Trung Quốc có những tham vọng lớn liên quan đến chủ nghĩa xét lại ở Đông Nam Á, bao gồm thiết lập lại cấu trúc an ninh khu vực hiện hành, tái định hình chiến lược và các thể chế an ninh, chính trị khu vực hiện tại, xét lại các quy tắc và chuẩn mực đang điều chỉnh các mối quan hệ khu vực, và khao khát đóng vai trò lớn hơn trong việc định hình chương trình nghị sự khu vực. Trong 20 năm qua, Bắc Kinh đã gặt hái được một số thành công trong việc thay đổi hiện trạng khu vực bằng chính sách láng giềng tốt. Nhưng rắc rối trong vấn đề Biển Đông dường như lại ngăn cản quá trình thực hiện những tham vọng của chủ nghĩa xét lại đối với khu vực trong những thập kỷ tới.

Đối với các nhà phân tích quốc tế, không hề bất thường khi nhận định rằng Trung Quốc có xu hướng xem Đông Nam Á là sân sau chiến lược của mình.[1] Thuật ngữ tương đồng nhất với “sân sau chiến lược” mà các nhà phân tích Trung Quốc từng sử dụng để nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực trong mối quan hệ đối ngoại của Trung Quốc là “giới hạn chiến lược”.[2] Dù các học giả có dùng những thuật ngữ nào đi chăng nữa thì cũng cần phải lưu ý rằng, giới tinh hoa về chính sách đối ngoại của Trung Quốc vẫn thường miêu tả về tầm quan trọng của khu vực bằng những thuật ngữ về chiến lược. Họ thường nhấn mạnh đến yếu tố gần gũi về mặt địa lý của khu vực đối với Trung Quốc, là vị trí cửa ngõ nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là trung tâm cho hoạt động thương mại và nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc, là khu vực giàu tài nguyên giúp Trung Quốc duy trì tăng trưởng kinh tế dài hạn và là nơi dễ bị các cường quốc bên ngoài khu vực gây ảnh hưởng. Các nhà phân tích Trung Quốc cũng đề cập đến vai trò thống trị cổ xưa của đế chế Trung Quốc trong khu vực, sự kết nối giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia khu vực, về tầm quan trọng của khu vực trong việc truyền bá hình ảnh tích cực cũng như sức mạnh mềm của Trung Quốc ra toàn cầu.[3]

Một điều rõ ràng là Trung Quốc có mối quan tâm mạnh mẽ đến việc trở thành quốc gia mang tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Đông Nam Á. Rất ít nhà phân tích phản đối quan điểm cho rằng Trung Quốc có tham vọng xét lại mạnh mẽ đối với Đông Nam Á.[4] Bắc Kinh mong muốn thay đổi bức tranh chiến lược, cấu trúc an ninh, các mối quan hệ an ninh song phương khác nhau, các quy tắc và luật định, và thậm chí có thể là quỹ đạo phát triển về kinh tế - chính trị của khu vực, tất cả đều thay đổi theo tính toán của Trung Quốc.[5] Để hỗ trợ cho những thay đổi như vậy, Bắc Kinh có thể nhận thấy rằng họ sẽ cần phải thực hiện những mục tiêu sau. Đầu tiên họ cần phải có được lòng tin chính trị vững chắc từ xã hội và giới tinh hoa Đông Nam Á. Thứ hai, Bắc Kinh cần tự tìm ra cho mình vị trí thuận lợi nhất trong quá trình tái cơ cấu chiến lược ở khu vực. Thứ ba, Trung Quốc cần phải tự khắc họa bản thân là quốc gia tốt nhất trong việc cung cấp các dịch vụ công cho khu vực. Thứ tư, Trung Quốc cần phải đóng vai trò đầu tàu trong vấn đề thiết lập chương trình nghị sự và giải quyết các vấn đề khu vực, tốt nhất là sẽ dựa vào các quy tắc và luật định theo mong muốn của Trung Quốc.

Sẽ rất khó để Bắc Kinh có thể khẳng định rằng mình đang tiến gần đến các mục tiêu này. Dù Trung Quốc đã tích cực tham gia vào Đông Nam Á từ hơn 20 năm nay, nhiều quốc gia khu vực vẫn không thể gạt bỏ mối nghi ngờ đối với Trung Quốc và nhiều quốc gia trong số này cũng chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quốc gia bên ngoài khu vực để cân bằng với Trung Quốc.[6] Đa số những quốc gia này sẽ tiếp tục ủng hộ kiến trúc an ninh khu vực với Mỹ giữ vai trò trung tâm. Rất ít quốc gia khu vực ủng hộ “Khái niệm an ninh mới” của Trung Quốc. Trong vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh vẫn luôn là đối tượng bị chỉ trích. Trung Quốc đã chủ động tham gia vào các cơ chế, diễn đàn đa phương khu vực liên quan đến ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á), nhưng sẽ còn rất lâu mới có thể chi phối tiến trình đưa ra quyết định về những vấn đề quan trọng trong khu vực. Lĩnh vực đáng chú ý duy nhất mà Trung Quốc được cho là đang dần giữ vai trò chủ đạo là kinh tế và thương mại.

Bài viết này sẽ đánh giá về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xét lại hiện trạng ở Đông Nam Á. Phần đầu sẽ mô tả tổng thể về các mối quan hệ song phương và nỗ lực không ngừng của Bắc Kinh nhằm xây dựng và duy trì mối quan hệ bền vững và ổn định với khu vực. Nỗ lực của Trung Quốc có thể nhận thấy trong những lĩnh vực như giao lưu chính trị cấp cao, liên kết đầu tư và thương mại, trao đổi văn hóa và xã hội, và gần đây hơn là các mối quan hệ an ninh giữa hai bên. Phần thứ hai sẽ phân tích mối quan hệ song phương của Trung Quốc với các quốc gia ASEAN về bốn vấn đề: các quốc gia Đông Nam Á biển, bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Brunei; các quốc gia Đông Nam Á lục địa, gồm Thái Lan, Lào và Campuchia; và Việt Nam và Philippines. Myanmar sẽ được xét riêng do Trung Quốc và Myanmar có những mối quan hệ độc đáo trên nhiều khía cạnh, mặc dù có nhiều bất ổn giữa hai nước. Mối quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam và Philippines cũng được đánh giá riêng do tranh chấp Biển Đông đóng vai trò chi phối trong các mối quan hệ song phương này.

Phần thứ ba sẽ tập trung vào tranh chấp Biển Đông, vấn đề được xem là nan giải nhất giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Tác giả sẽ phân tích mọi quan điểm và chính sách khác nhau giữa Trung Quốc các quốc gia yêu sách ở khu vực, ở mức độ thấp hơn là các quốc gia không phải là bên yêu sách. Tác giả lập luận rằng tranh chấp Biển Đông phức tạp và khó kiểm soát hiệu quả đến mức có thể sẽ vẫn là “vết đen” trong mối quan hệ Trung Quốc - Đông Nam Á. Tác giả tin rằng, có lẽ chính sách láng giềng tốt của Bắc Kinh đã gặt hái được một số kết quả tích cực mà ở mức độ nào đó, đa số các quốc gia khu vực rõ ràng đã không xem Trung Quốc là mối đe dọa và sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc như là một đối tác. Nhờ đó, Bắc Kinh trở thành một chủ thể chiến lược quan trọng ở khu vực. Quan trọng hơn là sức mạnh kinh tế ngày một phát triển của Trung Quốc đã đặt ra những hạn chế lớn về chính sách đối ngoại và chiến lược quốc tế của các quốc gia khu vực. Tuy nhiên, tác giả cũng cho rằng, bên cạnh các vấn đề tồn đọng trong mối quan hệ song phương, vấn đề Biển Đông có lẽ sẽ là rào cản rất lớn đối với mọi hành động thực hiện tham vọng xét lại của Trung Quốc ở Đông Nam Á.

MỐI QUAN HỆ GIỮA TRUNG QUỐC VÀ CÁC QUỐC GIA ASEAN: MỘT CÁI NHÌN TOÀN CẢNH

Những mối quan hệ gần gũi hơn giữa Trung Quốc và Đông Nam Á được nhìn nhận ở cả cấp độ song phương và đa phương – như một bằng chứng rõ ràng về chính sách “láng giềng tốt” của Trung Quốc. Mối quan hệ mạnh mẽ về kinh tế của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng đã mang lại lợi ích cho các bên về thương mại và đầu tư, những lợi ích phục vụ cho nền kinh tế của Trung Quốc. Ngoài ra, mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế của Trung Quốc cũng giúp giảm đi nhận thức về “mối đe dọa” Trung Quốc và tăng cường lôi cuốn sức mạnh của Trung Quốc, theo đó thúc đẩy quyền lực mềm của Trung Quốc trong khu vực, hay nói theo cách khác là gây ảnh hưởng tới các quốc gia láng giềng Đông Nam Á hành động theo lợi ích của Trung Quốc.

Thương mại giữa Trung Quốc và các đối tác ASEAN phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Trong năm 2013, thương mại Trung Quốc - ASEAN đạt mức kỷ lục là 350,5 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2012 là 319,5 tỷ USD (khối lượng thương mại năm 2012 đã tăng 14,1% so với năm 2011 là 280,1 tỷ USD). Biểu đồ 1 mô tả mức tăng trưởng nhanh chóng trong thương mại Trung Quốc – ASEAN.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Về tác giả.

Lim Kheng Swe (ksl34@cam.ac.uk) là nghiên cứu sinh trường Đại học Cambridge. Ông có bằng Thạc sĩ về Nghiên cứu Khu vực Đông Á tại trường đại học Harvard. Nghiên cứu chính của ông tập trung vào các mối quan hệ kinh tế và an ninh Trung Quốc – Đông Nam Á.

Ju Hailong (juhailong@126.com) là giáo sư, Phó Giám đốc Trường Nghiên cứu Quốc tế và Học viện Nghiên cứu Trung Quốc Hải ngoại tai Trường Tề Nam, Quảng Châu, Trung Quốc. Ông nhận bằng tiến sĩ Luật tại trường Đại học Cát Lâm. Lĩnh vực nghiên cứu mà ông quan tâm là về Chiến lược biển Trung Quốc và Biển Đông.

Li Mingjiang (ismjli@ntu.edu.sg) là phó giáo sư trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang. Ông nhận bằng tiến sĩ về Khoa học Chính trị tại trường Đại chọ Boston. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là về mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN, mối quan hệ Trung Quốc – Mỹ, an ninh Châu Á – Thái Bình Dương và các nguồn nội bộ về chính sách đối ngoại Trung Quốc.

Bài viết được đăng trên China: An International Journal, 2017, tr.187-213.

Ngân Hà (dịch)

Trần Quang (hiệu đính)

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.



[1] Ví dụ xem Andrew Scobell, “China’s Geostrategic Calculus and Southeast Asia—The Dragon’s Backyard Laboratory” (điều trần trước Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung, 4/2/2010), xem tại http://www.uscc.gov/hearings/2010hearings/written_testimonies/10_02_04_wrt/10_02_04_scobell_statement.pdf [10/12/2016]; Michael R. Chambers, “The Evolving Relationship between China and Southeast Asia”, trong Legacy of Engagement in Southeast Asia, ed. Ann Marie Murphy and Bridget Welsh (Singapore: Institute of Southeast Asia, 2008), tr. 298.

[2] Chen Fengjun, “Jiaqiang Zhongguo yu Dongmeng hezuo de zhanlue yiyi” (The Strategic Implications of Strengthening China–ASEAN Relations), Guoji zhengzhi yanjiu(Studies of International Politics) 1 (2004): 24–8, 68.

[3] Ví dụ xem Xu Ningning, “Zhongguo yu Dongmeng guanxi xianzhuang, qushi, duice” (The State, Trend, and Future Policy in China’s Relations with ASEAN), Dongnanya zhongheng (Around Southeast Asia) 3 (2012): 51–5; Li Qingsi, “Zhongguo yu Dongmeng guanxi: mulin waijiao de fanli” (China–ASEAN Relations: A Good Example of Good-Neighbourly Diplomacy), Guoji luntan(International Forum) 6, số. 2 (2004): 30–4.

[4] James Char, “Aspiring to be a Global Power: China’s Growing Activism in the Global South”, trong Diplomatic Strategies of Nations in the Global South: The Search for Leadership, ed. Jacqueline Braveboy Wagner (New York: Palgrave Macmillan, 2016), tr. 59–92;

[5] Irene Chan and Li Mingjiang, “New Leadership, New Policy in the South China Sea?”, Journal of Chinese Political Science 20, số. 1 (3/2015): 35–50.

[6] Ngoài Mỹ, một ví dụ về quốc gia cân bằng bên ngoài là Ấn Độ. Xem Hoo Tiang Boon, “The Hedging Prong in India’s Evolving China Strategy”, Journal of Contemporary China 25, số. 101 (2016): 11.