Đây là cuộc đối thoại quân sự cấp cao đầu tiên giữa hai bên kể từ tháng Giêng, sau khi Bắc Kinh tạm ngừng các trao đổi quân sự với Oasinhtơn nhằm phản đối việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Trong cuộc gặp vừa qua, phía Trung Quốc yêu cầu trước khi các trao đổi quân sự trở lại bình thường, Mỹ cần “thể hiện sự thành thật” với hai vấn đề mà Bắc Kinh coi là liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, đó là các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan và các hoạt động khảo sát, do thám gần lãnh thổ Trung Quốc.

 

Tân Hoa Xã dẫn lời Tướng Mã Hiểu Thiên nói rằng: “Bắc Kinh luôn coi trọng sự tin tưởng lẫn nhau và hợp tác với quân đội Mỹ. Nhưng các thương vụ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, tàu chiến và máy bay Mỹ thường xuyên do thám ở các vùng lãnh hải và không phận các khu vực đặc quyền kinh tế của Trung Quốc cùng đạo luật Cho phép phòng thủ Mỹ vẫn là những trở ngại lớn nhất cho các quan hệ quân sự Trung-Mỹ” (đạo luật Cho phép phòng thủ được Mỹ thông qua năm 2000, giới hạn những trao đổi quân sự với Trung Quốc).

 

Mặc dù phía Trung Quốc liệt kê những chướng ngại vật như vậy song theo giới phân tích, thái độ lần này có những dấu hiệu hòa hoãn. Bình Khả Phu, Tổng biên tập tạp chí quân sự “Phòng vệ Hán Hòa” nhận xét: “Bắc Kinh không dùng những ngôn ngữ mạnh để chỉ trích Mỹ về việc bán vũ khí cho Đài Loan và do thám các vùng lãnh hải Trung Quốc. Bắc Kinh chỉ muốn Oasinhtơn tôn trọng những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và không nói rằng Mỹ phải ngừng bán vũ khí cũng như các hành động khác”. Theo chuyên gia trên, hai bên đang hướng tới sự đồng thuận về những bất đồng qua một thái độ thực tế và linh hoạt hơn.

 

Cao Hải Khoan, một chuyên gia về an ninh thuộc Hiệp hội quan hệ hữu nghị quốc tế Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh hiểu rõ không thể có một cam kết từ Mỹ chấm dứt việc bán vũ khí cho Đài Loan hay ngừng do thám ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Hai bên xích lại với nhau dịp này bởi cuộc khủng hoảng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên khi Trung Quốc và Mỹ cần sự hỗ trợ lẫn nhau. Chuyên gia này nhận xét: “Với nhận thức như vậy, Bắc Kinh sẽ chấp nhận mọi cam kết miệng từ Mỹ, cho dù đó là những cam kết đầy tính ngoại giao”.

 

Về phần mình, Mỹ và các hải quân khác được cho là sẽ đẩy mạnh các quyền qua lại bên trong phạm vi những khu đặc quyền kinh tế (hoạt động ở những vùng biển quốc tế bao gồm các cuộc tuần tra quân sự thông thường). Đặc biệt, họ đang chú ý đến căn cứ chiến lược của Trung Quốc tại Tam Á, đảo Hải Nam, nơi được cho là tạo khả năng để hạm đội tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Trung Quốc triển khai mở rộng ở Biển Đông. 

 

Và trong khi Trung Quốc quả quyết với những tuyên bố chủ quyền của mình qua các biện pháp như lệnh cấm đánh bắt cá đang thực thi hay gây sức ép với các hãng dầu mỏ quốc tế phải cắt hợp đồng với những quốc gia láng giềng cùng tranh chấp ở Biển Đông, Mỹ đang bắt đầu phản ứng. Tuy nhiên, Bắc Kinh làm rõ với Oasinhtơn rằng Trung Quốc đã cảm nhận thấy sự hiện diện của Mỹ tại khu vực nóng này. Đầu năm nay, khi các quan chức Nhà Trắng thăm Bắc Kinh, họ được cảnh báo rằng Biển Đông giờ là một “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, định nghĩa xếp Biển Đông ngang hàng với Tây Tạng và Đài Loan về mức độ nhạy cảm trong quan hệ Trung-Mỹ.