Duterte-ket-thuc-chuyen-tham-5-ngay-den-Trung-Quoc

 

Dẫn dắt xu hướng phát triển

Có thể nói các chuyến thăm của lãnh đạo nước láng giềng đến Trung Quốc mà kéo dài 5 ngày là không nhiều. Trong thời gian 5 ngày, Tổng thống Duterte đã đi từ Bắc xuống Nam, từ Bắc Kinh đến Phật Sơn, đi qua một nửa vòng Trung Quốc. Hoạt động nổi bật nhất trong chuyến thăm lần này là cuộc hội đàm cấp cao giữa lãnh đạo hai nước ngày 29/8. Đây là cuộc gặp thứ 8 giữa lãnh đạo hai nước trong hơn 3 năm qua. Trong hội đàm, lãnh đạo hai nước đã đưa ra “quy hoạch tầm cao” cho phát triển quan hệ Trung Quốc-Philippines. Theo đó, Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn tiếp tục cùng Duterte, xuất phát từ tầm cao chiến lược và lâu dài, nắm chắc thời cơ và xu thế để dẫn dắt quan hệ hai nước phát triển. Về phần mình, Duterte cũng đáp lại một cách tích cực rằng ông cũng mong muốn sẽ gặp gỡ Tập Cận Bình thường xuyên, tăng cường trao đổi để cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực hiện mục tiêu cùng có lợi, cùng thắng. Duterte còn nhấn mạnh “quan hệ Trung Quốc-Philippines rất quan trọng, là kế sách trăm năm”.

Những lời nói trên của lãnh đạo hai nước đưa ra tín hiệu quan trọng nào đối với việc phát triển quan hệ Trung Quốc-Philippines? Nghiên cứu viên Viện nghiên cứu chiến lược châu Á và thế giới thuộc Viện khoa học Trung Quốc Hứa Lợi Bình phân tích rằng, ý nghĩa quan trọng nhất trong cuộc gặp thượng đỉnh lần này là lãnh đạo Trung Quốc-Philippines đã đặt cơ sở dẫn dắt tương lai phát triển của quan hệ hai nước. Việc Duterte trong hơn 3 năm cầm quyền đã 5 lần thăm Trung Quốc thể hiện tầm quan trọng và độ thân thiết trong quan hệ hai nước. Thế nhưng, do quan hệ hai bên khó tránh sự can dự từ bên ngoài, nên việc lãnh đạo hai nước đặt cơ sở cho quan hệ song phương là rất quan trọng, để có thể dẫn dắt quan hệ phát triển theo phương hướng mong muốn, chính là nắm chắc thời cơ và xu thế như lời Tập Cận Bình đã nói. Thời cơ là, đối với quan hệ Trung Quốc-Philippines, hiện tại hai nước cần gác lại mâu thuẫn, tăng cường hợp tác. Xu thế là chỉ xu thế lớn hòa bình, phát triển, hợp tác và cùng thắng, hai nước cần nắm chắc và thuận theo xu hướng này.

Ngoài việc đặt cơ sở và dẫn dắt xu hướng phát triển, ý nghĩa quan trọng thứ hai trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của Duterte là xác nhận lại việc định vị đối với quan hệ Trung Quốc-Philippines. Năm ngoái, khi Tập Cận Bình thăm Philippines, đã nâng quan hệ Trung Quốc-Philippines lên quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện. “Quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện” có nghĩa là hai nước xuất phát từ tầm cao chiến lược, quy mô toàn cục và góc độ lâu dài trong xử lý quan hệ song phương, không để vì vấn đề nhỏ, cá biệt, nhất thời làm ảnh hưởng cục diện lớn trong quan hệ hai nước. Chuyến thăm lần này của Duterte chính là nhằm tái xác nhận việc định vị quan hệ này.

Nghiên cứu viên Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc Thẩm Thế Thuận chỉ ra rằng, khẳng định của lãnh đạo hai nước trong cuộc gặp đã thể hiện tầm nhìn xa của hai bên. Duterte coi quan hệ Trung Quốc-Philippines là kế sách trăm năm, trên thực tế lãnh đạo hai nước cũng đã quy hoạch quan hệ song phương lên thành “kế sách trăm năm”, định hướng rõ ràng cho việc phát triển lâu dài quan hệ hai nước, tức là quan hệ Trung Quốc-Philippines sẽ được tăng cường duy trì xu hướng phát triển ổn định, không để ảnh hưởng bởi các vấn đề do lịch sử để lại và yếu tố tác động từ thế lực bên ngoài. Đối với các mâu thuẫn cần có phương thức xử lý đúng đắn, không thể trả giá bằng sự ổn định và hợp tác của quan hệ hai nước.

“Ngoại giao bóng rổ”

Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc lần này, ngoài các hoạt động thông thường như gặp gỡ Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Duterte còn được sắp xếp một tiết mục đặc biệt – cùng Tập Cận Bình dự khai mạc Giải vô địch bóng rổ thế giới 2019, cùng Phó chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đến xem thi đấu ở Phật Sơn, Quảng Đông. Việc này được báo chí Nhật Bản gọi là “nghi lễ tiếp đón hiếm gặp”. Việc lựa chọn bóng rổ chứ không phải Gongfu, bóng bàn hay bi-a, là muốn bóng rổ sẽ đóng vai trò đặc biệt trong thúc đẩy giao lưu giữa hai nước Trung Quốc-Philippines. Vì bóng rổ sẽ giúp Trung Quốc và Philippines tìm thấy điểm chung, bóng rổ là môn thể thao vua ở Philippines với trình độ đứng hàng đầu châu Á, còn ở Trung Quốc mọi người cũng rất yêu thích môn thể thao này. Việc hai nước thông qua bóng rổ để tăng cường giao lưu, có thể khiến người dân ủng hộ, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Báo chí Philippines cũng tỏ ra rất hứng thú với lần “ngoại giao bóng rổ” này, thậm chí còn chú ý đến chi tiết Duterte ngồi sánh vai Tập Cận Bình và nhấn mạnh ông là lãnh đạo nước ngoài duy nhất được Tập Cận Bình mời dự lễ khai mạc giải. Nghiên cứu viên Thẩm Thế Thuận cho rằng “ngoại giao nguyên thủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc dẫn dắt quan hệ hai nước phát triển và việc lãnh đạo Trung Quốc-Philippines cùng ngồi dự lễ khai mạc đó còn có lợi cho việc gia tăng quan hệ và tình cảm cá nhân”.

Thành quả tốt đẹp

Tăng cường hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực, bao gồm thương mại giữa hai nước rõ ràng là mục đích quan trọng hàng đầu trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của Duterte, thu hoạch lớn đã khiến chuyến thăm thực sự không uổng phí. Theo báo chí Philippines, sau hội đàm, Tập Cận Bình và Duterte đã chứng kiến lễ ký kết 6 hạng mục hợp tác liên quan đến các lĩnh vực giáo dục, khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, hợp tác biển, tiền tệ... Trong đó còn bao gồm một hiệp định cung cấp vốn cho hạng mục đường sắt nối các đảo lớn ở Philippines; trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, hai bên đều bày tỏ sẽ tiếp tục kết nối. Tập Cận Bình nói rằng cần tiếp tục thúc đẩy sáng kiến “Vành đai và Con đường”, kết nối quy hoạch “xây dựng lớn, xây dựng đặc biệt” của Philippines, xây dựng tốt các hạng mục hợp tác lớn trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, điện tín, năng lượng.

Nghiên cứu viên Thẩm Thế Thuận sự đánh giá hợp tác thiết thực Trung Quốc-Philippines cũng phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia của mỗi nước. Hiện nay, xây dựng cơ sở hạ tầng là trọng điểm, nhưng trong tương lai, các lĩnh vực như công nghệ 5G, điện tử, thương mại, kinh tế biển đều có không gian hợp tác rộng rãi.

Theo báo chí Philippines, trong buổi thảo luận kinh tế tổ chức tại Bắc Kinh, Tổng thống Duterte còn đề cập đến việc hai nước đã đạt được Hiệp định trong lĩnh vực hợp tác phát triển khu công nghiệp đầu tiên. Dự kiến khu công nghiệp này sẽ được khởi công vào nửa đầu năm 2020.

Sau chuyến thăm này của Duterte, trên bàn ăn của người Trung Quốc có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn hơn chuối, xoài, dứa của Philippines. Khi hội đàm với Duterte, Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc muốn nhập khẩu nhiều hơn hoa quả và nông sản có chất lượng cao của Philippines và sẽ cử chuyên gia đến Philippines để truyền đạt công nghệ nông nghiệp và thủy sản.

Về vấn đề này, các phương tiện truyền thông của Philippines cũng tỏ ra rất phấn khởi. Trang mạng rappler của Philippines bình luận “Trung Quốc có thái độ cởi mở trong việc mua nhiều hơn các sản phẩm nông nghiệp của Philippines, đây là tín hiệu tốt cho ngành nông nghiệp và người nông dân Philippines, cũng sẽ là một thắng lợi đối với Duterte, khi ông luôn cam kết sẽ giành được lợi ích kinh tế từ Trung Quốc”.

Các phương tiện truyền thông Philippines cũng nhận thấy từ khi quan hệ Trung Quốc-Philippines có bước đột phá năm 2016 đến nay, quan hệ kinh tế thương mại song phương phát triển mạnh mẽ. Tờ Philippine Star cho biết Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines, kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2018 đạt hơn 55 tỷ USD. Năm 2018, Trung Quốc đã đầu tư 48,7 tỷ USD vào Philippines, tăng vọt so với mức 576 triệu USD hai năm trước đó.

Duterte rất muốn người Trung Quốc đến Philippines đầu tư, thúc đẩy kinh tế Philippines phát triển. Trong một diễn đàn thương mại được tổ chức tại Bắc Kinh, Duterte – người thường có phát ngôn mạnh mẽ – đã khẳng định rằng nếu các doanh nghiệp Trung Quốc mà gặp phải quan chức tham nhũng, có thể trực tiếp tìm đến ông, ông sẽ bắt quan chức này phải “nuốt cả tiền giấy và tiền xu”. Động thái cứng rắn này đều được các phương tiện truyền thông như tờ Philippine Star, Chinese Commercial News… của Philippines đưa tin rộng rãi. Từ phát ngôn của Duterte không khó để nhận thấy ông rất coi trọng việc tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và công bằng.

Ngoài ra, trong vấn đề Biển Đông, theo Tân Hoa xã, khi hội đàm với Duterte, Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc và Philippines luôn duy trì trao đổi hiệu quả trong vấn đề này. Hai bên muốn gác lại tranh chấp, loại bỏ can thiệp từ bên ngoài, tập trung tinh thần và sức lực vào hợp tác, làm việc thiết thực, tìm kiếm phát triển. Hai bên có thể có bước tiến lớn hơn trong lĩnh vực khai thác chung dầu khí trên biển. Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ mở đầu cho việc xây dựng quy tắc, cơ chế ở Biển Đông, hai bên cần cố gắng thúc đẩy sớm đạt được COC, thể hiện lập trường kiên định và thái độ tích cực của hai bên trong việc cùng bảo vệ ổn định và hòa bình lâu dài trong khu vực.

Duterte cho biết: “Tôi chủ trương lựa chọn phương thức hợp tác chứ không phải là đối đầu để giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông, bảo vệ cục diện lớn hợp tác hữu nghị, hòa bình ổn định của khu vực, điều này phù hợp với lợi ích của các bên trong khu vực. Philippines muốn nhanh chóng thúc đẩy cùng khai thác dầu khí trên biển với Trung Quốc. Với tư cách là nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, Philippines sẽ cố gắng thúc đẩy các bên sớm đạt được COC”.

Hai bên còn tuyên bố thành lập ủy ban chỉ đạo chung giữa chính phủ và tổ công tác giữa các doanh nghiệp hai nước về hợp tác dầu khí để thúc đẩy việc khai thác chung đạt được tiến triển thực chất.

Hướng đến tương lai

Tập Cận Bình đã sử dụng ba từ “chuyển ngoặt, củng cố và nâng cấp” để phác họa ba bước phát triển quan hệ Trung Quốc-Philippines trong hơn 3 năm qua. Duterte đã đến thăm Trung Quốc 5 lần trong 3 năm, đây cũng là điều hiếm thấy trong lịch sử quan hệ hai nước. Trái lại, trước lời mời của nước đồng minh Mỹ vào năm 2017, Duterte đến nay vẫn chưa đến thăm Mỹ.

Một số chuyên gia phân tích Philippines cho rằng Duterte là một người hành động có lý trí, ông hiểu rõ về chủ nghĩa hiện thực và địa chiến lược. Tách khỏi Mỹ sẽ làm cho Philippines có thể thiết lập quan hệ đối tác an ninh với các trung tâm quyền lực khác trong một thế giới đa cực. Cũng có chuyên gia nhấn mạnh điều này được bắt nguồn từ tư tưởng chống chủ nghĩa thực dân mới và tư duy bản địa hóa của Duterte. Duterte cho rằng di sản thực dân của Mỹ mang đến rất nhiều vấn đề cho Philippines, đến nay Mỹ vẫn đang ngầm kiểm soát nước này.

Theo nghiên cứu viên Hứa Lợi Bình, trong hơn 3 năm kể từ khi Duterte lên cầm quyền, sở dĩ “sức nóng” của quan hệ Trung Quốc-Philippines không giảm vì có động lực bên trong, đó là nhu cầu phát triển của hai bên. Trong những năm 1960, nền kinh tế Philippines nhận được rất nhiều sự chú ý, chỉ đứng sau Nhật Bản, sau đó, dần bị lạc hậu do phương hướng phát triển đất nước bị điều chỉnh. Trong khi đó, trải qua cuộc cải cách mở cửa, Trung Quốc đã phát triển từ quốc gia nghèo đói thành quốc gia đang phát triển lớn nhất có tầm ảnh hưởng quốc tế. Hiện nay, Trung Quốc và Philippines đều là nước đang phát triển, là nền kinh tế mới nổi, hai bên có sự bổ sung cho nhau về nhu cầu phát triển. Lịch sử và hiện thực đã đặt cơ sở cho hai bên trao đổi, học hỏi lẫn nhau trong quản lý điều hành đất nước.

Khi hội đàm với Tập Cận Bình, Duterte cho biết kinh nghiệm phát triển thành công của Trung Quốc đáng để Philippines học hỏi. Ví dụ như trong vấn đề xóa đói giảm nghèo, trong hơn 100 triệu người Philippines có 1/4 thuộc diện đói nghèo, Philippines cũng phải đối diện với thách thức nghiêm trọng trong vấn đề này. Trung Quốc đang ở giai đoạn cuối của cuộc chiến xóa đói giảm nghèo, do đó có nhiều kinh nghiệm để cho Philippines học hỏi.

Nghiên cứu viên Thẩm Thế Thuận phân tích rằng việc Duterte chủ trương đưa Philippines xích lại gần với Trung Quốc cũng có những cân nhắc sâu xa về lợi ích quốc gia. Theo đánh giá của Thẩm Thế Thuận, Mỹ thường dễ dàng vung “cây gậy” để chỉnh đốn và ép buộc các nước đồng minh phải phục vụ lợi ích cho mình, còn Trung Quốc thì “kiên trì quan niệm ngoại giao thân thiện, chân thành, cùng có lợi”, “muốn đẩy mạnh hợp tác cùng phát triển”. Do vậy, tính đến nay, Trung Quốc vẫn là đối tác nên được phát triển quan hệ của Philippines hơn là Mỹ. Từ chuyến thăm của Duterte đến Trung Quốc lần này cho thấy quan hệ Trung Quốc-Philippines đã bước vào thời kỳ phát triển hòa bình và ổn định, hợp tác cùng có lợi sẽ không ngừng đi vào chiều sâu, tiềm năng phát triển của quan hệ hai nước trong tương lai là rất rộng mở, đóng vai trò kiểu mẫu trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước ASEAN.

 

Philippines có câu ngạn ngữ “nắm chắc hôm nay, mới không để mất ngày mai”. Duterte đến thăm Trung Quốc hôm nay có lẽ là đang vì không muốn để mất ngày mai của quan hệ Trung Quốc-Philippines./.

Theo Shobserver

Ngọc Diệp (gt)