Những nỗ lực nhằm hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc trong hàng thập kỷ qua đang được hiện thực hóa. Với các thiết bị vũ khí mới được trang bị trên các tàu chiến, máy bay, tàu ngầm và tên lửa, Hải quân Trung Quốc muốn tỏ rõ họ có thể sử dụng và phối hợp các thiết bị vũ khí trên trong các hoạt động tác chiến ngoài khơi. 


Sự phô trương sức mạnh quân sự cải tiến của Bắc Kinh được thực hiện song song với những thông điệp của nước này gửi tới Oasinhtơn, cho thấy cách tiếp cận quyết liệt hơn từ phía Trung Quốc đối với các tuyên bố liên quan tới những vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông. Phía Mỹ phải đáp lại thách thức đang gia tăng này bằng phương pháp tiếp cận có trách nhiệm hơn nhằm giảm bớt căng thẳng, đồng thời gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không chấp nhận việc độc quyền kiểm soát hàng hải tại Đông Nam Á của Bắc Kinh. 


Tờ South China Morning Post mới đây đưa tin, các tàu khu trục lớn, nhỏ và yểm trợ thuộc hạm đội Bắc Hải, có căn cứ tại Thanh Đảo, đã đi qua eo biển Bashi giữa Philíppin và Đài Loan, nhằm tiến hành “tập trận đối đầu” tại Biển Đông. Vài ngày sau đó, tàu khu trục trang bị tên lửa điều khiển, loại Sovremenny, các tàu khu trục nhỏ và tàu ngầm, thuộc hạm đội Đông Hải, có căn cứ tại Ninh Ba, cũng đã đi qua eo biển Miyako của Nhật Bản nhưng không thông báo trước cho Tôkyô và tiến hành diễn tập “chiến tranh chống tàu ngầm" ở Thái Bình Dương, vùng biển nằm ở phía Đông Nam Nhật Bản. 


Ngoài ra, còn có một số cuộc tập trận ngoài khơi của các loại máy bay chiến đấu thuộc các căn cứ quân sự Nam Kinh và Quảng Châu như bay đêm, gây nhiễu rađa, tiếp nhiên liệu trên không và đánh bom tại Biển Đông. 


Ngoài mục đích khiêu khích nhằm khẳng định quyền kiểm soát tại khu vực Biển Đông, những cuộc tập trận này còn là dấu hiệu cho thấy hải quân Trung Quốc đã đạt bước phát triển vượt bậc. Báo South China Morning Post trích dẫn nhận xét của tùy viên quốc phòng một quốc gia châu Á cho biết: “Chúng tôi chưa từng thấy các cuộc tập trận quy mô như vậy từ trước tới nay, họ đã cho chúng ta thấy khả năng phối hợp các quân binh chủng của mình như thế nào”. 


Khả năng phối hợp tác chiến giữa các quân binh chủng là rất quan trọng. Khả năng quân sự của Mỹ áp đảo trên không tại bất kỳ chiến trường nào không chỉ do lợi thế về công nghệ, mà còn do khả năng phối kết hợp các quân binh chủng. Tác chiến chống tàu ngầm và tiếp liệu trên không là những hoạt động quân sự phức tạp và khó thực hiện, chúng đòi hỏi công nghệ cao, khả năng tổ chức, phối hợp và chỉ huy rất cao. Trung Quốc đã tiến hành thành công các hoạt động quân sự này chứng tỏ nước này đã có bước phát triển đáng kể về sức mạnh quân sự. 


Những cuộc diễn tập trên đáng chú ý cả về vị trí và thời gian diễn ra. Về vị trí, các tàu chiến tham gia diễn tập đã quá cảnh qua eo biển Miyako và hoạt động tại vùng biển đang có nhiều tranh cãi. Qua đây, Trung Quốc muốn gửi một thông điệp tới khu vực rằng sự phát triển khả năng quân sự của Bắc Kinh là nhằm theo đuổi các tuyên bố về lãnh hải của mình hơn chỉ là phô trương. Các cuộc diễn tập đã được tiến hành ít tuần sau khi Thứ trưởng Ngoại giao James Steinberg và Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phụ trách vấn đề châu Á Jeff Bader tới thăm Bắc Kinh. Theo New York Times, Trung Quốc đã tuyên bố rằng Biển Đông là "lợi ích căn bản" đối với nước này. Đây là tuyên bố quan trọng đưa vấn đề Biển Đông lên ngang hàng với các vấn đề Đài Loan và Tây Tạng, và cho thấy cách tiếp cận vấn đề của Trung Quốc có tính hung hăng, khiêu khích. 


Đã từ lâu, Trung Quốc tuyên bố Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này và theo công ước về luật biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), quân đội nước ngoài muốn quá cảnh nơi đây phải được sự cho phép của Bắc Kinh. Và dĩ nhiên, sáu nước khác trong khu vực cũng đòi chủ quyền hầu hết hoặc một phần trên Biển Đông. Và cũng từ lâu, Mỹ đã cho rằng vùng Biển Đông đang tranh chấp là vùng biển quốc tế và các tàu quân sự có thể tự do đi lại. 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gate đã nhấn mạnh trong một bài phát biểu năm 2008: "Chúng tôi không ủng hộ bên nào hay một quốc gia nào trong tranh chấp chủ quyền đối với một quốc gia khác. Chúng tôi khuyến khích các bên, như đã kêu gọi cho tới nay, là duy trì một môi trường hòa bình và tránh căng thẳng, trong đó các bên tranh chấp có thể thảo luận và nếu có thể, giải quyết vấn đề. Tất cả chúng ta phải bảo đảm sao cho các đối tác tại khu vực không có cảm giác bị gây áp lực". 


Với việc khẳng định "lợi ích căn bản" của mình ở Biển Đông và tiến hành các cuộc tập trận tại nơi này ngay sau đó, Trung Quốc muốn cho thế giới biết rằng họ sẽ trở lại với thái độ cứng rắn và khả năng quân sự mạnh hơn. 


Một thông điệp khác âm thầm hơn từ Bắc Kinh là: quân sự Trung Quốc đang lớn mạnh và hoạt động hiệu quả hơn, và hải quân Trung Quốc là đội quân tiên phong trong nỗ lực hiện đại hóa quân sự của nước này. Trung Quốc đang mua lại những công nghệ tiên tiến về quân sự và phát triển khả năng tác chiến ngoài khơi xa của hải quân. Điều này giúp Bắc Kinh thay đổi cán cân quân sự trong khu vực với kịch bản có thể vượt xa một kịch bản liên quan tới Đài Loan. 


Hiện quan hệ Mỹ và Trung Quốc đang ở tình thế tương tự như trước đây. Trong năm 2001, đã xảy ra sự va chạm giữa máy bay phản lực của Trung Quốc và một máy bay EP-3E của Mỹ tại không phận quốc tế ở Biển Đông. Vụ va chạm giữa Trung Quốc với tàu hải quân Mỹ USS Impecable vào năm 2009, cho thấy khả năng xảy ra sự cố tương tự như vụ va chạm máy bay EP-3E là hoàn toàn có thể. 


Trong điều chỉnh chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương nhằm đáp trả hoạt động hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, Mỹ đã phải thừa nhận rằng hiện đang có tranh chấp chính trị mà Oasinhtơn không thể bỏ qua. Biển Đông và các khu vực biển ven bờ của Inđônêxia, Malaixia, và Xinhgapo sẽ là các tuyến đường biển chiến lược quan trọng nhất trong thế kỷ 21. Đã có tới 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua eo biển Malắcca và Nhật Bản, tương tự Hàn Quốc cũng phụ thuộc vào việc sử dụng các vùng biển này. 


Mỹ nên tiếp tục theo đuổi phương cách tiếp cận hòa bình và mềm dẻo, vốn đã được Bộ trưởng Gates mô tả tại Shangri-La, và đã được thực hiện như vậy thông qua đối thoại bằng Hiệp định Tư vấn Hàng hải Quân sự (MMCA) với Trung Quốc. Tuy nhiên, có hai cách khác để Mỹ bảo đảm những tuyến đường biển quan trọng vẫn được mở. 


Trước tiên, Mỹ nên phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), theo đó, xác định các khu đặc quyền kinh tế là tuyến đường biển quốc tế, và tàu chiến có thể tự do qua lại. Việc phê chuẩn UNCLOS của Mỹ sẽ giúp luật biển quốc tế có thêm trọng lượng đối với sự phản đối của Mỹ về tuyên bố chủ quyền trên vùng biển quốc tế của Trung Quốc.


Thứ hai, Mỹ nên tuân theo Luật Tổng trọng tải, và thường xuyên tiến hành diễn tập về tự do đi lại trên Biển Đông, nhằm bảo đảm rằng vùng biển này vẫn tiếp tục được mở cho tất cả các nước. Việc tiếp tục xem Biển Đông như vùng biển quốc tế sẽ giúp ngăn chặn những thói quen trong việc chiều theo các yêu sách của Trung Quốc đang được hình thành. Đây không phải là phương pháp tiếp cận hiếu chiến, mà đây là sự tiếp tục các chính sách quốc tế lâu dài của Mỹ đối với các tuyến đường biển quốc tế. 


Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông nếu không bị phản đối, sẽ làm cho Bắc Kinh trở thành trọng tài đối với tất cả các tuyến giao thông hàng hải quốc tế tại nơi đây, mà Mỹ cũng sẽ không được phép đi qua. Như đã thấy trong các báo cáo hàng năm cho Quốc hội của Bộ Quốc phòng Mỹ về thực trạng quân sự Trung Quốc, Bắc Kinh đã và đang phát triển các khả năng và ảnh hưởng của mình tại Biển Đông trong một thời gian dài, và không có dấu hiệu nào cho thấy tham vọng của họ đã được thỏa mãn. 


Tóm lại: đây mới chỉ là một sự khởi đầu./.