Sự thành công trong phát triển kinh tế của một quốc gia phụ thuộc hàng đầu vào trữ lượng sẵn có của các nguồn năng lượng tự nhiên. Đối với trường hợp của Trung Quốc, quốc gia này có một trữ lượng than đá và năng lượng nước dồi dào, đã được sử dụng phần nào. Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải nhập khẩu một lượng than đá lớn - nguồn năng lượng vốn được coi là xương sống của nền kinh tế.

 

Việc khai thác dầu, khí và những sản phẩm có liên quan trong khu vực ven bờ Trung Quốc đã được tiến hành từ rất lâu, trước cả Chiến tranh Thái Bình Dương đầu những năm 1940. Hoạt động khai thác ở khu vực này có thể được coi là một dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng có dầu ở đáy biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và Biển Đông. Một loạt các nghiên cứu được tiến hành sau Thế Chiến thứ 2 đã khẳng định sự tồn tại của các vỉa dầu trên vùng kéo dài của thềm lục địa bao quanh Trung Quốc. Theo tính toán ban đầu của các chuyên gia, thềm lục địa Biển Đông có thể chứa đựng trong nó một lượng dầu mỏ lớn hơn cả Trung Đông. Trong các bài viết của mình, Giáo sư Ji Guoxing, chuyên gia hàng đầu Trung Quốc về luật biển, đã đưa ra lập luận của các nhà khoa học nước này về khả năng: bản thân thềm lục địa bao quanh Quần đảo Trường Sa đã chứa một trữ lượng dầu mỏ tương đương với ít nhất là 105 nghìn tỉ thùng (1 thùng = 159 lít) và 250 nghìn tỉ mét khối khí.[1] Trữ lượng dầu mỏ lớn nhất trong khu vực Biển Đông nằm ở khu vực thềm lục địa của Quần đảo Hoàng Sa, Vịnh Bắc Bộ vả cả khu vực ngoài của Quần đảo Trường Sa.

 

Những phát hiện trên đã gây ra sự quan tâm lớn và châm ngòi cho hàng loạt các yêu sách về lợi ích của Trung Quốc tại Biển Đông vào đầu những năm 1930.

 

***

 

Biển Đông là vùng biển nửa kín,[2] là cánh phía tây của Thái Bình Dương, bao bọc bởi bán đảo Đông Dương, bán đảo Mã Lay, quần đảo Malay (bao gồm các đảo Leser, Greater Sunda và Quần đảo Philippine), đảo Đài Loan và bờ Nam của Trung Quốc. Về phía bắc, eo biển Đài Loan nối vùng biển này với Biển Hoa Đông; về phía Đông Bắc, Biển Đông giao với kênh Bashi, eo biển Luzon và Babuyan, kéo dài cho tới tận biển Philippine và Thái Bình Dương; phía nam, biển mở rộng, thông với cả các eo biển Gelas và Karimata, cho tới tận biển Java; phía Tây Nam, biển nối với nhánh Andaman của Ấn Độ Dương thông qua các eo biển Singapore và Malacca. Biển Đông có bề mặt nước biển vào khoảng 3.537.000 km2.

 

Về phía tây và phía nam, biển bị bao bọc bởi chuỗi đảo hình bát của Quần đảo Malay vốn hình thành từ dải núi lửa dưới đáy, bao gồm quần đảo Philippines, Lesser và Greater Sunda. Phần rộng hơn ở phía Tây và Nam của Biển Đông bắt đầu từ thềm Sunda, với độ sâu thay đổi từ khoảng 30 – 70 mét đến 150 – 200 mét, sâu hơn ở phía bắc và đông. Thềm Sunda bị tách khỏi vùng phía Bắc Biển Đông bởi một vùng đáy biển sâu kéo dài từ Tây Nam quần đảo Trường Sa cho tới tận vùng Đông Bắc của khu vực – xung quanh khu vực mũi phía Nam đảo Đài Loan. Vùng đáy, có nơi có độ sâu tới 6.000 mét, dường như là đặc điểm tự nhiên chia cắt Biển Đông thành hai phần.

 

Phần phía nam, khá nông, đặc trưng bởi một loạt các đảo, đá và đảo san hô nằm liền kề tạo thành một vùng thường được gọi là Quần đảo Trường Sa (tên tiếng Trung Quốc là Quần đảo Nam Sa, tiếng Việt Nam là Quần đảo Trường Sa, tiếng Philippine là Kalayaana. Tuy nhiên, tên tiếng Philippine chỉ được dùng để gọi vùng Tây Bắc của khu vực này, nơi tập trung hàng loạt các vùng có địa chất gần giống đảo). Trước Chiến tranh Thái Bình Dương, đầu những năm 1940, những đảo này, và có lẽ toàn bộ khu vực thềm Sunda chỉ bao gồm toàn đảo, được biết đến dưới cái tên là Quần đảo San hô (Coral Islands). Ngay cả ở Trung Quốc, khu vực này cũng từng được biết đến dưới một cái tên khác. Cụ thể, trước năm 1947, khu vực này đã từng được gọi là Quần đảo Tuấn Sa, trong khi tên hiện tại của vùng này - Quần đảo Nam Sa, đã từng được dùng để chỉ bãi ngầm Macclesfield, bãi ngầm ngày nay có tên là Quần đảo Trung Sa. Trước đấy, Quần đảo San hô cũng thường được biết đến dưới tên gọi mà theo tiếng Trung Quốc có nghĩa là “Chín hòn đảo trong Biển Đông,”[3] vì chỉ có 9 đảo đó thực sự là đảo, trong số vô vàn các vùng nổi trên mặt nước và có cấu tạo địa chất gần giống đảo.[4]

 

Khu vực mà ngày nay được biết đến như Quần đảo Trường Sa bao gồm trên 100 đảo nhỏ, đá và đảo san hô, nằm rải rác trên một khung bán nguyệt lớn kéo dài trên 1.000 km từ phía Tây Nam sang Đông Bắc của phần phía Tây Nam Biển Đông. Tâm điểm của khu vực này nằm cách đảo Palawan và Kalimantan 400 km, cách bờ biển Việt Nam 500 km và 1.000 km so với đảo Hải Nam của Trung Quốc. Phần lớn các đảo nhỏ, đá và đảo san hô được tìm thấy trong khu vực Đông Bắc của khu vực này nằm trong hoặc giáp với lãnh hải của Philippine. Ngoài ra, một số đảo khác, bao gồm cả đảo Natuna (Bunguran), Anambas, Linga và các đảo nhỏ hơn, nằm ở phần phía tây và phía tây nam của Biển Đông.

 

Phần phía bắc của biển (phần chảy qua bờ biển Trung Quốc và miền Trung và Bắc Việt Nam) sâu hơn rất nhiều. Thềm lục địa của phần này cũng hẹp hơn một cách tương đối so với phần phía nam của biển. Tuy nhiên, phần này cũng có những khu vực nâng cao. Một trong số đó là vùng bắt đầu từ Quần đảo Hoàng Sa (tên Trung Quốc là Quần đảo Tây Sa, người Việt Nam gọi là Quần đảo Hoàng Sa), bao gồm 2 nhóm đảo là Crescent (nhóm đảo phía Tây – nd)  và Amphitrite (nhóm đảo phía Đông – nd) và bãi ngầm Macclesfield (không có một đảo nào). Trên thực tế, bãi ngầm là một bãi san hô vô cùng lớn, bao gồm hàng ngàn cụm đá và cát ngầm, luôn chìm dưới mặt nước biển khoảng 10 mét. Theo nhà tự nhiên học người Đức, P. Schier, những nhà nghiên cứu Trung Quốc ước tính mỗi năm các cụm san hô trồi lên khoảng 10 cm, như vậy, sau 100 năm, Trung Quốc có thể được hưởng lợi từ những yêu sách hiện nay của mình đối với khu vực này.[5]

 

Cuối cùng là một nhóm đảo khác, bao gồm cả đảo Pratas và 2 cụm cát ngầm bao quanh nó (Quần đảo Đông Sa), nằm trong khoảng 200km phía Đông Nam Hồng Kông.       

Cho tới đầu thế kỷ 20, những đảo trong Biển Đông vẫn nằm ngoài mối quan tâm của người Trung Quốc. Thậm chí, trong một số thời điểm, người Hoa còn bác bỏ ý kiến cho rằng một số đảo trong khu vực trên thuộc chủ quyền của Trung Quốc.[6] Họ chỉ bắt đầu quan tâm tới các Quần đảo San hô và quần đảo Hoàng Sa kể từ khi chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương thường xuyên sử dụng tàu chiến tuần tra các đảo này. Bất kể sự tồn tại thường xuyên của các hoạt động tuần tra, các đảo trong Biển Đông vẫn không được hưởng bất cứ một quy chế pháp lý nào trong suốt một thời gian dài.

 

Về phần mình, chính quyền Pháp ở Đông Dương coi các đảo này là một phần lãnh thổ Việt Nam. Điều này, có thể được giải thích thông qua việc tàu chiến Pháp thường xuyên tuần tra khu vực này, hay việc chính quyền Pháp bắt giữ và trục xuất các nhóm công nhân Nhật, và sau là Trung Quốc cập bến và khai thác trữ lượng phốt-pho dồi dào trên các đảo được đề cập. Mặc dù không một quốc gia nào trong khu vực phản đối chủ quyền của Pháp (Việt Nam) đối với những đảo này, cũng không tồn tại bất cứ một tài liệu chính thức nào, cho tới tận đầu những năm 1930, ghi nhận quyền này một cách hợp pháp. Sự không rõ ràng về mặt chủ quyền kết thúc năm 1930 khi Toàn quyền Pháp ở Đông Dương đưa ra tuyên bố chính thức ghi nhận Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Một tài liệu xuất bản năm 1933 còn đưa một vài đảo trong Quần đảo San Hô, bao gồm đảo Trường Sa, đảo Ba Bình, Thị Tứ và Loại Ta vào phần lãnh thổ của Việt Nam.[7] Không có bất cứ phản đối nào được đưa ra đối với việc “sát nhập”, mặc dù, sau này các nhà sử học Trung Quốc khẳng định chính phủ Nam Kinh đã có hàng loạt phản đối động thái của Pháp.[8]

 

Bất kể sự thật lịch sử ra sao, nhiều cuộc đối thoại không chính thức và bán chính thức giữa Pháp và Trung Quốc về số phận các đảo trong Biển Đông đã diễn ra những năm sau đó. Các nhà đàm phán Trung Hoa đã nỗ lực phản đối tuyên bố của Pháp về chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo và cố gắng thuyết phục người Pháp công nhận việc các ngư dân Trung Quốc đã định cư trên đảo từ rất lâu.

 

Trong lúc đó, Pháp bắt đầu tiến hành các hoạt động thăm dò và định cư thực tế trên đảo. Các đồn canh gác Pháp - Việt được lập ra trên một số đảo (ví dụ, đảo Trường Sa và đảo Ba Bình thuộc Quần đảo San hô, ngày nay có tên là đảo Trường Sa, và nhóm đảo Hoàng Sa), hải đăng, các trạm dự báo thời tiết và điện thanh được xây dựng trên một số đảo khác; trên đảo Thị Tứ, một số công trình được dựng lên để phục vụ việc xây dựng sân bay cho thuỷ phi cơ. Chiến tranh Nhật – Trung năm 1937 và Thế chiến thứ 2 năm 1939 đã tạo ra nhiều thay đổi lớn đối với khu vực biển bao quanh Trung Quốc, bao gồm cả Biển Đông.

 

Tháng 2 năm 1939, sau khi chiếm được phần lớn khu vực bờ biển Trung Quốc, Nhật chiếm đảo Hải Nam và sử dụng quân đội chiếm đóng Quần đảo San hô và Hoàng Sa. Đáp lại phản đối của Pháp, Nhật lập luận rằng, các đảo này thuộc quyền kiểm soát tuyệt đối của Nhật về mặt kinh tế, ít nhất là kể từ đầu thế kỷ 20. Các công dân của họ, thực tế là đã tiến hành các hoạt động đánh bắt và khai thác phốt-pho trong khu vực này.[9]

 

Người Nhật xây dựng các căn cứ tàu ngầm trên đảo Ba Bình và Trường Sa, một bãi đáp trên đảo Ba Bình. Từ những căn cứ không quân và hải quân này, không lực và thuỷ lực Nhật đã gây ra nhiều tổn thất nặng nề cho hải quân và tàu buôn của quân Đồng Minh trong giai đoạn đầu Chiến tranh Thái Bình Dương.

 

Sau khi chiến tranh kết thúc ở khu vực Thái Bình Dương, trong nửa cuối năm 1946, chính phủ Trung Quốc đã cử 2 quân đoàn hải quân ra Quần đảo Trường Sa (Quần đảo San Hô đã chính thức được đổi tên trước đó) và quần đảo Hoàng Sa với mục đích, mà các học giả Trung Hoa sau này đã khẳng định là nhằm: “tiếp nhận sự đầu hàng” của quân Nhật và “khôi phục” chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo đó.[10] Lực lượng được cử tới Trường Sa đã ghé qua đảo Ba Bình và phá huỷ nốt những dấu tích của người Nhật trên đó rồi dựng bia, treo cờ đánh dấu chủ quyền của Trung Quốc. Sau khi hoàn thành xong những công việc được chính quyền giao phó để thể hiện chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ Quần đảo Trường Sa, quân đoàn hải quân rút về căn cứ.  

 

Hoạt động của một lực lượng khác được cử tới quần đảo Hoàng Sa (một nhóm trong các quần đảo phía Tây) không chỉ dừng lại ở việc biểu dương chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo. Ngoài việc giương cờ và dựng bia, lực lượng này còn thiết lập các trại lính và, ngay lập tức, bắt tay vào xây dựng một căn cứ hỗ trợ trên đảo lớn nhất, đảo Woody hay Boise (tên tiếng Trung là Yongxing Dao, tên tiếng Việt là đảo Phú Lâm).

Quân Quốc dân đảng bị đánh đuổi khỏi quần đảo Hoàng Sa sau khi Quân giải phóng (PLA) chiếm được đảo Hải Nam vào tháng 4 năm 1950. Nhiều năm tiếp sau đó, nhóm đảo Tây bị bỏ hoang và phần nào trở thành vùng đất vô chủ. Tuy nhiên, cả Pháp và Việt Nam, những bên coi các đảo này cùng với các đảo còn lại của quần đảo Hoàng Sa là một phần lãnh thổ Việt Nam, lại không có bất cứ hành động gì nhằm tận dụng cơ hội này để tái thiết lập quyền kiểm soát trên đảo. Trong suốt những năm 1950, các đảo này bị quân đội Trung Hoa tái chiếm. Cũng trong khoảng thời gian này, Trung Quốc đã cho khôi phục việc xây dựng căn cứ hải quân và bãi đáp do quân Quốc dân đảng khởi xướng cuối những năm 1940.

 

Năm 1951, sự không rõ ràng về mặt chủ quyền đối với các đảo trong Biển Đông trở thành xung đột mang tính quốc tế. Ngày 17/5/1951, Tổng thống Philippine Elpidio Quirino đưa ra tuyên bố về quyền chủ quyền của Philippine đối với các đảo thuộc quần đảo Kalayaana (quần đảo Trường Sa) do các đảo này nằm gần bờ và, trong một số trường hợp, nằm trong lãnh hải của Philippine. Ông này còn nói thêm, các quyền chủ quyền đối với những đảo kể trên sẽ góp phần củng cố an ninh quốc gia của Philippine.[11] Chính phủ Trung Quốc ngay lập tức đáp trả bằng việc yêu cầu chấm dứt “cuộc phiêu lưu” của những “kẻ nổi loạn Philippine và bọn người Mỹ xúi giục chúng.”[12] Tháng 9 năm 1951, trong Hội nghị Hoà bình tại San Francisco, nơi Hiệp ước Đình chiến với Nhật được ký, Chang Văn Hậu, Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao của chính phủ Việt Nam dưới triều vua Bảo Đại đã phát biểu: “Chúng tôi tái khẳng định quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vốn luôn thuộc chủ quyền của Việt Nam.”[13]

 

Quan điểm chính thức của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đối với chủ quyền trên các đảo trong Biển Đông được đưa ra trong tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Chu Ân Lai ngày 15/8/1951 trong khuôn khổ bản góp ý dự thảo hiệp ước đình chiến với Nhật do Anh và Mỹ đưa ra tại Hội nghị San Francisco. Tuyên bố ghi nhận những chỉ trích của Trung Quốc đối với dự thảo hiệp ước do Bộ Ngoại giao Mỹ đưa lên, đặc biệt ở những điểm liên quan tới các vấn đề về lãnh thổ. Về việc bản thảo hiệp ước chỉ đưa ra quy định Nhật phải từ bỏ tất cả quyền và yêu sách đối với “đảo Nam Uy và quần đảo Tây Sa” (quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – tác giả), mà lờ đi “việc phục hồi chủ quyền của Trung Quốc” đối với các quần đảo này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhấn mạnh: “thực tế, quần đảo Tây Sa và đảo Nam Uy, cũng như các đảo Nam Sa, Trung Sa và Đông Sa luôn luôn là một phần lãnh thổ Trung Hoa”[14]

 

Như vậy, các đảo thuộc Biển Đông là khu vực đầu tiên nằm trong yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Các yêu sách này có tiền đề là hành động “xâm lược về mặt địa đồ” - tất cả các nhóm đảo và bãi ngầm trong Biển Đông đều được thể hiện là lãnh thổ Trung Quốc trên các bản đồ xuất bản ngay sau khi nhà nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời.[15]

 

Tuyên bố của Chu Ân Lai ngày 15/8/1951, do tính chất của nó, không và không thể bao gồm bất cứ lập luận nào củng cố yêu sách Trung Quốc đưa ra. Bất chấp sự thiếu sót này, trong nhiều năm, quan điểm của Trung Quốc về vấn đề này luôn luôn được dẫn chiếu tới tuyên bố này hoặc lặp lại các luận điểm chính của nó. Ví dụ, tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ngày 20/1/1974 về sự kiện trên quần đảo Hoàng Sa chỉ nói một cách đơn giản: “Tất cả mọi người đều biết các đảo Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa và Đông Sa luôn là lãnh thổ Trung Quốc. Đây là sự thật không thể chối cãi. Tất cả người Trung Quốc đều đồng ý với quan điểm này.”[16] Chỉ tới tận 2 năm sau đó, trong bài “Biển Nam Trung Hoa luôn là lãnh thổ của Trung Quốc”, được xuất bản trên Guangming Ribao [Nhật báo Quang Minh] số ra ngày 24/11/1975, một vài lập luận củng cố yêu sách của Trung Quốc mới được đưa ra.

 

Bài báo có viết: “Thời xa xưa, những người Trung Quốc đi ra biển lớn hoặc làm ăn, buôn bán trên biển Nam Trung Hoa là những người đầu tiên phát hiện ra các đảo, bãi ngầm và đảo đá này. Họ đã liên tục và bền bỉ khai phá chúng, và, do đó, chính phủ Trung Quốc có ưu thế trong việc thiết lập chủ quyền và quyền tài phán trên các đảo này.” Bài báo cũng nói: “Trong suốt nhiều năm, người Trung Quốc đã phát hiện ra các đảo trong biển Nam Trung Hoa trước bất cứ dân tộc nào và do đó, trở thành chủ của các đảo này.”

 

Bài báo chứng tỏ chính phủ Trung Quốc đã dần biết cách củng cố yêu sách của mình bằng những lập luận về quyền phát hiện và việc thực hiện liên tục các hoạt động mang tính chủ quyền.

 

Ngay từ thời xa xưa, các quốc gia và dân tộc đã ngầm quy ước rằng hành động phát hiện ra một vùng lãnh thổ chưa được biết đến, đặc biệt là vùng lãnh thổ vô chủ, không hoàn toàn đồng nghĩa với việc sở hữu vùng đất đó. Phát hiện là chưa đủ. Chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ chỉ được xác lập khi quốc gia, dân tộc đó phải luôn nắm giữ hay kiểm soát vùng lãnh thổ kể trên. Đặc biệt, trong trường hợp vùng lãnh thổ vô chủ, chủ thể phải xây dựng được các cộng đồng dân cư và có bộ máy quản lý hành chính trên vùng lãnh thổ đó. Nguyên tắc này, sau đó, được sử dụng một cách rộng rãi trong suốt thời đại của những cuộc phát kiến địa lý vĩ đại. Theo đó, phát hiện chỉ mang lại cho chủ thể chủ quyền hợp pháp sơ khởi. Quyền này cho phép chủ thể một khoảng “thời gian trì hoãn” để ngăn cản các chủ thể khác xâm lược và chiếm đóng vùng lãnh thổ liên quan. Khoảng thời gian này dài hay ngắn phụ thuộc vào khoảng thời gian hợp lý cần thiết để chủ thể có thể thiết lập sự chiếm hữu hữu hiệu trên vùng lãnh thổ phát hiện. Nếu, trong suốt khoảng thời gian trì hoãn, quốc gia phát hiện không có bất cứ động thái nào nhằm biến quyền sơ khởi thành quyền thực tế, quốc gia đó sẽ mất quyền này và các quốc gia khác, kể từ nay, có quyền sở hữu vùng lãnh thổ nọ bằng hành động chiếm hữu hữu hiệu của mình.

 

Theo nghĩa rộng, thuật ngữ “chiếm hữu” thường đi kèm với chiến tranh, mà một bên trong đó chiếm được một phần lãnh thổ của đối phương, thiết lập quyền kiểm soát và áp đặt một chế độ “chiếm hữu” đặc biệt đối với vùng đất đó. Theo khía cạnh pháp lý, chiếm hữu (hay chính xác hơn là cư ngụ) là hành động kiểm soát nhằm xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ không nằm dưới thẩm quyền của bất cứ quốc gia nào vào thời điểm chiếm hữu. Một điểm đặc biệt cần nhắc đến ở đây, chiếm hữu là hình thức thụ đắc lãnh thổ chỉ có thể được áp dụng đối với những vùng đất không thuộc về quốc gia nào hoặc không có cộng đồng dân cư sinh sống trên đó.

 

Luật Quốc tế hiện đại quy định: một lãnh thổ phải được chiếm hữu một cách hữu hiệu bởi quốc gia chiếm hữu. Bằng chứng cho việc chiếm hữu hữu hiệu có thể bao gồm: thiết lập cộng đồng dân cư, xây dựng các công trình kiên cố phục vụ cho các mục đích kinh tế hoặc tôn giáo, và quan trọng hơn, có bộ máy hành chính địa phương được thành lập một cách chính thức (ví dụ, luật của quốc gia ghi nhận vùng đất đó là một phần lãnh thổ của quốc gia có liên quan và cờ của quốc gia này được treo trên vùng đất kể trên). Thiết lập quyền sở hữu một cách thực tế đối với một vùng lãnh thổ, hay chiếm hữu hữu hiệu cuối cùng là nhằm gắn kết vùng lãnh thổ mới với đời sống kinh tế và hành chính của quốc gia chiếm hữu. Các học giả luật quốc tế đều đồng ý rằng, thậm chí trong trường hợp một cộng đồng dân cư ổn định đã được thiết lập trên vùng lãnh thổ vô chủ, quốc gia chiếm hữu đã đưa ra tuyên bố chính thức sát nhập vùng lãnh thổ này thành một bộ phận hành chính của quốc gia mình nhưng không có bộ máy chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động hành chính hàng ngày, chiếm hữu hữu hiệu trở thành chiếm hữu danh nghĩa và quốc gia chiếm hữu đánh mất quyền sở hữu sơ khởi của mình trên vùng lãnh thổ có liên quan vào tay quốc gia khác.

 

Tuy nhiên, nếu quốc gia chiếm hữu không có các hoạt động nào khác ngoài việc xuất bản các tài liệu chính thức về quyền sở hữu đối với vùng lãnh thổ, đặc biệt là vùng lãnh thổ vô chủ; hay chỉ treo cờ và cho dựng các biểu tượng với ý định đánh dấu chủ quyền của mình mà không tiến hành bất cứ hoạt động thực tế nào nhằm xác lập sự hiện diện hữu hiệu của mình như tổ chức chính quyền; hay một cách đơn giản hơn, những hành động của quốc gia chỉ dừng lại ở chỗ thể hiện sự chiếm hữu tượng trưng, tất cả những hành động đó không đủ để đảm bảo cho quốc gia kể trên quyền tiếp tục sở hữu vùng lãnh thổ đó.[17]

 

Quay trở lại với tình hình thực tế diễn ra trên khu vực quần đảo Hoàng Sa trong nhiều thế kỷ. Vô vàn các cuộc thám hiểm khoa học đã diễn ra. Và trái ngược với những tuyên bố của các chính trị gia, học giả và nhà văn Trung Quốc, không một cuộc thám hiểm nào tìm thấy các dấu vết về một cộng đồng dân cư sinh sống liên tục trên khu vực này, trừ những phần còn sót lại của các công trình được xây dựng trước và trong Thế chiến thứ II. Không một dấu tích nào được tìm thấy để minh chứng cho khẳng định của Trung Quốc (hay bất cứ quốc gia nào khác) về việc đã có “định cư và khai phá liên tục” trên các đảo tại một thời điểm nhất định trong lịch sử.

 

Việc định cư và khai phá liên tục không thể đã diễn ra vì một lý do, trong nhiều lý do khác: đó là sự tồn tại của lệnh “cấm ra biển” ở Trung Quốc từ thời cổ đại cho tới khoảng giữa thế kỷ 19. Lệnh này được ghi nhận trong hàng loạt các luật và thực tiễn nhằm cấm các chủ thể của Đế chế Trung Hoa đi ra vùng biển cả nằm ngoài vùng nước ven biển mà không có giấy phép đặc biệt do chính quyền cấp. Thực tế, một hệ thống các luật ghi nhận lệnh “cấm ra biển”  hoàn chỉnh đã tồn tại ở Trung Quốc từ nửa cuối thế kỷ 6 cho tới khoảng nửa sau thế kỷ 19.

 

Từ thời cổ đại cho tới thời kỳ Trung Đại, người Trung Quốc đã sống với ý niệm rằng đường bờ biển là biên giới tự nhiên của quốc gia mình. Theo đó, việc tàu thuyền của các chủ thể trong Đế chế chạy ra vùng biển mở, nằm ngoài biên giới quốc gia và nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền luôn được xem là một hiểm hoạ đối với các giá trị cơ bản của Trung Quốc. Do đó, ngư dân chỉ được tiến hành các hoạt động giao thương của mình trong các vùng nước ven biển, nơi mà đội tuần tra ven biển có thể kiểm soát. Những kẻ vi phạm quy định trên sẽ bị trừng phạt một cách dã man. Khi lệnh cấm ra biển bắt đầu được nới lỏng và cuối cùng, bị xoá bỏ, ngư dân Trung Hoa mới bắt đầu đi xa hơn về phía biển cả. Họ đã tiến đến vùng quần đảo Hoàng Sa, bãi ngầm Macclesfield và Quần đảo San hô. Đặc biệt, sự hiện diện lần đầu của họ trên Quần đảo San hô đã được ghi lại vào năm 1876.[18]

 

Tuy nhiên, trong tình huống này, là thiếu căn cứ khi khẳng định “chủ quyền và quyền tài phán” của Trung Quốc đối với các đảo thường xuyên vô chủ thuộc nhóm đảo Trường Sa, mà lớn nhất trong số đó là Đảo Ba Bình (tên tiếng Trung là đảo Taiping, tiếng Việt là đảo Ba Bình, tiếng Philippine là Ligo) chỉ rộng khoảng 0,45 km2 và vẫn được coi là vô chủ (terra nullus) cho tới những năm 1960.

 

Do đó, có thể kết luận rằng, lý do cơ bản cho những yêu sách của Trung Quốc đối với việc mở rộng quyền tài phán của họ tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là do sự cường điệu về mặt ý niệm tầm quan trọng chiến lược của những đảo này đối với an ninh của Trung Quốc, cũng như tầm quan trọng của việc kiểm soát đường hàng hải quốc tế đi qua những khu vực này, từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương. Những ý niệm này được ngụ ý trong bài viết trên Guangming Ribao được nhắc tới ở trên: “các đảo trong biển Nam Trung Hoa nằm dọc theo vòng cung đường biển từ Quảng Châu cho tới Hương Cảng, Ma Cao, Manila tới Singapore. Điều này cho thấy tầm quan trọng về mặt địa lý của những đảo này.”        

 

Bất kể lý do phía sau yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo trong Biển Đông là gì, một điều có thể thấy: khẳng định không ngừng của chính quyền Trung Hoa về chủ quyền đối với các đảo chỉ là phần nổi của những tham vọng không ngừng gia tăng theo sự thay đổi của tình hình quốc tế trong 50 năm qua, mà quan trọng nhất là việc phát hiện trữ lượng dầu mỏ khổng lồ trong thềm lục địa của Biển Đông. Mặc dù, bề ngoài, cuộc tranh luận đang diễn ra hiện nay chỉ liên quan tới chủ quyền đối với các đảo trong Biển Đông, với tổng diện tích của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa gộp lại vào khoảng 10 – 12 km2, thực chất, tranh chấp này liên quan tới chủ quyền đối với vùng thềm lục địa của Biển Đông.    

 

Khoa học địa chất khẳng định: thềm lục địa và dốc lục địa tạo thành một phần rìa ngoài của lục địa, là phần kéo dài của đất và có cấu trúc địa tầng tương tự phần lãnh thổ đất liền. Vì thềm lục địa là phần kéo dài tự nhiên của lục địa, khoa học địa chất luôn gắn nguồn gốc của một thềm lục địa với một vùng lãnh thổ đất nhất định. Chính khẳng định này là cơ sở pháp lý cho luận điểm quốc gia ven biển được mở rộng quyền tài phán của mình ra tới vùng thềm lục địa kéo dài từ lãnh thổ đất của quốc gia mình. Một lý do quan trọng khác làm nền tảng cho sự hình thành và củng cố luận điểm mang tính pháp lý này là, thực tế, vùng thềm lục địa có điều kiện địa hình phù hợp cho việc hình thành và tích tụ các nguồn tài nguyên khoáng sản, điều này tất yếu dẫn tới tham vọng của các quốc gia ven biển được tự mình sử dụng những nguồn lợi này cho phát triển và ngăn cản các quốc gia khác cùng khai thác nguồn lợi trên.

 

Những đột phá trong khoa học và cơ khí đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho việc khai thác các nguồn lợi nằm sâu dưới vùng đáy biển bên ngoài lãnh hải. Sự thay đổi này kéo theo những yêu cầu về mặt pháp lý đối với việc hình thành các quy tắc điều chỉnh hoạt động thăm dò và khai thác các nguồn lợi dưới đáy của thềm lục địa, cũng như những quy định liên quan tới việc phân chia các vùng, mà ở đó, quyền thăm dò và khai thác các nguồn lợi chỉ thuộc về quốc gia ven biển. Yêu cầu này có tầm quan trọng quốc tế vì những quy định như vậy sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của rất nhiều quốc gia ven biển. Do đó, chúng nên được bàn thảo trong khuôn khổ một hiệp ước mang tính quốc tế. Nỗ lực đầu tiên nhằm giải quyết những bất đồng về việc sử dụng thềm lục địa diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị đầu tiên của Liên Hợp Quốc về luật biển ở Geneva năm 1958.

 

Một trong số những văn kiện được thông qua tại Hội nghị là Công ước về Thềm lục địa. Ban đầu, Công ước đã cung cấp định nghĩ thế nào là thềm lục địa. Điều 1 quy định thuật ngữ trên được dùng để chỉ: “(a) vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của phần ngập nước tiếp giáp với bờ biển, nhưng nằm ngoài lãnh hải, đến độ sâu 200m hoặc sâu hơn nữa, tới một độ sâu có thể cho phép khai thác các tài nguyên thiên nhiên ở đó; (b) vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của vùng ngập nước tương tự tiếp giáp với bờ biển của các đảo.”[19]

 

Một số điểm đáng chú ý của Công ước bao gồm (1) Công ước đã giới hạn các quyền chủ quyền quốc gia ven biển được hưởng đối với vùng thềm lục địa; (2) đưa ra các quy định về tính tuyệt đối của các quyền này: sự tồn tại các quyền chủ quyền của quốc gia ven biển không phụ thuộc vào việc các quốc gia này có thực hiện các quyền đó trên vùng thềm lục địa hay không; (3) các quyền này cũng không phụ thuộc vào sự hiện diện hay thiếu vắng các hoạt động chiếm hữu hữu hiệu của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa và (4) quyền chủ quyền của quốc gia ven biển không ảnh hưởng tới quy chế pháp lý của vùng biển cả và khoảng không phía trên thềm lục địa.[20]   

 

Tuy nhiên, Công ước năm 1958 đã thiếu sót khi không đưa ra một định nghĩa chính xác về rìa ngoài của thềm lục địa. Định nghĩa về thềm lục địa dựa trên tiêu chuẩn kéo dài tự nhiên đơn giản chỉ dựa trên nguồn gốc địa chất của vùng này; theo đó, định nghĩa này nhấn mạnh mối liên kết giữa thềm lục địa với lãnh thổ đất của quốc gia ven biển. Tương tự như vậy đối với tiêu chuẩn độ sâu. Đường đẳng sâu 200m được chọn bởi trong hầu hết các trường hợp, đây là độ sâu mà ở đó thềm lục địa kết thúc và đáy biển sụt xuống tạo thành dốc lục địa. Tiêu chuẩn khả năng khai thác, một tiêu chuẩn dường như vô cùng chắc chắn vào cuối những năm 1950 cũng trở nên thiếu tính thuyết phục trong điều kiện phát triển công nghệ hiện nay. Ngày nay, tiêu chuẩn khả năng khai thác mở ra cho các quốc gia ven biển khả năng giải thích một cách rộng hơn thuật ngữ “thềm lục địa” và đẩy rìa ngoài thềm lục địa ra xa hơn trong vùng biển cả.

 

Một định nghĩa chính xác về rìa ngoài thềm lục địa chỉ được đưa ra sau Hội Nghị lần thứ 3 của Liên Hợp quốc về luật biển (1974 – 1982).  Công ước Luật biển được thông qua tại Hội nghị lần này quy định một cách mập mờ rằng “thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của một quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia này cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến các điểm cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải một khoảng cách 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia này ở khoảng cách gần hơn.”[21] Công ước giữ nguyên các quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa theo như các quy định trong Công ước Geneva 1958.

 

Có một chi tiết đáng chú ý, mà sau này là nguyên nhân dẫn tới chồng lấn và tranh chấp về chủ quyền đối với thềm lục địa trong nhiều trường hợp: Tiếp cận thềm lục địa từ quan điểm của khoa học địa chất, cả 2 Công ước 1958 và 1982 đều coi chủ quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa là sự thật hiển nhiên và không tập trung vào khía cạnh này. Sự thiếu sót này phần nào được bù đắp nhờ phán quyết của Toà án Công lý Quốc tế trong vụ Cộng hoà Liên bang Đức kiện Hà Lan và Cộng hoà Liên bang Đức kiện Đan Mạch (20/2/1969) về việc phân định thềm lục địa Biển Bắc.

 

Phán quyết của Toà án Công lý Quốc tế chỉ ràng buộc các bên trong tranh chấp. Phần mở đầu của phán quyết bao gồm các căn cứ pháp lý.

 

Toà khẳng định trong phần mở đầu: “từ quan điểm của luật quốc tế, theo các quy định của luật (ipso jure), yếu tố thiết yếu để xác định khả năng trao cho quốc gia ven biển các quyền đối với thềm lục địa là vùng đáy biển đó có thể được coi là một phần của lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của quốc gia ven biển hay không. Thuộc quyền kiểm soát được hiểu là mặc dù vùng đáy biển này nằm dưới nước, nó là phần kéo dài của lãnh thổ đất ra biển.” Toà cũng đưa ra một luận điểm đặc biệt ghi nhận “quyền của quốc gia ven biển đối với vùng thềm lục địa là phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền ra biển và nằm dưới vùng nước biển tồn tại một cách tự nhiên (ipso facto) và ngay từ đầu (ab initio) trên cơ sở chủ quyền của quốc gia đó với vùng lãnh thổ đất liền…Một cách ngắn gọn, đây là một quyền không thể chối cãi. Để thực hiện quyền này, quốc gia ven biển không cần phải viện tới toà án hay bất cứ một văn kiện pháp lý đặc biệt nào.”[22]

 

Từ quan điểm này, Trung Quốc, mặc dù nằm cách khu vực thềm lục địa được cho là có trữ lượng dầu mỏ dồi dào tới hàng trăm km (thềm lục địa Sunda) và bị chia cách khỏi vùng này bởi một bờ lục địa sâu chia cắt thềm lục địa với vùng phía bắc nơi biển giao với lục địa, vẫn đưa ra yêu sách đối với ít nhất một phần của thềm lục địa khu vực này một khi họ thiết lập được chủ quyền của mình trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Hơn thế nữa, giải thích một cách máy móc các điều khoản của Luật biển như khoản b điều 1, Công ước Thềm lục địa năm 1958, khoản 2 điều 121, Công ước Luật biển 1982, Trung Quốc đã yêu sách các đảo phải có đầy đủ vùng lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, thềm lục địa và đặc quyền kinh tế.[23]  

 

Hội nghị lần thứ 3 của Liên Hợp Quốc về Luật biển đã thảo luận khả năng đính kèm một bảo lưu đặc biệt vào văn kiện cuối cùng của hội nghị, quy định các đảo nhỏ (đặc biệt là những đảo không có người định cư một cách lâu dài và nằm ở một khoảng cách khá xa so với thềm lục địa của quốc gia ven biển có chủ quyền) chỉ có thể có lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải chứ không thể có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế. Điều khoản  này không được thông qua do thiếu đồng thuận giữa các quốc gia tham gia Hội nghị (các nghị quyết tại Hội nghị phải được thông qua bằng đồng thuận và phái đoàn Trung Quốc đã bỏ phiếu chống).  Thất bại trong việc thông qua một văn kiện pháp lý phù hợp là nguyên nhân mà một vài quốc gia, trong đó có Trung Hoa lục địa, giải thích những điều khoản có liên quan một cách máy móc về mặt ngữ nghĩa.

 

Trước sự phản đối kiên quyết của các nước khác trong khu vực về cách giải thích chủ quyền trên những đảo nằm trong khu vực thềm lục địa Biển Đông, Trung Quốc đã tạo ra một hoàn cảnh cho phép họ được khai thác và tiến hành các hoạt động khác trên vùng thềm một cách hợp pháp, tạo cơ sở vững chắc cho những yêu sách  tiếp sau đây đối với vùng này.

 

Năm 1984, Đặng Tiểu Bình, lúc đó còn là Phó Thủ tướng Trung Quốc, trong một cuộc họp với phái đoàn của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Georgetown, D.C, đã đưa ra quan điểm, mà theo ông ta, là cơ sở để giải quyết một số tranh chấp quốc tế nhất định. Một cách ngắn gọn, quan điểm này được giải thích như sau: “thay vì đàm phán về các quyền chủ quyền, một số tranh chấp lãnh thổ có thể được giải quyết, trước tiên, bằng việc thiết lập các vùng khai thác chung tại khu vực lãnh thổ đang tranh chấp. Đối với những vấn đề dạng này, cần phải tìm ra cách giải quyết thay thế, dựa trên những diễn biến thực tế.”[24]

 

Mặc dù đã liên tục khẳng định tất cả các đảo, đá và đảo san hô trong khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của mình kể từ thời xa xưa, Trung Quốc trên thực tế chỉ có mặt tại khu vực này kể từ tháng 3 năm 1988. Động thái yêu sách chủ quyền đối với các đảo san hô và đảo đá thậm chí không nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc đã vấp phải những phản ứng tiêu cực từ các quốc gia ASEAN và, tất nhiên, những đồng mình thân thiết của họ là Mỹ và Nhật. Trong hàng loạt các vấn đề khác nhau, những nước này đặc biệt lo ngại khả năng tình hình sẽ xấu đi sau hành động tiến vào khu vực của Trung Quốc cũng như những hiểm hoạ đối với an ninh của các tuyến đường biển quốc tế chạy qua khu vực này.

 

Ở một mức độ nhất định, những lo ngại này càng gia tăng sau sự kiện một tờ báo quân đội của Trung Quốc cho xuất bản bài viết về biên giới trên biển của quốc gia. Xuất hiện trên báo quân đội Jiefangjun ( Giải phóng quân ) số ra ngày 3/4/1988, bài viết đưa ra hai loại biên giới quốc tế - một “đường biên giới địa lý” và “đường biên giới chiến lược 3 chiều” bao gồm đường biên giới trên bộ, trên biển và trên không. Về “đường biên giới địa lý,” bài báo giải thích: đó là đường biên giới tương đối ổn định được quy định trong các văn kiện pháp lý, vạch ra trên thực tế và thể hiện trên bản đồ. Liên quan tới loại biên giới còn lại, bài báo không đưa ra cơ sở pháp lý cho “đường biên giới chiến lược”, việc hình thành và xác lập đường này dựa trên tiềm lực quân sự của quốc gia; đường này phản ánh “sức mạnh của quốc gia nói chung. Nó phục vụ cho những lợi ích sống còn, kinh tế, an ninh và khám phá khoa học của quốc gia này.”

 

Bài báo chỉ ra rằng Trung Quốc có trên 3 triệu km2 bề mặt biển, tương đương với 1/3 diện tích đất liền của quốc gia này. Bài báo cũng cho hay “Trong một khoảng thời gian dài, chúng ta đã quá chú trọng đến việc bảo vệ an ninh trên bộ và chấp nhận áp dụng quy tắc 12 hải lý cho chiều rộng lãnh hải. Ranh giới ngoài của lãnh hải được chúng ta coi như “Biên giới quốc gia”. Nhận thức như vậy là hạn hẹp. Đối mặt với những đe doạ và thay đổi tiềm tàng trên thực tế, chúng ta nên đẩy đường biên giới này ra tới vùng biển có diện tích bề mặt vào khoảng 3 triệu km2. Hoạt động kiểm soát hữu hiệu trong một khoảng thời gian dài đối với vùng chiến lược nằm ngoài các hạn mức về mặt địa lý, cuối cùng, sẽ cho phép chúng ta đẩy đường biên giới địa lý ra xa hơn.”

 

Nếu nghiên cứu bài báo một cách kỹ lưỡng hơn, có thể kết luận rằng việc tồn tại một đường “biên giới chiến lược”, theo quan điểm của Bắc Kinh, ban đầu không nhằm để mở rộng lãnh thổ. Vùng lãnh thổ mở rộng dường như chỉ được coi là “vùng lợi ích an ninh và các lợi ích gia tăng.” Tuy nhiên, cần nhớ rằng học thuyết này dựa trên một giả định có từ trước về việc không một quốc gia nào khác ngoài Trung Quốc đã thực hiện quyền “kiểm soát hữu hiệu” trên khu vực có liên quan và hành động kiểm soát được tiến hành “trong một khoảng thời gian dài” nhất định sẽ dẫn tới kết quả là đường biên giới địa lý được “kéo dán” và trở thành đường “biên giới chiến lược” vốn đã tồn tại trước đó. Học thuyết này làm nảy sinh nhu cầu phải xác định một đường biên giới “chiến lược” mới và, do đó, khu vực nằm giữa đường biên giới “địa lý” và đường biên giới “chiến lược”, do Trung Quốc kiểm soát, “sau một khoảng thời gian dài” sẽ tất yếu giúp dịch chuyển của đường “biên giới địa lý” ra xa hơn.

 

Thứ nhất, sự ra đời của học thuyết này là minh chứng cho thấy Trung Quốc, trước đó, đã xem xét lại nhiệm vụ và chức năng của hải quân. Nếu trước đây, hải quân chỉ có nhiệm vụ bảo đảm hệ thống phòng thủ ven biển thì nay, với nhận thức mới, để đảm bảo “kiểm soát một cách hữu hiệu” khu vực nằm giữa đường biên giới “địa lý” và đường biên giới “chiến lược” trong khu vực biển liền kề bờ biển Trung Quốc (khu vực này nằm cách bờ biển một khoảng cách đáng kể), hải quân phải trở thành lực lượng khai phá. Học thuyết này được củng cố bằng các hoạt động tuần tra và tập trận dài ngày của tàu chiến Trung Quốc trên vùng biển cả, bao gồm cả vùng Biển Đông cuối những năm 1970, đầu 1980.

 

Thứ hai, một điểm đáng chú ý là xung đột trên quần đảo Hoàng Sa diễn ra vào năm 1974, khi hải quân Trung Hoa tấn công và chiếm đóng nhóm đảo Lưỡi liềm, cũng như kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đã khiến các quốc gia Đông Nam Á càng tin rằng Trung Quốc đang thực sự mở rộng tầm kiểm soát lên toàn bộ các đảo trong khu vực Biển Đông. Trước đó hàng loạt văn kiện chính thức liên quan tới vấn đề này được xuất bản. Báo chí Indonesia thậm chí còn đưa ra giả thuyết về sự tồn tại của chiến lược “tiến xuống phía nam bằng đường biển” trong giới lãnh đạo Trung Hoa và rằng có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ dần chiếm đóng tất cả các đảo trong Biển Đông để xây dựng các bãi phóng tên lửa và căn cứ hỗ trợ.[25]

 

Những giả định của báo chí Indonesia không phải không có căn cứ nếu nhìn vào hành động của hải quân Trung Quốc tháng 3/1988, ngay trước khi bài báo trên tờ Jiefangjun ( Giải phóng quân ) được phát hành. Tháng 3/1988, Trung Quốc chiếm đóng hàng loạt các đảo nằm ở phía đông bắc trong khu vực quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, tất cả các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng vào thời điểm đó là lãnh thổ vô chủ. Hay nói một cách khác, mặc dù không ngừng tìm cách xác lập sự hiện diện của mình ở khu vực, Trung Quốc cũng đồng thời cố gắng tránh các xung đột có thể gây tổn hại tới tình hình chung của khu vực cũng như vị thế của mình trên trường quốc tế.

 

Liên quan tới giả định về chiến lược “tiến xuống phía nam bằng đường biển”, một sự kiện vào thời điểm đó cần được quan tâm là việc một đảo san hô - đảo Chữ Thập (được đặt theo tên của một nhà thám hiểm, tên tiếng Trung là Yongshujiao, tiếng Việt là đảo Chữ Thập) vốn nằm trong vòng chiếm đóng của Trung Quốc đã được sử dụng để xây dựng một đảo nhân tạo và một sân bay, theo một báo cáo xuất bản trên Renmin Ribao ( Nhật báo Nhân ) dân số ra ngày 12/6/1988. Nhiều năm sau đó, các quan sát viên quốc tế cho hay, trên đảo có một đường bay được xây dựng dành riêng cho các máy bay chiến đấu loại SU tối tân, và một căn cứ quân sự gần giống như căn cứ được xây trên đảo Phú Lâm nằm trong nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Một chi tiết không kém phần quan trọng khác là đảo Chữ Thập nằm rất gần tuyến đường hàng hải nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và căn cứ hỗ trợ của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.

 

Tuy nhiên, có một sự thật là: vì bài báo đăng trên tờ Jiefangjun (Giải phóng quân) có nội dung trái ngược với tuyên bố trước đó của Trung Quốc về việc nước này sẵn sàng gạt sang một bên những tranh chấp về chủ quyền trên các đảo trong khu vực để hợp tác với các quốc gia ASEAN xây dựng vùng khai thác chung trên thềm lục địa, do đó, trong một thời gian dài, vấn đề biên giới trên biển không được báo chí Trung Quốc nhắc đến nữa.

 

Giữa những năm 1990, nổi lên một tư tưởng khác nhằm củng cố cho các yêu sách của Trung Quốc đối với không chỉ những vùng mặt nước của Biển Đông mà cả các đảo nằm trên đó. Năm 1995, Viện Xung đột và Hợp tác Toàn cầu của Đại học California, Mỹ đã xuất bản báo cáo của một học giả Trung Quốc, Giáo sư Ji Guoxing (người đã được nhắc đến ở trên). Đề cập tới nhiều nội dung khác nhau, báo cáo có nhắc tới yêu sách của Trung Quốc đối với vùng thềm lục địa của Biển Đông.

 

Tác giả mở đầu bài viết bằng khẳng định: Trung Quốc đã phát hiện ra các đảo trong Biển Đông từ 2.100 năm trước đây và sự thật lịch sử này mang lại cho Trung Quốc quyền sở hữu của người khai phá. Vào thế kỷ 15, những đảo này được xem là một phần lãnh thổ của Đế chế Trung Hoa.[26] Theo cách đánh giá của tác giả, những dữ kiện này tạo cơ sở vững chắc để khẳng định Trung Quốc đã thực hiện chủ quyền và quyền tài phán một cách lâu dài trên Biển Đông, và phần biển trung tâm - phần nằm giữa đảo Thị Tứ ở phía bắc, đảo đá Amboina Key ở phía Nam, đảo Nam Sa và đảo đá Commodore ở phía Đông và đảo Trường Sa ở phía Tây được xem là “vùng nước lịch sử” của Trung Quốc. Và theo điều 2, Hiệp ước San Francisco, chủ quyền đối với vùng này và các đảo bao quanh phải được trả về cho Trung Quốc.[27]

 

Cần phải thấy ngay rằng, lập luận của Trung Quốc không thể dựa vào điều 2 Hiệp ước San Francisco. Khoản (f) điều 2 ghi rõ: “Nhật sẽ từ bỏ các quyền và yêu sách đối với hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”[28] Như vậy, Hiệp ước chỉ ghi nhận nghĩa vụ của Nhật phải từ bỏ quyền chiếm hữu đối với các vùng lãnh thổ kể trên chứ không đề cập tới việc quyền này trong tương lai có tự động chuyển sang cho quốc gia khác hay không. Thú vị ở chỗ, lập luận tương tự về chủ quyền đã từng bị chỉ trích bởi chính Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Chu Ân Lai trong văn kiện gửi Hội nghị San Francisco để đóng góp ý kiến cho dự thảo Hiệp ước với Nhật ngày 15/8/1951.[29]

 

Một điểm thiếu hợp lý nữa trong bài viết của Giáo sư Ji liên quan tới cách xác định “vùng nước lịch sử.” Theo Giáo sư, vùng biển rộng lớn bao gồm quần đảo Trường Sa và các vùng có trữ lượng dầu mỏ dồi dào nằm trong yêu sách của Trung Quốc không phải một phần của biển cả mà là “vùng nước lịch sử” và thuộc nội thuỷ của quốc gia này. Tính thiếu xác đáng của lập luận này nằm ở chỗ khái niệm “vùng nước lịch sử” là khái niệm hầu như không phát triển trong luật biển hiện đại. Trong một số trường hợp, khái niệm này được dùng để chỉ các khu vực ven bờ, đặc biệt là các vịnh vốn được coi là vùng nội thuỷ trước đây nhưng nay không thoả mãn định nghĩa mới về nội thuỷ theo quy định của luật biển hiện đại. Theo quan điểm của các luật gia, để một vùng nước của quốc gia ven biển được hưởng quy chế của vùng nước lịch sử, các điều kiện cơ bản cần thoả mãn bao gồm: quốc gia ven biển phải thực hiện chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối trên khu vực đó trong một khoảng thời gian dài và hành động đó không bị các quốc gia khác phản đối.

 

Trong trường hợp của Nga, bên cạnh vô vàn vịnh, vùng nước lịch sử của nước này luôn bao gồm một vùng nước thuộc các biển bắc (bao gồm biển Kara, Laptevs, Đông Siberia) bởi cùng với vùng nước phía đông và tây của những biển này, các vùng này đã tạo nên Đường biển Bắc hay Luồng Đông Bắc tồn tại cho tới tận đầu thế kỷ 20. Luồng hàng hải này chạy dọc theo bờ biển và luôn nằm dưới quyền tài phán của Nga. Hơn thế nữa, nó được sử dụng rộng rãi bởi các tàu thuyền của Nga (thậm chí một số phương tiện chỉ đăng ký đi trên tuyến đường này). Ngoài ra, do điều kiện địa lý và khí hậu của khu vực này, tàu thuyền buộc phải sử dụng dịch vụ phá băng và hoa tiêu để đi tới các vùng biển Bắc cực cũng như các dịch vụ thuỷ văn học khác do Nga cung cấp độc quyền. Một nhân tố quan trọng khác quyết định quy chế “vùng nước lịch sử” của các vùng biển này là tầm quan trọng của nó đối với an ninh và kinh tế Nga.

 

Tuyên bố một phần Biển Đông, vốn nằm giữa biển cả, là “vùng nước lịch sử” của Trung Quốc là vô căn cứ, xét cả về mặt pháp lý lẫn lịch sử.

 

Theo khía cạnh pháp lý, ngay từ thời xa xưa, cha đẻ của Luật Quốc tế Hugo Grotius đã phát triển một trong những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế còn tồn tại cho đến ngày nay. Nguyên tắc đó chỉ rõ: biển cả không thuộc sở hữu của bất cứ quốc gia nào. “Biển cả để mở cho tất cả các quốc gia” vẫn được coi là nguyên tắc nền tảng cho luật biển hiện đại. Điều 87, Công ước Luật biển 1982 gần như đã ghi lại nguyên văn nguyên tắc này còn điều 89 mở rộng hơn khi quy định: “Không một quốc gia nào có thể yêu sách đặt một phần nào đó của biển cả vào lãnh thổ của mình.” [30]

 

Như đã chứng minh ở trên, không có một bằng chứng lịch sử nào cho thấy đã từng có hoạt động định cư trên bất cứ đảo nào trong khu vực Biển Đông. Một phần có lẽ do điều kiện tự nhiên của những đảo này. Phần lớn các đảo trong khu vực đều quá nhỏ để cộng đồng dân cư trên đó có thể sinh sống một cách độc lập, không cần sự hỗ trợ từ đất liền. Việc các công dân Trung Quốc định cư trên các hòn đảo xa đất liền hàng trăm km và việc thường xuyên qua lại các đảo đó, nếu có, rõ ràng sẽ vi phạm lệnh “cấm ra biển” của chính quyền trung ương và không thể được dung thứ.

 

Việc thiếu một cộng đồng dân cư và tình trạng bị bỏ hoang của các đảo làm mất đi giá trị của những tuyên bố về chủ quyền và quyền tài phán được đưa ra bởi bất cứ quốc gia nào trong quá khứ đối với các đảo này cũng như vùng nước xung quanh chúng.

 

Trong những năm gần đây, việc xác định chủ quyền của một quốc gia đối với các đảo bị bỏ hoang hoặc vô chủ được quy định phải dựa vào hoạt động chiếm hữu hữu hiệu và gắn kết đời sống của đảo với đời sống kinh tế của quốc gia đó. Về mặt lý thuyết, dường như các quốc gia trong khu vực Biển Đông đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

 

Mặc dù vậy, sẽ là thiếu sót nếu nhận định rằng các quốc gia trong khu vực đều phản đối việc Trung Quốc tham gia vào các hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên trên thềm lục địa trong khu vực quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, các quốc gia đều ưu tiên yêu sách các quyền và lợi ích tuyệt đối trên những vùng quốc gia đó tìm ra đầu tiên (ab initio). Các quốc gia này cũng luôn tìm cách dập tắt ý tưởng của bất cứ quốc gia nào khác về khả năng chiếm hữu một vài đảo san hô có diện tích chỉ khoảng 10 – 12 km2 cho phép quốc gia đó đưa ra yêu sách chủ quyền đối với cả vùng biển rộng vài ngàn cây số vuông và gây tổn hại tới lợi ích của quốc gia ven biển khác.

 

Bất kể tình hình trong khu vực hiện nay đang diễn tiến ra sao, các quốc gia dường như đã sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc nhằm đạt được thoả thuận về một khu vực xác định dành riêng cho các hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên đáy của Trung Quốc. Thực tế, nhiều lựa chọn đã được đưa ra cho Trung Quốc. Tất cả các lựa chọn này dựa trên quan điểm là khu vực xác định dành cho Trung Quốc sẽ nằm trong thềm Sunda và ngoài khu vực thềm lục địa của các quốc gia ven biển khác.[31]

 

Nếu đạt được thoả thuận như trên, Trung Quốc sẽ chỉ có thể tiến hành các hoạt động “thăm dò và khai thác tài nguyên” như quy định trong điều 77 của Công ước Luật biển 1982 trên một phần thềm lục địa hạn chế.[32] Tương tự như vậy đối với các hoạt động trên khu vực đáy biển nằm ngoài quyền tài phán của quốc gia này (khu vực này còn được gọi là Vùng theo quy định của Công ước).[33] Những hoạt động trên Vùng được quy định hoàn toàn khác so với các quy định về những hoạt động quốc gia ven biển được phép thực hiện trên thềm lục địa của mình.[34]

 

Quay trở lại với quan điểm của Trung Quốc về vấn đề này, Trung Quốc chưa bao giờ chính thức đưa ra một giới hạn rõ ràng về vùng biển nằm trong yêu sách thềm lục địa của mình. Tất cả các tài liệu của Trung Quốc chỉ nhắc đến các đảo và vùng nước xung quanh một cách chung chung. Giáo sư Ji Guoxing là người đầu tiên đưa ra giới hạn chính xác vùng yêu sách của Trung Quốc. Tuy nhiên, cần chú ý: khẳng định của Giáo sư Ji Guoxing về các “vùng nước lịch sử” của Trung Quốc chưa từng nhận được bất cứ phản hồi nào, ít nhất là một cách chính thức, từ chính quyền trung ương.

 

Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn bác bỏ mọi khả năng nước này tham gia vào các dự án thăm dò và khai thác đáy biển thuộc vùng Biển Đông trừ khi họ xác lập được quyền chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ tự nhiên có đặc điểm địa chất như đảo, nằm trong khu vực này. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, quyền sở hữu đối với các đảo đã được thiết lập trên 25 năm qua và một hệ thống chính trị mới đã được hình thành ở khu vực. Với việc Philippine, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan đã có các hoạt động chiếm hữu hữu hiệu trên các đảo nằm trong tính toán chiến lược của họ (như xây dựng các trạm quân sự, khu định cư, các cơ sở sản xuất, sân bay, và quan trọng hơn, thiết lập bộ máy chính quyền địa phương), các yêu sách của Trung Quốc về quyền chủ quyền đối với các đảo (đương nhiên là trừ 7 đảo san hô và đảo đá nước này đã chiếm đóng một cách thực tế từ năm 1988) thể hiện liên tục trong các văn kiện chính thức, được củng cố bằng các lập luận mang tính lịch sử một cách chung chung chẳng hơn gì những tham vọng hão huyền. Hơn thế nữa, yêu sách này của Trung Quốc còn là rào cản đối với những đề xuất mang tính xây dựng nhằm giải quyết các xung đột cũng như việc hình thành mối quan hệ hàng xóm thân thiện giữa Trung Quốc với các quốc gia khác trong khu vực vốn đã luôn lo ngại và hồ nghi về thiện chí hợp tác của Trung Quốc.

 

Cũng vào thời điểm đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra ngày càng quan tâm hơn tới việc bình thường hoá, mở rộng và thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia trong khu vực cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhằm đạt được một thoả thuận dựa trên công thức của Đặng Tiểu Bình. Chính những thay đổi này đặt ra cho Trung Quốc nhiệm vụ phải điều chỉnh chính sách dành cho các đảo của mình. Đầu những năm 1990, tuyên bố liên quan tới “quyền chiếm hữu lịch sử” đối với các đảo dần dần bị thay thế bởi khẳng định Trung Quốc sẵn sàng đối thoại để giải quyết các xung đột khu vực, phù hợp với các quy định của luật quốc tế và Công ước luật biển năm 1982. Hơn thế, các quan chức Trung Quốc còn liên tục nhấn mạnh: nếu các cuộc đối thoại không có tiến triển gì, tất cả những xung đột về lãnh thổ sẽ được gạt sang một bên cho tới khi “những điều kiện cần thiết cho việc giải quyết đã chín muồi”. Trong thời gian chờ đợi, các bên sẽ cùng nhau thiết lập vùng khai thác chung trên vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Theo cách tiếp cận của họ, đây là phương thức nhằm giữ tình hình trong tầm kiểm soát và tránh những hậu quả tiêu cực hay làm gia tăng bất đồng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khai thác chung nguồn tài nguyên trên thềm lục địa.

 

Nói một cách khác, mặc dù không từ bỏ yêu sách quyền chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa, Trung Quốc cũng không còn nhất quyết theo đuổi một giải pháp cho vấn đề này. Thay vào đó, họ đề nghị coi các xung đột lãnh thổ trong khu vực là những “xung đột ngoài lề” và để nhiệm vụ giải quyết vấn đề cho “các thế hệ tương lai”. Chính sách này cũng được áp dụng đối với xung đột liên quan tới đảo Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

 

Việc phương thức tiếp cận này dần trở thành một phần chính sách của Trung Quốc đối với những bất đồng ngày càng gia tăng trên khu vực Biển Đông cũng được Giáo sư Ji Guoxing đề cập tới trong các tác phẩm của ông. Cụ thể, trong một bài viết của mình, Giáo sư có phân tích: “đối với những xung đột hiện tại trên quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đang cố gắng giữ quan điểm hoà hảo: “tạm gạt sang một bên những bất đồng và cùng nhau xây dựng vùng khai thác chung” và hoà bình giải quyết các xung đột, phù hợp với Công ước Luật biển của Liên Hợp quốc.” Tuy nhiên, Giáo sư Ji Guoxing cũng không để lỡ cơ hội để nhấn mạnh một lần nữa lập trường các đảo trên Biển Đông từ lâu đã là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và rằng nước này “có nghĩa vụ phải bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và những quyền, lợi ích của mình trên biển.”[35]

 

Một minh chứng khác cho thấy Trung Quốc đang cố gắng nâng cách tiếp cận này thành chính sách của mình đối với khu vực thể hiện ở việc nước này tham gia Tuyên bố về Cách xử của các bên ở Biển Đông, được Trung Quốc và các nước ASEAN thông qua năm 2002. Trên hết, bản Tuyên bố thể hiện một cách rõ nét quyết tâm của các bên ký kết sẽ tuân thủ những mục tiêu và nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hợp quốc, Công ước Luật biển năm 1982, Hiệp ước Hợp tác và Quan hệ thân thiện, năm nguyên tắc tồn tại hoà bình và các nguyên tắc khác trong luật quốc tế vốn được coi là nền tảng cho quan hệ giữa các quốc gia này.

 

Đoạn 4 của Tuyên bố có tầm quan trọng đặc biệt. Đầu tiên, nó chứa đựng khẳng định của các bên tham gia ký kết sẽ sử dụng biện pháp hoà bình để giải quyết những tranh chấp về lãnh thổ và pháp lý (bao gồm cả những tranh chấp giữa các quốc gia ASEAN với nhau và giữa các quốc gia này với Trung Quốc). Cụ thể, các biện pháp đó bao gồm tham vấn và đối thoại thân thiện, không viện tới các biện pháp đe doạ sử dụng và sử dụng vũ lực. Các bên ký kết cũng nhấn mạnh, các cuộc tham vấn và đối thoại sẽ được tiến hành “phù hợp với các nguyên tắc luật quốc tế được thừa nhận chung, bao gồm cả Công ước Luật biển 1982 của Liên Hợp quốc.” Thứ hai, ngôn ngữ của đoạn này đã giải thích một cách rõ ràng nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp được nhắc tới trong Tuyên bố và các nguyên tắc chung chỉ áp dụng đối với “ các quốc gia có chủ quyền có liên quan một cách trực tiếp” tới tranh chấp.

 

Quan trọng không kém là một điều khoản trong đoạn 5. Theo đó, các quốc gia ký kết đã đồng ý sẽ kiềm chế các hành động có thể làm trầm trọng hơn xung đột hiện tại, đe doạ tới hoà bình và ổn định khu vực. Cụ thể, các hành động này có thể là những hành vi khai phá các đảo, đảo đá và san hô chưa có người định cư trong khu vực.[36]

 

Văn kiện này còn chứa đựng một vài quy định khác liên quan tới mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc. Thực tế, có thể kết luận rằng: bằng việc ký vào bản Tuyên bố các quốc gia đã đồng ý thiết lập một bộ “quy tắc xử sự” mà nếu được tuân thủ một cách nghiêm ngặt và đồng bộ, sẽ mở đường cho việc giải quyết các tranh chấp đang diễn ra trong khu vực.

 

Tuy nhiên, không nên trông đợi vào khả năng bản Tuyên bố sẽ nhanh chóng giải quyết tất cả những bất đồng hiện có ở khu vực này. Tuyên bố này áp dụng đối với rất nhiều các xung đột khác ngoài xung đột giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực mặc dù, cho đến nay, đây là tranh chấp phức tạp hơn cả. Xung đột và bất đồng đối với các vấn đề liên quan tới lãnh thổ và pháp lý vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng trong mối quan hệ giữa bản thân các quốc gia trong khối ASEAN. Giống như bất cứ tranh chấp lãnh thổ nào, những tranh chấp này mang tính nhạy cảm cao và vô cùng phiền phức đối với công dân của các quốc gia liên quan. Các xung đột này, thêm nữa còn rất phức tạp sau những phát hiện về sự tồn tại của than đá trong khu vực. Việc kiểm soát nguồn than đá có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tất cả các nền kinh tế, được minh chứng qua những diễn tiến trên thị trường năng lượng thế giới trong những năm gần đây.

 

Tất cả những yếu tố này đã củng cố thêm yêu cầu đối với các quốc gia có liên quan phải áp dụng cách tiếp cận thận trọng và bình tĩnh để củng cố các khái niệm và nguyên tăc cơ bản, mở đường cho việc giải quyết các tranh chấp, hay đơn giản chỉ là tiến thêm một bước trong tiến trình giải quyết tranh chấp.

 

Một điểm lưu ý khác có ảnh hưởng tới khả năng giải quyết các tranh chấp là trong nhiều năm, các quốc gia trong khu vực luôn có tư tưởng ngờ vực các chính sách của Trung Quốc cũng như tính chân thực trong lời kêu gọi của quốc gia này về việc tiến hành các hoạt động thăm dò và khai thác chung trên những vùng tranh chấp. Các quốc gia luôn nghi ngại liệu những lời kêu gọi đó chỉ là tấm màn che cho một tham vọng mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc ra các khu vực yêu sách hay không. Thời gian cũng là yếu tố cần thiết để giải quyết “những tàn tích của lịch sử” này. Và, cuối cùng, Trung Quốc và các quốc gia ký kết khác đều chịu sự ràng buộc chặt chẽ của những nguyên tắc được xây dựng trong văn kiện Tuyên bố năm 2002.

 

Dựa vào những phân tích trên cũng như xem xét thái độ của các quốc gia trong khu vực có liên quan, có thể kết luận rằng cần một thời gian dài nữa để những quốc gia này có thể đi đến một giải pháp chung tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thăm dò và khai thác chung các tài nguyên đáy.

 

Nếu xem xét một cách tích cực, thoả thuận đạt được giữa Trung Quốc, Philipine và việt Nam năm 2004 quy định các hoạt động thăm dò địa chấn chung có thể được xem như một dấu hiệu cho thấy tất cả các quốc gia trong khu vực đều cố gắng tuân thủ những điều ước đã gia nhập cũng như nỗ lực bình thường hoá diễn tiến trên một phần Biển Đông. Hành động theo đúng thoả thuận, các quốc gia thành viên đã tiến hành thăm dò vùng thềm lục địa rộng khoảng 140.000 km2 vào năm 2005 và đang lên kế hoạch tiến hành các dự án chung.                 

 

Evgeny STEPANOV

Người dịch: Đinh Ngân Hà

 

Bản gốc: Evegeny STEPANOV, "THE SOUTH CHINA SEA: ISLANDS ON THE CONTINENTAL SHELF" đăng trên "Far Eastern Affairs" tháng 4 - 2006.

(Bài dịch tiếng việt đăng trên www.nghiencuubiendong.vn với sự  đồng ý của tác giả. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không cắt bài đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ)
 



GHI CHÚ:

[1] Ji Guoxing, “Maritime Jurisdiction in the Three China Seas” [Quyền tài phán hàng hải trên 3 biển Trung Hoa], Institute on Global Conflict and Cooperation, University of California, Political Paper 19, October 1995, tr. 14

[2] Theo định nghĩa trong khoa học địa chất, biển nửa kín là vùng biển bị đất liền bao bọc một phần hoặc bị các đảo chia tách khỏi đại dương hoặc một biển liền kề, có hoặc không thông với một biển khác hay đại dương qua một cửa hẹp. Theo quy định chung, các biển nửa kín sẽ có quy chế luồng và vùng riêng. Khái niệm “biển nửa kín” được công thức hoá và đưa vào Công ước luật biển 1982 của Liên Hợp quốc. Công ước định nghĩa biển nửa kín là một vùng biển do nhiều quốc gia bao bọc xung quanh và thông với một biển khác hay với đại dương qua một cửa hẹp, hoặc là hoàn toàn hay chủ yếu do các lãnh hải và các vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia tạo thành. 

[3] Ví dụ, xem thêm, Chu Shaotang, “Geography of New China” [Địa lý Tân Trung Hoa], Moscow, 1953, tr. 170

[4] Từ khi xuất hiện khái niệm này trong lịch sử, một vùng đất chỉ được coi là đảo trên biển cả nếu vùng đó luôn nổi trên mặt nước khi thuỷ triều lên. Do đó, cách giải thích này được pháp điển hoá trong Điều 10, Công ước Geneva về vùng lãnh hải (xem: “International Law in Documents” [Các văn kiện luật quốc tế], Moscow, 1969, tr. 123) và Điều 121, Công ước Luật biển 1982 của LHQ (xem: Luật Biển. Bản chính thức của Công ước Luật biển của LHQ, với phần phụ lục và phần mục lục, New York, 1984, tr. 58). Cả hai văn kiện này đều ám chỉ đảo là “vùng đất hình thành tự nhiên, có nước bao bọc, và luôn nổi trên mặt nước khi thuỷ triều lên.”

[5] Shier, P. “Die jungsten militarischen Auseinandersetzungen zwischen China und Vietnam in Sudchinesischen Meer und die gegenwartigen Besitzerhaltnisse im Spratly Archipel.” Trong: China-aktuell, 7/1988, tr. 576

[6] Ví dụ, một tàu của Đức có tên là Bellona và một tàu của Nhật Bản có tên là Imega Maru, đều vận chuyển đồng đỏ của Anh bị chìm tại vùng nước nông ngoài khơi nhóm đảo Amphitrite [nhóm đảo phía Đông - nd] của quần đảo Hoàng Sa vào những năm 1980.  Sau đó, một vài mẫu vật đồng đỏ được tìm thấy trên đảo Hải Nam, Trung Quốc. Hàng hoá trên con tàu đắm vẫn là tài sản của Anh. Giả định rằng người Hoa đã trục vớt những mẫu vật này trong vùng lãnh hải của Trung Quốc, ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa mà không được sự cho phép của chủ tài sản người Anh. Đại biện Anh ở Bắc Kinh đã gửi công văn phản đối lên chính quyền trung ương. Cục ngoại vụ Trung Hoa, Zongli yamin, liên tục khẳng định rằng Trung Quốc không chịu trách nhiệm cho các hành vi đánh cắp tài sản trên con tàu đắm bởi quần đảo Hoàng Sa không thuộc về Trung Quốc (Tran-Minh Triet, “L’aggression sino-communiste des iles Parasel vietnaminnese (Le guerre pour la paix),” Paris, 1975, tr. 13).

[7] “Summary on ParacelIslands” [Bản tổng kết về quần đảo Hoàng Sa], Bad Godesberg, 1974, tr. 2.

[8] Ví dụ, xem: People’s China [Trung Quốc của mọi người], 1956, số 13, tr. 26.

[9] Heinzig, D., “DisputedIslands in the South China Sea” [Các vùng đảo tranh chấp trong biển Nam Trung Hoa], Wiesbaden, 1976, tr. 30.

[10] Mingbao yuekan (Hongkong), 1974, tập 9, số 5 (101), tr. 4; Peking Review, 1959, số 9, tr. 21.

[11] “The Hoang Sa and Truong Sa Archipelagoes (Paracels and Spratly)”, Tập II, Hanoi, 1985, tr. 131.

[12] People’s China, 1951, Tập IV, số 5, phần bổ sung, tr. 7.

[13] Digest of International law [Tập san Luật quốc tế], Tập 3, Washington, 1964, tr. 595.

[14] Collection of Foreing Policy Documents of the PRC [Tập hợp các văn kiện chính sách đối ngoại của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa], số 2, Bắc Kinh, 1958, tr. 32 (bằng tiếng Trung Quốc).

[15] Ví dụ, xem: The Map of China, Shanghai, 1950, An Atlas of Provinces of the PRC, 1951, Map 42 (cả hai đều bằng tiếng Trung Quốc).

[16] Remin ribao [Nhật báo Nhân dân], 21/1/1974.

[17] Để biết thêm chi tiết, xem thêm, Oppenheim, L., “International Law,” Vol 1, sub-volumne 2, Moscow, 1949, tr. 131 – 132.

[18] Heinzig, D., trích dẫn trên, tr. 23. Để biết thêm chi tiết về lệnh “cấm ra biển”, xem: “China’s Boundaries: A History of Foundation” [Biên giới Trung Quốc: Một lịch sử hình thành], Moscow, 2001, tr. 403 – 413.

[19] International law in Documents, tr. 139.

[20] Như trích dẫn trên

[21] The Law of the Sea, tr. 40.

[22] “North Sea Continential Shelf,” International Court Reports 1969, The Hague, 1969, tr. 23.

[23] International law in Documents, tr. 39; The Law of the Sea, tr. 59.

[24] Deng Xiaoping [Đặng Tiểu Bình], Fundamental Problems of Modern China [Các vấn đề nền tảng của Trung Quốc hiện đại], Moscow, 1988, tr. 53.

[25] Indonesian Observer, 22/6/1976

[26] Ji Guoxing, “Maritime Jurisdiction…,” tr. 15. Đáng chú ý, một trong những bản đồ được xuất bản sớm nhất ở Trung Quốc có vẽ (trong một trang rời, sau này đã trở thành quy ước trong ngành bản đồ) các đảo trong biển Nam Trung Hoa, bao gồm các đảo San hô, là tấm bản đồ được xuất bản trong The Chinese Yearbook [Niên giám Trung Quốc], 1936 – 1937, Thượng Hải, 1937. 

[27] Như trích dẫn trên, tr. 14 và 23.

[28] Maki, J.M. (tái bản), “Selected Documents. Far Eastern International Relations (1689 – 1951),” University of Washington Press, 1957, tr. 284.

[29] Collection of Foreign Policy Documents of the PRC, số 2, tr. 32.

[30] Xem: The Law of the Sea, tr. 45 – 46.

[31] Công ước Luật Biển 1982 quy định trong điều 76, thềm lục địa của quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó “cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bở ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn.” In những trường hợp khi đường biên giới dưới nước của lãnh thổ đất liền dài hơn 200 hải lý, quốc gia ven biển có thể, sau khi được Cơ quan Quyền lực đáy đại dương cho phép, gia tăng chiều rộng thềm lục địa, nhưng không được quá giới hạn 350 hải lý (khoảng 630km). (The Law of the Sea, tr. 40 – 41).

[32] Như trích dẫn trên, tr. 41.

[33] Như trích dẫn trên, Điều 1 Công ước, tr. 3.

[34] Để biết thêm chi tiết, xem Trích dẫn trên, Phần IX của Công ước, tr. 63 – 78.

[35] Ji Guoxing, “China Versus South China Sea Security.” Trong: Securiy Dialogue, Oslo, 1998. Tập 29, số 3, tr. 101.

[36] Ocean Development and International Law, 2003, Số. 34, tr. 282 – 283.