Giới thiệu

Tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Trường Sa vào những năm 1990 thường được miêu tả như một điểm nóng nổi bật trong an ninh khu vực. Tranh chấp này là một trong những vấn đề trọng tâm gây nhức nhối đối với Trung Quốc và bốn quốc gia Đông Nam Á – Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Việc các quốc gia Đông Nam Á hiện đại hóa quốc phòng phần nào liên quan đến vấn đề này. Sự nghiêm trọng của vấn đề đã được chứng minh vào tháng 2 năm 1995, khi Trung Quốc xâm chiếm Bãi Đá Vành Khăn (tên quốc tế: Mischief Reef, tên Philippines: Panganiban, tên Trung Quốc: , Mỹ Tế Tiêu - nd) trong quần đảo Trường Sa mà Philippines yêu sách chủ quyền -. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines sau đó đã miêu tả việc Trung Quốc chiếm giữ Bãi Đá Vành Khăn và củng cố các công trình xây dựng vào cuối năm 1998 như một minh chứng hùng hồn về việc Trung Quốc “xâm lược dần dần” “các hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông”.[1] 

 

Trong chương này, tôi lập luận rằng  vấn đề tranh chấp quần đảo Trường Sa đã lắng dịu đi trong những năm gần đây. Vấn đề Trường Sa không còn được xem như một điểm nóng  an ninh chủ yếu có thể hủy hoại trật tự trong khu vực, và trong chừng mực nào đó, vấn đề này đã được gác lại trong các quan hệ ngoại giao của Trung Quốc và Đông Nam Á. Tuy nhiên, chương này không gợi ý  là tranh chấp lãnh thổ cũng đã bị loại ra khỏi chương trình nghị sự về an ninh mà là các bên liên quan đã làm dịu đi vấn đề an ninh vốn đã tồn tại. Cần phải lưu ý sự khác biệt quan trọng này do nó ngụ ý rằng các quốc gia liên quan tiếp tục xem tranh chấp quần đảo Trường Sa là một vấn đề an ninh chỉ là với một bản chất ít nổi bật hơn mà thôi. Điều thú vị ở đây là, sự thay đổi trong nhận thức này xảy ra ngay cả khi không có sự thay đổi đáng kể nào trên thực tế  và trong những tình huống liên quan đến tranh chấp cũng như khi không có sự tiến triển lớn nào trong việc kiềm chế và giải quyết xung đột. Ngược lại, Trung Quốc vẫn tiếp tục hiện đại hóa hải quân và liên tục nhắc lại rằng chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là không thể tranh cãi. Tương tự như vậy, các quốc gia đưa ra yêu sách ở Đông Nam Á cũng không sẵn lòng  nhượng bộ đối với các yêu sách lãnh thổ của họ. Trung Quốc và các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)[2] cho đến này cũng chưa đạt được thỏa thuận về một bộ qui tắc ứng xử ở Biển Đông.

 

Trong bài viết này tôi cố gắng lý giải về sự lắng dịu trong tranh chấp quần đảo Trường Sa trong những năm gần đây. Tôi cho rằng điều này không thể giải thích bằng sự tiến triển đáng kể trong việc kiềm chế và giải quyết xung đột mà bằng sự kết hợp những diễn biến rộng hơn trong nước và khu vực. Những vấn đề này bao gồm sự giảm dần mối đe dọa Trung Quốc, sự hạn chế trong việc triển khai sức mạnh  của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, sự yếu đi của những giọng điệu dân tộc chủ nghĩa, nguồn dự trữ dầu được chứng minh là có hạn trong khu vực, và sự can thiệp một cách kiềm chế của Mỹ trong xung đột. Tôi lập luận rằng những thay đổi rộng hơn ở trong nước và khu vực đã xoa dịu bầu không khí của các quan hệ về quần đảo Trường Sa và tạo điều kiện cho việc ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các thành viên ASEAN tháng 11 năm 2002. Do đó, Tuyên bố không chỉ được miêu tả như nguồn gốc của quá trình xuống thang xung đột mà  là kết quả của những biến chuyển rộng hơn. Điều đó nói lên, như bài viết kết luận rằng tình hình ở Biển Đông vẫn mong manh, hay biển đổi và có thể không ổn định. Trong khi một xung đột vũ trang khó có thể thể xảy ra trong tương lai gần, tình hình có thể nhanh chóng thay đổi trở lại trong tương lai xa hơn, vì sự xuống thang xung đột không phát sinh từ tiến triển thực tế của việc kiềm chế và giải quyết xung đột. Tóm lại, căng thẳng có thể leo thang nếu những yếu tố này thay đổi theo chiều hướng xấu nhất.

 

Chương này bao gồm hai phần. Phần đầu phân tích tranh chấp quần đảo Trường Sa trong các quan hệ Trung Quốc – Đông Nam Á từ năm 1991 trở đi. Phần này miêu tả sự leo thang của vấn đề trong những năm 1990, tiếp theo là sự cải thiện dần dần các quan hệ dẫn đến việc ký kết tuyên bố chính trị năm 2002 và các cuộc khảo sát tiền khai thác đầu năm 2005. Phần thứ hai đưa ra một sự kết hợp những yếu tố trong nước và khu vực mà giúp chúng ta giải thích sự xuống thang của tranh chấp quần đảo Trường Sa hiện  nay.

 

Tranh chấp Trường Sa trong các quan hệ Trung Quốc – Đông Nam Á

 

Vấn đề quần đảo Trường Sa leo thang trong đầu những năm 1990

 

Trong suốt Xung đột Campuchia (1978-1991), vấn đề về các yêu sách chồng lấn trong Biển Đông đã được đặt sang một bên trong quan hệ Trung Quốc – Đông Nam Á. Mục tiêu chung của Trung Quốc và các quốc gia ASEAN nhằm cô lập Việt Nam trên trường quốc tế có ý nghĩa là vấn đề lãnh thổ đã bị bỏ qua trong suốt hầu hết thập kỷ này. Cuộc đụng độ hải quân với Việt Nam ngày 14/3/1988 dẫn đến việc Trung Quốc lần đầu tiên chiếm hữu lãnh thổ trong quần đảo Trường Sa đã không dấy lên nhiều lo ngại trong các quốc gia ASEAN. Giả thiết chung là Trung Quốc sẽ không cư xử hung hăng chống lại bất kỳ quốc gia ASEAN nào có yêu sách. Các hiệp định Paris tháng 11/1991 và việc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia đã chấm dứt những quan ngại về sự phụ thuộc an ninh lẫn nhau, yếu tố đã giúp gắn kết Trung Quốc và ASEAN. Hơn nữa, thay vì bị xem là một mối đe dọa đối với sự ổn định của Đông Nam Á, Việt Nam giờ muốn hòa dịu với Liên hiệp quốc và các thành viên ASEAN.[3]

 

Trong bối cảnh chiến lược của thời hậu Chiến tranh Lạnh, tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Trường Sa đã trở thành một điểm nóng trong an ninh khu vực. Việc Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng hải quân– bắt đầu từ cuối những năm 1980, bao gồm việc thụ đắc dần dần những khả năng tác chiến ngoài khơi hạn chế, được khu vực xem như một điều đáng quan ngại. Tuy nhiên, các nước ASEAN đã cố gắng không chọc giận Trung Quốc hay quá nhấn mạnh vấn đề Biển Đông trong các cuộc đàm phán song phương và đa phương với Bắc Kinh. Thêm nữa, mặc dù tất cả các nước ASEAN đưa ra yêu sách phải đương đầu với sức mạnh đang lớn lên của Trung Quốc đầu những năm 1990, họ không có cùng một nhận thức về mối đe dọa giống nhau.

 

Philippines đã duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc sau khi các quan hệ song phương nở rộ vào tháng 7 năm 1975. Philippines đã ủng hộ việc ASEAN liên kết ngầm với Trung Quốc trong suốt xung đột Campuchia. Tuy nhiên, các quan hệ song phương hậu Chiến tranh Lạnh trở nên phức tạp do vấn đề Trường Sa. Manila cố gắng quốc tế hóa vấn đề và năm 1992 đã đề xuất tổ chức một hội nghị về vấn đề này dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc.[4] Nhưng Trung Quốc đã từ chối bất kỳ hình thức hòa giải quốc tế nào.

 

Trong suốt những năm 1980, nhìn chung Malaysia tỏ ra nghi kỵ Trung Quốc. Điều này đã thay đổi trong thời hậu Chiến tranh Lạnh do mối quan hệ mang nhiều tính hợp tác hơn với Bắc Kinh. Các mối quan hệ chính trị và kinh tế được tăng cường đầu những năm 1990, thể hiện lần đầu tiên trong chuyến viếng thăm Malaysia của Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng vào tháng 12 năm 1990. Thay vì xem Trung Quốc như một mối đe dọa, Malaysia cố gắng tập trung vào những cơ hội mà sự phát triển kinh tế của nước này mang lại và trông đợi Trung Quốc bị sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế trong khu vực ràng buộc.

 

Indonesia nhận thức Trung Quốc như mối quan ngại an ninh bên ngoài. Các quan hệ song phương chỉ được binh thường hóa vào tháng 8 năm 1990 sau khi bị Jakarta tạm ngưng năm 1965. Cảm giác không tin tưởng và ngờ vực đối với Trung Quốc vẫn còn mạnh mẽ ở Indonesia, đặc biệt trong lực lượng vũ trang. Indonesia e sợ sự can thiệp bên ngoài từ phía Trung Quốc và lo ngại về sự ảnh hưởng có tính chất lật đổ vẫn đang tồn tại của nước này. Các quan hệ song phương giữa Jarkata và Bắc Kinh trở nên phức tạp vào năm 1993 do Jakarta nghi ngờ Bắc Kinh đưa vùng biển bên trên  trên mỏ khí Natuna vào các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Cuối cùng, Brunei nhìn chung cũng có cùng cảm nhận với Indonesia về mối đe dọa Trung Quốc.

 

Việc Trung Quốc rõ ràng sẵn sàng thể hiện sự kiềm chế với các bên yêu sách ASEAN bị nghi ngờ lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1992 khi Bắc Kinh thông qua Luật về Lãnh hải và các Vùng Liền kề của nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Luật này tái khẳng định yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông và quy định quyền được sử dụng vũ lực để bảo vệ các hòn đảo, bao gồm quần đảo Trường Sa và các vùng nước xung quanh. Luật cũng  nghi vấn về vấn đề giải quyết một cách hòa bình tranh chấp lãnh thổ và bị ASEAN xem như một sự khiêu khích chính trị.

 

Phần nào  đáp lại luật lãnh thổ mới của Trung Quốc, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã ký Tuyến bố ASEAN về Biển Đông ở Manila tháng 7 năm 1992. Tuyên bố  không giải quyết vấn đề quyền chủ quyền, thay vào đó, lại là một nỗ lực để ban hành một qui tắc không chính thức về cách ứng xử trên cơ sở tự kiềm chế, không sử dụng vũ lực và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Tuyên bố dựa trên các qui phạm và nguyên tắc ban đầu được đưa vào Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC) năm 1976.[5] Qui tắc không chính thức về cách ứng xử ở Biển Đông vì thế dựa trên những quan điểm tránh xung đột hơn là giải quyết xung đột. Trong khi Việt Nam ủng hộ, Trung Quốc đã không chấp nhận Tuyên bố và đã không chính thức tôn trọng các nguyên tắc của tuyên bố. Bắc Kinh nhắc lại quan điểm ưu tiên các thảo luận song phương hơn đa phương về vấn đề Biển Đông.

 

Ngày 8/2/1995, Philippines  phát hiện việc Trung Quốc chiếm đóng Bãi Đá Vành Khăn, nằm ở Kalayaan (một tên khác của Trường Sa-nd). Lần đầu tiên, Trung Quốc đã chiếm lãnh thổ mà một thành viên ASEAN đã đưa yêu sách trước đó. Vụ việc Bãi Đá Vành Khăn cũng thể hiện rằng Philippines đã trở thành một nhân vật dễ bị tổn thương nhất trong tranh chấp Trường Sa từ khi Mỹ rút quân khỏi Căn cứ hải quân Subic và Căn cứ không quân Clark năm 1992. Việc Mỹ dời các căn cứ quân sự của Mỹ ở Philippines đã loại bỏ một nguồn ngăn chặn những hành động của Trung Quốc ở Kalayaan. Sau đó, tổng thống Philippines Fidel Ramos kịch liệt phê phán hành động của Trung Quốc. Manila đáp lại việc phát hiện sự chiếm đoạt của Trung Quốc bằng cách tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế và tiến hành các biện pháp trả đũa, trong đó có việc phá hoại các điểm đánh dấu mốc lãnh thổ của Trung Quốc và bắt ngư dân Trung Quốc năm 1995. Philippines cũng công bố một chương trình hiện đại hóa quốc phòng. Trung Quốc và Philippines  cuối cùng đã ký một tuyên bố song phương vào tháng 8 năm 1995 bác bỏ việc sử dụng vũ lực và kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp song phương theo các nguyên tắc của Công ước Luật Biển 1982.[6]

 

Sự lắng dịu sau năm 1995

 

Tranh chấp dịu xuống bắt đầu từ giữa những năm 1990 và được minh họa bằng một quá trình đối thoại đa phương bắt đầu không lâu sau vụ việc Bãi Đá Vành Khăn năm 1995. Đỉnh điểm với việc ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002, vụ việc đã đánh dấu một bước chuyển trong việc giải quyết tranh chấp Trường Sa của Trung Quốc. Trong khi đến tận thời điểm đó, Trung Quốc vẫn phản đối bất kỳ một thảo luận đa phương nào, nước này đã sẵn sàng mềm hóa quan điểm của mình để xoa dịu các nước Đông Nam Á. Nhưng sự nhượng bộ của Trung Quốc không làm thay đối những mục tiêu lãnh thổ của nước này ở Biển Đông, vì Bắc Kinh vẫn chưa sẵn sàng giải quyết vấn đề quyền chủ quyền và nhắc lại những yêu sách lãnh thổ của mình trên gần như toàn khu vực.

 

Sau vụ việc Bãi Đá Vành Khăn và dưới áp lực từ Philippines, ASEAN đã nhắc lại cam kết của mình đối với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biến Đông trong một cuộc họp được tổ chức tại Singapore ngày 18/3/1995. Mặc dù Trung Quốc không được nhắc đến, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN vẫn thể hiện “những mối quan ngại của họ về diễn biến gần đây ảnh hưởng đến hòa bình và sự ổn định của Biển Đông.”[7] Họ cũng kêu gọi “sớm giải quyết các vấn đề do những diễn biến gần đây ở Bãi Đá Vành Khăn gây ra.”[8] Việt Nam ủng hộ tuyên bố này. Ngay trước cuộc họp đầu tiên của các Quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc (SOM) ở Hàng Châu vào tháng 4 năm 1995, các quan chức Trung Quốc và ASEAN đã có một cuộc họp không chính thức mà trong đó ASEAN thể hiện mối quan ngại về hành động hung hăng của Trung Quốc. Sáng kiến ngoại giao này đã khiến các đại biểu Trung Quốc ngạc nhiên – họ đã được làm hiểu rõ những hệ lụy chính trị của vụ việc Bãi Đá Vành Khăn. Trước cuộc họp của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào tháng 8 năm 1995, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc Tiền Kỳ Tham đã có một số nhượng bộ đối với các thành viên ASEAN. Ông tuyên bố là Trung Quốc đã chuẩn bị tổ chức các cuộc thảo luận đa phương về quần đảo Trường Sa, thay vì giới hạn ngoại giao vào các cuộc đàm phán song phương, và chấp nhận Công ước Luật biển 1982 như cơ sở để đàm phán.[9]

 

Trong Cuộc họp thượng đỉnh ASEAN tháng 11 năm 1999, Philippines, với sự ủng hộ của Việt Nam, đề xuất một phiên bản mới của qui tắc ứng xử. Sáng kiến cụ thể hơn Tuyên bố Manila 1992. Phiên bản này cố gắng vượt ra khỏi việc đơn giản khẳng định  các nguyên tắc tiêu chuẩn bằng việc đề xuất cùng nhau phát triển quần đảo Trường Sa. Đề xuất này đã bị cả Trung Quốc và Malaysia bác bỏ. Malaysia lo ngại rằng một qui tắc như thế sẽ phải tuân thủ một cách quá tuyệt đối. Đến tận đầu những năm 1990, Malaysia vẫn chỉ trích cách hành động của Trung Quốc trong quần đảo Trường Sa, nhưng quan điểm ngoại giao của nước này về vấn đề Biển Đông đã dần dần thay đổi qua nhiều năm sau đó, và trở nên gần gũi hơn với quan điểm của Trung Quốc. Malaysia từ chối giải quyết vấn đề chủ quyền. Nước này ủng hộ các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc và ưu tiên tránh một qui tắc ứng xử khu vực mang tính chất cưỡng chế hay hòa giải từ bên ngoài. Thông cáo báo chí của chủ tịch trong cuộc họp thượng đỉnh không chính thức tuyên bố rằng người đứng đầu quốc gia và chính phủ “lưu ý báo cáo của các Bộ trưởng rằng ASEAN hiện đã có bản dự thảo một qui tắc ứng xử khu vực, và sẽ tiến hành tham vấn về bản dự thảo với quan điểm thúc đẩy tiến trình thông qua qui tắc.”[10]

 

Malaysia đề xuất một tuyên bố đối với quần đảo Trường Sa trong Cuộc họp các Bộ trưởng ASEAN lần thứ 35 (AMM) ở Brunei vào tháng 7 năm 2002. Văn bản không ràng buộc được soạn ra nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử trong lãnh thổ tranh chấp là một sự thỏa hiệp mờ nhạt, thậm chí không đề cập đích danh quần đảo Trường Sa. Cũng không rõ là liệu thỏa thuận này sẽ được xem như một qui tắc ứng xử hay một tuyên bố. Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN hi vọng thông qua văn bản trong cuộc họp cấp bộ trưởng để đưa cho bộ trưởng bộ ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền xem xét trong phiên họp ASEAN-Trung Quốc. Lập trường chung này có lẽ được xem như nền tảng cho các cuộc đàm phán với Bắc Kinh. Nhưng hầu hết các quốc gia thành viên đã từ chối ủng hộ đề xuất của Malaysia, ví dụ Việt Nam nhấn mạnh việc thông qua một văn bản ràng buộc về vấn đề Biển Đông. Không thể đạt được sự nhất trí, các bộ trưởng ngoại giao tuyên bố trong thông cáo báo chí quyết định phối hợp chặt chẽ hơn với Trung Quốc hướng tới một Tuyên bố về Ứng xử của các bên trong Biến Đông.[11]

 

Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cuối cùng đã ký một Tuyên bố chung về Ứng xử của các Bên tại Biển Đông bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh vào tháng 11 năm 2002. Là tuyên bố chính trị đầu tiên được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc về vấn đề này, thòa thuận có mục đích ngăn ngừa căng thẳng leo thang đối với các lãnh thổ đang tranh chấp và giảm nguy cơ xung đột quân sự ở Biển Đông. Các bên cam kết tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS), Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), và Năm Nguyên tắc Cùng chung sống Hòa bình, và tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết đối với “quyền tự do hàng hải và bay trên biển Đông”.[12] Họ đồng ý giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, “không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn và đàm phán thân thiện giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp đến tranh chấp, theo các nguyên tắc chung của luật quốc tế.”[13] Các bên cũng cam kết thực hiện tự kiềm chế trong các hoạt động có thể làm phát sinh tranh chấp, chẳng hạn như định cư trên những khu vực chưa có người ở, trong khi thúc đẩy những nỗ lực “xây dựng lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau”[14] Họ đồng ý trao đổi quan điểm giữa các quan chức quốc phòng và quân sự, đối xử nhân đạo đối với bất kỳ ai đang gặp nguy hiểm hay tai nạn ngoài biển, thông báo trên cơ sở tự nguyện về các cuộc tập trận chung cho các bên liên quan khác biết. Tuyên bố chính trị mang ý nghĩa là một bước đi chung đầu tiên và là một nền tảng cho hợp tác xa hơn do các bên được trông đợi tiếp tục làm việc về vấn đề thông qua một qui tắc ứng xử. Là một thỏa thuận tạm thời, tuyên bố khẳng định:

 

Các bên liên quan tái khẳng định việc thông qua một qui tắc ứng xử trên Biển Đông sẽ thúc đẩy hơn nữa hòa bình và ổn định trong khu vực và đồng ý trên cơ sở đồng thuận, hướng tới cuối cùng giành được mục tiêu này.[15]

 

Philippines và Việt Nam đã tỏ ra thất vọng vì họ đã thúc đẩy một văn bản ràng buộc. Hơn nữa, Việt Nam đã yêu cầu rằng tuyên bố phải bao gồm một cam kết không xây dựng những công trình mới, nhưng Trung Quốc đã bác bỏ. Tuyên bố chính trị cũng không đề cập gì đến phạm vi địa lý cụ thể của văn kiện này căn bản do Trung Quốc phản đối bất kỳ sự đề cập nào về quần đảo Trường Sa.

 

Với việc gác lại vấn đề biên giới, Tuyên bố 2002 đã tăng khả năng đạt được những thỏa thuận về kế hoạch khai thác và phát triển dầu chung. Một thỏa thuận như vậy đã được ký vào tháng 3 năm 2005 giữa các công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, Việt Nam và Philippines liên quan đến việc tiến hành các cuộc thăm dò tiền khai thác ở quần đảo Trường Sa. Đáng lưu ý là thỏa thuận do các công ty ký kết chứ không phải giữa các quốc gia, điều này đã đơn giản hóa tiến trình. Tổng thống Philippines Gloria Arroyo khẳng định tại thời điểm đó rằng thỏa thuận là bước thực thi đầu tiên các điều khoản của Tuyên bố 2002.[16] Việc ký kết những hiệp định song phương như vậy đảm bảo rằng Manila và Hà Nội ít nhất cũng có tham gia vào quá trình khai thác trong các khu vực mà họ có yêu sách chủ quyền trùng lặp với Bắc Kinh. Nhưng việc khám phá ra các nguồn dự trữ dầu đáng kể vì mục đích thương mại có thể dấy lên những căng thẳng và đẩy Philippines và Việt Nam vào một tình huống mong manh do sự không cân xứng đáng kể về sức mạnh so với Trung Quốc và việc không có một thỏa thuận chung về các quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển. Hơn nữa, việc ký những thỏa thuận như vậy lại tạo ra tính hợp pháp cho các yêu sách đáng bàn cãi hơn nữa của Trung Quốc trên Biển Đông.

 

Tóm lại, việc ký Tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông năm 2002 thể hiện một đỉnh cao trong nỗ lực ngoại giao để làm dịu tranh chấp Trường Sa. Tiến trình ngoại giao đã bắt đầu không lâu sau vụ việc Bãi Đá Vành Khăn. Tuyên bố thể hiện khao khát của các bên khác nhau liên quan đến vụ tranh chấp Trường Sa về việc theo đuổi những yêu sách của mình bằng biện pháp hòa bình. Tuyên bố công khai lên án phương pháp sử dụng vũ lực trên Biển Đông và gửi một tín hiệu rằng các bên sẵn sàng hợp tác trong những lĩnh vực thiết thực nhất định. Về khía cạnh này, tuyên bố góp phần tránh xung đột và làm dịu căng thẳng giữa các quốc gia có yêu sách. Tuyên bố là một phần thiết yếu trong việc tìm kiếm sự xác nhận rõ ràng cho ASEAN rằng sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không đe dọa sự chung sống hòa bình.”[17] Đều này cho thấy mặc dù là một văn bản tượng trưng quan trọng, Tuyên bố không thể được xem là một bước lớn hướng tới việc kiềm chế và giải quyết xung đột vì nó không thể ngăn những xung đột lãnh thổ hay những nguồn có nguy cơ xung đột khác, chẳng hạn như việc hải quân nước ngoài bắt giữ ngư dân và sự mở rộng các công trình quân sự trên các dải đá ngầm đã bị chiếm hữu. Như Tonnesson đã chỉ rõ, tuyên bố “không thiết lập một qui tắc ứng xử ràng buộc về mặt pháp lý: đó chỉ đơn giản là một tuyên bố chính trị.”[18]

 

Bất chấp tiến trình xuống thang căng thẳng, cần lưu ý rằng các quốc gia có yêu sách vẫn tiếp tục xây dựng những công trình trên lãnh thổ bị tranh chấp để khẳng định chủ quyền và các vụ việc cấp độ thấp vẫn tái diễn kể từ khi Tuyên bố năm 2002 được ký kết. Chính phủ Malaysia đã sử dụng đất từ lục địa để nâng Đảo Hoa lau (Swallow Reef) để xây dựng một khách sạn, đường hàng không, và cơ sở vật chất cho các thợ lặn có bình khí nén.[19] Tương tự, Philippines cũng thể hiện sự quan tâm đến phát triển du lịch và đã xây dựng một đường hàng không trên đảo Thị Tứ (Thitu Island). Việt Nam cũng tuyên bố ý định mở lại sân bay ở đảo Trường Sa năm 2004. Năm 2006, có báo cáo là Đài Loan đang xây dựng một đường băng trên đảo Thái Bình (Taiping Island) đang tranh chấp trong chuỗi đảo Trường Sa, bất chấp sự phản đối của Việt Nam.[20] Tháng 11 năm 2007, Trung Quốc tiến hành cuộc diễn tập quân sự lớn ngay gần quần đảo Trường Sa. Tháng 12 năm đó, Bắc Kinh đã nâng cấp địa vị trung tâm hành chính quản lý quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các dải đá ngầm thuộc Bãi Macclesfield. Được đặt trên đảo Phú Lâm (Woody), trung tâm hành chính này đã đươc đặt tên lại là thành phố Tam Sa (Sansha). Cả hai hành động đã bị Việt Nam chỉ trích kịch liệt. Đáp lại, Hà Nội đã cho phép những cuộc biểu tình của dân chúng bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và tòa Lãnh sự của nước này tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 12 năm 2007.[21] Trong khi thành phố Tam Sa được cho là bao gồm quần đảo Trường Sa, Philippines, Malaysia, và Brunei đã không phản đối hành động của Trung Quốc, có thể  là một nỗ lực để không làm quan hệ với Bắc Kinh trở nên xấu hơn. Trong thời gian sắp đến các cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm 2008 ở Đài Loan, Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển đã thăm quần đảo Trường Sa vào tháng 2 năm 2008 và khánh thành đường băng 1.140m trên đảo Thái Bình đã được củng cố. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Dũng miêu tả chuyến viếng thăm như “một hành vi leo thang hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.”[22] Philippines đã cùng với Việt Nam phê phán chuyến viếng thăm của Trần đến Thái Bình trong khi Trung Quốc vẫn giữ im lặng.

(Xem tiếp phần II)

PGS. Ralf Emmers, Trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore

Người dịch: Ngọc Trang

Hiệu đính: Đỗ Thị Thủy

Bài viết trích trong " Security and International Politics In the South China Sea ",

Chủ biên: Sam Bateman, Ralf  Emmers, năm 2009.

Bản gốc tiếng Anh " The De-escalation of the Spratly Dispute in Sino-Southeast Asian Relations "

Bản quyền thuộc NCBĐ



[1] Các bài tường thuật của BBC, ngày 25/5/1999.

[2] ASEAN được thành lập tại Băng cốc vào tháng 8/1967. Các thành viên ban đầu là Indonesia, Malaysia, Philippiness, Singapore, và Thái Lan. Brunei gia nhập năm 1984, Việt Nam năm 1995, Lào và Myanmar năm 1997, Campuchia năm 1999.

[3] Xem Richard K. Betts, “Strategic Predicament”, trong James W. Morley và Nasashi Nishihara (chủ biên), Việt Nam gia nhập Thế giới (Luân đôn: M.E. Sharpe, 1997), tr. 94-114.

[4] Bob Catley và Makmur Keliat, Spratlys: The Dispute in the South China Sea (Aldershot: Ashgate, 1997), tr. 102.

[5] Được thông qua tại Cuộc họp thượng đỉnh ASEAN đầu tiên được tổ chức ở Bali năm 1976, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác đã thiết lập một bộ qui tắc ứng xử dựa trên các qui phạm mà đã tạo ra ra những nguyên tắc cốt lõi của ASEAN, bao gồm sự tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.

[6] Tuyên bố chung về các cuộc Tham vấn giữa Cộng hòa Philippines và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về biển Đông và các Lĩnh vực Hợp tác khác, ngày 9-10/8/1995.

[7] Tuyên bố của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN về những diễn biến gần đây ở biển Đông, Singapore, ngày 18/3/1995.

[8] Tuyên bố của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN về Diễn biến gần đây ở biển Đông.

[9] Sheldon W. Simon, “ASEAN Regional Forum,” trong William M. Carpenter và David G. Wiencek (chủ biên), Asian Security Handbook: An Assessment of Political-Security Issues in the Asia-Pacific Region (New York: M.E. Sharpe, 1996), tr. 47.

[10] Tuyên bố báo chí của Chủ tịch, Cuộc họp thượng đỉnh không chính thức lần thứ Ba của các nguyên thủ và chính phủ của các quốc gia ASEAN, Manila, Philippiness, ngày 28/11/1999.

[11] Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 35, Bandar Seri Begawan, Brunei, ngày 29-30/7/2002.

[12] Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông, Phnom Penh, Campuchia, ngày 4/11/2002.

[13] Như trên.

[14] Như trên.

[15] Như trên.

[16] Luz Baguioro, “Three Nations Sign Pact for Joint Spratlys Survey,” Straits Times, ngày 15/3/2005.

[17] Liselotte, Odgaard, “The South China Sea: ASEAN’s Security Concerns about China,” Security Dialogue 34, 1 (2003), tr. 22.

[18] Stain Tonnesson, “Sino-Vietnamese Rapprochement and the South China Sea Iritant,” Security Dialogue 34, 1 (2003), tr. 55-56.

[19] Joshua P. Rowan, “The US-Japan Security Alliance, ASEAN, and the South China Sea Dispute,” Asian Survey 45, 3 (tháng 5/6 năm 2005) tr. 420.

[20] “Strategic Reason for Spratly Runway,” Straits Times, ngày 6/1/2006.

[21] “Disputes in the South China Sea: Whale and Spratlys,” The Economist, ngày 15/12/2007, tr. 35-36.

[22] Trích trong “Chen draws Angry Rebukes over Visit to Spratlys,” Straits Times, ngày 4/2/2008, tr. 8.