Bài viết dựa trên những tham luận của ông tại "Hội nghị về Phát triển và Biển Đông", do Trung tâm Luật quốc tế Xinhgapo tổ chức mới đây.

Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần 2 (TP. Hồ Chí Minh 11/2010)

I/ Mục đích của các cuộc Hội thảo về Biển Đông

Các cuộc hội thảo không chính thức về Biển Đông không nhằm mục đích giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa những quốc gia tuyên bố chủ quyền, mà nhằm đạt được 3 điều:

Thứ nhất, đề ra các chương trình hợp tác, bao gồm tất cả các bên tham gia; Thứ hai, thúc đẩy đối thoại giữa các bên có lợi ích trực tiếp để có thể tìm được giải pháp cho vấn đề của họ; Thứ ba, phát triển một quá trình xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa các bên.

Thực tế ở Biển Đông cho thấy hợp tác kỹ thuật là vấn đề tương đối dễ dàng đạt được hơn là vấn đề phân bổ các nguồn tài nguyên, hay các vấn đề khó khăn hơn về chủ quyền, lãnh thổ và pháp lý. Liên quan đến xúc tiến và hợp tác, các bên liên quan ở Biển Đông đã đồng ý với nhiều cam kết, và một số trong số đó đã được thực hiện, chẳng hạn như cuộc khảo sát đa dạng sinh học. Các cam kết khác đang trong quá trình thực hiện như giám sát sự dâng cao mực nước biển và môi trường. Ngoài ra, các chương trình đào tạo cho Mạng lưới Đông Nam Á về Giáo dục và Đào tạo cũng đang được thực hiện cùng với vùng lãnh thổ Đài Loan (năm 2010) và với Trung Quốc (năm 2011), có lợi cho tất cả các bên liên quan đến Biển Đông.

Đối với việc thúc đẩy đối thoại giữa các bên, Trung Quốc và Việt Nam đã có thể thoả thuận về đường phân định trên biển trong Vịnh Bắc Bộ, và trong một số trường hợp, hợp tác chung về thủy sản trong khu vực. Việt Nam và Inđônêxia cũng đã đồng ý phân định thềm lục địa ở phần phía Nam của Biển Đông, phía Bắc Natuna.

Để thúc đẩy xây dựng lòng tin, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Philíppin cũng đã đồng ý với quy tắc ứng xử với Trung Quốc và Việt Nam .

Nhiều bài học đã được rút ra từ quản lý xung đột tiềm năng hoặc các xung đột thực tế ở Biển Đông. Một số trong những bài học này cũng có thể hữu ích cho các vùng khác. Ở đây còn có các diễn đàn khác để giải quyết các vấn đề Biển Đông, như đối thoại ASEAN-Trung Quốc và thảo luận không chính thức trong Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á-Thái Bình Dương (CSCAP). Tuy nhiên, các bên tham gia Hội thảo về Biển Đông (SCSW) phải đồng ý rằng quá trình này nên tiếp tục và được hỗ trợ bởi tất cả các quốc gia ven biển hoặc các cơ quan có thẩm quyền của Biển Đông.

II/ Một số bài học rút ra từ 20 năm quản lý quá trình Hội thảo về Biển Đông

Các bên tranh chấp phải nhận thức rằng các bùng phát xung đột - nhất là xung đột vũ trang - sẽ không giải quyết được tranh chấp và sẽ không bên nào được hưởng lợi. Trong thực tế, nó chỉ có thể mang lại thiệt hại hay mất mát cho các bên mà thôi.

Chính trị sẽ tồn tại để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và có biện pháp để giữ cho các tranh chấp không leo thang thành xung đột vũ trang. Các bên phải nhận thức rằng giải quyết các tranh chấp có lợi hơn là kéo dài tranh chấp.

Các bên liên quan không nên lập pháp hóa bất kỳ tuyên bố nào về lãnh thổ, nhất là về những khu vực đang tranh chấp. Lập pháp hóa tuyên bố về lãnh thổ và tìm kiếm sự ủng hộ thông qua ý kiến ​​ công chúng có xu hướng làm cứng rắn hơn thái độ của tất cả các bên, làm cho các giải pháp, thỏa hiệp hoặc thậm chí là giải pháp tạm thời cũng trở nên khó khăn hơn.

Ở đây có một yêu cầu rất lớn để tăng tính minh bạch trong chính sách quốc gia, pháp luật, tài liệu và tổ chức các cuộc họp thường xuyên hơn - chính thức hay không chính thức - giữa cán bộ pháp lý của các nước liên quan để trao đổi tài liệu và thông tin về kế hoạch lập pháp của họ. Những nỗ lực thành công thường bắt đầu với nỗ lực chính thức. Các bên liên quan cần thực thi chính sách ngoại giao phòng ngừa, có lợi trong giải quyết các vấn đề khu vực hoặc quốc tế. Những giải pháp chỉ xét đến lợi ích quốc gia hoặc khu vực mà bỏ qua lợi ích của các quốc gia ngoài khu vực sẽ là giải pháp kéo dài, không hiệu quả.

III/ Một số nguyên tắc cơ bản để đưa ra sáng kiến ​​ chính thức trong Hội thảo về Biển Đông

1. Sử dụng cách tiếp cận bao gồm tất cả, không loại trừ bất kỳ quốc gia hoặc bên liên quan trực tiếp nào.

2. Bắt đầu với các vấn đề ít nhạy cảm để các bên tham gia cảm thấy thoải mái thảo luận mà không gây ác cảm từ chính phủ hoặc cơ quan tương ứng của họ. Ví dụ, dầu khí và tài nguyên thiên nhiên là chủ đề nhạy cảm, còn bảo vệ môi trường là một chủ đề dễ thảo luận hơn.

3. Những người tham gia nên là các nhân vật cấp cao hay có vai trò quan trọng trong cơ quan hay chính phủ của họ, kể cả khi tham gia quá trình này với tư cách cá nhân.

4. Ít nhất là trong giai đoạn ban đầu, không nên thể chế hoá cơ cấu của quá trình hoặc tạo ra một cơ chế vĩnh viễn. Giữ quá trình linh hoạt ở mức có thể.

5. Không nên phóng đại sự khác biệt và cần nhấn mạnh đến hợp tác. Đem sự chú ý quốc tế mang tính khiêu khích ngay lập tức hay quá sớm vào đối thoại có thể gây bất lợi về lâu dài.

6. Do một số vấn đề nhất định có tính tinh tế và nhạy cảm nên cần khôn ngoan bắt đầu với những gì có thể và theo phương pháp tiếp cận từng bước, bảo đảm tính nguyên tắc song cần xét đến hiệu quả.

7. Cần hiểu rằng quá trình quản lý các xung đột tiềm năng là một quá trình liên tục lâu dài, không cần coi việc thiếu kết quả cụ thể hay ngay lập tức là nguyên nhân gây thất vọng hay thất bại.

8. Giữ các mục tiêu một cách đơn giản. Các hội thảo về Biển Đông có ba mục tiêu: Tìm hiểu làm thế nào để hợp tác, khuyến khích đối thoại giữa các bên liên quan trực tiếp, và phát triển lòng tin để các bên tham gia cảm thấy thoải mái thảo luận về các vấn đề khó khăn.

9. Vai trò của người khởi xướng, người đối thoại, người triệu tập của quá trình, người ủng hộ vô tư và các nhà tài trợ đều rất quan trọng. Đòi hỏi tất cả phải vô tư và có sự kiên nhẫn, cống hiến, kiên trì và đủ kiến ​​ thức về các vấn đề tế nhị có liên quan, đồng thời phải tôn trọng, hỗ trợ liên tục và hợp tác giữa tất cả các bên tham gia. Luôn nhớ cần thúc đẩy lợi ích chung hơn là lợi ích của ngành hoặc nhóm, để hướng tới một quyết định đồng thuận.

IV/ Những bài học bổ sung sau khi quá trình Hội thảo không chính thức về Biển Đông được khởi xướng cách đây 20 năm

1. Các nước lớn trong khu vực nên quan tâm đến quan điểm của những người hàng xóm của họ, đặc biệt là các nước nhỏ hơn. Các nước lớn hơn nên cẩn thận để tránh bị coi là thống trị hoặc bắt nạt các nước láng giềng nhỏ hơn.

2. Các nỗ lực cần được mở rộng để các bên tham gia các chương trình hợp tác và làm sâu sắc thêm các lĩnh vực hợp tác, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng của các nước trong khu vực. Những nỗ lực hợp tác nhiều hơn nhằm đem lại lợi ích kinh tế lẫn nhau, sẽ đem lại khả năng thành công lớn hơn.

3. Nên nhấn mạnh hơn về những lợi ích chung và khu vực. Các nước trong khu vực cần tìm hiểu làm thế nào để theo đuổi lợi ích quốc gia và duy trì sự hài hòa khu vực. Trong thực tế, nên nhận thức lợi ích khu vực như một phần của lợi ích quốc gia.

4. Nên tiến triển dần dần từ quan niệm về khả năng phục hồi quốc gia để thúc đẩy sự gắn kết khu vực và khả năng phục hồi khu vực. Quan niệm về khả năng phục hồi quốc gia cho thấy sức mạnh của một quốc gia phụ thuộc và sẽ bị ảnh hưởng bởi các mối liên kết yếu nhất của nó. Khả năng phục hồi quốc gia sẽ tăng nếu các điểm yếu của các bộ phận cấu thành được khắc phục và sự liên kết và gắn kết giữa tất cả các thành phần được tăng cường. Tương tự, khả năng phục hồi khu vực sẽ bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn ở một hay nhiều các quốc gia thành phần, hay từ sự liên kết và gắn kết giữa các nước thành viên bị giảm sút.

5. Các nước trong khu vực cần ít nhạy cảm hơn về khái niệm chủ quyền quốc gia, bởi ngày càng có nhiều vấn đề mang tính quốc gia trong quá khứ trở thành mang tính khu vực và có ý nghĩa khu vực hơn, chẳng hạn như vấn đề môi trường, một số vấn đề ổn định chính trị trong nước nhất định, vấn đề quyền con người, thậm chí một số vấn đề tiền tệ và tài chính, như đã cho thấy gần đây ở Đông Nam Á.

6. Với ý nghĩa thực sự là các nước láng giềng phương Đông tốt, các nước trong khu vực nên hữu ích cho các nước láng giềng nếu cần. Mọi sự hỗ trợ của các nước giàu hơn và mạnh hơn cho các nước nghèo hơn và yếu hơn trong khu vực đều không nên dựa trên tính toán lợi ích kinh doanh và lợi ích quốc gia một cách chặt chẽ, mà cần có một yếu tố mạnh mẽ của lòng tốt và sự vô tư, để có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự gắn kết khu vực.

7. Các nước trong khu vực nên tránh các cuộc đua vũ trang với nhau, bởi trong thực tế họ có thể phối hợp các nhu cầu phòng thủ, củng cố sự hòa hợp khu vực và tính minh bạch. Có rất nhiều hợp tác an ninh phi quân sự có thể được phát triển để tránh xảy ra chạy đua vũ trang trong khu vực, như ngăn chặn cướp biển, buôn bán ma túy, các vấn đề tị nạn, chủ nghĩa khủng bố quốc tế, buôn lậu...

8. Các nước lớn bên ngoài có thể và có khả năng thực tế hỗ trợ phát triển một bầu không khí xây dựng trong khu vực cho sự ổn định, hòa bình và tiến bộ. Tuy nhiên, các nước lớn này không nên can dự vào tranh chấp lãnh thổ hoặc quyền tài phán, trừ khi có yêu cầu của các bên liên quan, hoặc nếu hậu quả của việc tranh chấp đe dọa trực tiếp đến họ hay lợi ích của họ, hoặc sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định trong khu vực.

9. Các quốc gia trong khu vực nên thực hiện ngoại giao phòng ngừa bằng cách ngăn ngừa tranh chấp trở thành xung đột vũ trang mở, xung đột leo thang hay lan rộng. Việc có được nhiều cuộc đối thoại và các biện pháp xây dựng lòng tin hơn giữa tất cả các bên liên quan, được hỗ trợ một cách phù hợp bởi bên thứ ba là cần thiết.

10. Các nước trong khu vực cần tăng cường nỗ lực hợp tác để có thể quản lý được các xung đột tiềm năng bằng cách chuyển đổi chúng thành các hợp tác thực tế. Bất kỳ cuộc xung đột tiềm năng nào cũng có các yếu tố hợp tác. Những nỗ lực xây dựng và thực hiện dự án hợp tác phải được thể hiện một cách cụ thể thông qua hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và hành chính cần thiết.

11. Các quốc gia trong khu vực cần phát triển nhiều diễn đàn đối thoại - song phương hoặc đa phương, chính thức hay không chính thức - để cuối cùng có thể đi đến một bộ các thoả thuận quy tắc ứng xử cho khu vực. Không nên đánh giá thấp sự đóng góp của hai hướng này cho các hoạt động ngoại giao phòng ngừa.

12. Các quốc gia có thể theo đuổi các con đường khác nhau cho giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua thương lượng, song phương nếu là tranh chấp song phương, hoặc đa phương nếu là tranh chấp đa phương. Vì hầu hết các bên liên quan đều là thành viên Liên Hợp Quốc và là các bên tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), và tất cả đều cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, nên đều có thể thực hiện những cam kết này để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình sớm nhất có thể.

13. Các cơ chế bên thứ ba cho giải quyết tranh chấp cũng cần được khai thác và tận dụng, chẳng hạn như các cơ quan thiện chí, hòa giải, trọng tài, và nếu cần thiết có thể phán xử thông qua Tòa án quốc tế, Luật của Tòa án biển. Năm 1976, các nước ASEAN đã ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), trong đó nhất trí về một số cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên. Một cơ chế mới cho Biển Đông về tổng thể cần được xem xét hoặc trên cơ sở TAC hoặc từ các mô hình khác.

14. Các nước trong khu vực nên cố gắng giải quyết ranh giới trên bộ, trên biển và quyền tài phán càng sớm càng tốt đồng thời với việc tôn trọng các thoả thuận ranh giới. Không nên giải quyết vấn đề biên giới bằng cách đơn phương ban hành luật pháp quốc gia, bởi pháp luật có xu hướng khiến lập trường trở nên cứng rắn, hơn là cho phép các bên tham gia tìm kiếm các giải pháp. Chậm trễ trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán sẽ không hữu ích trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định. Trên thực tế, sự trì hoãn giải quyết tranh chấp càng lâu thì quan điểm của các bên càng trở nên cứng rắn hơn, khiến cho việc giải quyết trở nên khó khăn hơn, bất lợi cho các nước liên quan và cho toàn bộ khu vực nói chung.

15. Tại một số khu vực tranh chấp, việc áp dụng một khái niệm phát triển chung có thể có ích, nhất là đối với các khu vực tranh chấp có quy mô lớn. Các bên liên quan có thể xây dựng các mục tiêu cũng như cơ chế cho sự phát triển chung, và sẵn sàng đàm phán nghiêm túc về vấn đề này.

16. Sự tham gia của các học giả và các chuyên gia vào thảo luận việc giải quyết các xung đột tiềm năng là hữu ích.

17. Cần xem xét đến mọi lợi ích của các nước trong khu vực, và không nên loại bỏ hoàn toàn tiềm năng đóng góp của mỗi nước để tránh xảy ra xung đột trong khu vực .

18. Gần đây, đã có gợi ý rằng một số nước ASEAN cần đoàn kết chống lại Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ và quyền tài phán trên Biển Đông (như đã được Kompas đăng tải ngày 1/6/2011). Nỗ lực này có thể khó khăn vì nhiều lý do:

a - Một số nước ASEAN đã có tranh chấp với nhau, chẳng hạn như Philíppin và Malaixia. Trong thực tế, khi Malaixia và Việt Nam đệ trình chung các giới hạn của thềm lục địa của họ ở Biển Đông lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc, thì Philíppin và Trung Quốc đã phản đối.

b - Trong số 10 nước ASEAN, có bốn nước liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông (Việt Nam, Malaixia, Brunây và Philíppin), sáu nước còn lại (Inđônêxia, Xinhgapo, Thái Lan, Campuchia, Lào và Mianma) không liên quan hoặc không liên quan trực tiếp. Sáu nước này có thể không có lợi ích cụ thể để tham gia tranh chấp lãnh thổ, ngoại trừ thể hiện tình đoàn kết trong khối hay sự cần thiết phải đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực. Sáu nước này, mặc dù không tuyên bố về chủ quyền, song có thể cùng đưa ra một sáng kiến ​​ chung để đưa bốn nước kia vào bàn đàm phán với hai bên ngoài ASEAN tuyên bố chủ quyền.

c - Sự hình thành ASEAN thống nhất chống Trung Quốc dường như là một cách tiếp cận đối đầu hơn là hợp tác. Quá trình SCSW được thúc đẩy bởi cách tiếp cận hợp tác trong vòng 20 năm qua để tránh những tình huống đối đầu. Kinh nghiệm đã chỉ ra rằng Trung Quốc dường như đáp lại với hợp tác nhiều hơn là đối đầu.

d - Cuối cùng, một giải pháp phát triển chung cho các nguồn tài nguyên dầu khí ở Biển Đông là có thể, nếu các bên liên quan có thể xem xét những bài học từ quá trình SCSW đã liệt kê ở trên./.

Theo Jakarta Post

Trần Quang (gt)