CHỦ QUYỀN ĐỐI VỚI CÁC ĐẢO NHỎ

Như phân tích ở trên, rõ ràng vấn đề chủ quyền đối với các đảo, đá san hô siêu nhỏ và các đảo nhỏ có lẽ nên được tách ra khỏi tranh chấp về phân định biển. Điều này có thể được giải quyết một cách đơn giản nếu các quốc gia nhất trí rằng các loại đảo đó chỉ có vùng lãnh hải 12 hải lý. Nếu vấn đề này được giải quyết, vấn đề giải quyết xung đột sẽ được đơn giản hóa đi đáng kể.

Tuy nhiên, chúng ta phải phân biệt giữa các nhóm đảo khác nhau. Đơn giản nhất là Bãi cạn Scarborough, một bãi đá nằm ở phía Tây Luzon, là tranh chấp giữa Phi-lip-pin, ROC và PRC. Bãi này rõ ràng nằm trên mực nước lúc thủy triều lên, do đó bãi này đáp ứng tiêu chuẩn trở thành đảo theo điều 121(1) của UNCLOS. Do vậy, bãi này có quyền có vùng lãnh hải 12 hải lý. Tuy nhiên, bãi này không thích hợp cho con người đến sinh sống hay có đời sống kinh tế riêng, do vậy, không đáp ứng điều kiện được nêu trong điều 121(3) UNCLOS để có thể có vùng EEZ hay thềm lục địa của riêng. Do đó, bãi này cũng sẽ không ảnh hưởng đến quá trình phân định biển ngoài việc tạo ra một vùng riêng của Trung Quốc trong vùng EEZ của Phi-lip-pin hay một đảo đá trong vùng EEZ của Phi-lip-pin.

Cũng có thể xem bãi cạn Scarborough như là một vùng riêng biệt trong tranh chấp chủ quyền. Nếu như vậy, bãi này sẽ không cản trở đàm phán phân định ranh giới biển giữa Phi-lip-pin và Trung Quốc/Đài Loan. Chúng ta có thể nói thêm là một giải pháp tương tự cũng đã được để xuất cho vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku ở Biển Hoa Đông.[1] Ở đây, Trung Quốc sẽ là người “có lợi”  từ giải pháp đó và Nhật Bản sẽ cần phải chấp nhận rằng Senkaku không tạo ra cơ sở để mở rộng thềm lục địa hay EEZ của Nhật Bản.

Hơn nữa, Trung Quốc đã phản đối nỗ lực của Nhật Bản trong việc sử dụng đảo nhỏ Okinotorishima làm cơ sở cho yêu sách vùng thềm lục địa và EEZ rộng lớn. Dường như một lập luận pháp lý khá thuyết phục đó là đảo này, đảo nổi lên hầu như chưa đến bề mặt biển, không thể có vùng biển rộng hơn vùng lãnh hải 12 hải lý. Trước thềm hội nghị tất cả thành viên UNCLOS năm 2009, Trung Quốc đã nỗ lực đưa vấn đề của điều 121(3) vào chương trình nghị sự. Thật không may là nỗ lực này không thành.[2] Lập trường của Trung Quốc đối với Nhật Bản sẽ chắc chắn được củng cố hơn nếu Trung Quốc áp dụng cách lập luận đối với Biển Hoa Đông cho Biển Đông.

Tuy nhiên, tranh chấp về chủ quyền đối với Hoàng Sa giữa Việt Nam – Trung Quốc có khả năng phải được giải quyết theo hướng có lợi Trung Quốc. Hơn nữa, Hoàng Sa có lẽ phải được trao ít nhất là hiệu lực một phần trong việc phân định thềm lục địa và EEZ của Trung Quốc ở giữa Biển Đông. Một số đảo ở Hoàng Sa có kích thước lớn hơn đáng kể so với các đảo ở Trường Sa, do đó, có thể lập luận rằng các đảo đó có hoặc thích hợp cho con người sinh sống, hoặc là có đời sống kinh tế riêng. Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với phần phía Đông của Hoàng Sa (Nhóm An Vĩnh), bao gồm cả đảo Phú Lâm có thể dựa trên sự chiếm đóng hầu như là liên tục từ năm 1946 (ngoại trừ giai đoạn 1950-56), và dựa trên yêu sách đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa được triều đại Trung Hoa đưa ra năm 1909.[3]

Yêu sách của Trung Quốc đối với phía Tây của Hoàng Sa (Nhóm Lưỡi liềm) yếu hơn. Các đảo chính ở trong nhóm này (nổi bật là Pattle) do người Pháp chiếm đóng đầu tiên, sau đó là Nam Việt Nam từ 1947 – 1974, và sau đó bị quân đội Trung Quốc chiếm đoạt. Tuy nhiên, thực tế mà nói, Việt Nam có lẽ cũng sẽ phải cho phép đảo Phú Lâm (2,1 km2) được có hiệu lực trong việc tính chiều rộng của EEZ và thềm lục địa của Trung Quốc.[4]

Trường Sa, nơi Đài Loan chiếm đóng đảo lớn nhất, Ba Bình (0,43 km2) là trường hợp nan giải nhất. Các đảo khác ở Trường Sa do Việt Nam, Phi-lip-pin và Ma-lai-xia chiếm đóng; Trung Quốc đang chiếm một số lượng nhất định các đảo đá ngầm nằm dưới mực nước thủy triều. Tại hội thảo đầu tiên vào tháng 11/2009, học giả Đài Loan Song Yann-huei đã thảo luận khả năng 4 đảo cụ thể ở Trường Sa (và Phú Lâm ở Hoàng Sa) thích hợp cho con người sinh sống hoặc có đời sống kinh tế riêng. Các đảo đó là: Ba Bình do Đài Loan chiếm đóng, Trường Sa do Việt Nam chiếm đóng, Thị Tứ do Phillipnes chiếm đóng và Swallow Reef do Phi-lip-pin chiếm đóng. Ông kết luận rằng cả 4 đảo đó đều có thể có đời sống kinh tế riêng và do đó có thể có vùng EEZ và thềm lục địa xung quanh.[5]

Tuy nhiên, trước đây, Song không hề tranh luận rằng các đảo đó thích hợp cho con người sinh sống hay có một đời sống kinh tế riêng. Thay vào đó, ông lập luận dựa trên thực tiễn rằng trong những năm gần đây, Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam và Ma-lai-xia đã đầu tư lớn vào các hoạt động mang lại thu nhập như du lịch, và đã xây các đường sân bay cho máy bay. Đối với điểm này chúng ta có thể phản đối rằng nếu các quốc gia được phép chứng minh khả năng có đời sống kinh tế riêng bằng việc hỗ trợ cho việc xây dựng các cơ sở phục vụ du lịch, thì rất khó có thể tưởng tượng bất kỳ đá hay đảo nào lại không có khả năng có đời sống kinh tế riêng.

Nếu tất cả các bên yêu sách đều có thể nhất trí rằng không có đảo nào ở Trường Sa có thể có vùng biển rộng hơn vùng lãnh hải 12 hải lý, việc phân định biển sẽ được xúc tiến dễ dàng hơn nhiều. Các quốc gia có thể chỉ cần bỏ qua đảo đang tranh chấp đó mà không cần giải quyết ai là người có chủ quyền đối với đảo đó. Khi đệ trình báo cáo thềm lục địa lên CLCS, Việt Nam và Ma-lai-xia đã ngầm định nhất trí rằng Trường Sa sẽ không có vùng EEZ hay thềm lục địa xung quanh.

Ngoài các đảo và đá được đề cập ở trên, còn tồn tại vấn đề dải Macclesfield. Dải này nằm ở giữa Biển Đông, giữa Hoàng Sa và Luzon. Mặc dù bao trùm lên một khu vực tương đối rộng lớn, dải Macclesfield không ở trên mặt nước lúc thủy triều lên. Do đó, dải này không đáp ứng tiêu chuẩn đảo theo điều 121(1) UNCLOS, và do đó được cho là một phần của đáy biển. Nếu Hoàng Sa cuối cùng thuộc chủ quyền của Trung Quốc, nhưng không có quyền có vùng EEZ và thềm lục địa riêng, thì vùng biển ở trên và xung quanh dải Macclesfield sẽ thuộc khu vực “bánh donut” của biển cả. Nếu một hay nhiều đảo ở Hoàng Sa có quyền được sử dụng như là các điểm cơ sở để tính chiều rộng các vùng biển của Trung Quốc thì dải Macclesfield có thể trở thành một phần của vùng EEZ 200 hải lý và thềm lục địa của Trung Quốc.

Một số người có thể cho rằng suy nghĩ nêu trên là ngây ngô, do suy nghĩ đó tập trung vào luật quốc tế và tin tưởng rằng 3 loại tranh chấp có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau có thể được giải quyết riêng biệt. Trong thế giới thực của nền chính trị quốc tế, các xung đột có mối quan hệ với nhau thường gây phức tạp và tác động lẫn nhau. Hơn nữa, thông thường các cường quốc có thể tuỳ ý bẻ cong luật pháp. Trong khi việc Trung Quốc có thể tiếp tục không tuân thủ luật biển và duy trì yêu sách mập mờ của mình đối với toàn bộ Biển Đông mà đường đứt đoạn bao quanh là có thực, không có vẻ như là Trung Quốc có thể thuyết phục các quốc gia khác trong khu vực chấp nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Được trang bị đầy đủ kiến thức về các quyền của mình, các quốc gia khác sẽ tiếp tục kiếm tìm sự ủng hộ từ bên ngoài để đảm bảo cho an ninh của họ nếu Trung Quốc không tuân thủ luật quốc tế. Việc không tuân theo luật pháp sẽ phải trả giá và đường đứt đoạn đang ngày càng khiến Trung Quốc phải trả giá đắt hơn.

Có một số lý do vì sao chính phủ Trung Quốc nên xem xét thay đổi chính sách của mình và làm rõ các yêu sách đối với các vùng biển. Một lý do đó là điều này sẽ tăng cường các lập trường của Trung Quốc trong các tranh chấp pháp lý với Nhật Bản. Lý do khác đó là điều này sẽ giảm thiểu nhu cầu của các nước Đông Nam Á đối với sự hiện diện của hải quân Mỹ; do đó, Trung Quốc có thể có thêm không gian để tiếp tục xây dựng hải quân của mình. Trung Quốc cũng có thể tiếp tục thu lợi về mặt ngoại giao đối với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của mình và phát triển ảnh hưởng hơn nữa trong khuôn khổ Khu vực Mậu dịch Tự do Trung Quốc – ASEAN vừa mới được thành lập gần đây.

Tại sao Trung Quốc lại không thấy rõ sự cần thiết phải có đường ranh giới biển rõ ràng như nhận thức của nước này đối với đất liền? Giáo sư M. Taylor Fravel từ Học viện Công nghệ Massachusetts đã phân tích cách thức mà Trung Quốc đã đàm phán không ít hơn 17 hiệp ước về biên giới từ khi thành lập năm 1949 đến nay. Trung Quốc đã phân định và cắm mốc đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng, ngoại trừ Ấn Độ và Butan. Trung Quốc đã có những nhượng bộ đáng kể trong đàm phán và theo như Fravel, được cho là hào phóng nhất khi đàm phán trên thế mạnh.[6] Tổ chức Hợp tác Thượng Hải được xây dựng dựa trên nguyên tắc cứng rắn là tôn trọng các đường biên giới hiện có. Sau khi Trung Quốc thỏa thuận với Việt Nam về đường biên giới đất liền năm 1999, hai nước cũng đàm phán về phân định thềm lục địa và EEZ ở Vịnh Bắc Bộ, trong một thỏa thuận được hai nước thông qua năm 2004.[7] Đây là thỏa thuận biên giới biển đầu tiên của Trung Quốc. Nhưng không có vẻ như đây là thỏa thuận cuối cùng. Theo học giả người Thụy Điển Ramses Amer, người đã tham gia cả hai hội thảo ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hai thỏa thuận này là một phần của xu hướng dài hạn của khu vực nhằm tiến đến phân định biển dựa trên cơ sở pháp lý.[8]

Tuy nhiên có một lý do khác giải thích vì sao Trung Quốc có thể thực hiện các lợi ích của mình trong việc thực hiện phân định biển – đó là vấn đề an ninh năng lượng. Từ quan điểm của Trung Quốc, sẽ cực kỳ có lợi nếu càng nhiều dầu và khí đốt được khai thác ở các khu vực lân cận càng tốt. Tuy nhiên, khi các tranh chấp về phân định biển chưa được giải quyết, sẽ rất khó khăn để lôi kéo các công ty đầu tư vào việc thăm dò. Các công ty dầu khí lớn do dự khi hoạt động trong các vùng lãnh thổ có tranh chấp. Việc Trung Quốc gây áp lực lên các tập đoàn quốc tế để tránh không tiến hành các hoạt động trên thềm lục địa của Việt Nam và Phi-lip-pin đã càng làm tăng thêm sự do dự này và do đó phản tác dụng đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc.

Điều quan trọng nhất đối với Trung Quốc không phải liệu dầu hay khí đốt được khai thác trên thềm lục địa của mình hay không, mà là liệu có được khai thác hay không. Trung Quốc không cần lợi nhuận mà cái họ cần chính là dầu và khí đốt đó. Hơn nữa, Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) sẽ là một nhà thầu rất được chào đón đối với gói thầu khai thác dầu trên thềm lục địa của Phi-lip-pin, Việt Nam và Ma-lai-xia một khi các đường biên giới biển đã được phân định.

KHAI THÁC CHUNG DẦU KHÍ: RƠI VÀO BẾ TẮC

Từ lâu nay, Trung Quốc đã đề xuất các nước láng giềng rằng tốt nhất nên “gác tranh chấp, cùng khai thác.” Các học giả Trung Quốc đã nhắc lại đề xuất này tại các hội thảo ở Việt Nam nhưng không nhận được nhiều hưởng ứng đối với các vấn đề liên quan đến dầu và khí đốt. Điều thực sự cần phải được gác lại chính là tấm bản đồ có đường chữ U của Tưởng Giới Thạch. Các tranh chấp đối với các đảo Trường Sa cũng có thể nên được gác lại một khi các bên nhất trí được rằng các đảo này chỉ có thể có vùng lãnh hải 12 hải lý. Cùng khai thác dầu và khí đốt không phải là một biện pháp thay thế tốt cho việc phân định ranh giới biển và có lẽ cũng không dễ để thực hiện.

Năm 2005, Trung Quốc đã nỗ lực đạt được thỏa thuận ba bên về thăm dò địa chấn biển chung với Phi-lip-pin và Việt Nam ở những khu vực mà có khả năng cuối cùng sẽ thuộc thềm lục địa của Phi-lip-pin. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phải thất vọng khi mà thỏa thuận bị mất hiệu lực năm 2008 do vụ bê bối chính trị ở Ma-ni-la. Lý do rõ ràng nhất đó là không một quốc gia nào muốn khai thác dầu chung với các quốc gia khác trên vùng lãnh thổ mà quốc gia đó cho rằng (dựa trên luật quốc tế) thuộc về mình. Sự tồn tại của bản đồ có in hình đường đứt đoạn không thể làm cho Phi-lip-pin hay Việt Nam chấp nhận rằng các khu vực gần với bờ biển của mình đang bị tranh chấp pháp lý.

Khai thác chung có vẻ như đang rơi vào bế tắc ở Biển Đông một khi liên quan đến dầu và khí đốt. Trước hết, tồn tại rủi ro rằng dầu có thể thực sự được tìm thấy thông qua việc khoan dò theo thỏa thuận khai thác chung. Điều này sẽ ngay lập tức gia tăng rủi ro và có thể làm cho tranh chấp trở nên càng căng thẳng hơn, đặc biệt nếu các bên không thể nhất trí ngay từ đầu rằng khu vực đó đang bị tranh chấp “một cách chính đáng”. Nếu dầu được khai thác, một cơ chế pháp lý phức tạp với những quy tắc rõ ràng về phân chia chi phí, nghĩa vụ và doanh thu sẽ phải được thiết lập.

Cũng thật khó để thỏa thuận phân định ranh giới biển, đặc biệt khi có hơn 2 bên tham gia vào tranh chấp. Giáo sư Gao Jianjun của Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc ở Bắc Kinh đã nghiên cứu cách thức các quốc gia thành lập các khu vực khai thác chung. Cụ thể, ông đã nghiên cứu các nỗ lực bất thành trong việc thống nhất được một khu vực khai thác chung giữa Trung Quốc – Nhật Bản ở Biển Hoàng Hải. Ông nhận thấy rằng: “… khai thác chung không hề là một thử thách dễ dàng để giải quyết hơn phân định.”[9]

Sự phức tạp còn lớn hơn nữa trong việc thiết lập cơ chế khai thác chung trong bối cảnh Biển Đông, với rất nhiều yêu sách chồng lấn, được trình bày rõ ràng trong bài viết do học giả Ji Guoxing ở Thượng Hải trình bày tại hội thảo đầu tiên ở Việt Nam. Ji cho rằng:

“Tôi đề nghị chúng ta nên thống nhất về một khung hoạt động chung cho khai thác chung trên toàn Biển Đông; thể hiện ý chí của các bên liên quan và các nguyên tắc cơ bản được tuân thủ … sau đó chúng ta sẽ có các hình thức khai thác chung khác nhau, bao gồm các cấp hai bên, ba bên, bốn bên hay năm bên phụ thuộc vào các khu vực chồng lấn khác nhau.”[10]

Sự phức tạp trong đề xuất của Ji cho thấy khai thác chung có thể còn khó thống nhất hơn việc phân định. Trên thực tế, rất khó để thống nhất được khu vực nào đang bị tranh chấp hai bên, ba bên hay nhiều bên, và cách thức doanh thu được phân chia trong từng trường hợp. Tại sao điều này là được cho là dễ hơn việc đơn giản chỉ vẽ ra các đường biên giới?

QUẢN LÝ NGHỀ CÁ CHUNG

Biện pháp mang tính khả thi cao đó là quản lý nghề cá chung, bảo vệ môi trường chung  và nghiên cứu và quản lý biển chung. Một trong những thành tựu đạt được của các hội thảo Quản lý Xung đột Tiềm tàng ở Biển Đông do In-đô-nê-xia tổ chức từ năm 1990 đó là thành lập một số nhóm làm việc chức năng. Trung Quốc đã rất chủ động trong lĩnh vực này do quan ngại thực sự đối với tương lai của nghề cá khu vực và đã hành động với tinh thần hợp tác thực sự. Điều này được minh chứng bởi các bài thuyết trình khác nhau về chủ đề này của các học giả Trung Quốc tại các hội thảo. Tại hội thảo thành phố Hồ Chí Minh, Li Jianwei của Học viện Quốc gia Trung Quốc về Nghiên cứu Biển Đông ở Hải Nam đã trình bày về hợp tác quản lý nghề cá Việt Nam – Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ. Tiến sĩ Song Yann-huei từ Đài Bắc đã thuyết trình về nghiên cứu chung về đa dạng sinh học biển. Hơn nữa, Wang Hanling từ Bắc Kinh đã có bài viết về nhu cầu quản lý chung về nghề cá trên toàn khu vực, và một số đề xuất khác đối với hợp tác trong tương lai cũng được đưa ra.[11]

Chúng ta có vẻ như thấy được khả năng hợp tác cao hơn trong những lĩnh vực tiềm năng này, mặc dù sự phân bổ ngân sách đối với bảo vệ môi trường là cực kỳ hạn chế. Ở khu vực “bánh donut” ở giữa Biển Đông, việc quản lý nghề cá sẽ tiếp tục là trách nhiệm chung. Do đó, có rất nhiều lý do để triển khai lĩnh vực quản lý chung vê nghề cá và bảo vệ chung môi trường biển.

TỪ NHỮNG BẾ TẮC VỀ ĐỊA CHÍNH TRỊ TIẾN ĐẾN NHỮNG BƯỚC TIẾN VỀ PHÁP LÝ

Tại hội thảo lần hai ở thành phố Hồ Chí Minh, những đánh giá về tương lai chỉ thay đổi rất ít từ những phiên đầu tiên cho đến phiên cuối cùng. Những phiên đầu tiên tập trung vào những diễn biến quốc tế gần đây được nhận xét là bế tắc. Hoặc Trung Quốc đang phô trương sức mạnh của mình, hoặc là Mỹ đang can thiệp vào hòa bình khu vực. Dù sao đi nữa, cánh cửa cơ hội cho việc giải quyết xung đột khu vực đang đóng lại. Những phiên tiếp theo có một cách tiếp cận dài hạn hơn, xem xét những diễn biến về mặt pháp lý và các giải pháp mang tính xây dựng khác nhau, phần lớn được xây dựng dựa trên sự kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ giải thích các yêu sách và mục tiêu của mình. Các phiên cuối tập trung vào những thành tựu đã đạt được bằng các thỏa thuận chính thức lẫn tham vấn không chính thức, tạo cơ sở cho sự lạc quan mang tính thận trọng.

Tuy nhiên, bất kỳ sự lạc quan nào cũng phải dựa trên kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ  thay đổi chính sách của mình. Trung Quốc có lợi ích trong việc bảo vệ nguồn cá cùng với các quốc gia khác, củng cố lập trường pháp lý với Nhật Bản và ổn định mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á. Trung Quốc cũng muốn ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ để từ đó Trung Quốc có thể dần dần xây dựng hải quân của mình. Nói chung, Trung Quốc không muốn các quốc gia Đông Nam Á lôi kéo các cường quốc bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ hay Nga nhập cuộc. Hơn nữa, Trung Quốc có lợi ích trong việc tăng cường an ninh năng lượng bằng việc đảm bảo rằng dầu và khí đốt có thể được khai thác trong khu vực lân cận của nước này.

Tất cả những lợi ích quốc gia này đều phải đi theo hướng hợp tác khu vực và giải quyết các tranh chấp dựa trên luật quốc tế. Việc theo đuổi các lợi ích quốc gia của Trung Quốc đã bị cản trở vì tấm bản đồ mập mờ, mang tính kích động và thiếu minh bạch về mặt pháp lý của Tưởng Giới Thạch. Có một sự nhất trí chung tại các hội thảo ở Việt Nam rằng một giải pháp cuối cùng cho các tranh chấp ở Biển Đông sẽ còn rất lâu mới đạt được. Nhưng trong một phát biểu khá là lạc quan, Đại sứ Rodolfo Severino, nguyên Tổng Thư ký ASEAN (1998 - 2002) đã cho rằng:

“Một điều có thể thực hiện đó là làm sao đưa các yêu sách càng sát với khuôn khổ của luật pháp quốc tế càng tốt, mà trên hết là UNCLOS.”[12]

10 + 1 + 1 = ?

Khi nào Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách? Tuyên bố thiếu sáng suốt rằng Biển Đông thuộc “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc đã tạo ra một sự tranh luận mới trong nội bộ Trung Quốc.[13] Có lẽ chúng ta sẽ thấy được những dấu hiệu đầu tiên về những thay đổi chính thức sau Đại hội Đảng vào năm 2012. Tuy nhiên vai trò của Đài Loan là một chướng ngại lớn cần phải vượt qua trước khi tạo ra được những thay đổi hiệu quả. Cũng như trong các hội thảo không chính thức ở In-đô-nê-xia, các học giả đến từ Đài Loan và Trung Quốc đại lục cũng tham gia vào hai hội thảo ở Việt Nam. Điều này có ý nghĩa cực kỳ lớn. Các chính phủ tương ứng của ROC và PRC đã đưa ra các yêu sách giống nhau đối với Biển Đông với tư cách là đại diện của “Trung Quốc”. Đài Loan chiếm đóng đảo Đông Sa ở phía Tây Đài Loan và Ba Bình ở Trường Sa. Do đó, PRC và ROC cần phối hợp các chính sách của mình. Dĩ nhiên, điều này không hề dễ dàng.

Việc tin rằng ROC và PRC có thể đồng thời thay đổi các chính sách của mình và có cách thức tiếp cận mới dựa trên một cách hiểu chung về luật biển có vẻ như ngây ngô, nhưng cũng nên lưu ý rằng các mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan không hề chịu tác động của những xung đột địa chính trị gần đây. Những mối quan hệ này đã được cải thiện theo thời gian, với một số những thỏa thuận hợp tác mới.

Nên có nhiều cơ hội cho hợp tác nhiều hơn nữa ở Biển Đông, có lẽ thậm chí thương lượng với các bên yêu sách khác, dựa trên công thức 10 + 1 + 1: ASEAN + Trung Quốc + “Trung Quốc Đài Bắc”. Công thức này được triển khai trong các hội thảo không chính thức hàng năm mà In-đô-nê-xia tổ chức từ năm 1990, và mang lại giá trị tiềm năng to lớn. Trung Quốc không thể tiến đến giải quyết xung đột ở Biển Đông mà không có sự hợp tác của Đài Loan. Các điểm cơ sở dọc bờ biển của Đài Loan phải được sử dụng để tính chiều rộng của các yêu sách thềm lục địa và EEZ của (một nước) Trung Quốc thống nhất. Như đã nêu, Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa. Nếu Bắc Kinh lặng lẽ gác lại bản đồ đường chín đoạn và theo hướng tiến đến một giải pháp lâu dài về mặt pháp lý mà không có sự ủng hộ của Đài Loan, thì các nhà hoạch định chính sách của PRC sẽ vấp phản sự đấu tranh từ các luồng ý kiến theo chủ nghĩa dân tộc ở Đài Loan, Hồng Kông và các trường đại học và các trang thông tin điện tử. Các chính phủ ở Đài Bắc và Bắc Kinh cần phải thúc đẩy lẫn nhau trong tiến trình giải quyết xung đột ở Biển Đông. Điều này là vì lợi ích quốc gia lâu dài của Trung Quốc.

Bản đồ Biển Đông, với tên các địa danh chỉ bằng tiếng Anh để tránh không ủng hộ bên nào trong tranh chấp chủ quyền (hầu như mọi đá và đảo nhỏ ở Biển Đông đều được mỗi quốc gia yêu sách đặt tên gọi khác nhau).

NGUỒN: Stein Tonnesson

Tấm bản đồ in hình đường chín đoạn này được đính kém vào công hàm ngày 7/5/2009 của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gửi Ủy ban Liên hợp quốc về Ranh giới ngoài Thềm lục địa, phản đối báo cáo riêng của Việt Nam và Báo cáo chung Việt nam – Ma-lai-xia về tính toán ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý tính từ đường bờ biển của họ. Bằng việc đính kèm bản đồ này vào công hàm, Trung Quốc đã biến tấm bản đồ này thành một tài liệu chính thức của Liên hợp quốc, do đó có thể để mở cho các chuyên gia về luật quốc tế nghiên cứu.  

GS. Stein Tonnesson, Viện Nghiên cứu Hòa bình, Oslo

Trần Hoàng Yến (dịch)

Đỗ Thị Thủy (hiệu đính)

Bản gốc tiếng Anh " China's Changing Role in the South China Sea: Reflections on a Scholars Workshop". Bài viết được in trong Series đặc biệt của tạp chí Harvard Asia Quarterly với chủ đề “The Disputed Sea – Maritime Security in East Asia” tháng 12/2010

Bản quyền tiếng Việt thuộc NCBĐ



[1] Jerome A. Cohen và Jon M. Van Dyke, “Lines of latitude,” South China Morning Post, 10/11/2010, A15.

[2] Yukie Yoshikawa, “Okinotorishima: Just the Tip of the Iceberg,” Harvard Asia Review 10, 4 (2005); và R. W. Smith, “Maritime Delimitation in the South China Sea: Potentiality and Challenges.” Ocean Development and International Law 41 (2010): 222-223.

[3] Stein Tønnesson, “The Paracels: The ‘Other’ South China Sea Dispute,” Asian Perspective 26-4 (2001): 145-169; Stein Tønnesson, “The South China Sea in the Age of European Decline,” Modern Asian Studies 40-1 (2006): 1–57.

[4] Nguyễn Thị Lan Anh tranh luận rằng các đảo đó, như quần đảo Trường Sa không thể có được hiệu lực đó.

[5] Yann-huei Song, “The Application of Article 121(3) of the Law of the Sea Convention to Five Selected Disputed Islands in the South China Sea,” trong ed. Tran Truong Thuy (2010), 44-68.

[6] Fravel, Taylor. Strong Borders, Secure Nation: Cooperation and Confict in China’s Territorial Disputes. Cambridge, MA: Princeton UP, 2008.

[7] Ramses Amer, “The Sino-Vietnamese Approach to Managing Border Disputes - Lessons, Relevance and Implications for the South China Sea Situation,” trong ed. Tran Truong Thuy (2010), 251-271.

[8] Ramses Amer, “Dispute Settlement and Confict Management in the South China Sea - Assessing Progress and Challenges.” Bài viết cho Hội thảo quốc tế lần 2, Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, 11 – 12/11/2010.

[9] Giáo sư Gao đã chỉ ra một cách đúng đắn rằng khai thác chung yêu cầu sự chân thành hay niềm tin giữa các bên hơn là phân định. Gao Jianjun, “Joint Development in the East China Sea: Not an Easier Challenge than Delimitation,” International Journal of Marine and Coastal Law 23 (2008): 39, 41, 75.

[10] Ji Guoxing, “Maritime Jurisdiction and Maritime Security Cooperation in the South China Sea,” trong ed. Tran Truong Thuy (2010), 31-36 (ref. p. 35).

[11] Li Jianwei, “Cooperation in the Gulf of Tonkin: the China - Vietnam Fishery Agreement Revisited”; Song Yann-huei, “Joint Marine Biodiversity Projects in the South China Sea: Efforts Made in the SCS Workshop Process”; và Wang Hanling, “International Joint Development of Fisheries Resources.” Các bài viết cho Hội thảo quốc tế lần 2, Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, 11 – 12/11/2010.

[12] Rodolfo C. Severino, “Cooperation for Regional Security and Development in the South China Sea.” Bài viết cho Hội thảo quốc tế lần 2, Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, 11 – 12/11/2010.

[13] Giáo sư Shen Dingli, Fudan University, Shanghai, tranh luận trong một bài viết xuất bản tháng 12/2010 của tờ Quan sát  Xã hội [Shehui Guancha] rằng Trung Quốc không nên để cho chính sách Biển Đông bị rơi vào bẫy của tấm bản đồ đường chín đoạn mà chính sách đó nên có cơ sở rõ ràng dựa trên luật biển.