Trung Quốc đáng được xem là bên quan trọng nhất trong tranh chấp Biển Đông. Tính chất và phạm vi yêu sách của Trung Quốc, tình hình an ninh, các hoạt động quân sự và kinh tế của nước này trong khu vực luôn tác động sâu sắc đến diễn biến tranh chấp trong những thập niên qua. Bài viết này thảo luận về cuộc tranh cãi xung quanh chính sách của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông. Nghiên cứu cho thấy sự cân bằng giữa thái độ ngày càng cương quyết và mong muốn hợp tác của Trung Quốc sẽ trở thành một thách thức trong việc hoạch định chính sách [đối với Trung Quốc và các bên tranh chấp khác].

Trung Quốc đáng được xem là bên quan trọng nhất trong tranh chấp Biển Đông. Tính chất và phạm vi yêu sách của Trung Quốc, tình hình an ninh, các hoạt động quân sự và kinh tế của nước này trong khu vực luôn tác động sâu sắc đến diễn biến tranh chấp trong những thập niên vừa qua. Dĩ nhiên, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục là nhân tố chủ yếu của bất cứ diễn biến lớn nào ở Biển Đông trong tương lai gần. Do đó, việc hiểu những động thái có thể của Bắc Kinh trong tranh chấp là một yêu cầu chính đáng và rất quan trọng.

Bài viết này mô tả và phân tích những quan điểm và xu hướng mới đang xuất hiện ở Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông, đặc biệt là sự tương tác giữa thái độ ngày càng cương quyết và những nỗ lực thúc đẩy các biện pháp hợp tác.[1] Trước tiên, bài viết điểm qua quan điểm của Trung Quốc đối với tầm quan trọng của Biển Đông. Sau đó, bài viết đánh giá những thay đổi trong chính sách của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông trong thập niên vừa qua. Căn cứ vào thực tế rằng Trung Quốc  ngày càng tỏ rõ sự khao khát các nguồn năng lượng ở Biển Đông và nước này đang phát triển nhanh chóng tiềm lực hải quân, trong những năm tới có vẻ Bắc Kinh sẽ trở nên cương quyết hơn ở Biển Đông (ví dụ tuần tra thường xuyên và với mật độ dày hơn ở khu vực Trường Sa (A: Spratly Islands, TQ: Nansha/Nam Sa – nd) và có các biện pháp mạnh hơn để bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc trong khu vực). Nói chung, những biện pháp này được quân đội và các cơ quan thực thi pháp luật ủng hộ. Những hành động cứng rắn như thế của Trung Quốc chắc chắn sẽ gây ra những mối quan ngại mới trong các nước Đông Nam Á và dẫn đến các biện pháp đáp trả trong một bộ phận các quốc gia khu vực, có lẽ cùng với những hỗ trợ ngấm ngầm hoặc công khai từ các cường quốc bên ngoài. Tuy nhiên, trong bối cảnh những mối quan tâm chiến lược của Trung Quốc chủ yếu là Đông Á và các lãnh đạo nước này đang quan tâm nhất tới việc phát triển kinh tế quốc nội, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ giới hạn hành vi của mình trong một chừng mực có thể để tránh leo thang  tranh chấp.

Trong khi đó, quan điểm chiếm ưu thế, được phe dân sự trong cộng đồng hoạch định chính sách đối ngoại ở Trung Quốc, gồm phần lớn các học giả ủng hộ, là giữ nguyên hiện trạng hoặc đẩy mạnh hợp tác hơn ở Biển Đông. Thật vậy, ngày càng có nhiều lời kêu gọi Trung Quốc đóng một vai trò tích cực hơn trong những chương trình hợp tác ở Biển Đông, như hợp tác đa phương về những vấn đề an ninh phi truyền thống và cùng khai thác các nguồn tài nguyên.[2]  Để đưa được các bên đang tranh chấp vào các chương trình hợp tác, Bắc Kinh sẽ phải thể hiện rõ hơn quan điểm của nước này trong tranh chấp và sẵn sàng chủ động thúc đẩy những đề xuất các bên cùng có lợi. Tôi nhận định trong bài này rằng Trung Quốc đã chuẩn bị tiến hành cả hai việc chủ yếu bởi vì đang xuất hiện sự đồng thuận trong cuộc tranh luận nội bộ về bản chất và phạm vi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như những hệ quả pháp lý và chính sách từ chính những hành động mà Trung Quốc đã thực hiện đối với tranh chấp trong những thập niên qua.

Nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn luôn than vãn rằng các bên tranh chấp khác đã không tích cực hưởng ứng đề xuất cùng phát triển của nước này ở Biển Đông. Có nhiều lý do dẫn đến sự thất bại này. Một phần là do thỉnh thoảng Trung Quốc lại đòi các bên khác phải công nhận điều kiện tiên quyết về “chủ quyền của chúng tôi”. Một phần khác là vì lý do kỹ thuật, ví dụ việc xác định các chương trình hợp tác cụ thể hay khả năng của các bên trong việc tiến hành hợp tác. Ngoài ra, tình hình chính trị nội bộ của nhiều bên cũng có tác động tiêu cực đối với việc thúc đẩy hợp tác đa phương ở Biển Đông. Liệu thái độ ngày càng cương quyết của Trung Quốc cùng với những nỗ lực trong việc thúc đẩy các chương trình hợp tác của nước này có tạo ra những động lực mới trong vấn đề tranh chấp Biển Đông phức tạp này không? Liệu các nước khu vực có cảm thấy sức ép từ Trung Quốc và hưởng ứng cách tiếp cận đang thay đổi của nước này bằng cách đánh giá nghiêm túc hơn các chương trình hợp tác hay họ sẽ đáp lại bằng các biện pháp chống trả quyết liệt  hơn?  Sẽ là mạo hiểm nếu đưa ra bất cứ câu trả lời rõ ràng nào cho những câu hỏi này bởi vì có quá nhiều điều bất định trong tranh chấp. Căn cứ vào diễn biến tranh chấp trong thập niên qua, tôi kết luận có hai xu hướng - sự cương quyết ngày càng tăng của Trung Quốc, chủ yếu gần như chỉ mang tính biểu tượng, và lợi ích ngày càng tăng trong việc thúc đẩy hợp tác – có khả năng tạo ra động lực mới trong tranh chấp Biển Đông. Trong những năm tới, Trung Quốc sẽ gặp phải thách thức trong việc làm thế nào để điều hòa giữa khuynh hướng thể hiện một lập trường ngày càng cương quyết hơn và thiện chí chính trị hợp tác hiện nay của nước này. Đây cũng sẽ là thách thức cho các nước Đông Nam Á có yêu sách trong việc đối phó với cách tiếp cận tranh chấp đang thay đổi của Trung Quốc.

Biển Đông trong Hoạch định Chiến lược của Trung Quốc

 Cũng như đối với các bên tranh chấp khác, các nguồn năng lượng ở Biển Đông có lẽ là điều hấp dẫn lớn nhất đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, có lẽ khác với các các nước tranh chấp khác, Trung Quốc coi tầm quan trọng chiến lược của khu vực là dầu khí: các nhà phân tích Trung Quốc xem tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông như nhu cầu có tính quyết định đối với tương lai của nền kinh tế Trung Quốc. Kể từ khi trở thành một nước nhập khẩu ròng dầu lửa năm 1993, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc luôn tăng. Tại cuộc họp của chính quyền trung ương về các vấn đề kinh tế ngày 29 tháng 11 năm 2003, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh vấn đề an ninh dầu lửa của nước này. Ông kêu gọi các cộng sự của mình xem xét vấn đề năng lượng từ một tầm cao chiến lược mới, đưa ra một chiến lược phát triển dầu lửa mới và tiến hành các biện pháp hữu hiệu để đảm bảo an ninh năng lượng của Trung Quốc.[3] Biển Đông, thường được gán cho cái tên “Vịnh Ba Tư thứ hai” trong các báo cáo của Trung Quốc, được xem như một trong 10 nguồn cung dầu khí chiến lược quan trọng nhất của nước này.

Trong tình hình này, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc tỏ ra khá khó chịu trước việc các nước tranh chấp khác khai thác tài nguyên năng lượng ở Biển Đông. Trung Quốc cho rằng bắt đầu từ những năm 1980 các nước tranh chấp khác đã lợi dụng tình trạng yếu kém về công nghệ và thiếu nguồn tài chính của Trung Quốc để đẩy mạnh nỗ lực khoan tìm các nguồn năng lượng trong khu vực. Các nhà quan sát Trung Quốc thường xuyên phàn nàn rằng các quốc gia tranh chấp khác đã xây dựng hơn một nghìn giếng dầu ở Biển Đông, và số lượng dầu khí các nước này sản xuất từ cá dự án này gấp vài lần sản lượng dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc.[4] Các nhà phân tích Trung Quốc than vãn rằng thậm chí Bắc Kinh chưa xây dựng được một giàn khoan và sản xuất lấy được một thùng dầu nào ở khu vực Quần đảo Trường Sa (A: Spratly Islands, TQ: Nansha/Nam Sa – nd). Họ thấy rằng thật trớ trêu khi trên thực tế Trung Quốc phải nhập khẩu một khối lượng dầu lớn của các nước đang bơm dầu lên từ Biển Đông.[5]

Còn một cân nhắc quan trọng nữa mà đối với Trung Quốc cũng là vấn đề chiến lược. Biển Đông kết nối Eo biển Ma-lắc-ca ở phía tây nam với Kênh đào Balintang, Kênh đào Bashi và Eo biển Đài Loan ở phía đông bắc, được coi như là “con đường huyết mạch” giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt với Trung Quốc. Thứ nhất, Biển Đông được xem như tấm lá chắn tự nhiên đối với an ninh Trung Quốc ở phía nam. Các vùng miền nam Trung Quốc có đông dân và tương đối phát triển. Thứ hai, có một chỗ đứng vững chắc ở Biển Đông sẽ tạo cho vùng nội địa Trung Quốc một tuyến phòng thủ chiến lược hơn 1000 km, ý nghĩa an ninh của nó là không thể kể hết được.[6]

Uy thế về an ninh của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ có tác dụng như một nhân tố kiểm chế đối với Hạm đội Bảy của Mỹ đang tích cực hoạt động ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.[7] Thứ ba, về mặt địa lý, Trung Quốc bị bao quanh bởi chuỗi đảo phía đông. Trong bối cảnh Mỹ luôn có ý định duy trì sự hiện diện quân sự hùng mạnh ở Tây Thái Bình Dương, Bắc Kinh thấy rằng một chỗ đứng vững chắc ở Biển Đông ít nhất sẽ cho Trung Quốc thêm nhiều không gian di chuyển chiến lược hơn. Thứ tư, các nhà chiến lược Trung Quốc tin rằng, về địa chiến lược, Trung Quốc có thể bị tấn công từ cả đất liền và biển. Tính dễ bị tổn thương từ hai phía đã được cải thiện tới một mức độ nhất định sau khi Trung Quốc đã giải quyết các tranh chấp biên giới trên đất liền với tất cả các nước láng giềng của nước này, ngoại trừ Ấn Độ và Bu-tan. Họ cho rằng những thách thức đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc trong tương lai sẽ chủ yếu đến từ biển, bao gồm Biển Đông.[8]

Kinh tế biển cũng là một nhân tố quan trọng trong các tính toán của Bắc Kinh. Nghành đánh bắt hải sản đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống kinh tế người dân một số tỉnh duyên hải Trung Quốc tiếp giáp với Biển Đông, ví dụ Quảng Đông,  Hải Nam, và Quảng Tây. Bắc Kinh đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến phát triển kinh tế biển. Một nhà nghiên cứu cấp cao của Cục Quản lý Nhà nước về Tài Nguyên Biển [State Ocean Administration] chỉ ra rằng biển đã trở thành một khu vực quan trọng trong cuộc đua về sức mạnh quốc gia và lợi thế chiến lược dài hạn.[9] Trung Quốc đã nhận thấy rằng kinh tế biển của nước này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong nền kinh tế tổng thể của nước này. Theo một nguồn thông tin của Trung Quốc, kinh tế biển chiếm 3,4 % tổng thu nhập quốc dân của Trung Quốc (GDP) năm 2002, thấp hơn nhiều các cường quốc biển phương Tây.[10]

Giống như các nước tranh chấp khác, Biển Đông cũng quan trọng với Trung Quốc vì có nhiều tuyến đường hàng không và các tuyến liên lạc hàng hải. Biển Đông  là cửa ngõ giao thông quan trọng ra eo biển Ma-lắc-ca, có vị trí rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc. Các nhà phân tích Trung Quốc thường đề cập đến một thực tế là khoảng bốn phần năm số lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua eo biển Ma-lắc-ca rồi sau đó đi qua Biển Đông.

Những Yêu sách Lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông

Như đã được biết đến rộng rãi trong cộng đồng học thuật, yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông chủ yếu chủ yếu dựa trên những nền tảng lịch sử.[11] Các nhà phân tích Trung Quốc chủ yếu biện luận rằng Trung Quốc là nước đầu tiên khám phá và sử dụng những hòn đảo và tài nguyên ở Biển Đông. Họ cho rằng tổ tiên của người Trung Quốc đã phát hiện ra những hòn đảo ở Biển Đông vào thời nhà Hán ở Trung Quốc, thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Vào thời Tam Quốc thế kỷ thứ ba, một đoàn sứ thần Trung Quốc đến Cam-pu-chia (lúc bấy giờ theo tiếng Trung Quốc gọi là Fu Nan - Phù Nam) đã có những mô tả vắn tắt về Hoàng Sa (A: Paracel Islands, TQ: Xisha/Tây Sa – nd) và Trường Sa (A: Spratly Islands, TQ: Nansha/Nam Sa – nd) trong một cuốn sách bằng tiếng Trung Quốc. Dưới thời Tống và Nguyên (thế kỷ 10 - 14), nhiều tài liệu chính thức và không chính thức của Trung Quốc dường như chỉ ra rằng khu vực Biển Đông nằm trong đường biên giới quốc gia Trung Quốc. Trong thời Minh và Thanh, nhiều bản đồ chính thức tính cả Trường Sa (A: Spratly Islands, TQ: Nansha/Nam Sa – nd) vào lãnh thổ Trung Quốc. Chính quyền nhà Thanh đã có hành động thể hiện quyền tài phán đối với Hoàng Sa (A: Paracel Islands, TQ: Xisha/Tây Sa – nd) trong những năm đầu thế kỷ 20.

Người Trung Quốc cũng thường tuyên bố rằng ngư dân Trung Quốc đã khai thác tài nguyên hải sản ở Biển Đông nhiều thế kỷ và giữ những bản ghi chép tỉ mỉ về các tuyến hàng hải và tên các hòn đảo, đảo nhỏ và các bãi ngầm ở Biển Đông. Nhiều ngư dân Trung Quốc đã sống và được chôn cất trên một số hòn đảo ở Trường Sa (A: Spratly Islands, TQ: Nansha/Nam Sa – nd). Khi các nhà thám hiểm Nhật Bản bắt đầu đến Trường Sa (A: Spratly Islands, TQ: Nansha/Nam Sa – nd) vào cuối những năm 1910 và kế tiếp là người Pháp vào đầu những năm 1930, họ đã bắt gặp một số ngư dân Trung Quốc ở Trường Sa (A: Spratly Islands, TQ: Nansha/Nam Sa – nd) và rất nhiều bằng chứng cho thấy những ngư dân Trung Quốc này đã dùng những đảo này làm nơi cư trú thường xuyên. Các học giả Trung Quốc khẳng định rằng ngư dân Trung Quốc đã chống lại những nỗ lực chiếm đóng các đảo ở Trường Sa của người Pháp trong những năm 1930. Hành động của nười Pháp ở Biển Đông đã gây ra một phong trào dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ ở Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng phản đối Pháp trong những năm 1930. Và vào đầu những năm 1930, để đáp trả những hành động của người Pháp ở Biển Đông, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu tăng cường nỗ lực để quy định chính thức việc xuất bản các bản đồ Trung Quốc liên quan đến Biển Đông. Việc này cuối cùng dẫn tới một bản đồ chính thức về các đảo và bãi ở Biển Đông được xuất bản vào tháng 4 năm 1935. Người Nhật Bản kiểm soát Trường Sa (A: Spratly Islands, TQ: Nansha/Nam Sa – nd) trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, nhưng Trung Quốc đã thu hồi lại Quần đảo Trường Sa (A: Spratly Islands, TQ: Nansha/Nam Sa – nd)vào cuối năm 1946.[12]

Tháng 12 năm 1947 chính quyền Cộng hòa Trung Hoa xuất bản một bản đồ không chỉ định vị các quần đảo chính, các đảo và những những thực thể nổi trên mặt nước khác ở Biển Đông mà còn có đường mười một đoạn (còn được gọi là đường hình chữ U) bao quanh phần lớn Biển Đông. Đây là lần đầu tiên đường mười một đoạn xuất hiện trong một bản đồ chính thức của Trung Quốc. Tháng 2 năm 1948 chính quyền Trung Quốc xuất bản một bản đồ hành chính minh họa những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.[13] Các học giả Trung Quốc khẳng định rằng khi đường đứt đoạn được công bố lần đầu tiên, không nước nào phản đối về mặt ngoại giao.[14] Họ nói thêm rằng sau đó nhiều nước thậm chí đã xuất bản các bản đồ công nhận đường 11 đoạn của Trung Quốc.[15] Sau năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) đã thừa hưởng đường 11 đoạn. Năm 1953, cố thủ tướng Chu Ân Lai đã quyết định bỏ đi hai đoạn trong vịnh Bắc Bộ và bản đồ Trung Quốc được xuất bản từ đó chỉ có đường chín đoạn ở khu vực Biển Đông.[16]

Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ chính thức giải thích những ý nghĩa pháp lý của đường chữ U, cũng không làm rõ phạm vi tuyên bố của mình ở Biển Đông. Nhưng có một điều rõ ràng là: Bắc Kinh coi đường chữ U như một trong những chứng cứ quan trọng nhất cho yêu sách lịch sử của Trung Quốc. Trên thực tế, các học giả Trung Quốc tranh luận khá mạnh cho quyền chủ quyền của Trung Quốc đối với những hòn đảo và các thực thể nổi trên mặt nước khác ở Biển Đông bằng cách đề cập đến đường chữ U. Về vấn đề mâu thuẫn có thể có giữa đường chữ U và Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), các nhà phân tích Trung Quốc vẫn giữ quan điểm rằng đường chữ U của Trung Quốc đã được công khai từ lâu trước khi xuất hiện luật biển quốc tế hiện nay (bao gồm UNCLOS), và cơ chế pháp lý luật biển quốc tế mới không nên phủ nhận những quyền trước đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ cho rằng Trung Quốc nên được hưởng cả quyền pháp lý được quy định trong UNCLOS, ví dụ,  EEZ (vùng đặc quyền kinh tế) và thềm lục địa, cũng như những quyền lịch sử đối với khu vực nằm trong đường chữ U.[17] Họ biện luận rằng các bên yêu sách khác không nên đòi hỏi EEZ và thềm lục địa hay những hòn đảo và các thực thể nổi trên mặt nước khác trong đường chữ U của Trung Quốc. Họ cho rằng UNCLOS chỉ giải quyết việc phân định các vùng biển, nó không cung cấp bất cứ cơ sở pháp lý nào về những yêu sách trên đảo và những loại bãi khác trên biển. Họ lập luận rằng ý nghĩa lịch sử và pháp lý của đường chữ U chỉ ra rằng những hòn đảo trong Biển Đông đã là lãnh thổ Trung Quốc rồi và như vậy các quốc gia tranh chấp khác không có quyền sử dụng yêu sách EEZ (vùng đặc quyền kinh tế) hay thềm lục địa của họ theo các điều khoản UNCLOS để đưa ra bất cứ đòi hỏi nào về những hòn đảo trong đường chữ U.[18]

Đọc phần tiếp theo

 

Li Ming Jiang, Phó giáo sư  Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công Nghệ Nanyang, Xin-ga-po

Người dịch: Nguyễn Văn Bình

Hiệu đính: Hoàng Thị Tuấn Oanh

Bản gốc tiếng Anh "China’s South China Sea delimma- Balancing sovereignty, development and security"

Bài viết trích trong " Security and International Politics In the South China Sea ", Chủ biên: Sam Bateman, Ralf  Emmers, năm 2009.


Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.



[1] Tác giả đã phỏng vấn trên 50 quan chức phụ trách vấn đề biển và các nhà phân tích gần gũi với giới hoạch định chính sách ở Bắc Kinh, Hải Nam, Quảng Châu, và Thượng Hải trong nửa đầu năm 2010. Dữ liệu thu thập từ những cuộc phỏng vấn này, cùng với rất nhiều các tuyên bố chính thức, những bài viết học thuật, được kết hợp phân tích trong bài viết này.

2 Ví dụ, Viện Nghiên cứu Biển “Nam Trung Hoa” [Biển Đông - dn] Quốc gia Trung Quốc ở Hải Nam, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã tổ chức một hội thảo quốc tế về hợp tác đa phương trong viêc đối phó với những  thách thức an ninh phi truyền thống ở Biển Đông vào tháng 5 năm 2010.

[3] Shi Hongtao, ‘Zhongguo de kunju’ [China Mallacca Dilema], China Youth Daily, 15 tháng 6, 2004.

[4] Dong Shaopeng, ‘Zhongguo weihu haiyang zhiyu de xin nuli’ [China’s New Efforts in Maintaining the Marritime Order], Gouji jinrong bao [International Finnacial News], ngày 2 tháng 9, 2005.

[5] Nu Anping, ‘Nanhai ziyuan zao zhoubian goujia fengkuang kaicai’[Spratlys’ Rerources Relentlessly Exploited by Neibouring States], Zhongguo canjing xinwen bao [China Industrial and Economic News], ngày 2 tháng 3, 2004.

[6] Hou Songling, ‘Zhongguo yu dongmeng guanxi zhong de bu wending yinsu-nansha wenti’ [A Destablilising Factor in China-Asean Relaions: Spratlys], Southeast Asia Studies, số 5/6 (2000).

[7] Những cuộc phỏng vấn của tác giả với nhiều giới chức quân sự  và nhà phân tích Trung Quốc.

[8]Liu Zhongmin, ‘Zhongguo haiquan fazhan zhanlue de ruogan sikao’ [Some Thoughts on the Development of China’s Marine Power], Jounal of Foreign Affairs University, tập. 80 (tháng 2, 2005).

[9] Sách đã dẫn.

[10] Sách đã dẫn.

[11] Các đoạn sau đưa ra một bản báo cáo tóm tắt một số điểm quan trọng trong bằng chứng lịch sử mà các tài liệu chính thức và các bài viết học thuật Trung Quốc thường sử dụng. Để xem xét lại một cách toàn diện tất cả những yêu sách xung đột, xem Marwyn S. Samuels, Contest for the South China Sea (Niu-ooc và Luân đôn; 1982); Mark J. Valencia, China and The South China Sea Disputes: Conflicting claims and potential solutions in the South China Sea, Adelphi Paper, số. 298 (Luân đôn: International Institute for Strategic Studies, 1995); Liselotte Odgaard, Marine Security between China and Southeast Asia (Burlington, VT: Ashgate, 2002).

[12] Chi tiết hơn về yêu sách lịch sử của Trung Quốc, xem Li Jimming, nanhai zhengduan yu guoli haiyang fa [South China Sea Disputes and Internatioanl Law of the Sea], (Beijing: Ocean Press, 2003), trang. 1-6;  Wu Shicun, zong lun nansha zhenduan [A Study on the South China Sea Dispute], (Haikou, Hainan Press, 2005), tr. 22-53.

[13] sách đã dẫn., tr.46-9.

[14]Một lý lẽ điển hình của các nước Đông Nam Á là họ vẫn dưới ách thống trị thuộc địa và do đó không có quyền lực chính trị để chính thức phản đối quan điểm của Trung Quốc vào thời điểm đó.

[15] sách đã dẫn., tr. 49; Li Jinming, [South China Sea Disputes and International Law of the Sea], tr.54.

[16] Wu Shicun, [A Study on the South China Sea Dispute],tr.49.

[17] Jia Yu, ‘Nanhai “duan xu xian” defalu diwwei’ [The Legal Status of the Dotted Line in the South China Sea], China Borderland History and Geography Studies, số. 2 (2005); Wang Yongzhi, et la., ‘Guanyu nanhai duan xu de zonghe taolun’ [A Comprehensive  Discussion of the South China Sea Dotted Line], Journal of Ocean University of China (Social Sciences Edition), số 3. (2008), tr. 1-5

[18] Gou Yuan, ‘dui nanhai zhengduan de gouji haiyang fa fenxi’) [An Analysis of the Application of International Law of the Sea on the South China Sea Disputes], beifang fa xue [Lagal Studies in the North], tập. 3, số. 14 (2009), tr. 133-8; Gou Yuan, ‘hezuo: jiejue nanhan wenti de bi you zhi lu’ [Cooperation: the inevitable approach to the solution of the South China Sea Disputes], China Border History and Geography Studies, vol. 3, số. 14 (2009), tr 127-35.