23/06/2020
Chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập (A2/AD) là chiến lược biển được xây dựng nhằm ngăn không cho lực lượng hải quân đối phương tự do di chuyển trong một không gian chiến đấu. Bài viết sẽ phân tích những thuận lợi và khó khăn khi Trung Quốc thực hiện A2/AD tại Biển Đông.
A2/AD còn được người Nga gọi là “chiến lược pháo đài” và “chống tiếp cận biển” theo thuật ngữ an ninh biển. Các lực lượng hải quân hùng mạnh có truyền thống theo đuổi chiến lược kiểm soát biển bằng cách triển khai tàu sân bay, cùng máy bay chiến đấu và tàu mặt nước có kích thước lớn. Tuy nhiên, “chống tiếp cận biển” là chiến lược thiên về phòng thủ nhiều hơn, trong đó sử dụng hệ thống phòng không và phòng thủ biển, tàu ngầm tấn công nhanh, máy bay chiến đấu, bệ phóng tên lửa và hệ thống giám sát đại dương được đặt trên đất liền để theo dõi mục tiêu.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã phát triển khái niệm này tại Biển Đông, biển Hoa Đông và khu vực xung quanh eo biển Đài Loan. Tham vọng của Bắc Kinh là phá hoại quyền tự do hàng hải của Hải quân Mỹ và các nước đồng minh khác, đồng thời làm gia tăng rủi ro đối với các tàu chiến hoạt động tại các vùng biển tranh chấp và ngày càng căng thẳng này. A2/AD thách thức khả năng triển khai sức mạnh hải quân vô song của Mỹ tại các khu vực lợi ích cốt lõi. Chiến lược này của Trung Quốc cũng nhằm khiến các đồng minh Thái Bình Dương của Mỹ nghi ngờ về khả năng của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ (USPACOM) trong việc đối phó với các quan ngại an ninh.
Sử dụng các đảo tự nhiên và nhân tạo
Trung Quốc đã mở rộng phạm vi hoạt động trên Biển Đông bằng cách thiết lập một loạt cơ sở hạ tầng quân sự mới dưới dạng các đảo nhân tạo được trang bị đường băng, hầm chứa tàu ngầm và các cơ sở neo đậu nhằm hỗ trợ hậu cần cho các đội tàu của nước này, cũng như hệ thống phòng không cần thiết để bảo vệ các cơ sở này.
Tốc độ triển khai chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo là rất ấn tượng. Mô hình cơ sở hạ tầng A2/AD được phát triển trên các đảo ở Biển Đông là bằng chứng cho thấy Trung Quốc nhận chuyển giao công nghệ từ Nga và sao chép hiệu quả “chiến lược pháo đài” vốn được Moskva sử dụng tại các vùng biển của mình. Tiếp theo hành động quân sự hóa các hòn đảo này vào năm 2013 bằng việc triển khai các hệ thống vũ khí, Trung Quốc đã thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông và gần quần đảo Senkaku.
Trung Quốc đã thực sự gặp khó khăn trong việc thực thi ADIZ một cách đúng nghĩa do thiếu trang thiết bị hàng không và bị Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc bác bỏ. Điều này rất quan trọng khi các báo cáo gần đây tiết lộ rằng Trung Quốc có kế hoạch thiết lập ADIZ ở Biển Đông trong tương lai gần và đang chờ thời điểm thích hợp để triển khai. Xuất phát từ kinh nghiệm ở biển Hoa Đông, thách thức trong việc thực thi ADIZ ở Biển Đông sẽ còn khó khăn hơn nhiều. Hơn nữa, kế hoạch này còn có khả năng đối mặt với các động thái đáp trả tương tự từ các nước như Việt Nam bằng cách áp đặt các ADIZ trên các hòn đảo tranh chấp.
Một trong những yếu tố chính đảm bảo hiệu quả của chiến lược A2/AD là việc sở hữu một hệ thống phòng không tầm xa đáng tin cậy nhằm hỗ trợ thực thi ADIZ. Máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cùng máy bay chiến đấu chống ngầm và trinh sát điện tử Y-9 dường như sẽ đóng vai trò chính trong việc cung cấp thông tin cảnh báo sớm cho Trung Quốc trong tương lai gần và là chìa khóa đảm bảo thành công tại Biển Đông.Một trụ cột khác giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu này là trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21/DF-26 cho các đảo nhằm hoàn thiện khả năng chống tiếp cận và chống lại mối đe dọa từ các tàu mặt nước của Mỹ, trong đó có các tàu sân bay Nimitz và Ford. Các căn cứ hải quân ở Biển Đông cũng có thể được sử dụng để triển khai các tàu khu trục lớp Type 052 - còn được gọi là phiên bản tàu chiến Aegis của Trung Quốc. Phiên bản mới nhất sắp được Trung Quốc đưa vào sử dụng và sẽ xuất hiện tại các vùng biển tranh chấp là tàu khu trục Type 055 - được phương Tây xếp loại là tàu tuần dương do kích thước và hệ thống vũ khí của nó.
Tàu khu trục Type 055 đầu tiên đã được hạ thủy vào tháng 1/2020 và 5 chiếc khác sắp được đưa vào sử dụng. Vai trò chính của các tàu này là hợp thành nhóm tàu sân bay tấn công. Ngoài ra, các tàu khu trục Type 055 còn tham gia phòng không/mặt nước để bổ sung cho chiến lược A2/AD. Năm 2019, Trung Quốc đã cho ra mắt một quân đoàn thủy quân lục chiến ngày càng mạnh mẽ có khả năng vận chuyển/viễn chinh đáng tin cậy với sự hộ tống của tàu tấn công đổ bộ, trong đó có tàu đổ bộ LPD phiên bản mới – lực lượng có thể đóng vai trò chưa được xác định trong chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tàu ngầm là nhân tố tiếp theo và có khả năng là nhân tố chính trong chiến lược A2/AD của Bắc Kinh tại Biển Đông. Các căn cứ hải quân của PLA tại Đại lục có thể che giấu ngầm hạt nhân – lực lượng có vai trò chính trong thời chiến là chống lại các tàu mặt nước thù địch ở Biển Đông và cung cấp khả năng răn đe hạt nhân trên biển nhằm hỗ trợ các mục tiêu an ninh biển nằm ngoài không gian chiến đấu. Việc triển khai tàu ngầm đến các đảo trên Biển Đông sẽ mang lại lợi thế lớn cho Trung Quốc vì các đảo này giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển, qua đó tạo điều kiện triển khai nhanh dựa trên các kịch bản chiến thuật.
Đảo Hải Nam
Nằm gần lục địa Trung Quốc và là địa điểm đặt căn cứ hải quân Ngọc Lâm, đảo Hải Nam sẽ là một tài sản trên biển quan trọng trong việc triển khai chiến lược A2/AD. Căn cứ có thể che giấu nhiều tàu ngầm hạt nhân chiến lược và sở hữu một bến cảng lớn có thể cùng lúc neo đậu hai nhóm tác chiến tàu sân bay hoặc tàu tấn công đổ bộ.
Một căn cứ tàu ngầm khác đặt tại Long Ba, ở phía Đông Nam đảo Hải Nam. Đây là một cảng nước sâu với các cầu tàu dành cho tàu ngầm và một cơ sở ngầm với các lối vào đường hầm. Long Ba cũng có các cầu tàu dành cho các tàu chiến mặt nước, biến nơi đây trở thành một căn cứ đa năng quan trọng của Hải quân Trung Quốc. Các cơ sở tàu ngầm và tàu chiến mặt nước tại đảo Hải Nam cho thấy hòn đảo này sẽ đóng vai trò trung tâm trong chiến lược A2/AD của Trung Quốc.
Hải Nam có thể được xem là thành trì đầy tiềm năng của các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN) thuộc lực lượng răn đe hạt nhân dưới biển của Trung Quốc. Trong đó, các tàu ngầm tấn công và hạm đội tàu mặt nước cung cấp vỏ bọc bảo vệ cho SSBN với sứ mệnh tung loạt tấn công thứ hai hoặc được sử dụng trong kịch bản được nêu ở trên, nhằm thực thi chiến lược A2/AD thông qua các phương tiện hạt nhân. Dưới góc độ tấn công, đảo Hải Nam đóng vai trò là căn cứ để Trung Quốc triển khai khả năng kiểm soát biển rộng lớn hơn và các chiến dịch chống tiếp cận biển tại Biển Đông. Với những hành vi gần đây của Bắc Kinh trong các cuộc tranh chấp trên biển, có thể giả định một cách logic rằng Hải quân Trung Quốc đang theo đuổi đồng thời hai khái niệm của chiến lược A2/AD.
Đảo Phú Lâm
Đảo Phú Lâm cũng có thể đóng vai trò quan trọng cùng với đảo Hải Nam trong việc thực thi chiến lược A2/AD tại Biển Đông. Đây là hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa – địa điểm có vị trí chiến lược và một đường băng được nâng cấp có thể dùng để giám sát các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại các nơi xa như quần đảo Trường Sa. Trung Quốc được cho là đã triển khai tiêm kích J-11 tại đảo Phú Lâm, qua đó mở rộng phạm vi hoạt động tiềm năng thêm 360km tại Biển Đông, bổ sung lực lượng cho căn cứ của hải quân trên đảo Hải Nam.
Các bức ảnh vệ tinh đã được công bố cho thấy các cơ sở hạ tầng quân sự rộng lớn đang được xây dựng trên đảo Phú Lâm bao gồm các đường băng và các cơ sở hậu cần phục vụ các đơn vị không quân đang được triển khai tại đây. Đảo Phú Lâm cũng sẽ đóng vai trò là địa điểm tiềm năng để triển khai các bệ phóng di động dành cho tên lửa đạn đạo DF, qua đó cho phép Trung Quốc tấn công các tài sản hải quân trên khắpBiển Đông. Các căn cứ mới của Trung Quốc tại đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn - vốn đang dần tiến tới sở hữu các năng lực tương tự như đảo Phú Lâm - cũng có thể cung cấp năng lực không quân để thực thi ADIZ tại Biển Đông với mục đích hỗ trợ cho một chiến lược A2/AD rộng lớn hơn. Những diễn biến trên đảo Phú Lâm có thể gợi ý về các động thái tương lai của Bắc Kinh trong khu vực.
Lợi thế và rủi ro cho Trung Quốc
Các đảo tiền đồn mang lại cho Trung Quốc ưu thế quyết định trước bất kỳ thế lực thách thức nào tại Biển Đông. Ngoài triển khai sức mạnh quân sự, các đảo này còn có nhiệm vụ tích hợp thông tin tình báo thu thập được từ các tiền đồn ở Biển Đông vào hệ thống chỉ huy đầu não của PLA ở cấp độ chiến lược.
Để đạt được mục tiêu trên, khái niệm “đường 9 đoạn” và việc xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo khẳng định tầm nhìn chiến lược dài hạn là phát triển các không gian biển thành “sân sau” của PLA. Các cơ sở thông tin liên lạc của Trung Quốc trên các đảo này được cho là gồm các tuyến cáp quang dưới biển, hệ thống liên lạc vệ tinh đa băng tần, dải cao tần băng thông rộng, và các ra đa vi sóng vượt đường chân trời.
Tất cả các hệ thống này có một vai trò quan trọng: Ngăn chặn lực lượng thù địch tiếp cận thông tin, đồng thời bảo đảm khả năng tiếp cận thông tin tình báo của chính PLA theo thời gian thực tại Biển Đông. Hơn nữa, các tiền đồn này có thể chỉ huy và kiểm soát lực lượng dân quân biển của Trung Quốc. Về mặt địa lý, các căn cứ này có vị trí phù hợp để cung cấp cho Trung Quốc chiều sâu chiến lược hơn bất kỳ đối thủ nào thách thức vị thế của nước này. Điều này giúp Trung Quốc phòng thủ tích cực, đồng thời có thể tung ra các đòn tấn công.
Mặc dù chiến lược A2/AD phù hợp với đặc điểm địa lý của Biển Đông song nó cũng có những rủi ro lớn quá trình thực thi. Khả năng của Trung Quốc và các loại vũ khí của PLA chưa được chứng minh trong thực chiến và các binh sĩ của nước này có ít kinh nghiệm chiến đấu ngoài việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, chưa sẵn sàng đối mặt với một kẻ thù có kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến như Mỹ. Tương tự như vậy, Trung Quốc khó có thể sở hữu các binh sĩ có trình độ chuyên môn cao và có khả năng theo kịp các kế hoạch phát triển quân sự của nước này.
Khả năng quản lý các khu vực biển của PLA bằng cách tích hợp tất cả các yếu tố đầu vào trong một trung tâm chỉ huy chiến thuật toàn diện là một khía cạnh đầy bí ẩn khác. Việc PLA không thể áp đặt một ADIZ có giới hạn ở biển Hoa Đông là đáng chú ý vì điều này gây nghi ngờ về khả năng áp đặt một ADIZ trên toàn bộ Biển Đông.
Cuối cùng, các tranh chấp trên biển hiện nay đã khiến các nước trong khu vực mất niềm tin nghiêm trọng đối với Trung Quốc. Mục tiêu chi phối khu vực mà không cần can dự ngoại giao với các nước có thể sẽ không đạt được những kết quả mà Bắc Kinh hằng mong muốn. Chiến lược A2/AD không thể thay thế cho một chính sách ngoại giao khu vực hiệu quả. Chừng nào tranh chấp ở Biển Đông vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi và Trung Quốc vẫn tỏ ra coi thường các chuẩn mực quốc tế, thì chừng đó mục tiêu trở thành nhà lãnh đạo châu Á của Bắc Kinh sẽ thất bại.
Ngay cả khi Trung Quốc áp đặt thành công chiến lược A2/AD trong trường hợp xảy ra đối đầu trực tiếp, các quốc gia trong khu vực có thể sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía Mỹ. Trong trường hợp đó, Trung Quốc có nguy cơ bị cô lập và bị coi là kẻ xâm lược. Chỉ khi Bắc Kinh xây dựng được lòng tin với các quốc gia Đông Nam Á và thiết lập các liên minh mạnh mẽ trong khu vực, thì chiến lược A2/AD mới có thể bổ trợ cho sức mạnh của Trung Quốc. Khi đó, các động lực ở Biển Đông sẽ thực sự thay đổi theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.
Phó Đề đốc Vengalil Venugopal (nghỉ hưu)– người từng có 30 năm phục vụ trong lực lượng Hải quân Ấn Độ. Bài viết được đăng trên 9dashline.
Hồng Quyên (gt)
Tiến trình xây dựng tại căn cứ hải quân Ream ở Campuchia được xúc tiến trong các tháng gần đây, đặc biệt là ở cuối phía Bắc căn cứ - khu vực Trung Quốc được cho là sẽ sử dụng. Một loạt tòa nhà mới đã mọc lên, đất đại được giải tỏa mặt bằng trên diện rộng và gần đây nhất, các bến tàu mới đã được khởi...
Văn bản Bổ sung về Thực tiễn các quốc gia (đi kèm với Báo cáo Các giới hạn trên Biển số 150) nhằm mục đích đánh giá lập trường pháp lý quốc tế của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) đối với các đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải và các quần đảo xa bờ.
Giống như màu sắc chủ đạo trong các bài viết trước đây, Ngô Sĩ Tồn tiếp tục tập trung vào việc chỉ trích, lên án sự can dự của Mỹ vào vấn đề Biển Đông và không khó để nhận thấy sự can dự này của Mỹ đang kiềm chế phần nào sự bành trướng, bá quyền và tham vọng kiểm soát toàn bộ khu vực Biển Đông của Trung...
Trong tiến trình thúc đẩy ngành du lịch tàu biển ở Biển Đông sẽ cần cân nhắc tới một số vấn đề như tác động tới môi trường sinh thái, vấn đề cướp biển, an ninh an toàn hàng hải…. và đặc biệt là tác động của đại dịch covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến sẽ mang lại những nhân tố bất ổn cho phát triển...
Ngày 12/1, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo “Giới hạn trên Biển” số 150, dài 44 trang. Báo cáo xem xét các diễn giải mới về yêu sách Biển Đông của Trung Quốc sau Phán quyết năm 2016 và kết luận yêu sách chủ quyền đối với các thực thể, đường cơ sở bao quanh Quần đảo Hoàng Sa, yêu sách vùng biển “dựa trên...
Ngày 8/9/2021, Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc có bài đăng tựa đề “Cảnh giác trước những hành động biến ổn định thành bất ổn của Mỹ ở Biển Đông” hướng sự chỉ trích vào Mỹ và các nước phương Tây. Lập luận chung của Trung Quốc cho rằng tình hình Biển Đông hiện nay tổng thể ổn...