------------------------------------

Giới thiệu

Trước đây, trong quá khứ chưa bao giờ mối quan tâm về vấn đề chồng lấn lãnh thổ và quyền tài phán ở vùng Biển Đông  lại trở nên căng thẳng như trong ba thập kỷ vừa qua của thế kỷ hai mươi này. Do đó từ lâu được công nhận là một vùng đánh cá giàu có và là con đường hàng hải quan trọng nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Biển Đông lại trở thành trọng tâm chú ý của quốc tế vào những năm 1970, khi các công trình nghiên cứu địa chất và khảo sát địa vật lý nêu những giả thuyết chắc chắn về sự tồn tại của các mỏ dầu và khí tự nhiên lớn ở đáy biển. Kể từ đó, các nước ở vùng Biển Đông ngày càng vướng thêm vào rắc rối của những tuyên bố đơn phương mâu thuẫn với nhau, ở những mức độ cạnh tranh khác nhau về việc kiểm soát vùng nước của khu vực và việc sử dụng các nguồn tài nguyên sinh vật và không sinh vật.

Những yêu sách mâu thuẫn này trước tiên do những mối quan tâm kinh tế chi phối bao gồm cả sự phát triển của các nguồn hydrocarbon tiềm năng[1] Tuy nhiên, những sự kiện sau năm 1990, đặc biệt là sự sụp đổ của Liên Xô cũ và việc Hoa Kỳ rút khỏi những căn cứ quân sự và hải quân ở Philippin trên bờ phía Đông của Biển Đông, đã khiến cho những nhà hoạch định chính sách của các quốc gia yêu sách phải xem xét lại tác động liên quan đến an ninh quốc gia và sự ổn định chính trị đối với các yêu sách về chủ quyền lãnh thổ và mở rộng quyền tài phán trên biển ở khu vực Biển Đông.

Các biến chuyển trên đây đã khiến cho những chính phủ có quan tâm phải tổ chức một cách có hệ thống và liên tục củng cố địa vị pháp lý của họ hỗ trợ cho tính chất hợp lệ của những yêu sách này. Trong nỗ lực đưa ra những lý lẽ để đạt được sự công nhận của quốc tế về những yêu sách tài phán và lãnh thổ tương ứng của họ, các quốc gia yêu sách đã dựa vào rất nhiều công thức pháp lý rút ra từ những bằng chứng về thực tiễn của các quốc gia hiện nay, sự phân xử quốc tế và tài phán trọng tài cũng như từ những khái niệm được phát triển trong quá trình Hội nghị luật biển do Liên hợp quốc tổ chức. Cũng vì vậy, hành động của các quốc gia trong việc thực thi những luận điểm pháp lý mà họ tuyên bố đã tạo ra một bức tranh chi tiết để quan sát xem một phạm vi rộng lớn những vấn đề bàn cãi liên quan đến việc sử dụng nguồn tài nguyên đại dương được giải quyết theo tập quán như thế nào. Đây là những vấn đề trong những khúc mắc liên quan đến việc vạch đường cơ sở quần đảo, xác định giới hạn thực hiện quyền đi qua eo biển, đến việc phân định biên giới giữa hai hay nhiều quốc gia có yêu sách chồng lấn về quyền tài phán đối với không gian biển và thẩm quyền đối với các nguồn tài nguyên biển[2].

Trong số các vấn đề khu vực được quan tâm có lẽ vấn đề phân định ranh giới biển là vấn đề gay cấn nhất, bởi vì hiện nay vấn đề này đang được xem xét dưới góc độ xác định giới hạn những yêu sách đơn phương chồng lấn về chủ quyền đối với một loạt các đảo, hòn, cồn và đá nằm rải rác suốt chiều rộng của Biển Đông.

Singapore và Malaysia đang tranh chấp về quyền sở hữu đối với đảo Pisang và Pulau Batu Putih (“Đá Trắng”) ở vĩ tuyến 1019,8’ Bắc và kinh tuyến 104024,4’ Đông làm nền đỡ cho ngọn hải đăng Horsburgh ở vùng nước đông đúc và có tầm quan trọng chiến lược của các eo biển Malacca và Singapore. Indonesia và Việt Nam thì đang tranh cãi về quyền sở hữu đối với đảo Natuna nằm ngoài khơi bờ biển phía Tây Bắc đảo Kalimantan của Indonesia ở khoảng 40kể từ đường xích đạo[3]. Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam,  mỗi bên đang ra sức chống lại yêu sách của các bên còn lại về chủ quyền đối với nhóm đảo Hoàng Sa nằm giữa vĩ tuyến 16và 170, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 150 hải lý về phía Đông Nam. Đài Loan cũng đang tranh chấp với Trung Quốc về yêu sách với đảo Pratas, nằm cách Đài Loan 240 hải lý về phía Tây Nam từ vĩ tuyến 200 30” đến 2131” B. và từ kinh tuyến 1160 đến 1170 Đ. và bãi ngầm Trung Sa, nằm cách quần đảo Hoàng Sa 100 km về phía Đông từ vĩ tuyến 150 20’ đến 160 20 B. và từ kinh tuyến 1130 40” đến 1150 Đ. Cuối cùng, 5 bên - Trung Quốc , Malaysia, Philippin, Đài Loan và Việt Nam - hiện đang yêu sách ít nhất là một số đảo thuộc một quần đảo được đề cập đến với cái tên là Spratlys[4] (Trường Sa) là một phần lãnh thổ của họ.

Việc thực sự chiếm hữu lãnh thổ yêu sách được coi là có tầm quan trọng đặc biệt và hiện nay, mỗi bên yêu sách đều duy trì sự hiển diện quân sự của họ trên ít nhất là một đảo thuộc quần đảo này[5]. Việc quân sự hoá khu vực này đã được đẩy mạnh kể từ đầu những năm 1970, khi Philippin cử hải quân lên chiếm giữ đảo Thị Tứ[6]. Nước Cộng hoà miền Nam Việt Nam sau này, với tư cách là người kế thừa chính phủ thực dân Pháp đã bắt đầu thiết lập sự có mặt về quân sự của họ trong khu vực vào năm 1974, khi lực lượng của họ đã chiếm giữ năm đảo trong quần đảo Trường Sa, sau khi bị mất quyền chiếm hữu nhóm đảo Lưỡi Liềm nằm ở phía tây của quần đảo Hoàng Sa kéo về phía Bắc của quần đảo Trường Sa[7] về tay Trung Quốc. Trung Quốc đã thiết lập sự có mặt của mình ở quần đảo Trường Sa bằng cách chiếm tám đảo trước đó Việt Nam đang chiếm giữ bằng một cuộc đụng độ hải quân kéo dài hai ngày vào tháng 3/1988, đó là cuộc đụng độ hải quân trầm trọng nhất ở khu vực Trường Sa kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới II[8].

Một phần lớn tài liệu có được về tình hình quần đảo Trường Sa xem xét tới căn cứ lịch sử của những yêu sách đối kháng về chủ quyền lãnh thổ mà các quốc gia có lợi ích này khẳng định và sau đó, phân tích tính vững vàng của những luận điểm pháp lý được đề xuất để bảo vệ quan điểm của họ. Tuy nhiên, có một cuộc bàn cãi thứ hai do những yêu sách này tạo ra chưa được đưa ra phân tích ở một mức độ tương xứng.

Những đảo tạo thành quần đảo Trường Sa, về bản chất, một mặt quá nhỏ và quá cằn cỗi để có thể duy trì một cuộc sống ổn định và lâu dài và mặt khác, không có dấu hiệu phân biệt đáng kể nào về nguồn tài nguyên thiên nhiên trên bờ[9].Tuy nhiên, chúng lại được coi là có tầm quan trọng chiến lược về quyền lợi kinh tế và chính trị của các quốc gia ven Biển Đông, trước hết theo nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của tập quán và luật biển quốc tế, các đảo này có thể được dùng làm điểm cơ sở để từ đó các quốc gia có thể mở rộng yêu sách của họ về thẩm quyền tài phán, đặc biệt đối với vùng nước và các nguồn tài nguyên của Biển Đông. Tầm quan trọng của hướng thứ hai này có thể được đánh giá một cách cụ thể hơn thông qua việc cân nhắc, nếu mỗi bên yêu sách đối với quần đảo Trường Sa đều tuyên bố một vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa tính từ đường cơ sở được vạch từ những điểm xác định bởi các đảo mà họ hiện đang chiếm giữ, thì toàn bộ các vùng nước của Biển Đông và vùng đáy biển ở phía dưới sẽ nằm dưới rất nhiều các chế độ của quyền tài phán quốc gia khác nhau[10] và chuyển vùng vốn trước đó là biển cả và đáy đại dương quốc tế thành một vùng biển “nửa kín”[11].

Cho đến nay các quốc gia ven biển có lợi ích đã thực hiện những bước tiến cụ thể nhằm mở rộng thẩm quyền trên biển của họ. Ngay từ đầu năm 1977, Việt Nam đã tuyên bố quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của họ có các vùng biển riêng của chúng[12]. Sau đó đến Philippin vào năm 1978 tuyên bố chính thức sáp nhập lãnh thổ đối với vùng phía Tây quần đảo Trường Sa và đang xem xét pháp chế từ năm 1987 để mở rộng đường cơ sở quốc gia quần đảo năm 1968 của mình, nhằm gộp phần lãnh thổ yêu sách vào thành một phần của quốc gia quần đảo Philippin[13]. Cùng lúc với việc tuyên bố sáp nhập quần đảo Trường Sa, Philippin cũng tuyên bố một vùng đặc quyền kinh tế có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để xác định chiều rộng lãnh hải của họ[14]. Mặt khác, Malaysia khẳng định sự chiếm giữ hiện tại của họ trên ba đảo của quần đảo Trường Sa bằng một tuyên bố mới lạ rằng, chúng tạo thành một phần của rìa lục địa của Malaysia[15]. Ngày 25/2/1992, Quốc hội nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã phê chuẩn một đạo luật mới về các vùng nước lãnh thổ, yêu sách chủ quyền đối với cột nước, đáy biển và khoảng không gian trong giới hạn 12 hải lý kể từ bờ biển. Đạo luật này được tuyên bố là áp dụng đối với quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa cũng như các nhóm đảo khác là đối tượng tranh chấp với các quốc gia khác[16]. Đáp lại hành động này các nguồn tin cho biết, Đài Loan đã chuẩn bị một đạo luật về các vùng nước lãnh thổ của riêng mình nhằm tái khẳng định các yêu sách của họ không chỉ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, mà còn cả với đảo Đông Sa và Trung Sa nữa[17].

Với nỗ lực nhằm mở ra một cuộc thảo luận để đạt được một giải pháp cho tất cả những yêu sách cạnh tranh đối với quần đảo Trường Sa, các quan chức cao cấp và viện sĩ hàn lâm từ năm quốc gia yêu sách cùng với đại diện từ các nước Brunei, Indonesia, Lào, Singapore và Thái Lan đã nhóm họp ở Băng Đung, Indonesia tháng 7/1991 để tham gia một hội nghị, thảo luận tìm giải pháp thay thế nhằm kiểm soát những tranh chấp tiềm tàng ở khu vực Biển Đông. Hội nghị Băng Đung kết thúc với việc các bên tham gia đưa ra một thông cáo chung, tuyên bố cam kết của họ về việc sử dụng các biện pháp hoà bình để giải quyết các yêu sách tài phán và lãnh thổ chồng lấn ở Biển Đông [18]. Họ cũng thoả thuận rằng, sẽ tiếp tục những nỗ lực trong việc hợp tác trong những lĩnh vực như quy định về vận tải biển, thông tin liên lạc, khảo sát khoa học, trấn áp cướp biển và vận chuyển ma tuý trong khu vực[19].

Hội nghị Băng Đung được coi là một bước đột phá, xoá đi mối cản trở lâu dài giữa các quốc gia tranh chấp về quyền kiểm soát trên Biển Đông, nguyên nhân chính là vì Trung Quốc không những đã tham gia hội nghị mà còn tỏ rõ thiện chí cân nhắc về giải pháp hợp tác nhằm giải quyết tranh chấp. Điều này cho thấy sự ôn hoà hơn trong chính sách đã có từ rất lâu của Trung Quốc, vì trong quá khứ, nước này kiên quyết không tham gia vào bất kỳ một cuộc thảo luận nào có dính líu đến vấn đề chủ quyền đối với những lãnh thổ đất liền tranh chấp, đặc biệt nếu có Đài Loan tham dự những cuộc thảo luận ấy với tư cách là chủ thể riêng biệt[20]. Bất chấp những vấn đề kể trên phải thừa nhận rằng, tiến triển mà Hội nghị Băng Đung có được về việc giải quyết các yêu sách chồng lấn về biển và lãnh thổ đối với Biển Đông chỉ ở mức tối thiểu. Bản thân hội nghị này ở cấp độ không chính thức, cho nên các thành viên tham gia không thể buộc quốc gia của họ phải đi theo một giải pháp toàn diện và ổn định hơn đối với tranh chấp này[21]. Và dù các đại biểu của Trung Quốc tham gia hội nghị đồng ý, việc xúc tiến hợp tác trong khu vực về các vấn đề gìn giữ môi trường và phát triển nguồn tài nguyên là có thể đạt được, song họ vẫn duy trì khẳng định sắt đá của mình về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa, cũng như các nhóm đảo khác ở Biển Đông là không thể đàm phán[22].

Có thể thấy rõ, các tuyên bố của các quốc gia tại Hội nghị Băng Đung chẳng có ý nghĩa gì, các bên trong khu vực có liên quan đến tranh chấp quần đảo Trường Sa vẫn coi việc thực hiện những hành vi quốc gia đơn phương là biện pháp hiệu quả và vững chắc hơn để giải quyết những vẫn đề còn chưa rõ ràng xung quanh hiệu lực các yêu sách của họ về chủ quyền đối với quần đảo. Đây là lý do gây mối quan tâm sống còn, vì quan điểm mang tính phổ biến này không báo trước điềm lành cho việc đạt được sự ổn định về kinh tế và chính trị trong khu vực trong giai đoạn hậu chiến tranh lạnh.

Sự bất ổn của tình trạng này trong khu vực thể hiện rõ qua các bản tin nhiều lần đưa tin về các sự kiện liên quan đến việc bắt giữ thuyền bè và bắt giữ để trả đũa bởi các cơ quan của các chính phủ cạnh tranh và việc tăng cường quân sự hoá khu vực[23]. Kể từ năm 1974, Trung Quốc và Việt Nam đã có hai cuộc hải chiến nhằm chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa và một số đảo nhất định trong quần đảo Trường Sa. Đạo luật mới về các vùng nước lãnh thổ của Trung Quốc yêu cầu các tầu quân sự nước ngoài phải được sự phê chuẩn trước của Bắc Kinh trước khi đi vào các “vùng nước lãnh thổ” của Trung Quốc, bao gồm cả các vùng nước quanh quần đảo Trường Sa. Các tầu mang các chất hạt nhân và chất độc hại cũng yêu cầu phải có giấy xác nhận của chính phủ trước khi đi qua những vùng nước này[24]. Nhằm thực thi những yêu cầu này, đạo luật mới cho phép hải quân Trung Quốc được dùng vũ lực để đẩy lùi các tàu ngoại quốc bị phát hiện ở những vùng nước xung quanh các đảo yêu sách[25].

Một khi các quốc gia cạnh tranh bắt đầu thực hiện những bước đi chắc chắn hơn nhằm thực hiện việc đơn phương mở rộng quyền lực trên biển và lãnh thổ của họ trên Biển Đông thông qua việc định rõ giới hạn quốc gia trên biển của họ và sau đó, cấp nhượng quyền và cấp phép cho các dự án nằm trong những vùng yêu sách, một điều không tránh khỏi là, vũng lầy của sự chồng lấn quyền tài phán sẽ khiến cho những đường ranh giới được khẳng định không còn chức năng phục vụ cho mục đích lập bản đồ những vùng thẩm quyền để phát triển nguồn tài nguyên biển. Tuy nhiên, một điều còn đáng ngại hơn là có nhiều khả năng các yêu sách đối kháng này sẽ làm tăng thêm những mối quan tâm của quốc gia về việc bảo vệ an ninh quốc gia chống lại những đe dọa từ bên ngoài, và do đó, làm gia tăng sự căng thẳng trong khu vực, có lẽ sẽ đạt tới điểm, khi việc sử dụng những biện pháp quân sự chủ động trở nên thiết thực đối với một số chính phủ[26].

Do vậy mà cho tới nay, việc các nước cạnh tranh dựa vào những quy tắc chung của luật quốc tế để củng cố cho những yêu sách tài phán của họ trên Biển Đông đã không dẫn đến việc thiết lập và duy trì trật tự trong khu vực. Ngược lại, có một điều hiển nhiên là, những quy tắc này chủ yếu được sử dụng để hỗ trợ và củng cố cho chủ nghĩa đơn phương hành động, coi đó là một phương thức hành động tốt hơn trong bối cảnh mâu thuẫn gia tăng về phạm vi quyền lực lãnh thổ và biển của các quốc gia tranh chấp[27]. Do đó, những người ra quyết định của các nước này sẽ phải gánh vác thêm một nguy cơ, khi việc sử dụng quyền lực bị lạm dụng, trở thành phương tiện để chống đỡ cho những lời khẳng định đơn phương về thẩm quyền tài phán, thì các chuẩn mực pháp lý quốc tế sẽ mất đi sự tin cậy và những viện dẫn tài liệu, chứng cứ của họ sẽ trở nên hoàn toàn vô nghĩa.

Bất chấp bối cảnh khó khăn này, vẫn có lý do để phản đối suy nghĩ bi quan rằng, chiến tranh trong khu vực là không thể tránh khỏi. Hội nghị Băng Đung đã chỉ ra, việc  các quốc gia quan tâm vẫn sẵn lòng tìm kiếm những giải pháp thay thế để dàn xếp những yêu sách đối kháng của họ. Trong khi có thể là quá sớm khi thấy ở Hội nghị Băng Đung những biểu hiện rõ ràng về một giải pháp mới để giải quyết những yêu sách mâu thuẫn và chồng lấn ở Biển Đông, thì có gợi ý về thiện chí giữa những người ra quyết định, có tính đến khả năng có sự hưởng ứng toàn diện của khu vực về các vấn đề biển và các vấn đề liên quan đến biển, ví dụ như việc xác định quy chế của quần đảo Trường Sa, có thể được thay vì việc trước đây vẫn dựa vào những công thức rút ra từ các nguyên tắc chung của luật quốc tế.

Do vậy, công trình nghiên cứu này sẽ triển khai từ việc thừa nhận rằng, một định nghĩa và việc vận dụng thực tế của một giải pháp mang tính khu vực để giải quyết việc phân bổ và sử dụng nguồn tài nguyên đại dương ở Biển Đông là mục tiêu có thể đạt được. Như một bước đi đầu tiên trong nỗ lực này, việc xem xét các yêu sách tạo nên tranh chấp Trường Sa trở nên cần thiết gấp đôi. Trước tiên, phải làm rõ lý do tại sao việc ngoan cố tiếp tục quyết định xem quốc gia tranh chấp nào có yêu sách hiệu lực nhất về quyền sở hữu đối với các đảo của quần đảo Trường Sa, trên cơ sở những quy tắc chung của luật quốc tế được xây dựng với mục đích xác định các yêu sách về chủ quyền lãnh thổ, sẽ chỉ đào sâu thêm sự sụp đổ trong khu vực và do đó, đẩy nhanh thêm việc các bên yêu sách đối kháng tái sử dụng các biện pháp quân sự để tăng cường các vị trí của họ trong khu vực. Thứ hai, việc nghiên cứu các yêu sách đối với quần đảo Trường Sa sẽ chứng minh, tại sao các quốc gia ven Biển Đông lại nên chuyển việc tập trung ưu tiên của họ từ việc cân nhắc sức nặng của những luận điểm mang tính pháp lý nhằm bảo vệ cho những khẳng định không chắc chắn lắm về quyền sở hữu lãnh thổ các đảo sang phân tích những quyền lợi cụ thể của họ trong việc sử dụng chính nguồn tài nguyên biển và xác định rõ chức năng của những quyền lợi như vậy sao cho phù hợp với khoảng không gian biển trong khu vực. Sau cùng, nghiên cứu tranh chấp quần đảo Trường Sa mong muốn đưa ra được một khung hữu dụng, cho phép các thực thể hữu quan tạo nên được những dàn xếp mới có hiệu quả để giải quyết các vấn đề cụ thể, trong trường hợp của họ với tư cách là những thành viên trong một khu vực địa lý có chung các lợi ích kinh tế và chính trị trong việc sử dụng một nguồn tài nguyên chung.

 

Vấn đề chủ quyền lãnh thổ

Ngay từ khi mới phôi thai, và trong suốt quá trình lịch sử được ghi nhận, tranh chấp quần đảo Trường Sa đã nảy sinh như một cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia xung quanh về chủ quyền đối với vùng lãnh thổ được coi là có vị trí chiến lược để kiểm soát những con đường hàng hải và thương mại ở Biển Đông. Chỉ cho tới sau Chiến tranh thế giới II, quy mô của tranh chấp về hàng hải mới trở nên ngày càng nổi bật do kết quả sự vận động của luật quốc tế theo hướng pháp điển hoá các nguyên tắc tập quán và sự xuất hiện của xu hướng sử dụng các đại dương được đúc kết lại qua quá trình soạn thảo Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS). Cùng với việc quy chế hoá các nguyên tắc được xây dựng qua UNCLOS, giữa những người ra quyết định trong khu vực đã nảy sinh sự thừa nhận hai yếu tố cơ bản của vấn đề Biển Đông - (1) việc định rõ chủ quyền đối với các nhóm đảo tranh chấp và (2) việc phân định quyền tài phán đối với không gian biển - có mối quan hệ nội tại chặt chẽ[28]. Chỉ cho tới sau Hội nghị Băng Đung thì tính logic của một giải pháp thuần tuý về biển để giải quyết tranh chấp mới được xem xét một cách nghiêm túc[29].

Quan điểm “trước-Băng Đung” được thiết lập chủ yếu trên cơ sở thừa nhận rằng, theo các quy tắc phổ biến về việc phân định ranh giới biển, việc thiết lập quyền sở hữu đối với các đảo là điều kiện tiền đề để sử dụng chúng làm điểm cơ sở, từ đó các quốc gia ven biển xác định được phạm vi thẩm quyền trên biển tương ứng của họ. Việc nhấn mạnh, vấn đề ai có quyền sở hữu hiệu lực đối với các đảo cần phải được giải quyết trước tiên, trước khi vấn đề phân định ranh giới biển được đề cập trở thành một chính sách giữa các quốc gia cạnh tranh đối với quần đảo Trường Sa[30]. Đáng chú ý là, những nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến các tranh chấp đảo ở Biển Đông phản ánh giả thuyết này; các nghiên cứu khai thác vấn đề chủ quyền đối với các đảo không thể đưa ra được gì khác hơn là những giới hạn chung cho việc giải quyết các vấn đề liên quan đến việc phân định quyền tài phán trên biển, sau khi thừa nhận rằng, vấn đề chủ quyền vẫn chưa được giải quyết và có vẻ trở nên ngày càng khó hơn[31].

Việc xem xét những chính sách đang tồn tại về những yêu sách quyền sở hữu hay chủ quyền chồng lấn đối với quần đảo Trường Sa cho thấy, những cơ sở pháp lý của họ chủ yếu xoay quanh ba căn cứ đã được thừa nhận và phát triển trong pháp luật quốc tế, như “các cơ sở của danh nghĩa” cho việc thụ đắc lãnh thổ. Trước tiên, bài viết này sẽ cố gắng giải thích tại sao, việc áp dụng chi tiết các cơ sở này của các bên yêu sách nhằm tạo nên các luận điểm pháp lý, ủng hộ cho những vị thế tương ứng của họ đã không dẫn đến việc giải quyết một cách triệt để yếu tố lãnh thổ của tranh chấp Trường Sa. Thứ hai, cũng trình bày tại sao việc tìm kiếm một giải pháp như vậy, thông qua sử dụng cuộc cạnh tranh về chứng cứ, khi mỗi quốc gia quan tâm cố gắng kiến lập sự tuân thủ các tiêu chuẩn pháp lý để chứng minh chủ quyền lãnh thổ, sẽ không chỉ là vô nghĩa, mà thậm chí còn làm kéo dài tranh chấp, như nguồn mâu thuẫn không ngừng giữa những bên hoạt động trong khu vực.

 

1. Các yêu sách dựa trên danh nghĩa lịch sử

Trong số các bên tranh chấp quần đảo Trường Sa, chỉ có Trung Quốc và Việt Nam là đưa ra được yêu sách có thể tin cậy về chủ quyền trên cơ sở danh nghĩa lịch sử[32]. Cơ bản, điều này có nghĩa, mỗi quốc gia này đều duy trì ý kiến của họ cho rằng, người của họ là những người đầu tiên phát hiện, xây dựng, và quản lý quần đảo, do vậy, kết quả nó đã trở thành một phần lãnh thổ của họ.

Tuyên bố công khai đầu tiên của Trung Quốc về yêu sách đối với các đảo ở Biển Đông nằm trong tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó là Chu Ân Lai ngày 15/8/1951, ba tuần trước khi kết thúc Hội nghị Hoà bình San Francisco và ký kết Hoà ước với Nhật Bản, theo đó Nhật Bản từ bỏ mọi yêu sách chủ quyền của họ đối với quần đảo Trường Sa cũng như với Đài Loan, Đông Sa, Bãi Trung Sa, quần đảo Pescadores và quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc và Đài Loan đã bị loại khỏi hội nghị theo thoả hiệp giữa một bên là Mỹ và Vương quốc Anh và một bên là Liên Xô khi các nước này không thể thoả thuận được với nhau theo uỷ nhiệm thư nào của Trung Quốc, Bắc Kinh hay Nangking/Đài Bắc được chấp nhận tham gia hội nghị. Tuyên bố của Chu Ân Lai có nội dung sau:

Dự thảo (Hoà ước) quy định rằng, Nhật Bản sẽ từ bỏ mọi yêu sách đối với đảo Nam Uy (Trường Sa) và quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), nhưng không đề cập đến vấn đề phục hồi chủ quyền. Trên thực tế, quần đảo Hoàng Sa và đảo Trường Sa, cũng như toàn bộ quần đảo Trường Sa, và các quần đảo Chung-sha (bãi Macclesfield), và Tung-sha (Pratas, Đông Sa) luôn luôn là lãnh thổ của Trung Quốc. Mặc dù chúng bị đế quốc Nhật Bản chiếm đóng một thời gian trong chiến tranh nhưng đã được chính phủ Trung Quốc tiếp quản sau khi Nhật Bản đầu hàng. Chính quyền Nhân dân Trung ương của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tuyên bố như sau: chủ quyền không thể xâm phạm của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đối với đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa sẽ không bị suy giảm, dù cho Anh và Mỹ soạn thảo hoà ước với Nhật Bản có bất cứ sự điều chỉnh nào khác hay có tính chất tương tự như vậy[33].

Phân tích tuyên bố của ông Chu, báo Nhân Dân Trung Hoa đăng tải một bài viết trích dẫn các tài liệu làm bằng chứng cho yêu sách lịch sử của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông như “Wujing Zongyao” có từ thế kỷ 11 thời nhà Tống, việc phát hiện trên các đảo những đồng tiền xu và các đồ tạo tác khác từ thế kỷ 14 thời nhà Minh và những tài liệu ghi nhận về các cuộc tuần tiễu hải quân trong khu vực của những nhà hàng hải Trung Hoa như Phó Thống đốc Wushing trong thế kỷ 18 dưới triều nhà Thanh[34]. Trong một tài liệu sau này của Bộ Ngoại giao có tên “Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với các quần đảo Tây Sa (Xisha) và Nam Sa (Nansha)” ban hành ngày 30/1/1980, Trung Quốc tìm cách thiết lập yêu sách của mình trên cơ sở những bằng chứng cổ xưa hơn qua việc trích dẫn hai quyển sách mang tên “Nanzhou Yiwuzhi” và “Funanzhuan” có từ thế kỷ 3 thời kỳ Tam Quốc để chứng minh rằng, người Trung Quốc là những người đầu tiên khám phá ra quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa và khai thác các nguồn lợi của chúng[35].

Về phía mình, Việt Nam đã tuyên bố và mở rộng yêu sách lịch sử của họ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trong hai quyển “Sách Trắng” do Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hoà xuất bản lần lượt vào các năm 1979 và 1982, mỗi quyền sách đều khẳng định “Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa[36]. Cả hai tài liệu đều trích dẫn năm bằng chứng nhằm thiết lập các yêu sách lịch sử của Việt Nam, tất cả đều gắn với các hoạt động dưới triều nhà Nguyễn, trước tiên với tư cách là người thống trị phía Nam Việt Nam, sau đó được gọi là Cochinchina (Đàng Trong) trong thế kỷ 17, và sau này với tư cách là hoàng đế An Nam, được thiết lập bằng sự thống nhất Đàng Trong và Đàng Ngoài ở phía Bắc trong thế kỷ 19. Bằng chứng cổ nhất là một bản đồ của vùng Quảng Ngãi, miền Nam Việt Nam, xác nhận một bãi cát ngầm được gọi là “Bai Cat Vang” ở “Biển Đông”, nơi hoạt động cứu hộ đã được thực hiện nhân danh các hoàng tử nhà Nguyễn. Bản đồ này được lưu trong tập bản đồ “Hồng Đức”, một tập hợp bản đồ của Việt Nam được soạn vào khoảng giữa năm 1460 và 1497, nhưng chỉ đến thế kỷ 17 mới được biên soạn[37]. Các mục khác trong các quyển “Sách Trắng” được trích dẫn làm bằng chứng cho mối liên hệ của Việt Nam với các đảo ở Biển Đông, đã ghi nhận sự phát triển quyền lợi của người Việt Nam trong hoạt động kinh doanh cứu hộ có lợi ở các đảo[38] và những nỗ lực của các ông vua triều Nguyễn trong việc thăm dò các đảo, nhằm mục đích đánh giá các nguồn tài nguyên của chúng[39].

Trong khi nhìn chung có thể thừa nhận rằng, về mật độ và tính lâu đời, thì những tài liệu lịch sử mà Trung Quốc dựa vào để tạo nên cơ sở có vẻ hợp lý nhất hỗ trợ cho cái gọi là phát hiện và khai thác các quần đảo ở Biển Đông sớm nhất, những tài liệu lịch sử này lại không ủng hộ một cách vững chắc cho vị trí của Trung Quốc vì nó còn nhiều vấn đề về bằng chứng và ngữ văn[40].

 

a. Vấn đề bằng chứng   

Trước tiên, Trung Quốc cần phải giải quyết vấn đề xác định một cách rõ ràng những đảo mà họ yêu sách là do mình phát hiện và khai thác. Những tài liệu sớm nhất của Trung Quốc không đề cập trực tiếp đến quần đảo Trường Sa, mà chỉ xác định một cách chung chung các điểm với những cái tên như “Ch’ien-li changsa” và “Wan-li Shih T’ang” ở “các biển phía Nam”, quanh khu vực mà bây giờ được biết đến là quần đảo Hoàng Sa và gần với đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn bất kỳ đảo nào thuộc Trường Sa, quần đảo nằm xa hơn ngoài biển[41]. Xu hướng này phù hợp với quan niệm rằng, hầu hết các tài liệu lịch sử ban đầu mô tả về khu vực Biển Đông ghi nhận các điểm trên bờ biển nhiều hơn là trên đại dương hay các con đường biển[42]. Hơn nữa, những nỗ lực nhằm lập bản đồ chính xác của khu vực bên ngoài các con đường ven biển sau thế kỷ 15 đã mất đi động lực của nó, khi nhà Minh của Trung Quốc từ bỏ việc bảo trợ các cuộc thám hiểm biển như những cuộc thám hiểm do đô đốc Cheng Ho thực hiện trước đó, và thay vào đó, bắt đầu có xu hướng hướng nội và mất đi vị trí thống lĩnh của họ trên những con đường vận tải biển ở Biển Đông[43]. Đề cập cụ thể lần đầu tiên trong tài liệu của Trung Quốc về một nhóm đảo ở phía Nam và cách xa quần đảo Hoàng Sa nay được xác định với một tên ghép là “Wan-li ch’ang- sha” chỉ xuất hiện năm 1730, trong một cuốn sách do Ch’en Lun-chiung xuất bản với tựa đề “Hai-kuo wen-chien lu” hay “Thắng cảnh và âm thanh của các nước ven biển”, theo đó chúng được gọi, vẫn chỉ với cụm từ chung là “Ch’ien-li shih-t’ang” hay “Bãi ngầm vạn lý”[44]. Điều này rõ ràng không đủ để xác định quần đảo Trường Sa nếu như ta xem xét số lượng các đảo và không gian biển được yêu sách là thuộc về chúng. Sự thiếu cụ thể trong việc xác định quần đảo Trường Sa vẫn tiếp diễn cho mãi tới năm 1820, khi Yang Ping-nan xuất bản cuốn “Ha-lu” hay “Các nguồn tài nguyên biển”, theo đó quần đảo Hoàng Sa hay “Wan-li ch’ang-sha” được xác định là điểm phân luồng giao thông, hay ranh giới giữa những con đường “bên trong” và “bên ngoài” ở Biển Đông, nối liền Canton và Batavia và cũng là vành đai bảo vệ phía ngoài của Việt Nam[45]. Trái với mô tả chi tiết này về vị trí của quần đảo Hoàng Sa, cuốn Hai lu hạn chế miêu tả về quần đảo Trường Sa hay “Ch’ien-li shih-t’ang”, chỉ đơn giản là ở “phía Nam của biển Ch’i-chou” và “ phía Tây của Lu-sung” - đảo Luzon của Philippin[46]- và do vậy gây nên sự hiểu biết không rõ ràng trong giới các học giả và các nhà hàng hải đương thời về kích thước cụ thể của quần đảo Trường Sa[47].

Việt Nam cũng vấp phải vấn đề về bằng chứng như vậy. Nguồn tài liệu sớm nhất được trích dẫn trong Sách Trắng của Việt Nam gộp cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa dưới cái tên chung là “Hoàng Sa”, “Đại Trường Sa” và “Vạn lý Trường Sa”, dù rằng “Hoàng Sa” hiện nay được sử dụng để chỉ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhiều nhất. Sự lẫn lộn về thuật ngữ này đã giúp cho Việt Nam khẳng định rằng, tất cả các tài liệu ban đầu đề cập đến hoạt động cứu hộ và đánh cá ở trong và xung quanh quần đảo Hoàng Sa cũng đề cập đến những hoạt động tại quần đảo Trường Sa, vì sự xác định của địa phương về quần đảo Hoàng Sa ghi nhận trong các tài liệu này có bao gồm cả quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, lập luận này không thuyết phục, vì thực tế vị trí địa lý cụ thể của quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa tạo nên cơ sở vững vàng để lập luận rằng, mỗi quần đảo đều khác biệt hẳn với quần đảo kia về mặt địa lý[48]. Thay vào đó, lập luận rằng, việc đề cập đến các hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa cũng đề cập chung đến các hoạt động trên toàn bộ khu vực Biển Đông có vẻ như là một cố gắng yếu ớt nhằm che khuất các tài liệu lịch sử chỉ ra rằng, các hoạt động này diễn ra là chỉ ở quần đảo Hoàng Sa. Tính không xác thực của lập luận như vậy trên cơ sở vận dụng những cái tên được chứng tỏ trong thực tế là nó có thể dễ dàng quay trở lại chống lại chính những người sử dụng nó. Ngay từ cuối những năm 1950, Trung Quốc và Philippin đã cố đưa ra lập luận rằng, những yêu sách của họ đối với nhóm đảo “Nam Sa” và “Kalayaan” không hề ảnh hưởng gì đến “Trường Sa” của Việt Nam vì những cái tên này đề cập đến một nhóm đảo khác với nhóm đảo mà Việt Nam yêu sách.[49]

Sự thiếu tính cụ thể và phân biệt giữa các quần đảo tranh chấp ở Biển Đông thể hiện trong các tài liệu lịch sử mà Trung Quốc và Việt Nam dựa vào đã đưa đến kết luận, dù rằng bản đồ thực tế của khu vực tới giữa thế kỷ 19 đã trở nên rõ ràng hơn, thì những số liệu có được vẫn chỉ đề cập đến những nhóm đảo ở ngoài khơi xa.[50]

Sự mơ hồ của các tài liệu lịch sử còn kèm theo những nghi ngờ về tính xác thực của bản thân các tài liệu đó. Chú ý rằng, những yêu sách hiện đại về danh nghĩa lịch sử chưa bao giờ được chính thức hoá bằng những công cụ pháp lý không thể bác bỏ được và có hiệu lực ràng buộc không bị tranh cãi[51]. Kết quả là có nhiều cơ hội và động cơ mạnh mẽ, thúc đẩy các bên yêu sách tiếp tục tìm kiếm các chứng cứ có thể chứng minh cho sự tồn tại một mối liên hệ lịch sử lâu dài với quần đảo Trường Sa, bất chấp có thể xác minh được hay không. Việc so sánh xem Trung Quốc đã làm như thế nào để “cụ thể hoá” yêu sách lịch sử của họ đối với các quần đảo ở Biển Đông, trong khoảng thời gian giữa tuyên bố năm 1951 của ông Chu và thông cáo của Bộ Ngoại giao năm 1980 về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy sự linh hoạt, theo đó những tài liệu như vậy có thể mở rộng ra, bao gộp chứng cứ về mối liên hệ mà họ yêu sách, biện luận là mang tính cổ xưa nhưng lại chỉ mới “phát hiện gần đây”[52] 

 

b. Xét về luật đương thời    

Ngoài những mối quan tâm về sự xác thực và tính chính xác của các tài liệu lịch sử tương ứng, cả Trung Quốc và Việt Nam buộc phải giải quyết một vấn đề mang tính nền tảng, hơn là liệu những bằng chứng danh nghĩa lịch sử có còn có sức nặng nào trong việc coi đó là một hình thức thụ đắc lãnh thổ. Một điều theo các nguyên tắc của luật quốc tế hiện đại đã được xác định rõ, là việc phát hiện lãnh thổ mới không mang lại cho người phát hiện ra nó danh nghĩa quyền sở hữu không thể bác bỏ, mà nó chỉ tạo nên danh nghĩa ban đầu và danh nghĩa này cần phải được củng cố thêm bằng việc chiếm hữu liên tục, hiệu lực sau đó[53]

Việc áp dụng nguyên tắc hiện đại này, dựa trên tiêu chuẩn “chiếm hữu” để đánh giá liệu yêu sách và những hành động tiền hiện đại của Trung Quốc và Việt Nam có đủ để thiết lập một danh nghĩa hoàn hảo đối với các quần đảo bị tranh chấp, hiện đang bị coi là không công bằng do có giả thuyết cho rằng, thay vào đó các tiêu chuẩn hiện đại cho việc hình thành hay thiết lập các yêu sách cần phải được áp dụng[54]. Việc áp dụng nguyên tắc “luật đương thời” này đã được xét tới trong phán quyết trọng tài vụ đảo Palmas ngày 4/4/1928. Sau khi nhượng bộ rằng, một thực tiễn pháp lý cần phải được đánh giá dưới ánh sáng của luật đương thời với nó và không phải là luật có hiệu lực vào thời điểm tranh chấp có liên quan, khi xuất hiện hay được đưa ra giải quyết, trọng tài duy nhất, Max Huber, đã đưa ra tiêu chuẩn sau đây:

“Về vấn đề hệ thống luật nào thịnh hành tại các thời kỳ kế tiếp nhau được áp dụng trong một vụ việc cụ thể (luật đương thời), cần phải phân biệt rõ giữa việc tạo lập các quyền và sự tồn tại của các quyền. Nguyên tắc giống như vậy đối với hành vi tạo lập quyền theo luật có hiệu lực tại thời điểm mà quyền đó phát sinh, đòi hỏi sự tồn tại của quyền và sự biểu hiện liên tục của nó sẽ phải tuân theo các điều kiện mà sự phát triển của luật đòi hỏi.”

[55]

Bằng việc đưa ra sự phân biệt này, Huber đã có thể kết luận rằng, vào thế kỷ 19, khi tranh chấp Palmas phát sinh, nguyên tắc chiếm hữu hiệu lực là nguyên tắc bao trùm của luật quốc tế, khẳng định việc thiết lập chủ quyền lãnh thổ. Do vậy, ông cũng kết luận, hành vi phát hiện không đủ để thiết lập chủ quyền đối với lãnh thổ tranh chấp, nếu như nó không được công nhận giá trị thông qua các hành vi chiếm hữu tiếp sau, thậm chí có sự nhượng bộ là một hành vi phát hiện hệt như vậy có thể tạo nên chủ quyền lãnh thổ cho người phát hiện với tư cách là danh nghĩa thụ đắc vào thế kỷ 16. [56].

Một thách thức ẩn chứa trong việc thực hiện nguyên tắc luật đương thời trên danh nghĩa lịch sử mà Trung Quốc và Việt Nam yêu sách là nguyên lý rằng, các yêu sách lịch sử của họ nếu được chứng minh đầy đủ bằng bằng chứng thì bản thân chúng đều đủ sức hỗ trợ cho khẳng định về chủ quyền lãnh thổ. Sự vững chắc của lập luận này trở nên rõ ràng, khi xét thấy các yêu sách muốn được đánh giá theo nguyên tắc này đã phát triển độc lập với truyền thống luật quốc tế phương Tây trên cơ sở của nó nguyên tắc luật đương thời được xây dựng nên. Vấn đề này sẽ được chứng minh rõ hơn khi xem xét dưới góc độ các hậu quả của những yêu sách lịch sử khi áp dụng luật đương thời. Bằng việc tách giá trị của chiếm hữu hiệu lực, với tư cách là một phương thức thụ đắc lãnh thổ ra khỏi việc cần có danh nghĩa lịch sử tồn tại từ trước, vụ Palmas đã đưa ra một cơ sở pháp lý, theo đó các bên thứ ba có thể xen ngang vào các yêu sách của Trung Quốc hay Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Nhưng nguyên tắc mà vụ Palmas đặt ra đối với luật đương thời chẳng có nghĩa lý gì, việc chú trọng vào các tiêu chuẩn tiền hiện đại sẽ chẳng giúp gì nhiều cho các yêu sách của Trung Quốc hay của Việt Nam về chủ quyền lãnh thổ đối với các quần đảo ở Biển Đông. Tư tưởng chính trị và pháp lý của Trung Quốc, phản ánh ảnh hưởng của luân lý Khổng giáo, quan niệm một vùng trên đó một quốc gia, hay “quốc”, có chủ quyền, không phải với chức năng của những giới hạn pháp lý, mà của tổ chức xã hội, lịch sử và sự trung thành của các thần dân[57]. Hoàng đế cai trị những thần dân chứ không phải là không gian; vùng đất cai trị được xác định như những điểm cư dân sinh sống và sử dụng. Do vậy, ranh giới phạm vi chủ quyền lãnh thổ được thể hiện ở những vùng ảnh hưởng chứ không phải ở những đường ranh giới xác định[58]. Nguyên tắc này sẽ giải thích tại sao mãi tới thế kỷ 19, vẫn không có bằng chứng nào về việc chính thức sáp nhập quần đảo Trường Sa hay Hoàng Sa vào lãnh địa do nhà Thanh, Trung Quốc cai trị[59]. Hơn nữa, ý tưởng về chủ quyền đại dương như sự mở rộng thẩm quyền chính đáng của quốc gia đối với cột nước ở biển, nếu có thì cũng chỉ đóng một phần rất nhỏ trong học thuyết chính trị và pháp lý truyền thống của Trung Quốc[60]. Chủ quyền chấm dứt trùng với sự kết thúc của bờ biển và sự vươn ra biển được giới hạn ban đầu nhằm kiểm soát việc ra vào các cảng và những con đường thủy nội địa để chống lại nạn buôn lậu và cướp biển[61]. Vùng biển không mang một giá trị chiến lược thực chất, ngoài tư cách là một vùng tiền tuyến quốc phòng và do vậy, những vùng nước khu vực, như Biển Đông, đã được coi là một phần cấu thành của vành đai bảo vệ bên ngoài[62]. Phù hợp với triển vọng hướng về đất liền đó, những tài liệu ghi chép trong giai đoạn này khẳng định, không nhiều hơn là sự công nhận về mặt địa lý các đảo ở Biển Đông là những điểm phân luồng giao thông quan trọng, là những mối nguy hiểm cho hàng hải và là những phần của một vành đai bảo vệ có thể mở rộng được cho sự bành trướng của đế chế[63]

Việt Nam cũng phải đối mặt với một vấn đề riêng biệt, nếu như yêu sách lịch sử của họ đối với các quần đảo ở Biển Đông được đánh giá bằng các tiêu chuẩn tiền hiện đại. Trong lịch sử, Trung Quốc coi Việt Nam là một nước chư hầu và do vậy, coi tất cả các lãnh thổ mà Việt Nam chiếm hữu hay thuộc quyền tài phán của Việt Nam đều nằm dưới sự thống trị của Trung Quốc. Trong khi Đàng Ngoài của Việt Nam có thể yêu sách là “độc lập” với triều đình Trung Quốc ngay từ thế kỷ thứ mười, thì họ vẫn duy trì quan hệ nghi thức triều cống ba năm một lần với hai mục đích, đảm bảo việc Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của Đàng Ngoài và tạo nên sự hỗ trợ về mặt quân sự hay bảo vệ chống xâm lược từ bên ngoài[64]. Thậm chí vua Gia Long, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn, An Nam vẫn tiếp tục triều cống Trung Quốc trong thế kỷ 19, một hành động có thể giải thích lý do tại sao nhà Thanh của Trung Quốc đã lờ đi những tấu chương nói rằng nhà vua đã chính thức chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa với danh nghĩa đất nước mình năm 1816.[65]

Đến cuối thế kỷ 19, Việt Nam đã độc lập tách biệt khỏi quỹ đạo thống trị chính trị của Trung Quốc. Năm 1862, hoàng đế Tự Đức của An Nam đã ký kết một hiệp ước với Pháp, trao cho Pháp những quyền rất lớn trong vương quốc của ông ta, bao gồm cả việc nhượng ba tỉnh Nam bộ, mở cửa ba cảng của An Nam cho Pháp buôn bán, trao cho Pháp quyền đi lại trên sông Mê Kông và cam kết không chuyển nhượng bất cứ một phần lãnh thổ An Nam nào cho bất cứ một quốc gia nào khác, ngoài Pháp[66]. Năm 1874, An Nam ký một hiệp ước Hoà bình và Liên minh với Pháp, trong đó, để đổi lại sự thừa nhận của Pháp đối với độc lập và chủ quyền của họ trước bất kỳ thế lực thứ ba nào cũng như đảm bảo sự hỗ trợ về quân sự của Pháp trong trường hợp có ngoại xâm, An Nam nhường cho Pháp quyền quản lý hoạt động đối ngoại của mình[67].

Bất chấp những hành động đó, vào thời điểm này, An Nam đã không cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ truyền thống với Trung Quốc. Nhiều khi họ yêu cầu Trung Quốc can thiệp để duy trì trật tự ở các tỉnh Bắc bộ “giáp giới” với biên giới phía Nam của Trung Quốc, làm nản lòng Pháp, kẻ đang cố gắng củng cố sự kiểm soát của họ ở Đông Dương và cũng là kẻ coi những hành vi này của An Nam là sự vi phạm nghĩa vụ của An Nam theo hiệp ước. Nhằm kiểm soát sự can thiệp liên tục của Trung Quốc vào Đông Dương, Trung Quốc và Pháp đã ký kết Hiệp định Ly - Fournier năm 1884, theo đó Trung Quốc thoả thuận tôn trọng mọi thoả thuận trong quá khứ cũng như trong tương lai giữa Pháp và An Nam và mở cửa biên giới Trung Quốc - Bắc Kỳ cho Pháp buôn bán[68]. Mặt khác, Pháp tuyên bố, khi ký kết bất ký hiệp ước nào giữa họ và An Nam, họ sẽ cố gắng tránh dùng bất cứ sự biểu đạt nào có thể gây nguy hại hay làm tổn thương đến uy tín của đế chế Trung Hoa[69]. Tuyên bố này được giải thích là tạo nên một sự công nhận gián tiếp quyền bá chủ của Trung Quốc đối với An Nam và, hệ quả là, đối với tất cả những gì mà An Nam chiếm hữu[70].

Dù không bao lâu sau đó, Hiệp định Ly - Fournier được nối tiếp bằng việc thiết lập sự bảo hộ của Pháp đối với An Nam và tất cả những gì An Nam sở hữu[71], trong thời kỳ này, An Nam tiếp tục sử dụng Trung Quốc để chống lại Pháp. Theo yêu cầu của An Nam, Trung Quốc đã cử quân đội giao chiến với Pháp năm 1885. Sau một số thắng lợi ban đầu, lực lượng của Trung Quốc đã bị đánh bại và Trung Quốc buộc phải ký một hiệp định mới với Pháp, theo đó họ thoả thuận không can thiệp vào việc Pháp quản lý hoạt động đối nội của An Nam[72]. Tuy nhiên, khác với Hiệp định Ly - Fournier được ký một năm trước, trong đó có những tham chiếu cụ thể đến việc bảo vệ uy tín của Trung Quốc, hiệp định mới đã bổ sung thêm một điều kiện với một tuyên bố tương tự của Pháp. Điều 2, đoạn 2 của Hiệp ước Thiên Tân ký ngày 9/6/1885 quy định, về những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và An Nam, việc Pháp công nhận uy tín của Trung Quốc không được hiểu theo hướng trái ngược với các điều khoản của hiệp ước mới[73]. Vì vậy chỉ đến năm 1885, việc huỷ bỏ chính thức mối quan hệ triều cống truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam mới chính thức có hiệu lực.

Toà án Pháp lý quốc tế đã có cơ hội xem xét tác động của các mối quan hệ chính trị phong kiến với việc đánh giá các yêu sách cạnh tranh về danh nghĩa lịch sử đối với lãnh thổ tranh chấp của các quốc gia thống trị và nước chư hầu trong quyết định ngày 7/11/1953, trong vụ Minquiers  Ecrehos. Vụ này nảy sinh từ một tranh chấp giữa Pháp và Vương quốc Anh về chủ quyền đối với một số đảo trong eo biển Măng Sơ. Trước năm 1204 sau CN, các vua của nước Anh đã được trao quyền sở hữu các đảo tranh chấp với tư cách là các công tước xứ Normandy và là chư hầu của vua Pháp. Năm 1204, một toà án của Pháp tuyên bố thu hồi những lãnh địa thuộc quyền sở hữu của triều đình Pháp mà vua nước Anh nắm giữ. Sau đó, triều đình Pháp cũng đã thu hồi việc trao đất của Pháp cho Anh. Dù cuối cùng người Pháp giành lại quyền chiếm hữu lục địa Normandy từ tay người Anh, nhưng họ không thể giành lại được quyền chiếm hữu các đảo ở eo biển Măng Sơ vẫn thuộc về người Anh, trừ trong một thời gian ngắn khi tranh chấp xảy ra. Toà án Pháp lý quốc tế quy định, dù rằng nhà vua Pháp đã có danh nghĩa phong kiến ban đầu đối với nhóm đảo Măng Sơ, nhưng danh nghĩa đó đã mất hiệu lực và hiện tại không tạo nên được một kết quả pháp lý nào. Quyết định của toà án Pháp năm 1204 được coi là không có hiệu lực thi hành, do các vua nước Pháp không trực tiếp chiếm hữu nhóm đảo vào thời điểm ban hành quyết định đó[74].

Có thể kết luận từ vụ Minquiers rằng, những mối liên hệ phong kiến của nước chư hầu sẽ không ảnh hưởng gì đến các yêu sách đối kháng của họ với nước bá chủ về quyền sở hữu đối với lãnh thổ được trao, với điều kiện là nước chư hầu tiếp tục chiếm hữu lãnh thổ một cách độc nhất và đối kháng sau khi mối quan hệ phong kiến đã bị huỷ bỏ hay chấm dứt. Trong bối cảnh tranh chấp tại quần đảo Trường Sa, công thức này đòi hỏi trước tiên phải xác định rõ, thời điểm mà việc chiếm hữu của nước chư hầu trở thành đối kháng. Nếu như việc ký kết Hiệp định Ly - Fournier tháng 5/1884 được coi là thời điểm quyết định những hậu quả của mối liên hệ phong kiến giữa Trung Quốc và Việt Nam về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, thì Trung Quốc hoàn toàn có thể biện luận rằng, bất cứ yêu sách nào của Việt Nam về danh nghĩa lịch sử đối với quần đảo Trường Sa, bắt nguồn từ những hành động do nhà nước bảo trợ trước năm 1884, cần phải được coi là thuộc về quyền lợi của Trung Quốc bởi vì, trước thời điểm đó, sự thống trị của Trung Quốc với Việt Nam và những gì thuộc sở hữu của họ vẫn còn được công nhận. Mặt khác, cũng không phải Việt Nam không thể tranh luận rằng, việc gián tiếp công nhận quyền bá chủ của Trung Quốc ngụ ý trong Hiệp định Ly - Fournier chủ yếu chỉ là tượng trưng bởi vì, trước hết, trong vòng một năm Trung Quốc đã có thể từ bỏ yêu sách của mình. Kế đến, Việt Nam có thể tuyên bố rằng, mối liên hệ phong kiến giữa họ với Trung Quốc, chủ yếu là thiết lập bởi việc triều cống ba năm một lần, và việc này vào thế kỷ 19 chỉ là một cử chỉ hư danh[75] và giống như các vua nước Anh trong vụ Minquiers sau năm 1204, thời gian chiếm hữu đối kháng của họ đối với quần đảo Trường Sa đã đủ trước khi Trung Quốc chính thức từ bỏ năm 1885 để thiết lập một yêu sách lịch sử độc lập.

Những vấn đề còn chưa được giải quyết về những yêu sách lịch sử của Trung Quốc và Việt Nam đã khiến cho các học giả tin rằng, dù vị thế lịch sử của mỗi bên có như thế nào, thì cơ sở pháp lý cho cả yêu sách của Việt Nam lẫn Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa đều bắt đầu từ những hiệp định ký vào cuối thế kỷ 19 và từ những hoạt động của những nhà cầm quyền quốc gia quan trọng tại khu vực kể từ thời điểm đó[76]. Bất kỳ một cuộc tranh cãi tiếp theo nào về việc bên nào trong các bên yêu sách có danh nghĩa lịch sử thuyết phục hơn sẽ mãi mãi không đi đến kết quả nào và do đó là vô ích. 


c. Các yêu sách lịch sử theo tuyên truyền         

Trong khi có thể nhận thấy rõ xu hướng chung trong các tài liệu lịch sử các quốc gia yêu sách đưa ra, là họ đang cố gắng hành động trong khuôn khổ của tiêu chuẩn “chiếm hữu” này, thì có thể thấy, trong các tuyên bố chính thức về quần đảo Trường Sa việc họ tin tưởng vào các yêu sách lịch sử về chủ quyền. Nếu các yêu sách lịch sử như vậy không mấy quan trọng trong dự tính của cộng đồng quốc tế thì điều gì được tính đến cho việc phục hồi những lập luận về các quyền lịch sử trong tranh chấp lãnh thổ như tranh chấp quanh khu vực quần đảo Trường Sa? Vấn đề này có thể được làm sáng tỏ khi xem xét để tìm hiểu xem liệu có phải những biểu hiện kiên trì của các yêu sách này chủ yếu dự định dành cho các thính giả trong nước, nhiều hơn là cho cộng đồng khu vực với hy vọng, những lời kêu gọi về danh nghĩa lịch sử sẽ tỏ ra là công cụ hữu hiệu để động viên tinh thần dân tộc ủng hộ cho các mục tiêu chính sách ngoại giao. Các sự kiện ở cả Trung Quốc và Philippin là những ví dụ.

Sau khi Trung Quốc củng cố việc kiểm soát quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 bằng việc đẩy người Việt Nam ra khỏi những cứ điểm của họ ở đó, chính phủ đã mở một chiến dịch khuếch trương lớn nhằm củng cố thêm yêu sách của Trung Quốc về danh nghĩa lịch sử đối với quần đảo này. Một nhóm khảo cổ đã được cử tới Hoàng Sa để nghiên cứu “lịch sử lâu đời” của Trung Quốc duy trì mối liên hệ và kiểm soát đối với khu vực này. Nhóm này đã biên soạn và xuất bản một tài liệu về các đồ tạo tác tìm thấy ở quần đảo Hoàng Sa, phần lớn trong số đó là các đồ sứ thời đầu nhà Minh. Các “đồ tạo tác” này, lúc đó được miêu tả như sau:

“xác tàu đắm từ nhiều thế kỷ chất lên thành đống, cả tàu nước ngoài và tàu Trung Quốc... (điều này) không xác nhận và cũng không bác bỏ sự hiện diện của Trung Quốc trên quần đảo này, chưa nói tới bất kỳ sự kiểm soát giả định nào đối với các hòn đảo này trong thời cổ đại và trung cổ.”[77]

“Chứng cứ” này đã sớm tạo cơ sở cho nhiều bài báo về lịch sử của quần đảo Hoàng Sa, các triển lãm ảnh về quần đảo và hình ảnh về cuộc sống của những người lính tham gia vào cuộc viễn chinh của Trung Quốc năm 1974 để chiếm đóng Hoàng Sa[78] và thậm chí cả một bộ phim tài liệu do Quân đội Giải phóng nhân dân “PLA” sản xuất năm 1975, với tên “Các hòn đảo của Biển Đông ”. Trong suốt năm 1975, thông tấn Trung Hoa liên tục đưa các câu chuyện và hình ảnh về các đơn vị hải quân PLA và các lực lượng dân quân “anh hùng” ở Hoàng Sa.

Trong khi chủ yếu chiến dịch khuếch trương này rõ ràng nhằm vào những thính giả nước ngoài, thì nó cũng tỏ ra có cùng mục đích đối với trong nước để tăng cường sự ủng hộ của công chúng, không chỉ cho các chuyến đi của Trung Quốc tới Hoàng Sa mà còn cho chính PLA, khi nó trở thành đối tượng phê bình nghiêm khắc của “Bè lũ Bốn tên”[79]. Bằng việc chứng minh “các danh nghĩa lịch sử” của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, ban lãnh đạo của PLA đã tìm được một cơ hội, một mặt bảo vệ họ khỏi những lời buộc tội về sự không trung thực trong chính trị và về trình độ kém cỏi trong kỹ thuật và, mặt khác, tạo nên sự đồng tình của công chúng dành cho họ cũng như làm tăng thêm nhuệ khí trong các lực lượng vũ trang[80]. Vì vậy, đáng chú ý là, dù hoạt động trong năm 1974 ở Hoàng Sa được tiến hành theo sự xúi giục của PLA, vì nó cũng được tiến hành dưới khẩu hiệu bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, nên không bộ phận nào trong giới cầm quyền Trung Quốc, gồm cả cánh “Bè lũ Bốn tên”, dám mạo hiểm về chính trị tới mức chống lại một hoạt động như vậy nếu sự thành công đã chắc chắn[81].

Việc sử dụng quần đảo Trường Sa như một khẩu hiệu lỗi thời để đẩy mạnh chương trình hoạt động trong nước của một nhóm giới chức cụ thể đã được chứng tỏ vào ngày 25 tháng 2 năm 1992, khi Trung Quốc thông qua bộ luật về các vùng nước lãnh thổ mới, tuyên bố, một số quần đảo tranh chấp tại Biển Đông và Nam Trung Quốc, bao gồm cả quần đảo Trường Sa, là lãnh thổ Trung Quốc và bảo lưu quyền sử dụng vũ lực để đánh đuổi những kẻ xâm phạm. Các nhà quan sát đều đồng ý rằng, luật này đã được Quốc hội Nhân dân thông qua dưới sức ép của PLA[82]. Trong những tháng trước khi thông qua luật mới, Phó Chủ tịch tỉnh Hải Nam, Xin Yejiang, đã dẫn đầu một phái đoàn 25 người thực hiện một “cuộc tuần tra” của lực lượng hải quân Trung Quốc quanh Trường Sa -

để dựng lên [một] tượng đài như một biểu hiện nữa về chủ quyền [của Trung Quốc] đối với Trường Sa và vùng nước xung quanh [nó] và như là bằng chứng về quyết tâm (của Trung Quốc) bảo vệ và phát triển quần đảo Trường Sa[83].

Sau khi thông qua luật mới, ngày 22 tháng 2 năm 1992, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố, họ sẽ tăng 13,8% ngân sách cho quân đội để phù hợp với chương trình quân sự được trang bị vũ khí kỹ thuật cao và trang thiết bị để tạo nên một hình tượng sức mạnh trên biển[84]. Tháng 4 năm 1992, trong khi tuyên bố đã đến lúc Trung Quốc điều chỉnh lại chiến lược hải quân và cố gắng hơn nữa trong việc giành lại các nguồn tài nguyên dầu lửa và khí đốt trên Biển Đông, Phó Tổng tư lệnh Hải quân Trung Quốc, tướng Zhang Xusan đã khẳng định các kế hoạch của Trung Quốc, dự định trở thành một cường quốc về hải quân trong khu vực thông qua việc phát triển thêm vũ khí hiện đại để bảo vệ các yêu sách của mình đối với các quần đảo trên Biển Đông và để hỗ trợ cho phát triển kinh tế trong vùng[85].

Phản ứng của Phillippin đối với bộ luật mới của Trung Quốc về các vùng nước lãnh thổ cũng phản ánh sự năng động giữa yêu sách của chính họ đối với Trường Sa và những nỗ lực của các bộ phận giới chức địa phương trong việc tạo nên sự ủng hộ trong nước cho các hoạt động ngoại giao khác và mục đích của chính sách quân sự. Trong các cuộc họp do Thượng nghị viện Phillippin tiến hành vào tháng 9 năm 1991, trước khi bỏ phiếu có hay không phê chuẩn hiệp ước cho phép Hoa Kỳ tiếp tục sử dụng quân đội và các căn cứ hải quân tại Phillippine, Bộ trưởng Quốc phòng Renato de Villa trình bày rằng, việc Hoa Kỳ rút quân có thể sẽ gây tác động, làm các nước láng giềng phản đối yêu sách của Phillippin đối với Trường Sa. Sau đó ông nói thêm rằng, Phillippin “chưa được chuẩn bị để đối phó với một cuộc đối đầu quân sự nổ ra tại Trường Sa”[86]. Tổng thống Phillippin Corazon Aquino đã công khai tuyên bố ủng hộ phê chuẩn hiệp ước này, nhưng một nhóm thượng nghị sỹ, có đủ số phiếu làm thất bại việc phê chuẩn, cũng công khai biểu lộ ý định của họ là bỏ phiếu chống lại hiệp ước. Trong khi ấy, Hoa Kỳ tuyên bố, họ sẽ rút 8.000 quân nhân còn lại khỏi Phillippin, nếu Thượng nghị viện không phê chuẩn hiệp ước[87].

Dù cho Thượng nghị viện bác bỏ hiệp ước đề xuất ký kết với Hoa Kỳ, một số nhà hoạch định chính sách của Phillippine vẫn tiếp tục gắn sự bất lực của Phillippin trong việc bảo vệ yêu sách của mình bằng quân sự với sự cần thiết phải giữ lại một hình thức tiếp tục hiện diện nào đó của quân đội Hoa Kỳ tại Phillippine. Việc Trung Quốc ban hành luật lãnh hải mới đã đủ để tạo nên động cơ cho việc mở lại cuộc tranh luận trong giới chức chính phủ Phillippin. Ngày 2 tháng 3 năm 1992, Phó Tổng thống Phillippin Salvador Laurel tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn truyền hình rằng, việc rút quân của Hoa Kỳ khỏi căn cứ tại Phillippin, đã để Philippin trở nên “trơ trọi về chiến lược” và có lẽ, không thể đảm trách được việc tự phòng thủ[88]. Trong khoảng thời gian này, những nguồn tin khác từ chính phủ Phillipin gợi ý rằng, dù cho hiệp ước bị bác bỏ và Hoa Kỳ chuyển giao các căn cứ quân sự cho Philippin, Philippin vẫn có thể dành cho Hoa Kỳ một hình thức nào đó để “tiếp tục tiếp cận” các căn cứ đó theo các điều khoản của Hiệp ước Phòng thủ chung giữa hai nước[89].

Dù chưa bao giờ đạt được thoả thuận dàn xếp cho việc tiếp cận này, những nhà hoạch định chính sách Philippin vẫn tiếp tục gắn việc bảo vệ yêu sách đối với Trường Sa của Philippin với cách giải thích của họ về cam kết của Hoa Kỳ theo Hiệp ước Phòng thủ chung. Ngày 3 tháng 3 năm 1992, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng De Villa tuyên bố, Philippin đã bắt đầu một chương trình hiện đại hoá 10 năm để phát triển lực lượng không quân và hải quân của mình. Tuy nhiên, ông nói thêm, dù có sự nỗ lực này, Philippin vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tự phòng thủ chống lại sự xâm lược từ bên ngoài, đặc biệt là ở Trường Sa và vì vậy, trong trường hợp bị tấn công, hy vọng “Hoa Kỳ... tới giúp đỡ chúng ta trong việc bảo vệ (Trường Sa)... theo các điều khoản của Hiệp ước Phòng thủ chung."[90] Điểm này sau đó đã được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Raul Manglapus nhắc lại[91].

Các điều khoản liên quan của Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Philippin có nêu như sau :

Điều IV

Mỗi bên công nhận, một cuộc tấn công vũ trang tại khu vực Thái Bình Dương đối với bất cứ Bên nào đều là nguy hiểm đối với hoà bình và an ninh của chính họ và tuyên bố, sẽ hành động để giải quyết mối nguy hiểm chung theo trình tự hiến pháp của họ quy định. 

Bất kỳ một cuộc tấn công vũ trang nào như vậy và mọi biện pháp được tiến hành do kết quả của việc này, sẽ được thông báo ngay tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Các biện pháp này sẽ chấm dứt khi Hội đồng Bảo an áp dụng những biện pháp cần thiết để khôi phục và gìn giữ hoà bình và an ninh thế giới. 

Điều V

Vì mục đích của Điều IV, một cuộc tấn công vũ trang được coi là bao gồm việc tấn công vũ trang vào lãnh thổ chính của bất cứ bên nào, hay vào các lãnh thổ trên các đảo thuộc quyền tài phán của họ trên Thái Bình Dương, hay vào các lực lượng vũ trang, tàu thuyền công cộng và máy bay của họ trên Thái Bình Dương[92].

Những điều trên chứng tỏ, Hoa Kỳ không hề có một cam kết rõ ràng sẽ “bảo vệ” Philippin nếu Trường Sa, hay, thực tế là bất kỳ phần lãnh thổ nào của Philippin, bị một lực lượng thứ ba tấn công. Một hành động như vậy sẽ chỉ được coi là “nguy hiểm” khi Hoa Kỳ cho là như vậy và phản ứng phù hợp sẽ phải tùy thuộc vào việc tuân thủ “các trình tự hiến pháp” của Hoa Kỳ. Một lời tuyên chiến, hay thậm chí là một quyết định cử các đơn vị quân đội để giúp đỡ Philippin, đầu tiên phải có sự nhất trí giữa Tổng thống và Thượng nghị viện Hoa Kỳ về sự đúng đắn của hành động đó. Thứ hai, định nghĩa vùng trong Điều V về nơi mà cuộc tấn công vũ trang như vậy bị coi là nguy hiểm, thì cũng khá mù mờ để chứng minh rằng, vùng này không động chạm tới Trường Sa.

 Dù Hoa Kỳ đã công khai tuyên bố rằng, họ phản đối việc sử dụng vũ lực bởi bất cứ bên nào để ủng hộ yêu sách của họ đối với Trường Sa, Hoa Kỳ vẫn chưa chính thức ủng hộ yêu sách của Philippin hay bất cứ bên nào khác. Thay vào đó, Hoa Kỳ gợi ý rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (“ASEAN”) huy động áp lực chính trị để ngăn cản bất cứ quốc gia nào muốn hành động như vậy bởi vì,

“về quần đảo Trường Sa, có một lịch sử về các nghĩa vụ quốc tế, các cam kết [mà Hoa Kỳ] đưa ra và chúng giới hạn chính xác những gì [họ] có thể làm.[93]

Tuy nhiên, có tin rằng, các nguồn tin “không chính thức” từ Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Manila đã thẳng thừng khẳng định, Hoa Kỳ không có nghĩa vụ giúp Philippin nếu Trường Sa bị tấn công vì Trường Sa là lãnh thổ bị tranh chấp[94].

Những thảo luận trên đây chứng tỏ các yêu sách lịch sử có thể hữu ích như thế nào đối với giới chức địa phương, hay các phân nhóm trong giới chức đó, vì họ dễ dàng vận dụng chúng làm các phương tiện tuyên truyền để tạo nên sự ủng hộ cho các quyết định về chính sách đối ngoại, cụ thể qua việc kêu gọi các tình cảm dân tộc chủ nghĩa. Kết quả của việc thực hiện chiến lược này rất đa dạng. Tại Trung Quốc, nó đã giúp củng cố vững chắc cơ sở sức mạnh trong nước của PLA, trong khi tại Philippin có thể nó đã đánh lừa các nhà hoạch định chính sách, khiến cho họ đưa ra những quy kết vô trách nhiệm và nguy hiểm rằng, bất kể mối quan tâm đã bị giảm sút nhiều đối với Philippin của các nhà chiến lược Hoa Kỳ do việc tháo dỡ các căn cứ quân sự và hải quân ở đó, Hoa Kỳ vẫn sẽ ủng hộ về quân sự cho Philippin để đẩy lùi bất cứ cuộc tấn công nào của lực lượng thứ ba vào phần quần đảo Trường Sa mà Philippin yêu sách. Dẫu sao, rõ ràng những lời kêu gọi về danh nghĩa lịch sử này không thể tạo nên một cơ sở chấp nhận được cho việc giải quyết vấn đề chủ quyền đối với việc tranh chấp quần đảo Trường Sa. Do vậy, nên từ bỏ việc kiểm tra các tài liệu lịch sử để chuyển sang phân tích một cách nghiêm túc hơn hai cơ sở pháp lý khác làm cơ sở ủng hộ các yêu sách về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

 

Hết phần 1,  xem phần 2

 

------------

Bài viết  đã được trình bày tại Hội nghị Bàn tròn về "Tranh chấp quần đảo Trường Sa" tổ chức tại Trung tâm Pháp luật của trường Đại học tổng hợp Philippin vào ngày 27/1/1993. Bài viết này là một phần của luận án tiến sĩ của tác giả tại trường Đại học Luật Yale. Thành phần tham gia hội nghị là các học giả và tướng cấp cao Philippin.

 

 



[1] Xem, Tao Cheng “Tranh chấp đối với các đảo ở Biển Đông”, 10 Tạp chí Luật quốc tế Texas 265(1975); Hungdah Chiu và Choon-ho Park, “Quy chế pháp lý của các quần đảo Paracel (Hoàng Sa) và Spratly (Trường Sa)”, 3,Tạp chí Luật quốc tế và Phát triển biển 1(1975); Diane C. Drigot “Mối quan tâm về dầu lửa, một yếu tố trong yêu sách của Philippin và những tranh chấp lãnh thổ trên biển ở Biển Đông”, 8 Luật Quốc tế Yrbk Philippin 39 (1982).

[2] Xem, Peter Polomka, Chính trị biển ở Đông Nam Á (Singapore, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, 1978); Lee Yong Leng, Đông Nam Á và Luật Biển: Một số ý kiến chính trị về địa lý chính trị các biển vùng Đông Nam Á (Singapore, Nxb. trường Đại học tổng hợp Singapore, 1980); Jorge Coquia, “Phân tích thuyết quốc gia quần đảo trong công ước mới về Luật Biển”, trong cuốn Những bài viết chọn lọc về Luật Biển, ấn phẩm của Ban thư ký Uỷ ban Chính phủ về Hiệp ước Luật Biển, chuyên khảo, số 1 (Manila: Nxb. Viện Phát triển Philippin, 1982); Miriam Defensor-Santiago, Khái niệm quần đảo trong Luật Biển: Những vấn đề và triển vọng, ấn phẩm của Ban thư ký Uỷ ban Chính phủ về Hiệp ước Luật Biển, chuyên khảo, số 2 (Manila: Nxb. Viện Phát triển Philippin, 1982); Phiphat Tansubkol, ASEAN và Luật Biển (Singapore: Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, 1982); Phiphat Tansubkol, Các quốc gia quần đảo Đông Nam Á: Khái niệm, quá trình phát triển và thực tiễn hiện nay (Honolulu: Viện Nghiên cứu môi trường và chính sách Đông-Tây, 1984); Hội thảo quốc tế về Luật Biển mới ở Đông Nam Á: Những kết quả phát triển và hướng tiếp cận của khu vực, Douglas M. Johnston, và những người khác, biên soạn. (Halifax, Nova Scotia: Chương trình nghiên cứu đại dương Dalhousie, 1985); Kriangsak Kittichaisaree,Luật Biển và hoạnh định ranh giới biển ở Đông Nam Á (Singapore-London-New York: Nxb. trường Đại học tổng hợp Oxford, 1987; Tạo lập ranh giới biển: Các biến động và các vấn đề khu vực, Douglas M. Johnston & Philip M. Saunders, biên soạn. (London-New York: Croom Helm, 1988).

[3] Kittichaisaree, tr.139. Các nguồn tin khác cũng lưu ý rằng, tranh chấp giữa Việt Nam và Indonesia không liên quan đến quyền sở hữu các đảo mà chỉ liên quan đến quyền tài phán đối với vùng nước xung quanh (Douglas M. Johnston & Mark Valencia, Các vấn đề ranh giới biển Thái Bình Dương: Quy chế và giải pháp, Q.16, ấn phẩm về phát triển đại dương (Dordrecht-Boston-London; Nxb. Martinus Nijhoff, 1991), tr.130.

[4] Quần đảo Trường Sa có thể được xác định là gồm các đảo nằm giữa vĩ tuyến 40 và 110 30’B và kinh tuyến 109 30’Đ. Nó trải dài trên khoảng 1.000 km, từ Bắc xuống Nam. Những khoảng cách gần bờ, tính theo cách đo điểm gần nhất bao gồm: 650 km về phía Đông của bờ biển Việt Nam; 750 km về phía Nam của quần đảo Hoàng Sa; 1.000 km từ đảo Hải Nam của Trung Quốc tới điểm tận cùng phía Bắc của quần đảo Trường Sa; 250 km kể từ bờ biển Sabah; 160 km kể từ bờ biển Sarawak của Malaysia và 100 km về phía Tây của đảo Palawan, Philippin. (Xem,Từ điển địa lý, Marwyn Samuels, Cuộc tranh cãi về Biển Đông (New York & LondonMethuen, 1982). Tuy nhiên, lưu ý rằng do các đảo ở khu vực này ban đầu là những đảo san hô, do vậy có một quá trình liên tục hình thành đảo đang diễn ra. Ở quần đảo Trường Sa có thể dẫn tới sự hình thành các đảo hay nhóm đảo mới chưa được ghi tên lên bản đồ. Nhằm tránh sự nhầm lẫn khi đề cập đến “đảo Trường Sa” hiện do Việt Nam chiếm giữ và toàn bộ bản thân quần đảo, trong bài viết này sẽ đề cập đến toàn bộ quần đảo là “Spratly archipelago “ (quần đảo Trường Sa) hoặc “Spratlys” (Trường Sa). 

Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam yêu sách toàn bộ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Philippin chủ yếu chỉ yêu sách vùng phía Tây của quần đảo Trường Sa nằm gần nhất với đảo Palawan của họ, nhưng cũng bao gồm hầu hết những đảo lớn của quần đảo này. Malaysia chỉ yêu sách ba đảo mà hiện họ đang chiếm giữ và cả  đảo Amboyna Cay (An Bang) do Việt Nam chiếm giữ.

Ngoài năm nước yêu sách nói trên, Brunei cũng đã nêu yêu sách đối với đá Louisa (Luxia), một trong những “bãi phía Nam” của quần đảo Trường Sa, tuy nhiên, nó thường xuyên ngập dưới mặt nước. (Xem, Tuyên bố của Hoàng tử Mohamad Bolkiah, Ngoại trưởng Brunei, với Reuters, ngày 26/1/1992). Có ý kiến cho rằng Brunei “về mặt địa lý có thể được xếp vào loại” có quyền yêu sách như vậy (Johnston & Valencia, tr.59). Tuy nhiên, do thực tế là đá Louisa (Luxia) gần như là hoàn toàn ngập dưới mặt nước khi triều lên, Brunei không duy trì sự có mặt chính thức về quân sự trên quần đảo Trường Sa (United Press Int’l., ngày 9/2/1992).

 

[5] Việt Nam đã chiếm giữ 25 đảo với căn cứ chính trên đảo Spratly (Trường Sa). Philippin giữ tám đảo với căn cứ trên đảo Thi Tu (“Pagasa”). Trung Quốc giữ tám đảo. Malaysia có ba đảo và đã mở cửa đảo đá Swallow (“Terumbu Layang-Layang”) - (Hoa Lau) làm một khu du lịch. Đài Loan giữ đảo Itu Aba (Ba Bình), đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa. (Dịch vụ thông tấn quốc tế, ngày 19/7/1991, The Christian Science Monitor, ngày 15/7/1991).

[6] Năm 1971, Philippin đổ quân lên sáu đảo thuộc quần đảo Trường Sa sau khi những phản đối về mặt ngoại giao không ngăn trở được sự phát sinh những sự kiện có dính líu đến đụng độ quân sự với hải quân Đài Loan (Xem, Haydee Yorac, “Yêu sách của Philippin đối với nhóm đảo Trường Sa”, 58, Phil. L.J. 45 [1983]).

[7] Lỗ Chí Kiên, Chính sách của Trung Quốc về những tranh chấp lãnh thổ: Trường hợp các đảo ở Biển Đông (London & New York; Routledge, 1989) tr.146. Quân đội của (Bắc) Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã giành quyền kiểm soát các vị trí của Nam Việt Nam tháng 4/1975.

[8] Các nguồn tin của Trung Quốc cho biết,  Hải quân Trung Quốc đã làm đắm một tầu của Việt Nam và làm hư hỏng hai tầu chở hàng gần đảo Sin Cowe (Sinh Tồn) thuộc bãi Union (Cụm Sinh Tồn) trong “Khu vực nguy hiểm” của quần đảo Trường Sa . Việt Nam đưa tin là có ba người bị thương và 74 người bị mất tích sau trận chiến (Thời báo Los Angeles, ngày 17/3/1988; Reuters, ngày 15/3/1988).

[9] Đảo lớn nhất của quần đảo, Itu Aba (Ba Bình) chỉ có 1,2 km (0,75 dặm) chiều dài và vẻn vẹn 336 m (1.100 feet) chiều rộng. Tất cả các đảo quan trọng nhất, bao gồm: Itu Aba (Ba Bình), ThiTu (Thị Tứ), Loai Ta (Loại Ta), Nam Yit (Nam Yết) và đảo Trường Sa đều nằm ở rìa phía Tây của quần đảo. Dấu hiệu phân biệt chính của chúng là sự tồn tại của nước ngọt, và trong trường hợp đảo Itu Aba (Ba Bình) và Trường Sa là có những mỏ phân chim (Samuels, Từ điển Địa lý).

[10] Choon - Ho Park, “Các tranh chấp ở Biển Đông : Ai là chủ sở hữu của các đảo và các nguồn tài nguyên thiên nhiên?,” 1, Tạp chí Luật quốc tế và phát triển biển 27 (1973), tr.37. Xem thêm, Chiu & Park, tr.20.

[11] Công ước về Luật Biển (“LOS”) được ký kết bởi 155 quốc gia khi kết thúc Hội nghị quốc tế lần thứ III về luật biển UNCLOS III quy định tại Điều 122 rằng, một “biển kín hay nửa kín” là một “vùng biển do hai hay nhiều quốc gia bao bọc xung quanh và thông với một biển khác hay với đại dương qua một cửa hẹp, hoặc là hoàn toàn hay chủ yếu do các lãnh hải và các vùng đặc quyền về kinh tế của hai hay nhiều quốc gia tạo thành.”

[12] Tuyên bố ngày 12/5/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (Bắc Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương và sự phát triển của luật biển, M. Nordquist & Choon-Ho Park, biên soạn, tập .2 (London-Rome-New York; Ấn phẩm về đại dương, Inc., 1981). Đoạn 5 của Tuyên bố quy định rằng “các đảo và quần đảo thuộc lãnh thổ của Việt Nam ở ngoài vùng lãnh hải của Việt Nam ... đều có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.” Ở đây là đề cập tới quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa vốn đã được gộp vào các tỉnh đất liền của Việt Nam với mục đích quản lý hành chính trong nước.

[13] Nghị định số 1596 của Tổng thống, ban hành ngày 11/6/1978. Luật về sáp nhập quần đảo Trường Sa vào trong đường cơ sở đang có của Philippin, được biết đến với cái tên là Đạo luật của nghị viện số 206, đã bị lưu lại ở Nghị viện Philippin kể từ khi được Chủ tịch Uỷ ban quan hệ quốc tế đệ trình năm 1987.

[14] Nghị định số 1599 của Tổng thống, cũng ban hành ngày 11/6/1978. Lưu ý, Nghị định số 1596 của Tổng thống, tuyên bố việc sáp nhập phần phía Tây của quần đảo Trường Sa không xác định rõ là có phải quần đảo đã được sáp nhập vào bên trong đường cơ sở đang có của Philippin hay không, như được xác định bởi Đạo luật Cộng hoà số 3046(1961) và 5446 (1968), hay được coi là một quần đảo riêng biệt được đưa vào dưới quyền tài phán của Philippin. Vì Nghị định số 1599 của Tổng thống không xác định rõ là vùng đặc quyền kinh tế được xác định như thế nào, do vậy cũng không rõ là các vùng biển quanh quần đảo Trường Sa sẽ được vạch như thế nào.

[15] Tháng 12/1979, lần đầu tiên Malaysia yêu sách đảo Amboyna Cay (An Bang) ở phía Tây quần đảo Trường Sa và đá Swallow (Hoa Lau) và đá Louisa (Luxia) ở phía Nam quần đảo Trường Sa là một phần thềm lục địa của họ (Samuels, tr.163). Một bản đồ về các vùng nước lãnh thổ của Malaysia phản ánh sự hợp nhất này đã được xuất bản vào ngày 14/4/1980 (Các bản tin của Đài phát thanh nước Anh, ngày 14/4/1980).

[16] Các báo cáo của thư viện Reuters, ngày 26/2/1992. Ví dụ như, đạo luật của Trung Quốc đã được áp dụng với các đảo Senkaku hay Diaoyutai nằm ở biển Đông Trung Hoa cách Đài Loan 90 hải lý về phía Đông Bắc mà Nhật Bản và Đài Loan cũng yêu sách.

[17] Các bản tin của Đài phát thanh nước Anh, ngày 3/3/1992.

[18] Các bản tin của Đài phát thanh nước Anh, ngày 23/7/1991.

[19]Sđd.

[20] Thông tấn Pháp, ngày 3/11/1991; Boston Globe, ngày 22/7/1991. Hội nghị Băng Đung là hội nghị tại đó, lần đầu tiên Trung Quốc và Đài Loan đồng ý tham gia những cuộc nói chuyện về vấn đề tương lai của quần đảo Trường Sa (Thời báo Los Angeles, ngày 16/7/1991). Trung Quốc đã tẩy chay một cuộc thảo luận không chính thức tương tự về tranh chấp đối với quần đảo Trường Sa do Hiệp hội các nước Đông Nam Á (“ASEAN”) tổ chức tại Bali, Indonesia vào tháng 1/1991 (Dịch vụ thông tấn quốc tế, ngày 19/7/1991).

[21] Thời báo Los Angeles, ngày 16/7/1991; Tuần báo Nikkei, ngày 27/7/1991.

[22] Tuyên bố của Wang Yingfan, Vụ trưởng Vụ Châu Á, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc tham gia Hội nghị Băng Đung, theo thông tin từ Dịch vụ Thông tin Kyodo, ngày 18/7/1991; Các bản tin của Đài phát thanh nước Anh, ngày 30/7/1991.

[23] Tháng 4/1988, pháo hạm của Malaysia đã bắt giữ bốn tầu đánh cá của Philippin ngoài khơi đá Comodore (Công Đo), cầm tù 49 dân chài Philippin trên tầu và truy tố họ về tội vi phạm Luật Đánh cá năm 1985 của Malaysia. (Nguồn tin thông tấn quốc tế, ngày 16/9/1988). Mặc dù Toà án Tối cao Malaysia tại Kota Kinabalu, Sabah thấy rằng các tầu này đã đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, Toà đã tuyên bố họ vô tội do nhầm lẫn (Xem, Quyết định của Hon. Raymond Wong, ngày 1/8/1988). Chính phủ Malaysia tuyên bố sẽ kháng cáo quyết định này, nhưng sau khi có đại diện ngoại giao của Bộ Ngoại giao Philippin, đại diện cho những dân chài bị giam giữ cũng như có lời thỉnh cầu của Tổng thống Philippin, Corazon Aquino tới Thủ tướng Malaysia, Mahatir Mohammad, đã không có kháng cáo nào được đệ trình. Những người dân chài đã được thả ra vào tháng 9/1988 sau khi một người đã chết trong khi bị cầm tù.

                Tháng 3/1992, Hải quân Philippin đã bắt giữ bẩy dân chài Trung Quốc vì lý do đánh cá tại khu vực cấm ở ngoài khơi đảo Pag-asa (Thị Tứ), đảo lớn nhất mà Philippin chiếm giữ trong quần đảo Trường Sa (Các bản tin của Đài phát thanh nước Anh, ngày 24/3/1992). Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối vụ bắt giữ này, tuyên bố rằng “Không có lý do nào để tranh cãi về việc Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa) và vùng biển xung quanh” (Thông tin kinh tế Nhật Bản, ngày 24/3/1992). Sau “những dàn xếp và hội đàm thân thiện” những dân chài đã được thả ra vào tháng 4/1992 (Reuters, ngày 1/4/1992).

[24] Reuters, ngày 26/2/1992.

[25]  Thông tin kinh tế Nhật Bản, ngày 4/3/1992.

[26] Các quốc gia yêu sách có thể sẽ phải đối mặt với tình cảnh này sớm hơn là họ tưởng. Với một hành động không ngờ, gần đây Trung Quốc đã ký một hợp đồng khai thác dầu lửa, cho phép Công ty Crestone-Energy, một công ty của Mỹ, hoạt động tại một lô 9.700 m2 ở Biển Đông, nơi Việt Nam cũng có yêu sách. Randall Thomson, Chủ tịch Creston tuyên bố rằng, mặc dù công ty đã biết  quyền tài phán đối với khu vực này đang bị tranh chấp, nhưng công ty vẫn ký hợp đồng vì Trung Quốc đã bảo đảm họ sẽ sử dụng toàn bộ khả năng hải quân để bảo vệ cho những hoạt động của công ty. (Thời báo New York, ngày 18/6/1992).

[27] Chiu & Park, tr.20.

[28] Dẫn chứng về tư tưởng này được phản ánh trong những tuyên bố của các vị sau: Ngày 1/9/1991 Reuters đã trích lời của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia nói rằng, tiền của đổ ra để xây dựng Đá Swallow (Hoa Lau) “không là gì khi so sánh với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và tầm quan trọng kinh tế và chiến lược của các đảo san hô”. Ngày 16/6/1991, Thời báo Los Angeles trích lời của Trung tướng Lisandro Abadia, Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Philippin rằng “ có những biểu hiện rõ ràng rằng, đấu trường tranh chấp trong tương lai có thể sẽ chuyển sang vùng biển, đặc biệt là những tranh chấp về lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa”; Ngày 16/6/1991, Reuters trích lời của Đại sứ Philippin tại Malaysia, Rodolfo Severino rằng, khó có thể phát triển các nguồn tài nguyên ở quần đảo Trường Sa nếu trước tiên không dàn xếp các tranh chấp trên biển; Ngày 28/11/1989, Tân Hoa Xã đã trích lời của lãnh đạo đảng chiếm đa số trong Nghị viện Philippin, Teofisto Guingona, thúc giục đoàn đại biểu của Philippin đàm phán một hiệp định ranh giới biển với Malaysia để khẳng định “các quyền lãnh thổ” của Philippin.

[29] Lưu ý rằng dù thông cáo chung do các thành viên tham gia đưa ra cuối Hội nghị Băng Đung có nói rằng “bất kỳ tranh chấp tài phán và lãnh thổ nào ở khu vực Biển Đông cũng nên được giải quyết bằng các biện pháp hoà bình thông qua đối thoại và đàm phán.” (Tuần báo Nikkei, ngày 22/7/1991). Nhưng Chủ tịch Hội nghị Băng Đung, Ngoại trưởng Indonesia Ali Alatas đã chỉ ra rằng “nếu [các đại biểu] bắt đầu bằng các yêu sách chủ quyền, [hội nghị] sẽ ngay lập tức đi đến chỗ bế tắc.” (Dịch vụ Thông tấn quốc tế, ngày 19/7/1991).

[30]  Samuels, tr.128.

[31] Lỗ Chí Kiên, tr.167, 194; Chiu & Park, tr.4; Kittichaisaree, tr.137-150; Yorac, “Yêu sách của Philippin đối với quần đảo Trường Sa”; Ted L. McDorman, “Các vấn đề về hoạch định ranh giới biển đặc biệt ở biển Đông Nam Á” 10, Phil. Yrbk. Luật quốc tế 52, 65 (1984). Xem thêm, nói chung, Hiran W.Jayawardene, Chế độ các đảo trong luật quốc tế, Q.15 Các ấn phẩm về phát triển quốc tế (Dordrecht-Boston-London: Nxb. Martinus Nijhoff, 1989). Tuy nhiên, lưu ý đến một xu hướng đối ngược rõ ràng trong những ấn phẩm gần đây, Johnston & ValenciaCác vấn đề biên giới biển.

[32] Tham khảo các yêu sách của “Trung Quốc” về danh nghĩa lịch sử đối với quần đảo Trường Sa nên được coi là bao gồm của cả Cộng hoà Nhân dân (sau đây được gọi là Trung Quốc) và Đài Loan, được gọi là Cộng hoà Trung Quốc. Sẽ không sai khi khẳng định, phạm vi yêu sách lịch sử của cả hai thực thể này trùng nhau, vì mỗi bên đều yêu sách là người kế thừa toàn bộ các quyền thuộc về Trung Quốc, trước khi nước này trên thực tế bị phân chia năm 1949. Trung Quốc đã không phản đối việc Đài Loan chiếm giữ đảo Itu Aba (Ba Bình) ở quần đảo Trường Sa, chủ yếu vì mãi cho tới năm 1988, quân đồn trú của Đài Loan trên đảo này là sự tồn tại liên tục duy nhất của “Trung Quốc” trên quần đảo.

Nếu trong tương lai, Đài Loan tuyên bố việc tách biệt về mặt pháp lý ra khỏi Trung Quốc, có vẻ do vậy, Đài Loan sẽ phải từ bỏ các yêu sách của mình đối với quần đảo Trường Sa trên cơ sở danh nghĩa lịch sử, và với tư cách là một quốc gia mới, phải dựa trên các cơ sở khác để thủ đắc danh nghĩa như vậy. Do Đài Loan là quốc gia đầu tiên đóng quân trên đảo Itu Aba (Ba Bình) sau Chiến tranh thế giới II, yêu sách mạnh mẽ nhất của họ về quyền sở hữu đối với quần đảo Trường Sa sẽ dựa trên cơ sở việc chiếm hữu đảo lớn nhất trong quần đảo.

Philippin cũng đã cố gắng thiết lập yêu sách của họ đối với quần đảo Trường Sa dựa trên danh nghĩa lịch sử. Biểu hiện sớm nhất sự quan tâm của Philippin đối với quần đảo Trường Sa được ghi nhận vào năm 1947, khi Bộ trưởng Ngoại giao Philippin, Carlos P. Garcia biện hộ rằng, Quần đảo mới phía Nam, thực thể do Nhật Bản thiết lập để quản lý cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa năm 1939 và trong suốt cuộc chiến tranh, được chuyển cho Philippin như một bảo đảm về an ninh. Yêu cầu này dựa trên thực tế là, đảo Itu Aba (Ba Bình) đã được sử dụng làm căn cứ để Nhật Bản xâm lược Philippin trong cuộc chiến tranh (Cheng, tr.270, trích Ta Kung Pao [Thượng Hải], ngày 26/1/1947). Ngày 28/7/1947, vài tháng sau tuyên bố này, Philippin đã chấp nhận một đề xuất của Mỹ về việc triệu tập một hội nghị giữa mười một thành viên của Uỷ ban Viễn Đông để soạn thảo một hoà ước với Nhật Bản (Phòng thông tin quốc gia Mỹ, Q.XVIII, Số 426, ngày 31/8/1947, tr.436). Uỷ ban Viễn Đông đã được thành lập để soạn thảo các chính sách, nguyên tắc và tiêu chuẩn buộc Nhật Bản tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo Tuyên bố Potsdam khi đầu hàng (Sđd, ngày 24/8/1947, tr.395). Tuy nhiên, tại Hội nghị Hoà bình San Francisco năm 1951 về dự thảo Hoà ước với Nhật Bản, khác với Việt Nam, Philippin đã không đưa ra yêu sách đối với các đảo ở Biển Đông (Xem, Các ý kiến của Carlos P.Romulo, Bộ trưởng Ngoại gia trong phiên họp toàn thể thứ sáu, Biên bản hội nghị: Hội nghị kết thúc và ký kết hoà ước với Nhật Bản, San Francisco, California, ngày 4-8/9/1951, Phòng xuất bản quốc gia Mỹ, Hội thảo và Tổ chức quốc tế, đợt phát hành II, Viễn Đông ngày 3/12/1951, tr.224-233). Ý kiến của ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã được đưa ra tại phiên họp toàn thể thứ bẩy (Biên bản hội nghị, tr.263; xem thêm, chú thích 108 ở dưới).

Trong khi những hành vi không rõ ràng này khó có thể tạo nên cơ sở cho yêu sách của Philippin về danh nghĩa lịch sử ngang bằng với Trung Quốc hay Việt Nam, Philippin đã ghi nhận một yêu sách danh nghĩa lịch sử đối với quần đảo Trường Sa khi soạn thảo luật trong nước. Hiến pháp Philippin 1973 và 1987 đều bao gồm định nghĩa “lãnh thổ Philippin” bao gồm những tham chiếu đến “lãnh thổ trên đó [Philippin] có danh nghĩa lịch sử” (Đ.I, Hiến pháp 1973) hay đến “lãnh thổ trên đó Philippine có chủ quyền và quyền tài phán” (Đ.I, Hiến pháp 1987). Điều khoản năm 1973 đầu tiên đề cập đến yêu sách vẫn chưa được giải quyết đối với Sabah, nơi Philippin vẫn đang bảo vệ chống lại Malaysia, kể từ khi Malaysia độc lập năm 1957. Tuy nhiên, với phát kiến năm 1956 của Tomas Cloma về “Các đảo Kalayan” thuộc vùng quần đảo Trường Sa, người Philippin đã mở rộng giải thích của điều khoản này nhằm bao hàm yêu sách của mình đối với cả quần đảo Trường Sa. Theo đó, Nghị định Tổng thống số 1596 ban hành năm 1978 đã khẳng định việc sáp nhập các đảo Kalayaan thành một phần của Philippin trên cơ sở “lịch sử”, và những cơ sở khác.

[33] Tập hợp tài liệu về quan hệ đối ngoại của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (Bắc Kinh: Bộ Ngoại giao, 1961), Q.2, tr.32; trích dẫn trong Samuels, tr. 79.

[34] Shao Hsun-Cheng, “Các đảo của Trung Quốc ở Biển Đông”, Nhân dân Trung Hoa, Q.13, tr.27 (1956), trích dẫn trong Samuels, Phụ lục C; xem thêm Lỗ Chí Kiên, tr. 30.

[35] Lỗ Chí Kiên, các trang 34, 113; cũng được trích dẫn trong Samuels, Phụ lục C. “Xisha” là nói tới quần đảo Hoàng Sa và “Nansha” là nói tới quần đảo Trường Sa.

[36] Bộ Ngoại giao Việt Nam xuất bản Sách Trắng I ngày 27/9/1979 và Sách Trắng II ngày 18/1/1982. “Hoàng Sa” là đề cập đến quần đảo Paracels và "Trường Sa" là đề cập đến quần đảo Spratlys.

[37] Sách Trắng I & II; cũng xem Samuels, Phụ lục C. “Biển Đông” là đề cập tới Biển Đông.

[38] Xem, “Phủ biên tạp lục” (Tạp ký về vùng biên) vào khoảng năm 1784, trích trong Sách Trắng II.

[39]  Xem, “Đại Nam thực lục chính biên” (“Biên niên sử chính thức của nước Đại Nam”) vào khoảng năm 1830 và “Đại Nam nhất thống đồ” (“Bản đồ chi tiết của nước Đại Nam”) vào khoảng năm 1838, sử dụng một phần thông tin do một phái đoàn được cử tới nhóm đảo dưới thời vua Minh Mệnh thu thập được, trích dẫn trong Sách Trắng II.

[40]  Lỗ Chí Kiên, tr.31; Samuels, tr.6.

[41] Chiu & Park, tr. 9.

[42] Samuels, tr.23-24.

[43]  Sđd.

[44] Sđd., tr.36. Tuy nhiên Samuels lưu ý rằng, cái tên “Ch’ien - li shih - t’ang” thường là đề cập đến bãi ngầm Macclesfield và rằng, chỉ vì khoảng cách rộng giữa hai nhóm đảo mô tả trong bản đồ đi kèm nên dẫn đến kết luận đó là đề cập tới quần đảo Trường Sa. Xem thêm, Chiu & Park, tr.10.

[45] Tuy nhiên Samuels, tr.38; Chiu & Park, tr.10, đã trích dẫn một ấn phẩm của nhà Minh thế kỷ 16 mang tên “Hai - yu” hay “Trên biển” sử dụng tên “Wan - li chang - sha” để chỉ quần đảo Trường Sa.

[46] Samuels, tr.38

[47] Quần đảo Trường Sa đã được thừa nhận là thường bị nhầm lẫn với quần đảo Hoàng Sa trong tài liệu lịch sử của Trung Quốc. Xem, Chiu & Park, tr.10.

[48] Riêng theo tiêu chuẩn về khoảng cách, một quần đảo này tách biệt với một quần đảo khác khi chúng cách nhau khoảng 230 hải lý. Chiu & Park, tr.5.

[49] Trung Quốc yêu sách rằng nhóm đảo mà Việt Nam xác định là “Trường Sa”, đề cập đến nhóm đảo nằm gần bờ biển phía Nam của Việt Nam, chứ không phải là quần đảo Trường Sa (Tuyên bố của bộ Ngoại giao năm 1980, chú thích 35 ở trên.). Philippin lập luận rằng, “Trường Sa” mà Việt Nam yêu sách chỉ là đề cập đến nhóm gồm 7 đảo, trong đó đảo Trường Sa là lớn nhất và khẳng định rằng, yêu sách của Philippin bao gồm tất cả các đảo khác ở bên ngoài đơn vị địa lý đó. (Xem chú thích 193 ở dưới).

[50] Samuels, tr.40; Tài liệu lịch sử sớm nhất của phương Tây có phân biệt hai quần đảo là kết quả của cuộc khảo sát do đoàn thám hiểm của Kergiaou - Locmaria thực hiện (1887 - 1888) cùng thời điểm với Công ước Pháp - Thanh 1887 về phân định biên giới Đông Dương (Xem Chú thích 96 ở trên), “Yêu sách của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Phụ trương đặc biệt, Bộ Ngoại giao Việt Nam.

[51] Douglas M. Johnston, Lý thuyết và lịch sử của việc tạo lập biên giới biển (Kingston & Montreal: Nxb. trường Đại học tổng hợp McGill - Queen, 1998) tr.5.

[52] Xem Chú thích 35, ở trên.

[53] Đảo Palmas, 22 AJIL 867 (1928); Chủ quyền đối với đảo Clipperton, 26 AJIL 390 (1931); Quy chế pháp lý của Đông Greenland, Hudson, Các báo cáo của Tòa án quốc tế, Q.III, tr.148 (1933); Nhóm đảo Minquiers và Ecrehos, 1953 Các báo cáo của Toà án Pháp lý quốc tế (ICJ) 47.

[54]  Choon - Ho Park, tr.36; Cheng, tr.276 - 277.

[55] Palmas, tr.883.

[56] Sđd., tr.884.

[57] Samuels, tr.51.

[58] Sđd., tr.7. Xem thêm, Tzou, Byron N., Trung Quốc và Luật quốc tế (New York - Westport - London; Praeger,1990).

[59] Samuels, tr.40.

[60] Sđd., tr.51.

[61] Sđd.

[62] Sđd., tr.42.

[63] Sđd., tr.24, 47.

[64] D.R. Sar Desai, Việt Nam: Những thử thách và nỗi khổ cực của một dân tộc (Long Beach, California: Nxb. Long Beach, 1988) tr.26 - 27.

[65] Chuyến đi của vua Gia Long đến quần đảo Hoàng Sa đã được một tác giả người Pháp đương thời ghi lại, người này là cố vấn cho vua An Nam. Xem, J.B. Chaigneau, “Le Memoire sur cochinchine” được in trong “Bulletin des amis du Vieux Huej” 1820, trích trong Sách Trắng II. Xem thêm, Chiu & Park, tr.7.

[66] Hiệp ước Hoà bình và Hữu nghị giữa Pháp, Tây Ban Nha và An Nam, ngày 5/6/1862 ký tại Sài gòn, Martens, Nouveau Recueil General de Traites, lần 1. Quyển XVII, tr.169.

[67] Hiệp ước Hoà bình và Liên minh, ký tại Sài Gòn, ngày 15/3/1874 (Martens, Nouveau Recueil General de Traites, lần 2. Quyển II), tr.206.

[68]  Điều 2 và 3, Hiệp ước ngày 11/5/1884, ký tại Thiên Tân, 163 CTS 498.

[69] Sđd., Điều 4.

[70] Samuels, tr.44.

[71] Hiệp định Bảo hộ giữa Pháp và An Nam, ký tại Huế, ngày 6/6/1884, (Martens, Nouveau Recueil General de Traites, lần 2. Quyển XII), tr.624.

[72] Hiệp ước Thiên Tân giữa Trung Quốc và Pháp, ngày 9/6/1885, 166 CTS 196.

[73] Sđd., Điều 2, đoạn 2.

[74]  Minquiers, tr.56.

[75] Trật tự truyền thống của Trung Quốc là theo thứ bậc chứ không phải ngang bằng. Nói chung, mối quan hệ giữa các hoàng đế Trung Hoa và láng giềng, dựa trên cơ sở quan hệ triều cống, theo đó Trung Quốc nhận được sự đền đáp cho việc họ bảo hộ cho các nước láng giềng của mình khi họ còn cường thịnh. Xem, Tzou, B., tr.23. Khi sự ưu việt về chính trị và quân sự của họ lụi tàn vào thế kỷ 19, việc tiếp tục triều cống chủ yếu chỉ còn là hình thức.

[76] Choon - Ho Park, tr.33; Samuels, tr.66; Chiu & Park, tr.6.

[77] Samuels, tr.107.

[78] Xem, các bản tin của Tân Hoa Xã về cuộc triển lãm mang tên “Những bài ca về các hòn đảo Tây Sa tươi đẹp”, ngày 7 tháng 11 năm 1974.

[79] Samuels, tr.107.

[80] Sđd., tr.108.

[81] Lỗ chí Kiên, tr.77


[82] Tin tức quốc phòng, ngày 9 tháng 3 năm 1992; Các bản tin Đài phát thanh Anh quốc, 28 tháng 2 năm 1992; Thời báo Tài chính, 28 tháng 2 năm 1992.

[83] Tin tức chung Tân Hoa, ngày 27 tháng 1 năm 1992; Các bản tin Đài phát thanh Anh quốc, ngày 27 tháng 1 năm 1992; Reuters, ngày 23 tháng 1 năm 1992.

[84] Thời báo New York, ngày 22 tháng 3 năm 1992.

[85] Hãng thông tấn Pháp, ngày 6 tháng 4 năm 1992.

[86] Reuters, ngày 3 tháng 9 năm 1991.

[87]  Sđd.

[88] Reuter, ngày 3 tháng 3 năm 1992.

[89] Tin điện Kinh tế Nhật Bản, ngày 2 tháng 3 năm 1992; Reuters, ngày 15 tháng 3 năm 1992.

[90] Reuter, ngày 3 tháng 3 năm 1992.

[91] Reuter, ngày 13 tháng 4 năm 1992.

[92] Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Philippin, ký tại Manila, 30 tháng 8 năm 1951, TIAS 2529.

[93] Tuyên bố của Frank Wisner, Đại sứ Hoa Kỳ tại Philippin, Reuters, 12 tháng 3 năm 1992.

[94]  Reuters, 13 tháng 4 năm 1992.