DIẾN ĐÀN MỞ

 

Tướng RODOLFO ECARMA[200]


Tôi muốn thấy quan điểm của Hoa Kỳ về vấn đề Trường Sa và Hoàng Sa, đặc biệt bởi luận điểm của ngài về sự chuyển đổi chủ quyền so với việc sử dụng các nguồn tài nguyên đại dương. Tôi nghĩ người ta biết rằng các cường quốc về hàng hải, bao gồm Hoa Kỳ, có chủ kiến nhất định về vấn đề như thế, đặc biệt khi có liên quan đến các nguồn tài nguyên biển và lòng đất. Liệu có ích hay không khi gộp cả quan điểm của các cường quốc hàng hải khác nếu có đủ thời gian?

Giáo sư GERADO C. VALERO


Ngài đang nói tới quan điểm của Hoa Kỳ về quy chế của Trường Sa hay quy chế của các vùng nước? Tôi nghĩ rằng có sự khác biệt, đâu là quan điểm bao trùm của việc áp dụng một lối tiếp cận về hàng hải. Nếu như ngài đang xét tới việc sử dụng các nguồn tài nguyên trong các vùng nước, thì toàn bộ việc xác định đâu là bên có chủ quyền chỉ là một sự ngụy trang; chúng ta không giải quyết vấn đề thực sự. Vấn đề ở đây là lập trường của Hoa Kỳ đối với quy chế của các hòn đảo hay của các vùng nước?

Tướng R.ECARMA


Cả hai, chủ quyền đối với các đảo và sự khai thác các nguồn tài nguyên của các vùng nước.

Giáo sư  G.C.VALERO


Tôi sẽ cố gắng trả lời một cách tốt nhất trong phạm vi khả năng của mình. Theo tôi hiểu, lập trường của Hoa Kỳ đối với vấn đề chủ quyền là họ không thừa nhận bất kỳ một yêu sách nào về Trường Sa. Tất nhiên, đó là một lập trường mà Philippin đặc biệt quan tâm đến, vì các thành viên trong chính phủ Philippin đã đề nghị Hoa Kỳ thừa nhận Trường Sa là một phần lãnh thổ của Philippin trong phạm vị Hiệp ước Phòng thủ chung. Tôi sẽ dành vấn đề đó cho Giáo sư Magallona, người tôi biết có thể lý giải cặn kẽ hơn.

Tôi biết rằng, về vấn đề các nguồn tài nguyên, lập trường của Hoa Kỳ về Công ước Luật Biển có sự khác biệt. Hoa Kỳ đã không ký Công ước Luật Biển. Tuy nhiên, Tổng thống Ri-gân đã đưa ra một tuyên bố nói rằng, vấn đề liên quan tới thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, và lãnh hải, Hoa Kỳ coi các điều khoản của Công ước Luật Biển là biểu hiện của luật tập quán quốc tế. Tôi nghĩ rằng, mối quan tâm chủ yếu của họ với Công ước quốc tế về Luật Biển là về vấn đề khai thác mỏ ở biển sâu và việc thành lập xí nghiệp. Trong bối cảnh này, nếu ngài nhìn vào bản đồ Biển Đông và cho rằng, Hoa Kỳ thừa nhận sự hợp pháp của vùng đặc quyền kinh tế, ngài sẽ nhận thấy theo như quy định của Công ước quốc tế về Luật Biển, nếu tất cả các quốc gia ven  Biển Đông đều tuyên bố một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, Biển Đông sẽ trở thành một vùng biển kín hoặc nửa kín. Có thể tranh luận rằng, Hoa Kỳ thừa nhận một quy chế như vậy trên cơ sở luật tập quán quốc tế.

 Giáo sư RENE MENDOZA[201]

Hoa Kỳ là một xã hội phức tạp. Chính phủ có thể nói một kiểu nhưng giới kinh doanh có thể nói khác. Tôi được biết rằng các lợi ích về dầu khí hiện đã được thảo luận với cả Việt Nam và Trung Quốc.

Giáo sư G.C.VALERO

Tôi biết, sự việc gần đây nhất là Trung Quốc cấp nhượng quyền cho Công ty Năng lượng Crestone trong vùng mà Việt Nam yêu sách.

Giáo sư  R.MENDOZA

Vì vậy, điều đó cũng có thể là một tuyên bố về quan điểm của Hoa Kỳ, nhưng không nhất thiết là của chính phủ. Nhưng như ngài biết đấy, chính phủ họ luôn có xu hướng bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp của họ.

Giáo sư  G.C.VALERO

Tôi nghĩ, đó cũng là quan điểm của chính phủ Trung Quốc, vì trước khi cấp nhượng quyền này cho công ty Creston tháng 5 năm 1992, tháng 2 năm đó, Trung Quốc đã ban hành luật sửa đổi Luật Các vùng nước lãnh thổ, mà về cơ bản họ yêu sách hầu hết các vùng nước ở Biển Đông và vùng tranh chấp, nơi Creston được cấp nhượng quyền. Đặc biệt Trung Quốc tuyên bố, họ sẵn sàng dùng vũ lực để ngăn chặn những nước khác sử dụng vùng này. Tất nhiên, điều này là nguyên nhân của sự tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trong chuyến viếng thăm gần đây của Thủ tướng Trung Quốc tới Việt Nam, vấn đề này đã được đặt ra, nhưng hiển nhiên vẫn chưa được giải quyết. Mặc dù Trung Quốc đã mềm mỏng hơn trong một số vấn đề nhất định liên quan tới Vịnh Bắc Bộ, vấn đề Creston rõ ràng vẫn chưa được giải quyết và theo các nguồn tin mới đây, Creston có vẻ như vẫn đang hoạt động.

Luật sư ELPIDIO M. GAMBOA[202]

Trong ba năm qua, chính phủ Inđônêsia, với nguồn ngân sách hỗ trợ của Canada đã tổ chức một loạt các hội thảo về  Biển Đông. Trên thực tế, có lẽ cuộc hội thảo lần thứ tư sẽ được tổ chức tại Manila trong năm nay. Một loạt các cuộc hội thảo này có mục đích xác định các khu vực có tranh chấp tại Biển Đông, và có lẽ cả các biện pháp để kiểm soát và giải quyết các vấn đề này.

Ý kiến đang nổi lên trong khu vực này là việc sử dụng một giải pháp khá phổ biến được biết tới với tên gọi là các hiệp định phát triển chung, nhờ đó các vấn đề về chủ quyền hay các yêu sách lãnh thổ sẽ tạm thời được đặt sang một bên cho tới khi hoạch định. Nhưng trong lúc này, các quốc gia có thể ký kết các hiệp định đa phương phát triển các nguồn tài nguyên biển trong vùng. Chính vì bối cảnh này mà tôi thấy rất thú vị, việc trước đó ngài nói rằng, ngài đang viết một bài về vấn đề này; vì vậy, tôi băn khoăn không biết liệu bài viết đó cũng như những gì ngài thảo luận trước đây - danh nghĩa lịch sử, các hiệp định quốc tế, và hiệu lực của sự chiếm hữu như những phương thức được thừa nhận của việc thủ đắc lãnh thổ - có thể hoàn thành sớm để cung cấp cho những người theo dõi sát sao vấn đề Trường Sa hay không. Như ngài có thể đã biết, một số người trong cuộc hội thảo này đang tham gia các hội thảo về Biển Đông do Inđônêsia tổ chức, và các bài viết như của ngài có thể sẽ cung cấp thêm kinh nghiệm cho họ, nếu như không muốn nói là kiến thức cho họ về lĩnh vực này. Liệu ngài có thể cho chúng tôi biết, khi nào thì bài viết của ngài hoàn tất hay không, thưa Giáo sư Valero?

Giáo sư G.C.VALERO

Cảm ơn ngài về những ý kiến vô cùng tốt đẹp đó. Tôi nghĩ, các bản sao của bài viết sẽ được phát trong buổi họp hôm nay và tôi biết, bài viết có thể được xuất bản trong Niên giám Luật quốc tế Philippin, hy vọng là như vậy. Phần còn lại vẫn đang được viết. Như tất cả quý vị, các học giả ở đây đều biết, đó là công việc khó khăn và chúng ta càng muốn đạt được một cái gì đó nhanh chóng, thì nó lại càng khiến chúng ta mất thời gian hơn. Nhưng tôi hy vọng sẽ xúc tiến công việc này. Tôi đã viết bài này và, thông qua một vài thu xếp với Trung tâm Pháp luật, một phần của tác phẩm sẽ được đệ trình xem xét để có thể đưa ra xuất bản.

Tôi cho rằng, vừa rồi ngài nói tới loạt hội thảo tại Băng Đung và Bali. Điều khó khăn đối với tôi, là tôi phải theo dõi các sự kiện đó từ xa và tôi không thể thực sự nắm được những gì đang xảy ra, vì hầu hết thông tin mà tôi có được là do nghe lại. Nhưng theo hiểu biết của tôi, có một ý tưởng mới về phát triển chung và tạm đình chỉ các yêu sách chủ quyền. Tuy nhiên, tôi lại cảm nhận rằng, đó không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới. Có dư luận cho rằng, các bên yêu sách sẽ tạm ngừng các yêu sách, nhưng một số bên yêu sách dường như vẫn giữ các quan điểm của mình. Với các dàn xếp không chính thức như tại Băng Đung và Bali, những điều đó rất dễ thay đổi. Tất nhiên không có lời cam kết nào được đưa ra trong các cuộc hội nghị như vậy; tuy nhiên, nó cũng thể hiện những tiến bộ nhất định. Không may là, khi chúng ta thấy những gì họ làm trong khu vực này, thì lại có lý do mà lo ngại. Chúng ta thấy, luật pháp đang được ban hành và các đạo luật đang được thực thi biểu hiện một số lập trường không khoan nhượng, vì vậy, chúng ta phải nghiên cứu chính xác những gì đang được nói tới. Khi tôi muốn coi rằng, vấn đề chủ quyền đã được giải quyết hay nên bị từ bỏ, thì nó lại giống như một con rắn nhiều đầu, sau khi bạn chặt một vài đầu đi, thì bằng cách nào đó những cái đầu mới lại mọc lên.

Đại sứ  ERNESTO GARRIDO

Tôi ngờ rằng, nếu chúng ta đưa tranh chấp về quyền tài phán lãnh thổ này ra Toà án Pháp lý quốc tế thì tố tụng đó sẽ thành công bởi vì, như ngài biết, nếu hai hay nhiều bên không đồng ý với phán xử của Toà, thì chẳng có thể làm được điều gì. Chúng ta nên để vấn đề này lại cho các cuộc đối thoại tiếp theo giữa các nước tranh chấp về Trường Sa. Tôi nghĩ rằng, một trong số các yêu sách của Philippin là nhóm đảo Kalayaan gần nước chúng ta; nghĩa là, những gì chúng ta đang cố gắng nói tới là khoảng cách, đó là điểm trước tiên nên được xem xét. Nhóm đảo này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippin. Nó cũng nằm trong giới hạn 12 hải lý của quyền tài phán lãnh thổ của chúng ta, bởi vì vùng đặc quyền kinh tế được chia ra thành vùng kinh tế 188 hải lý và vùng lãnh hải 12 hải lý. Tôi nghĩ rằng, nhóm Kalayaan nằm trong phạm vi những xem xét đó. Về mặt lịch sử, tôi nghĩ, chúng ta cũng có thể nói, người Philippin đã sống tại nhóm đảo Kalayaan thậm chí từ trước khi người Tây Ban Nha tới. Tôi không biết ngài có thể kiểm tra lại điều này hay không. Nếu đúng là chúng ta đã chiếm hữu 7 đảo này (chúng ta có thể có 8 đảo) trong nhóm đó, thì chúng ta thực sự phải có yêu sách được chứng minh đối với lãnh thổ này.

Giáo sư  G.C.VALERO

Tôi sẽ giải quyết những vấn đề nổi lên tiếp theo. Về Toà án Pháp lý quốc tế, tôi đồng ý rằng, việc này không khả thi cũng không có vẻ là một giải pháp lựa chọn mà chúng ta có thể cân nhắc, do vấn đề về quyền tài phán. Tôi cũng nghĩ, ví dụ như phán quyết vụ Vịnh Fonseca của Toà án Pháp lý quốc tế gần đây có thể gây ra sự lo ngại cho các quốc gia quan tâm đến việc kiện tụng trên cơ sở danh nghĩa lịch sử. Tôi nghĩ rằng, nếu như ngài tìm hiểu ẩn ý, thì phán quyết vụ Fonseca đã hợp pháp hoá một loại tiêu chuẩn chiếm hữu bất lợi, theo đó nếu các danh nghĩa lịch sử không rõ ràng, thì bất cứ ai chiếm hữu lãnh thổ và có thể biểu hiện là chiếm hữu có hiệu lực sẽ được coi là có danh nghĩa, hay đã làm cho danh nghĩa của họ có hiệu lực. Tôi chắc chắn điều này làm rùng mình các nhà lập chính sách tại các nước láng giềng của chúng ta.

Về khoảng cách gần hay xa, chúng tôi đã nghe có tranh luận này từ trước và thật không may, những luận điểm như vậy có thể đưa ra chống lại chúng ta. Nó đã được sử dụng. Thực tế tôi nghĩ, căn cứ của Malaysia về việc chiếm hữu các hòn đảo nhất định trong nhóm đảo Trường Sa - Layang-Layang (Hoa Lau), đá Swallow (Hoa Lau) và đá Louisa (Luxia) - đó là yêu sách của họ nói rằng, chúng là một phần của thềm lục địa. Theo hiểu biết của tôi về thềm lục địa, tôi biết đó không phải là cơ sở cho một yêu sách về danh nghĩa đối với các hòn đảo. Đó là căn cứ cho yêu sách về các nguồn tài nguyên của thềm lục địa. Nếu chúng ta chấp nhận kiểu quan điểm như vậy, chúng ta có thể tự đẩy mình vào một tình trạng ngược lại với Malaysia chẳng hạn. Chúng ta phải hiểu rằng, các khái niệm như thềm lục địa, và đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế như được định nghĩa trong Công ước Luật Biển, đã được xây dựng không liên quan gì đến chủ quyền đối với lãnh thổ đất liền.

Công ước Luật Biển không giải quyết vấn đề chủ quyền đối với lãnh thổ đất liền. Khi quy định, một quốc gia có thể xác định vùng đặc quyền kinh tế của mình từ các đường cơ sở kéo qua các đảo, thì giả thiết đặt ra là, quốc gia có khả năng chứng tỏ các đảo đó đã hoàn toàn thuộc về mình. Quốc gia đó không thể đặt vấn đề ngược lại và nói rằng, họ có một vùng đặc quyền kinh tế, và vì vậy các hòn đảo thuộc về họ. Quốc gia đó chỉ có thể nói đây là lãnh thổ của tôi, và vì vậy vùng đặc quyền kinh tế của tôi rộng tới đây. Tôi cũng thấy không thoải mái lắm đối với tranh luận về mức độ kế cận. Tất nhiên, đó là căn cứ cho lập trường của Philippin năm 1947. Năm 1947, Tuyên bố Garcia được dựa trên độ gần, đúng hơn là sự pha trộn giữa mức độ kế cận và an ninh. Tuy nhiên, chúng ta đã sửa lại quan điểm này. Năm 1947, Garcia đã đưa ra một tuyên bố về Quần đảo mới phía Nam. Năm 1950, Tổng thống Elpidio Quirino một lần nữa lại phát biểu rằng, Quần đảo mới phía Nam nên trao cho Philippin vì các lý do an ninh. Nhưng trong quá trình đàm phán Hoà ước San Francisco, khi chúng ta được Hoa Kỳ hỏi ý kiến tư vấn với tư cách là thành viên của Hội đồng Viễn Đông, đại biểu của chúng ta, Đại sứ lúc bấy giờ Carlos P.Romulo, đã không đưa ra yêu sách của chúng ta đối với Trường Sa. Ngược lại, đại biểu của Việt Nam đã đưa ra một yêu sách cụ thể nói rằng, để ngăn ngừa mọi yêu sách về chủ quyền, Việt Nam muốn viết vào hồ sơ rằng, Trường Sa là của họ. Bất chấp các tiền lệ đó, Philippin đã không nói gì. Tất nhiên, điều này đã được Tổng thống Garcia nhắc lại khi Philippin đáp lại yêu sách của Cloma năm 1956, sau khi cuối cùng Cloma đã đề nghị chính phủ Philippin can thiệp. Ban đầu, Cloma nói “Đừng can thiệp. Đừng đưa nó lên diễn đàn quốc tế vì chúng tôi không muốn báo động cho những người khác”. Nhưng khi Cộng hoà Trung Hoa hay Đài Loan bắt đầu cấm đánh cá trong các khu vực ông ta yêu sách, ông ta đã tìm kiếm sự giúp đỡ của chính phủ Philippin và chính phủ Philippin đã đưa ra tuyên bố này, tuyên bố được mô tả như một kiệt tác về sự lập lờ nước đôi. Về cơ bản, Garcia nói, các hòn đảo này là đất vô chủ. Ông ta nói “vậy, những gì do Cloma yêu sách không phải chính xác là đảo Trường Sa mà Trung Quốc đề cập tới” bởi có một đảo tên là đảo Trường Sa và một số đảo nhỏ hơn quanh đó khác hẳn với các đảo khác như Itu Aba (Ba Bình) hay Nam Yết. Vì vậy sự khác biệt là khi Hiệp ước San Francisco nói về Quần đảo Trường Sa, nó chỉ đề cập tới đảo Trường Sa và vì vậy mọi phần khác để mở cho tất cả các bên quan tâm khai thác. Vấn đề của tranh cãi là yêu sách Cloma không loại trừ đảo Trường Sa. Garcia nói, “Nếu Trường Sa không bao gồm trong yêu sách, thì các đảo khác để mở cho người Philippin khai thác”, bởi vì Trường Sa nằm dưới sự uỷ thác quản lý thực tế của các lực lượng Đồng Minh, trong đó Philippin là một thành viên. Hiện giờ, vấn đề của luận điểm dựa trên cơ sở sự uỷ thác quản lý thực tế là khi các lực lượng Đồng Minh muốn thiết lập một sự uỷ thác quản lý, họ đã thể hiện điều đó một cách rõ ràng trong Hoà ước San Francisco. Họ đã cho Hoa Kỳ quyền quản lý uỷ thác đối với đảo Bonin và đảo Ryukyu. Vì vậy, sự uỷ thác quản lý ngầm hay uỷ thác quản lý thực tế dường như không thuyết phục lắm.

Về cơ bản, yêu sách của chúng ta là các hòn đảo này là đất vô chủ và vì vậy bỏ ngỏ cho việc khai thác của Philippin. Thật không may, sau khi Garcia đưa ra tuyên bố trên thì đã có sự phản đối từ phía Đài Loan, Sài Gòn và thậm chí cả Paris. Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Philippin đưa ra phát biểu nói, Philippin không đưa ra yêu sách chính thức, mà chỉ tuyên bố, các đảo này là đất vô chủ. Vì vậy Philippin chưa bao giờ thực sự hành động trên yêu sách lịch sử của mình cho tới năm 1971, khi chúng ta cử quân đội tới đó nhằm đối phó với một vài vấn đề về an ninh. Rõ ràng là nghị sĩ hay lãnh đạo đảng chiếm ít số ghế lúc bấy giờ là Ramon Mitra trong khi đi tuần tra quanh đảo Palawan đã bị một số dân quân Đài Loan bắn. Sự việc đó đã chứng minh việc thực hiện sự chiếm giữ một hòn đảo tại Trường Sa.

Tôi không có thông tin nào về sự chiếm hữu của người Philippin trước người Tây Ban Nha. Nếu như tôi nhận thức đúng, chúng ta có thể kết thúc với một phán quyết Palmas khác và lại thất bại bởi các danh nghĩa của Tây Ban Nha rất không đáng tin cậy.

Đại sứ  E. GARRIDO

Tôi muốn đưa ra câu hỏi tiếp theo, thưa Giáo sư. Ngài có nghĩ rằng, những bảo lưu của chúng ta trong Luật Biển sẽ có tác động nào đó đối với các yêu sách của chúng ta đối với nhóm đảo Kalayaan không?

Giáo sư G.C.VALERO

Ý kiến ở đây cụ thể là những bảo lưu được đưa ra nhằm bảo vệ các yêu sách của chúng ta đối với Kalayaan và tôi nghĩ, thậm chí cả các vùng nước tại Sabah. Thật không may, vấn đề không phải là liệu điều này có bảo vệ các yêu sách của chúng ta hay không, mà là những bảo lưu đó có quy chế như thế nào. Như chúng ta đều biết, Công ước Luật Biển không chấp nhận bảo lưu. Tôi nghĩ đã có sáu (6) nước phản đối bảo lưu của Philippin: Liên Xô và các nước khác trong Liên bang Xô viết bấy giờ. Các nước như Ôxtrâylia cũng có phản đối. Tôi nghĩ bản thân sự bảo lưu sẽ không ảnh hưởng gì tới các yêu sách của chúng ta, nhưng nó cũng không đưa chúng ta tới đâu.

Tướng R. ECARMA

Thưa Giáo sư, tôi có thể hỏi rõ hơn được không? Khi ngài nói về nhóm đảo Kalayaan, ngài có đề cập tới chúng như một phần của quần đảo Trường Sa? Theo hiểu biết của tôi, nhóm Kalayaan mà chúng ta (Philippin) có yêu sách là một nhóm đảo cách xa về phía Nam của Trường Sa và không thuộc quần đảo này. Trước đây tôi thường bay qua chuỗi đảo Kalayaan, khi tôi còn là Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm, Lực lượng bảo vệ Kalayaan, và thỉnh thoảng các bạn tôi và tôi nói đùa rằng, có những yêu sách chỉ trở nên có hiệu lực khi thuỷ triều xuống thấp.

Tôi cũng muốn tiếp tục các ý kiến do Đại sứ Garrido nêu lên. Trong nghiên cứu của mình, ông có bắt gặp chứng cớ nào có thể ủng hộ quan điểm rằng, nhóm đảo Kalayaan có thể là một phần cấu thành của khối lục địa Palawan, chứ không phải là một phần của quần đảo Trường Sa hay không? Khác với các yêu sách dựa trên thuyết lục địa, có vẻ là những liên kết địa chất giữa chuỗi đảo Kalayaan và đảo Palawan, như được thấy trong các bản đồ hàng hải, các cuộc nghiên cứu về thuỷ văn học, v.v..., có lẽ ít nhất cũng  đưa ra được một căn cứ vững chắc hơn.

Giáo sư G.C.VALERO

Có một số quan điểm đã phát sinh. Tại sao tôi lại không lần lượt giải quyết chúng.

Dù Kalayaan và Trường Sa có phải là một hay không, vấn đề là ở chỗ, khi tôi đề cập tới quần đảo Trường Sa, tức là tôi đề cập tới khu vực chung của các đảo. Như tôi đã nói, có một hòn đảo tên là đảo Trường Sa và có một số đảo khác. Yêu sách của Philippin, như đã được xác định trong Nghị định của Tổng thống, loại trừ nhóm đảo Trường Sa và đó là cơ sở cho việc nói rằng, khi Trung Quốc và Việt Nam nói họ yêu sách nhóm đảo Trường Sa, thì Philippin không đưa ra một yêu sách tương tự. Chúng ta đang yêu sách các đảo xa hơn về phía Nam các đảo nói trên. Tuy nhiên, Việt Nam và Trung Quốc cũng yêu sách các đảo trong yêu sách Kalayaan. Tất nhiên, họ không dùng tên Spratly. Việt Nam dùng tên Trường Sa và Trung Quốc dùng tên Nansha. Họ đề cập tới tất cả khu vực, tất cả các đảo này bao gồm cả các đảo trong yêu sách Trường Sa. Vì vậy nếu chúng ta sử dụng các tên này, tôi nghĩ đó là một trò chơi về tên và rất nguy hiểm, vì bất cứ ai cũng có thể dùng nó để chống lại bạn. Chúng ta đang dùng các tên để chơi chữ với nhau và vì vậy không thực sự đi vào giải quyết vấn đề. Chúng ta nói rằng yêu sách Kalayaan không tính đến đảo Trường Sa là đúng - yêu sách này không bao gồm đảo Trường Sa.

 Tướng R. ECARMA

Theo luật tập quán quốc tế hay Công ước Luật Biển, đảo Kalayaan chắc chắn không tạo nên một phần quần đảo Trường Sa. Thế thì liệu chúng ta có nên ghi nhận các yêu sách của Trung Quốc và Việt Nam nhưng không chấp nhận quan điểm của họ nếu như họ có quan điểm rằng, quần đảo Trường Sa bao gồm nhóm đảo Kalayaan, vì Kalayaan nằm cách nhóm đảo Trường Sa ít nhất là 350 hải lý về phía Đông Nam, và (tính từ đảo Pag- Asa (Thị Tứ)) chỉ cách đảo Puerto Princesa, thuộc Palawan 220 hải lý về phía Tây Tây Bắc?


Giáo sư G.C.VALERO

Chúng ta không phải tranh luận về sự phân biệt của chính phủ Philippin giữa Trường Sa và Kalayaan. Những gì tôi đang nói, là chúng ta không phải người duy nhất giải thích yêu sách đó là gì. Tất nhiên, Việt Nam và Trung Quốc đã yêu sách rằng, khi họ nói về Trường Sa, thì họ không chỉ nói tới đảo Trường Sa. Họ nói tới tất cả các hòn đảo nằm trong vùng họ yêu sách là quần đảo Trường Sa hay Nansha và bao gồm cả Kalayaan.

Giáo sư RAPHAEL PERPETUO M. LOTILLA[203]

Về quan điểm của Tướng Ecarma, tôi chỉ muốn chỉ ra rằng, theo truyền thống mọi người đã nhìn nhận Trường Sa và Hoàng Sa là những quần đảo, mọi hòn đảo trong từng nhóm đó được coi như một chỉnh thể. Khi chúng ta xem xét yêu sách của Tomas Cloma, nó dứt khoát phải bao gồm nhóm đảo Trường Sa. Từ quan điểm đó, rất khó để duy trì lập trường cho rằng, nhóm đảo Kalayaan tạo nên một nhóm khác biệt với nhóm đảo Trường Sa, vì yêu sách trước loại trừ đảo Trường Sa. Chính trong Nghị định Tổng thống số 1596 đã đưa ra sự phân biệt và bản thân đảo Trường Sa đã tách biệt khỏi nhóm đảo Kalayaan. Hầu hết các tham chiếu và các tài liệu trước Nghị định Tổng thống đã xem xét toàn thể nhóm Trường Sa như một chỉnh thể quần đảo, lấy tên quần đảo theo tên của đảo chính trong nhóm.

Tướng R. ECARMA

Vậy có thể hiểu rằng, với cùng lý do ấy, các hòn đảo nằm tại phía Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả Philippin, trước đây thường được cộng đồng các quốc gia châu Âu đề cập tới với tư cách là vùng Đông Ấn. Từ đó trở đi các kiến thức đã được cập nhật, và đã có những chỉnh sửa.

Chính với quan niệm này tôi đề xuất, cần nhấn mạnh đến việc phân biệt. Trước tiên, sự phân biệt về địa lý có thể giảm đi sự nhầm lẫn, giúp có những quan điểm đúng đắn hơn,... giữa những quốc gia bằng cách này hay cách khác có liên quan đến những yêu sách đối với vùng này, hay thậm chí với những vấn đề trong vùng.

Giáo sư R.P. LOTILLA

Tôi hiểu quan điểm của Tướng Ecarma, nhưng việc xác định ranh giới địa lý của nhóm Trường Sa luôn luôn là một vấn đề. Tôi không nghĩ, các bên yêu sách khác nhau có thể đồng ý về việc đó. Thực tế, vấn đề mà các bên tham gia đưa ra tại Hội nghị Băng Đung là vấn đề xác định ranh giới. Chính xác là chúng ta nói tới nhóm đảo nào đang bị tranh chấp và các bên tranh chấp là những ai? Một trong những điểm mà Đại sứ Djalal, Đại sứ Inđônêsia tại Tây Đức đã chỉ ra, có vấn đề trong việc quyết định những bên nào thực sự là bên yêu sách đối với nhóm đảo tại  Biển Đông mà chúng ta gọi là quần đảo Trường Sa. Brunei được coi là một bên yêu sách nhưng mọi người lại gặp khó khăn trong việc quyết định liệu có hay không trong thực tế một tuyên bố chính thức của Brunei nói  rằng, họ là một bên yêu sách và phạm vi họ yêu sách các phần trong vùng tranh chấp đến đâu. Tất nhiên tiếp theo đó, là trường hợp Malaysia, bên chỉ yêu sách vài hòn đảo mà họ coi là một phần thềm lục địa của họ; và Philippin, bên không yêu sách toàn bộ các đảo mà chỉ những đảo chúng ta gọi là nhóm đảo Kalayaan.

Nhưng nếu chúng ta xem xét các đảo tranh chấp nhằm đạt tới một dàn xếp đa phương, chính xác ngài phải giải quyết như thế nào đối với nhóm đảo? Liệu ngài có giải quyết một cách riêng rẽ với từng bên yêu sách có quyền giải quyết nhóm đảo theo địa lý tách biệt với các đảo còn lại trong vùng, hay chúng ta sẽ nói tới toàn bộ vùng này như một chỉnh thể? Ví dụ, Inđônêxia không phải là một bên yêu sách trực tiếp, nhưng Inđônêsia dứt khoát tự cho mình là một bên có liên quan đến tranh chấp, bởi yêu sách của Inđônêsia đối với thềm Natuna sẽ bị ảnh hưởng bởi yêu sách của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và những nước khác đối với các hòn đảo gần thềm Natuna. Đó là lý do, vì sao khi đề cập đến những giải pháp có tính thực thi, người ta xem xét nó từ quan điểm đa phương và đó là lý do tại sao vẫn còn khó khăn trong việc cố gắng chia chúng thành các vùng khác nhau. Tôi nghĩ, đề xuất của ngài là vấn đề mà Philippin quan tâm khi đàm phán hay đưa ra một quan điểm liên quan đến các hòn đảo này, cần nhấn mạnh những khác biệt giữa các yêu sách của mình với phần còn lại của vùng tranh chấp.

Tướng R. ECARMA

Tôi có cùng quan điểm với Giáo sư Lotilla. Để tránh việc lặp lại, điều tôi muốn chúng ta cùng làm là tập trung vào tính chất yêu sách của chúng ta, là điều có thể khác biệt với các quốc gia yêu sách khác; tính chất này không trùng mà là một phần lợi ích quốc gia của chúng ta trong việc giải quyết các vấn đề ở Biển Đông, dù là dàn xếp song phương hay đa phương.

Luật sư SYLVIA ALEJANDRO

Thưa ngài Valero, ngài đã phát biểu rằng luận điểm về mức độ kế cận của Philippin sẽ gây nguy hại cho lập trường về Sabah. Vậy ngài có thể vui lòng giải thích ngắn gọn về điều này được không. Làm thế nào mà nó có thể gây nguy hiểm cho yêu sách của chúng ta?

Giáo sư G.C.VALERO

Tôi đề cập tới Malaysia vì Malaysia đã yêu sách một số bãi đá tại Trường Sa khi xác định thềm lục địa của họ. Năm 1979, Malaysia đã đưa ra một tuyên bố về thềm lục địa và trong khi vạch ranh giới của nó, họ đã yêu sách một số bãi đá ngầm trong khu vực Trường Sa, đặc biệt là Terumbu Layang - Layang (Hoa Lau), bãi đá ngầm Louisa (Luxia), và Amboyna Cay (Đ. An Bang), là những vùng Việt Nam chiếm hữu. Yêu sách của họ là, những đảo này là một phần của lãnh thổ Malaysia vì chúng nằm trên thềm lục địa của Malaysia. Chế độ pháp lý thềm lục địa, như hiện được pháp điển hoá trong Công ước Luật Biển, không chỉ được quyết định bằng tiêu chuẩn kéo dài tự nhiên mà còn bởi tiêu chuẩn khoảng cách. Nếu sự kéo dài tự nhiên của một quốc gia không vượt quá 200 hải lý, thì ngài có thể yêu sách một thềm lục địa chỉ trên cơ sở về khoảng cách. Điều này có nghĩa là, nếu chúng ta chấp nhận một quan điểm giống Malaysia và chứng minh các yêu sách của chúng ta trên cơ sở khoảng cách, thì thực tế chúng ta không còn khả năng phản đối quan điểm của Malaysia, vì tôi nghĩ rằng, hầu hết chúng ta sẽ đồng ý việc thiết lập thềm lục địa không tạo nên nền tảng cho yêu sách lãnh thổ. Một quốc gia không thể yêu sách một lãnh thổ trên cơ sở thềm lục địa của mình. Thềm lục địa của một quốc gia phải được kéo dài ra từ lãnh thổ của quốc gia đó.

Ông JAIME NAVAL[204]


Tôi muốn nêu lên ba vấn đề.

Thứ nhất, trong toàn bộ khu vực thuộc nhóm đảo Trường Sa, ước tính chỉ có khoảng 6% là nằm trên mực nước biển; bởi vậy điều thú vị là, vì sao mà một mảnh “bất động sản” nhỏ như thế lại có thể gây nên nhiều vấn đề như vậy. Nhưng ngoài vấn đề về bất động sản, tôi nghĩ ngài sẽ đồng ý rằng, có một vấn đề thiết yếu hơn liên quan tới các nguồn tài nguyên. Và thậm chí ngoài các nguồn tài nguyên, là một loạt các lợi ích của các bên yêu sách, những yêu sách toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa, và của các bên khác là vấn đề quan trọng nhất. Nhật Bản là một trong số đó; tương tự như vậy là Inđônêsia như Giáo sư Lotilla đã chỉ ra.

Thứ hai, đã có nhiều đề xuất về việc có thể giải quyết tranh chấp như thế nào. Hầu hết hướng tới một dàn xếp đa phương hay trong một khuôn khổ. Có đề xuất của Valencia, đề xuất của De Venecia, và thậm chí đề xuất của Lotilla. Tôi hiểu rằng ngài đang viết một công trình về hoạch định biên giới. Ngài cũng đã từng nói rằng, một cơ cấu về hàng hải là điều có thể thực hiện được và là điều mong muốn. Có lẽ là ngài sẽ muốn bàn luận chi tiết về đề xuất này.

Thứ ba, liên quan gần gũi tới vấn đề liệu tranh chấp Trường Sa có thể được giải quyết thông qua Toà án Pháp lý quốc tế hoặc qua bất cứ tổ chức pháp lý quốc tế tương tự, nghĩa là vấn đề liệu tranh chấp có thuộc quyền tài phán hay không thuộc quyền tài phán. Tôi nghĩ, bài viết của ngài bàn luận rằng, đây là vấn đề rất khó giải quyết. Vậy thì chúng ta phải hành động theo chiều hướng nào? Rõ ràng, một giải pháp quân sự là điều không mong muốn. Những gì chúng ta có thể làm là thoả hiệp về chính trị hoặc dàn xếp về ngoại giao. Khi làm như vậy, chúng ta nhận thấy, các quốc gia yêu sách lúc thì đồng ý nên có sự phát triển chung, nhưng sau đó họ lại đưa ra những khẳng định và thực hiện các hành động đơn phương, làm xói mòn tiến trình xây dựng lòng tin đã được thể hiện tại các hội nghị ở Bali, Băng Đung và Yogyakarta.

Xét đến cùng, chính trị là yếu tố quyết định cuối cùng đối với một dàn xếp hay một tạm ước. Nhưng trước khi sử dụng đến chính trị thì phải có lòng tin; và trước khi có lòng tin thì phải có các biện pháp xây dựng lòng tin.

Chúng ta đang ở trong một giai đoạn giao thời quan trọng. Cùng lúc có được một vài tiến bộ để tiếp tục đối thoại, thì cũng có những khẳng định đơn phương. Vụ làm ăn giữa Trung Quốc - Creston là một ví dụ. Địa điểm thực hiện của nhượng quyền này nằm ngay bên ngoài quần đảo Trường Sa. Nếu trong vòng hai năm nữa, khi người ta tìm ra dầu lửa, điều gì sẽ xảy ra khi việc phát hiện ra mỏ dầu này đi trước hay có tốc độ nhanh hơn cả các cuộc đối thoại và quá trình xây dựng lòng tin?

Thách thức đối với các chính phủ, các viện và tất cả các bên liên quan là phải đẩy nhanh các nghiên cứu và đề xuất của họ nhằm ngăn chặn bất cứ hành động hay diễn biến nào làm đảo lộn tình hình.

Đó là một vài ý kiến của tôi.

Giáo sư  G.C.VALERO

Tất nhiên tôi đồng ý với ngài, khu vực quần đảo Trường Sa có nhiều nước hơn là diện tích đất liền và tôi cho rằng, nhiều người biết tranh chấp này thực sự không phải vì bản thân các hòn đảo, vì như tôi đã nêu trong bài viết của mình rằng, về thực chất chúng không có nhiều tài nguyên thiên nhiên đến mức gây nên nhiều quan tâm đến thế. Những tài nguyên sẽ có được trong các vùng biển và đáy biển một khi bạn có thể yêu sách các hòn đảo cụ thể, đó mới chính là nguyên nhân của tất cả các yêu sách đơn phương về quyền tài phán và chủ quyền. Cũng rất đúng khi ngài lưu ý, đó là vấn đề về các nguồn tài nguyên. Nhưng ngoài các nguồn tài nguyên, đây còn là vấn đề về an ninh. Ngài đã đề cập đến Nhật Bản. Mối quan tâm của Nhật Bản không phải hoàn toàn chỉ là các nguồn tài nguyên. Xin lưu ý, nếu ngài có thể giành được phần nào quyền kiểm soát Trường Sa hay các hòn đảo khác ở vùng này của Biển Đông, thì ngài sẽ kiểm soát được việc tiếp cận các eo biển Malacca và Singapore, một con đường hàng hải có giá trị, đặc biệt đối với Nhật Bản vì nó cho phép tiếp cận nguồn dầu khí ở vịnh Persian. Vì vậy, nếu các nước tiếp tục tranh đấu với nhau, hay nếu như chiến tranh nổ ra vì quyền kiểm soát các con đường hàng hải, thì tình hình kinh tế của Nhật Bản và an ninh quốc tế có thể bị nguy hại. Điều khiến các quốc gia quan tâm không chỉ là các nguồn tài nguyên tại Biển Đông mà còn là tầm quan trọng và an ninh chiến lược. Như chúng ta đều biết, nếu chiến tranh bùng nổ hoặc một hành động đơn phương nào đó của một quốc gia dẫn tới sự gây hấn thì có lẽ thậm chí an ninh nội bộ của các nước xung quanh Biển Đông cũng có thể bị nguy hại vì thiếu tài nguyên hay vì các vấn đề chính trị nội bộ vốn đã tồn tại trước khi nảy sinh thêm những vấn đề.

Đầu tiên tôi sẽ bỏ qua vấn đề về Toà án Pháp lý quốc tế. Như đã nêu trước đó, vấn đề là: Liệu tranh chấp có thuộc thẩm quyền xét xử hay không? Như đã chỉ rõ, Toà án Pháp lý quốc tế là một toà án được các bên trao cho quyền tài phán. Vì vậy, nếu các quốc gia đưa tranh chấp ra Toà, thì Toà sẽ chỉ quyết định các vấn đề trên cơ sở những gì mà các bên đã đệ trình để Toà quyết định. Như ngài đã chỉ ra một cách đúng đắn, ý kiến của tôi là hiện tại đó không phải là lựa chọn có tính khả thi bởi một số bên không sẵn lòng đưa tranh chấp ra Toà và bởi những quyết định gần đây của chính bản thân Toà.

Chúng ta hành động theo phương hướng nào? Theo như tôi thấy, về cơ bản đây sẽ là một quá trình ngoại giao, mọi người cùng đến để đàm phán những gì có thể làm trong tình hình này. Ngài đã đề cập đến nguyện vọng chính trị và các biện pháp xây dựng lòng tin. Tôi nghĩ điều quan trọng đối với các quốc gia như chúng ta, đầu tiên phải xác định được lập trường của chúng ta là gì, nhưng không phải chỉ dưới dạng đưa ra căn cứ pháp lý cho các yêu sách của chúng ta đối với các hòn đảo. Đây chính là điều tôi có hàm ý khi nói đến một cách tiếp cận về hàng hải. Khi chúng ta ngồi vào bàn đàm phán với một lập trường kiên quyết thì các quốc gia khác có thể sẽ nói rằng “đây là phần của tôi và không thể thương lượng được”. Trong khi vừa không thể thỏa hiệp được về an ninh quốc gia và chủ quyền quốc gia theo con đường này, chúng ta cũng sẽ nhận ra mình đã bị dồn vào góc tường. Chúng ta nên xem xét vì sao chúng ta lại quan tâm đến các hòn đảo này. Có phải là vì nguồn dầu lửa hay không? Tất nhiên mọi người đều nói rằng Trường Sa nằm trên một mỏ dầu lớn. Nhưng rõ ràng các công ty dầu khí không biết chính xác trữ lượng dầu lửa ở đó là bao nhiêu. Thực tế thì, rất có khả năng tại một số điểm nhất định, người ta có thể khoan phải những giếng cạn. Vì vậy, chúng ta thậm chí không biết chắc có bao nhiêu dầu ở đó. Hay có phải chúng ta quan tâm đến việc đánh bắt thuỷ sản không? Khi đưa ra yêu sách, Cloma là một người đánh cá và đánh cá chủ yếu trong khu vực này. Vậy mối quan tâm cụ thể của chúng ta đối với nguồn tài nguyên biển là gì? Nếu như chúng ta thay đổi góc độ nhìn nhận vấn đề của mình và ngừng coi vấn đề này như việc vẽ một đường kẻ ở giữa biển và nói “phía Tây là của các ông và phía Đông là của chúng tôi”, mà thay vào đó hãy nói “được, tôi thật sự quan tâm đến riêng phần này bởi vì nó ảnh hưởng đến ngành thuỷ sản của chúng tôi, hoặc đây là phần mà chúng tôi sẽ phát triển thành một phần trong chương trình năng lượng của chúng tôi”, thì sau đó chúng ta có thể nói về việc chúng ta sẽ kẻ các đường phân định hành chính theo kiểu nào. Việc này cũng có thể liên quan tới vấn đề bố trí lực lượng cảnh sát chống cướp biển, chống buôn bán ma tuý và vấn đề kiểm soát hải quan. Ngài cũng cần nhiều đường phân định hành chính ở đây và những đường phân định này có thể không trùng nhau, tuỳ theo từng mối quan tâm cụ thể. Vì vậy, ngài có thể phải vạch ra một số đường phân định đối với một số bên liên quan. Tôi cho là đây chính là cốt lõi của cách tiếp cận về hàng hải.

Bản thân nước cũng là một nguồn tài nguyên rất năng động. Ngài không thể chia nhỏ nó ra và nói rằng đường biên giới này loại trừ các đường biên giới khác. Đó là một tài nguyên ở thể lỏng. Nó là một phương tiện để liên kết mọi người và không chia rẽ họ. Chúng ta phải làm tăng tối đa nguồn lợi nước và đừng xem nó như đất liền và phân chia  Biển Đông đơn giản như việc cắt một cái bánh lớn. Đã có đề xuất rằng, chúng ta nên làm giống như những gì người ta đã làm ở biển Bắc. Nhưng nếu ngài nghĩ tới vụ này ngài sẽ thấy, khi người ta chia miếng bánh tại biển Bắc, nước Anh là bên thua thiệt,  vì sau khi họ chia xong miếng bánh, người Anh đã nhận ra rằng có một rãnh lớn chia cắt đáy biển, vì vậy, đã đặt một giếng dầu lớn vào một khu vực mà đáng lẽ nước Anh đã có thể yêu sách. Thay vào đó, đường ranh giới của biển Bắc lại đặt nó vào phần của Na Uy. Vì vậy, nếu ngài định chia một phần nào đó mà không biết những gì ở phía dưới, có thể ngài đang hành động một cách mù quáng. Tôi nghĩ, điều đầu tiên thực sự chúng ta phải làm, thậm chí trước khi chúng ta nghĩ tới việc đến đó và đàm phán với tất cả các bên, hay tham gia vào một điều ước đa phương, là phải làm rõ những lập trường của mình về những vấn đề cụ thể này - vấn đề về các nguồn tài nguyên, an ninh và quản lý hành chính. Đó là khi ngài xây dựng ý chí chính trị. Ý chí chính trị là một thứ, tự bản thân nó có chứ không phải do bạn xây dựng từ bên ngoài.

Thảm phán JORGE R. COQUIA

Tôi muốn biểu lộ đánh giá cao của tôi đối với bài viết vô cùng uyên bác được trình bày buổi sáng hôm nay. Tôi muốn phát biểu thêm một số điều mở rộng. Đây là sự tiếp nối những gì mà Giáo sư Lotilla và Luật sư Gamboa đã nói. Họ đã đề cập tới khoảng ba (3) cuộc hội thảo.

Cuộc hội thảo đầu tiên được tổ chức tại Bali. Nó chỉ là hội thảo giữa các nước ASEAN. Hội thảo do Inđônêsia tổ chức với sự hỗ trợ của Canađa. Chúng ta đã thoả thuận sẽ tổ chức một cuộc hội thảo nữa về Kiềm chế các xung đột tiềm năng tại  Biển Đông.

Trong cuộc hội thảo thứ hai tại Băng Đung, mỗi bên quốc gia yêu sách được dành thời gian để trình bày quan điểm của mình. Vào lúc đó, Trung Quốc có thái độ rất hoà giải, và đại biểu của họ chỉ nói rằng, căn cứ yêu sách của họ là một số tài liệu lịch sử tồn tại thậm chí từ trước Công nguyên. Đài Loan, bên yêu sách toàn bộ Trung Quốc cũng có cùng chứng cứ như Trung Quốc. Yêu sách của Việt Nam  dựa trên sự chiếm hữu của Pháp vì Việt Nam trước đó nằm dưới sự quản lý của Pháp. Philippin tuyên bố Nghị định Tổng thống 1596 cùng với bản đồ đã được đăng ký tại Ban thư ký Liên hợp quốc. Malaysia thì đề cập đến Tuyên bố về thềm lục địa mở rộng tới một số phần thuộc quần đảo Trường Sa hay nhóm Kalayaan.

Nhóm Kalayaan bao gồm năm mươi ba (53) hòn đảo, mặc dù chúng ta chỉ chiếm hữu khoảng tám (8) đảo. Brunei tham gia muộn hơn nhưng Brunei chỉ yêu sách duy nhất một (1) đảo mà Malaysia đã yêu sách. Cuối cuộc Hội thảo Băng Đung có một đề xuất rằng, chúng ta nên thành lập một kiểu hội đồng tư vấn chính thức để trình bày các vấn đề của mình, coi như một dạng biện pháp xây dựng lòng tin nhằm tránh các xung đột. Chúng ta đã kết thúc hội thảo bằng một tuyên bố chung và tôi sẽ đọc một đoạn trong đó: “Các bên tham gia Hội thảo về Kiềm chế các xung đột tiềm năng được tổ chức tại Băng Đung tháng 7 năm 1991 thoả thuận, sẽ đề nghị các chính phủ liên quan: (1) không làm ảnh hưởng đến các yêu sách lãnh thổ và quyền tài phán, cùng tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác tại Biển Đông. Các lĩnh vực hợp tác như vậy có thể bao gồm tăng cường an toàn giao thông hàng hải; phối hợp nghiên cứu và cứu nạn; đấu tranh chống hải tặc và trộm cướp; khuyến khích việc sử dụng hợp lý các tài nguyên sinh vật nhằm bảo vệ và giữ gìn môi trường biển; và thực hiện nghiên cứu khoa học biển,...” Tất nhiên đó chỉ là tuyên bố không chính thức.

Cuộc hội thảo thứ ba tại Yogyakarta diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đã yêu sách toàn bộ  Biển Đông. Họ đã ban hành một đạo luật và xác định các đường biên giới lãnh thổ và lãnh hải bao trùm tất cả. Thực tế, Việt Nam đã kịch liệt phản đối đạo luật đó bởi hợp đồng của Crestone với Trung Quốc là nhằm thăm dò một phần thềm lục địa của Việt Nam. Vì vậy chìa khoá vấn đề ở đây là Trung Quốc.

Đề xuất trong hội nghị trên là tổ chức một cuộc hội thảo khác nhằm tiếp tục nghiên cứu và trao đổi các ý kiến về việc làm thế nào để ngăn ngừa các tranh chấp. Thực tế, Philippin có đề nghị hội nghị lần sau nên tổ chức tại đây, tại Manila. Nhưng hình như một số bên yêu sách không đồng ý vì Philippin là một bên yêu sách, do đó họ muốn tổ chức tại Inđônêsia, một nước không có yêu sách, vẫn tiếp tục làm người trung gian. Nếu họ tới đây, có thể họ nghĩ rằng chúng ta sẽ lợi dụng được tình hình.

Những gì tôi muốn nói là hiện đang có một cuốn sách, và tôi nghĩ Giáo sư Lotilla có một bản của cuốn sách đó do Giáo sư Douglas Johnston và Mark Valencia xuất bản về việc hoạch định các vùng biển. Đối với vấn đề liên quan tới đường biên giới, các tác giả đã tập trung vào quần đảo Trường Sa. Trên thế giới, vấn đề Trường Sa là một vấn đề khó khăn nhất. Theo ngôn ngữ của họ, đó là một điểm xoáy của địa lý. Nói cách khác, không thể giải quyết được vấn đề này bằng việc kẻ các đường ranh giới. Trong cuốn sách tôi đang nói tới có một gợi ý rất tốt, nhưng tất nhiên nó phải dựa vào ý chí chính trị, như ông Naval đã nói tới ở đây. Họ muốn thành lập một Cơ quan Quyền lực quốc tế Trường Sa giống như ở Nam Cực. Rất nhiều nước cùng yêu sách Nam Cực, nhưng các bên yêu sách đó đã đặt sang một bên yêu sách của mình về chủ quyền, quyền tài phán, và lãnh thổ để hợp tác phát triển vùng này. Gợi ý này là tất cả các bên yêu sách sẽ là các bên trong Cơ quan Quyền lực và có thể có thêm một số nước trung lập không có yêu sách.

Một vấn đề sẽ nảy sinh liên quan đến chúng ta bởi nếu chúng ta thực sự yêu sách đảo Kalayaan theo Nghị định Tổng thống 1596, coi đó là một phần lãnh thổ của Philippin, chúng ta sẽ đi ngược lại với Điều 12, đoạn 2 của Hiến pháp, trong đó nói, các quần đảo, lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế thuộc đặc quyền của người Philippin. Nếu chúng ta tham gia vào điều ước đa phương đó, chúng ta có thể đi ngược lại với điều khoản nói trên. Vì vậy tôi nghĩ, điều này sẽ phụ thuộc vào ý chí chính trị.

Tôi có thể đoán trước rằng chừng nào Trung Quốc sẽ đồng ý, bước tiếp theo theo tôi  sẽ là việc chính thức hoá đề xuất giải quyết các vấn đề này. Nhưng hiện nay, chúng vẫn chưa chính thức. Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ chấp nhận một hội nghị ngoại giao để tất cả các vấn đề được thảo luận và quyết định sẽ có tính chất chính thức.

Giáo sư G.C.VALERO

Tôi xin cảm ơn thông tin do Thẩm phán Coquia đưa ra. Mô hình Nam Cực đã được đưa ra vào năm 1959, và nhớ rằng, tiền đề chính của việc thiết lập là cần phải đình chỉ tất cả các yêu sách. Nhưng chế độ quản lý đó dường như chỉ hợp với Nam Cực mà thôi, bởi ý tưởng ở đây thiên nhiều về thăm dò. Người ta cố gắng để tìm ra chính xác các nguồn tài nguyên của Nam Cực là gì. Họ cố gắng bảo vệ nó như một môi trường nguyên thuỷ có ảnh hưởng tới toàn cầu. Hiện nay các quốc gia yêu sách đó đang chuyển từ thăm dò sang khai thác, tôi nghĩ, hiện có một số căng thẳng phát sinh đối với chế độ quản lý đó, vì bây giờ họ đang nói tới việc, ai là người được hưởng lợi từ những nguồn tài nguyên mà họ tìm ra ở đó. Chế độ quản lý tại Nam Cực dường như thiếu hoặc không có khả năng đối phó với mối quan ngại cụ thể này. Trong khi cố gắng hoán vị chế độ quản lý đó sang cho trường hợp Biển Đông, chúng ta nên lưu ý rằng, hầu hết các mối quan tâm ở đây hiện đang hướng tới việc khai thác các nguồn tài nguyên. Tất nhiên sẽ có một giai đoạn thăm dò bởi như tôi đã nói, các thông số về các nguồn tài nguyên vẫn chưa được biết chính xác. Nhưng trong tương lai, một khi vấn đề khai thác được đặt ra, tôi nghĩ chế độ quản lý này sẽ khó tránh khỏi một sự căng thẳng đáng kể như trong trường hợp Nam Cực.

Ông NOE CAAGUSAN[205]

Tôi có tham gia vào việc đánh giá nguồn tài nguyên dầu lửa trong khu vực quần đảo Trường Sa. Từ năm 1986 cho tới tháng giêng năm ngoái, một nhóm các nhà khoa học đã tiến hành công việc đánh giá nguồn tài nguyên toàn bộ khu vực Đông Á bao gồm cả các vùng phía Tây Philippin. Đáng chú ý là tranh chấp đối với quần đảo Trường Sa đã nóng dần lên và trở thành cả một vấn đề cùng với quá trình chúng tôi tiến hành đánh giá khu vực quần đảo Trường Sa. Tôi nghĩ các quốc gia liên quan đến tranh chấp này đang bỏ sót rất nhiều điểm.

Những nỗ lực để giải quyết tranh chấp quá phức tạp và không tập trung vào xem xét xem những vấn đề quan trọng thực sự là gì. Nếu chúng ta bỏ qua vấn đề dầu lửa, thì Trường Sa sẽ chỉ là một bãi đá và chẳng còn ai quan tâm đến nó nữa. Có thể một số người quan tâm đến nguồn cá, nhưng thì cá bơi và bạn có thể theo sau chúng, còn đối với dầu lửa thì không thể. Một nhóm nhỏ các nhà khoa học, thực tế là một nhóm quốc tế bao gồm khoảng năm nước châu Âu và Canađa, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ôxtrâylia và tất cả các quốc gia tại khu vực này của thế giới đã tham gia vào công việc này. Thực tế, đây là một nhóm quốc tế thực hiện công việc đánh giá về những gì nằm phía dưới  Biển Đông. Chúng tôi đã đi đến một kết luận rằng, tại khu vực quần đảo Trường Sa, tùy vào nơi mà bạn đang tìm kiếm hay tuỳ thuộc vị trí địa lý của bạn, sẽ có khoảng từ 200 triệu đến 1 tỷ thùng dầu có thể khai thác được ở khu vực ngay sát nhóm đảo Trường Sa. Điều này mọi người đều được biết. Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, và Malaysia đều biết. Tất cả mọi người đều biết điều đó. Thực tế, mối nguy hiểm ở chỗ, các quốc gia đã đóng góp thông tin cho rằng thông tin đó là bí mật, bởi vì mỗi bên đều phải đóng góp một chút thông tin. Chúng ta phải đưa ra những gì chúng ta biết về Palawan. Chúng ta phải cung cấp thông tin của mình về những điều chúng ta biết được về những gì nằm bên dưới quần đảo Trường Sa ở phía chúng ta. Malaysia đã đưa ra thông tin của họ; Việt Nam đã cho chúng ta rất nhiều thông tin. Chúng ta không nghĩ Nhật Bản có nhiều thông tin hơn bất cứ nước nào khác, nhưng thông tin của họ đã được đưa ra cho tất cả mọi người, phục vụ cho nghiên cứu và phân tích của tất cả mọi người. Các ngài có thể đặt câu hỏi, không biết cái gì đang xảy ra xung quanh chúng ta. Ai là người thực sự quan tâm đến việc dàn xếp hay không dàn xếp được tranh chấp này?

Là một nhóm các nhà khoa học chúng tôi nhất trí, chúng ta phải loại trừ được nguyên nhân của tranh chấp, nghĩa là dầu lửa. Kiến nghị của chúng tôi là một sự khai thác và phát triển chung đối với các nguồn tài nguyên dầu lửa của Trường Sa. Nếu mọi người lưu ý sẽ thấy, dầu lửa là một tài nguyên đang cạn kiệt. Một khi bạn đã sử dụng hết dầu lửa, thì bạn không thể thay thế được nó, và vì vậy mọi người không thay thế được nguyên nhân của tranh chấp. Có rất nhiều cuộc hội thảo đang được tổ chức về quần đảo Trường Sa và không có ai quan tâm đến nhóm người đã làm việc trong hơn một thập kỷ về Trường Sa. Tôi nghĩ, chúng ta nên tập trung vào vấn đề chính ở đây, đó là dầu lửa. Nếu chúng ta loại trừ nguồn dầu lửa đó, thì sẽ chẳng còn vấn đề gì nữa.

Giáo sư G.C. VALERO

Tôi đánh giá cao nhận xét cho rằng, nguồn lợi dầu lửa là một yếu tố quan trọng trong tất cả các yêu sách này. Theo tôi đó không phải là nguyên nhân duy nhất. Như tôi đã đề cập từ trước, an ninh cũng là một mối lo ngại rất lớn sau chiến tranh lạnh. Nhớ rằng, hiện nay các nước như Malaysia và Singapore thể hiện rất nhiều sự lo ngại, đặc biệt về việc Trung Quốc đang nổi lên thành một cường quốc trên biển khơi tại Biển Đông, trong khi hiện nay họ không có được thuận lợi nhờ các căn cứ quân sự trước đây của Hoa Kỳ tại Philippin hay các căn cứ của Liên Xô tại Việt Nam. Những nước láng giềng của chúng ta rất lo ngại về liên quan của tranh chấp đối với tình trạng an ninh, khi xét tới việc Trung Quốc quân sự hoá các yêu sách của họ đối với Trường Sa và việc họ sẵn sàng loại trừ các nước khác sử dụng khu vực này. Mối lo ngại không chỉ về việc thăm dò mà cả về việc qua lại. Tôi nhớ chính xác Luật Lãnh hải Trung Hoa quy định. trước khi được phép qua lại các khu vực nhất định, những người sử dụng phải trình bày rõ với  phía Trung Quốc.

Tôi cũng đánh giá cao nguồn lợi dầu lửa, tôi nghĩ, hiện trong tranh chấp này còn có lợi ích an ninh vô cùng mạnh mẽ. Điều tôi muốn nói là khi chúng ta xem xét vấn đề và nghĩ tới việc kẻ các đường hay phân định ranh giới, chúng ta phải lưu ý, hiện có rất nhiều lợi ích khác nhau. Tôi chắc rằng, nếu như có thể, thì một sự thăm dò chung, một lựa chọn cần được xem xét có tính tới các nguồn tài nguyên của các quốc gia sẽ tham gia và những lợi ích cụ thể của họ. Nhưng chúng ta cũng cần lưu ý rằng, trước khi chúng ta có thể thu được dầu lửa, trước tiên chúng ta phải hoà đồng được với các bên. Nếu mọi người không đủ tin tưởng lẫn nhau để đàm phán về một thoả thuận thương mại, thì chúng ta sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Về cơ bản đây chính là vấn đề liên doanh như thế nào. Chúng ta nói chuyện với nhau như những thương gia, chúng ta lập nên một công ty, và chúng ta khai thác tài nguyên. Nhưng nếu chúng ta không có cơ sở về an ninh để nói rằng “Tôi có thể tin các ông và nghiêng về phía các ông trong cuộc ngã giá này” thì chúng ta sẽ không bao giờ đạt tới được mức độ của vấn đề.

Giáo sư MERLIN M. MAGALLONA[206]

Tôi được chỉ định đọc bài phát biểu bế mạc. Tôi muốn gộp tất cả các lời bình luận trong bài phát biểu bế mạc để tránh các câu trả lời của Giáo sư Valero, nhưng như vậy thì sẽ không công bằng. Tôi lưỡng lự không biết có nên khớp lại những bình luận đó một cách công khai, bởi vì câu trả lời thích hợp của Gerry có thể thuộc về phần hai trong bài viết của ông, phần sắp được xuất bản. Tôi có cảm tưởng rằng, trong khi thuyết trình bài viết, mối quan tâm của chúng ta chỉ tập trung vào những gì dự định trình bày ở phần hai, tức là vào vấn đề được tác phẩm gọi là “những dàn xếp mới và hiệu quả”, những dàn xếp có thể tránh được các yêu sách đối kháng trên cơ sở chủ quyền. Và cũng vậy, đây chỉ là những nhận xét nhanh và bột phát của tôi.

Khi chúng ta nói tới luật pháp quốc tế về thủ đắc lãnh thổ, ban đầu điều này có thể tạo một ấn tượng rằng, điều đang tìm kiếm là sự xác định về quyền sở hữu tuyệt đối trên cơ sở chiếm hữu có hiệu lực. Tuy nhiên, trên thực tế, một dàn xếp tranh chấp không phải do một toà án quốc tế, hay toà trọng tài phán xử về quyền sở hữu tuyệt đối quyết định và có hiệu lực ràng buộc đối với toàn thế giới, hay theo ngôn ngữ của các luật gia, một dàn xếp erga omnes. Vì vậy, tôi hy vọng rằng, những thảo luận trong bài viết này không dựa trên giả thiết dàn xếp ergo omnes đối với tranh chấp Trường Sa, mà chỉ đơn giản dựa trên cơ sở đáp lại các câu hỏi, có nghĩa đâu là yêu sách tốt hơn. Như vậy, triển vọng phán xét dựa trên đánh giá xem xét về mặt pháp lý chủ quyền lãnh thổ sẽ không phải là không thể hay quá khó. Vì vậy, giữa hai yêu sách đối kháng, kết quả có thể không lửng lơ như khi giả thiết rằng, sự dàn xếp phải mang tính chất erga ommnes.

Điểm thứ hai tôi muốn trình bày là việc đánh giá các yêu sách, như các yêu sách liên quan tới các khu vực khác nhau tại Trường Sa, có thể cần phải được giới hạn ở những nguồn tin đã được công bố của các quốc gia tranh chấp. Tôi cho rằng, các quốc gia tranh chấp có thể không muốn công bố toàn bộ các căn cứ và các nghiên cứu ủng hộ cho các yêu sách của họ. Tất nhiên, một quốc gia yêu sách có thể ngần ngại trong việc tiết lộ hay tiết lộ tất cả những điểm mạnh hoặc điểm yếu trong các yêu sách của họ. Và vì thế, có lẽ trong khi chờ đợi phán xử nào đó thuyết phục hơn, họ có thể nắm một số quân bài mà không muốn để lộ ra. Cho nên điều này sẽ làm hạn chế căn cứ đánh giá các yêu sách tranh chấp trong một bài viết như thế này.

Riêng về phần mình, tôi có một bài viết ngắn về điểm mạnh và điểm yếu trong yêu sách của Philippin, nhưng vì lý do thận trọng, tôi nên đưa nó cho các nhà cầm quyền Philippin trước khi trình bày trước công chúng.

Nếu có thể đặt sang một bên vấn đề chủ quyền theo hướng ủng hộ cho cái được tác phẩm này gọi là “những sự dàn xếp mới và hiệu quả”, nhằm tránh những khó khăn nảy sinh từ các yêu sách dựa trên cơ sở chủ quyền, thì những vấn đề sau đây có thể phát sinh:

1. Cơ sở về chủ quyền lãnh thổ có thể không còn là tiêu chuẩn để giới hạn các yêu sách đối với Trường Sa.

2. Trong trường hợp đó, tình huống Trường Sa có thể thừa nhận các tiêu chuẩn khác không phải các yêu sách về chủ quyền lãnh thổ. Vậy những tiêu chuẩn có thể áp dụng này hay các lợi ích quốc gia khác có thể được coi là tạo nên quyền tham gia vào “các dàn xếp mới và hiệu quả”, nếu như những dàn xếp đó không bị giới hạn ở các yêu sách lãnh thổ là gì?

3. Bản chất của tranh chấp có thể vì vậy mà hoàn toàn thay đổi; có nghĩa là, hiện giờ sẽ liên quan đến một vấn đề lớn hơn, đó là ngoài các yêu sách chủ quyền lãnh thổ thì các tiêu chuẩn, hay các lợi ích quốc gia khác, quyết định quốc gia nào trong vùng hay ở khu vực Biển Đông có quyền tham gia với tư cách là người được hưởng lợi đối với cái mà tác phẩm trên gọi là “các dàn xếp mới và hiệu quả” là gì?

Nếu như coi bài viết này chủ trương đặt sang một bên khuôn khổ chủ quyền lãnh thổ, thì có thể nó sẽ có tác dụng mở ra một cái hộp của nàng Pan Đo, từ đó sẽ xuất hiện những khuôn khổ cạnh tranh có cơ sở là lợi ích quốc gia, không phải lấy các yêu sách chủ quyền lãnh thổ làm cơ sở cho sự dính líu hay tham gia thêm của các quốc gia, điều sẽ tạo nên một cơ sở hoàn toàn mới bên ngoài khuôn khổ các yêu sách lãnh thổ. Liệu những lợi ích quốc gia mới trong các dàn xếp mới hay khuôn khổ thay thế có bao gồm các vấn đề, ví dụ như các xem xét về an ninh với tư cách là những nhân tố độc lập không? Liệu điều này có đưa vào cả Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Mỹ, trên cơ sở những xem xét về an ninh, độc lập với các nhân tố gắn liền với các yêu sách lãnh thổ?

Chỉ vài phút trước đây, thẩm phán Coquia đã nói với chúng ta rằng, hiện đang có sự khai thác ý tưởng tương tự với Hiệp ước Nam Cực. Nếu như chúng ta liên hệ điều này với tình hình Trường Sa thì liệu có phải chúng ta đang tiến hành quốc tế hoá tình hình của Trường Sa hay không? Có phải chúng ta sẽ có một Hiệp ước Trường Sa, một hiệp ước có thể sẽ trở thành một bản sao của Hiệp ước Nam Cực, lập nên một chế độ quốc tế. Trong trường hợp đó, vấn đề của chúng ta như đang mở ra cho những khuôn khổ mới, ví dụ như trên cơ sở an ninh hay trên cơ sở các xem xét không phải là các yêu sách về chủ quyền lãnh thổ, sẽ không phải là cường điệu trong bối cảnh thẩm phán Coquia đã có ý kiến rằng hiện đang có những thăm dò theo chiều hướng này.

Tôi mong rằng phần hai của bài viết Gerry đang tiến hành sẽ động chạm đến vấn đề này. Nhưng thậm chí nếu chúng ta không coi những xem xét mang tính thuyết phục về các yêu sách lãnh thổ là cơ sở để giải quyết tranh chấp Trường Sa, thì có thể chúng ta vẫn sẽ mở cửa cho sự tham gia của các quốc gia khác, những quốc gia mà lợi ích có thể không phải dựa trên những yêu sách như vậy mà là trên cơ sở một cái gì khác. Do vậy, những quốc gia này sẽ chủ trương áp dụng một khuôn khổ mới, không phải để giải quyết tranh chấp chỉ liên quan đến những quốc gia hiện đang yêu sách, mà dựa trên cơ sở một khuôn khổ hoàn toàn khác, phục vụ cho các lợi ích không liên quan đến vấn đề chủ quyền.

Giáo sư G.C. VALERO

Xin cảm ơn giáo sư Magallona, tôi thấy rất vui mừng khi được nghe các ý kiến từ thầy giáo của mình, bởi thầy khuyến khích tôi suy nghĩ lại nhiều về những điều hôm nay tôi đã nói. Một câu trả lời ngắn gọn có lẽ nhằm làm sáng tỏ xem mô hình của bài viết tiếp theo về những khuôn khổ mà tôi đang nghiên cứu để tìm ra những dàn xếp hiệu quả sẽ như thế nào.

Tôi đã bắt đầu xem xét lại Luật Biển với tư cách là một khung pháp lý để giải quyết tranh chấp này. Như tôi đã trình bày, đây là việc chấp nhận một cách tiếp cận dựa trên việc sử dụng nguồn tài nguyên biển và từ đó, tôi đã cố gắng kiểm tra khả năng xây dựng một chế độ quản lý trên cơ sở một biển nửa kín hoặc kín theo định nghĩa của Công ước Luật Biển. Khả năng liên doanh hay thậm chí là dàn xếp chế độ quản lý chung, như được công nhận trong quyết định của Toà án Pháp lý quốc tế trong vụ Vịnh Fonseca cũng được bài viết này xem xét tới. Vịnh Fonseca là một quyết định gần đây của Toà án Pháp lý quốc tế. Đây là một tranh chấp ở Trung Mỹ, liên quan đến quy chế của các đảo và không gian biển trong một vịnh chung giữa El Salvador, Honduras và Nicaragua. Vấn đề ở đây khi so sánh tương tự với tình hình ở Biển Đông là, Vịnh Fonseca được coi là một vịnh lịch sử và do vậy vịnh này có điều khác thường ở chỗ hầu hết các vịnh lịch sử thường thấy ở một quốc gia riêng lẻ. Trong trường hợp này chúng ta lại có đến ba quốc gia cùng chung một vịnh lịch sử. Điều này xảy ra do trước khi các quốc gia ven biển có được độc lập, đầu tiên, vịnh này thuộc về vua Tây Ban Nha và sau đó thuộc Liên hiệp các quốc gia Trung Mỹ vốn chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Khi Liên hiệp nói trên bị chia ra làm nhiều quốc gia, những quốc gia được chia nhỏ đó phải đối mặt với việc giải quyết quy chế của vịnh lịch sử này cho ba quốc gia độc lập. Trong vụ này, Toà án Pháp lý quốc tế thấy, mình không có thẩm quyền phân định hay phân chia các vùng nước cho ba bên yêu sách, bởi vì các bên không đưa vấn đề này ra tòa để phán xử. Tuy nhiên, Toà có tuyên bố, trên cơ sở các tài liệu lịch sử, Tòa có thể thấy không gian biển trong vịnh phải đặt dưới một dạng chế độ như kiểu chế độ quản lý chung. Tôi rất quan tâm đến việc tìm hiểu xem, liệu một kiểu dàn xếp như vậy có thích hợp với khuôn khổ một biển kín hay nửa kín như Biển Đông hay không. Nếu như chúng ta tranh luận rằng, chỉ có các bên lịch sử mới có thể tham gia trong việc xác định khuôn khổ của chế độ này, thì có lẽ sẽ giải quyết được mối e ngại về việc quốc tế hoá tranh chấp. Tôi chắc rằng, mặc dù tình hình ở Biển Đông có liên quan đến cộng đồng quốc tế do những lợi ích bên ngoài lúc nào cũng có và trong lịch sử chúng cũng luôn hiện hữu trong khu vực, nhưng chúng ta vẫn có thể chấp nhận một chế độ quản lý chung dựa trên cơ sở khái niệm một biển nửa kín. Và do vậy, chúng ta có thể bắt đầu giải quyết từ đây.

Giáo sư MAGALLONA

Tiếp ngay sau đó đã có một cuộc khảo sát về những thoả thuận khác nhau đề cập đến việc khai thác các nguồn tài nguyên ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, tất cả những vấn đề này đều có thể vấp phải sự phản kháng dựa trên cơ sở quy định của Hiến pháp rằng, các nguồn tài nguyên biển ở lãnh hải, vùng nước quần đảo và vùng đặc quyền kinh tế thuộc về đặc quyền khai thác và sử dụng của người Philippin. Việc làm thế nào để giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện cho những thoả thuận như vậy lại là một vấn đề, tất nhiên là trừ khi chúng ta đưa ra giải pháp là huỷ bỏ quy định đó trong Hiến pháp. Tôi không biết liệu cơ chế cụ thể trong ý tưởng của Gerry có coi nguyên tắc này của Hiến pháp là một cản trở hay không.

Giáo sư G.C. VALERO

Ngay lúc này tôi không thể đưa ra được một câu trả lời chắc chắn. Kể từ khi trở về, tôi đã biết đến xem xét này và tôi được biết rằng, hiện Viện Nghiên cứu Pháp luật Quốc tế đang viết một công trình về sự phân chia tranh chấp Trường Sa theo hiến pháp. Có lẽ do tôi ở quá xa, nên tôi đã không được biết đến xem xét nói trên, do vậy, đây sẽ là vấn đề tôi muốn giải quyết khi xác định khuôn khổ hay chế độ quản lý mà tôi đang cố gắng xây dựng.


Giáo sư R. MENDOZA

Đây không phải là một câu hỏi mà là một thách thức đối với Gerry. Gerry, tôi biết, khó khăn của anh trong việc trình bày vấn đề này tại một trường học của Mỹ, một cách nào đó có thể nói, sẽ làm sai lệch bài thuyết trình của anh. Anh có muốn mời nhóm này đến, khi anh thuyết trình bài viết tiếp theo của anh để ít nhất, chúng tôi cũng có thể đưa ra những phản ứng, đặc biệt đối với vấn đề liên quan đến những mối quan tâm trong nước, vấn đề mà có lẽ anh sẽ không phải viết ở trong bài luận của mình. Nhưng có lẽ khi anh xuất bản bài viết của mình ở Philippin, anh nên đưa thêm những điều đó vào. Đây chính là điểm mà tôi nghĩ, việc xem xét về hiến pháp có thể sẽ là một phần quan trọng bởi vì người Mỹ không quan tâm nhiều như chúng ta đến vấn đề này.

Giáo sư G. C. VALERO

Cảm ơn ý kiến của anh. Khi trở về, tôi sẽ bắt đầu xem xét vấn đề từ góc độ này. Điều này đã mở ra rất nhiều vấn đề cần suy nghĩ và chắc chắn là trong dự thảo bài viết thứ hai, tôi sẽ đánh giá cao các ý kiến của quý vị về khía cạnh này của vấn đề.

 

 

 

 

VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT QUỐC TẾ

LUẬT BIỂN

CÁC CUỘC THẢO LUẬN BÀN TRÒN

Phù hợp với tầm quan trọng hàng đầu của các đại dương trong luật quốc tế và các mối quan hệ quốc tế, Viện đã tổ chức, như một phần của Chương trình Luật Biển mở rộng của mình, một diễn đàn cho các cuộc đối thoại và tranh luận về các vấn đề liên quan đến biển và luật biển quốc tế. Các học giả, các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học và các chuyên gia được mời đóng góp các bài viết về vấn đề quản lý đại dương theo nhiều hướng khác nhau liên quan đến các vấn đề của Philippin. Những bài viết này được tổ chức và trình bày một cách đặc biệt nhằm giải quyết những mối quan tâm lớn về chính sách và nhằm đưa ra những lợi ích quốc gia bền vững và rõ ràng về biển và đại dương trên thế giới - có lẽ là ranh giới cuối cùng chưa được khai thác phục vụ cho xây dựng quốc gia, tiến bộ khu vực, phát triển quốc tế và hợp tác toàn cầu.

CÁC LỰA CHỌN CHÍNH SÁCH TRONG VIỆC VẠCH ĐƯỜNG CƠ SỞ CỦA PHILIPPIN (tháng 11/1990)

QUẢN LÝ CÁC NGUỒN TÀI NGUYÊN BIỂN: XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH BIỂN QUỐC GIA (tháng 12/1991)

NHỮNG VẤN ĐỀ, TRIỂN VỌNG VỀ CÁC NGUỒN TÀI NGUYÊN KHÔNG SINH VẬT CỦA PHILIPPIN (tháng 6/1992)

CÁC CẢNG, VẬN TẢI BIỂN VÀ HÀNG HẢI CỦA PHILIPPIN THEO LUẬT BIỂN QUỐC TẾ MỚI (tháng 8/1992)

CÁC VẤN ĐỀ CHÍNH SÁCH VỀ MỘT CHƯƠNG TRÌNH CỦA PHILIPPIN VỀ CÁC NGUỒN TÀI NGUYÊN SINH VẬT BIỂN VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC BIỂN (1993)

 


[200] Ngân hàng Uỷ thác Philippin

[201] Trung tâm châu Á của trường Đại học Tổng hợp Philippin

[202] Công ty Dầu khí quốc gia Philippin.

[203] Viện Nghiên cứu Luật pháp quốc tế.

[204] Hội đồng An ninh quốc gia.

[205] Cơ quan Thăm dò dầu lửa.

[206] Trung tâm Pháp luật của trường Đại học Tổng hợp Philippin