1335504373_4813.jpg

Úc và Timor-Leste sẽ hoàn tất thỏa thuận về biên giới trên biển giữa hai nước ở biển Timor trong tháng này, lần đầu tiên viện đến điều khoản hòa giải bắt buộc theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Hơn thế nữa, các nỗ lực hòa giải giữa Indonesia và Timor-Leste cũng đã dẫn tới các cuộc đàm phán thành công về đường biên giới hai nước. Hai thành quả này có thể trở thành cơ sở để các nước đúc rút kinh nghiệm, thúc đẩy các ý tưởng dân chủ, tìm kiếm các giải pháp dựa trên hòa giải và tôn trọng các nguyên tắc quốc tế nhằm thách thức yêu sách đơn phương về đường biên giới của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, để điều này có thể diễn ra, Mỹ cũng phải có động thái hoan nghênh những tiến triển đáng khích lệ trong khu vực như kể trên.

Quá trình hòa giải giữa Timor-Leste và Indonesia đáng chú ý ở cả diễn biến và thành quả. Sau khi giành độc lập và tách khỏi Indonesia, Chính quyền Timor-Leste đã ưu tiên hòa giải với thái độ chân thành để xây dựng một mối quan hệ mới với Jakarta, đồng thời hàn gắn xã hội bị chia rẽ. Quá trình này được hậu thuẫn bởi Chính quyền Indonesia vốn đã dân chủ hóa các hoạt động chính trị và cải cách các thể chế an ninh của mình. Thay vì theo đuổi con đường mòn là dựa trên tiêu chuẩn quốc tế để truy tố những cá nhân và tổ chức kích động bạo lực, giới lãnh đạo Timor-Leste và Indonesia đã tìm kiếm một mô hình hòa giải mới dựa trên các biện pháp xây dựng hòa bình và tái thiết đất nước.

Kinh nghiệm dân chủ mới của Timor-Leste và Indonesia đã đem đến cho hai bên sự thống nhất và hợp tác để hướng tới hòa giải và gác lại những mâu thuẫn. Hòa giải cũng giúp Indonesia dân chủ hóa nền chính trị và giúp Timor-Leste xây dựng các thể chế dân chủ của mình. Thành quả này cũng mở đường cho các cuộc đàm phán về vấn đề biên giới, hiện đã gần đi đến kết quả cuối cùng và đóng góp cho hòa bình cũng như ổn định của khu vực.

Úc từng đàm phán một thỏa thuận về biên giới trên biển Timor với Indonesia theo hướng có lợi cho Úc và cho phép Canberra khai thác nguồn tài nguyên khí đốt quan trọng trong khu vực. Tuy nhiên, dàn xếp này không tuân thủ các nguyên tắc biên giới hàng hải được quốc tế công nhận. Sau khi Timor Leste độc lập, đường biên giới này đã hạn chế đáng kể các quyền lợi của Timor-Leste đối với những tài nguyên có thể đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển và tái thiết của quốc gia này.

Cuối tháng 8/2016, Timor-Leste đã yêu cầu Tòa Trọng tài ở La Haye giải quyết tranh chấp giữa nước này với Úc về đường biên giới trên biển. Đầu tháng 9, Tòa Trọng tài cho biết hai nước đã đạt thỏa thuận về “những yếu tố quyết định”, cụ thể là nhất trí thiết lập cơ chế đặc biệt cho khu mỏ dầu khí Greater Sunrise, mở đường cho việc phát triển và phân chia thu nhập. Hai thành quả kể trên cho thấy dù không hề dễ dàng song những nhân tố dân chủ ngày càng mạnh mẽ tại Đông Nam Á và vùng biển phía Nam Thái Bình Dương đang đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và cải thiện các mối quan hệ trong khu vực, đem đến nhiều hy vọng cho tương lai.

Tranh chấp ở Biển Đông đang thiếu một nhân tố gắn kết mang tính dân chủ như thế, trong khi sự diễn giải của Trung Quốc về các đường biên giới trên biển của họ lại phớt lờ các quy tắc quốc tế. Không chỉ vậy, kinh nghiệm rút ra từ những vấn đề liên quan đến Úc, Indonesia và Timor-Leste rất đáng để khu vực lưu tâm bởi chúng phần nào chứng minh rằng lập luận then chốt mà Trung Quốc kiên định từ đầu là tranh chấp chỉ có thể giải quyết bằng con đường song phương - thực tế là gây sức ép buộc các nước yếu thế hơn phải chấp nhận yêu cầu của nước lớn, hoàn toàn phớt lờ ý tưởng của các hoạt động hòa giải, tham vấn hay phân xử công minh - hoàn toàn sai lầm.

Các cuộc đàm phán song phương giữa Timor-Leste và Indonesia hiệu quả phần lớn là nhờ hai bên cùng cam kết hướng tới một tương lai công bằng. Quá trình thảo luận giữa Timor-Leste và Úc cũng cho thấy ổn định và lòng tin không được xây đắp bởi những yêu cầu vô lý mà phải từ những cam kết cùng chia sẻ các nguyên tắc dân chủ, dựa trên nền tảng các cuộc đàm phán chân thành và quyết tâm tôn trọng các quyên tắc quốc tế, thay vì những hành động đơn phương.

Hơn thế nữa, việc Timor-Leste chủ động viện đến các nguyên tắc của UNCLOS để thúc đẩy hòa giải càng cho thấy việc Trung Quốc từ chối và phớt lờ các đề xuất phân xử hay hòa giải tại Biển Đông là xuất phát từ sự ích kỷ, không xứng đáng với vị thế của một cường quốc đang nổi và trách nhiệm mà họ vẫn rao giảng. Úc và Timor-Leste là bằng chứng trực tiếp cho thấy hiệu quả của công tác hòa giải, xây dựng lòng tin và thiện chí giữa các quốc gia, góp phần đảm bảo sự ổn định cho khu vực.

Mỹ cần chớp lấy cơ hội này, nhấn mạnh và khích lệ những thành quả đạt được tại phía Nam Thái Bình Dương và Đông Nam Á bằng việc nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản đã được vận dụng hiệu quả. Mỹ cần phải ủng hộ các nguyên tắc của khu vực, vốn khẳng định tầm quan trọng của các thể chế dân chủ và hòa giải, phù hợp với các cơ chế quốc tế về phân xử và hòa hợp. Điều này sẽ giúp khu vực tiến tới cùng chia sẻ những giá trị dân chủ chung, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế khu vực và thúc đẩy sự tôn trọng đối với các nguyên tắc quốc tế.

Nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra trong những năm gần đây về chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á. Mỹ cần phải mở rộng hơn nữa chiến lược này bằng cách ủng hộ và thể chế hóa các quá trình dân chủ tại địa phương để thúc đẩy hợp tác, hòa bình và ổn định.

Theo “National interest

Hương Trà (gt)