( Phần 1; Phần 2; Phần 3; Phần 4; Phần 5; Phần 6; Phần 7)

Nghiên cứu của Học viện Ninh Ba năm 2007 đã được bàn luận rất chi tiết trong bài phân tích này, mở ra một cánh cửa quan trọng để hiểu được tư duy hiện tại và sự thất vọng rõ ràng đối với các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hàng hải hiện nay của Trung Quốc. Tác giả của nghiên cứu đó đã đưa ra các lập luận mạnh mẽ rằng “các cơ quan có thẩm quyền quản lý biển của chúng ta không tương xứng với vị thế và hình ảnh của nước ta trong vai trò là một cường quốc…hợp nhất các cơ quan này sẽ tăng cường tính linh động trong các cuộc xung đột biển[,]…gây áp lực lên những người Đài Loan ủng hộ ly khai…và sẽ không tổn hại đến cơ hội chiến lược của quốc gia trước thềm thế kỷ 21.”[136]

 

Tuy nhiên, có vẻ như giải pháp hợp nhất các cơ quan thẩm quyền quản lý biển khác nhau phần lớn vẫn chỉ mang tính lý thuyết tại thời điểm hiện nay. MSA, cơ quan thẩm quyền quản lý biển lớn nhất từ trước tới nay, có thể trở thành cơ quan lãnh đạo hợp lý, nhưng các cơ quan khác lại đề cử SOA vì cơ quan này có tầm nhìn chiến lược rộng hơn. Con đường đến tương lai vẫn còn rất mờ mịt.[137] Thậm chí ngay cả các tác giả BCD trong nghiên cứu của Học viện Ninh Ba cũng đặt câu hỏi một cách châm biếm rằng, “Ai sẽ lãnh đạo?” [138]

 

Ảnh 24. Tàu NanhaiJiu 113 của Cục Cứu Hộ và Trục Vớt của MSA sẽ hoạt động ở ngoài bờ biển phía Nam Trung Quốc là một trong những con tàu mới được MSA phát triển trong thập kỷ qua. (Diễn đàn Quốc phòng Trung Quốc).

 

 

Có thể rút ra ít nhất ba suy luận từ phân tích trên. Rõ ràng nhất là, các cơ quan an ninh biển của Trung Quốc hùng mạnh hơn chắc chắn sẽ giúp củng cố các tuyên bố chủ quyền về vùng biển rộng lớn của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh có thể tùy ý sử dụng nhiều các tàu và chiến hạm tốt hơn sẽ làm tăng sự tự tin của nước này trong các tranh chấp biển với các nước láng giềng. Như đã nêu rõ trong nghiên cứu của Học viện Ninh Ba, Trung Quốc sẽ tiếp tục “xây dựng sức mạnh hải quân của mình, phát triển sức mạnh để bảo vệ lãnh thổ quốc gia và các quyền và các lợi ích về biển.”[139] Nhưng cũng có sự tính toán thực tế rằng “việc phụ thuộc vào hải quân ….chắc chắn sẽ làm cho các quốc gia khác dễ dàng hơn trong việc lấy cớ về ‘thuyết mối đe dọa Trung Quốc’.”[140]

 

Hàm ý lớn thứ hai là các cơ quan an ninh biển của Trung Quốc mạnh hơn có thể sẽ tạo đà cho “sức mạnh mềm” đang phát triển nhanh chóng của nước này ở cả châu Á -Thái Bình Dương và trên toàn cầu. Do đó, vào tháng 6 năm 2008, Học viện Ninh Ba đã chủ trì một hội thảo về việc thực thi luật biển cho 42 quan chức cấp cao từ châu Á và châu Phi.[141] Các hoạt động này có thể sẽ phát triển cả về quy mô và số lượng trong các thập kỷ tới, cuối cùng đạt tới tầm phù hợp với vai trò to lớn của Trung Quốc trong thương mại biển quốc tế.[142] Chắc chắn, việc cứu hộ các thủy thủ từ các quốc gia nước ngoài (và thường là từ các nước láng giềng) giúp đánh bóng vị thế đang lên của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh và an toàn biển.[143]

 

Ảnh 25. Tàu 311 của Đội quân Đảm bảo Thi hành Luật Ngưng hiệp diễn tập với các tàu FLEC khác. FLEC 311 là tàu quản lý ngư trường lớn nhất của Trung Quốc, được điều đi tuần tra Biển Đông khi căng thẳng xảy ra trong khu vực suốt giữa năm 2009. Người ta cho rằng FLEC sẽ được bổ sung các ca nô lớn trong tương lai gần. FLEC 311 trước đây hoạt động cùng với hải quân PLA. (Diễn đàn Quốc phòng Trung Quốc).

 

Hàm ý chiến lược thứ ba thậm chí còn quan trọng hơn - đó là cảnh sát biển thể hiện một hình thức sức mạnh đặc biệt khác còn hơn cả hải quân. Như đã được các tác giả của nghiên cứu của Học viện Ninh Ba giải thích, “Trong bối cảnh của cuộc đấu tranh vì lợi ích quốc gia, việc nảy sinh mâu thuẫn là lẽ đương nhiên. Câu hỏi thực sự là biện pháp nào được dùng để giải quyết các tranh chấp này. Trao toàn bộ vai trò cho các cơ quan chức năng của chính phủ, triển khai hải quân một cách thận trọng và tích cực, cũng như nỗ lực giới hạn phạm vi xung đột ở nhóm các cơ quan có thẩm quyền về hàng hải dân sự có thể giúp tránh được sự gia tăng xung đột.”

 

Do đó, các tác giả của Học viện Ninh Ba rõ ràng đã nghĩ đến một viễn cảnh trong đó các lực lượng tuần duyên là tấm đệm tốt cho các quốc gia trong xung đột, ngăn chặn sự leo thang của xung đột có thể xảy ra từ việc triển khai hải quân nhanh chóng. Tương tự như vậy, vào tháng 6 năm 2008 một nhà phân tích quân sự Trung Quốc đã viết rằng sự tham gia của lực lượng tuần duyên biển sẽ không phức tạp hóa các cuộc xung đột mà sự tham gia trực tiếp của hải quân có thể gây ra.[144] Geoffrey Till cũng đưa ra luận điểm này trong luận án kinh điển của ông về sức mạnh biển đương đại: “tàu của lực lượng tuần duyên biển thường được chấp nhận hơn về mặt chính trị…sự tham gia của các tàu chiến được sơn màu nâu thường bị coi là làm cho tình hình trở nên căng thẳng một cách vô ích.”[145] Chắc chắn rằng đây cũng là một chuỗi lập luận có tính chất khuyến khích. Chính các nhà phân tích Trung Quốc này cũng nhấn mạnh chỉ thị của Đặng Tiểu Bình nhằm “giữ gìn chủ quyền, nhưng tránh đối đầu, và theo đuổi cùng phát triển.” Đối với họ, công thức của Đặng mang đến một phương thức mới cho Trung Quốc để nước này hành xử như một cường quốc lớn mạnh có trách nhiệm, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp biển.[146] Nhìn chung lập luận này cũng như việc tăng cường năng lựcgắn kết hơn của các lực lượng tuần duyên biển làm cho việc thực hiện sự trỗi dậy của Trung Quốc như “một chủ thể có trách nhiệm trên biển” trong thế kỷ 21 trở nên khả thi hơn.


Lyle J. Goldstein, Trường Cao đẳng Hải chiến Hoa Kỳ

Hiếu Minh, Ngọc Trang, Hà Tuyên (dịch) 

Đỗ Thị Thủy (hiệu đính)

Bản  gốc tiếng Anh "Five Dragons Stirring Up the Sea - Challenge and Opportunity in China's Improving Marritime Enforcement Capabilities", Tạp chí Nghiên cứu biển Trung Quốc, số 5, tháng 4/2010, Trường Cao đẳng Hải chiến, Newport, Rhode Island, Hoa Kỳ

Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.

 

CHÚ THÍCH:



[136] Hà Trung Long - He Zhonglong  cùng các cộng sự, Nghiên cứu về việc Phát triển Cảnh sát Biển của Trung Quốc,  trang 69–70.

[137] Thảo luận với các cán bộ của MSA và SOA, Thanh Đảo, tháng 11, 2007.

[138] Hà Trung Long - He Zhonglong  cùng các cộng sự, Nghiên cứu về việc Phát triển Cảnh sát Biển của Trung Quốc,  trang 212.

[139] Như trên, trang 16.

[140] Như trên, trang 69.

[141]  “China Holds Workshop for Asian, African Maritime Officials,” Tân Hoa Xã, 4 tháng 6 2008.

[142] Liên quan đến các sáng kiến về an ninh-biển quốc tế khác, xem, ví dụ, 许艳, 刘政 [Xu Yan and Liu Zheng], “中国与东盟加强海事合作” [Hợp tác về biển giữa Trung Quốc và ASEAN được tăng cường], 中国海事 [Các vấn đề về biển của Trung Quốc] (Số tháng 9,  2007), trang 60–62; 章茉军, 王鹤荀, 华文锋 [Trang Mạt Quân - Zhang Mojun, Vương Hạc Tuân - Wang Hexun, and Hoa Văn Phong - Hua Wenfeng], “11届中日朝俄四国搜救合作操作级别会议概况” [Giới thiệu chung về cuộc gặp đặc vụ thứ 11 giữa Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga về vấn đề Hợp tác trong việc tìm kiếm và cứu hộ], 中国海事 [Các vấn đề về biển của Trung Quốc] (tháng 1,  2008), trang 61–62; và 王海潮 [Vương Hải Triều - Wang Haichao], “澜沧江

湄公河建设国际航运大通道’” [Hành lang lưu thông quốc tế mở rộng Lancang-Mekong], 中国海事 [Các vấn đề về biển của Trung Quốc] (tháng 2, 2006), trang 14–15.

[143]  Xem, ví dụ, 郝光亮 [Hách Quang Lương - Hao Guangliang],

海事部门成功救助朝鲜籍君山轮上21名遇险船员” [Những người có thẩm quyền về biển của Trung Quốc đã tiến hành cứu hộ thành công 21 thủy thủ trên tàu M/V “Jun Shan” của Hàn Quốc中国海事 [Các vấn đề về biển của Trung Quốc] (tháng 11, 2007), trang 18–20.

[144] Tôn Cảnh Bình - Sun Jingping, “Notes on Maritime Security Strategy in the New Period for the New Century,” trang 77.

[145] Till, Seapower, trang 343, 347.

[146] Hà Trung Long - He Zhonglong cùng các cộng sự, Nghiên cứu về việc Phát triển Cảnh sát Biển của Trung Quốc,  trang 14.