(Phần 1)

Chính sách “Ôn hòa có Tính toán” của Trung Quốc ở Biển Đông

Trong suốt những năm 1990, Trung Quốc đã có những nỗ lực lớn để bình thường hóa và cải thiện quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, một phần là để phòng ngừa một chính sách ngăn chặn/kiềm chế do Mỹ cầm đầu chống lại Trung Quốc. Thoát ra dần cách tiếp cận ban đầu là coi trọng quan hệ song phương, Trung Quốc đã tham gia nhiều hơn vào các thể chế đa phương và khu vực[1], đặc biệt là các thể chế cho phép Trung Quốc tăng cường đối thoại với ASEAN. Khi nguyên chủ tịch Giang Trạch Dân và các lãnh đạo ASEAN tổ chức hội nghị cấp cao ASEAN + Trung Quốc lần đầu tiên vào tháng 12 năm 1997, họ đã ra một tuyên bố chung thiết lập mối quan hệ láng giềng tốt, tin tưởng lẫn nhau trong thế kỷ hai mươi mốt. Kết quả là quan hệ kinh tế và chính trị giữa ASEAN và Trung Quốc phát triển nhanh chóng,[2] nhưng quan hệ an ninh vẫn rất mờ nhạt vì những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Tuy nhiên vào thời điểm chuyển giao của thế kỷ, căng thẳng đã bắt đầu giảm dần nhờ một loạt các thỏa thuận: Trung Quốc và Việt Nam ký Hiệp định Biên giới trên Bộ tháng 12 năm 1999, tiếp theo là Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000,[3] và tháng 11 năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký Tuyên bố về Cách Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC). Trước đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc tháng 11 năm 2001, các lãnh đạo ASEAN đã chấp nhận đề xuất của Trung Quốc thành lập Khu vực Mậu dịch Tự do Trung Quốc-ASEAN (CAFTA) bao gồm Trung Quốc, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin, Xin-ga-po và Thái Lan vào năm 2010, tiếp theo là Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam vào năm 2015.[4]

Nói chung, cách tiếp cận vấn đề Biển Đông của Trung Quốc trong thập niên qua phản ánh sự định hướng lại toàn bộ chính sách ngoại giao Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á, điều mà nhiều chuyên gia đã mô tả như là “cuộc tấn quyến rũ” hay “quyền lực mềm”. Trung Quốc chủ yếu nỗ lực tìm kiếm một sự cân bằng trong việc theo đuổi lợi ích về chủ quyền, kinh tế, và chiến lược của nước này trong cuộc tranh chấp. Vì tầm quan trọng chính trị, kinh tế, và chiến lược của Biển Đông đối với Trung Quốc, nhiều người Trung Quốc có thể ủng hộ việc sử dụng các biện pháp cương quyết để theo đuổi lợi ích của nước này trong khu vực đó. Tuy nhiên, trong thập niên qua, không có xung đột quân sự lớn nào giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp khác.[5] Những dự báo rằng các nước ASEAN sẽ không thể ép Trung Quốc vào đàm phán đa phương sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, hóa ra lại không đúng.[6] Trung Quốc một mặt giữ thái độ cương quyết đối với yêu sách chủ quyền của nước này ở tất cả các sự kiện ngoại giao, tiến hành từng hành động để củng cố sự hiện diện của nước này ở Biển Đông, và đáp lại bằng những lời cảnh báo cứng rắn mỗi khi các bên tranh chấp khác hành động ngược lại với lợi ích của Trung Quốc. Nhưng mặt khác, Bắc Kinh nhận thấy họ phải tập trung vào những mục tiêu quan trọng hơn trong chính sách đối ngoại với Đông Nam Á, điều này đã dẫn đến khá nhiều thay đổi quan trọng trong cách cư xử của Trung Quốc hiện tại.

Ví dụ, Trung Quốc đã thay đổi thái độ cương quyết trước đây về đàm phán song phương, và nay đang dần dần chấp nhận cách tiếp cận đa phương. Nước này đã ký DOC, dù không phải là một hiệp định có ý nghĩa pháp lý nhưng có tác dụng rằng buộc về mặt đạo đức đối với các bên liên quan. Nó cho thấy trong một chừng mực nào đó Trung Quốc chấp nhận những chuẩn mực để điều hòa các vấn đề có liên quan đến Biển Đông dù chuẩn mực đó còn sơ khai và không chính thức. Cùng với đề xuất “cùng khai thác”, DOC đã cho thấy rõ hơn thiện ý thỏa hiệp yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Cũng bằng cách tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC), Trung Quốc đã cam kết về mặt pháp lý là không sử dụng vũ lực chống lại các thành viên ASEAN.  Một sự thay đổi nữa trong chính sách của Bắc Kinh là ý định ngày càng đẩy mạnh các chương trình cụ thể trong thỏa thuận phát triển chung của Trung Quốc,[7] trong khi trước đây, Bắc Kinh đã bị chỉ trích vì chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà không có đề xuất thiết thực nào.

Tại sao Trung Quốc lại chấp nhận những chính sách tương đối ôn hòa hơn này? Đây là một câu hỏi lớn, không chỉ để hiểu lịch sử thập niên vừa qua mà còn có cả manh mối về diễn biến trong tương lai. Một nhân tố mà hầu hết các nhà quan sát có thể đồng tình là Hải Quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN) không đủ khả năng,[8] nhưng một mình nhân tố này chưa cho chúng ta lời giải thích thỏa đáng. Rốt cuộc, Bắc Kinh đã sử dụng những hành động vũ lực vào các năm 1974, 1988 và 1995 ngay cả khi hải quân của họ vẫn còn yếu kém hơn hiện nay. Thực tế, có ba nhân tố đồng thời có vai trò quyết định trong việc hình thành cách tiếp cận mới của Trung Quốc: nhu cầu cần có một vùng láng giềng hòa bình để thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong nước, tầm quan trọng của ASEAN, và sức ép chiến lược từ những cường quốc bên ngoài.

Đặc biệt nhất là, Bắc Kinh tỏ ra nhiệt tình hơn trước trong việc tạo ra hình ảnh bản thân như một cường quốc có trách nhiệm để làm dịu đi “thuyết mối đe dọa Trung Quốc” và thể hiện mình là người ủng hộ các biện pháp đối thoại, xây dựng lòng tin, và quan hệ hợp tác thay vì thái độ hiếu chiến và đe họa, điều có thể gây tổn hại hơn đến lợi ích của bản thân nước này. Cách tiếp cận mới này không có nghĩa là Trung Quốc và các nước tranh chấp có thể dễ dàng vượt qua tranh chấp, nhưng điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẵn sàng chú ý đến những lợi ích chính trị và chiến lược dài hạn của nước này ở Biển Đông và thực hiện giải pháp cùng có lợi. Các nhà phân tích cho rằng giải quyết tranh chấp Biển Đông trong khuôn khổ đối tác chiến lược sẽ tốt cho lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, bao gồm cả những nỗ lực của Trung Quốc ngăn chặn Đài Loan độc lập.[9]

Tục ngữ có câu, nhảy tăng-gô cần có hai người. Không có phản ứng tích cực và nhân nhượng lẫn nhau từ các bên tranh chấp khác, Biển Đông không thể có được trạng thái ổn định hiện nay. Chia sẻ các mối quan tâm tương tự Trung Quốc, các nước khác trong khu vực cũng sẵn sàng chấp nhận một quan điểm hòa giải hơn bởi vì tất cả các nước đều cần có môi trường bên ngoài hòa bình và ổn định để phát triển kinh tế nước họ. Nhiều trong số các nước này đã nhận ra rằng đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông sẽ có hại cho sự ổn định của mối quan hệ ASEAN – Trung Quốc. Các cường quốc bên ngoài khác như Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng không muốn có xung đột ở Biển Đông vì sợ làm gián đoạn vận tải biển và phá vỡ hòa bình khu vực. Sự hiện diện quân sự chiếm ưu thế của Mỹ ở Đông Á và quan hệ an ninh rộng khắp với các nước Đông Nam Á của nước này là những nhân tố mà các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc phải tính đến. Bắc Kinh hiểu rằng cách tiếp cận nặng tay của Trung Quốc sẽ chỉ đẩy các nước tranh chấp khác đến gần hơn với Oa-sing-tơn trên vũ đài an ninh.

Xuất hiện thái độ cương quyết của Trung Quốc

Bất chấp tất cả những diến biến tích cực đã đề cập trên, có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể trở nên cương quyết hơn trong tranh chấp Biển Đông thời gian tới. Cùng lúc, tâm lý phổ biến trong các nhà hoạch định chính sách và thành phần trí thức ở Trung Quốc là vẫn ủng hộ cách tiếp cận hợp tác đối với tranh chấp. Hai xu hướng này sẽ diễn ra như thế nào? Sự đan xen giữa hai cách tiếp cận có làm cho tranh chấp trở nên tồi tệ và phức tạp hơn không? Hay liệu thái độ ngày càng cương quyết của Trung Quốc cùng với nỗ lực đẩy mạnh các chương trình và những thỏa thuận cùng có lợi sẽ dẫn đến hợp tác nhiều hơn ở Biển Đông?

Những bất bình của Trung Quốc         

Sự thay đổi thái độ của Trung Quốc theo chiều hướng cương quyết phản ánh sự bất bình của nước này đối với những hành động của các nước khác trong khu vực,  mong muốn có được lợi ích kinh tế ở Biển Đông cùng với sự lớn mạnh về tiềm lực và sức mạnh của nước này. Trước hết, Trung Quốc rất giận giữ về những hành động vũ lực của các nước khu vực đối với ngư dân Trung Quốc ở vùng Trường Sa (A: Spratly Islands, TQ: Nansha/Nam Sa – nd). Một bản báo cáo của Trung Quốc chỉ ra rằng cộng đồng nghề cá nước này đang ngày càng giảm hoạt động ở vùng Trường Sa (A: Spratly Islands, TQ: Nansha/Nam Sa – nd), địa bàn đánh cá truyền thống của Trung Quốc ở Biển Đông. Diện tích đánh bắt thường xuyên của Trung Quốc ở Trường Sa (A: Spratly Islands, TQ: Nansha/Nam Sa – nd) giờ đây đã bị giảm xuống 7800 ki-lô-mét vuông so với 83000 ki-lô-mét vuông vào năm 1989.[10] Truyền thông Trung Quốc thống kê rằng kể từ năm 1989 đã có trên 300 trường hợp tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ, xua đuổi, thậm chí là bị bắn ở khu vực Trường Sa (A: Spratly Islands, TQ: Nansha/Nam Sa – nd), trên tám mươi thuyền cá và hơn 1800 ngư dân Trung Quốc đã bị bắt giữ.[11]

Trong khi phần lớn các nhà phân tích đồng ý với chính phủ rằng “gác tranh chấp, cùng khai thác” vẫn nên là lập trường chính thức của Trung Quốc, một số nhà quan sát Trung Quốc ngày càng chỉ trích chính sách này. Họ cho rằng chính sách này thật ra đi ngược lại lợi ích Trung Quốc vì cho phép các nước yêu sách khác đơn phương khai thác tài nguyên ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng không hài lòng trước nỗ lực của các nước tập hợp dưới lá cờ ASEAN để gây sức ép với Trung Quốc. Các nhà phân tích Trung Quốc tin rằng đã có sự thống nhất trong một số  thành viên ASEAN về vấn đề Biển Đông để chống lại Trung Quốc.[12] Ví dụ, Liu cho rằng ASEAN đã có vai trò chủ động trong việc phối hợp quan điểm của các quốc gia thành viên  khối này, đưa ra tuyên bố chung bày tỏ những mối quan tâm chung của ASEAN, lôi kéo Trung Quốc để thảo luận các tranh chấp, và sử dụng Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) thảo luận vấn đề Biển Đông để gây sức ép với Trung Quốc.[13]

Một phàn nàn đáng chú ý nữa của Trung Quốc là sự dính líu của các cường quốc lớn khác, đặc biệt là Hoa Kỳ. Theo cách hiểu của các học giả Trung Quốc, Oa-sing-tơn đang theo đuổi chính sách “trung lập chủ động” ở Biển Đông. Nhiều cuộc diễn tập hải quân do Mỹ cầm đầu ở Biển Đông đã củng cố cái nhìn tiêu cực của các nhà phân tích Trung Quốc về vai trò của Oa-sing-tơn trong tranh chấp. Họ nhận thấy rằng các cuộc diễn tập CARAT (Hợp tác Sẵn sàng Chiến đấu và Tập huấn Trên biển) giữa Mỹ và sáu quốc gia Đông Nam Á (Phi-lip-pin, Thái Lan, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a và Bru-nây) năm 2009 cho thấy Hoa Kỳ đang trở nên chủ động hơn trong tranh chấp Biển Đông, và chủ yếu để chống Trung Quốc. Bắc Kinh cũng quan ngại về sự cải thiện quan hệ quân sự giữa Oa-sing-tơn và Hà Nội.[14] Các học giả Trung Quốc cho rằng ảnh hưởng có tính chiến lược và xu hướng Mỹ nghiêng về ủng hộ các nước tranh chấp khác sẽ cổ vũ các nước này củng cố hơn nữa những yêu sách chủ quyền, đẩy mạnh hơn sự chiếm đóng trên thực tế của họ, và đơn phương khai thác các nguồn năng lượng.[15] Cuối cùng, nhiều nhà phân tích Trung Quốc kết luận rằng Hoa Kỳ tiếp tục theo đuổi chính sách giành ưu thế quân sự ở khu vực Biển Đông và sẽ trở nên chủ động hơn trong tranh chấp để thực hiện chiến lược bao vây và kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc.[16]

Trung Quốc Ngày Càng Cương Quyết

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến Biển Đông, với hy vọng sẽ thu lợi từ những nguồn năng lượng trong khu vực này. Bất chấp những nghi ngờ về báo cáo trữ lượng dầu khí ở Biển Đông của nhiều chuyên gia quốc tế, Trung Quốc dường như hoàn toàn chắc chắn về triển vọng của các nguồn năng lượng trong khu vực. Jian Fengjiu, một kỹ sư lâu năm của Tập đoàn Dầu khí Xa bờ Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), báo cáo rằng cho đến năm 2007, Trung Quốc đã phát hiện 323,5 tỉ mét khối khí ga thiên nhiên ở Biển Đông. Ông cũng cho biết Trung Quốc đang khai thác 6 tỉ mét khối khí ga thiên nhiên ở Biển Đông mỗi năm, chiếm 88 % lượng khí ga sản xuất từ biển của Trung Quốc.[17] Năm 2005 Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc (Chinese Ministry of Land and Reresources) đã coi Biển Đông là một trong 10 vùng tài nguyên chiến lược và đã lập những kế hoạch đẩy mạnh nỗ lực khai thác dầu khí ở vùng nước sâu trong khu vực. CNOOC và một vài viện nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc đã đẩy mạnh việc nghiên cứu sâu hơn về trữ lượng dầu khí trong vùng nước sâu của Biển Đông.[18]

Nhiều viện nghiên cứu ở Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu toàn diện về khí mê-tan và hy-đrat (còn gọi là băng cháy) ở Biển Đông.[19] Tháng 8 năm 2006, Trung Quốc tuyên bố nước này đã có kế hoạch đầu tư 800 triệu Nhân dân tệ cho việc nghiên cứu khai thác băng cháy ở Biển Đông và dự định sẽ khai thác thử nghiệm vào trước năm 2015. Ước tính, chỉ riêng trữ lượng băng cháy ở phần phía bắc Biển Đông đã tương đương với 50 % toàn bộ trữ lượng dầu ở lục địa Trung Quốc.[20] CNOOC có kế hoạch đầu tư 200 tỉ Nhân dân tệ (29 tỉ Đô la Mỹ) trước năm 2020 để lắp đặt 800 giàn dầu ở những vùng nước sâu. Tập đoàn này có kế hoạch sản xuất tương đương 250 triệu tấn dầu thô trong những vùng nước sâu đến năm 2015 và 500 triệu tấn vào năm 2020. Hiện tại, CNOOC đang nỗ lực phát triển công nghệ, trang thiết bị và nguồn nhân lực cần thiết để đạt được những mục tiêu đó.[21]

Hơn một thập niên qua, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực để nâng cao khả năng thực thi luật hàng hải, bao gồm cả việc phát triển “khả năng chưa từng có”, sử dụng vệ tinh để giám sát và kiểm soát những hoạt động trong phạm vi vùng biển tranh chấp của nước này.[22] Trung Quốc ngày càng gia tăng việc áp dụng những khả năng thực thi luật pháp của mình để bảo vệ lợi ích của nước này ở Biển Đông. Vào tháng Ba (năm 2000), có tin là các quan chức Trung Quốc đã thông báo với những người động nhiệm Mỹ rằng Trung Quốc sẽ không tha thứ cho bất cứ sự can thiệp từ bên ngoài vào Biển Đông, một trong những “lợi ích quốc gia cốt lõi” của Trung Quốc.[23] Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa vấn đề Biển Đông vào lợi ích quốc gia cốt lõi ngang bằng với các vấn đề Đài Loan và Tây Tạng.[24]

Tư tưởng bất mãn phổ biến ở Trung Quốc (đặt biệt là trong công chúng), lợi ích kinh tế ngày càng tăng trong khu vực, và những tiềm lực được tăng cường đang tiếp nhiên liệu cho quan điểm cứng rắn của quốc gia này. Có những dấu hiệu không thể nhầm lẫn rằng Trung Quốc đang nỗ lực đòi quyền lợi ở khu vực Biển Đông, mặc dù các hành động cứng rắn này có thể còn nhằm mục đích khác, không liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Đầu năm 2009, lực lượng không quân Quân Khu Quảng Châu đã tiến hành diễn tập quy mô lớn tại khu vực phía nam Biển Đông. Nhiều nhà phân tích Trung Quốc đã xem cuộc diễn tập này, đặc biệt có sự tham gia của loại máy bay chiến đấu phản lực J – 10 tiếp nhiên liệu trên không của Trung Quốc, như một tín hiệu răn đe đối với các nước tranh chấp khác ở Biển Đông. Cuộc diễn tập cho thấy Trung Quốc “đang từng bước áp dụng chiến lược cứng rắn hơn” đối với tranh chấp Biển Đông thay vì chỉ đơn giản là đưa ra các phản đối ngoại giao như nước này đã từng làm trong quá khứ.[25] Tháng 3 năm 2009, Trung Quốc đã đưa tàu Ngư Chính 311, tàu tuần tra ngư nghiệp lớn nhất được sửa lại từ một tàu chiến cũ, đến Hoàng Sa [A: Paracel Islands, TQ: Xisha/Tây Sa – nd] để tuần tra. Trong tháng 5, một đội tàu Ngư Chính khác lại tuần tra khu vực Hoàng Sa [A: Paracel Islands, TQ: Xisha/Tây Sa – nd]. Ngày 01 tháng Tư năm 2010, hai tàu Ngư Chính Trung Quốc bắt đầu lên đường đến Trường Sa (A: Spratly Islands, TQ: Nansha/Nam Sa – nd) để bảo vệ các hoạt động đánh cá của ngư dân Trung Quốc. Không giống những lần tuần tra trong quá khứ, lần này chính quyền Trung Quốc đã quyết định sử dụng đội tàu này để bắt đầu tuần tra thường xuyên ở khu vực Trường Sa (A: Spratly Islands, TQ: Nansha/Nam Sa – nd). Trong lễ xuống thuyền, Lui Tianrong, một quan chức cấp cao của Ngư Chính Khu vực “Nam Hải” (Biển Đông) nói rằng thủy thủ hai tàu kiên quyết chống cướp biển, ngăn chặn các nước khác bắt giữ các tàu cá Trung Quốc, phản đối những hành động của nước khác xua đuổi tàu cá Trung Quốc và thể hiện chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.[26] Từ cuối tháng Ba đến đầu tháng Tư, một đội tàu nhỏ của Hạm đội Bắc Hải thuộc Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân PLAN đã có chuyến tuần tra dài ngày và đã tiến hành tập trận ở Biển Đông.[27]

Thái độ Cứng rắn và những Thiện ý của Trung Quốc

Mặc dù đang xuất hiện những tín hiệu về thái độ ngày càng cứng rắn của Trung Quốc, đã có những sức ép đáng kể có thể hạn chế sự hiếu chiến của quốc gia này. Trung Quốc phải đối mặt với một số tình thế tiến thoái lưỡng nan trong tranh chấp Biển Đông. Thứ nhất là sự khó khăn trong việc giữ cân bằng giữa việc bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi khác của nước này ở Biển Đông và đồng thời duy trì quan hệ hòa bình, ổn định với các nước Đông Nam Á . Đông Nam Á vẫn thường được gọi là sân sau chiến lược của Trung Quốc. Bắc Kinh cần phải duy trì quan hệ tốt với các nước láng giềng Đông Nam Á để xua tan đi học thuyết về “Mối đe dọa Trung Quốc”, xây dựng hình ảnh tích cực về Trung Quốc trên trường quốc tế, và thúc đẩy hình thành hệ thống đa cực trong nền chính trị thế giới. Một cách tiếp cận nặng tay của Trung Quốc có thể dễ dàng đẩy các nước tranh chấp khác sang chiếc ô bảo trợ về an ninh của Mỹ và các cường quốc bên ngoài khác như Nhật Bản và Ấn Độ. Thứ hai, Bắc Kinh thường xuyên phải đối mặt với những tranh chấp biển đảo khó khăn với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông. Thách thức ở Biển Hoa Đông cũng không kém phần phức tạp hơn tranh chấp Biển Đông. Thật ra trong những năm gần đây, giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã xuất hiện nhiều tình huống khủng hoảng. Nhật Bản là một đối thủ mạnh hơn nhiều, cả về sức mạnh kinh tế và quân sự lẫn trong lĩnh vực hàng hải so với Trung Quốc. Thách thức đối với Trung Quốc là làm thế nào để tránh xảy ra leo thang xung đột trên biển cùng một lúc cả ở phía Đông và phía Nam. Điều này có nghĩa là Trung Quốc phải ứng xử cẩn thận ở Biển Đông để tránh một cuộc đối đầu từ hai phía trên biển. Thứ ba và có lẽ quan trọng nhất là lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đang có một thái độ tỉnh táo, coi sự phát triển kinh tế xã hội trong nước là nhiệm vụ trung tâm trong những thập kỷ tới. Giới lãnh đạo Trung Quốc tin chắc rằng, môi trường hòa bình ổn định đặc biệt là trong các nước láng giềng Đông Á là không thể thiếu cho sự phát triển kinh tế bền vững từ đó giữ vững tính chính danh của giới cầm quyền hiện nay ở Trung Quốc.

Trong bối cảnh chiến lược rộng lớn hơn này, Bắc Kinh đã theo đuổi, và có thể sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách an ninh khá ôn hòa ở Biển Đông. Nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong nước, tầm quan trọng của Đông Nam Á trong tổng thể chiến lược quốc tế, và chính sách khu vực của Trung Quốc cùng với sức ép chiến lược từ các cường quốc lớn - đặc biệt là Hoa Kỳ- đã tạo thành “một chính sách ôn hòa có tính toán” của Trung Quốc ở Biển Đông như đã bàn ở trên.[28] Nhiều khả năng, những nhân tố đã khiến Trung Quốc áp dụng xu hướng hợp tác sẽ tiếp tục tồn tại và phát huy tác dụng. Không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ mạo hiểm hy sinh sự tăng trưởng kinh tế trong nước để tiến hành cách tiếp cận vũ lực đối với tranh chấp Biển Đông. Thậm chí, nhận thức về môi trường chiến lược của Trung Quốc gần đây về cơ bản chưa có gì thay đổi. Sách Xanh Châu Á – Thái Bình Dương 2010 do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc xuất bản hồi tháng Tư kết luận rằng tình hình an ninh của Trung Quốc ở khu vực các nước láng giềng chưa được cải thiện chút nào.  Sách cho rằng việc các cường quốc ở Đông Á tăng cường nỗ lực kiềm chế Trung Quốc và sự lo ngại Trung Quốc của các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực đang ngày càng tăng do “nhận thức sai lệch của họ về sự trỗi dậy của Trung Quốc”. Cuốn sách đề nghị Bắc Kinh nên đối phó với môi trường an ninh này bằng cách áp dụng những chính sách sau: tăng cường sức mạnh của Trung Quốc, ổn định quan hệ Trung – Mỹ, theo đuổi chính sách láng giềng tốt để mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực láng giềng, và xây dựng quyền lực mềm để cải thiện hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực.[29] Việc các tàu tuần tra của Trung Quốc không sử dụng vũ lực đối với tàu cá của các nước khác trong cuộc tuần tra tháng Tư đã cho thấy Trung Quốc vẫn rất thận trọng trong những tham vọng mở rộng những lợi ích của mình. Mặc dù các hoạt động tuần tra ở khu vực Trường Sa (A: Spratly Islands, TQ: Nansha/Nam Sa – nd) nay đã trở thành thường xuyên, Bắc Kinh vẫn có những biện pháp phòng tránh các cuộc đụng độ và những xích mích nhỏ có thể leo thang dẫn đến xung đột.[30]

Mặc dù còn ở quy mô hạn chế, thái độ ngày càng cương quyết của Trung Quốc có thể gây sức ép khiến các nước tranh chấp khác phải xem xét nghiêm túc hơn các cơ chế hợp tác, như hợp tác chức năng hay “cùng phát triển”. Sáng kiến về các kế hoạch cùng có lợi của Trung Quốc chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy sự hợp lâu dài giữa các bên tranh chấp. Một ví dụ rõ ràng về thiện ý của Trung Quốc là việc phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Theo hiệp định Trung Quốc và Việt Nam lần lượt được 46,77 và 53,23 % diện tích Vịnh. Hai nước đã đồng ý thiết lập vùng đánh cá chung và cùng thăm dò các nguồn năng lượng dọc đường ranh giới.[31]  Ngày 16 tháng 11 năm 2006, CNOOC và PetroVietnam đã ký thỏa thuận cùng thăm dò trữ lượng năng lượng ở khu vực hai bên đã thống nhất trong Vịnh Bắc Bộ.[32] Việc phân định thành công Vịnh Bắc Bộ có thể là một ví dụ tốt cho việc Trung Quốc đang thúc đẩy những mục tiêu có thiện ý hơn ở Biển Đông.

Để thúc đẩy những thỏa thuận cùng có lợi, có một bước mà Trung Quốc cần cam kết là làm rõ hơn quan điểm về các yêu sách của nước này ở Biển Đông. Nhiều năm qua, Bắc Kinh đã đẩy mạnh chương trình “cùng phát triển” ở Biển Đông. Nhưng đồng thời, thỉnh thoảng Trung Quốc lại đòi hỏi rằng các quốc gia tranh chấp khác phải công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông như một điều kiện tiên quyết.  Như ta có thể hình dung, các quốc gia khu vực thẳng thừng từ chối chấp nhận điều kiện tiên quyết của Trung Quốc. Thật ra, điều kiện đòi phải thừa nhận “chủ quyền của tôi” của Trung Quốc là một chướng ngại lớn cho bất cứ chương trình “cùng khai thác” nào. Với sự đồng thuận đang xuất hiện giữa các học giả Trung Quốc về xác định đường chữ U cùng với những thực tiễn song phương và đa phương ở Biển Đông, Trung Quốc có thể xác định rõ hơn những hệ lụy của đường chữ U và bắt đầu triển khai một cách linh hoạt điều kiện “lãnh thổ của tôi”của nước này .


Nhiều nhà phần tích cho rằng tốt hơn, Bắc Kinh nên đưa ra lời giải thích rõ ràng về đường chữ U càng sớm càng tốt trong bối cảnh các nước yêu sách khác đã tuyên bố EEZ (vùng đặc quyền kinh tế) và thềm lục địa của họ ở Biển Đông và tích cực khai thác các nguồn dầu và khí thiên nhiên trong vùng biển này.[33] Các cuộc đàm phán đang diễn ra với Việt Nam về phân định vùng biển và khai thác tài nguyên ở nam Vịnh Bắc Bộ đã làm tăng thêm tính cấp bách của việc giải thích rõ ràng quan điểm về đường chữ U của Trung Quốc.[34] Các nhà phân tích Trung Quốc nhận thức được tầm quan trọng của việc thực thi quyền tài phán liên tục trên thực tế trong các cuộc phân xử quốc tế về phân chia quyền sở hữu các đảo. Họ cho rằng những cuộc tuần tra có tính chính thức năm 2009 phù hợp với mục tiêu củng cố quyền tài phán trên các đảo và vùng nước ở Biển Đông. Tuy nhiên họ cũng cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ phải công bố đường cơ sở trên biển ở quần đảo Trường Sa (A: Spratly Islands, TQ: Nansha/Nam Sa – nd) cùng với EEZ (vùng đặc quyền kinh tế) và thềm lục địa của nước này. Tất cả các biện pháp này đều cấp bách vì những cuộc tuần tra của Trung Quốc giờ đây đã trở nên thường xuyên, và sẽ phải dựa trên nền tảng pháp lý vững chắc. Không có những cơ sở pháp lý này, các đội tuần tra Trung Quốc khó có thể xác định được giới hạn tuần tra của họ để có những hành động phù hợp bảo vệ quyền lợi trên biển của Trung Quốc ở khu vực Trường Sa (A:Spratly Islands, TQ: Nansha/Nam Sa – nd).[35]

Thay vì yêu sách toàn bộ khu vực Biển Đông, phần lớn các học giả Trung Quốc cho rằng Trung Quốc được hưởng “những quyền lịch sử” ở Biển Đông.[36]  Tranh luận nhiều năm giữa các học giả Trung Quốc đã đưa đến một cách hiểu rõ ràng hơn về nội dung “những quyền lịch sử” này. Trước hết, nhiều nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Trung Quốc có ít cơ sở pháp lý để tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ khu vực Biển Đông. Nói cách khác, “những quyền lịch sử” không có nghĩa là chủ quyền chính thức trên toàn bộ Biển Đông. Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Vụ “Nam Hải” (Biển Đông – nd) của Cục Quản lý Nhà nước về Tài nguyên Biển (Trung Quốc) cho rằng đường chữ U nên chỉ biểu thị Trung Quốc sở hữu các đảo ở Biển Đông bởi vì đó là ý định ban đầu của chính quyền Trung Quốc năm 1947- 48 khi vẽ đường này. Họ tin rằng chỉ có quan điểm này mới phù hợp với những tuyên bố của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) và luật biển quốc tế hiện nay. Họ lập luận thêm rằng những lợi ích của Trung Quốc sẽ không bị thỏa hiệp quá nhiều vì nếu những hòn đảo này thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc, chúng sẽ có lãnh hải, EEZ (vùng đặc quyền kinh tế), và thềm lục địa.[37] Li Linghua, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Thông tin Biển Nhà nước (State Ocean Information Center), cho rằng đường cơ sở của Trung Quốc ở Hoàng Sa (A: Paracel Islands, TQ: Xisha/Tây Sa – nd) không phù hợp với UNCLOS và Trung Quốc nên nghiêm chỉnh tuân theo những nguyên tắc của UNCLOS khi công bố đường cơ sở của quốc gia này ở Trường Sa (A:Spratly Islands, TQ: Nansha/Nam Sa – nd).[38] Theo cách hiểu này, Trung Quốc sẽ yêu sách toàn bộ lãnh thổ trên các đảo và bãi đất khác, chấp nhận những điều khoản của UNCLOS cho vùng nước xung quanh các đảo và có “những quyền lịch sử” đối với các nguồn tài nguyên ngoài EEZ (vùng đặc quyền kinh tế) nhưng trong đường chữ U.[39] Tuy nhiên vẫn chưa rõ các nhà phân tích Trung Quốc sẽ giải thích “những quyền lịch sử” ở Biển Đông như thế nào.

Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng nước này yêu sách chủ quyền trên khắp các đảo và quyền chủ quyền trên khắp vùng nước bao quanh chúng ở Biển Đông. Chưa rõ Trung Quốc sẽ xác định giới hạn của “vùng nước bao quanh” như thế nào. Trung Quốc cũng đệ trình bản đồ Biển Đông với đường chữ U lên Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc năm 2009 mà không giải thích cơ sở pháp lý và những hàm ý của đường này. Điều này làm tăng thêm mối quan ngại rằng Trung Quốc sẽ áp dụng sự mập mờ có tính toán trong những yêu sách của nước này ỏ Biển Đông. Nếu Trung Quốc có thể tuyên bố rõ ràng hơn rằng nước này không đòi chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông, nước này có thể bỏ đi điều kiện “chủ quyền của tôi” để tiến tới “cùng khai thác”. Trên thực tế, Trung Quốc đã thể hiện sự linh hoạt đáng kể trong điều kiện “chủ quyền của tôi” của nước này. Các tuyên bố và hành động của Trung Quốc đã làm yếu đi đáng kể nền tảng mà dựa trên đó Trung Quốc có thể tuyên bố vùng Biển Đông nằm trong đường chữ U là một phần lãnh thổ truyền thống hay vùng nước lịch sử của Trung Quốc. Trong nhiều tuyên bố chính thức, Bắc Kinh chỉ yêu sách “chủ quyền và quyền chủ quyền trên khắp các đảo và vùng nước bao quanh” ở Biển Đông. Trung Quốc đã công khai tuyên bố rằng nước này sẽ cho phép tự do liên lạc quốc tế ở Biển Đông, bao gồm giao thông hàng hải, các chuyến bay trên vùng trời Biển Đông, và lắp đặt cáp quang và đường ống dẫn dưới đáy biển. Chương trình nghiên cứu địa chấn chung giữa Trung Quốc - Phi-líp-pin - Việt Nam, về cơ bản là một phần của sáng kiến “cùng phát triển”, không đòi hỏi công nhận chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực đang nghiên cứu. Trung Quốc đã chấp nhận “cùng khai thác” trong EEZ (vùng đặc quyền kinh tế), thềm lục địa của nước này ở Biển Hoa Đông với Nhật Bản và trong Vịnh Bắc Bộ với Việt Nam; trong cả hai trường hợp, Trung Quốc không yêu cầu bên khác thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc như một điều kiện tiên quyết. Trung Quốc cũng dứt khoát bác bỏ đề xuất của Việt Nam coi Vịnh Bắc Bộ là vùng nước lịch sử trong khi đàm phán phân định ranh giới. Trung Quốc hiện đang đàm phán với Việt Nam về chương trình “cùng phát triển” trong khu vực phía nam của Vịnh Bắc Bộ, một bộ phận của Biển Đông.

Nếu Trung Quốc quả thực giải thích yêu sách lịch sử ở Biển Đông như các nhà phân tích đề xuất, nước này không cần phải nhấn mạnh việc thừa nhận “lãnh thổ của tôi” như một điều kiện tiên quyết để “cùng phát triển”. Việc nhấn mạnh “lãnh thổ của tôi” trái với quan điểm “gác tranh chấp”. Thật ra tất cả các bên tranh chấp khác cũng có thể bỏ đi quan điểm của họ về chủ quyền trong các đề xuất khai thác chung vì UNLOS quy định không nước nào có chủ quyền ngoài giới hạn 12 hải lý lãnh hải. Suy cho cùng kế hoạch “cùng phát triển” không liên quan đến các đảo. Nếu Trung Quốc đi tiên phong trong việc giảm yêu sách chủ quyền ở các vùng nước trên Biển Đông, nước này sẽ xóa bỏ đáng kể rào cản của kế hoạch “cùng phát triển”.

Quan điểm rõ ràng hơn của Trung Quốc về yêu sách ở Biển Đông và thiện chí thúc đẩy những mục tiêu có thiện ý của nước này, ví dụ trạng thái cùng có lợi thực sự, sẽ tạo điểu kiện thuận lợi cho các đàm phán nghiêm túc những đề xuất lớn đã được nêu ra. Xue Li, nhà phân tích chiến lược cấp cao của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đề xuất một Tổ chức Phát triển Năng lượng Trường Sa gồm cả bảy bên tranh chấp cùng thăm dò và khai thác các nguồn năng lượng ở khu vực Trường Sa (A:Spratly Islands, TQ: Nansha/Nam Sa – nd).[40] Một số học giả Trung Quốc cũng tin rằng thiết lập Vòng cung kinh tế Biển Đông sẽ là một ý tưởng hay.[41] Việc giảm hơn nữa vấn đề chủ quyền ở Biển Đông sẽ giúp đẩy nhanh tiến bộ trong việc hình thành Vùng Kinh tế Vịnh Bắc Bộ (Pan-Beibu), kế hoạch mà chính quyền Trung Quốc muốn đẩy mạnh.[42] Cùng phát triển và hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn ở Biển Đông có thể giúp tăng cường hiểu biết, dần xây dựng sự đồng thuận thông qua hợp tác để một ngày trong tương lai, các bên có thể tìm ra những biện pháp thiết thực hơn để giải quyết dứt điểm một lần tất cả các vấn đề.[43] Thậm chí các bên còn có thể đưa những tranh chấp lên trọng tài quốc tế trong tương lai.

Kết luận

Tranh chấp Biển Đông là vấn đề cực kỳ phức tạp. Rõ ràng, trông đợi một giải pháp cuối cùng trong tương lai gần là không thực tế. Trong những năm qua, tranh cãi giữa các bên yêu sách chưa bao giờ dừng lại. Bất cứ bước đi nào của một bên, dù chỉ là hành động tượng trưng để thể hiện quyền tài phán trên thực tế hay khai thác các đảo hoặc các vùng nước cho mục đích kinh tế, đều dẫn đến những phản ứng ngoại giao mạnh mẽ từ các bên khác. Tuy nhiên, những xích mích thường xuyên không làm lu mờ sự thực là các nước liên quan đã kiểm soát khá tốt tranh chấp trong thập niên qua. Không xảy ra xung đột quân sự lớn nào, và thực tế đã có một số tiến triển tích cực trong khu vực. Rõ ràng là các bên liên quan vẫn muốn tìm kiếm những cơ chế hợp tác để cải thiện tình trạng an ninh căng thẳng trong khu vực. Điều này tạo môi trường khu vực thuận lợi để Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa các kế hoạch hợp tác ở Biển Đông.


Điều chắc chắn là, không bên nào sẽ dễ dàng từ bỏ yêu sách của mình ở Biển Đông. May thay, lãnh đạo các nước đã nhận ra nguy cơ xung đột leo thang và đã quyết định tìm các biện pháp để duy trì ổn định chung của khu vực. Cuối cùng thì những người ra quyết định chính trị sẽ phải nhận ra rằng không quốc gia nào có yêu sách hoàn hảo ở Biển Đông. Việc tất cả các nước yêu sách đều đồng ý rằng có tồn tại tranh chấp ở Biển Đông thể hiện rằng những yêu sách này là không hoàn toàn vô căn cứ. Điều này nên là nền tảng cho hợp tác lâu dài.


Trung Quốc chắc chắn sẽ đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định sẽ có chiến tranh hay hợp tác ở Biển Đông. Khi sức mạnh hải quân, khả năng thực thi luật pháp và lợi ích kinh tế biển của nước này tăng lên, Trung Quốc có thể trở nên cứng rắn hơn trong những năm tới. Những cuộc tuần tra của PLAN (Hải Quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) trong Vịnh Ê-đen dường như đã góp phần làm tăng sự tự tin của Trung Quốc trong việc thực hiện chính sách cứng rắn hơn ở Biển Đông. Nhưng cùng lúc Bắc Kinh sẽ nhận ra rằng nước này còn có những lợi ích chiến lược và chính trị thậm chí quan trọng hơn cần tính đến. Hiện tại, chưa rõ Trung Quốc sẽ đòi hỏi quyền lợi ở Biển Đông như thế nào, nhưng rất có thể, giới lãnh đạo Trung Quôc sẽ thường xuyên thử phản ứng từ các bên để tiếp tục hành động một cách phù hợp. Sự biểu hiện cũng như sự gia tăng thái độ cương quyết của Trung Quốc có vẻ sẽ khiêm tốn và có giới hạn.


Cùng lúc, tâm lý bao trùm ở Trung Quốc là ủng hộ hợp tác để ổn định Biển Đông. Trung Quốc đang tăng cường khả năng để đối phó với những vấn đề an ninh phi truyền thống trong vùng biển. Nước này có thể đóng vai trò tích cực hơn trong tất cả các thách thức an ninh phi truyền thống ở Biển Đông. Trung Quốc có thể nỗ lực hành động đơn phương trong vấn đề này nếu các nước khác ngần ngại tham gia. Thật ra, Trung Quốc thậm chí có thể cố lấy lý do ngăn chặn các mối đe dọa an ninh phi truyền thống để thúc đẩy lợi ích của nước này ở Biển Đông. Sự chủ động của Trung Quốc ở Biển Đông có thể tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các nước khác. Các nước này có thể chống lại những những động thái cứng rắn của Trung Quốc, đơn phương hay đa phương hoặc thậm chí với sự hỗ trợ của một số cường quốc bên ngoài. Hậu quả của việc này sẽ làm trầm trọng thêm tình hình an ninh ở Biển Đông và ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Các nước này cũng có thể chọn tham gia với Trung Quốc để cùng giải quyết những thách thức khác nhau trên biển và thậm chí có thể đồng ý khai thác chung các nguồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên khác ở Biển Đông.


Trong cả hai trường hợp, những động lực mới có thể xuất hiện ở Biển Đông. Trên phạm vi rộng, tình trạng an ninh cuối cùng ở Biển Đông sẽ được hình thành bởi những hành động của Trung Quốc. Sau một thập niên thực hiện chính sách an ninh ôn hòa ở Biển Đông, xây dựng sự đồng thuận về tính chất và phạm vi tuyên bố của mình, và xúc tiến những thỏa thuận cùng có lợi với những quốc gia láng giềng ven biển của nước này, giờ đây Trung Quốc đã có thêm khả năng và sự linh hoạt để đưa ra những chương trình có thiện ý hơn và thúc đẩy lợi ích chung ở Biển Đông. Nếu quan điểm hợp tác trội hơn ở Trung Quốc, và các quốc gia khu vực thấy có lợi hơn khi hưởng ứng tích cực những đề xuất hợp tác, chúng ta có thể hy vọng rằng hòa bình và ổn định ở Biển Đông sẽ được duy trì ít nhất là trong thập kỷ tới.


Li Mingjiang là phó giáo sư của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công Nghệ Nanyang, Xin-ga-po. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông gồm sự trỗi dậy của Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ khu vực Đông Á và Quan hệ Trung - Mỹ, lịch sử ngoại giao Trung Quốc, các nhân tố nội bộ trong việc hình thành các chiến lược quốc tế của Trung Quốc. Ông nhận bằng Tiến sĩ Khoa học Chính trị tại Đại học Boston. Ông đã từng học tại Đại học Ngoại Giao (Bắc Kinh) và Trung Tâm Hopkins-Nanjing. Ông cũng đã từng là phóng viên ngoại giao cho Tân Hoa Xã từ năm 1999 đến 2001. isjli@ntu.edu.sg

Li Ming jiang, phó giáo sư của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công Nghệ Nanyang, Xin-ga-po.

Người dịch: Nguyễn Văn Bình

Hiệu đính: Hoàng Thị Tuấn Oanh

Bản gốc tiếng Anh "China’s South China Sea delimma- Balancing sovereignty, development and security"

Bài viết trích trong " Security and International Politics In the South China Sea ", Chủ biên: Sam Bateman, Ralf  Emmers, năm 2009.

Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.



[1] Christopher R. Hughes, ‘Nationalism and Multilateralism in Chinese Foreign Policy: Implication for South East Asia’, The Pacific Review, tập 18, số 1 (2005), tr. 119-35; Ronald C Keith, ‘China A Rising World Power and its Response to “Globalization”’, The Review of International Affairs, tập 3, số 4 (2004), tr. 507-23.

[2] Xem Swee - Hock, Sheng Lijun, Chin Kin –Wa (eds), ASEAN- China Relations, Realities and Prospects (Singapore: ISEAS, 2005).

[3] Zou Keyuan, ‘Thi Sino-Vietnamese Agreement on Maritme Boundary Delimitation in the Gulf of Tonkin’ Ocean Development and International Law, số. 36 (2005), tr 14- 24.

[4] Sheng Lijun, ‘China- ASEAN Free Trade Area, Origins, Developments and Strategic Motivations’ ISEAS Working Paper, International Politics and Security Issues Series số 1 (Singapore: ISEAS, 2003); Ian Storey, ‘China-ASEAN Summit: Beijing Charm Offensive Continues’, China Brief , James Town Foundation, tập. 6 số 23 (22/12/2006)

[5] Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông thường được viện dẫn như một bằng chứng để chứng minh viễn cảnh ngày tận thế của an ninh ở Đông Á; xem ví dụ: Aaron L. Friedberg, ‘Ripe for Revalry’: Prospects for Peace in a Multipolar Asia’, International Security, tập. 18, số. 3 (mùa Đông 1993-1994), tr 5-33.

[6] Về dự đoán này, xem Allan Collins, The Security Delimmas of  South East Asia (Basingstoke: Macmillan, 2000),tr.169.

[7] Cuộc phỏng vấn của tác giả với các quan chức Trung Quốc chỉ ra rằng nhiều cơ quan Trung Quốc đang thật sự tìm kiếm những đề xuất hợp tác có thể.

[8] Felix K.Chang, ‘Beijing’s Research in the South China Sea’, Orbis, tập. 40 số 3 (mùa hè năm 1996); Ralf Emmers, ‘The De-escalationg of the Spratlys Dispute in Sino- South East Asian Relations’, RSIS Working Paper, số .129 (6 / 6 / 2007).

[9] Tian Xinjian và Yang Qing, Zhonguo haiyang bao [China Ocean Neaspaper], 14 / 6 /2005.

[10] Xi Zhigang, ‘Zhongguo nanhai zhanlue xin siwei’ [China’s New Thinking about South China Sea Issue], moulue tiandi [The Strategic Arena], số 2(2010), tr. 56-60.

[11] <http:/news.xinhuanet.com/mil/2010-04/06/content_13307981.htm> [Truy cập ngày 05 tháng 04/ 2010].

[12] Đây có thể là nhận thức sai của Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích bên ngoài có thể đồng ý rằng ASEAN thực ra đã không hành động tập thể để đối phó với Trung Quốc trong trong vấn đề Biển Đông. Thất bại của Việt Nam trong việc đưa tranh chấp Biển Đông vào chương trình nghị sự chính thức tại Hội nghị Cấp cao ASEAN gần đây là một thí dụ tốt.

[13] Liu Zhongmin , ‘Lenzhan hou dongnanya goujia nanhai zhengce de fazhan doxiang yu Zhongguo de duice sikao’ [Developments and Trends in South East Asians Countries’s Souht China Sea’s Policies and China Responses ], Nanyang wenti yanjiu [Southeast Asian Affairs], số 2 (2008), tr. 25-34.

[14] Zhang Zhou, ‘Mei jie “kalate”yanxi, buju nan zhongguo hai’ [The US Making Plans in the South China Sea by Staging the CARAT Exercises], Huangqui junjunshi [Global Military Affairs], số 202 (tháng 07/2009).

[15] He Zhigong và An Xiaoping, ‘Nanhai zhengduan zhong de Meiguo yinsu jiqi yingxing’ [The US Factor in the South China Sea Disputes and its Impacts], dangdai yatai [Journal of Comtemporary Asia-Pacific Studies], số. 1 (2010), tr. 132-45; Cai Penghong, ‘Meiguo nanhai zhengce pouxi’ [Analysing American Policy Towards the South China Sea issue], Xiandai guoji guanxi [Comtemporary International Relations], số. 9 (2009), tr. 1-7, 35.

[16] Lu Fanhua, ‘Shi xi nanhai wenti zhong de Meiguo yinsu’, [An Examination of theUS Factor in the South China Sea Problem], Dongnanya nanya yanjiu [Southeast Asia and South Asia Studies], số 4. 12/2009), tr. 6-10; CaiPenhong, [ Analysing American Policy To,wards the South China Sea issue]; Wang Chuajnian, Meiguo de nan zhongguo hai zhengce: lishi yu xianshi’ [ American South China Sea Policy: History and Reality], Waijiao pinglun [Diplomatic Affairs], số 6. (2009), tr. 87-100.

[17] Zhang Fengjiu, ‘Wo guo nanhai tianranqi kaifa qianjing’ [The Prospects of Natural Gas Exploitation in the South China Sea], Tianranqi gongye [The Natural Gas Industry], tập. 29, số 1 (02/2009), tr. 17-20.

[18] China Petroliun Newspaper, 23 tháng 1 năm  2009.

[19] China National Land and Resources Newspaper, 23 Tháng 11.

[21] Zhou Xhouwei, ‘Nan Zhongguo hai shengshui kaifa de tiaozhan yu jiyu’ [Challenges and Opportunities for Deep Water Exploitation in the South China Sea], Gao keji yu canyehua [High Tecnology and Industrialisation], tháng 12/2008, tr. 20-3.

[22] Peter J. Brown, ‘China’s Navy Cruises into Pacific Ascandancy’, Asia Time, 22 /02/2010.

[23] Sự thật của tuyên bố này vẫn chưa rõ. Một quan chức quân sự cao cấp của Trung Quốc đã nói với tác giả trong một cuộc phỏng vấn rằng Người Trung Quốc đã thể hiện quan điểm này tại một hội thảo học thuật và hội thảo này không đại diện cho quan điểm chính thức của chính phủ về vấn đề Biển Đông.

[24] <http://mil.huanqiu.com/china/2010-04/777498.html>[Truy cập ngày 14/04/2010].

[25] Xi Zhigang, [China’s new thinking on the South China Sea issue] (Tư tưởng mới của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông).

[27] <http://mil.huanqiu.com/china/2010-04/777498.html> [Truy cập ngày 14/04/2010].

[28] Li Ming jiang, ‘Security in the South China Sea: China’s Balancing Act and New Regional Dynamics, RSIS Working Paper, số 149 (Tháng 02/2008).

[30] Những cuộc phỏng vấn của tác giả với nhiều cơ quan Trung Quốc phụ trách vấn đề biển.

[31] Wu Jiahui, et al., ‘Zhong Yue Beibuwan huajie shuangying jieguo dui jiejue nanhai huajie wenti de qishi’ [ The Win-Win Results in Sino-Vietnamese Tonkin Gulf Demarkation and the Iplications for Maritime Delimitation in the Souht China Sea], redai dili [Tropical Geography], tập. 29, số. 6 (11/2009)

[32] Xem website chính thức của CNOOC: <http://www.cnooc.com.cn data/html/news/2007-05-10/276149.html> [Truy cập 10/06//2010].

[33] Wang Yongzhi, etla., [A Comprehensive View of the South China Sea Dotted Line].

[34] Li Linhua, ‘Nanhai zhoubian guojia de haiyang huajie lifa yu shijian’ [Regioanl States Legistration and  Practice in Maritime  Demacation in the South China Sea], Journal of Guangdong Ocean University, tập.28, số 2 (04/2008), tr. 6-11.

[35] Li Jinming, ‘Nan hai jushi yu yingdui hanyangfa de xin fazhan’ [The Situation in the South China Sea and Responses to the Latest Developments in the International Law of the Sea], Nanyang wenti yanjiu [Southest Asian Affair], số. 4 (2009), tr. 12-9.

[36] Li Jinming, [South China Sea Disputes and International Law of the Sea], tr. 59; Zou Keyyuan, ‘Historic Rights in International Law and in China’s Practice’, Ocean Development & International Law, tập. 32 số 2 (2001).

[37] Wu Jiahui, et al., [The Win-Win Results in Sino-Vietnamese Tonkin Gulf Demarcation and the Implications for Maritime Delimiation in the South China Sea]. (Kết quả cùng có lợi của việc Phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc và những ứng dụng để phân chia vùng Biển trong Biền Đông ).

[38] Li Linghua,  [Regional States’ Legislation and Practice in Maritime Demarcation in the South China Sea].(Luật pháp và việc áp dụng luật pháp của các quốc gia khu vực trong việc phân giới biển ở Biển Đông).

[39] Jia Yu, [The Legal Stutus of the Dotted Line in the South China Sea]. (Tình hình pháp lý của Đường đứt  đoạn ở Biển Đông).

[40] Xue Li, ‘Nansha nengyuan kaifa zuzhi: nanhai wenti de chulu’ [Spratly Energy Development Organisation: a Solution for the South China Sea Issue], Shangwu zhoukan [Business Weekly], 20/06/2009, tr. 60-2.

[41] Yu Wenjin, et al., ‘Nanhai jingji quan de tichu yu tantao’ [A Proposal and Analysis of the South China Sea Economic Circle], Diyu yanjiu yu kaifa [Areal Research and Development], tập . 27, số 1 (02/2008), tra. 6-10.

[42] Để có nghiên cứu chi tiết về Vùng Kinh tế Vịnh Bắc bộ, xem Gu Xiaosong and Li Mingjiang, ‘Beibu Gulf: Emerging Sub-regional Integration between China and ASEAN’, RSIS Working Paper, số. 168 (01/2009).

[43] Li Guoxuan, ‘Nanhai gongtong kaifa zhiduhua: neihan, tiaojianyu zhiyue yinsu’ [The Institutionalisation of Joint Development in the South China Sea: Scope, Conditions, and Constraints],  Nanyang wenti yanjiu [Southeast Asian Affairs], số .1 (2008), tr. 61-8; Li Guoqiang, ‘Dui jiejue Nansha qundao zhuquan zhengyi jige fang’an de jiexi’ [An Analysis on the Proposals for the Solution of  Sovereignty Disputes over the Spratly Islands], China’s Borderland History and Geography Studies, số. 3 (2000), tr. 79-83.