Với quan điểm coi nước mình là trung tâm của luật pháp và các hiệp ước quốc tế, về cơ bản Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông.

 

Sự kiện tàu USNS Impeccable (T-AGOS-23) tháng 3 năm 2009, cũng giống sự kiện EP-3 năm 2001 trước đó, đã nhấn mạnh điểm nóng tồn tại giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông. Sự giống nhau trong cách cư xử của Trung Quốc trong hai sự kiện này là rất đáng quan tâm. Cuộc chạm trán tàu Impeccable xảy ra khi một nhóm tàu đánh cá và tàu của chính phủ Trung Quốc tiến lại gần và di hành qua lại một cách khiêu khích trước hướng đi của tàu Impeccable,  ngăn không cho tàu Impeccale thực hiện nhiệm vụ thám sát trong khu vực Biển Đông cách bờ biển gần nhất của Trung Quốc hơn 70 dặm. Vụ chạm trán của máy bay EP-3 cũng gần như xảy ra ở khu vực này khi một máy bay đánh chặn Trung Quốc bay một cách khiêu khích và đâm vào phi cơ thám sát của Mỹ khi chiếc phi cơ này đang thực hiện nhiệm vụ thám sát thường lệ. Tuyên bố của chính phủ Trung Quốc sau mỗi sự kiện này, rằng hoạt động của Hải quân Mỹ đã vi phạm pháp luật và đe dọa đến Trung Quốc, cho thấy quan điểm rất khác biệt về việc các hoạt động quân sự truyền thống nào sẽ được coi là việc sử dụng hợp pháp các khu vực biển này. Mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc thường sử dụng luật pháp quốc tế để diễn giải các xung đột, nhưng bất đồng ở đây thực chất không phải là về sự diễn giải chính xác của các luật đó hay  của các điều khoản trong Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS). Những bất đồng này phản ánh mâu thuẫn lớn hơn giữa một bên là mục tiêu tăng kiểm soát của Trung Quốc đối với “các biển gần” và bên kia là lợi ích địa-chiến lược của Mỹ trong việc duy trì dự do hàng hải - chỗ dựa cho sự ổn định và phát triểncủa hàng hải toàn cầu thường và cũng rất cần thiết trong việc củng cố bảo đảm an ninh của Mỹ ở Đông Á. Tuy nhiên, các ngôn ngữ của luật pháp quốc tế cũng quan trọng bởi vì ngôn ngữ quốc tế là công cụ chính mà Trung Quốc chọn để trực tiếp đối đầu với sức mạnh hải quân Mỹ. Do đó, để hiểu các lập luận mang tính pháp lý của Trung Quốc cần phải vén bức rèm che và xem xét rõ ràng những cách thức phức tạp mà Trung Quốc sử dụng để thách thức Mỹ ở Đông Á, và quan sát các hàm ý lớn lớn hơn của các cuộc tranh chấp này.

 

Đường hình chữ U

Từ lâu Trung Quốc luôn coi vịnh Bột Hải, Hoàng Hải (Yellow Sea - nd), Biển Đông Trung Hoa ( East China Sea – nd) và Biển Đông– gọi là các biển gần – là khu vực lợi ích địa chiến lược trọng tâm và là một phần của vành đai phòng thủ lớn trên đất liền và trên biển để bảo vệ phần đông dân số và các trung tâm kinh tế dọc bờ biển của quốc gia này. Trong những năm 1930, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc đã thành lập Ủy ban Kiểm tra bản đồ Đất liền và Biển để giải quyết các lo ngại về sự xâm lược tiềm ẩn từ bên ngoài đối với lãnh thổ mà Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả các báo cáo về các lực lượng quân sự của nước ngoài đang đóng chiếm các đảo ở Biển Đông. Năm 1935, Ủy ban này cho rằng phần lãnh thổ xa nhất ở phía Nam của Trung Quốc ở Biển Đông là bãi James (TQ: Zengmu Ansha/ Tăng Mẫu – nd), nằm cách bờ biển Borneo khoảng 50 hải lý, Trung Quốc nên mở rộng đường biên giới biển xuống phía Nam 4 độ vĩ độ Bắc. Đến năm 1947, chính quyền Cộng Hòa Dân Quốc bắt đầu cho xuất bản các bản đồ với một loạt đường hình chữ U ở biển Biển Đông để xác định ranh giới biển.[1]

 

Chính phủ Trung Quốc lặp lại cách vẽ bản đồ này khi Đảng Cộng Sản lên nắm chính quyền  năm 1949. Ngày nay đặc điểm này vẫn được duy trì ở trên tất cả các bản đồ xuất bản ở Trung Quốc và Đài Loan. Nhưng bản chất tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với việc mở rộng khu vực biển và nhiều đảo, dải cát ngầm, đá và đảo nhỏ bên trong đường 9 gạch hình chữ U (the nine dashes of the U shaped line) thì chưa bao giờ được làm rõ. Trong giới học giả và các quan chức Trung Quốc, có 4 luồng suy nghĩ chính về ý nghĩa của đường này. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục tránh đưa ra quan điểm chính thức một cách công khai, có lẽ bởi vì  họ sẽ được lợi từ tình trạng mơ hồ kéo dài và khoảng ngỏ để đàm phán mà họ tạo nên.

 

Vùng biển chủ quyền

Một số nhà phân tích chính sách của Trung Quốc tiếp tục cho rằng nên coi các khu vực biển bên trong đường hình chữ U là các khu vực thuộc chủ quyền của Trung Quốc, và là đối tượng thuộc toàn bộ quyền thực thi pháp lý của nước này, có thể coi là nội thủy hoặc lãnh hải. Ví dụ một nhóm các nhà phân tích quốc phòng Trung Quốc kỳ cựu mô tả lợi ích ngoài khơi của nước này như “khu vực mở rộng từ bờ biển của Trung Hoa Đại lục giữa 200 hải lý (về phía Tây) và 1600 hải lý (về phía Nam),” hoặc xấp xỉ bằng vĩ độ  đã được tuyến bố  trong báo cáo năm 1935. Họ coi các “khu vực biển này chịu quyền tài phán của Trung Quốc---[vì ] là khu vực thuộc chủ quyền quốc gia của Trung Quốc.”[2] Thực ra, Luật về lãnh hải và Vùng tiếp giáp lãnh hải năm 1992 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đặc biệt tuyên bố chủ quyền đối với từng quần đảo trong nhóm quần đảo ở biển Biển Đông – quần đảo Đông Sa (A: Pratas Islands, TQ: Dongsha – nd), quần đảo Hoàng Sa(A: Paracel Islands, TQ: Xisha/Tây Sa – nd), quần đảo Trung Sa (A: Macclesfield Bank, TQ: Zhongsha – nd) và quần đảo Trường Sa (A: Spratly Islands, TQ: Nansha/Nam Sa – nd). Theo đó, các nhà phân tích này cho rằng vì Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với các nhóm quần đảo này nên đường hình chữ U bao quanh các nhóm quần đảo cũng thiết lập một khu vực có chủ quyền.

 

Quan điểm trên tạo nên thách thức đối với chính quyền Trung Quốc vì quan điểm này đã lờ đi những giới hạn luật pháp quốc tế được quy định bởi UNCLOS về quyền đưa ra tuyên bố chủ quyền của các nước ven biển. Là một thành viên của Công ước, Trung Quốc cũng bị ràng buộc bởi các điều khoản của Công ước, trong đó không có cơ chế nào cho phép Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền đối các vùng biển ở Biển Đông một cách hợp pháp, ngay cả khi cuối cùng Trung Quốc có thể củng cố kiểm soát của mình ở quần đảo này. Do đó, các quan chức nhà nước và các thực thể khác đang kiếm tìm các con đường thuận tiện hơn để tuyên bố quyền kiểm soát hợp pháp đối với Biển Đông.

 

Các vùng nước lịch sử

Có lẽ vì đây là một trong những phần không rõ ràng nhất của luật pháp quốc tế nên một số người Trung Quốc đã cho rằng khái niệm về “các vùng nước lịch sử” có thể giúp cho chính quyền nước này tuyên bố quyền kiểm soát rộng hơn đối với Biển Đông một cách hợp pháp.[3] Khái niệm này hầu như không được nhắc đến trong UNCLOS, nhưng lại tồn tại trong tập quán quốc tế. Tập quán quốc tế cho phép các quốc gia ven biển tuyên bố quyền tài phán mở rộng của mình đối với vùng nước lịch sử và các đảo nếu tuyên bố được đưa ra là duy nhất, tồn tại trong thời gian dài, và được chấp nhận một cách rộng rãi bởi các quốc gia khác. Nhưng thật không may trong việc tán thành quan điểm này, lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quyền lịch sử để kiểm soát biển Biển Đông lại bị suy yếu một cách trầm trọng bởi các lời tuyên bố chủ quyền tương tự, chồng chéo được đưa ra bởi Phi-lip-pin, Việt Nam, Ma-lai-xi-a, Bru-nei, và In-do-ne-xi-a, đó là chưa kể đến các tuyên bố chủ quyền song song được đưa ra riêng rẽ bởi Đài Loan. Điều này cho thấy dù các lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông có thể đã có từ rất lâu, nhưng rõ ràng đó không phải là duy nhất, và cũng không được chấp nhận rộng rãi bởi các quốc gia khác.

 

Tuy nhiên, luật của Trung Quốc vẫn khẳng định các quyền lịch sử đối với Biển Đông. Luật về Vùng Đặc Quyền Kinh Tế và Thềm lục địa năm 1998 của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có ghi rằng các tiến triển về mặt pháp lý “sẽ không ảnh hưởng đến quyền lịch sử mà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được hưởng.” Gần đây hơn, các quan chức Trung Quốc đã nhấn mạnh cái gọi là “trách nhiệm quản lý” bắt nguồn từ các quyền lịch sử đã được tuyên bố đối với Biển Đông. Trong việc xúc tiến các trách nhiệm quản lý này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (the Standing Committee of National People’s Congress) đã thông qua luật Bảo vệ đảo ngày 26 tháng 12 năm 2009. Luật này cho phép chính phủ Trung Quốc có nhiều quyền hạn pháp lý hơn đối với tất cả các đảo ngoài khơi đã được tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả quyền sở hữu và nâng cao trách nhiệm quản lý đối với các đảo không người ở để tăng cường bảo vệ hệ sinh thái, kiểm soát việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy phát triển bền vững. Cùng với việc luật pháp Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các đảo và quyền lịch sử để quản lý các khu vực biển ở Biển Đông, luật này còn có thể tạo ra một cơ sở hợp lí cho việc các tàu của Trung Quốc tăng cường hoạt động ở Biển Đông như hoạt động thám sát biển, đánh bắt cá, bảo vệ bờ biển và các hoạt động khác.

 

Các tuyên bố chủ quyền đối với đảo

Một số người Trung Quốc coi đường hình chữ U như việc đơn giản khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các đảo, đá, bãi cát, mỏm san hô, và các phần đất nhô lên khỏi mặt nước khác của Biển Đông, và đối với bất cứ quyền tài phán nào mà luật pháp quốc tế về biển cho phép các nước ven biển yêu sách dựa trên chủ quyền đối với các phần đất nhỏ này. Quan điểm này rất có thể đã giúp hình thành quyết định của chính phủ Trung Quốc trong việc thông qua các luật năm 1992 và luật năm 1998 đã được đề cập ở trên, các bộ luật này công khai chỉ ra chủ quyền đối với các nhóm đảo ở Biển Đông và sau đó là chủ quyền đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, và thềm lục địa bắt nguồn từ các vùng đó. Do đó, kết hợp lại các bộ luật này của Trung Quốc khẳng định quyển kiểm soát hợp pháp đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông bên trong đường hình chữ U.

 

Ít nhất ở vẻ bề ngoài, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo và quyền tài phán bắt nguồn hợp pháp từ việc tuyên bố chủ quyền là đúng luật, theo đó, các lời tuyên bố tuân theo các điều khoản chung của UNCLOS các khía cạnh khác của luật biển quốc tế. Tuy nhiên, khi kiểm tra kĩ lưỡng hơn thì đã xuất hiện một loạt các vấn đề cơ bản, làm suy yếu nhiều khía cạnh của các tuyên bố này. Ví dụ, rất ít đảo ở Biển Đông đủ điều kiện theo UNCLOS có vùng lãnh hải rộng hơn 12 hải lí. Các đảo quá nhỏ không thể giúp duy trì cuộc sống của dân cư ở đây hoặc không thể đáp ứng cho cuộc sống của họ về mặt kinh tế vì vậy các đảo đó không đủ tiêu chuẩn cho quyền tài phán mở rộng của các quốc gia ven biển. Tất nhiên trong đó bao gồm  nhiều đá, mỏm san hô, và dải cát ở Biển Đông vì chúng không nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều lên. Do đó, chỉ có một vài đảo ở Biển Đông đủ tiêu chuẩn cho vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Không có các vùng này, tầm với của Trung Quốc nên được giới hạn ở dải 12 hải lý quanh mỗi phần lãnh thổ ở phần lớn các địa điểm, để khoảng biển đáng kể giữa các vùng này là biển cả. Rất có thể điều này sẽ giải thích được điều khoản mù mờ trong luật năm 1998 của Trung Quốc, khi luật này khẳng định quyền lịch sử bổ sung như là cơ sở cho quyền tài phán đối với các vùng biển.  

 

Một điểm yếu khác trong tuyên bố quyền tài phán của Trung Quốc đối với biển Biển Đông dựa trên sự khẳng định chủ quyền của nước này đối với các bãi đá và bãi cát là việc nước này đã phản đối các lời tuyên bố chủ quyền tương tự của Nhật Bản đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xung quanh Okimotorishima, một kết cấu san hô nhỏ ở Thái Bình Dương, khoảng 1050 dặm về phía Nam của Tokyo.[4] Luật pháp quốc tế không cho phép một nước tuyên bố các quyền pháp lý nếu nước đó phản đối các tuyên bố tương tự của các nước khác. Do đó, cả các điều khoản của UNCLOS và các quyền lịch sử về cơ bản đều không phải là các nguồn có sức thuyết phục của luật mà Trung Quốc có thể dựa vào để đưa ra các tuyên bố chủ quyền. Vì vậy, một số học giả và nhà phân tích Trung Quốc đã bắt đầu cho rằng luật pháp nên bảo vệ lợi ích an ninh của một nước ven biển trong khu vực biển xung quanh của nước đó.

 

Lợi ích an ninh

Khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển gần gia tăng cùng với phạm vi hoạt động hàng hải và hải quân của nước này, và từ các lực lượng này đã nổi lên quan điểm thứ tư, nêu rằng từ lâu đường hình chữ U phản ánh lợi ích an ninh trên biển của Trung Quốc và các lợi ích này nên được pháp luật bảo vệ. Như một nhà phân tích Trung Quốc cho hay, “Hải quân chỉ là một trong những phương pháp để bảo vệ quyền và lợi ích biển của chúng ta…các phương pháp cơ bản nên được dựa vào luật, luật pháp quốc tế, và nội luật.” Để củng cố các luật và các lợi ích chủ quyền ở biển, “trong những năm gần đây, chúng ta đã bắt đầu thực hiện các cuộc tuần tra định kì để bảo vệ quyền lợi ở biển Đông Trung Hoa và Biển Đông .”[5]

 

Với ý nghĩa này, Trung Quốc coi luật pháp quốc tế và sức mạnh hàng hải là công cụ để thiết lập khu đệm an ninh biển được mong muốn từ lâu trên toàn bộ các biển gần, bao gồm cả Biển Đông. Việc luật pháp quốc tế không bảo vệ lợi ích an ninh của một quốc gia ven biển vượt quá vùng lãnh hải hẹp đã không ngăn được những người theo chủ trương bảo vệ lợi ích của Trung Quốc đưa ra các lời tuyên bố trên. Tuy nhiên, xem xét kĩ lưỡng mỗi quan điểm trong bốn quan điểm liên quan đến ý nghĩa của đường hình chữ U cho thấy không một quan điểm nào tạo được cơ sở vững chắc trong luật pháp quốc tế như nó vốn là như vậy.

 

Vùng đặc quyền kinh tế

Việc tạo vùng đặc quyền kinh tế năm 1982 của UNCLOS - một vùng mở rộng ngoài vùng lãnh hải, cách xa nhất là 200 hải lý từ bờ biển của một quốc gia ven biển, là một sự thỏa hiệp đã được cân bằng cẩn trọng giữa lợi ích của các quốc gia ven biển trong việc quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên biển, và lợi ích của các quốc gia được sử dụng biển trong việc bảo đảm tự do hàng hải ở biển cả và trên không, bao gồm cả các mục đích quân sự. Do đó, ở vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển được trao quyền chủ quyền đối với nguồn tài nguyên và quyền tài phán để ban hành luật liên quan đến các nguồn tài nguyên đó, còn để bảo đảm việc tham gia của các cường quốc biển thì tự do hàng hải ở biển cả cơ bản đã được bảo lưu cho tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, Trung Quốc lại luôn cố gắng thay đổi mối thỏa hiệp đã được cân bằng cẩn trọng này bằng cách đưa ra các tuyên bố mở rộng về quyền bảo vệ hợp pháp đối với lợi ích an ninh của quốc gia này, đặc biệt ở Biển Đông.

 

Các học giả và quan chức Trung Quốc làm như vậy bằng cách đưa ra lí do rằng bởi vì vùng đặc quyền kinh tế là một vùng thuộc quyền tài phán của quốc gia ven biển, do đó quốc gia này nên có khả năng đặt ra các giới giạn pháp lý về tự do hàng hải cho các mục đích quân sự nếu nước đó coi các hoạt động này là “xâm phạm lợi ích an ninh của quốc gia ven biển.” Theo đó, Trung Quốc khẳng định rằng ở vùng đặc quyền kinh tế, tự do hàng hải và tự do hàng không “không bao gồm quyền tự do thực hiện các hoạt động quân sự và thám sát ở [vùng biển hay] vùng không phận [vì các hoạt động này] có thể bị coi là sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại Quốc gia.”[6] Dựa trên cơ sở đó, luật pháp của Trung Quốc có ý cấm tất cả các hình thức khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế - bao gồm cả các khảo sát quân sự hay khảo sát thủy văn học mà không có sự đồng ý của chính quyền Trung Quốc.

 

Mặc dù ở vùng đặc quyền kinh tế UNCLOS đã trao cho các quốc gia ven biển quyền tài phán trong việc nghiên cứu khoa học về biển liên quan đến cả các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật, tuy nhiên luật về Khảo sát và Bản đồ năm 2002 của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xác định các hoạt động khảo sát và vẽ bản đồ rất rộng đến nỗi luật này có ý bao trùm tất cả các loại hình nghiên cứu, gồm cả khảo sát quân sự, khảo sát thủy văn học, và các hoạt động liên quan. Thêm nữa, luật này cũng tuyên bố quyền đặt ra các quy định đối với tất cả các hoạt động như trên được thực hiện trong “khu vực biển chịu quyền tài phán” của Trung Quốc. Các quan chức của Trung Quốc đã trích các luật quốc gia này như là quyền để can thiệp vào các hoạt động của USNS Impeccable, Bowditch (T-AGS-62), và các tàu nghiên cứu hải quân khác. Cũng có các báo cáo khác cho hay Trung Quốc đang xem xét luật pháp của nước này, có ý coi tất cả các quan sát và trinh sát của máy bay nước ngoài trên vùng đặc quyền kinh tế là hành vi phạm pháp.[7]

 

Các ngụ ý

Tổng hợp lại, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ngang với tuyên bố chủ quyền toàn bộ đối với biển Đông. Nếu như các tuyên bố này được chấp nhận, Trung Quốc có thể ngăn cản các hoạt động hợp pháp của hải quân Mỹ nhằm ủng hộ các đồng minh và các nước trong khu vực, ngăn chặn xung đột khu vực, và duy trì tự do hàng hải ở các đường lưu thông trên biển trọng yếu ở biển Đông. Dù Trung Quốc là một thành viên của UNCLOS trong khi Mỹ không phải thì cũng không có sự khác biệt trong các tranh chấp pháp lý trên, hay trong việc lực lượng hải quân Mỹ có quyền hoạt động ở khu vực biển vượt quá các lãnh hải của các nước khác trên phạm vi toàn cầu vì Mỹ đã chấp thuận hầu hết các điều khoản của UNCLOS như là tập quán quốc tế có tính chất ràng buộc. Tuy nhiên, việc Mỹ không phải là thành viên của UNCLOS làm giảm ảnh hưởng của nước này trong việc định dạng luật biển tương lai vì luật biển phát triển bên trong các thể chế do chính UNCLOS thiết lập ra như các tòa án, và các ủy ban nhằm diễn giải các điều khoản và phát triển các khía cạnh của luật chưa được giải quyết trong Hiệp Ước. Nói một cách ngắn gọn, việc Mỹ không gia nhập UNCLOS tạo cho Trung Quốc một khoảng trống ngoại giao không bị thách thức để cố gắng định dạng luật biển theo ý muốn của nước này. Điều này có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng đối với những vấn đề mang tính pháp lý quan trọng đối với lợi ích an ninh toàn cầu của Mỹ.

 

May mắn là, các quan điểm của Trung Quốc về quyền hợp pháp của nước này đối với biển Đông không phản ánh hiện trạng gần đây của luật pháp quốc tế. Các quan điểm này cũng không phản ánh sự hiểu biết đúng đắn về cân bằng quyền hạn, lợi ích, và tự do đã được đề cập đến trong các điều khoản của UNCLOS liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế. Tuy nhiên, Trung Quốc có vẻ tán thành các diễn giải pháp lý theo chủ nghĩa xét lại để gây áp lực sẵn có đối với các hoạt động hải quân Mỹ ở Biển Đông, và có lẽ để tạo ra xung đột đủ khiến những người ra quyết định về an ninh quốc gia của Mỹ giảm mức độ hoạt động hải quân ở đây.

 

Hơn nữa, bằng cách miêu tả tranh chấp này như là cuộc đấu tranh giữa các quốc gia phát triển tìm cách duy trì quyền lực (như Mỹ), và các quốc gia đang phát triển tìm biện pháp bảo vệ một cách hợp pháp khỏi các sự gây hấn về hải quân (như Trung Quốc), một số người Trung Quốc có vẻ tin rằng họ có thể phá hỏng tính chính danh của lực lượng hải quân Mỹ trong con mắt của các quốc gia khu vực.[8] Như Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân, Thượng tướng Ma Xiaotian (Mã Hiểu Thiên) cho rằng “nên tạo ra các quy tắc hợp lý và công bằng về quan hệ song phương …để xem xét một cách đúng đắn …các lợi ích an ninh sống còn của mỗi bên.”[9] Đây không phải là các nhận thức của một cường quốc đã thỏa mãn với các luật lệ và quy tắc quản lý các hoạt động quốc tế trên biển.hiện hành.

 

Các mục tiêu và hoạt động của Trung Quốc ở khu vực tồn tại trong căng thẳng trực tiếp với chiến lược hàng hải của Mỹ, chiến lược tìm cách duy trì an ninh và ổn định ở khu vực biển trên toàn cầu thông qua các hoạt động quốc tế mang tính hợp tác và tự do hàng hải ở tất cả các khu vực biển cách xa lãnh hải. Thật mỉa mai, các mục tiêu và hoạt động của Trung Quốc ở khu vực cũng tồn tại trong căng thẳng với các lợi ích toàn cầu đang tăng lên của chính quốc gia này. Là một quốc gia đang có nền kinh tế phát triển rất nhanh, Trung Quốc là một trong những nước được hưởng lợi từ hệ thống toàn cầu ổn định mà chiến lược này (của Mỹ - nd) mang lại. Trung Quốc có vẻ như ngày càng sẵn sàng sử dụng khả năng hải quân đang được hiện đại hóa một cách đều đặn để ủng hộ các hoạt động duy trì ổn định như các nỗ lực chống hải tặc ở Vịnh Aden, ở các khu vực xa xôi mà nước này có lợi ích. Như một nhà chiến lược về hàng hải của Trung Quốc đáng chú ý đã phát biểu:

 

Trung Quốc có nhiều lợi ích quốc gia ở khu vực biển quốc tế…[bao gồm] các đường vận tải đại dương mở, các eo biển quốc tế, 500 cảng ở hơn 150 quốc gia, [và]  đầu tư vào đáy biển quốc tế…điều đó yêu cầu Hải quân bảo vệ ở một phạm vi rộng hơn.[10]

 

Tuy nhiên, các nỗ lực bảo vệ lợi ích lớn hơn trên biển này phụ thuộc vào hoạt động hợp pháp của hải quân nhằm loại bỏ đe dọa đến an ninh trên biển. Trung Quốc không thể có cả hai thứ cùng một lúc. Nếu Trung Quốc mong muốn đảm đương vai trò lãnh đạo toàn cầu lớn hơn, thì phải chấp nhận các quy tắc mà hệ thống toàn cần vận hành. Cái giá trong việc tham gi  bảo vệ các lợi ích trên biển đang gia tăng là thừa nhận các hoạt động hải quân của các quốc gia khác có lợi ích ở biển Đông.


GS. Peter A. Dutton, Sĩ quan Hải quân Mỹ (đã về hưu).



Người dịch: Nguyễn Thị Tuyên

Bản gốc: Dutton, Peter A., "Through a  Chinese Lens", Copyright ©  Proceedings, U.S. Naval Institute, Maryland (410) 268-6110, www.usni.org.

(Bản quyền thuộc PROCEEDINGS MAGAZINE, Học viện Hải Quân Hoa Kỳ (USNI), bài dịch tiếng việt đăng trên www.nghiencuubiendong.vn với sự  đồng ý của tác giả. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, nghiêm cấm cắt bài đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ)


 



[1] Li Jinming and Li Dexia, “ The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea: A Note,” [Đường Đứt khúc trên bản đồ Trung Quốc về vùng biển Nam Trung Hoa: Một ghi chép]  Ocean Development and International Law [ Phát triển Đại dương và Luật pháp quốc tế], tập 34 (2003), tr. 287-95

[2] Wang Shumei, Shi Jiazhu, và Xu Mingshun, “ Carry Out the Historic Mission of the Army and Establish the Scientific Concepts of Sea Rights,” [Tiến hành nhiệm vụ lịch sử của quân đội và thiết lập những khái niệm khoa học của quyền lợi biển], Khoa học quân sự Trung Quốc, 1 tháng 2 2007, tr. 139-46.

[3]South China Sea: Controversies and Solutions- Interview with Liu Nanlai,” [Biển Nam Trung Hoa: Các tranh cãi và các cách giải quyết- Phỏng vấn Liu Nanlai], Beijing Review, 4-10 tháng 6 năm 2009.

[4] “China Dismisses Japan’s Claim of Tiny Atoll in Pacific,”[ Trung Quốc gạt bỏ tuyên bố của Nhật Bản về đảo san hô ở Thái Bình Dương], World Knowledge, 1 tháng 1 năm 2009.

[5]China’s Maritime Rights and Navy,” [ Các quyền lợi hàng hải và hải quân Trung Quốc] World Knowledge, 1 tháng 1 năm 2009

[6] Ren Xiaofeng and Cheng Xizhong, “ A Chinese Perspective,” [ Một quan điểm Trung Quốc], Marine Policy [Chính sách biển], tập 29 (2005, tr. 139-46.

[7] Hai Tao, “U.S. Military Makes China’s Adjacent Seas their Backyard,” [ Quân đội Mỹ biến các vùng biển liền kề Trung Quốc thành sân sau của họ], International Herald Leader, 1 tháng 9 năm 2009

[8] Li Guangyi, “ On Legal Issues Associated with the Military Usage of Exclusive Economic Zones,” [Về các vấn đề pháp lí liên quan đến việc sử dụng các vùng đặc quyền kinh tế cho quân sự], Tạp chí của viện chính trị Xi’an (Tây An), tập 18, số 2 tháng 4 năm 2005

[9] “The Major Powers and Asian Security: Cooperation or Conflict?”[Các Cường quốc và an ninh Châu Á: Hợp tác hay xung đột], bài phát biểu của Phó tổng tham mưu trưởng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, trước phiên họp toàn thế thứ 2 của hội nghị an ninh của viện quốc tế nghiên cứu chiến lược (IISS) lần thứ 8, Đối thoại Shangri- La, Singapore 30 tháng 5 năm 2009

[10] Xu Qi, “Maritime Geostrategy and the Development of the Chinese Navy in the 21st  Century,” [ Địa-chiến lược hàng hải và sự  phát triển của hải quân Trung Quốc trong thế kỉ 21,” Dịch bởi Andrew Erickson và Lyle Godstein, Naval War College Review, tập 59, số 4 ( mùa thu 2006), tr.46-66.