Việc chế định và những diễn biến trong chính sách Biển Đông của Mỹ chịu ảnh hưởng của giới học thuật và 3 luồng trào lưu tư tưởng lớn của giới chính trị Mỹ đó là: Chủ nghĩa cô lập mới, chủ nghĩa trung lập và chủ nghĩa can thiệp. Cơ sở lý luận của những chính sách Biển Đông hiện nay của Mỹ là chủ nghĩa trung lập, nhưng trong những tranh luận về chính sách trong thời gian tới thì phái chủ nghĩa can thiệp đang tích tụ lực lượng và chủ nghĩa trung lập đang tìm biện pháp gây ảnh hưởng đến chính phủ lại không tham gia các chính sách. Chiều hướng mới này đã phản ánh sự thay đổi về mặt nhận biết, hoạch định và lựa chọn các đề tài thảo luận trong hội nghị của giới trí thức và giới chính trị Mỹ đối với chiến lược và sách lược địa-chính trị vùng biển nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đồng thời các chính sách Biển Đông của Mỹ cũng đã có chút điều chỉnh tương ứng. 


Nghiên cứu vấn đề Biển Đông từ góc độ an ninh và ngoại giao, giới học thuật và giới chính trị Mỹ không chỉ có lịch sử tương đối lâu dài, mà còn đưa ra rất nhiều trào lưu tư tưởng và các trường phái chính sách, đề xuất các phương án để cùng chính phủ (Trung Quốc) lựa chọn quyết sách. Nghiên cứu những trào lưu tư tưởng chính sách này và sự tác động lẫn nhau giữa các chính sách hiện nay của Mỹ sẽ giúp Trung Quốc hiểu được các trường phái học thuật và các tư tưởng chính sách trong các lĩnh vực tương quan của Mỹ từ những khía cạnh khác nhau, từ đó cũng có thể phát hiện ra những chiều hướng chính sách mới. Trên cơ sở nghiên cứu 3 luồng trào lưu tư tưởng lớn có ảnh hưởng đến chính sách Biển Đông của Mỹ, bài viết muốn phân tích những tư duy mới về chính sách xuất hiện gần đây ở Mỹ và ảnh hưởng của chúng đối với các chính sách về Biển Đông của Mỹ, chú trọng vào phân tích chiều hướng mới của những điều chỉnh nhỏ trong các chính sách của nước này. 


I- Ba trào lưu tư tưởng chính sách của Mỹ trong việc lý giải các tranh chấp Biển Đông 


Khu vực Biển Đông từng là vùng biển giằng co, tranh bá giữa Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, 2 nước lần lượt cho xây dựng các căn cứ hải quân ở Philíppin và Việt Nam. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, đặc biệt là từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, giữa Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á đã xuất hiện sự khác biệt trong việc thừa nhận về thân phận của mình. Do chịu ảnh hưởng của “hội chứng tổng hợp chiến tranh Việt Nam” nên từ sau những năm 80 của thế kỷ 20, dân chúng Mỹ bị rơi vào trạng thái “tự mình nghĩ lại ”sâu sắc, kịch liệt phản đối bất cứ một chính sách hoặc hoạt động nào của chính phủ đưa đến bối cảnh là cuộc Chiến tranh Việt Nam, từ đó làm nảy sinh tư tưởng cực đoan là “tránh xa khu vực Đông Nam Á”. Bên cạnh đó, tại khu vực Đông Nam Á, bất luận là các quốc gia bán đảo Trung Nam Á giành được độc lập hay các quốc đảo chủ yếu của ASEAN đều vui mừng trước cục diện hòa bình của khu vực, lòng tự tôn và tự tin dân tộc của họ đang lên cao độ, điều này rốt cuộc đã khiến Mỹ và Liên Xô lần lượt rút các lực lượng trên biển khỏi Philíppin và Việt Nam sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Các căn cứ hải quân của những nước lớn trong thời gian sau Thế chiến thứ 2 lần đầu tiên đã xóa đi đường chân trời mênh mông trên biển. Về vấn đề này, các nhà bình luận của chủ nghĩa hiện thực phương Tây phân tích cho rằng sau khi quân Mỹ rút khỏi khu vực Biển Đông đã xuất hiện một “khoảng trống quyền lực”, và hậu quả trực tiếp của nó là đã để cho Trung Quốc nhảy vào khỏa lấp khoảng trống này, từ đó đã xuất hiện cái gọi là “trạng thái mất cân bằng quyền lực”. Như vậy, từ những năm 90 của thế kỷ 20 đến nay, giới chính trị, giới quân sự và giới học thuật Mỹ luôn luôn tranh luận xem Mỹ cần phải soạn ra những chính sách như thế nào đối với khu vực Biển Đông? chính từ trong những tranh luận đó đã xuất hiện 3 trào lưu tư tưởng chính sách lớn tức chủ nghĩa cô lập mới, chủ nghĩa trung lập tích cực và chủ nghĩa can thiệp, chúng có ảnh hưởng đến các chính sách của Chính phủ Mỹ từ nhiều khía cạnh khác nhau. 


Một là, chủ nghĩa cô lập mới. Nó từng là lý luận và chủ trương chính sách có ảnh hưởng, thậm chí là chi phối các chính sách về ngoại giao và an ninh của Mỹ. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, một số nhân vật chính trị ở Mỹ lợi dụng tư tưởng phản đối chiến tranh xuất hiện trong xã hội Mỹ sau cuộc Chiến tranh Việt Nam, đưa ra chủ trương chủ nghĩa cô lập mới đó là thu hẹp các nghĩa vụ ở nước ngoài, “quay trở về nước Mỹ”. Đặc trưng cơ bản của trào lưu chính sách này là: về mặt an ninh, thực hiện một cuộc thu hẹp chiến lược; về mặt kinh tế, đảm bảo ưu tiên kinh tế trong nước. Điểm đặc sắc của lý luận này là, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, để đối đầu với Liên Xô và bảo vệ lợi ích quốc gia, Mỹ buộc phải nhảy vào khu vực Đông Nam Á, hậu quả là lại gây nên nhiều oán hận và bất mãn trong đối thủ và các đồng minh; ngày nay đối thủ chiến lược của Mỹ tại Đông Nam Á đã không còn, Mỹ cần phải rút hoàn toàn khỏi khu vực này để các quốc gia châu Á tự mình gánh vác trách nhiệm và nghĩa vụ tương ứng trong việc bảo vệ an ninh quốc phòng. Trong giới chính trị Mỹ, Joshep Gerson thuộc Đảng Cộng hòa là người đi đầu ủng hộ chủ nghĩa cô lập mới, rất nhiều học giả trong giới học thuật Mỹ cũng tích cực tham gia, từ đó đã gây ra các cuộc tranh luận quyết liệt về những lý luận và chính sách ở Mỹ. Charles A Kupchan – nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm của Ủy ban quan hệ đối ngoại Mỹ đã có bài chuyên luận dài trên tờ tập san “An ninh quốc tế”, chủ trương Mỹ “quay về lãnh thổ của mình”, không làm kẻ gánh vác sứ mệnh bảo vệ an ninh thế giới nữa. Đại khái, những người của chủ nghĩa cô lập mới phản đối Mỹ tham gia các sự việc ở Đông Nam Á, chủ trương quân Mỹ rút khỏi khu vực xung quanh Biển Đông thậm chí là cả quần đảo Nhật Bản, không tham dự vào các tranh chấp Biển Đông, đồng thời cho rằng những điều này cần phải trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của chính sách thu hẹp nghĩa vụ an ninh của Mỹ. 


Hai là, chủ nghĩa trung lập. Chủ yếu để chỉ những kiến nghị chính sách của “chủ nghĩa trung lập tích cực” do Scott Snyder nêu ra trong một bản báo cáo. Báo cáo với nhan đề “Tranh chấp Biển Đông: triển vọng của ngoại giao phòng ngừa” do phòng nghiên cứu hòa bình Mỹ chính thức ấn hành tại Oasinhtơn năm 1996. Trong báo cáo, Scott Snyder đã đưa ra 5 kiến nghị chính sách:

1- Ngoại giao phòng ngừa. Báo cáo chủ trương xử lý vấn đề Biển Đông phải áp dụng các biện pháp phòng chống xung đột ngay từ trước khi xung đột xảy ra, một khi xung đột xảy ra phải tìm cách ngăn chặn nó lan rộng ra ngoài. Tư tưởng chính sách này cơ bản giống với những nội dung của ngoại giao phòng ngừa và những kiến nghị đối sách của Liên Hợp Quốc.

2- Dưới sự chỉ đạo của những nguyên tắc luật pháp quốc tế, tích cực tìm kiếm con đường giải quyết chính trị. Báo cáo cho rằng Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc chính thức phê chuẩn “Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển” cần phải là một bước quan trọng trong việc thực hiện đàm phán giải quyết vấn đề Biển Đông. Báo cáo còn cho rằng do tính phức tạp của luật pháp nên việc muốn nhanh chóng giải quyết vấn đề Biển Đông bằng con đường pháp luật tạm thời chưa nhìn thấy triển vọng; tuy nhiên trong hiện thực, tìm được một biện pháp giải quyết chính trị 2 bên cùng có lợi là điều có thể, giải quyết chính trị là biện pháp thực tế duy nhất khả thi để giải quyết vấn đề phức tạp tranh chấp Biển Đông hiện nay.

3- Ủng hộ tư tưởng “gác lại những tranh cãi về chủ quyền, cùng nhau khai thác”, ủng hộ các quốc gia có liên quan thành lập một ủy ban hợp tác đa phương cùng nhau khai thác, điều hòa các tranh chấp Biển Đông, cùng nhau khai thác tài nguyên biển tại khu vực.

4- Chính sách mà chính phủ Mỹ cần áp dụng đó là: giữ lập trường trung lập trong các tranh chấp Biển Đông, kiên trì nguyên tắc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bằng phương thức hòa bình, Oasinhtơn cần phải khuyến khích các bên tranh chấp về Biển Đông giải quyết vấn đề này bằng phương thức ngoại giao, vấn đề Biển Đông có liên quan đến Trung Quốc, vì vậy Mỹ phải xử lý một cách thận trọng, tuyệt đối không được đi đầu, không được lộ diện, không được để vấn đề Biển Đông bị Mỹ hóa. Mỹ cần phải dùng phương thức ngoại giao mập mờ, mềm mỏng giúp đỡ các bên tranh cãi đàm phán giải quyết tranh chấp. Trong quá trình này, Mỹ cần phải kiên trì giữ lập trường trung lập, không được tham gia các tranh chấp.

5- Mỹ cần phải phát huy vai trò cân bằng, không bị cuốn vào cuộc tranh chấp và không tỏ rõ là mình chẳng làm nên trò trống gì. Mặc dù báo cáo không nêu rõ “mối đe dọa từ Trung Quốc”, nhưng đã chỉ ra rằng, đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy, Mỹ cần phải có năng lực can dự vào sự mất cân bằng quyền lực tại khu vực, cần phải với tư thế của “người cân bằng quyền lực” tiếp tục phát huy vai trò của mình tại khu vực này. 


Những kiến nghị chính sách mà báo cáo của Scott Snyder đưa ra trên thực tế đã trở thành cơ sở lý luận của những chính sách đối với vấn đề Biển Đông của Mỹ trong gần mười mấy năm trở lại đây, và có sức ảnh hưởng tương đối lớn đối với các quyết sách của Chính phủ Mỹ, thậm chí là ảnh hưởng đến chính sách Biển Đông hiện nay của Mỹ. Ví dụ, khi còn là trợ lý bộ trưởng quốc phòng thời Chính quyền Bill Clinton, Grengson từng nói rằng nội dung chủ yếu trong chính sách Biển Đông của Mỹ là “chủ nghĩa trung lập theo hướng tích cực”. Trong chuyến thăm Manila (Philíppin ) ngày
4/6/2009, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã phát biểu với báo giới rằng chính sách hiện nay của Mỹ là “không tham gia” các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên các đảo ở Biển Đông. Gần đây, từ những thái độ rõ ràng của các quan chức cấp cao Mỹ có thể thấy Chính phủ Mỹ vẫn chủ trương giữ chính sách không can thiệp của chủ nghĩa trung lập tại những nơi công khai. 


Ba là, chủ nghĩa can thiệp. Về mặt khái niệm, bài viết chỉ giới định nó là chủ trương chính sách chủ nghĩa can thiệp theo nghĩa rộng, chứ không phải là sự can thiệp vũ trang theo nghĩa hẹp. Học giả của phái này có 2 tư tưởng chính sách. Tư tưởng thứ nhất là “Học thuyết can thiệp vào luật lệ quốc tế”, đại diện là Mark J. Valencia. Trong những năm 80 của thế kỷ 20 khi còn điều hành dự án nghiên cứu “cùng nhau khai thác Biển Đông” tại trung tâm nghiên cứu Đông-Tây phương của Mỹ, Valencia từng đưa ra những đề xuất mang tính xây dựng về gác lại các tranh chấp, cùng nhau khai thác, nhưng hiện nay ông lại vô cùng bi quan cho rằng bất cứ phương án cùng nhau khai thác nào đều không thể thực hiện được. Từ giữa những năm 90 trở lại đây, trong các bài luận văn liên quan đến các chính sách Biển Đông của Mỹ, Valencia luôn kịch liệt phê phán chủ nghĩa trung lập và chính sách không can thiệp của Chính phủ Mỹ, ông cho rằng chính sách không can thiệp thực chất là một chính sách mơ hồ, ba phải. Ông chủ trương phải dùng luật lệ quốc tế để quy chế hóa các hành vi trên Biển Đông, áp dụng lý luận chủ nghĩa đa phương của trường phái luật lệ quốc tế của chủ nghĩa tự do mới làm cơ sở lý luận chính sách để xây dựng một trật tự quốc tế tại khu vực Biển Đông, đồng thời cho rằng Chính phủ Mỹ cần phải lấy nguyên tắc chủ nghĩa đa phương, mở cửa tiếp nhận, hợp tác khu vực để trợ giúp việc xây dựng trật tự quốc tế Biển Đông. Valencia từng đưa ra việc áp dụng cơ chế hợp tác quốc tế như phương thức Nam Cực (giải quyết các tranh chấp ở Nam Cực) để giải quyết các tranh chấp Biển Đông, kiến nghị xây dựng một “Sở khai thác Trường Sa”, thông qua việc gia nhập “Sở khai thác Trường Sa”, Mỹ sẽ can thiệp vào các sự việc ở Biển Đông, phát huy vai trò trọng tài của mình. Đây thực chất là để cho các lực lượng ngoài khu vực can dự vào vấn đề Biển Đông, làm cho vấn đề Biển Đông bị quốc tế hóa. Valencia còn viết bài nói việc Mỹ từ chối ký “Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển” là một điều ngu xuẩn, và chủ trương Mỹ ký công ước này là để lợi dụng danh nghĩa của một nước đã ký công ước tham gia cuộc chơi canh bạc trên Biển Đông, làm cho các tàu quân sự của Mỹ có thể hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế mà công ước quy định, đồng thời có thể tích cực can thiệp khi tại khu vực Biển Đông xuất hiện những hành vi trái với công ước. Mặc dù những phê phán của Valencia đối với các chính sách của Chính phủ Mỹ là vô cùng sắc sảo, hơn nữa cũng có ảnh hưởng nhất định ở trên thế giới, nhưng ảnh hưởng có hạn đối với các chính sách Biển Đông của Mỹ. 


Ngoài ra trong trào lưu tư tưởng của chủ nghĩa can thiệp còn có một phái quan điểm khác gọi là “Thuyết can thiệp tích cực”. Giám đốc dự án Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu Oasinhtơn, Richard Cronin, Phó giáo sư Peter A Dutton thuộc Học viện Hải quân Mỹ, nghiên cứu viên sở nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ Daniel Blumenthal là những người chủ đạo của tư tưởng học phái này. Quan điểm cơ bản của những nhân sỹ này có thể quy về mấy điểm sau:

 

1- Phê phán chính sách Biển Đông hiện hành của Mỹ là một chính sách tiêu cực. Họ cho rằng từ giữa những năm 90 trở lại đây, việc Mỹ không tham gia các tranh chấp Biển Đông đã làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của Mỹ và các nước liên minh châu Á của Mỹ, thậm chí bao gồm cả Việt Nam, chủ trương Chính quyền Obama cần phải tích cực tham gia các vụ việc trên biển Đông và Đông Nam Á.

2- Tuyên bố chủ trương của Trung Quốc về vùng nước có tính lịch sử trên Biển Đông là không phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn luật quốc tế hiện nay. Họ cho rằng các bằng chứng có hiệu lực về quyền cai quản đối với quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc có là không đủ, những quần đảo này không thuộc về Trung Quốc mà thuộc về đồng minh của Mỹ là Philíppin, quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam.

3- Chủ trương phân tích tranh chấp Biển Đông và tình hình an ninh khu vực từ bối cảnh địa-chính trị. Họ cho rằng việc Trung Quốc tăng cường năng lực quân sự trên Biển Đông làm cho sự cân bằng quyền lực khu vực nghiêng sang hướng có lợi cho Trung Quốc, Trung Quốc đã “quấy nhiễu ” các tàu khảo sát khoa học của Mỹ, đe dọa đến quyền tự do đi lại trên những tuyến đường quốc tế ở khu vực Biển Đông và an ninh ổn định khu vực, vì vậy Mỹ cần phải có một chiến lược dành riêng cho khu vực Biển Đông. Phái này cũng có thể gọi là phái chủ nghĩa chiến lược. 


Ba trào lưu tư tưởng trên đã đại diện cho cách tư duy và chủ trương chính sách của giới chính trị, giới quân sự và giới học thuật Mỹ đối với các chính sách Biển Đông. Ba trào lưu tư tưởng này đã phát huy vai trò, sức ảnh hưởng ở mức độ khác nhau đối với việc soạn ra và những diễn biến trong chính sách Biển Đông của Mỹ. Từ giữa những năm 90 trở lại đây, chủ nghĩa trung lập theo hướng tích cực là quan điểm chính sách chủ yếu mà chính phủ các khóa của Mỹ đã thực hiện. 


II- Đặc điểm cơ bản trong chính sách biển Đông của Mỹ 


Về vấn đề Biển Đông, trong một thời gian tương đối dài Mỹ luôn chấp hành theo quan điểm của “chủ nghĩa trung lập tích cực”, thực hiện chính sách không can thiệp. Trên thực tiễn ngoại giao, Mỹ cơ bản giữ quan điểm trung lập đối với bất cứ vấn đề nào có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ Biển Đông, không đứng về bất cứ một bên tranh chấp nào; Mỹ phản đối bất cứ hành động nào đe dọa đến hòa bình và ổn định khu vực Biển Đông, phản đối bất cứ bên nào sử dụng vũ lực giải quyết tranh chấp lãnh thổ. 


Trong quá trình thực hiện chính sách này, Mỹ cần phải quan sát 2 yếu tố cơ bản xem có phù hợp với lợi ích của Mỹ không, từ đó quyết định bước hành động tiếp theo: Thứ nhất, tuyến đường biển quốc tế khu vực Biển Đông liệu có đảm bảo an ninh và tự do đi lại hay không? Mỹ cho rằng việc bảo vệ tự do vùng biển chung và an ninh thông suốt tuyến đường biển quốc tế tại khu vực Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với việc giữ vững lợi ích quốc gia của Mỹ. Về mặt quân sự, các tàu chiến của hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ bao gồm các biên đội tàu sân bay thường xuyên đi lại qua khu vực Biển Đông đến biển Arập và khu vực vịnh Pécxích để chi viện cho quân đội Mỹ ở vùng Vịnh và các hành động quân sự tại khu vực Trung Đông. Về kinh tế, đây là con đường biển chủ yếu mà các thương thuyền của Mỹ qua lại. Vì vậy, việc đảm bảo an ninh tự do thông hành tuyến đường biển quốc tế ở Biển Đông là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong chính sách Biển Đông của Mỹ. Thứ hai, sau vụ tấn công khủng bố 11-9, môi trường an ninh khu vực Biển Đông còn phải phục vụ cho cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ muốn mở chiến trường chống khủng bố thứ 2 tại Đông Nam Á, chú trọng vào an ninh đi lại của vùng Biển Đông, coi đó là sự bảo đảm quan trọng để thúc đẩy thuận lợi cuộc chiến chống khủng bố. 


Nhìn tổng thể, chính sách Biển Đông của Mỹ kể từ những năm 90 trở lại đây có thể quy về mấy điểm sau: 


Đầu tiên, chính sách Biển Đông của Mỹ tách riêng việc bảo vệ an ninh tuyến đường quốc tế với vấn đề tranh chấp lãnh thổ các nước xung quanh Biển Đông ra làm hai. Trong vấn đề chủ quyền đảo Biển Đông, Mỹ và 6 nước, 7 bên xung quanh Biển Đông không tồn tại bất kỳ tranh cãi nào, Mỹ không có lý do gì để can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Biển Đông. Bên cạnh đó, Mỹ lại phải ra sức tìm lý do để bảo vệ quyền tự do đi lại tại khu vực Biển Đông, lợi dụng con đường biển quốc tế của vùng Biển Đông. Vì vậy, đồng thời với việc thực hiện các chính sách của chủ nghĩa trung lập, Mỹ luôn giữ thái độ có hành động cụ thể, tức là “chủ nghĩa trung lập tích cực”. Mỹ ủng hộ Trung Quốc và các nước ASEAN giải quyết các tranh chấp Biển Đông theo những quy định có liên quan của luật quốc tế, những yêu cầu về bảo vệ quyền tự do đi lại trên những tuyến đường quốc tế tại khu vực Biển Đông mà Mỹ chủ trương cũng cần phải tuân theo những quy định có liên quan của luật quốc tế. Ngoài những quy định đặc thù ra, căn cứ theo quy định của điều 87 và những điều có liên quan về tự do vùng biển chung và tuyến đường biển quốc tế của “Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển” thì thuyền bè và máy bay thông thường đều có quyền thông hành quá cảnh. Vì vậy, căn cứ theo luật quốc tế có liên quan, Mỹ hy vọng sẽ giành được quyền tự do đi lại trên tuyến đường biển quốc tế ở Biển Đông. Trung Quốc và các nước ASEAN dựa vào cách làm của luật quốc tế và những thông lệ quốc tế không đưa ra ý kiến phản đối nào về sự vận hành thông thường của các tàu bè vận tải Mỹ trên tuyến đường quốc tế, tương tự phù hợp với luật quốc tế và những chuẩn mực quốc tế. 


Thứ hai, Mỹ lợi dụng quyền tự do đi lại trên tuyến đường quốc tế, ý đồ muốn lấy danh nghĩa đo lường khoa học để thực hiện hoạt động gián điệp quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông. Mấy năm gần đây, các tàu tuần tra của Trung Quốc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra định kỳ bảo vệ chủ quyền tại vùng biển do Trung Quốc cai quản đã nhiều lần phát hiện các tàu chiến và tàu đo lường của Mỹ tiến hành hoạt động đo lường tại khu vực Biển Đông, những hoạt động này đã đe dọa nghiêm trọng an ninh và lợi ích biển quốc gia của Trung Quốc. Căn cứ theo luật pháp có liên quan đã ban bố, Trung Quốc đã tiến hành điều khiển, bảo vệ quyền cai quản của mình trong vùng đặc quyền kinh tế. Về vấn đề này, Mỹ cho rằng căn cứ theo những quy định của điều 95, 96 và khoản 2 điều 58, tàu chiến hoặc các thuyền bè được sự ủy quyền của Chính phủ Mỹ chưa được các quốc gia ven biển phê chuẩn có quyền được miễn trừ hoàn toàn. Vì vậy, về nguyên tắc, hoạt động đo lường quân sự của tàu thuyền Mỹ là được tự do, không chịu sự cai quản của các quốc gia ven biển. Một vài nước trên thế giới đã phản đối cách làm này của Mỹ. Có nước đang phát triển cho rằng việc tiến hành hoạt động đo lường quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế cần phải kiên trì nguyên tắc được sự đồng ý của các quốc gia ven biển, nếu chưa được sự cho phép thì không được tiến hành. Có học giả cho rằng Nhật Bản, Ấn Độ cũng phản đối nước khác tiến hành hoạt động đo lường quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế. Mỹ kiên trì hoạt động tại khu vực Biển Đông, đặc biệt là trong vùng đặc quyền kinh tế gần đảo Hải Nam của Trung Quốc, âm mưu thông qua hoạt động gián điệp trên biển thu thập các tin tức tình báo quân sự của Trung Quốc, tăng cường khả năng can thiệp của mình đối với khu vực Biển Đông.

 
Thứ ba, Mỹ quan tâm đến những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, tránh đối đầu với Trung Quốc. Chính sách Biển Đông của Mỹ không tỏ ra phản đối đối với chủ trương lãnh thổ của Trung Quốc, cũng không ủng hộ những nước liên quan sử dụng các biện pháp quá khích hoặc phương thức vũ lực để thay đổi hiện trạng hiện nay tại khu vực Biển Đông. Điều này cho thấy Mỹ hoàn toàn nhất trí với chủ trương chính trị trong “Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông” mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký năm 2002, tức là việc tranh chấp Biển Đông cần phải do các quốc gia chủ quyền trực tiếp có liên quan thông qua bàn bạc và đàm phán hữu nghị giải quyết bằng phương thức hòa bình. Cho nên nếu Mỹ kiên trì chính sách không can thiệp, về khách quan sẽ có lợi cho việc giữ vững hiện trạng khu vực Biển Đông, có lợi cho việc bảo vệ tình hình ổn định của khu vực Đông Nam Á và vùng biển liên quan. 


Căn cứ vào những phân tích trên, chúng ta có thể đạt được những gợi ý: chính sách biển Đông của Mỹ được soạn ra trên cơ sở cân bằng sức mạnh chính trị và các kiến nghị chính sách của các phái ở trong nước. Chính sách này lấy lợi ích quốc gia của Mỹ làm nguyên tắc, lấy việc tiếp tục phát huy vai trò “bánh xe cân bằng” của Mỹ làm chuẩn mực, trong đó vừa có ý đồ phòng ngừa “mối đe dọa từ Trung Quốc”, cũng là để đề phòng một số quốc gia xung quanh Biển Đông đưa ra những đòi hỏi quá mức không sát thực tế, từ đó phá hoại sự cân bằng khu vực hoặc phá vỡ hiện trạng. Chính sách Biển Đông hiện nay của Mỹ cho thấy Mỹ tương đối hạn chế trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ Biển Đông, là nhân tố tích cực không thể coi nhẹ, Trung Quốc phải dựa vào khi xây dựng chiến lược địa-chính trị.


III- Chiều hướng mới trong tư duy chính sách của Mỹ 


Một năm trở lại đây, trong các tranh luận về chính sách Biển Đông của Mỹ thì trào lưu tư tưởng chủ nghĩa can thiệp ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt khí thế của những người theo thuyết can thiệp tích cực đang rất cao. Họ đã đưa ra một vài tư duy mới nhằm thay đổi chính sách Biển Đông hiện hành của Mỹ, trong đó đã xuất hiện một vài chiều hướng mới khiến mọi người lo ngại. 


Trước tiên là ủng hộ Philíppin và Việt
Nam trong chủ trương lãnh thổ đối với các đảo ở Biển Đông. Mỹ không có bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào trong khu vực Biển Đông, không có chân trong các tranh chấp lãnh thổ với các nước xung quanh khu vực Biển Đông, đây là nội dung mang tính thực chất của chính sách chủ nghĩa trung lập không can thiệp của Mỹ. Tuy nhiên, những người theo thuyết can thiệp tích cực lại cố gắng sửa lại nội dung mang tính thực chất này. Giám đốc trung tâm nghiên cứu châu Á Quỹ tiền tệ truyền thống Mỹ Walter Lohman tuyên bố, Mỹ nên kiên định ủng hộ Philíppin trong yêu cầu chủ quyền đối với các quần đảo Trường Sa. Một năm trở lại đây, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Jim Webb đã nhiều lần công khai đề xuất rằng Mỹ nên đứng về phía Philíppin và Việt Nam trong vấn đề lãnh thổ. Ngày 11 tháng 6 năm 2009, trong cuộc điều trần của Ủy ban đánh giá về kinh tế và an ninh Mỹ-Trung của Quốc hội Mỹ, ông đã giải thích một cách không chính xác trong văn bản đệ trình rằng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc về Philíppin và Việt Nam. Ngày 15 tháng 7 năm 2009, khi chủ trì cuộc điều trần của Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện Mỹ, Jim Webb đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trong việc tiến hành “mở rộng lãnh thổ” ở khu vực Biển Đông, đồng thời nói rằng ông “cảm thấy vô cùng lo ngại” trước việc Trung Quốc đưa ra yêu cầu lãnh thổ đối với đảo Điếu Ngư, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ngày 19 tháng 8 năm 2009, trong chuyến thăm Việt Nam, Jim Webb đã không giấu giếm bày tỏ nước Mỹ cần phải đứng về phía Việt Nam trong vấn đề tranh cãi lãnh thổ Biển Đông. Nếu nói việc Mỹ lên tiếng ủng hộ đồng minh châu Á - Philíppin của mình còn có thể hiểu được, vậy thì việc Mỹ đứng về phía Việt Nam trong vấn đề lãnh thổ quần đảo Hoàng Sa thì thật là một chuyện lạ, chưa có tiền lệ, trước nay chưa từng thấy. Ngoài Jim Webb, các quan chức cấp cao Mỹ khác gần đây cũng liên tiếp sang thăm Việt Nam , chiều hướng này rất đáng được quan tâm. Trong chuyến thăm Việt Nam, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa McCain, hy vọng Việt Nam xích lại gần các nước đồng minh và các nước có mối quan hệ hữu nghị với Mỹ quanh khu vực Biển Đông, yêu cầu mối quan hệ Mỹ-Việt cần phải tăng cường hơn nữa nhằm ứng phó với “thách thức mới về an ninh” mà Trung Quốc đặt ra tại khu vực Biển Đông. Ngày 29 tháng 8 năm 2009, trong chuyến thăm Hà Nội, Đại sứ tiền nhiệm Mỹ tại Việt Nam Raymond Burghardt đã nói bừa rằng Mỹ và Việt Nam có lợi ích chiến lược chung trong việc giữ vững sự cân bằng sức mạnh quân sự trong khu vực, kiềm chế sự mở rộng thế lực của Trung Quốc. Những người này sở dĩ theo đuổi, cổ vũ Việt Nam là nhằm mục đích lôi kéo Việt Nam , kiềm chế Trung Quốc. 


Thứ hai, nghi ngờ về độ tin cậy và mức an toàn cho tàu thuyền tự do đi lại trên tuyến đường quốc tế trên Biển Đông. Lâu nay, bất kể là các nước ASEAN hay Trung Quốc đều là những quốc gia giữ gìn an ninh cho tuyến đường biển chung tại khu vực Biển Đông, Chính phủ Mỹ cũng không có ý kiến nào khác đối với điều này. Giờ đây, những người theo thuyết can thiệp tích cực rêu rao rằng Trung Quốc đang “đe dọa” sự tự do của vùng biển chung và sự tự do đi lại của tàu thuyền trên tuyến đường biển chung khu vực Biển Đông. Họ nêu ra lý do rằng: việc Trung Quốc dựa vào bộ luật trong nước “luật lãnh hải và vùng tiếp giáp” (năm 1992) để giải quyết vấn đề quy thuộc các đảo trên Biển Đông thuộc chủ quyền của mình, đã xâm phạm chủ quyền của Philíppin - nước đồng minh của Mỹ; Trung Quốc dựa vào “vùng đặc quyền kinh tế và bộ luật về thềm lục địa” (1998) để quy định tàu thuyền nước ngoài (bao gồm cả tàu quân sự) khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế để tiến hành khảo sát khoa học bắt buộc phải thông báo trước, điều này là không phù hợp với các quy định liên quan về quyền tự do trên vùng biển chung và tuyến đường biển quốc tế được quy định trong luật quốc tế và theo thông lệ, cản trở quyền đi lại một cách vô hại của các tàu quân sự Mỹ trong vùng đặc quyền kinh tế. Những lý do này mặc dù vô cùng hoang đường, nhưng đã lộ rõ ý đồ khăng khăng đòi sửa đổi chính sách hiện hành của Mỹ. 

Thêm nữa, họ đã bịa đặt rằng Trung Quốc đã soạn ra “chiến lược ngăn chặn và phong tỏa khu vực”. Một vài năm trước, giới quân sự Mỹ từng nêu rõ Trung Quốc đang thực thi “chiến lược ngăn chặn”, tuyên bố rằng hải quân Trung Quốc cần phải đuổi tàu chiến của Mỹ ra khỏi khu vực Biển Đông và vùng biển khu vực Đông Á. Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu hải quân Mỹ, thiếu tướng đã nghỉ hưu Michael McDevitt đã bổ sung thêm rằng chiến lược của Trung Quốc không chỉ là “chiến lược chống thâm nhập” của một binh chủng Hải quân, mà có sự phối hợp hành động của các binh chủng khác nhằm vào Mỹ. Ngoài Hải quân Trung Quốc ra, Không quân Trung Quốc và lực lượng pháo binh số 2 cũng sẽ hiệp đồng tác chiến, liên hợp ngăn chặn Hải quân Mỹ tiến vào vùng biển Đông Á. Vì sao những người theo thuyết can thiệp tích cực lại muốn thổi phồng lực lượng quân sự Trung Quốc như vậy? 10 năm trước, học giả Mỹ Robert Ross từng phát biểu rằng khả năng quân sự của Trung Quốc không đủ để tác chiến ở khu vực Biển Đông nằm cách xa đại lục, Trung Quốc không thể đối phó được với lực lượng Hải quân và Không quân của các nước như Xinhgapo, Malaixia và Inđônêxia, vì họ có các vũ khí tối tân nhập khẩu từ Mỹ và Anh, những nước này cũng vì thế mà có thể chiếm lĩnh các đảo ở Biển Đông mà không phải lo lắng gì cả. Nhưng ngày nay tình thế đã khác, người Mỹ cho rằng sự lớn mạnh về thực lực kinh tế và quân sự của Trung Quốc đã làm thay đổi sự cân bằng quyền lực khu vực, sự kiện dấu mốc là vào ngày 26 tháng 12 năm 2008, biên đội Hải quân Trung Quốc vượt qua Biển Đông tới vịnh Aden làm nhiệm vụ chống hải tặc. Về quy mô, mặc dù biên đội Hải quân Trung Quốc không thể sánh với đội tàu khổng lồ do Trịnh Hòa dẫn đầu cách đây 500 năm, nhưng lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc đi viễn chinh nơi xa xôi thực sự là một bước đột phá, khiến các học giả Mỹ vô cùng kinh ngạc, cho rằng đội tàu Trung Quốc ra khỏi eo biển Malắcca, tới Ấn Độ Dương làm nhiệm vụ hộ tống tàu thuyền đã thể hiện Hải quân Trung Quốc có đủ tự tin và năng lực. Các học giả Mỹ cho rằng Hải quân Trung Quốc ngày càng hùng mạnh, thực sự là một nguy cơ đối với Mỹ, các nước đồng minh và các nước có mối quan hệ hữu nghị với Mỹ, Mỹ cần phải triển khai cạnh tranh quân sự với Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh truyền thống. Có thể dự báo, Mỹ sẽ đầu tư nhiều nhất đến mức có thể nguồn tài nguyên quân sự của mình vào khu vực này, duy trì lực lượng hải quân hùng hậu, đảm bảo chắc chắn ưu thế tương đối quyền lợi trên biển, ngăn chặn bất cứ nước lớn nào thách thức vị thế chủ đạo trên biển, bảo đảm chắc chắn quyền làm chủ trên biển của quốc gia này. 


Việc những người theo thuyết can thiệp tích cực đưa ra tư duy mới trong chính sách Biển Đông của Mỹ đã thể hiện rõ tư duy chủ nghĩa bá quyền của Mỹ vẫn rất mạnh, Mỹ cần phải tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo và chi phối của mình tại vùng biển khu vực Đông Nam Á. Phân tích từ việc hình thành những người theo thuyết can thiệp tích cực có thể thấy họ không phân biệt rõ ranh giới Chính đảng, vừa có người theo phái bảo thủ, vừa có người theo Đảng Dân chủ, thế lực này chủ yếu gồm thành phần tri thức trong giới quân sự Mỹ, nghị sĩ phái Diều hâu và một bộ phận học giả Mỹ. Những người này dùng lời lẽ đanh thép phê phán mạnh mẽ chính sách hiện hành của Mỹ, có thể nói rằng điều này rất hiếm thấy trong quá trình phát triển chính sách Biển Đông của Mỹ. Từ tình hình hiện nay cho thấy xu hướng chính sách mà chiều hướng mới này biểu hiện đang ảnh hưởng tới chính sách Biển Đông của Mỹ, chính sách hiện hành của Mỹ đã xuất hiện dấu hiệu có chút điều chỉnh. 


Thứ nhất, trong những phát biểu công khai có liên quan tới vấn đề Biển Đông của các quan chức Chính phủ Mỹ, đã bắt đầu xuất hiện những ý kiến xa rời chính sách hiện hành. Thể hiện chủ yếu ở hai nội dung trọng tâm có liên quan tới chính sách Biển Đông của Mỹ, một là có ý định đứng về phía Philíppin và Việt Nam trong vấn đề lãnh thổ, điều này dường như đang âm thầm thay đổi lập trường trung lập “không thiên vị”. Ngày 15 tháng 7 năm 2009, tại cuộc điều trần của Thượng viện, Trợ lý Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Scher đã tuyên bố chủ trương lãnh thổ mà Trung Quốc đề ra đối với khu vực Trường Sa và Hoàng Sa còn tồn tại nhiều tranh cãi, không được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Những điều mà Scher nói ra tại cuộc điều trần đã đi ngược lại chính sách mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã trình bày ngày 4 tháng 6 tại Philíppin. Hai là cho rằng quyền tự do đi lại của tàu thuyền Mỹ trên tuyến đường biển quốc tế khu vực Biển Đông đã nảy sinh một số vấn đề. Trong cuộc điều trần của Thượng viện ngày 15 tháng 7, quan chức Cục phụ trách các công việc ở Đông Á Thái Bình Dương của Quốc hội Mỹ, Đại sứ Scott Skiles đã bày tỏ một cách rõ ràng rằng quyền tự do đi lại của các tàu thuyền trong khu vực Biển Đông đang bị đe dọa. Nói chung, khác với các học giả hay các nghị sĩ, đối với các quan chức Chính phủ Mỹ, những phát biểu công khai hay những lời lẽ chứng cứ của họ không thể xa rời chính sách hiện hành, nếu như xuất hiện những phát ngôn hay diễn thuyết sai lệch, mà sau đó không được kịp thời cải chính, chứng tỏ chính sách của chính phủ đã có những điều chỉnh hoặc ít nhất cũng có những điều chỉnh nhỏ. 


Thứ hai, giới quân sự Mỹ lợi dụng cuộc chiến chống khủng bố để xây dựng một vòng vây chiến lược xung quanh Biển Đông, kiềm chế Trung Quốc. Năm 2004, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Admiral Thomas B.Fargo đã nêu ra “Sáng kiến an ninh hải quân”, đề nghị Mỹ cử Hải quân lục chiến hoặc lực lượng đặc nhiệm tới eo biển Malắcca khu vực Biển Đông để đẩy mạnh hoạt động chống khủng bố ở khu vực này. Sáng kiến này vừa mới đưa ra đã khiến các quốc gia xung quanh Biển Đông khiếp sợ, và cũng do bị nghi ngờ là đã xâm phạm chủ quyền của các quốc gia có liên quan, nên lập tức bị Malaixia và Philíppin phản đối. Mỹ không vì thế mà dừng lại, đang thúc đẩy kế hoạch tiến quân chiếm đóng Biển Đông, sách lược của họ là thông qua phương thức hợp tác an ninh song phương, tăng cường hợp tác trong công việc bảo vệ an ninh quốc gia với các nước xung quanh khu vực Biển Đông. Ví dụ, từ tháng 6 năm 2005 Mỹ cùng với các quốc gia Đông Nam Á bắt đầu một loạt các cuộc diễn tập chống khủng bố song phương trên biển, chúng được cho là một phần trong kế hoạch diễn tập quân sự hàng năm mang tên “hổ mang vàng”. Trong cuộc diễn tập liên hiệp trên biển khu vực Biển Đông giữa Mỹ và Xinhgapo, hai bên đã điều 15.000 quân, trong đó bao gồm lực lượng không quân của Hải quân, một tàu ngầm và 12 tàu mặt nước tham gia. Sau đó, Hải quân Mỹ còn lần lượt tiến hành diễn tập quân sự song phương trên biển với một số nước như Malaixia, Thái Lan, Brunây, Inđônêxia. Từ đó có thể phân tích giới quân sự Mỹ lợi dụng cơ hội chống khủng bố, dùng phương thức an ninh truyền thống, tăng cường sự hiện diện quân sự của bản thân ở xung quanh khu vực Biển Đông và toàn khu vực Đông Nam Á, tại phía đông Trung Quốc men theo phần phía nam đảo Okinawa Nhật Bản, tiếp giáp với Philíppin, dọc theo Inđônêxia và Xinhgapo, tới thẳng vịnh Siam, với ý đồ xây dựng một vòng vây chiến lược quân sự xung quanh khu vực Biển Đông. Điều này đã làm cho tình hình an ninh ở khu vực này ngày càng phức tạp, các nhân tố không xác định về an ninh xung quanh Trung Quốc gia tăng hơn nữa. 


Thứ ba, từ góc độ “chiến tranh phi quy tắc”, giới quân sự Mỹ chủ trương tăng cường sử dụng, phối hợp xây dựng vòng vây chiến lược tại Biển Đông. Trong thuật ngữ về an ninh của Mỹ không có khái niệm “an ninh phi truyền thống”, mà là lựa chọn thuật ngữ “chiến tranh phi quy tắc” để diễn tả các hoạt động quân sự an ninh phi truyền thống tương ứng. Trong 5 năm trở lại đây, Hải quân Mỹ ngày càng tăng cường triển khai chiến tranh phi quy tắc trong các lĩnh vực phi quân sự, ví dụ năm 2004 trong thời gian sóng thần ở khu vực Đông Nam Á, quân Mỹ đã huy động tàu sân bay USS Lincoln CVN-72 tới tham gia cứu trợ nhân đạo, được Inđônêxia và khu vực Đông Nam Á rất hoan nghênh. Ngoài ra, Mỹ còn cử tàu khu trục hiện đại đi làm nhiệm vụ chống cướp biển, kiềm chế các hoạt động phi pháp trên biển. Từ văn kiện “chiến lược hợp tác các quyền về biển thế kỷ 21” mà giới quân sự Mỹ vừa mới công bố có thể thấy Mỹ ngày nay nhấn mạnh việc áp dụng các quyền về biển cần phải chú trọng sử dụng “quyền lực mềm” một cách khôn khéo, học hỏi được cách ủng hộ chủ nghĩa nhân đạo từ trên biển, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hải quân Mỹ có sự bổ sung và đổi mới nội dung chiến lược các quyền về biển của mình, từ chỗ chỉ chú trọng các hoạt động quân sự an ninh truyền thống trên biển như trước kia, nay mở rộng tới việc ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Từ tháng 5 tới tháng 8 năm 2009, Mỹ đã cùng với các nước Philíppin, Xinhgapo, Inđônêxia, Malaixia, Thái Lan lần lượt tổ chức “tập trận chung Carat” hàng năm, trong đó trọng điểm là tiến hành các hoạt động chiến tranh phi quy tắc, có ý đồ kiềm chế Trung Quốc trong việc thúc đẩy hợp tác an ninh phi truyền thống với các nước ASEAN ở khu vực Biển Đông. Trong hàng loạt các cuộc diễn tập quân sự song phương “phi quy tắc” này, lần đầu tiên Mỹ cùng Xinhgapo tiến hành diễn tập hiệp đồng tác chiến tàu ngầm, chuyên gia phòng vệ an ninh trên biển của Mỹ Sam Beckman cho rằng cuộc diễn tập đã nâng cao khả năng hiệp đồng gìn giữ hòa bình, cứu trợ nhân đạo, chống hải tặc trên biển của quân đội hai nước. Từ góc độ chiến tranh phi nguyên tắc, Mỹ tăng cường các hoạt động trên biển, phối hợp xây dựng vòng vây chiến lược tại Biển Đông với mục đích kiềm chế Trung Quốc.

 
IV- Kết luận 


Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, Mỹ thực thi chính sách trung lập không can dự trong các vấn đề Biển Đông. Một năm trở lại đây, chính sách của những người theo thuyết can thiệp tích cực hô hào ngày càng mạnh mẽ, chính sách Biển Đông hiện hành của Mỹ đã có dấu hiệu điều chỉnh nhỏ. Trong bối cảnh Mỹ “quay lại” Đông Nam Á, quân Mỹ tăng cường các hoạt động quân sự trong khu vực Biển Đông, bắt đầu khóa chặt và lần tìm dấu vết các hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, rất chú trọng xu thế phát triển tàu ngầm giảm tiếng ồn của Trung Quốc, quan tâm tới hướng phát triển của tên lửa đạn đạo chống hạm. 


Nếu như sau khi “quay lại” Đông Nam Á, Mỹ thay đổi lại chính sách Trường Sa hiện hành của mình, can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ Trường Sa, Hoàng Sa, việc giải quyết vấn đề Biển Đông sẽ càng khó khăn, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi, giữ vững sự ổn định ở khu vực Biển Đông của Trung Quốc sẽ càng thêm nặng nề. Trước mắt, trong mấy chục đảo nổi ở khu vực Trường Sa, Trung Quốc chiếm 7 đảo trong đó có đảo Vĩnh Thử, Đài Loan chiếm đảo Thái Bình-đảo lớn nhất khu vực này, số còn lại do các nước Philíppin, Việt
Nam , Malaixia chiếm giữ. Các nước này không chỉ hợp tác với công ty Mỹ để khai thác nguồn tài nguyên dầu khí tại Biển Đông, mà còn mở rộng đánh bắt các loại cá, thăm dò khai thác các nguồn tài nguyên biển khác. Điều này đã gây tổn hại tới lợi ích kinh tế biển của Trung Quốc. Chính quyền Obama đã quan tâm tới Đông Nam Á còn hơn cả Chính quyền Bush, đã chính thức tham gia “Hiệp ước hợp tác hữu nghị Đông Nam Á”, phục hồi hoàn toàn mối quan hệ hợp tác ngoại giao và an ninh với ASEAN. Chính quyền mới của Mỹ đặc biệt coi trọng vị thế và vai trò của Philíppin trong các vấn đề an ninh khu vực. Ngày 30 tháng 7 năm 2009, trong buổi gặp mặt Tổng thống Arroyo tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã coi Philíppin là nước điều hòa mối quan hệ giữa Mỹ và Đông Nam Á. Nghị sĩ Quốc hội Mỹ Webb đã nhiều lần yêu cầu chính phủ ủng hộ những đòi hỏi lãnh thổ của Philíppin và Việt Nam ở khu vực Biển Đông. Điều này không những làm tăng tính quốc tế vấn đề Biển Đông, mà còn phát ra những thông tin sai lệch cho các nước xung quanh khu vực Biển Đông, khiến các nước này sai lầm cho rằng Mỹ sẽ thay đổi chính sách không can thiệp, ủng hộ những đòi hỏi về lãnh thổ của họ. Vì thế, từ sự “quay lại” khu vực Đông Nam Á của Mỹ, mức độ khó khăn để giải quyết vấn đề tranh chấp các đảo ở khu vực Biển Đông sẽ ngày càng tăng lên. 


Sự thay đổi và không thay đổi trong chính sách Biển Đông của Mỹ cần phải kết hợp với toàn bộ chiến lược châu Á-Thái Bình Dương để phân tích. Về cơ bản, chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ là phải duy trì và tăng cường vị thế lãnh đạo của Mỹ, ngăn chặn sự xuất hiện các nước lớn ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á thách thức vị trí bá chủ của Mỹ. Chính sách Biển Đông đầy biến động của Mỹ cũng nhất thiết phải đi theo chiến lược lớn châu Á-Thái Bình Dương này. Lâu nay, chiến lược an ninh châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ có đặc điểm là luôn phòng ngừa, kiềm chế Trung Quốc, điều này cũng là nguyên nhân căn bản duy trì hiện trạng tình hình an ninh châu Á-Thái Bình Dương hiện nay. Nhưng cho dù vào thời kỳ căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh, Mỹ cũng không dễ dàng can thiệp vào tranh chấp trong vấn đề lãnh hải và các đảo giữa Trung Quốc với các nước khác. Mỹ đã từng cảnh báo rằng nếu vì eo biển Đài Loan đòi độc lập mà nảy sinh xung đột quân sự thì Mỹ cũng sẽ không can dự vào. Mỹ ý thức rất rõ ý chí kiên định bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc. Nhưng trong chế độ chính trị Mỹ, Thượng viện và Hạ viện cũng có vai trò khống chế nhất định đối với các hoạt động của chính phủ, hệ thống lập pháp cũng có sức ràng buộc với các hoạt động của chính phủ, dẫn tới sự vận hành của chính phủ phải chịu nhiều áp lực. Dưới áp lực này, các nhà lãnh đạo đã căn cứ vào tình hình thực tế, rất có khả năng sẽ có những điều chỉnh nhỏ đối với chính sách hiện hành. Còn về việc liệu Chính phủ Mỹ có lập tức tiến hành thay đổi một cách dứt khoát đối với chính sách Biển Đông hay không, trước mắt vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn. Chính quyền Obama ủng hộ việc Trung Quốc và Mỹ thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược, cho rằng trong khoảng thời gian dài của hiện tại và tương lai, hai nước Trung Quốc và Mỹ có nhiều lợi ích chung, với tư cách là hai nền kinh tế lớn, Trung Quốc và Mỹ đã hình thành nên mối quan hệ phụ thuộc vào nhau chưa từng có trong lịch sử, đã tới mức khó có thể tách rời. Ngoại trưởng Mỹ Hillary nói, thời đại dùng quyền lực để cân đo quan hệ khu vực đã qua rồi, việc cạnh tranh công bằng, theo đuổi cục diện hai bên cùng thắng sẽ định hướng xu thế hợp tác của hai nước trong tương lai. Mặc dù những lời này đầy tính chất ngoại giao, nhưng trong đó lại hàm chứa tinh thần hòa bình, phát triển và hợp tác rất có lợi cho Trung Quốc. Không thể phủ nhận rằng nước Mỹ vẫn theo đuổi sự cân bằng quyền lực trên toàn cầu và ở khu vực châu Á, đúng như Đặng Tiểu Bình từng nói, đối với điều đó chúng ta chỉ cần làm được “những gì đã dự kiến trước trong lòng” là được. Làm thế nào để thấu hiểu và tôn trọng những đòi hỏi cân bằng của người Mỹ, đổi lấy sự thừa nhận và tôn trọng của người Mỹ đối với sự toàn vẹn lãnh hải, lãnh thổ và chủ quyền của mình, Trung Quốc cần phải nắm chắc cơ hội, tăng cường và đổi mới việc vận trù chính sách ngoại giao. Chính sách Biển Đông của Mỹ theo thời gian sẽ có sự biến đổi, Chính quyền Obama có khả năng đưa ra một số điều chỉnh nhỏ đối với chính sách Biển Đông, nhưng cũng không thể hoàn toàn chấp nhận chủ trương chính sách của những người theo thuyết can thiệp tích cực. Từ đó có thể phán đoán rằng Chính quyền Obama sẽ tiếp tục giữ chính sách trung lập không can thiệp vào tranh chấp các đảo trên Biển Đông. 

 


Mặc dù vậy, Trung Quốc cũng không được lơ là. Việc Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ ở khu vực Biển Đông là một trong những mặt quan trọng đe dọa an ninh của Trung Quốc đến từ biển trong cục diện quốc tế đầy biến động kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mỹ cùng các nước liên minh ở châu Á-Thái Bình Dương và các nước liên minh trung thành như Nhật Bản, Ôxtrâylia, Hàn Quốc, Philíppin, Xinhgapo, Inđônêxia, Ấn Độ khống chế toàn bộ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, quyết không dễ dàng bỏ qua vùng Biển Đông nằm giữa hai đại dương này. Một mặt, hệ thống quốc tế và trật tự an ninh khu vực lấy nước Mỹ làm chủ đạo cùng với Trung Quốc theo đuổi sự phát triển hòa bình, láng giềng hữu nghị, ngoại giao đa phương, hợp tác cùng tồn tại, nhưng mặt khác lại có sự mâu thuẫn về quan niệm giá trị và chế độ chính trị. Mỹ xác định Trung Quốc là “bên tham gia có lợi”, nhưng đồng thời cũng coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược tiềm tàng. Mỹ cho rằng một nước Trung Quốc hùng mạnh tất yếu phải từ một quốc gia đại lục, một nhà nước biển mang tính khu vực, trở thành nhà nước biển mang tính toàn cầu, cạnh tranh với Mỹ về quyền làm chủ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Mỹ tăng cường khóa chặt vòng đảo thứ nhất, củng cố vòng đảo thứ hai mà đảo Guam là trung tâm, tăng cường răn đe đối với Trung Quốc. Mỹ và các đồng minh thiết lập cơ chế an ninh trên biển Tây Thái Bình Dương chủ yếu là nhằm vào Trung Quốc. Nguy cơ đối với an ninh Trung Quốc là từ phần biển phía đông, bao gồm cả khu vực Biển Đông. Trong bối cảnh đang phải đối mặt với các nguy cơ trong khu vực Biển Đông, Trung Quốc có đầy đủ lý do để tăng cường trang thiết bị quân sự, nâng cao khả năng răn đe quân sự./.