Bài viết này đánh giá vai trò của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) trong các vấn đề biển của Trung Quốc. Việc hiểu chính xác chiến lược quân sự - dân sự của Trung Quốc trên Biển Đông và sự đóng góp của PLA trong việc hình thành chiến lược này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hiểu rõ hơn sự điều chỉnh chính sách Biển Đông của Chủ tịch Tập Cận Bình và hành vi quyết đoán của Trung Quốc. Bài viết cho rằng PLA đóng vai trò quan trọng trong cả quá trình hoạch định chính sách ở tầng lớp cấp cao và cả trong những bước đầu tiên thực thi quyền trên biển của Trung Quốc. Ở cấp độ vĩ mô, PLA có thẩm quyền lớn trong việc giám sát các vấn đề đối ngoại liên quan đến an ninh và quốc phòng quốc gia. Đối với Bắc Kinh và đặc biệt là đối với PLA, vấn đề Biển Đông ít được coi là tranh chấp ngoại giao hay tranh chấp lãnh thổ mà chủ yếu là tranh chấp an ninh quốc gia và an ninh quân sự sau khi Mỹ tiến vào vùng lãnh hải 12 hải lý các đảo do Trung Quốc chiếm đóng. Trách nhiệm quản lý tranh chấp giờ đây đặt nặng lên vai PLA và vai trò trung tâm của PLA trong các vấn đề trên Biển Đông có thể là do mối quan hệ gắn bó chặt chẽ của ông Tập với PLA và sự lãnh đạo quyết đoán của ông Tập được PLA ủng hộ nhiệt tình.

Quá trình hoạch định chính sách và chính trị của Bắc Kinh liên quan đến vấn đề Biển Đông vẫn là một bí ẩn đối với các nhà quan sát nước ngoài cũng như Trung Quốc, những người thường mô tả quá trình này là “năm con rồng khuấy động biển cả”, nghĩa là nhiều cơ quan chính phủ tham gia vào các cơ chế quản lý biển của Trung Quốc và cạnh tranh với nhau để mở rộng lợi ích thể chế của mình.[1] Trong những năm gần đây, Trung Nam Hải (trụ sở của Đảng Cộng sản Trung Quốc - ND) đã nỗ lực điều chỉnh vấn đề phối hợp kém hiệu quả giữa các cơ quan có liên quan. Về tổ chức, một cấu trúc ba tầng lãnh đạo- hàng hải- dân sự đã được hình thành: đứng đầu là cơ quan quản lý chính sách mang tên Tiểu tổ lãnh đạo trung ương về Bảo vệ lợi ích Biển (CLSGPMI), đứng đầu là Tập Cận Bình; ở tầng thực thi chính sách là cơ quan Quản lý hàng hải quốc gia (SMA) có nhiệm vụ chung là quản lý hoạt động hàng hải thường nhật của Trung Quốc; và Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) dẫn đầu trong hoạt động tuần tra tăng cường giám sát tuyến đầu và thúc đẩy duy trì sự hiện diện tại các vùng biển tranh chấp. Quá trình hoạch định chính sách theo chiều dọc, từ trên xuống dưới và việc thực thi mang tính quan liêu dường như đã tiết chế bớt sự rắc rối của cơ chế “năm con rồng”, nhưng rất nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết.[2] Những vấn đề này bao gồm cách các nguồn tài trợ và các nguồn lực được phân bổ tới các cơ quan thực thi hàng hải, và trong trường hợp có khủng hoảng, ai và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm.

Việc quy kết ai chịu trách nhiệm có liên quan tới vai trò lãnh đạo của PLA trong các vấn đề biển, vai trò này có thể ngang bằng hoặc cao hơn kết cấu ba tầng lớp lãnh đạo- hàng hải- dân sự. Trước đây, PLA đảm nhận trách nhiệm liên quan tới Biển Đông, nhưng gần đây, PLA đã có tiếng nói hơn trong quá trình ra quyết sách, khi nguy cơ khủng hoảng quân sự gia tăng ở Biển Đông. Dẫu vậy, chủ đề nghiên cứu này vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Việc hiểu rõ chiến lược dân sự và quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông và vai trò của PLA trong việc hình thành chiến lược và thực thi có ý nghĩa then chốt đối với việc thấu hiểu toàn diện sự điều chỉnh chính sách Biển Đông của Bắc Kinh và hành vi quyết đoán của nước này. Bài viết này cho rằng PLA đã đóng vai trò hàng đầu trong quá trình hoạch định chính sách cả ở tầng lớp lãnh đạo lẫn trong quá trình thực thi (first line) yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Vai trò quan trọng của PLA ở tầng lớp vĩ mô có thể được mô tả như vai trò lãnh đạo định hướng, trong đó PLA tập trung vào việc đặt ra những chỉ đạo bao quát cho việc định hướng chính sách hơn là thực thi chính sách. Vai trò lãnh đạo của PLA được hình thành dựa trên sự quản lý thể chế trong việc giám sát các hoạt động đối ngoại liên quan đến quốc phòng.[3]

Đối với Bắc Kinh và đặc biệt là với PLA, việc Mỹ liên tục xâm nhập vào vùng lãnh hải 12 hải lý của các đảo do Trung Quốc chiếm đóng dưới danh nghĩa tự do hàng hải đang khiến cho nguy cơ đụng độ giữa các tàu chiến ngày càng tăng. Điều này đã góp phần vào quá trình quân sự hóa Biển Đông, khiến leo thang khả năng xảy ra xung đột giữa hai cường quốc hạt nhân. Những tranh chấp này đã nhanh chóng chuyển từ vấn đề ngoại giao/ lãnh thổ sang vấn đề an ninh quốc gia và an ninh quân sự.[4] Do đó trách nhiệm quản lý tranh chấp lại đặt nặng lên vai PLA.[5] Đến nay, thẩm quyền về kiểm soát tranh chấp được thực hiện một cách thiếu rõ ràng, nhưng nó sẽ được thực hiện công khai nếu Lầu Năm Góc đặt ra những thách thức đối với chủ quyền của Trung Quốc, ví dụ như không cho Trung Quốc quyền tiếp cận các đảo do Trung Quốc chiếm giữ.[6] Bài viết này mô tả vai trò trung tâm của PLA trong quá trình lãnh đạo về vấn đề Biển Đông của Trung Quốc, vai trò trung tâm này có thể là nhờ vào mối quan hệ mật thiết giữa PLA với ông Tập. Đồng thời, sự hậu thuẫn vững chắc của PLA đối với ông Tập cũng giúp ông Tập thực thi những điều chỉnh chính sách đối với Biển Đông. Thực tế, những động thái thô bạo của PLA trên Biển Đông như bồi lấp đảo đã định hình sự lãnh đạo quyết đoán của Tập Cận Bình trên Biển Đông. Về cơ bản, sự ủng hộ lẫn nhau đã đặt ra nền tảng cho PLA đảm nhận vai trò lãnh đạo định hướng trên Biển Đông. Bài viết sẽ làm sáng tỏ vai trò của PLA đối với ông Tập: động lực thay đổi và là nhân tố chủ động thực hiện các ưu tiên chính sách trong chiến lược Biển Đông mới của Tập Cận Bình.

PLA VÀ CHÍNH SÁCH BIỂN ĐÔNG CỦA TẬP CẬN BÌNH: HUNG HĂNG, BIỆN CHỨNG VÀ CÂN BẰNG

Nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm tái định hình chính sách Biển Đông của Trung Quốc đã minh họa cho sự lãnh đạo chính trị mang phong cách cá nhân riêng biệt của ông: kiên quyết và sẵn sàng chấp nhận rủi ro dựa trên tính toán cẩn thận.[7] Tuy nhiên, các động thái quyết đoán của ông Tập phản ánh sự biện chứng lãnh đạo được tạo ra bởi sự mạo hiểm về chính sách mà tất cả các lãnh đạo trên toàn thế giới đã phải đối mặt và vượt qua để ưu tiên thực hiện hành động và tránh các cuộc khủng hoảng.[8] Ông đã giữ vững lập trường kiên quyết của mình dưới những áp lực khủng khiếp từ trong nước và quốc tế. Ở trong nước, những hoạt động của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ có lẽ đã gây ra những lo ngại sâu sắc.[9] Ở bên ngoài, ông Tập vẫn luôn quyết đoán bất chấp vị thế tương đối yếu trước những áp lực ngày càng tăng từ phía Mỹ. Trong việc xử lý các cuộc xung đột về chủ quyền, dường như bắt chước Mao Trạch Đông, bất chấp rủi ro cao, ông Tập thi hành chính sách “bên miệng hố chiến tranh” để phủ đầu trước tất cả nguy cơ hành vi khiêu khích và tránh các cuộc đụng độ lớn để bảo vệ lợi ích quốc gia tổng thể của Trung Quốc.[10] Một chiến lược dân sự- quân sự mới trên Biển Đông, một chiến lược vừa tối đa hóa lợi ích cốt lõi đồng thời tránh đối đầu công khai, do đó đã trở nên rõ ràng.[11] Quyết định có toan tính của ông Tập về vụ bãi cạn Scarborough/ Hoàng Nham sẽ là minh chứng để củng cố sự hiểu biết về chiến lược bất đối xứng nhưng sự quyết đoán lại mang tính cân xứng của Trung Quốc. Ngoài việc giành được quyền kiểm soát thực tế đối với khu vực, các quan chức PLA còn gợi ý xây dựng các công trình vĩnh cửu trên các rạn san hô.[12]  Chủ tịch Tập Cận Bình đã bác bỏ đề nghị này nhằm ngăn chặn leo thang căng thẳng Trung Quốc – Philippines. Vào năm 2016, Bắc Kinh đã cam kết với ASEAN rằng nước này sẽ không tiến hành bồi lấp đảo trên Bãi cạn Scarborough và sẽ cho phép ngư dân Philippines quay lại khu vực bãi cạn để đánh bắt cá.[13]

Bồi lấp đảo: Một nhân tố thay đổi mang tính chiến lược?

Một mặt, Trung Quốc tự áp đặt ranh giới đỏ về các hành động quyết đoán trên Biển Đông để tránh gây ra sự can thiệp trực tiếp của Mỹ và sự đối đầu của ASEAN. Mặt khác, Trung Quốc cũng cảm thấy cần khẩn cấp đưa ra những động thái bảo vệ quyền lợi khi đối diện với điều mà Trung Quốc cho là các hành động cố ý của các nước yêu sách khác nhằm thay đổi nguyên trạng theo hướng có lợi cho mình.[14] Trong cuộc họp kín trước tuyên bố của tòa trọng tài hôm 12/7/2026, ông Tập đã kêu gọi thực hiện các hành động phủ đầu trên Biển Đông, “nếu không sự hiện diện của Trung Quốc trên Trường Sa qua thời gian sẽ trở nên trống rỗng và chỉ là những tuyên bố trên giấy.”[15] Tư tưởng và tâm lý về tình thế khẩn cấp này là một phần trong phong cách lãnh đạo đặc trưng của ông Tập, đối lập hoàn toàn với sự thụ động của những người tiền nhiệm trong vấn đề Biển Đông khi luôn để vấn đề này phụ thuộc vào các mối quan tâm chiến lược khác, đặc biệt là sự ổn định trong nước.[16] Do đó, thật hợp lý khi suy luận rằng, lối tư duy thực hiện một số quyết định quyết đoán trên Biển Đông của Tập đã đi chệch lời dạy của Đặng Tiểu Bình “gác tranh chấp để thế hệ tương lai giải quyết.”[17] Việc bồi lấp đảo và dự án khai thác dầu của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa năm 2014 là một minh chứng rõ ràng cho sự chuyển đổi chính sách Biển Đông của Tập Cận Bình.[18]

Lý do đằng sau việc bồi lấp đảo vẫn chưa được giải thích rõ ràng, và vẫn chưa rõ vì sao hoạt động này lại được đẩy nhanh và ở quy mô lớn như vậy. Rõ ràng, Trung Quốc có nhu cầu thực tế đối với hoạt động bồi lấp đảo: củng cố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh; củng cố các cơ sở phòng thủ; và để cải thiện sinh kế của người dân cư trú tại đây. Ví dụ, việc gián đoạn các tàu hậu cần tiếp tế vì mùa bão có thể được giải quyết nhờ vận tải hàng không. Một câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có cần thiết bồi lấp cả sáu thực thể ở Trường Sa hay không? Việc xây dựng ba đường băng dài rõ ràng là không thể hiểu nổi trong khi chỉ một đường băng cũng đã đủ để thực hiện tiếp tế hậu cần vì khoảng cách giữa các đảo là rất gần.

Kết quả là, quốc tế đã phản ứng hết sức dữ dội và để lại hậu quả lâu dài. Nếu quả thật Trung Quốc và Mỹ đã ngầm thỏa thuận để PLA không triển khai máy bay chiến đấu ra các đảo bồi lấp, đổi lấy sự kiềm chế của Mỹ trong việc thực hiện các hoạt động tự do hàng hải, tránh xa vùng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc, thì ba đường băng này càng không có nhiều giá trị thực tế trong thời bình. Khi có xung đột vũ trang, giá trị chiến đấu của ba đường băng này lại càng không chắc chắn, vì chúng rất dễ bị tổn thương, đặc biệt là trong phạm vi tấn công trực tiếp của các bên yêu sách khác, đó là chưa nói đến Mỹ.[19]

Bồi lấp đảo là một phần trong sự điều chỉnh chính sách Biển Đông của ông Tập nhằm đoạt lại những vùng đất đã mất vì sự thụ động trong quá trình hoạch định chính sách của những người tiền nhiệm. Thực tế, Trung Quốc đã tụt hậu so với các bên tranh chấp khác trong việc bồi lấp đảo, và là bên yêu sách duy nhất không có đường băng trên quần đảo Trường Sa tính đến cuối năm 2014. Nỗ lực bồi lấp đảo của Trung Quốc trong thời gian qua đã thay đổi đáng kể quy mô thực tế của các thực thể ở Trường Sa, vì thế gây nên sự chỉ trích rộng rãi về việc làm thay đổi nguyên trạng. Vì hoạt động bồi lấp đảo của Trung Quốc không làm thay đổi bản đồ chiếm đóng cũng như tình trạng pháp lý của yêu sách, nhưng nó lại thuộc dạng làm thay đổi nguyên trạng về chiến thuật. Bắc Kinh tiếp tục không tuyên bố đường cơ sở lãnh thổ và các điểm cơ sở của các đảo bồi lấp. Mặt khác một sự thay đổi chiến lược về nguyên trạng sẽ kéo theo sự thay đổi về bản đồ sở hữu các đảo hiện nay của sáu bên liên quan, có thể kéo theo một bên mới hoặc khiến tình trạng xấu hơn bằng cách đuổi người dân ra khỏi đảo. Và kịch bản này không nằm trong chương trình điều chỉnh chính sách Biển Đông của ông Tập để tạo ra một sự thay đổi mang tính chiến lược. Cho dù các hoạt động bồi lấp đảo của Trung Quốc là một biểu hiện ngày càng quyết đoán, Trung Quốc vẫn tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong chính sách Biển Đông của mình, đó là không thực hiện thuyết phục hồi lãnh thổ và không sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp. Bằng cách này, Trung Quốc đang gửi đi hai dấu hiệu quan trọng cả trong nước lẫn thế giới. Thứ nhất, Bắc Kinh đang phản ứng lại trong việc chấp nhận hiện thực được xem là một di sản không mấy có lợi, đó là nước cuối cùng chiếm đóng và xây dựng đường băng trên quần đảo Trường Sa, trong khi các bên yêu sách khác từ lâu đã mở đường băng trong khu vực. Thứ hai, cách tiếp cận của Trung Quốc đối với việc quản lý tranh chấp đã chuyển từ các biện pháp trả đũa đối với động thái của các bên tranh chấp khác sang hình thức kết hợp giữa các biện pháp đáp trả và phủ đầu. Vì tranh chấp Biển Đông đã chuyển sang cuộc tranh chấp về địa chính trị giữa các nước lớn, cho dù được xem là động thái chiến thuật, thách thức với Bắc Kinh là nó đã tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực về chiến lược đối với quan hệ Mỹ- Trung và quan hệ ASEAN- Trung Quốc.[20]

PLA và hoạt động bồi lấp đảo

PLA chắc chắn là bên đứng sau sự điều chỉnh chính sách Biển Đông của Tập Cận Bình, và PLA cũng là bên khởi xướng và thực thi hoạt động cải tạo đảo. Về cơ bản, PLA cũng từng tuân theo chính sách dân sự chung trên Biển Đông, cho dù biện pháp áp dụng còn khá miễn cưỡng. Ví dụ, PLA không phản đối việc Trung Quốc ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ASEAN năm 2002, Hiệp ước mà PLA coi là làm giảm tương quan sức mạnh quân sự giữa nước lớn và nước nhỏ, và làm giảm đáng kể rủi ro cho những nước nhỏ khi thách thức các nước lớn.[21] Do đó, cho dù tuân thủ mục tiêu tránh chiến tranh, PLA vẫn tiếp tục ủng hộ quan điểm cho rằng Trung Quốc nhất thiết phải thực hiện các động thái mang tính kiểm soát, phủ đầu, mở rộng và nhanh nhạy để bảo vệ lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và làm giảm áp lực an ninh bị dồn nén.[22] Thực tế, dưới thời Hồ Cẩm Đào, PLA đã một vài lần đề xuất rằng hoạt động bồi lấp đảo có ý nghĩa chiến lược quan trọng, nhưng đề xuất này luôn bị bác bỏ. Ông Tập chính là người bật đèn xanh cho đề xuất này, khi ông cũng có chung tư tưởng và sáng kiến chính sách với PLA.[23]

Từ góc độ quân sự, bồi lấp đảo đối với PLA là một nhiệm vụ bắt buộc để đảm bảo việc kiểm soát hiệu quả các chiến trường quan trọng trên Biển Đông. Sự thụ động của Trung Quốc trong việc khẳng định các quyền của mình trước đây có thể là do thiếu các thiết bị và năng lực phòng thủ cần thiết để triển khai trên Trường Sa. Kết quả là, tư thế phòng thủ của Hải quân Trung Quốc (PLAN) trên Biển Đông từng được cho là không tương xứng, đó là không đủ tính răn đe đối với các hoạt động xâm phạm vào chủ quyền của Trung Quốc của các bên yêu sách khác, do đó khiến sự phát triển nguồn lực và thực thi luật pháp của Trung Quốc trở nên kém hiệu quả, điều này được thể hiện rõ ràng qua cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 năm 2014, cũng như hai sự cố trước đây từng xảy ra trong khu vực đảo Tri Tôn năm 1996 và năm 2007. Mỗi khi Trung Quốc “động đậy” là Việt Nam lại càng cố gắng khai thác dầu trong các khu vực tranh chấp.[24] Cụ thể hơn, PLA đã không thể triển khai lực lượng chiến đấu trong khu vực quần đảo Trường Sa vì kích thước các thực thể quá nhỏ. Do đó, một đội nhỏ thủy quân lục chiến của PLA đã được triển khai để duy trì hoạt động giám sát và sự hiện diện theo công thức “tiền tuyến mỏng (quần đảo Trường Sa) nhưng hậu phương vững chắc (tỉnh Hải Nam)”. Tuy nhiên, vì quần đảo Trường Sa nằm cách xa các căn cứ hỗ trợ đảo Du Lâm và Tam Á nên gây khó khăn cho việc nhanh chóng hỗ trợ trong trường hợp xảy ra xung đột khẩn cấp. Vì không có sân bay, hải cảng cùng các thiết bị tác chiến điện tử khác, sự triển khai của PLA trong khu vực thiếu những trang thiết bị cần thiết và trở nên kém hiệu quả khi mở rộng từ phòng thủ đảo sang các vùng biển rộng lớn xung quanh các đảo vốn không hề có chiều sâu tác chiến.[25] Trước khi nhận được sự hỗ trợ từ quân tiếp viện, các đảo này phải là các cứ điểm tiền tiêu đủ khả năng thực hiện các hoạt động chiến đấu và tấn công cũng như phòng thủ trước những cuộc tấn công quy mô lớn, điều đó đòi hỏi phải mở rộng và củng cố các đảo này.

….

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

You Ji (JiYou@umac.mo) là Giáo sư Quan hệ quốc tế và Chủ nhiệm Ủy ban chính phủ và quản lý công tại Đại học Macau. Ông cũng là giảng viên danh dự tại Đại học New South Wales. Ông đã có bằng Tiến sĩ về Khoa học chính trị từ Đại học quốc gia Úc. Các mối quan tâm nghiên cứu của ông bao gồm cả quá trình hiện đại hóa quân sự, cải cách chính trị và kinh tế ở Trung Quốc, các tầng lớp chính trị cao cấp và chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Bài viết được đăng trên China: An International Journal, 2017.

Minh Thảo (dịch)

Văn Cường (hiệu đính)

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.


[1] Lyle J.Goldstein, “Năm con rồng khuấy động biển cả: Thách thức và cơ hội trong nâng cao năng lực thực thi hàng hải của Trung Quốc,” Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc bài số 5, Đại học chiến tranh hải quân Mỹ, 2010; Phillip C. Saunders và Andrew Scobell, eds, Ảnh hưởng của PLA trong quá trình hoạch định chính sách an ninh quốc gia của Trung Quốc (Stanford, CA: Stanford University Press, 2015).

[2] Linda Jakobson, Các nhân tố an ninh hàng hải không khó dự đoán của Trung Quốc, Dự án hàng hải Viện Lowy, 2014. Trong một hội nghị về Biển Đông do Viện nghiên cứu Grandview tổ chức ở Bắc Kinh vào ngày 9/12/2016, viện nghiên cứu này liên hợp với tầng lớp lãnh đạo về hàng hải và an ninh quốc gia của Trung Quốc. Hai nghiên cứu viên từ Cơ quan quản lý hàng hải nhà nước (SMA) và Grandview cho biết Nhóm nhỏ chỉ huy trung tâm về bảo vệ lợi ích hàng hải hiếm khi tổ chức các cuộc gặp với các cơ quan khác và mỗi cơ quan về hàng hải lại báo cáo thông qua hệ thống trực tiếp tới trung tâm.

[3] Li Mingjiang, “The PLA and China’s smart Quandary in Southeast Asia”, Journal of Strategic Studies 38, số 2 (2015): 359-82, và Do Ký, “The PLA and Diplomacy: Unrevealing Myths about the Military role in foreign policy-making”, The Joural of Contemporary China 23, số 86 (2014): 252-64.

[4] Về tự do hàng hải, tìm đọc Amitai Etzioni, “Freedom of Navigation Assertions: the United states, the World Policeman”, Armed Forces & Society, ngày 8/9/2015

[5] Các bản tin truyền thông cho biết tàu khu trục Yancheng của PLA đã tiến về phía tàu chiến duyên hải của Mỹ gần vùng lãnh hải 12 hải lý của các đảo trên Biển đông của TRung Quốc vào tháng 1/2017. Tàu Mỹ đã tránh vụ va chạm này. Xem “Military Observation Program”, Phoenix TV, ngày 18/1/2017.

[6] Lời phát biểu của Ngoại trưởng Rex Tilleron tại Phiên điều trần trước Thượng viện, Washington DC, tháng 12/2016.

[7] Do Ký, “China’s new supreme command and Xi Jinping’s political leadership,” trong cuốn China Entering the Xi Jinping era, Zheng Yongian và Lance Gore (Abingdon và New York: Routledge, 2015), tr. 59-72.

[8] Robert Tucker, Politics as Leadership (Columbia, MO: University of Missouri Press, 1995)

[9] Một số nhà chiến lược của Trung Quốc đã mô tả cách Trung Quốc xử lý các tranh chấp lãnh thổ là “thấu chi chiến lược”, điều họ lo lắng sẽ đưa đất nước vào một môi trường đầy rẫy các cuộc đối đầu. Ví dụ, hãy xem bài phát biểu của Shi Yinghong với tiêu đề “China’s Asian Strategy, Opportunities and Challenges” tại Viện ISEAS- Yusof Ishak, ngày 4/10/2016.

[10] Viện nghiên cứu chiến lược của Học viện Khoa học quân sự PLA, The Science of Military Strategy (Bắc Kinh: The PLA Academy of Military Science Press, 2013), trang 119.

[11] Đại tướng Zhang Yingli, Chiến lược an ninh quốc gia của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới (Beijing: The PLA National Defense University Press, 2014), tr.22-8.

[12] Lời bình luận của Chuẩn tướng Yin Zhuo cho News in Focus Today, CCTV-4, ngày 21/4/2012.

[13] Tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc- ASEAN 2016 diễn ra vào tháng 9/2016, Bắc Kinh cam kết sẽ không xây dựng thêm bất kỳ căn cứ nào trên các đảo nhỏ ở Biển Đông mà chưa có các thực thể nhân tạo, rõ ràng là ngụ ý bãi cạn Scarborough; xem Thông cáo chung Trung Quốc – ASEAN, ngày 7/9/2016; và “Việc ngư dân Philippines quay trở lại bãi cạn Scarborough không liên quan đến tòa trọng tài”, Hoàn Cầu, ngày 31/10/2016, tr. 15. Trong một tin vắn ngày 22/3/2017, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã thông báo tin Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng một trạm giám sát môi trường ở Bãi cạn Scarborough/ Hoàng Nham chỉ là tin đồn.

[14] Zhang, China’s National Security Strategy in the New Era, tr.96.

[15] Xem thêm Morning News, Phoenix TV, ngày 4/8/2016; Mingpao, ngày 4/8/2016; và Lianbe zaobao, ngày 5/8/2016.

[16] Sau khi Mỹ bắt đầu kích động căng thẳng Biển Đông trong chiến lược “Xoay trục sang châu Á”, Hồ Cẩm Đào đã hướng dẫn PLA nghiên cứu cách “tối đa hóa nỗ lực duy trì khoảng thời gian đầy cơ hội của Trung Quốc”; xem thêm Báo Quốc phòng Trugn Quốc, ngày 12/1/2012.

[17] Định hướng truyền thống này được Bộ trưởng Ngoại giao Zhang Zhijun bổ sung trong bài phát biểu tại Diễn đàn Blue Hull thứ tám ở Bắc Kinh ngày 27/12/2012. Tuy nhiên, từ năm 2013, tư duy này về Biển Đông hiếm khi được nhắc lại.

[18] Dự án dầu của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa có nghĩa là Trung Quốc sẽ không loại trừ việc khai thác và thăm dò các nguồn tài nguyên trên Biển Đông một cách đơn phương trong điều kiện cho phép; xem Li Guoqiang, “Policy Adjustment of SCS Oil and Gas exploration”, Guoji wenti yanjiu (Journal of International Studies), số. 6 (2014): 104–15.

[19] Mỹ đã đáp trả mạnh mẽ việc PLA hạ cánh máy bay vận tải Y-8 trên đáp trên Đá Vĩnh Thử Tiều để đón một công nhân bị thương vào tháng 4/2016. Điều này có thể được nhận ra sau sự chấp thuận giữa Mỹ và Trung Quốc. Lầu Năm Góc khẳng định rằng PLA đã tạo ra một tiền lệ để sử dụng các đường băng này vào mục đích quân sự. Mặt khác, PLA bại lập luận rằng việc hạ cánh Y-8 chỉ đơn giản là thử nghiệm để Không quân PLA sử dụng đường băng trong tương lai, xem Nhật báo Hoàn cầu, ngày 16/7/2016. Tháng 2/2017, các hoạt động trinh sát của Mỹ đã ba lần lấy cớ tiến vào vùng 12 hải lý của các đảo của Trung Quốc trong vòng một năm rưỡi, đó được coi là hành vi phô trương sức mạnh mang tính biểu tượng. Đối với các chuyên gia của Mỹ, chỉ cần vài đợt không kích hoặc tấn công tên lửa là đã có thể dọn sạch những công trình trên đảo này; xem Timothy heath, “Beijing Ups the Ante in south China sea Dispute with HQ-9 Deployment”, China Brief 16, số. 6, 28/3/2016.

[20] Irene Chan và Li Mingjiang, “New Chinese Leadership, New Policy in the SCS Dispute?”, Journal of Chinese Political Science 20, số. 1 (2015): 35–50.

[21] Major General LouYuan, “Americans, Keep Away from the sCs Dispute Management”, Global Times, 13/4/2015, tr. 14.

[22] The strategy Research Department of the PLA Academy of Military science, The Science of Military Strategy, tr. 110.

[23] Một trường hợp tương tự cũng xảy ra khi PLA đề xuất thiết lập Khu nhận dạng phòng không (ADIZ) vào năm 2013. Theo một bài phát biểu của một học giả Trung Quốc tại một hội thảo RSIS về chính sách đối ngoại của Trung Quốc được tổ chức vào tháng 11/2014, ông ta cho biết Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã phủ quyết đề án ADIZ hàng chục lần.

[24] Sheng Zhiping, “The Urgency for Building an effective Defense system for sCs Development”, Naval
and Merchant Ships, số. 7 (2014): 1. Trong ba sự cố với Việt Nam mà cả hai bên đều có đụng độ quân sự, Việt Nam đã hành động để ngăn giàn khoan dầu của Trung Quốc, và sau đó Trung Quốc đáp trả bằng biện pháp tự vệ.

[25] Lời bình luận của Đại tá Chen Jian trong chương trình TV The New National Defense Space, The Oriental TV (shanghai), 17/1/2017