnh dẫn đầu, tính theo sản lượng đầu ra; Phúc Kiến và Chiết Giang ngay sát phía sau.71

Cơ quan Đảm bảo Thi hành Luật Ngư nghiệp của Trung Quốc (农业部下属的渔政部门), trực thuộc Bộ Nông nghiệp, chỉ có khoảng một nghìn nhân viên.72 Tác động chiến lược của thực trạng năng lực đảm bảo thi hành ngư nghiệp của Trung Quốc đã được đề xuất vào đầu năm 2009, khi các tàu đánh bắt và nuôi trồng cá dính líu vào một loạt các vụ việc quốc tế với các nước láng giềng khu vực và Hoa Kỳ.73 Dấu hiệu về hiệu suất thấp và tính vô hiệu quả đã được vạch rõ trong nghiên cứu của Viện Ninh Ba mà đã lấy việc thực thi luật ngư nghiệp làm ví dụ minh chứng cho sự rối loạn giữa năm con rồng. Giáo sư He Zhonglong và các đồng nghiệp của ông khẳng định rằng:

Tồn tại hiện tượng “có thẩm quyền, nhưng không có khả năng hoặc có khả năng mà không có thẩm quyền…” Cục cưỡng chế ngư nghiệp có chức năng bảo vệ các tàu đánh cá, nhưng do họ không được trang bị vũ khí nên thiếu khả năng ngăn chặn và cưỡng chế thi hành, và bởi thế họ gặp nhiều khó khăn khi giải quyết các tình huống bất ngờ xảy ra…

Trong khi đó, mặc dù có chức năng cảnh sát và được trang bị tất cả các loại vũ khí, có thuận lợi trong bất kỳ trường hợp nào liên quan đến việc đuổi theo tàu đánh cá, cảnh sát và công an biển có thể chỉ đóng vai trò hỗ trợ và lâm vào tình thế khó xử do giới hạn về thẩm quyền. Khó có thể bảo vệ các quyền và lợi ích về hàng hải của đất nước cũng như danh dự quốc gia trong những hoàn cảnh như vậy.74

Một điều cũng quan trọng nữa là cùng với các chính sách khuyến khích nuôi trồng thủy sản, trong những năm gần đây Bắc Kinh đã đẩy mạnh phát triển hạm đội đánh bắt xa bờ. Đến năm 2006, hạm đội này đã tăng lên khoảng hai nghìn tàu và đang hoạt động ở vùng biển cả cũng như vùng đặc quyền kinh tế của ba mươi lăm quốc gia.75 Ví dụ, nghiên cứu của Viện Ninh Ba đề cập đến sự phát triển này và khẳng định rằng “Nếu nước ta tìm kiếm phương pháp giải quyết vấn đề lương thực trong nước thì cần phải khai thác tặng phẩm của biển cả, thông qua… việc phát triển ngành đánh bắt cá nước sâu.”76 Cụ thể các tàu đánh bắt cá của Trung Quốc hiện là một hình ảnh thường thấy ở các vùng nước ở châu Phi và châu Mỹ La tinh – đó là một hiện tượng đã dẫn đến nhiều tranh cãi.

Từ góc nhìn của Trung Quốc, đã có một số vấn đề đặt ra như là làm thế nào để bảo vệ ngư dân Trung Quốc ví dụ như để chống lại các cuộc tấn công của cướp biển ở những nơi xa xôi như vậy.”77 Đến lượt vấn đề này lại dẫn dắt các nhà phân tích hàng hải xem xét liệu những khả năng tuần duyên biển của Trung Quốc có trải ra toàn cầu tương xứng với lợi ích thương mại hàng hải toàn cầu của quốc gia này hay không và nếu có thì điều đó sẽ ăn khớp như thế nào với chiến lược phát triển hải quân của Trung Quốc vốn đã và đang đảm nhiệm sứ mạng chống cướp biển. Một vấn đề thậm chí nhạy cảm hơn đã nảy sinh liên quan đến thực tiễn đánh bắt cá gần bờ Trung Quốc. Khi lượng dữ trữ cá xung quanh khu vực giảm, ý thức về chủ nghĩa dân tộc trong các vùng đánh bắt cá lại tăng lên. Quả thực, một phân tích gần đây về các ngư trường của Trung Quốc kết luận rằng “Mặc dù đất nước của chúng ta đã ký lần lượt hết thỏa thuận này đến thỏa thuận khác với các quốc gia láng giềng, số vụ việc về an toàn đánh bắt cá liên quan đến người nước ngoài đã không ngừng tăng lên… Một vài [quốc gia] thậm chí còn gửi tàu chiến đến đâm và làm chìm thuyền đánh cá của bên ta.”78 Căng thẳng bùng lên vào mùa hè năm 2009 khi các cơ quan tuần duyên biển của Trung Quốc tuần tra đuổi bắt tàu nước ngoài vi phạm các qui định nghiêm ngặt mới về đánh cá trong khu vực biển Đông nhạy cảm.79 Như đã được đề xuất gần đây, nếu việc xây dựng các tàu lớn, có khả năng chở trực thăng cho đơn vị Biển Đông của FLEC đang được tiến hành thì các chính sách của Bắc Kinh về đánh bắt cá trong khu vực sẽ trở nên có trọng lượng hơn.80

Phần tiếp theo "Tổng cục Hải quan, Cơ quan Hải dương học Nhà nước – Hai trong năm con rồng của Trung Quốc"

 

Lyle J. Goldstein, Trường Cao đẳng Hải chiến Hoa Kỳ 

Hiếu Minh, Ngọc Trang, Hà Tuyên (dịch) 

Đỗ Thị Thủy (hiệu đính)

 

Bản  gốc tiếng Anh "Five Dragons Stirring Up the Sea - Challenge and Opportunity in China's Improving Marritime Enforcement Capabilities ", Tạp chí Nghiên cứu biển Trung Quốc, số 5, tháng 4/2010, Trường Cao đẳng Hải chiến, Newport, Rhode Island, Hoa Kỳ

Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.

CHÚ THÍCH:


67.  慕永通 [Mộ Vĩnh Thông - Mu Yongtong], 渔业管理: 以基于权利的管理为中心 [Quản lý nghề cá: Tập trung vào cơ chế dựa trên các quyền] (Thanh Đảo: Báo của trường đại học Hải Dương Trung Quốc), trang 292.

68.  Yunjun Yu và Yongtong Mu, “Cơ cấu thể chế mới trong quản lý nghề các ở Vịnh Bắc Bộ,” Chính sách Biển 30 (2006), trang 251.

69.  “Fishery and Aquaculture Country Profiles: China,” Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc, trang 3, có tại www.fao.org/fishery/countrysector/FI-CP/en.

70.  Tình trạng nuôi trồng thủy sản và Đánh bắt cá thế giới (The State of the World Fisheries and Aquaculture) 2008 (Rôm-ma: Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc), trang 11, có tại www .fao.org/docrep/10250e/io250e00.htm.

71.  Đoạn này lấy thông tin từ “Fishery and Aquaculture Country Profiles: China,” và cũng từ  李德水, 王曙光 [Lý Đức Thủy - Li Deshui và Vương Thử Quang - Wang Shugang], 中国海洋统计年鉴2004 [China Marine Statistical Yearbook 2004] (Beijing: Ocean Press, 2005), trang 11-16

72.  Hà Trung Long - He Zhonglong  cùng các cộng sự, Nghiên cứu về việc Phát triển Cảnh sát Biển của Trung Quốc, trang 37.

73.  Về vấn đề này, xem Lyle Goldstein, “Strategic Implications of Chinese Fisheries Development,” China Brief 9, số 16 (5, tháng 8, 2009), có tại

www.jamestown.org/programs/chinabrief/.

74.  Hà Trung Long - He Zhonglong cùng các cộng sự, Nghiên cứu về việc Phát triển Cảnh sát Biển của Trung Quốc, trang 40.

75.  Guifang Xue, “China’s Distant Water Fisheries and Its Responses to Flag State Responsibilities,” Chính sách Biển 30 (2006), trang 653.

76.  Hà Trung Long - He Zhonglong  cùng các cộng sự, Nghiên cứu về việc Phát triển Cảnh sát Biển của Trung Quốc, trang 12.

77.  Lu Xianchen, “The Threat and Precautions against Modern Pirates,” trang 26–29.

78.  Li Zhujiang, tái bản, 海洋与渔业: 应急管理 [Công nghiệp Biển và Đánh bắt cá: Quản lý sự Khẩn cấp] (Beijing: Ocean Press, 2007), trang 299.

79.  王旭 [Vương Húc - Wang Xu], “我南海海警依法驱逐外籍渔船20余艘” [Cảnh sát Trung Quốc ở Biển Đông thực thi theo luật đã đánh đuổi 20 thuyền đánh cá nước ngoài], CCTV.com, 2, tháng 8, 2009.

80.  Hai Tao và Qi Fei, “PRC Building Civilian ‘Law Enforcement’ Fleet for South China Sea,” Guoji Xianqu Dabao, 20, tháng 3, 2009, Nguồn mở Trung tâm dịch thuật CPP20090324671007.