20161209_Trump_Des_Moines_article_main_image.jpg

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times vào tháng 3/2016, ứng cử viên đảng Cộng hòa khi đó đã cáo buộc quốc gia cộng sản này đang xây dựng “một pháo đài chưa từng có trên thế giới” ở Biển Đông. Ông cũng cáo buộc cựu Tổng thống Barack Obama vì đã để cho Trung Quốc theo đuổi tham vọng bành trướng, nhấn mạnh “họ quyết tâm làm như vậy bởi họ hoàn toàn không hề tôn trọng tổng thống của chúng ta và họ hoàn toàn cũng không tôn trọng đất nước chúng ta”. Những tuyên bố gay gắt kiểu này vẫn thường xuyên xuất hiện trong các tuyên bố của ông Trump và các phụ tá mãi cho tới đầu năm 2017. Tuy nhiên, bất chấp những phát ngôn mạnh mẽ, Chính quyền Trump thực tế không hề có động thái cương quyết nào để ngăn chặn những hành vi bành trướng của cường quốc châu Á trong suốt 11 tháng cầm quyền vừa qua. Tồi tệ hơn, Washington thậm chí còn gần như lãng quên hẳn chủ đề này, dù chỉ là trong các phát biểu của mình.

Chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày của Trump hồi tháng 11/2016 là một minh chứng cho thực tế ấy. Ngoại trừ đề xuất về việc sẵn sàng làm trung gian giữa các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, một đề xuất cho đến nay vẫn chưa được bất kỳ quốc gia nào đón nhận, ông Trump hoàn toàn tránh công khai bình luận về kế hoạch bành trướng và các hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh dù rằng ông có rất nhiều cơ hội để nêu vấn đề này trong suốt chuyến thăm đầu tiên tới khu vực. Không chỉ gạt vấn đề Biển Đông, nhất là các hoạt động hàng hải của Trung Quốc, ra ngoài lề, ông Trump còn không tiếc lời ca ngợi quốc gia độc đảng cùng Chủ tịch Tập Cận Bình khi đang ở thăm Bắc Kinh.

Điều này cho thấy một thực tế là bất chấp việc đã từng có những chỉ trích gay gắt nhằm vào thái độ hung hăng của Trung Quốc và quy trách nhiệm cho chính sách của người tiền nhiệm, trong suốt một năm đầu tiên ở Nhà Trắng, ông Trump hiếm khi quan tâm tới những gì Trung Quốc làm tại vùng biển tranh chấp luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ này.

Sự thờ ơ của Trump đã giúp Bắc Kinh rảnh tay củng cố sự hiện diện của mình ở vùng biển rộng tới 3,5 triệu km vuông. Trong suốt năm vừa qua, với những kết quả có được từ hoạt động cải tạo địa hình quy mô lớn tiến hành từ năm trước đó, Trung Quốc đã âm thầm từng bước dựng lên các hạ tầng quân sự tại những hòn đảo nhân tạo mà họ xây dựng hoặc những thực thể chiếm đóng. Ảnh chụp vệ tinh được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington công bố hồi tháng 12/2017 cho thấy trong năm vừa qua Trung Quốc đã xây dựng thêm các hạ tầng kiên cố mới trên diện tích 29 hecta tại các tiền đồn, vốn đã xuất hiện dày đặc các hạ tầng phục vụ mục đích quân sự - bao gồm các boong-ke, nhà chứa máy bay, hạ tầng để triển khai các hệ thống rađa, máy bay, tàu chiến và pháo binh.

Truyền thông Trung Quốc gần đây cũng công khai hoan nghênh các hoạt động mở rộng bành trướng trong năm vừa qua, cho rằng các hạ tầng này chủ yếu được xây dựng để đáp ứng nhiều nhu cầu dân sự song cũng là để đảm bảo việc phục vụ công tác quốc phòng cần thiết. Tại Đại hội XIX hồi tháng 10/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình từng hoan nghênh hoạt động xây đảo là một trong những thành tựu hàng đầu của mình và cho rằng đó là chiến dịch “đòi lại thành công quyền hàng hải” của Trung Quốc.

Những diễn biến này phản ánh hai vấn đề rất quan trọng. Thứ nhất, Trung Quốc đã không còn che giấu hay phủ nhận các hoạt động bành trướng và quân sự hóa tại vùng biển giàu tài nguyên này. Thứ hai, với việc xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng quy mô có thể dùng cho mục đích quân sự tại các hòn đảo nhân tạo mà không hề vấp phải phản ứng cụ thể của Mỹ cũng như các quốc gia liên quan trong năm vừa qua, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ tiếp tục triển khai các trang thiết bị quân sự và cả nhân lực tới đây trong những năm sắp tới.

Bên cạnh những “tiến bộ” đạt được trên thực địa trong năm 2017, Bắc Kinh còn “thành công” với việc vô hiệu hóa sự phản đối của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền và các nước khu vực vốn rất quan tâm và từng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tham vọng bành trướng của mình. Việt Nam có thể tạm coi là một ngoại lệ trong khi hầu hết các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, bao gồm cả ba nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông là Malaysia, Philippines và Brunei, đều đang có thái độ thích nghi hoặc ít nhất là cũng khá thờ ơ với các hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển này. Có rất nhiều lý do dẫn tới thay đổi ấy. Một trong số đó là áp lực kinh tế lớn hoặc những miếng mồi mà Trung Quốc đưa ra để lôi kéo các nước láng giềng nhỏ bé hơn, cũng như quyết định chấp thuận thỏa thuận khung của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với ASEAN.

Tuy nhiên, nhân tố chính dẫn tới sự xoay vần trong lập trường khu vực chính là Donald Trump. Với chính sách đối ngoại “nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Mỹ đã từ bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với các nước trong khu vực, như Việt Nam hay Singapore, hiệp định bao trọn vùng vành đai Thái Bình Dương này không chỉ đơn thuần là một thỏa thuận thương mại, mà nó còn có ý nghĩa lớn về mặt chiến lược. Xét từ quan điểm của họ, rút lui đồng nghĩa với việc Mỹ không còn tôn trọng những cam kết mà họ đã đưa ra, không tôn trọng mối quan hệ đối tác với các nước châu Á-Thái Bình Dương cũng như chính sách mà họ đã đề ra với khu vực. Điều này, cùng với thực tế là Trump hiện quá ám ảnh với chương trình hạt nhân-tên lửa Triều Tiên cũng như vấn đề mất cân bằng trong thương mại của Mỹ khiến người đứng đầu Nhà Trắng gần như quên mất Đông Nam Á và Biển Đông, vô hình trung buộc các nước khu vực phải chuyển hướng khỏi Washington và tìm về với Trung Quốc.

Nếu xu hướng này tiếp diễn, sớm hay muộn Bắc Kinh cũng sẽ hoàn toàn thao túng vùng biển nơi có những tuyến vận tải trọng yếu nhất trên thế giới. Điều đó cũng sẽ đồng nghĩa với vị thế bá chủ của Mỹ trong khu vực đi đến hồi kết. Trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới, Trump đã nhắc đến Biển Đông rất ngắn gọn, rằng “các nỗ lực (của Trung Quốc) trong việc xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông đe dọa tự do thương mại, đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác và hủy hoại ổn định khu vực”. Tuy nhiên, nếu Chính quyền Mỹ không thay đổi chính sách đối ngoại và có các hành động cụ thể tại Biển Đông trong năm 2018, có lẽ sẽ đến lúc mọi chuyện trở nên quá muộn để kiềm chế, chứ chưa muốn nói đến việc ngăn chặn hay đẩy lùi tham vọng bành trướng lãnh thổ và quân sự của Trung Quốc tại tuyến đường biển chiến lược trọng yếu này.

Theo “Atimes

Anh Thư (gt)