Douglas GUIFOYLE*, Đại học Monash, Úc

Tóm tắt

Người ta thường cho rằng cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định tại phần XV Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) được áp dụng rất hạn chế, phản ánh ý đồ của những người soạn thảo UNCLOS. Vì vậy, các tòa trọng tài cần diễn giải phần XV một cách thận trọng, lưu ý đến những giới hạn về thẩm quyền của toà. Tuy nhiên, Phán quyết Vụ kiện Biển Đông đã đi ngược lại với cách tiếp cận này. Thực vậy, Phán quyết cỏ vẻ đã diễn giải UNCLOS theo một hướng khác hẳn: ngầm coi nguyên tắc cao nhất nằm ở tính chất bắt buộc và toàn diện của cơ chế giải quyết tranh chấp ghi nhận tại Phần XV. Cách tiếp cận này bắt nguồn từ một cách giải thích khác cho tính chất “cả gói” và đồng thuận mà UNCLOS phản ánh. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc giải thích các điều khoản còn chưa rõ ràng của UNCLOS sẽ bị ảnh hưởng bởi cách nhìn nhận của một người đối với những xung đột trong quá trình đàm phán UNCLOS. Bài viết sẽ chỉ ra các bằng chứng về những mẫu thuẫn trong các tiếp cận Vụ kiện Biển Đông, đặc biệt trong vấn đề quy chế đảo.

 

I. GIỚI THIỆU

Cần diễn giải UNCLOS như thế nào và lịch sử có vai trò gì trong cách nhìn nhận đấy? Luận điểm chính của bài viết này là việc diễn giải Công ước thường liên quan đến những tranh luận diễn ra trong thời gian soạn thảo UNCLOS, mà hiện vẫn chưa được giải quyết. Cách tiếp cận của Tòa Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông đã làm dấy lên những câu hỏi mang tính lịch sử về cách tiếp cận đối với 2 vấn đề. Thứ nhất, liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS, tính bắt buộc và toàn diện của cơ chế này thể hiện như thế nào? Thứ hai, liên quan đến quy chế đảo, bên nào sẽ được lợi từ quy chế này? Đối với mỗi câu hỏi, câu trả lời từ góc độ lịch sử có thể ảnh hưởng tới câu trả lời dựa trên góc độ pháp lý.

Nhiệm vụ của một luật gia quốc tế khi giải thích một điều ước quốc tế là phải giải thích trên cơ sở ý đồ của các bên, mà bằng chứng thuyết phục nhất là các văn bản được ký kết. Tuy nhiên, một văn bản phức tạp như UNCLOS “cái giá để đạt được đồng thuận [thường] dẫn tới sự không rõ ràng trong... các vấn đề quan trọng”[1]; có người cho rằng một số điều khoản phản ánh “mối bất đồng được viết thành văn bản”.[2] Vì vậy, cần nỗ lực giải thích các điều khoản cụ thể theo hướng khái quát hóa ý đồ của những người soạn thảo. Xác định ý đồ tập thể của những người soạn thảo từ trước khi có UNCLOS là phi thực tế. Trong bối cảnh cơ quan lập pháp của một quốc gia, không có thực tế lịch sử nào ngoài “ý chí của những nhà làm luật”. Thực tế thậm chí còn không được như vậy: trong hệ thống nghị viện, ý chí của đảng cầm quyền thường khá rõ ràng. Trong khi đó, tính chất “thỏa thuận cả gói” và đồng thuận của quá trình ra quyết định trong thời gian đàm phán UNCLOS nổi tiếng là đã giúp cân bằng những đổi chác hết sức phức tạp giữa các phần của công ước. Kết quả là Công ước được viết “bởi bàn tay vô hình của cơ quan lập pháp quốc tế-một bàn tay được lèo lái bởi sức ép của các cuộc tranh luận, lợi ích và quyền lực”[3]. Tuy nhiên, khi xem xét kết quả phức tạp của quá trình soạn thảo tập thể, chúng ta chủ yếu kết luận “ý chí của các nhà soạn thảo” dựa trên những phân tích pháp lý hoăc là dựa vào phỏng đóan

Hiển nhiên, khi vận dụng những điều khoản phức tạp, mơ hồ vào các tình huống thực tế cũng mơ hồ, phức tạp thì sẽ dẫn đến những cách diễn giải khác nhau. Điều này hoàn toàn chính đáng. Điều tôi muốn nói ở đây là: khi giải thích hoặc áp dụng UNCLOS, chúng ta thường chấp nhận một quan điểm cụ thể đối với lịch sử của UNCLOS, ảnh hưởng đến cách chúng ta giải thích mục đích của mọi điều khoản. Đây chính là vấn đề. Như Benedict Kingsbury từng ám chỉ, mọi người dễ nhầm tưởng là có những quy tắc đơn nhất để giải thích điều ước quốc tế.[4] Các điều ước quốc tế thỉnh thoảng, hoặc thường xuyên, được giải thích trong khuôn khổ một thể chế cụ thể, có sự hiểu biết về lịch sử hình thành và mục tiêu ban đầu của điều ước. Cách áp dụng các quy tắc giải thích điều ước có liên quan đế thực tiễn của một cộng đồng gắn bó với công ước, nhất là đối với điều ước dạng khung như UNCLOS. Cộng đồng này có thể bao gồm quan chức chính phủ, các thẩm phán, trọng tài viên, luật sư và các học giả. Mọi phán quyết của luật quốc tế không chỉ nhằm vào các bên liên quan nói riêng, mà còn cho cộng đồng nói chung, nhưng thường là cộng đồng chuyên gia các luật sư và những người đang làm việc trong lĩnh vực giải thích và áp dụng các điều ước. Ngoài ra, các phán quyết có thể giúp cấu thành một cách hiểu chung trong cộng đồng nói trên về lịch sử hình thành và mục đích của điều ước

Một điểm có vẻ cấp tiến trong phán quyết Vụ kiện Biển Đông là nó đã tạo ra một giả định giải thích rất khác so với cách giải thích thông thường ngôn ngữ tiếng Anh trong UNCLOS-một tài liệu thường ủng hộ quan điểm các nước ven biển lớn và cường quốc biển. Khi bàn về phạm vi của cơ chế giải quyết tranh chấp và quy chế đảo, Tòa Trọng tài đã có cách hiểu khác về lịch sử của Công ước dẫn tới những kết luận khác về ý chí của các nhà soạn thảo.

II. QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THEO UNCLOS

Những chỉ trích truyền thống về hệ thống giải quyết tranh chấp theo Phần XV của UNCLOS bao gồm quan điểm “hàng loạt tranh chấp biển” bị loại bỏ khỏi phạm vi Phần XV, khiến cho thẩm quyền của hệ thống giải quyết tranh chấp có thể bị thu hẹp quá mức.[5] Trong số các vụ kiện gần đây, Vụ kiện Biển Đông đã làm sứt mẻ quan niệm thông thường rằng: hệ thống giải quyết tranh chấp của UNCLOS bị hạn chế về phạm vi áp dụngý đồ ban đầu của người soạn thảo luôn là như vậy. Quan điểm này xuất phát từ việc chỉ đọc ngôn từ của công ước, gây ảnh hưởng đến cách giải thích của giới học giả về UNCLOS và có khuynh hướng bịt kín lịch sử quá trình đàm phán Công ước. Vụ kiện Biển Đông đã làm sống lại câu hỏi: “Lịch sử đàm phán UNCLOS có tác dụng như thế nào đối với việc giải thích công ước, và lịch sử này nên được hiểu như thế nào?” Câu hỏi này không chỉ là về vai trò mật thiết của hồ sơ đàm phán (Travaux préparatoires) trong việc giải thích công ước;[6]đánh vào những giả định khi đọc hồ sơ đàm phán. Quan điểm của tôi là các đánh giá thông thường về dự thảo UNCLOS chỉ phản ánh vắn tắt những lợi ích khác biệt cần được dung hòa trong quá trình đạt được sự thỏa hiệp chung. Cách đọc lịch sử như vậy đã làm giảm đáng kể vai trò của tư duy tập thể chịu ảnh hưởng của trường phái Trật tự kinh tế quốc tế mới (NIEO).[7] Sách vở bằng tiếng Anh thường bỏ qua một sự thật rằng quá trình đàm phán UNCLOS là “giai đoạn trung tâm”, “thể hiện một cách rõ ràng” những thách thức của cách tiếp cận truyền thống trước cách tiếp cận NIEO về luật quốc tế.[8] Bài viết này không dành để nhắc lại các mục tiêu hay tư tưởng NIEO, hoặc các tranh luận bên trong trường phái này. Chỉ cần nhớ rằng NIEO liên quan tới những nỗ lực của các nước Nam bán cầu trong việc đòi hỏi một trật tự quốc tế bình đẳng và công bằng, bao gồm phân bổ các lợi ích từ “tài nguyên đang khai thác và có tiềm năng khai thác của đại dương”[9] là đủ. Trong khi NIEO được sử dụng nhiều trong quá trình đàm phán UNCLOS nhằm đặt đáy biển sâu dưới sự giám sát quốc tế như một phần di sản chung của nhân loại, thì nhiều điều khoản khác trong Công ước liên quan các vị trí hoặc nhu cầu đặc biệt của các nước đang phát triển. Việc quan điểm chính trị của một quốc gia trong quá trình định hướng xây dựng luật biển ảnh hưởng đến cách mà nước đó giải thích công ước là không thể tránh được. Nói thẳng ra là: Liệu NIEO đã thất bại và không ảnh hưởng gì tới Công ước (ngoại trừ một vài phát biểu) hay NIEO đã có ảnh hưởng rất lớn?

Trong trường hợp cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS, cả hai thái cực có thể được đặt ra. Cách giải thích theo nghĩa hẹp, từ góc độ “chủ quyền” hay “khế ước”, sẽ đặt trọng tâm lưu ý vào hàng loạt ngoại lệ đối với các thủ tục bắt buộc quy định tại Phần XV (chương 3) để kết luận rằng: (i) toàn bộ hệ thống được xây dựng thiếu toàn diện; và (ii) do đó, các bên nên hạn chế diễn giải theo hướng áp dụng toàn bộ cơ chế giải quyết tranh chấp, để không vượt quá các giới hạn đã được thỏa thuận. Quan điểm như vậy tương thích với cả chủ nghĩa thực chứng truyền thống lẫn các lý thuyết về việc các quốc gia không muốn làm suy yếu quyền chủ quyền của mình.[10]

Cách giải thích mang tính “cộng đồng”, khái quát hơn đối với Phần XV có thể bắt đầu từ quan điểm rằng việc đàm phán UNCLOS như một thỏa thuận cả gói và sự đồng thuận tạo ra một công cụ lập pháp. Các diễn giải này là kết quả của một quá trình đồng thuận mà ở đó, ý chí chung của Cộng đồng quốc tế đã được thống nhất và “mọi người làm luật cho mọi người.”[11] Cách giải thích như vậy bắt nguồn từ đề xuất rằng Phần XV phải được xây dựng trên cơ sở vừa mang tính bắt buộc, vừa tính toàn diện để duy trì tính toàn vẹn của Công ước như một gói nói chung. Theo cách tiếp cận này, những ngoại lệ của cơ chế giải quyết tranh chấp-cả về nội dung lẫn thủ tục-cần bị hạn chế sử dụng, để bảo vệ tính toàn vẹn của Công ước. Những người ủng hộ quan điểm này thường trích dẫn tuyên bố nổi tiếng của Chủ tịch Hội nghị, Đại sứ Amerasinghe, rằng “các thủ tục giải quyết tranh chấp sẽ là mấu chốt để đảm bảo các thỏa hiệp [đạt được] được cân bằng”.[12]

….

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Douglas GUIFOYLE, Đại học Monash, Úc. Bài viết được đăng trên Asian Journal of International Law, Cambridge.

Thùy Anh (dịch)

Ngọc Diệp (hiệu đính)



* Giáo sư, Khoa Luật, Đại học Monash. Tiến sĩ, Thạc sĩ Luật (Trường Cambridge), Cử nhân (Danh dự), Cử nhân Luật (Danh dự) (Đại học Quốc gia Úc)

[1] Christine GRAY, International Law and the Use of Force, 3rd edn. (Cambridge: Cambridge University Press, 2008) at 9 (referring to General Assembly resolutions).

[2] Philip ALLOTT, “The Concept of International Law” (1999) 10 European Journal of International Law

31 at 43

[3] Philip ALLOTT, “Power Sharing in the Law of the Sea” (1983) 77 American Journal of International Law 1 at 5.

[4] Benedict KINGSBURY, “International Courts: Uneven Judicialisation in Global Order” in James CRAWFORD and Martti KOSKENNIEMI, eds., The Cambridge Companion to International Law (Cambridge: Cambridge University Press, 2012), at 204.

[5] E.g. Rosemary RAYFUSE, “The Future of Compulsory Dispute Settlement Under the Law of the Sea” (2005) 36 Victoria University of Wellington Law Review 683 at 686.

[6] Which is broader than commonly presumed: Julian Davis MORTENSON, “The Travaux of Travaux: Is the Vienna Convention Hostile to Drafting History?” (2013) 107 American Journal of International Law 780.

[7] From a wide literature, see Boleslaw Adam BOCZEK, “Ideology and the Law of the Sea: The Challenge of the New International Economic Order” (1984) 7 Boston College International and Comparative Law Review 1–30; Richard J. PAYNE and Jamal R. NASSAR, “The New International Economic Order at Sea” (1982) 17 Journal of Developing Areas 31–50.

[8] Boczek, supra note 7 at 2.

[9] Nt.

[10] On the latter, Eric POSNER and Jack GOLDSMITH, The Limits of International Law (Oxford: Oxford University Press, 2005).

[11] Allott, supra note 2 at 5 quoting J.-J. Rousseau, The Social Contract, book IV, chapter VI, at 192 (trans. Cole 1913, revised 1973 [1762]).

[12] UN Conference on the Law of the Sea III, Memorandum by the President of the Conference on Docu- ment A/CONF.62/WP.9, UN Doc. A/CONF.62/WP.9/ADD.1 (1976), at 122, para. 6; quoted in South China Sea Arbitration (Philippines v. China), Permanent Court of Arbitration, Award on Jurisdiction and Admissibility, 29 October 2015, para. 255 [Philippines v. China, Award on Jurisdiction and Admissibility].