Nguyên nhân của quá trình lắng dịu

 

Phần trước đã tranh luận rằng sự lắng dịu tranh chấp Trường Sa, tiêu biểu là việc ký kết Tuyên bố 2002, không gắn với những thay đổi đáng kể trong những tình huống liên quan đến tranh chấp cũng như tiến triển quan trọng trong việc kiềm chế và giải quyết xung đột. Về những thay đổi tình huống, không có cơ chế nào được đưa ra để ngăn ngừa những nguy cơ xung đột hay va chạm vũ trang. Về giải quyết xung đột,tất cả các quốc gia có yêu sách vừa khẳng định lại chủ quyền trên quần đảo Trường Sa và họ vẫn chưa sẵn sàng để đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào liên quan đến các yêu sách lãnh thổ của họ. Các quốc gia đưa ra yêu sách cũng chưa đồng ý thảo luận vấn đề phân định chủ quyền ở các đảo và các yêu sách chồng lấn vẫn chưa được đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) hoặc Tòa trọng tài quốc tế về luật Biển. Các tình huống có thể dẫn đến xung đột vì thế vẫn chưa được thay đổi. Xét đến những hạn chế này, vậy thì điều gì giải thích cho sự lắng dịu của vấn đề Trường Sa? Phần này khẳng định rằng vấn đề này bắt nguồn từ sự kết hợp những tiến triển rộng hơn trong nước và trong khu vực. Những điều này bao gồm sự giảm nhẹ mối đe dọa Trung Quốc, sự triển khai sức mạnh một cách hạn chế của Trung Quốc ở Biển Đông, sự suy giảm của các giọng điệu dân tộc chủ nghĩa, những nguồn dự trữ dầu được chứng minh là có giới hạn trong khu vực, và sự dính líu một cách kiềm chế của Mỹ trong xung đột. Phần này  lập luận rằng chính chuỗi biến chuyển rộng hơn đã làm dịu bầu không khí của những tương quan về tranh chấp Trường Sa và dẫn đến việc ký kết Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông vào tháng 11 năm 2002.

 

Đầu tiên, quan niệm về Trung Quốc đã dần dần thay đổi trong giới tinh hoa ở Đông Nam Á. Đây là kết quả của việc Trung Quốc hành xử như một cường quốc nguyên trạng chứ không phải là một cường quốc xét lại. Tự kiềm chế và thỏa hiệp là những từ  mô tả chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với Đông Nam Á từ năm 1995. Trung Quốc đã bổ sung sự chủ động ngoại giao vào sự tăng trưởng kinh tế và quân sự đang ngày càng tăng lên của nước này. David Shambaugh giải thích rằng, ở cả cấp độ song phương và đa phương, “ngoại giao Bắc Kinh đã thành thạo và có sắc thái, giành được nhiều sự tán dương trong khu vực.”[1] “Chiến dịch quyến rũ” của Trung Quốc đối với ASEAN tương phản rõ rệt với sự nghi kỵ trước đó của nước này đối với chủ nghĩa đa phương. Tháng 10 năm 2003, Trung Quốc là quốc gia không thuộc Đông Nam Á đầu tiên gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác. Điều này đã là một phần của chiến lược lôi kéo toàn diện ASEAN của Trung Quốc trong những năm gần đây, và cũng là một biểu hiện rõ hơn về sự sẵn sàng tôn trọng các qui phạm của Hiệp hội về cách ứng xử giữa các quốc gia.

 

Sự ôn hòa tương đối trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc cũng được thể hiện trong bối cảnh tranh chấp Trường Sa. Mặc dù Trung Quốc đã mở rộng các công trình xây dựng của mình trên Bãi Đá Vành Khăn cuối năm 1998, nước này đã không chiếm giữ thêm những hòn đảo đang tranh chấp trong quần đảo Trường Sa từ năm 1995. Tuyên bố 2002 cũng là một sự biểu hiện về thiện ý của Trung Quốc trong việc tôn trọng những nguyên tắc mà các quốc gia ASEAN thúc đẩy. Sự sẵn sàng thỏa hiệp với các quốc gia Đông Nam Á về tranh chấp Biển Đông của Trung Quốc có thể được giải thích bằng những ưu tiên kinh tế của Bắc Kinh cũng như bằng mối quan hệ khó khăn của Trung Quốc với Nhật Bản và quan ngại của nước này về sự tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, nhất là kể từ các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

 

Nhân tố thứ hai góp phần làm dịu tranh chấp biển Đông là sự yếu kém trong việc triển khai sức mạnh của Trung Quốc ở biển Đông. Trung Quốc đã không tăng cường mạnh mẽ khả năng duy trì những hoạt động hải quân bên ngoài các căn cứ quân sự trong lục địa của nước này. Shambaugh viết rằng Giải phóng quân nhân dân (PLA) “dường như đã không có nhiều tiến triển trong việc thúc đẩy việc mở rộng những khả năng tăng cường sức mạnh của mình, hay những khả năng đó dường như không phải là một mối ưu tiên.”[2] Trung Quốc không có nhóm chiến đấu hàng không mẫu hạm để thể hiện sức mạnh của mình; Trung Quốc có ít tàu khu trục và tàu ngầm của Trung Quốc thường chỉ quanh quẩn trong các vùng lãnh hải của nước này.[3] Hầu hết các đảo trong quần đảo Trường Sa quá nhỏ để thiết lập các căn cứ mở rộng các hoạt động hải quân. Bởi thế, Trung Quốc hiện nay không có những khả năng cần thiết để kiểm soát nhóm đảo ở Trường Sa về mặt quân sự. Hơn nữa, quyền kiểm soát các tuyến đường truyền thông hàng hải cắt qua biển Đông chỉ có thể bắt nguồn từ sự thống trị và vượt trội đáng kể về hải quân trong khu vực hơn là sự chiếm giữ những đảo nhỏ mà không thể tạo cơ sở pháp lý để yêu sách thẩm quyền hàng hải.[4] Do dó, điều quan trọng là phải phân biệt sự kiểm soát quân sự các dải đá ngầm mà chỉ có thể tạo ra các vùng hàng hải nhất định với sự kiểm soát các tuyến đường truyền thông trên biển (SLOCs) và các khu vực hải quân rộng hơn. Nhưng Trung Quốc không có những năng lực về kỹ thuật, quân sự và triển khai sức mạnh để áp đặt một bá quyền hải quân như vậy ở Đông Nam Á.[5]

 

Tuy nhiên, cái gọi là yếu điểm của hải quân Trung Quốc cũng cần phải được kiểm định một cách tương đối. Việc tăng cường Hạm đội phía Nam của Trung Quốc, thậm chí nếu việc này có diễn ra chậm và từ từ, thì cũng là một mối quan ngại cho các bên có liên quan, đặc biệt vì khu vực địa lý hoạt động của hạm đội chính là biển Đông. Điều này rõ ràng đúng trong hoàn cảnh của Việt Nam và Philippines, hai quốc gia cảm thấy bị đe dọa từ các hành động của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa. Việt Nam nhận thức được mối quan hệ với Bắc Kinh về vấn đề biển Đông là một sự phản ánh sự phản kháng truyền thống và những mô hình sức mạnh với Trung Quốc. Điều đáng lưu ý là hải quân Trung Quốc đã hành động một cách hiếu chiến đối với Việt Nam để củng cố vị trí của mình ở biển Đông. Tháng 1 năm 1974, Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát quần đảo Hoàng Sa bằng việc tiến hành hoạt động quân sự chống lại miền Nam Việt Nam trước sự sụp đổ của Sài Gòn và việc Việt Nam thống nhất đất nước. Cuộc đối đầu hải quân với Việt Nam vào ngày 14/3/1988 đã dẫn đến việc Trung Quốc chiếm giữ thêm lãnh thổ.[6] Bất chấp thế yếu hơn vào thời điểm đó cũng như khả năng triển khai sức mạnh hạn chế hơn, hải quân Trung Quốc vẫn sử dụng vũ lực chống lại Việt Nam để củng cố vị trí của mình. Việt Nam không triển khai đầy đủ sức mạnh hải quân để áp đặt ý chí của mình ở biển Đông, cũng như không tiếp cận được một nguồn sức mạnh dối trọng bên ngoài để kiềm chế các hoạt động của Trung Quốc. Việt Nam đã không tạo dựng quan hệ đồng minh chính thức hay ngầm với Mỹ, mặc dù có sự tiến triển đáng kể trong quan hệ từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11/7/1995. Dù mối liên kết đồng minh thực tế trong tương lại có được hình thành hay không thì Mỹ cho đến nay vẫn chưa sẵn sàng tham gia vào tranh chấp lãnh thổ này. Phillipines vẫn là bên yếu nhất về mặt quân sự trong tranh chấp. Để tăng cường khả năng răn đe của mình, Philippines đã phê chuẩn Hiệp định về Viếng thăm Quân sự với Mỹ vào tháng 5 năm 1999 để khôi phục lại các hoạt động quân sự chung.

 

Nhân tố thứ ba góp phần thúc đẩy các quan hệ khu vực và làm dịu tranh chấp biển Đông là việc Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN. Tháng 11/1991, thủ tướng chính phủ Việt Nam Võ Văn Kiệt sang thăm Indonesia, Malaysia và Singapore. Trước chuyến đi, Việt Nam đã biểu lộ mong muốn trở thành một thành viên của Hiệp hội. Do đó, các quan hệ khu vực đã có biển chuyển đáng kể từ đầu những năm 1990. Việt Nam đã ký Hiệp ước Thân thiện và hợp tác vào tháng 7/1992 trong cuộc họp thường niên của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và cuối cùng đã gia nhập Hiệp hội vào tháng 7/1995. Việc này đã tạo điều kiện đưa tranh chấp Trường Sa thành một vấn đề đa phương được thảo luận ở cấp độ ASEAN – Trung Quốc. Năm 1998, Ang Cheng Guan lập luận là “giải pháp tốt nhất và có thể là duy nhất của Việt Nam để chặn trước một sự việc đã rồi ở quần đảo Trường Sa là dựa vào sự ủng hộ của ASEAN và “quốc tế hóa” vấn đề hết mức có thể.”[7] Theo đó, ASEAN cung cấp cho Việt Nam một công cụ thể chế  để quốc tế hóa tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông của nước này với Bắc Kinh. Cùng với Philippines, Việt Nam đã tích cực tham gia vào đàm phán một qui tắc ứng xử trên biển Đông. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Việt Nam buộc phải chấp nhận một số nhượng bộ. Hà Nội đã không đưa được vấn đề quần đảo Hoàng Sa vào các cuộc đàm phán Trung Quốc – ASEAN, điển hình là việc  vấn đề này bị loại khỏi Tuyên bố về cách ứng xử của các Bên.

 

Thứ tư, các quốc gia đưa ra yêu sách khác nhau đã kiềm chế không chơi quân bài chủ nghĩa dân tộc trong những năm gần đây. Đáng kể là Bắc Kinh đã thận trọng không cho phép  vấn đề biển Đông trở thành một vấn đề chính trị nội bộ  hay sử dụng nó như một chủ đề tuyên truyền trong nước. Điều này trái với tình hình trên các đảo Senkaku/Diaoyu (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư – nd) ở biển Đông Trung Quốc vốn được gắn với cuộc xâm lược của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới II. Về tranh chấp lãnh thổ cụ thể này,  đã có những hoạt động tăng cường của các nhóm dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc và Đài Loan, chỉ trích hành động Nhật xâm chiếm các hòn đảo là sự vi phạm lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này không nói lên rằng chủ nghĩa dân tộc không phải là một yếu tố quan trọng trong tranh chấp Trường Sa. Các yêu sách lãnh thổ có tầm quan trọng rất lớn về mặt tinh thần dân tộc và các quốc gia đưa ra yêu sách vẫn rất cứng nhắc trong vấn đề chủ quyền. Chủ nghĩa dân tộc và ảnh hưởng của nó lên sự kiềm chế tranh chấp đặc biệt vẫn là một nhân tố quan trọng trong quan hệ Trung Quốc – Việt Nam. Những yêu sách lãnh thổ thu hẹp lại hay sự sẵn sàng đưa ra nhượng bộ về vấn đề quyền chủ quyền có thể sẽ phải trả giá đắt trong nước mà lại bị khu vực xem như một dấu hiệu của sự yếu kém. Tuy vậy, cũng cần lưu ý là các quốc gia yêu sách ít nhất đã giảm bớt giọng điệu dân tộc chủ nghĩa trong nỗ lực kiềm chế tranh chấp.

 

Thứ năm, tình trạng lắng dịu của tranh chấp bắt nguồn từ những nguồn dữ trữ dầu được chứng minh hạn chế ở biển Đông. Khi các kỹ thuật thăm dò được cải tiến, những nguồn dự trữ dầu nằm dưới đáy biển ở vùng nước sâu trở nên có thể khai thác được. Tuy nhiên, những nguồn dự trữ dầu ở biển Đông vẫn chưa chắc chắn và những ước lượng ban đầu đã bị hạ thấp xuống. Do giá dầu tăng lên đáng kể trong nhiều năm gần đây, tình hình ở biển Đông có thể trở nên xấu đi, tuy nhiên, điều này chỉ đúng nếu có bằng chứng cho thấy nguồn dự trữ dầu đủ cho mục đích thương mại.

 

Cuối cùng, sự can thiệp hạn chế của Mỹ cũng là một lý do khác cho sự ổn định ở biển Đông. Washington không xem tranh chấp Trường Sa là một mối quan ngại an ninh quan trọng và cũng không muốn làm rắc rối thêm quan hệ với Trung Quốc bằng cách can thiệp vào vấn đề xác định chủ quyền. Mặc dù theo sát những diễn biến ở biển Đông, Mỹ đã hạn chế một cách kiên định lợi ích của nước này  vào việc duy trì tự do hàng hải và di chuyển của Hạm đội Bảy. Ví dụ, sau vụ việc Bãi Đá Vành Khăn năm 1995, Washington tuyên bố rằng những vùng lãnh thổ Philippines yêu sách không thuộc phạm vì của Hiệp định Phòng thủ lẫn nhau ký ngày 30/8/1951 mà đã gắn kết an ninh Philippines với Mỹ. Bởi thế, vụ việc đã không dẫn đến một phản ứng ngoại giao mạnh mẽ nào từ phía Mỹ, ngoại trừ một tuyên bố về tự do trên các con đường biển. Ngày 10/5/1995, Bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố:

 

Mỹ không đưa ra quan điểm về vấn đề pháp lý của các yêu sách cạnh tranh về chủ quyền trên các đảo, dải đá ngầm, đảo san hô và đảo thấp nhỏ khác nhau ở biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ sẽ xem xét nghiêm túc bất kỳ yêu sách hàng hải hay hạn chế hoạt động hàng hải ở biển Đông mà không phù hợp với luật quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.[8]

 

Hơn nữa, Mỹ và Trung Quốc có lợi ích chung về việc duy trì an toàn hàng hải ở biển Đông. Thực tế, do những lợi íchkinh tế của mình, Trung Quốc được cho là sẽ không phá vỡ các đường vận chuyển bằng tàu qua biển Đông.

 

Kết luận

 

Sự lắng dịu của tranh chấp biển Đông có thể được giải thích bằng việc liên kết các diễn biến trong nước và khu vực hơn là sự tiến triển đáng kể trong việc kiềm chế và giải quyết xung đột. Những tiến triển này bao gồm sự giảm dần mối đe dọa Trung Quốc, việc triển khai sức mạnh hạn chế của Trung Quốc trong Biển Đông, Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, sự suy giảm của giọng điệu dân tộc chủ nghĩa, dự trữ dầu được chứng minh là có giới hạn trong khu vực, và sự can thiệp một cách kiềm chế của Mỹ trong xung đột. Trong tương lai gần, một xung đột vũ trang dường như là không thể xảy ra  mặc dù vẫn còn những nguy cơ về tính toán nhầm hay tai nạn mà có thể dẫn đến sự đối đầu hạn chế. Tuy nhiên, trong tương lai xa hơn, tranh chấp Trường Sa có thể lại trở thành một mối quan tâm an ninh hàng đầu ở Đông Nam Á nếu ai đó thấy một quá trình ngược lại với những diễn biến được thảo luận trong mục cuối của chương này. Ví dụ như nếu Trung Quốc định tăng cường khả năng triển khai sức mạnh ở khu vực,  và/ hoặc sự tăng vọt các giọng điệu dân tộc chủ nghĩa, việc kiềm chế tranh chấp một cách hòa bình sẽ trở nên phức tạp hơn. Hơn nữa, bằng chứng nguồn dự trữ dầu đủ ở biển Đông gắn với áp lực cao về năng lượng ở Đông Á sẽ biến đổi tình hình an ninh ở quần đảo Trường Sa. Cuối cùng, tình hình xấu đi trong quan hệ Trung Quốc – Mỹ và/hoặc Trung Quốc – Nhật Bản chắc chắn sẽ làm tăng cạnh tranh an ninh về lãnh thổ hàng hải và hủy hoại sự ổn định ở biển Đông. Mỹ đã bị cuộc chiến tranh ở Iraq làm sao lãng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, một chính sách quả quyết hơn của Hoa Kỳ ở Đông Á và Đông Nam Á sẽ được xem là một mối quan ngại lớn ở Bắc Kinh, điều có thể dẫn đến một chính sách ngoại giao quyết đoán và các hoạt động hải quân đáng chú ý hơn của Trung Quốc ở Trường Sa.

 

PGS. Ralf Emmers, Trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore

Người dịch: Ngọc Trang

Hiệu đính: Đỗ Thị Thủy

Bài viết trích trong " Security and International Politics In the South China Sea ",

Chủ biên: Sam Bateman, Ralf  Emmers, năm 2009.

Bản gốc tiếng Anh " The De-escalation of the Spratly Dispute in Sino-Southeast Asian Relations "

Bản quyền thuộc NCBĐ



[1] David Shambaugh, “China Engages Asia: Reshaping the Regional Order,” international Security 29, 3 (mùa đông 2004-2005), tr. 64-99.

[2] Như trên, tr. 35.

[3] Jonathan Power, “The So-called Rise of China,” International Herald Tribune, ngày 8/4/2005.

[4] Michael Leifer, “The Maritime Regime and Regional Security in East Asia,” Pacific Review 4, 2 (1991), tr. 130.

[5] Xem the International Institute for Strategic Studies, The Military Balance 2004-2005 (Oxford: Oxford University Press, 2004), tr. 161-162, 170-173.

[6] Xem Shee Poon Kim, “The March 1988 Skirmish over the Spratly Islands and its Implications for Sino-Vietnamese Relations,” in R.D. Hill, N. Owen, và E.V. Roberts (chủ biên), Fishing in Troubled Waters: Proceedings of an Academic Conference on Territorial Claims in the South China Sea (Hong Kong: centre of Asian Studies, University of Hong kong, 1991), tr. 177-191.

[7] Ang Cheng Guan, “Vietnam-China Relations Since the End of the Cold War,” IDSS Working Paper số 1 (Singapore: Institute of Defence and Strategic Studies, tháng 11/1998), tr. 28.

[8] Christine Shelly, Acting Spokesperson of US Department of State, “Spratlys and the South China Sea,” ngày 10/5/1995.