Chủ quyền, toàn bộ hoặc một phần, đối với quần đảo Trường Sa trên biển Đông là đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc, Ma-lai-xia, Philíppin, Việt Nam, Brunây và Đài Loan. Công hàm ngoại giao tháng 4/2011 do Philíppin và Trung Quốc nộp lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã đặt nền móng cho một vụ tranh chấp giữa một số nước thuộc ASEAN (Malaixia, Philíppin và Việt Nam) và Trung Quốc, liên quan đến chủ quyền pháp lý đối với các bãi đá tạo thành quần đảo Trường Sa.

Vấn đề quan trọng nhất được đưa ra là: Nước nào có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong và dưới các vùng biển xung quanh quần đảo này? Mặc dù đối tượng tranh chấp cuối cùng là tài nguyên thiên nhiên, nhưng cuộc tranh chấp này được dựng lên như một cuộc tranh cãi pháp lý về nhận thức đối với Điều 121 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Các định nghĩa pháp lý

Điều 121 quy định rằng một hòn đảo – được định nghĩa là "một khu vực đất tự nhiên nhô lên trên mặt nước khi thủy triều lên" - về nguyên tắc có thể tạo ra các vùng lãnh hải giống như đất liền. Chúng bao gồm vùng lãnh hải trong bán kính 12 hải lý, vùng EEZ trong bán kính 200 hải lý và một thềm lục địa. Một số cấu thành của quần đảo Trường Sa do các nước đang chiếm đóng không đáp ứng được định nghĩa của một hòn đảo. Chúng hoặc bị ngập dưới nước khi thủy triều lên, hoặc nhô trên mặt nước khi thủy triều lên là nhờ được cải tạo hoặc do các cấu trúc nhân tạo. Các bãi đá này thậm chí không được hưởng vùng lãnh hải 12 hải lý.

Đoạn 3 của Điều 121 trong UNCLOS đã tạo ra một ngoại lệ cho một số loại đảo bằng cách nói rằng "các bãi đá mà không thể tự nó duy trì sự sinh sống hoặc đời sống kinh tế của con người" sẽ không có vùng EEZ hay thềm lục địa. Nhiều bãi đá trong quần đảo Trường Sa có thể nằm trong nhóm này và do đó chỉ được vùng lãnh hải 12 hải lý. 

Lý lẽ của Ma-lai-xia, Việt Nam và Trung Quốc 

Công hàm của Philíppin gửi lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc hôm 5/4/2011 và của Trung Quốc hôm 14/4/2011 là những văn bản mới nhất trong một loạt công hàm liên quan đến Thỏa thuận chung giữa Malaixia và Việt Nam được hai nước trình lên Ủy ban ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc vào ngày 6/5/2009. Trong thỏa thuận chung này, Malaixia và Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với một thềm lục địa vượt ra ngoài giới hạn 200 hải lý của vùng EEZ mà họ tuyên bố trên biển Đông.

Ngày 7/5/2009, Trung Quốc phản ứng bằng cách gửi công hàm nói rằng nước này có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển liền kề. Trung Quốc cũng khẳng định chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển “liên quan” trên Biển Đông, kèm theo là bản đồ đường “lưỡi bò” 9 đoạn do nước này đưa ra.

Phản ứng của Philíppin và sự đáp trả của Trung Quốc

Philíppin phản ứng bằng cách gửi công hàm ngoại giao vào ngày 4/4/2011, trong đó nói rằng UNCLOS không cung cấp cơ sở pháp lý cho bất cứ sự đòi hỏi nào về chủ quyền và quyền tài phán trên vùng biển "liên quan" (và các đáy biển và lòng đất) nằm trong đường “9 đoạn” phía ngoài các vùng biển được coi là "liền kề" với các hòn đảo theo định nghĩa tại Điều 121 của UNCLOS. Mặc dù ngôn ngữ thể hiện trong công hàm không rõ ràng, nhưng dường như nó hàm ý Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền và quyền tài phán đối với bất kỳ nguồn tài nguyên nào nằm trong vùng “lưỡi bò” và nằm ngoài vùng biển liền kề với các đảo của nước này.

Ngày 14/4/2011, phản ứng với công hàm của Philíppin, Trung Quốc nhắc lại quan điểm lâu nay là nước này có chủ quyền không thể tranh cãi đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa và vùng biển liền kề. Trung Quốc cũng khẳng định chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng nước liên quan, cũng như đáy biển và lòng đất phía dưới. Tuy nhiên, nước này không đề cập đến bản đồ “9 đoạn”, và tuyên bố (lần đầu tiên) rằng quần đảo này được hưởng quyền lãnh hải, vùng EEZ và thềm lục địa. Đây có thể là một động thái quan trọng bởi Trung Quốc dường như đã nêu rõ đòi hỏi của mình và dùng UNCLOS để bảo vệ lý lẽ.

Hòn đảo hay bãi đá?

Trong cuộc tranh chấp về các quần đảo và bãi đá, các nước ASEAN sẽ tiếp tục giữ quan điểm rằng họ có chủ quyền và quyền tài phán đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên ở trong và dưới các vùng nước thuộc quần đảo Trường Sa. Đòi hỏi của họ dựa trên quyền đối với 200 hải lý vùng EEZ tính từ các đường cơ sở thuộc lãnh thổ đất liền hoặc quần đảo của họ. Họ sẽ không đòi hỏi vùng EEZ từ bất kỳ cấu thành nào của quần đảo Trường Sa, và sẽ nhất quán rằng không một cấu thành nào thuộc diện tranh chấp được coi là “hòn đảo”, và những “hòn đảo” đó trên thực tế chỉ là bãi đá.

Chiến lược này sẽ mang lại cho các quốc gia tranh chấp thuộc ASEAN chủ quyền không thể tranh cãi để thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở trong và phía dưới của hầu hết các vùng nước thuộc quần đảo Trường Sa. Họ sẽ chỉ không có chủ quyền và quyền tài phán để khai thác tài nguyên thuộc bán kính 12 hải lý liền kề các đảo, chừng nào cuộc tranh chấp vẫn chưa được phán quyết.

Để bảo vệ lợi ích của mình, Trung Quốc sẽ phải duy trì quan điểm là ít nhất một số bãi đá thuộc Trường Sa được tính là “đảo" để được hưởng vùng EEZ và thềm lục địa. Quan điểm này sẽ tạo ra một vùng chồng lấn đáng kể giữa vùng EEZ của quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đòi chủ quyền với vùng EEZ và/hoặc thềm lục địa mở rộng mà các quốc gia tranh chấp thuộc ASEAN có quyền tính từ đường cơ sở của lãnh thổ hay quần đảo của họ.

Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một thách thức là trước đây nước này đã có quan điểm về thế nào là đảo và thế nào là bãi đá. Trong các cuộc tranh luận tại Liên hợp quốc liên quan đến cuộc tranh chấp giữa nước này với Nhật Bản về chủ quyền đảo Okinotorishima, Trung Quốc lập luận rằng các đảo nhỏ, ở xa, không có người ở không được trao vùng EEZ hay thềm lục địa. Các quốc gia ASEAN có thể sẽ nói rằng lập luận này của Trung Quốc cũng nên áp dụng đối với các đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa. 

  Theo Rsis

 Mỹ Anh (gt)