Trong nỗ lực nhằm thống trị toàn bộ Biển Đông, Bắc Kinh đã gia tăng sức ép đối với các nước láng giềng đang trong tình trạng bất an.

Trong khi thế giới tập trung xử lý đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã và đang âm thầm thực hiện những hành động bán quân sự cũng như chính trị-pháp lý ở Biển Đông mà có khả năng làm thay đổi cục diện khu vực. Cho rằng Mỹ đang tập trung vào các vấn đề khác và kiệt sức sau những hành động xâm lấn của Trung Quốc suốt nhiều năm qua, Bắc Kinh đã có những nỗ lực tiến tới điểm bùng phát khôang thể cứu vãn. Trung Quốc nhắm tới việc ép buộc các nước láng giềng ven biển từ bỏ các tuyên bố chủ quyền và quyền lãnh thổ theo luật pháp quốc tế đồng thời thay đổi nguyên trạng đến mức không thể vãn hồi. Bắc Kinh tìm cách áp đặt cái gọi là “đường 9 đoạn”, một ranh giới không được công nhận được nước này vẽ ra, bao quanh 85% diện tích Biển Đông, là nơi trung chuyển lượng hàng hóa trị giá 3.400 tỷ USD mỗi năm một cách tự do, chí ít là cho đến lúc này.

Trung Quốc đang tạo ra “sự đã rồi” trên thực địa. Cơ sở để Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với các đá và đảo bị tranh chấp bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa – là không phù hợp với luật pháp quốc tế hiện nay bởi nó dựa vào một loạt đường đứt đoạn tạo thành hình chữ U được vẽ lên bản đồ Biển Đông. Các đảo nhỏ này, mà một vài trong số đó đã được Bắc Kinh cải tạo và gia cố bằng việc xây dựng các căn cứ quân sự, cũng thuộc tuyên bố chủ quyền của các nước Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei. “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc vốn do Chính quyền Tưởng Giới Thạch vẽ ra vào năm 1947 và được Mao Trạch Đông sửa đổi vào năm 1952. Năm 2009, trong một công hàm ngoại giao gửi tới Ủy ban về giới hạn thềm lục địa, Trung Quốc đã đính kèm bản đồ đường đứt đoạn và khẳng định rằng họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận, và được hưởng chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển có liên quan cũng như các vùng đáy biển và tầng đất cái tại đây. Từ đó đến nay, Bắc Kinh đã thúc đẩy yêu sách này với thái độ ngày càng quyết đoán, đồng thời lợi dụng sự mơ hồ của các thuật ngữ như “lân cận” hay “có liên quan”.

Bắc Kinh không bận tâm tới việc các tuyên bố của họ về cơ bản không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển - bộ luật quốc tế lâu đời về ranh giới trên biển mà Trung Quốc đã phê chuẩn và tuyên bố tuân thủ. Họ cũng không bận tâm đến việc Tòa trọng tài quốc tế ở La Hay đã đưa ra phán quyết bác bỏ các tuyên bố chủ quyền này. Đây là một phần trong chiến lược lớn hơn của Trung Quốc nhằm tạo ra cho riêng mình một phiên bản của Học thuyết Monroe - một chính sách của Mỹ từ thế kỷ 19 nhằm khẳng định quyền kiểm soát hợp pháp của nước này đối với toàn bộ Bắc Mỹ và Nam Mỹ và ngăn chặn sự can thiệp của các cường quốc châu Âu. Bắc Kinh tìm kiếm phạm vi ảnh hưởng mang tính quyết định bằng năng lực phòng thủ quân sự nhằm gia tăng phí tổn mà Mỹ phải gánh chịu nếu có ý định can thiệp. Tóm lại, trong khi thế giới chiến đấu với COVID-19, Trung Quốc đang tiến gần hơn tới việc thiết lập sự thống trị trong khu vực.

Những hành động này, cùng với phản ứng của Mỹ và các quốc gia trong khu vực, sẽ quyết định liệu trong tương lai đây sẽ là khu vực của sự cởi mở và thịnh vượng chung hay là khu vực của sự ép buộc và xung đột.

Tìm cách tạo ra “sự đã rồi” là cách lý giải duy nhất về hành vi của Bắc Kinh trong thời gian gần đây. Ngày 18/4, Trung Quốc tuyên bố thành lập 2 đơn vị hành chính mới, một có trụ sở trên đá Chữ Thập, một hòn đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa, và một có trụ sở trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nước này đã đặt tên cho 80 đá và đảo nhỏ, bao gồm không chỉ các đảo nhân tạo mà còn cả 55 cấu trúc địa hình vĩnh viễn chìm dưới nước. Những hành động này nhằm tạo ra thực tế mới để củng cố các tuyên bố về quyền kiểm soát 3,6 triệu km2 diện tích Biển Đông.

Để thực thi các tuyên bố này trong năm qua, Trung Quốc đã gia tăng sức ép bằng cách sử dụng 3 lực lượng trên biển của họ - các hạm đội của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Cảnh sát biển Trung Quốc và dân quân biển - tại các vùng biển ngoài khơi Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philippines. Hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của nước này đã khiến Indonesia phải đẩy mạnh các hoạt động của hải quân, trong đó có việc đánh chìm hơn 10 tàu cá Trung Quốc xung quanh quần đảo Natuna, vốn được quốc tế công nhận là thuộc vùng biển của Indonesia. Thay vì rút lui, Trung Quốc lại tiếp tục hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp xung quanh quần đảo Natuna vào cuối tháng 3/2020. Mặc dù Trung Quốc không tranh chấp chủ quyền của Indonesia đối với khu vực này, nhưng Bắc Kinh lại đưa ra tuyên bố vô lý rằng đây là ngư trường truyền thống của Trung Quốc từ thời cổ đại như thể các ngư dân Indonesia, Malaysia hay Việt Nam (những người thường xuyên bị các tàu Trung Quốc quấy rối một cách có hệ thống) không hề tồn tại trong quá khứ.

Đáng ngại hơn là Bắc Kinh đã và đang hành động mạnh tay hơn trong năm qua với việc đe dọa các dự án dầu khí lớn ngoài khơi thuộc các Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia và Việt Nam vốn được quốc tế công nhận. Cuối tháng 4/2020, một tàu khảo sát của Trung Quốc được một tàu Cảnh sát biển của nước này hộ tống đã quấy rối một tàu thăm dò do gã khổng lồ năng lượng Petronas vận hành trong EEZ của Malaysia. Việc đe dọa tàu khoan này diễn ra sau các cuộc đối đầu tương tự trong năm 2019. Trước khi đến Malaysia, con tàu thăm dò này đã đi qua EEZ của Việt Nam gần nơi xảy ra một sự cố trước đó. Năm 2019, các tàu Trung Quốc và Việt Nam đã tìm cách ngăn chặn nhau trong việc thăm dò 5 lô dầu ngoài khơi thuộc EEZ của Việt Nam. Điều này đã làm dấy lên những lo ngại trong khu vực rằng Trung Quốc đang tìm cách làm gián đoạn và từng bước kìm hãm hoạt động dầu khí của Malaysia và Việt Nam trong khu vực và xóa bỏ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của hai nước. Malaysia sẽ phải chịu phí tổn lớn nếu Petronas buộc phải chấm dứt các dự án quan trọng. Tương tự, Hà Nội lo ngại rằng ExxonMobil và Rosneft có thể từ bỏ các dự án thuộc vùng biển của Việt Nam nếu Trung Quốc tiếp tục quấy rối.

Nước cờ của Trung Quốc là bài kiểm tra có ý nghĩa sống còn đối với lập trường và uy tín của Mỹ ở châu Á. Trung Quốc cũng đang thách thức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một tổ chức tập hợp các quốc gia phản đối sự bành trướng của Trung Quốc nhưng hầu như chưa có thành tích gì trong việc đứng lên chống lại Bắc Kinh bằng các công cụ khác ngoài luận điệu và ngoại giao. Mỹ không có tuyên bố chủ quyền trong khu vực này, nhưng quyền tự do hàng hải đem lại lợi ích lâu dài và sống còn cho nước này. Cho đến nay, phản ứng của Mỹ trước thái độ hiếu chiến của Trung Quốc chủ yếu là lên án về mặt ngoại giao và đẩy mạnh cái gọi là các hoạt động tự do hàng hải của Hải quân Mỹ ở các vùng biển quốc tế mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Các hoạt động này là cần thiết nhưng không đủ, vì chúng không có tác động rõ ràng tới hành vi của Trung Quốc cho tới nay. Tương tự, mặc dù thể hiện thái độ không hài lòng với Bắc Kinh nhưng ASEAN vẫn chưa đạt được kết quả trong nỗ lực đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc gần 20 năm qua.

Vai trò trung tâm trong việc chống lại Trung Quốc sẽ thuộc về ASEAN, một liên minh có tiềm năng phát triển mạnh mẽ gồm 10 quốc gia với tổng số dân 625 triệu người và tổng GDP gần 3.000 tỷ USD. Tuy nhiên, vì các quyết định của ASEAN đòi hỏi phải có sự đồng thuận, nên những hành động mạnh mẽ đã vấp phải sự cản trở của hai trong số các nước thành viên của khối là Campuchia và Lào, vốn mang ơn Trung Quốc. ASEAN cần thiết kế lại tiến trình ra quyết định, nếu không sẽ có nguy cơ trở nên vô nghĩa. Nếu ASEAN không có được ý chí để hành động với tư cách một khối, thì các nước muốn hành động trong ASEAN nên thành lập một nhóm các nước ven biển với tư cách một liên minh sẵn sàng hành động.

Để châu Á hành động táo bạo hơn, Mỹ cũng cần giữ vai trò là nhà lãnh đạo đáng tin cậy. Các bên tham gia trong khu vực lo sợ rằng việc kích động Trung Quốc sẽ dẫn tới sự ép buộc về kinh tế. Tuy nhiên, những hành động gần đây của Bắc Kinh đã gây ra phản ứng mạnh mẽ bất thường từ phía các nước ven biển trong ASEAN, vốn lo ngại về sức ép lâu dài từ phía Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á giáp biển nhận thức sâu sắc rằng nếu họ không có hành động gì, thì có nguy cơ Bắc Kinh sẽ giành được quyền kiểm soát lâu dài các hoạt động kinh tế và quân sự ở Biển Đông. Đây sẽ là đòn chí mạng đối với quyền tự chủ chiến lược của các nước này. Do đó, thời cơ để thành lập một liên minh do Mỹ dẫn dắt đã chín muồi. Mỹ, Nhật Bản và Úc nên đảm nhận vai trò dẫn dắt trong việc hình thành một bộ quy tắc ứng xử đối với Tây Thái Bình Dương dựa trên luật pháp quốc tế đã được công nhận và các thể chế pháp lý lâu đời đối với các vấn đề trên biển.

Nếu ASEAN có thể hành động tập thể, thì Trung Quốc sẽ mất khả năng chi phối các nước thành viên khối này. Trái lại, các chiến thuật bắt nạt của Bắc Kinh phát huy tác dụng nhất khi chia rẽ và cô lập thành công các nước láng giềng. Sau khi Cảnh sát biển Trung Quốc đánh chìm một tàu Việt Nam và làm bị thương 8 ngư dân vào ngày 3/4, Bộ Ngoại giao Philippines đã có bước đi hiếm thấy khi bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam. Bắc Kinh đã lưu ý tới điều này. Tương tự, việc Việt Nam giải cứu các ngư dân Philippines bị mắc kẹt vào năm 2019 sau khi một tàu được cho là thuộc lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đánh chìm tàu của họ đã tạo ra sự khác biệt.

Để Tây Thái Bình Dương không biến thành “ao nhà” của Trung Quốc, các nước đối tác trong khu vực cần hợp tác bảo vệ nhau cũng như luật pháp quốc tế. Các nước ven biển như Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei cần đẩy mạnh hợp tác thông qua việc phối hợp các hoạt động bảo vệ bờ biển, tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và đạt được sự nhất trí về cách thức phân định những ranh giới chồng chéo của họ ở Biển Đông.

Trong khi đó, Mỹ cần hành động với tư cách một chất xúc tác đối với lĩnh vực phòng thủ của khu vực thông qua việc tài trợ Sáng kiến răn đe tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một sáng kiến của Quốc hội Mỹ được cả hai đảng ủng hộ, nhằm cung cấp nguồn tài trợ quân sự cho các nước trong khu vực dựa trên những nỗ lực trước đó. Nếu nước cờ của Bắc Kinh ở Biển Đông thành công, thì đó sẽ là một đòn nặng nề đối với uy tín của Mỹ, gây tác động lan truyền tới các liên minh và các mối quan hệ đối tác của Mỹ trong khu vực. Trung Quốc hiểu rất rõ tình hình; ASEAN và Mỹ cũng phải như vậy.

Robert A. Manning, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Chiến lược và An ninh Brent Scowcroft tại Hội đồng Đại Tây Dương. Patrick M. Cronin, chủ tịch an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Viện. Bài viết được đăng trên tạp chí Foreign Policy.

Minh Anh (gt)