Tóm tắt

Nhiều thực thể đảo (đảo/đá) và bãi cạn nửa nổi nửa chìm (đá ngầm, bãi cạn) ở Biển Đông từ lâu là đối tượng chú ý và tranh chấp của các nước bao gồm Brunei, Trung Quốc (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung hoa Dân Quốc - Đài Loan), Malaysia, Philippines và Việt Nam. Bài viết sẽ xem xét các thực thể nói trên từ góc độ luật biển và đưa ra khái quát chung về các nguyên tắc pháp lý quốc tế áp dụng đối với các đảo, đá và bãi cạn nửa nổi nửa chìm dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, tập quán pháp và quá trình phân xử quốc tế. Sau đó, tác giả xem xét hành động và tuyên bố của các quốc gia ven biển đối với các thực thể đảo ở Biển Đông, và đưa ra một số đánh giá trong bối cảnh Vụ kiện Trọng tài của Philippines và Trung Quốc.

Từ khóa: Biển Đông - đảo - đá - bãi cạn nửa nổi nửa chìm

Giới thiệu

Nhiều thực thể đảo (đảo/đá) và bãi cạn nửa nổi nửa chìm (đá ngầm, bãi cạn) ở Biển Đông từ lâu là đối tượng quan tâm và tranh chấp giữa các nước bao gồm Brunei, Trung Quốc (Cộng hòa nNhân dân Trung Hoa và Trung hoa Dân Quốc – Đài Loan), Malaysia, Philippines và Việt Nam. Về cơ bản, có ba nhóm thực thể đảo ở Biển Đông: Quần đảo Trường Sa, Quần đảo Hoàng Sa, và Bãi cạn Scarborough. Trong hơn 40 năm qua, các vụ đối đầu ở mức độ khác nhau giữa hải quân, cảnh sát biển, ngư dân và các lực lượng tiến hành hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các quốc gia ven biển là khá phổ biến. Tầm quan trọng của Biển Đông đối với địa chính trị khu vực và thế giới, tài nguyên sinh vật biển, nguồn dầu khí tiềm năng, tự do hàng hải, hoạt động giao thương biển là không phải bàn cãi. Bên cạnh ý nghĩa chiến lược quốc tế và tài nguyên, Biển Đông và các thực thể có tầm quan trọng đối với chính trị nội bộ, lịch sử và nhận thức của các quốc gia biển.

Tranh chấp giữa các quốc gia ở Biển Đông đối với các thực thể biển liên quan tới hai vấn đề: chủ quyền và quyền tài phán biển. Trước tiên, gần như tất cả các thực thể ở Biển Đông đều bị một hoặc nhiều quốc gia yêu sách chủ quyền. Đối với Quần đảo Trường Sa, Trung Quốc và Việt Nam yêu sách chủ quyền toàn bộ các thực thể, Malaysia và Philippines yêu sách một số thực thể, trong khi Brunei chỉ yêu sách một thực thể. Đối với Quần đảo Hoàng Sa, chỉ có hai bên yêu sách là Việt Nam và Trung Quốc. Đối với Bãi cạn Scarborough, các quốc gia yêu sách là Trung Quốc và Philippines. Thứ hai, luật pháp quốc tế (chủ yếu dựa trên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 - UNCLOS)[1] phân loại các thực thể khác nhau để xác định quyền tài phán được hưởng đối với các vùng biển. Điều này sẽ được phân tích kỹ hơn ở phần sau bởi bài viết sẽ tập trung vào các vấn đề biển thay vì vấn đề về chủ quyền.

Bài viết tập trung vào hai vấn đề chính: (a) các quốc gia ven biển đã tuyên bố và hành động như thế nào đối với các thực thể đảo ở Biển Đông; (b) và một số đánh giá về các thực thể đảo trong bối cảnh Vụ kiện của Philippines và Trung Quốc.[2]

Luật pháp Quốc tế: Các Thực thể Đảo và Bãi cạn Nửa Nổi Nửa Chìm

Có sự khác biệt lớn giữa tranh chấp chủ quyền một thực thể đất có biển bao quanh và tranh chấp chủ quyền không gian biển liền kề với thực thể đó. Với thực tế là đất tạo ra các vùng biển, theo đó, “quyền sở hữu” một thực thể có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Có nhiều vụ phân xử quốc tế về tranh chấp “quyền sở hữu” đối với các thực thể biển. Một vụ phân xử trọng tài gần đây ở Châu Á là tranh chấp giữa Singapore và Malaysia tại Tòa Công lý Quốc tế (International Court of Justice - ICJ).[3] Chúng ta không cần thiết đánh giá vụ việc và luật pháp, ngoại trừ lưu ý các lý do và bằng chứng có thể xác định được bên phân xử thứ ba sử dụng và chấp nhận khi đánh giá các luận điểm trong đa phần tranh chấp và đưa ra kết luận về chủ quyền.[4] Hai trong số các vụ kiện gần đây liên quan tới một nhóm thực thể,[5] trong khi các vụ phân xử, trọng tài khác chủ yếu tập trung vào một hoặc hai thực thể riêng biệt hoặc tách rời.

Ngoài vấn đề chủ quyền lãnh thổ, không phải tất cả thực thể đảo có khả năng tạo ra vùng biển như nhau. Điều 121 của UNCLOS xác định rõ các loại thực thể được hưởng vùng lãnh hải 12 hải lý, vùng EEZ 200 hải lý và trường hợp nào, được hưởng vùng thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý, và các thực thể là đá chỉ được hưởng vùng lãnh hải 12 hải lý.[6] Mặc dù UNCLOS đưa ra một số hướng dẫn phân biệt đảo và đá, tuy nhiên vấn đề này chưa thực sự rõ ràng và vẫn gây nhiều tranh cãi.

Theo UNCLOS, các bãi cạn nửa nổi nửa chìm khác biệt so với đảo/ đá. Điều 13 mô tả các bãi cạn nửa nổi nửa chìm là “vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước.” Điều 13 (2) quy định rõ, không phải thực thể theo Điều 121, một bãi cạn nửa nổi nửa chìm không có lãnh hải riêng trừ khi thực thể đó nằm hoàn toàn hoặc một phần bên trong lãnh hải 12 hải lý của bờ biển, trong trường hợp đó, bãi cạn nửa nổi nửa chìm có thể được sử dụng là một điểm cơ sở để xây dựng lãnh hải 12 hải lý.[7] Tòa ICJ trong vụ kiện Nicaragua và Colombia tuyên bố rằng, “bãi cạn nửa nổi nửa chìm không thể chiếm hữu, mặc dù ‘Quốc gia ven biển có chủ quyền đối với bãi cạn nửa nổi nửa chìm nằm trong vùng lãnh hải bởi nước này có chủ quyền đối với khu vực lãnh hải đó.”[8] Trên cơ sở đó, tòa xác định chủ quyền đối với một bãi cạn nửa nổi nửa chìm dựa trên lãnh hải mà thực thể đó nằm bên trong[9] và không xác định chủ quyền cũng nhưng vùng biển xung quanh của thực thể nửa nổi nửa chìm nằm ngoài lãnh hải của quốc gia.[10] “Tài liệu Lập trường về Vụ kiện Trọng tài ở Biển Đông do Philippines khởi xướng” của Trung Quốc tháng 12 năm 2014 lưu ý rằng ICJ, từng tuyên bố trong vụ kiện giữa Nicaragua và  Colombia rằng “bãi cạn nửa nổi nửa chìm không thể chiếm hữu”, không chỉ ra bất cứ cơ sở pháp lý nào đối với tuyên bố kết luận này. Tuyên bố cũng không đề cập tới vị thế pháp lý của các bãi cạn nửa nổi nửa chìm như một bộ phần của quần đảo, hay chủ quyền hoặc yêu sách chủ quyền đã có từ lâu đối với các thực thể như vậy trong một vùng biển.[11]

Trong khi chúng ta có thể dễ dàng tuyên bố về ba loại thực thể - đảo, đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm, cũng như hiệu lực pháp lý được quy định khác nhau cho mỗi loại thực thể, vấn đề là cách thức để xác định một thực thể thuộc loại nào. Mặc dù UNCLOS có hướng dẫn, thực tiễn quốc gia cho thấy các ví dụ, tòa án/ tòa trọng tài, ngoại trừ đối với các thực thể nửa nổi nửa chìm, không có ý định giải thích chi tiết khi nào các thực thể được phân loại. Các quốc gia cho thấy tầm quan trọng của việc khi nào các thực thể được phân loại. Bên cạnh đó, các đảo, đá và các bãi cạn nửa nổi nửa chìm đóng vai trò quan trọng trong các cuôc đàm phán phân định ranh giới biển, theo đó các quốc gia liên quan có thể nhất trí về một phân loại và chế độ cho một thực thể mà không quan tâm tới UNCLOS hoặc các thực tiễn phổ biến.[12]

Đôi khi người ta đề cập đến quyền của một số thực thể ở Biển Đông, những thực thể ngập nước hoàn toàn, chưa từng nhô trên mặt biển.[13] Yêu sách quyền sở hữu các thực thể như vậy, như một bãi ngầm, không hình thành quyền của một quốc gia đối với vùng lãnh hải hoặc EEZ và không được sử dụng là điểm cơ sở để vẽ đường cơ sở. Trong trường hợp thềm lục địa mở rộng quá 200 hải lý, các thực thể như dải núi ngầm và các địa hình nhô cao dưới mặt nước là một phần rìa lục địa của một quốc gia tiếp giáp sẽ tạo ra khác biệt về vị trí của giới hạn ngoài cùng của thềm lục địa quốc gia và được giải thích rõ ràng trong Điều 76 của UNCLOS. Tuy nhiên, không phải bản thân thực thể tạo ra khu vực thềm ngoài 200 hải lý, chính các thực thể hoàn toàn ngập nước là một phần của rìa lục địa kéo dài tới thực thể sẽ được xem xét khi xác định ranh giới ngoài. Giá trị pháp lý trong “yêu sách” của quốc gia đối với một thực thể hoàn toàn ngập nước không được xác định giống như “yêu sách” một thực thể đảo; thay vào đó người ta đánh giá liệu thực thể ngập nước này có nằm bên trong ranh giới ngoài của lãnh hải, EEZ hay thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của một quốc gia. Chúng ta cần lưu ý rằng Điều 77 (3) của UNCLOS, bắt nguồn từ Điều 2 (3) của Công ước Thềm Lục Địa năm 1958,[14] ngụ ý rằng các quốc gia ven biển có quyền cố hữu hoặc đương nhiên đối với khu vực thềm liền kề, chứ không phải quyền hình thành qua việc chiếm hữu lãnh thổ. Ông O’Connell chỉ ra rằng việc bác bỏ các yêu sách vùng nước lịch sử, danh nghĩa hoặc quyền lịch sử của các quốc gia ven biển không tiếp giáp với thềm lục địa của một quốc gia khác là mục đích của các quyền cố hữu được quy định trong Điều 2 (3) của Công ước Thềm Lục Địa năm 1958.[15]

Vấn đề ở Biển Đông (và các khu vực khác) phức tạp hơn do hoạt động cải tạo, nâng cấp của con người đối với các thực thể nằm trên mặt biển như xây dựng, bao gồm kè ngăn xói mòn, nạo vét…[16] Điều này phát sinh câu hỏi liệu một thực thể, với hoạt động can thiệp của con người, có thay đổi về bản chất trong mục phân loại. Một học giả đã gọi các thực thể được cải tạo này là “các thực thể ghép khô.”[17] Điều 60 và Điều 80 trong UNCLOS xác định, trong vùng EEZ và thềm lục địa ngoài mở rộng ngoài 200 hải lý của mình, các quốc gia ven biển có quyền xây dựng và quy định về các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình. Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình có một vùng an toàn rộng 500m, nhưng “không được hưởng quy chế đảo” và “không có lãnh hải riêng và sự tồn tài của chúng không ảnh hưởng đối với việc phân định ranh giới lãnh hải, EEZ hoặc thềm lục địa.”[18] Không thể nói các quy định này trả lời rõ ràng câu hỏi liệu các thực thể có thể thay đổi mục phân loại do sự can thiệp của con người hay không, mặc dù có thể hiểu rằng ở thời điểm đàm phán UNCLOS (vào thập niên 1970), quan điểm đối với vấn đề này không có lợi.[19]

Các Thực thể Đảo ở Biển Đông và Các Quốc gia Ven Biển[20]

Một điều người ta thừa nhận từ lâu rằng nếu mọi thực thể biển ở Biển Đông (đặc biệt là các thực thể thuộc Quần đảo Trường Sa) được coi là đảo, đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm chỉ hưởng vùng biển giới hạn (12 hải lý), điều này sẽ thay đổi các tranh cãi ở Biển Đông. Theo kịch bản này, các khu vực 200 hải lý và vùng thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý sẽ đều dựa trên đường cơ sở dọc bờ biển lục địa. Tranh chấp chủ quyền đối với các thực thể đa phần không liên quan tới vị trí các khu vực 200 hải lý và tranh chấp Biển Đông chủ yếu là các phân định song phương.[21] Như giải thích ở phần sau, đây thực sự là quan điểm của các nước Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Malaysia, Philippines và Việt Nam

Tháng 5 năm 2009, Malaysia và Việt Nam đã làm rõ các yêu sách ở Biển Đông bằng một Bản Đệ trình Chung gửi Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa mô tả ranh giới ngoài của rìa lục địa vượt quá 200 hải lý ở phía nam của Biển Đông[22] và Bản Đệ trình riêng của Việt Nam về thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực trung tâm của Biển Đông.[23] Trong Bản Đệ trình Chung, Malaysia và Việt Nam xác định giới hạn 200 hải lý và một khu vực thềm lục địa (gọi là "khu vực xác định") tiếp giáp với những ranh giới này, trong tương lai, có thể là khu vực đàm phán của Malaysia-Việt Nam và một thỏa thuận ranh giới biển. Việt Nam trong bản đệ trình riêng đã xác định giới hạn 200 hải lý ở phần trung tâm của Biển Đông.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Ted L McDorman[24] Giáo sư, Khoa Luật,  Trường Đại học Victoria, Canada. Email:  tlmcdorm@uvic.ca. Bài viết trích trong The International Journal of Marine and Coastal Law, Volume 32, Issue 2 và được đăng trên Brill Online Books and Journals.

Tuấn Anh (dịch)

Trần Quang (hiệu đính)

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.



[1] Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (Vịnh Montego, ngày 10/12/1982, có hiệu lực ngày 16/11/1994) 1833 UNTS 397 (sau đây gọi là “UNCLOS”).

[2] Vụ kiện Trọng tài Biển Đông (Cộng hòa Philippines và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), Vụ kiện PCASố 2013–19, xem tại http://www.pcacases.com/web/view/7.

[3] Sovereignty over Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks and South Ledge (Malaysia/ Singapore) [năm 2008] Hồi đáp 12 ICJ.

[4] Tham khảo về các bình luận, xem NJ Schrijver V Prislan, ‘Cases concerning sovereignty over islands be- fore the International Court of Justice and the Dokdo/Takeshima issue’ (năm 2015) 46(4) Ocean Development and International Law 281–314.

[5] Maritime Delimitationand Territorial Questions (Qatar v. Bahrain) [năm 2001] ICJ Rep 40; Territorial and Maritime Dispute (Nicaragua v. Colombia) [2012] Hồi đáp 624 ICJ.

[6] ICJ tuyên bố Điều 121(2) là một phần của tập quán pháp quốc tế trong vụ Qatar và Bahrain (n 5), tại đoạn 185.

[7] ICJ tuyên bố Điều 13 một phần của tập quán pháp quốc tế trong vụ kiện ở trên, tại đoạn 201.

[8] Nicaragua v. Colombia (n 5), tại đoạn 26, trích  Qatar Bahrain (n 5), tại đoạn 204.

[9] Malaysia/Singapore (n 3), tại đoạn 297; Nicaragua Colombia (n 5),  tại đoạn 182–183.

[10] Vụ Nicaragua Colombia (n 5), tại đoạn 183.

[11] Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ‘Position paper of the Government of the People’s Republic of China on the matter of jurisdiction in the South China Sea Arbitration initiated by the Republic of the Philippines’ (ngày 7/12/ 2014), tại đoạn 25, xem tại http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1217147.shtml.

[12] Xem JRV PrescottGD Triggs, ‘Islands and rocks and their role in maritime de- limitation’ in DA Colson and RW Smith (chủ biên), International Maritime Boundaries, Quyển 5 (Nijhoff, Leiden, năm 2005) 3245–3280.

[13] K Zou, ‘How coastal states claim maritime geographic features: Legal clarity or conun- drum?’ (2012) 11(4) Chinese Journal of International Law 749–765,  tại đoạn 761–765.

[14] Công ước Thềm Lục địa (Geneva, ngày 29/4/1958, có hiệu lực ngày 10/6/1964) 499 UNTS 311.

[15] DP O’Connell, The International Lawof the Sea, Quyển I (IA Shearer biên tập) (Clarendon Press, Oxford, năm 1982) 482: “Việc xây dựng học thuyết thềm lục địa như một thể chế pháp lý tự chủ, độc lập với các phương thức thụ đắc lãnh thủ khác, hàm ý về quyền cố hữu của Quốc gia ven biển đối với thềm lục địa. Một trong mục đích đằng sau việc phổ biến học thuyết là loại bỏ kịp thời bất kỳ ưu tiên yêu sách hay bản chất các quyền của Quốc gia ven biển, như vậy, học thuyết về quyền lịch sử hay thời hiệu thụ đắc sẽ không tồn tại.”

[16] Zou (n 13), ở trang 759 viết rằng: “Trung Quốc đã chiếm giữ một số thực thể ở Trường Sa kể từ năm 1988, và vì mục đích đồn trú quân sự hay các mục đích khác, nước này đã xây dựng các công trình nhân tạo trên các rạn đá này (Đá Gạc Ma/ Đá Xu Bi, Đá Ga Ven, Đá Châu Viên, Đá Tư Nghĩa và Đá Chữ Thập). Một số thực thể đã được mở rộng trở thành các đảo nhân tạo, như đảo nhân tạo tại Đá Chữ Thập. Đá Hoa Lau (Tiếng Malaysia là Terumbu LayangLayang) hiện Malaysia kiểm soát đã được cải tạo khá nhiều, có một cảng cá, khu nghỉ dưỡng gồm 15 phòng và một đường băng dài 1,5 km.”

[17] Tlđd, trang 758.

[18] UNCLOS (n 1),  Điều  60(8).

[19] Xem thêm Zou (n 13), trang 759–761

[20] Các phần của đoạn này được trích lại, với đôi chút thay đổi, từ TL McDorman, ‘The South China Sea after 2009: Clarity of claims and enhanced prospects for regional cooperation?’ (năm 2010) 24 Ocean Yearbook 507–535.

[21] MJ Valencia, JM Van DykeNA Ludwig, Sharing the Resources of the South China Sea

(Nijhoff, The Hague, năm 1997) trang 143–146 261.

[22] Chính phủ Malaysia và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, ‘Joint submission in re- spect of the southern part of the South China Sea, part I: Executive summary’ (tháng 5/ 2009), xem tại http://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/ mys_vnm2009excutivesummary.pdf.

[23] Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, ‘Partial submission in respect of Vietnam’s extended continental shelf: North Area (VNM-N), part I: Executive summary’ (tháng 4/2009), xem tại http://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/ vnm37_09/vnm2009n_executivesummary.pdf.

[24] Bài viết được hoàn thành và đưa ra trước khi có Phán quyết về Vụ kiện Trọng tài Biển Đông. Xem South China Sea Arbitration (The Cộng hòa Philippines và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), Phán Quyết (12/7/2016), Vụ kiện PCA số 2013–19, xem tại http://www.pcacases.com/web/view/7.