Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: SCMP

Tổng thống Philippines thực hiện chuyến thăm lần thứ 5 đến Trung Quốc kể từ khi ông trở thành tổng thống. Ông hứa hẹn sẽ đưa ra phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016 trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Phán quyết này nhìn chung được coi là có lợi cho Philippines.

Rõ ràng đây chỉ là nỗ lực tượng trưng của Duterte nhằm xoa dịu các phe phái trong nước vốn không hài lòng với cách tiếp cận nhượng bộ của ông với Trung Quốc thời gian gần đây. Duterte đã đề cập vấn đề Biển Đông khi ông tham dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường” tại Trung Quốc hồi tháng 4. Nhưng Manila với hi vọng ký được các thỏa thuận trị giá hơn 18 tỷ USD đã không thúc đẩy sâu vấn đề này sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại rằng Bắc Kinh không công nhận phán quyết.

Hơn bất kỳ nước nào khác ở khu vực Đông Nam Á, Philippines đang ở tuyến đầu của cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu những gì đang diễn ra ở Biển Đông là một trò chơi kéo co giữa hai siêu cường, thì khi đó Philippines là sợi dây thừng ở giữa. Điều này sẽ gây tổn hại cho Philippines. Mỹ ngày càng chú ý đến Philippines, trong khi về phần mình Trung Quốc cũng đã đưa ra rất nhiều hứa hẹn về những thỏa thuận của sáng kiến “Vành đai và Con đường”, mặc dù phần lớn sáng kiến này vẫn chưa được hiện thực hóa.

Các quan chức hàng đầu của Manila có quan điểm cho rằng việc Bắc Kinh dường như sẵn sàng nhất trí về một thỏa thuận phát triển dầu khí là ngầm chấp nhận Philippines có quyền chủ quyền duy nhất ở Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Thỏa thuận này được xây dựng như một hợp đồng dịch vụ, với việc một công ty Trung Quốc cung cấp dịch vụ và Philippines chi trả cho phần công việc được thực hiện.

Nếu Bắc Kinh ký giao kèo về “đường 9 đoạn”, hiệp định có thể đem lại một mô hình cho các nước ven biển khác, nỗ lực ký kết các thỏa thuận có thể đảm bảo rằng các nước ven biển thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên trong Vùng đặc quyền kinh tế của họ với sự hỗ trợ hay ít nhất là sự ngầm thừa nhận của Trung Quốc. Đây có thể là sự đảo ngược đáng kể từ cách tiếp cận hiện nay của Bắc Kinh. Hiện Trung Quốc thường cản trở và thậm chí xâm phạm các quyền kinh tế mà các nước ven biển được hưởng trong Vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Tuy nhiên, nhìn chung những sự phát triển trong chính sách đối ngoại của Philippines đã và đang gặp rắc rối. Tổng thống Duterte gần đây đã giải thích sự hiện diện của một tàu đánh cá Trung Quốc trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines sau khi va chạm với tàu cá nước này bằng lời khẳng định rằng năm 2016 ông đã đồng ý trên lời nói là Trung Quốc có quyền đánh cá trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Việc làm này của ông đã củng cố sự khẳng định của Trung Quốc rằng họ có quyền đánh cá trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, gây phương hại cho Philippines và ngư dân nước này.

Nhìn chung, Bắc Kinh gần như không phải đối mặt với phản ứng trước sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc xung quanh các cấu trúc địa hình do Philippines chiếm giữ và trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Điều này đã khiến cho Bắc Kinh gia tăng sức ép và hăm dọa đối với Philippines và các nước ven biển khác. Các nước này đang theo dõi những diễn biến ở Biển Đông với sự lo ngại.

Hàng trăm tàu đã di chuyển đến đảo Thị Tứ, cấu trúc địa hình lớn nhất mà Philippines chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa, trong nửa đầu năm nay. Tháng 6 vừa qua, một tàu cá Trung Quốc đã đâm chìm một thuyền cá Philippines neo gần Reed Bank (bãi Cỏ Rong) bên trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Tàu Trung Quốc này đã bỏ mặc các ngư dân Philippines trôi dạt trên biển. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana lên án hành động này là đâm va rồi bỏ chạy. Trong khi đó, ông Duterte đã mô tả hành động đâm va này “sự cố nhỏ trên biển” và Manila chỉ tập trung chỉ trích việc ngư dân Trung Quốc bỏ mặc tàu Philippines, chứ không lên án hành động đâm va này là có chủ ý.

Những diễn biến này làm tổn thương Philippines và người dân nước này, những người mà ông Duterte cam kết sẽ cải thiện cuộc sống của họ. Chúng cũng gây bất lợi cho trật tự dựa trên nguyên tắc củng cố hòa bình và ổn định cho tất cả các nước.

Sự xói mòn trật tự này có nghĩa là, trong trường hợp tốt đẹp nhất thì nó kiềm chế quyền tự do hành động của các nước yếu hơn, còn trong trường hợp tồi tệ nhất thì nó có thể dẫn đến tình trạng bất ổn và chiến tranh. Ông Duterte đã theo đuổi một cách đúng đắn quyết tâm của mình là tránh chiến tranh, nhưng cách hành xử của ông với Trung Quốc mắc sai lầm, vì ít nhất 3 lý do sau.

Thứ nhất, Philippines đã không cân nhắc một cách phù hợp rằng khi một trật tự dựa trên nguyên tắc sụp đổ, thì những bức tường thành chống lại xung đột công khai cũng sụp đổ theo. Trong trường hợp đó, những nước yếu hơn như Philippines chắc chắn sẽ chịu tác động tồi tệ nhất. Thứ hai, cách tiếp cận của ông Duterte hạn chế một cách sai lầm những sự lựa chọn của Philippines trước Trung Quốc. Thứ ba, chiến tranh là không có khả năng xảy ra. Trung Quốc không có khả năng tung ra cú đấm đầu tiên. Khả năng chiến tranh chưa bao giờ được nhắc đến.

Không bảo vệ được các quyền mà khó khăn lắm mới giành được

Philippines đã có được phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế và luật pháp ủng hộ mình. Những thứ này không phải là không có ý nghĩa. Điều không may là những gì mà chúng ta chứng kiến là Philippines đã không bảo vệ được những quyền pháp lý mà khó khăn lắm họ mới giành được. “Xếp xó” phán quyết này là một chuyện, nhưng Tổng thống Duterte đã khiến mọi người ngạc nhiên khi ông giải thích sự hiện diện của tàu cá Trung Quốc trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines bằng lời khẳng định rằng năm 2016 ông đã đồng ý trên lời nói với Trung Quốc là Trung Quốc có quyền đánh cá trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Bất kỳ thỏa thuận nào như vậy có thể có nghĩa là Philippines phá vỡ nghĩa vụ của mình trong việc bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên sống của nước này. Mặc dù Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) có tính đến tình huống một nước ven biển cho phép các nước khác được tiếp cận các nguồn tài nguyên cá của mình, nhưng điều đó phải bao hàm yếu tố nước ven biển này đã thiết lập được một hệ thống để điều tiết việc đánh bắt cá trong Vùng đặc quyền kinh tế của mình nhằm đảm bảo các nguồn tài nguyên sống không bị khai thác quá mức và do vậy rơi vào tình trạng nguy hiểm. Hệ thống đó sẽ đòi hỏi thứ nhất việc xác định lượng cá có thể được phép khai thác nhằm đảm bảo việc đánh bắt bền vững, thứ hai xác định sản lượng mà Philippines được thu hoạch. Chỉ khi công suất không khai thác được hết lượng cá cho phép thì nước ven biển mới cho phép các nước khác tiếp cận đánh bắt phần dư thừa. Tuy nhiên, không có hệ thống nào như vậy tồn tại ở Philippines, và cho dù nếu có thì cũng không thể có lượng cá dư thừa để nước khác khai thác do nhu cầu của dân số hơn 106 triệu của Philippines là rất lớn. Hơn nữa, UNCLOS cũng đã đưa ra danh sách các nhân tố cần được xem xét để quyết định xem nước nào sẽ được hưởng lợi từ lượng cá dư thừa của một nước ven biển. Điều rõ ràng là Trung Quốc khó đáp ứng đủ tiêu chuẩn hơn so với các nước khác.

Giữ vững lập trường

Philippines có thể làm gì để giữ vững lập trường của mình, trừ phi xảy ra chiến tranh? Thứ nhất ông Duterte cần phải làm rõ rằng thỏa thuận miệng năm 2016 của ông chỉ liên quan đến việc đánh bắt cá trong vùng lãnh hải xung quanh bãi cạn Scarborough. Điều này có thể phù hợp với phán quyết của Tòa Trọng tài xác định rằng tất cả ngư dân của Philippines, Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều có quyền đánh cá truyền thống ở bãi cạn Scarborough và trong vùng lãnh hải xung quanh nó.

Quyền đánh cá truyền thống, được trao cho các cộng đồng đánh bắt cá chứ không phải nhà nước, là một ngoại lệ có giới hạn đối với chủ quyền lãnh hải của một nước ven biển và bắt nguồn từ sự quan tâm muốn tránh gây khó khăn cho ngư dân, những người chỉ đánh cá truyền thống trên biển.

Trong khi phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc công nhận rằng các ngư dân nước ngoài có thể được hưởng các quyền đánh cá truyền thống trong vùng lãnh hải 12 hải lý của nước ven biển, nó bác bỏ tính hợp pháp của bất kỳ đòi hỏi quyền lịch sử nào, kể cả quyền đánh cá truyền thống, trong Vùng đặc quyền kinh tế.

Thứ hai nói đến việc bảo vệ các quyền là rất quan trọng, bởi vậy phải thận trọng khi nói về những điều đó. Ông Duterte đã phát biểu trong Thông điệp quốc gia của mình hồi tháng trước rằng ông đã yêu cầu Trung Quốc “cho phép” ngư dân Philippines đánh cá trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Một nước ven biển không cần phải yêu cầu cho phép ngư dân nước mình được đánh cá trong chính Vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Thứ ba, Philippines cần phải ngay lập tức lên tiếng về những hành vi đáng phê phán. Những hành vi như vậy có thể bao gồm không chỉ việc đánh bắt cá bất hợp pháp trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines hay bác bỏ quyền đánh bắt cá của ngư dân nước này mà còn là việc tiến hành nhiều hoạt động gần các cấu trúc địa hình mà Philippines chiếm giữ nhằm mục đích hăm dọa. Trong những trường hợp như vậy, Manila cần phái lực lượng bảo vệ bờ biển của mình để bảo vệ chủ quyền của Philippines.

Việc lên án hành vi đáng phê phán hay phái tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển không phải là hành động cực đoan. Đây cũng không phải là những hành vi khơi mào cuộc chiến. Indonesia đã trừng phạt việc đánh bắt cá bất hợp pháp trong Vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc phá nổ hoặc đánh chìm tàu, kể cả các tàu của Trung Quốc. Việt Nam hồi tháng trước đã phái lực lượng bảo vệ bờ biển để chống lại hành động xâm phạm của Trung Quốc trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Với xuồng ca nô bảo vệ bờ biển được Nhật Bản trang bị và năng lực vệ tinh ngày càng tăng, khả năng giám sát và tuần tra Vùng đặc quyền kinh tế của Manila sẽ tăng lên. Họ cần phải sử dụng những năng lực này để với ý nghĩa tốt đẹp là làm sáng tỏ hành vi phi pháp và hăm dọa của Trung Quốc.

Thứ tư, Philippines cần phải tiếp tục tăng cường quan hệ với Mỹ mà Manila có Hiệp ước phòng thủ chung. Tháng 3/2019, sau lời kêu gọi của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana yêu cầu đánh giá lại Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines (MDT) năm 1951, Washington đã làm rõ rằng đề cập đến “Thái Bình Dương” trong hiệp ước là bao gồm cả Biển Đông.

Manila và Washington giờ đây cần phải hợp tác để đẩy nhanh tiến bộ theo Thỏa thuận hợp tác phòng thủ tăng cường (EDCA) năm 2014. Thỏa thuận này cho phép quân đội Mỹ xây dựng cơ sở, đặt sẵn vào vị trí các tài sản phòng thủ và triển khai quân trên cơ sở luân phiên ở 5 căn cứ quân sự của Philippines. Cho đến nay, mới chỉ có một cơ sở được mở theo thỏa thuận EDCA. Đó là trung tâm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa ở căn cứ không quân Cesar Basa tại Pampanga.

Thứ năm, Philippines cần phải xem xét một cách nghiêm túc cách thức đối phó nếu Trung Quốc xây dựng trên bãi cạn Scarborough, một cấu trúc địa hình chỉ cách thủ đô Manila hơn 200 dặm. Nhiều nhà phân tích ở Manila nhận định Bắc Kinh đang tính toán rằng họ có cơ hội 3 năm để củng cố vị trí của Trung Quốc với một tổng thống Philippines thân thiện với Trung Quốc. Trên thực tế, các chuyên gia này nói về việc Trung Quốc đang tìm cách “đẩy nhanh tốc độ kiểm soát Philippines và Biển Tây Philippines (Biển Đông)”, “ăn sâu bén rễ” trong khu vực và hất cẳng Mỹ. Nếu những đánh giá này là đúng, Trung Quốc có khả năng tiến tới xây dựng trên bãi cạn Scarborough trong vòng 3 năm tới, có lẽ theo tinh thần của thỏa thuận để hợp tác phát triển dầu khí mà Bắc Kinh và Manila đang nhắm mục tiêu hoàn tất đến tháng 11.

Có khả năng Philippines không phải sử dụng đến Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ liên quan đến việc Trung Quốc xây dựng trên bãi cạn Scarborough bởi thứ nhất tòa án quốc tế hay tòa trọng tài đã không quyết định bãi cạn Scarborough thuộc lãnh thổ Philippines và Mỹ không bày tỏ quan điểm đối với những tuyên bố chủ quyền cạnh tranh nhau; và thứ hai Bắc Kinh có khả năng xây dựng trên bãi cạn Scarborough mà không tiến hành một cuộc “tấn công vũ trang” vào “các lực lượng vũ trang, các tàu và máy bay” của Philippines bởi Trung Quốc đã kiểm soát cấu trúc địa hình này.

Manila đã cho thấy sự sáng tạo trong việc giữ kiểm soát Second Thomas Shoal (bãi Cỏ Mây) ở quần đảo Trường Sa năm 1999, họ đã chủ ý để một tàu vận tải hải quân cũ, tàu BRP Sierra Madre, mắc cạn ở đó. Sự sáng tạo tương tự cần phải được áp dụng để tăng cường phòng thủ chống lại bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm xây dựng trên bãi cạn Scarborough. Manila phải tạo ra những sự lựa chọn nếu họ muốn có bất kỳ hi vọng nào ngăn chặn được sự xâm lấn hơn nữa của Trung Quốc.

Thứ sáu, Manila phải nhấn mạnh với Chính quyền Trump tầm quan trọng của việc thông tin cho phía Trung Quốc biết rằng việc xây dựng trên bãi cạn Scarborough sẽ là hành động vượt qua giới hạn đỏ. Chính quyền Obama đã thực hiện điều này trong những lần thông tin mang tính cá nhân; Chính quyền Trump cần phải nhắc lại quan điểm này cả về mặt cá nhân lẫn công khai.

Một căn cứ của Trung Quốc trên bãi cạn Scarborough sẽ làm tổn thương những lợi ích của Mỹ: Nó có thể làm phức tạp việc lập kế hoạch quân sự bằng việc để cho Bắc Kinh trở thành góc thứ ba trong một tam giác an ninh ở Biển Đông, với Hoàng Sa và Trường Sa hình thành hai góc còn lại.

Thứ bảy, Philippines cần phải khôi phục quyết định năm 2016 của Tòa Trọng tài, khẳng định một cách rõ ràng rằng các nước ven biển ở Biển Đông, trong đó có Philippines, được hưởng vùng đặc quyền kinh tế mà không bị cản trở bởi “đường 9 đoạn” của Trung Quốc hay được hưởng bất kỳ vùng đặc quyền kinh tế được tuyên bố chủ quyền nào từ các cấu trúc địa hình ở quần đảo Trường Sa. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Philippines hồi đầu tháng 8 là một bước đi đúng hướng. Trích dẫn UNCLOS và phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài, Bộ Quốc phòng Philippines chỉ rõ “Philippines có 2 tài liệu hỗ trợ tuyên bố chủ quyền của mình trong khi Trung Quốc không có chứng cứ nào”.

Khi Bắc Kinh nhắc lại lời khẳng định sai lầm, như họ đã làm gần đây nhất trong Sách Trắng quốc phòng mới đây, rằng “Trung Quốc thực hiện quyền chủ quyền quốc gia của mình để xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai các năng lực phòng thủ cần thiết trên các hòn đảo và bãi đá ở Biển Đông”, Philippines và các nước khác cần phải nhắc nhở họ rằng chủ quyền đối với các cấu trúc địa lý này đang bị tranh chấp và Trung Quốc đang chiếm dụng một cách bất hợp pháp ít nhất một lãnh thổ của Philippines.

Thứ tám, Philippines cần phải chỉ ra sự mâu thuẫn trong lời nói và hành động của Bắc Kinh. Các tàu chiến của Trung Quốc liên tục đi qua lãnh hải Philippines, như hồi tháng 7 và 8 đi qua eo biển Sibutu, mà không báo trước và cũng không được phép, trong khi Bắc Kinh liên tục yêu cầu các tàu chiến nước ngoài phải được phép trước khi thực hiện việc đi qua vô hại bên trong lãnh hải của Trung Quốc. Theo UNCLOS, tất cả các tàu, kể cả tàu chiến, có quyền đi qua vô hại bên trong vùng lãnh hải của nước ven biển mà không cần phải thông báo trước hay phải được phép. Điều không may là thay vào đó ông Duterte lại yêu cầu các tàu nước ngoài phải “thông báo và khai rõ” khi đi vào vùng lãnh hải của Philippines.

Không gì trong những khuyến nghị này là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi, nhưng cùng nhau, chúng có thể giúp Philippines giữ vững lập trường.

Cũng như Trung Quốc đang nhận thấy cơ hội trong 3 năm cầm quyền cuối cùng của Tổng thống Duterte, Philippines đang được hưởng cơ hội của chính mình: Chính quyền Trump đã tỏ ra sẵn sàng hơn chấp nhận những rủi ro đối với Trung Quốc và đã làm sáng tỏ Hiệp ước phòng thủ chung theo hướng có lợi cho Philippines. Ít nhất tại thời điểm hiện nay, cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm đến vấn đề Biển Đông, nơi mà các nước lớn như Úc, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản và Anh đã khẳng định quyền tự do hàng hải.

Tranh chấp ở Biển Đông không chỉ về các bãi đá và rạn san hô. Nó liên quan đến các quyền kinh tế vốn tác động trực tiếp đến miếng cơm manh áo của người dân thường Philippines. Một cách cơ bản hơn, nó tấn công vào trung tâm pháp trị vốn thiết lập các điều kiện can dự giữa Philippines, Trung Quốc và Mỹ không chỉ về vấn đề Biển Đông mà còn các vấn đề khác.

Philippines đã đúng khi mong muốn có mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc, đặc biệt là khi nước này mong muốn mở cửa để phát triển kinh tế hơn nữa. Manila cũng phải nhớ rằng hòa bình và thịnh vượng lâu dài phụ thuộc vào quyền tự do và sự tôn trọng lẫn nhau giữa các nước có chủ quyền, cũng như trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc. Trong lời nói và hành động, Philippines cần phải giữ vững lập trường để bảo vệ những nguyên tắc quan trọng này.

Lynn Kuok, học giả liên kết Trung tâm Paul Tsai China, Trường Luật Yale, nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại học Cambridge, nhà nghiên cứu liên kết Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, trụ sở London. Bài viết đăng trên The Straits Times.

Kim Nguyên (gt)