Các đô đốc của Trung Quốc gọi chiến lược mới là "phòng thủ biển xa" và tốc độ xây dựng các năng lực “nước xanh” của Trung Quốc đã làm ngạc nhiên các quan chức quân sự nước ngoài. Chiến lược mới của hải quân Trung Quốc là một bước đột phá rõ ràng so với học thuyết truyền thống, phạm vi hẹp hơn là chỉ nhằm đối phó với việc Đài Loan tuyên bố độc lập hay bảo vệ vùng duyên hải của Trung Quốc. Hiện nay, các đô đốc hải quân Trung Quốc nói rằng họ muốn các tàu chiến của mình hộ tống các tàu thương mại có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, từ vùng Vịnh ở Trung Đông cho đến Eo biển Malắcca, và giúp bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở vùng biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và Hoa Đông giàu tài nguyên. Vào cuối tháng 3, hai tàu chiến của Trung Quốc đã neo đậu ở Abu Dhabi - lần đầu tiên hải quân Trung Quốc thực hiện chuyến thăm cảng ở Trung Đông. 


Kế hoạch tổng thể phản ánh cảm giác tự tin ngày càng gia tăng của Trung Quốc và sự sẵn sàng khẳng định các lợi ích ở bên ngoài. Các tham vọng hải quân của Trung Quốc cũng đang được cảm nhận trong các động thái quan hệ với Mỹ. Một quan chức cấp cao của Mỹ liên quan đến chính sách đối với Trung Quốc nói rằng vào tháng 3, các quan chức của Trung Quốc đã nói riêng với các quan chức cấp cao của Mỹ rằng Trung Quốc sẽ không cho phép bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài trong các vấn đề về lãnh thổ ở Biển Đông. 


Sự tăng cường hải quân sẽ không chỉ biến Trung Quốc thành đối thủ quan trọng đối với quyền bá chủ hải quân của Mỹ trong tương lai gần, mà còn có một số ít dấu hiệu cho thấy Trung Quốc còn có những ý định hung hăng với Mỹ và các nước khác. Trung Quốc, hiện là nhà xuất khẩu hàng đầu trên thế giới và là nước nhập khẩu lớn dầu lửa và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, không còn thoải mái phó mặc an ninh của các tuyến đường hàng hải cho người Mỹ và sự định nghĩa các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc cũng đã mở rộng cùng với ảnh hưởng kinh tế của nước này. 


Vào cuối tháng 3, Đô đốc Robert F. Willard, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, phát biểu tại một phiên điều trần của Quốc hội Mỹ rằng những phát triển quân sự gần đây của Trung Quốc là "rất mạnh mẽ". Trung Quốc đã thử nghiệm các loại tên lửa đạn đạo có thể được sử dụng ở tầm xa hơn nhằm đối phó với các tàu sân bay. Sau nhiều năm phủ nhận, các quan chức của Trung Quốc đã khẳng định rằng họ có ý định xây dựng tàu sân bay trong vòng vài năm tới. Đô đốc Willard và các nhà phân tích quân sự cho rằng Trung Quốc cũng đang phát triển một hạm đội tàu ngầm hiện đại nhằm ngăn chặn các tàu hải quân nước ngoài đi vào các vùng biển chiến lược nếu như xảy ra một cuộc xung đột trong khu vực. 


Hiện nay, trên vùng duyên hải phía Nam của Đảo Hải Nam ở Biển Đông, quân đội Trung Quốc gần đây đã xây dựng một căn cứ tàu ngầm dưới lòng đất, nằm cách không xa các khu nghỉ mát năm sao trên bờ biển. Căn cứ này sẽ cho phép các tàu ngầm đạt được mức nước sâu trong vòng 20 phút và đi vào vùng Biển Đông - là nơi có một số tuyến đường vận chuyển hàng hải “bận rộn” nhất trên thế giới và các khu vực nhiều dầu lửa và khí thiên nhiên, vốn là trọng tâm trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước châu Á khác. 


Điều này không chỉ khiến cho các tư lệnh của Mỹ quan ngại, mà còn cả các quan chức của các quốc gia Đông Nam Á, những nước vốn đang âm thầm mua sắm thêm tàu ngầm, tên lửa và các loại vũ khí khác. Ông Huang Jing, một học giả về quân đội Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Xinhgapo, nói rằng: "Các quan chức khu vực đã rất ngạc nhiên. Chúng tôi ở trong tình trạng hoàn toàn không biết gì. Chúng tôi nghĩ rằng quân đội Trung Quốc đang ở sau chúng tôi 20 năm, nhưng chúng tôi bỗng nhận ra rằng họ đã bắt kịp chúng tôi". 


Trung Quốc cũng đang buộc Mỹ phải để ý đến những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực. Trong tháng 3, các quan chức Trung Quốc đã nói với hai viên chức cấp cao của Chính quyền Tổng thống Barack Obama đến thăm Trung Quốc là ông Jeffrey Bader và James B. Steinberg, rằng Trung Quốc sẽ không tha thứ cho bất kỳ sự can thiệp nào ở Biển Đông, hiện nay là một phần của vùng chủ quyền "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đã coi vùng Biển Đông là khu vực lợi ích cốt lõi, cùng với các vấn đề Đài Loan và Tây Tạng. 


Một nhân tố khác của chiến lược mới của hải quân Trung Quốc là việc mở rộng phạm vi tác chiến ra xa ngoài khơi Biển Đông và Philíppin tới khu vực được biết tới với cái tên là "chuỗi đảo thứ hai" - các hòn đảo và đá san hô ở Thái Bình Dương. Khu vực này chồng lấn với vùng bá chủ của hải quân Mỹ. 


Nhật Bản cũng đang rất lo ngại. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa nói vào giữa tháng 4 vừa qua, hai tàu ngầm của Trung Quốc và tám tàu khu trục khác đã được phát hiện vào ngày 10/4 hướng tới hai đảo của Nhật Bản trên đường tới Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên một đội tàu lớn như vậy của Trung Quốc tiến gần đến Nhật Bản. 


Kể từ tháng 12/2008, Trung Quốc đã duy trì ba tàu chiến đến Vịnh Aden để đóng góp vào lực lượng quốc tế chống cướp biển. Đây cũng là sự triển khai đầu tiên của hải quân Trung Quốc ra vùng biển xa ngoài khơi Thái Bình Dương. Sứ mệnh này cho phép Trung Quốc cải thiện các năng lực tầm xa của hải quân. 


Một báo cáo năm 2009 của Lầu Năm Góc ước tính rằng lực lượng hải quân của Trung Quốc có khoảng 260 tàu chiến, trong đó có hơn 60 tàu ngầm. Báo cáo lưu ý đến việc xây dựng tàu sân bay của Trung Quốc và nói rằng Bắc Kinh vẫn tiếp tục quan tâm đến việc mua các loại máy bay chiến đấu đậu trên tàu sân bay của Nga. 


Lầu Năm góc không coi Trung Quốc là một lực lượng thù địch. Nhưng trong một phản ứng đối với việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân, Mỹ gần đây đã chuyển lực lượng tàu ngầm từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Hiện nay, đại đa số lực lượng tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ là ở Thái Bình Dương, ông Bernard Cole, cựu sĩ quan hải quân Mỹ và hiện là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở thủ đô Oasinhtơn, cho biết. 


Các tàu của Mỹ hiện thường xuyên khảo sát căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải
Nam và việc làm này đôi khi dẫn tới những va chạm với các tàu của Trung Quốc. Một sứ mệnh khảo sát năm ngoái của tàu USS Impeccable đã dẫn tới việc mà các quan chức Lầu Năm Góc gọi là sự sách nhiễu của các tàu ngư chính của Trung Quốc. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc nói rằng nước này có quyền ngăn cản sự theo dõi ở những vùng biển này bởi vì nó thuộc khu đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. 


Mỹ và Trung Quốc cũng có những định nghĩa khác nhau về những khu vực như vậy, được xác định bởi một công ước của Liên hợp quốc, đó là vùng biển nằm trong phạm vi 200 hải lý. Mỹ nói rằng luật quốc tế cho phép một quốc gia có bờ biển chỉ được giữ các quyền thương mại đặc biệt ở những vùng đặc quyền kinh tế, trong khi Trung Quốc nói rằng quốc gia đó có thể kiểm soát hoàn toàn bất kỳ hoạt động nào trong vùng đặc quyền kinh tế. 


Các nhà lãnh đạo quân sự cho rằng hải quân Trung Quốc chỉ đơn thuần là một lực lượng tự vệ, nhưng khái niệm tự vệ đã mở rộng sang các lĩnh vực lợi ích kinh tế và hàng hải rộng lớn hơn. Chuẩn Đô đốc Zhang Huachen, Phó Tư lệnh Hạm đội Đông Hải, nói rằng: "Với chiến lược hải quân của chúng tôi đang thay đổi hiện nay, chúng tôi đang đi từ phòng thủ bờ biển sang phòng thủ biển xa". 


Hiện nay, hải quân Trung Quốc nhận được hơn 1/3 tổng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, "phản ánh ưu tiên mà Bắc Kinh dành cho hải quân như một công cụ của an ninh quốc gia", ông Cole phát biểu. Ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc trong năm 2010 là 78 tỷ USD, nhưng Lầu Năm Góc nói rằng Bắc Kinh đã chi tiêu nhiều hơn rất nhiều con số đó. Năm ngoái, Lầu Năm Góc ước tính tổng chi phí quân sự của Trung Quốc vào khoảng 105-150 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với chi tiêu quân sự của Mỹ. 


Theo lời ông Huang, sự tăng trưởng ấn tượng nhất của hải quân Trung Quốc là ở hạm đội tàu ngầm. Trung Quốc gần đây đã chế tạo ít nhất hai tàu ngầm lớp Tấn và đang chế tạo thêm hai chiếc nữa. Hai chiếc tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Thương gần đây cũng đã được đưa vào sử dụng. 


Giáo sư Carlyle A. Thayer của Học viện Quốc phòng Ôxtrâylia, nói rằng các quốc gia trong khu vực cũng đã phản ứng bằng các hoạt động mua sắm của họ. Tháng 12, Việt
Nam ký kết một thỏa thuận mua sắm vũ khí với Nga trong đó có 6 tàu ngầm lớp Kilo. Hợp đồng mua bán này cho phép Việt Nam có được hạm đội tàu ngầm mạnh nhất ở Đông Nam Á. Năm ngoái, Malaixia cũng đã nhận đơn giao hàng tàu ngầm đầu tiên, một trong hai chiếc đặt hàng từ Pháp, và Xinhgapo cũng đã bắt đầu đưa vào hoạt động một trong hai chiếc tàu ngầm lớp Archer mua của Thụy Điển. 


Mùa Thu năm ngoái, phát biểu tại thủ đô Oasinhtơn, ông Lý Quang Diệu, cựu lãnh đạo của Xinhgapo, đã nêu lên những mối lo ngại sâu rộng về sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc và kêu gọi Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện trong khu vực. Ông còn cho biết: "Lợi ích cốt lõi của Mỹ đòi hỏi nước này cần tiếp tục duy trì vị trí siêu cường chi phối ở Thái Bình Dương. Từ bỏ vị trí này sẽ làm giảm vai trò của Mỹ trên toàn thế giới"./.