Thập niên qua là một khoảng thời gian khó khăn đối với Hàn Quốc và Nhật Bản. Những vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên, chương trình hạt nhân của Kim Chính Nhật, tiến trình hiện đại hóa nhanh chóng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Sự hiếu chiến ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc – các cơ sở quốc phòng của những nước Đồng minh châu Á của Mỹ chưa bao giờ phải lo lắng nhiều như vậy kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tất nhiên, mọi việc luôn có thể trở nên xấu đi.

 

Một công ty Trung Quốc, Tập đoàn Chuangli, gần đây đã xây dựng lại và thuê một bến tàu tại Rajin ở Bắc Triều Tiên trong Biển Nhật Bản, với thời hạn ban đầu là 10 năm. Thông tin này đã làm dấy lên tin đồn rằng một ngày nào đó, Hải quân Nhân dân Trung Quốc (PLAN) có thể thành lập một căn cứ tại đây (đặc biệt là khi khu vực này đã có một căn cứ của hải quân Bắc Triều Tiên). Tin đồn này đã khiến cho TokyoSeoul không khỏi bồn chồn.

 

Một số nhà quan sát nói nhận định trên là hơi sớm. Họ nhấn mạnh rằng về bản chất, đây là một hiệp định thương mại thuần thúy, và Bắc Triều Tiên, vốn rất hạn chế tiếp xúc với thế giới bên ngoài sẽ không bao giờ cho phép tồn tại căn cứ quân sự nước ngoài trên đất của mình.

 

Trong khi bằng mọi giá bảo vệ chủ quyền của mình, Bắc Triều Tiên (một cách phi lý) thường xuyên phải sống trong nỗi lo sợ Mỹ tấn công và sự bao vây, cấm vận quốc tế dẫn đến việc sự sống còn chế độ này phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc.Vậy có khó tin lắm không việc Kim Chính Nhật sẽ cho phép Trung Quốc lập một căn cứ hải quân nhỏ ở đây nhằm  răn đe Mỹ tấn công hoặc để đổi lấy sự gia tăng đầu tư từ Trung Quốc? Nên nhớ rằng cha của ông  đã từng chào đón hàng trăm ngàn quân Trung Quốc vào bán đảo này trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.

 

Cho dù việc thuê Rajin chỉ là một hiệp định thương mại, ít nhà phân tích có thể tin rằng những hiệp định thuê cảng khác của Trung Quốc như Hambatota của Srilanka và Chittagong của Bangladesh là không có mục đích chiến lược.Thực vậy, các công trình cảng thương mại của Trung Quốc xây dựng ở Vịnh Belgan, Ấn Độ Dương và Biển Ả - rập nhìn chung có thể xem như một phần của cái mà nhiều người gọi là chiến lược “Chuỗi ngọc trai”.

 

Với chiến lược này, Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng từ đảo Hải Nam ở biển Đông sang phía Tây qua các tuyến đường hàng hải tấp nập nhất của thế giới cho đến vịnh Persian. Các nhà phân tích cũng tin rằng cùng với nhiều trong số những hợp đồng thuê cảng trên, các hiệp ước an ninh cũng đã được tiến hành một cách lặng lẽ. Trung Quốc cũng đã có những căn cứ do thám hải quân ở quần đảo Coco của Mianmar và cảng Gwadar của Pakistan. Trong vùng biển Ấn Độ Dương, chiến lược này nhằm kiềm chế Ấn Độ, đảm bảo an ninh năng lượng và kiểm soát các tuyến đường hàng hải.

 

Tuy nhiên, những tin tức gần đây về một cảng mới của Trung Quốc ở bờ biển phía Đông Bắc Triều Tiên cho thấy cần phải đánh giá lại chiến lược “chuỗi ngọc trai”. Cần xem xét những vấn đề sau: Thứ nhất, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ các đảo trong biển Đông và đã thiết lập các công trình quân sự trên Đảo Phú Lâm(A: Woody Island, TQ: Yongxing dao - nd) trong quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp. Thứ hai, trong khi cải thiện quan hệ hai bờ eo biển, Trung Quốc vẫn có ý định thống nhất Đài Loan với đại lục, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Thứ ba: Trung Quốc tuyên bố (một cách lờ mờ) đối với nhóm đảo Senkakus do Nhật Bản quản lý hành chính; sự xâm nhập của hải quân Trung Quốc vào khu vực này đã tăng lên trong 10 năm qua. Và giờ thì Trung Quốc đã đến được với cảng của Bắc Triều Tiên trong Biển Nhật Bản mặc dù ban đầu chỉ là tiếp cận thương mại.

 

Nếu chúng ta kết nối những “viên ngọc trai” này trong Biển Đông, Biển Đông Hoa, Biển Nhật Bản với các đảo khác và các cảng trải dài từ đảo Hải Nam đến khu vực Trung Đông thì chuỗi ngọc trai giống như một vành đai bao quanh lục địa châu Á. Nếu Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tất cả các phần lãnh thổ nói trên, quốc gia này sẽ có thể giám sát và kiểm soát các tuyến hàng lạc tấp nập và trọng yếu nhất để kiềm chế Nhật Bản và Hàn Quốc, ngăn chặn Mỹ tiếp cận vùng duyên hải châu Á và có thể tiếp cận trực tiếp với Thái Bình Dương.

 

Nếu đây là chiến lược của Trung Quốc thì họ không nên kỳ vọng có được kết quả sớm. Vì Đài Loan có vẻ không qui phục Trung Quốc và tranh chấp Senkakus không thể được giải quyết trong tương lai gần. Tuy nhiên, khi việc xây dựng lực lượng quân sự nhanh chóng của Trung Quốc vẫn tiếp tục thì lợi thế quân sự của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương cũng tiếp tục thu hẹp. Bắc Kinh sẽ tăng cường khả năng giải quyết các tranh chấp bằng cưỡng bức và vũ lực nếu họ lựa chọn biện pháp đó.

 

Cách hiểu rộng về chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc cho thấy một nước Trung Hoa có tư tưởng bành trướng hơn, thực dụng hơn, và ít quan tâm tới “phát triển hòa bình” hơn nhiều nhà phân tích thường lập luận. Theo cách hiểu rộng này, Bắc Kinh yêu sách Đài Loan, quần đảo Senkakus và Biển Đông không chỉ vì tinh thần dân tộc và tài nguyên thiên nhiên – hơn thế, các địa điểm này là lợi ích an ninh quốc gia sống còn, những nơi mà Trung Quốc cho là cốt yếu để phòng vệ bờ biển và chi phối khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

 

Chúng ta cần phải quan sát cẩn thận những hành động của Trung Quốc trong Biển Nhật Bản. Bất cứ dấu hiệu hành động nào của hải quân Trung Quốc tại Rajin cũng có thể báo trước một thập niên khó khăn hơn nhiều ở châu Á, hơn cả thập niên mà chúng ta hy vọng là nó đã qua đi.

 

Micheal Mazza, Trợ lý nghiên cứu Viện Kinh doanh Hoa Kỳ.

Người dịch:  Nguyễn Văn Bình