Chiến trường đang xác định của thế kỷ 21 sẽ là ở trên biển 

Châu Âu là một bức họa về đất liền, Đông Á là một bức họa về biển. Sự khác biệt mang tính quyết định giữa thế kỷ 20 và thế kỷ 21 là ở chỗ đó. Các khu vực bị tranh giành nhiều nhất của trái đất này trong thế kỷ qua nằm trên vùng đất liền ở châu Âu, đặc biệt là ở dải đất bằng phẳng mà đã hình thành các đường biên giới giả tạo ngăn cách phía Đông và Tây của nước Đức và phơi ra trước bước tiến không thể ngăn cản nổi của các quân đội. Nhưng trong một khoảng thời gian hàng thập kỷ, trục nhân khẩu học và kinh tế của địa cầu đã thay đổi đáng kể chuyển đến đầu bên kia của đại lục Âu-Á, nơi các khoảng không gian giữa các trung tâm dân số lớn chủ yếu là đại dương. 

Do cách thức mà địa lý học làm sáng tỏ và đặt ra các ưu tiên, các đường nét tự nhiên này của Đông Á báo trước một thế kỷ của hải quân – hải quân được xác định ở đây theo nghĩa rộng bao gồm cả các đội hình chiến đấu trên biển lẫn trên không hiện nay khi mà chúng đã trở nên ngày càng không thể tách rời. Tại sao vậy? Trung Quốc đặc biệt lúc này khi mà các đường biên giới trên đất liền của họ an toàn hơn so với bất cứ thời điểm nào kể từ đỉnh cao của triều đại nhà Thanh vào cuối thế kỷ 18, đang tham gia vào việc bành trướng hải quân không thể chối cãi. Chính là thông qua sức mạnh trên biển mà Trung Quốc sẽ xóa bỏ về mặt tâm lý hai thế kỷ diễn ra các tội ác của nước ngoài trên lãnh thổ của mình – buộc mỗi nước xung quanh mình phải phản ứng lại. 

Các cuộc giao chiến quân sự trên đất liền và trên biển là rất khác nhau, với những tác động lớn đối với các chiến lược lớn cần thiết để giành chiến thắng – hoặc để né tránh – chúng. Các cuộc giao chiến trên đất liền làm dân thường vướng vào đó, trên thực tế khiến cho các quyền con người trở thành một yếu tố dấu hiệu trong các nghiên cứu về chiến tranh. Các cuộc giao tranh trên biển tiếp cận xung đột như một vấn đề mang tính khách quan và kỹ trị, trên thực tế rút gọn chiến tranh thành dạng toán học, ngược lại rõ rệt với các cuộc chiến trí tuệ đã giúp xác định các cuộc xung đột trước đây. 

Chiến tranh Thế giới thứ Hai là một cuộc chiến đạo đức chống lại chủ nghĩa phát xít, hệ tư tưởng chịu trách nhiệm về cái chết của hàng chục triệu người không tham chiến. Chiến tranh Lạnh là một cuộc chiến đạo đức chống lại chủ nghĩa cộng sản, một hệ tư tưởng mang tính áp bức tương tự mà các vùng lãnh thổ rộng lớn bị Hồng quân Liên Xô chiếm đoạt đã được cai trị bằng hệ tư tưởng đó. Giai đoạn ngay sau Chiến tranh Lạnh đã trở thành một cuộc chiến đạo đức chống lại nạn diệt chủng ở Bancăng và Trung Phi, hai nơi mà ở đó cuộc chiến tranh trên đất liền và các tội ác chống lại nhân loại không thể bị tách rời. Gần đây hơn là cuộc chiến đạo đức chống lại Hồi giáo cực đoan đã lôi kéo Mỹ vào sâu bên trong các biên giới địa hình đồi núi của Ápganixtan, nơi việc cư xử nhân đạo với hàng triệu dân thường là đặc biệt quan trọng đối với sự thành công trong cuộc chiến tranh này. Trong tất cả những nỗ lực này, chiến tranh và chính sách đối ngoại trở thành các chủ đề không chỉ đối với các binh lính và các nhà ngoại giao mà còn đối với các nhà nhân văn và các trí thức. Quả thực, việc chống nổi loạn thể hiện đỉnh cao của các kiểu kết hợp giữa các quân nhân và các chuyên gia về nhân quyền. Đây là kết quả cuối cùng của chiến tranh mặt đất tiến triển thành cuộc chiến tranh tổng lực trong thời hiện đại. 

Đông Á, hay chính xác hơn là Tây Thái Bình Dương, đang nhanh chóng trở thành trung tâm hoạt động hải quân mới của thế giới, báo trước một động lực khác về cơ bản. Khu vực này sẽ có thể tạo ra tương đối ít tình thế tiến thoái lưỡng nan về đạo đức theo kiểu mà chúng ta đã từng gặp trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, với khả năng xa vời là xảy ra cuộc chiến trên đất liền trên bán đảo Triều Tiên như một ngoại lệ đáng chú ý. Tây Thái Bình Dương sẽ đưa các vấn đề quân sự trở lại lĩnh vực hạn hẹp của các chuyên gia quốc phòng. Đây không chỉ đơn thuần bởi vì chúng ta đang đề cập đến lĩnh vực hải quân, trong đó không có các dân thường. Đó còn bởi vì bản chất của các nhà nước ở Đông Á, mà giống như Trung Quốc, có thể là rất độc tài, nhưng trong phần lớn các trường hợp không phải là chuyên chế hay quá vô nhân đạo. 

Cuộc đấu tranh giành địa vị đứng đầu ở Tây Thái Bình Dương sẽ không nhất thiết phải liên quan đến chiến sự; phần lớn những gì xảy ra sẽ diễn biến lặng lẽ và trên đường chân trời trong không gian đại dương trống vắng, với nhịp độ rất từ từ phù hợp với sự thích nghi chậm rãi và dần dần với sức mạnh vượt trội về kinh tế và quân sự mà các nước đã tạo ra trong suốt chiều dài lịch sử. Chiến tranh còn lâu mới là không thể tránh khỏi cho dù sự cạnh tranh là một xu hướng đã định. Và nếu Trung Quốc và Mỹ giải quyết thành công sự chuyển giao sắp diễn ra, thì châu Á và thế giới sẽ là một nơi an toàn và thịnh vượng hơn. Còn điều gì có thể mang tính đạo đức hơn thế? Hãy nhớ rằng: chính chủ nghĩa hiện thực phục vụ cho lợi ích quốc gia – có mục tiêu là tránh chiến tranh – đã cứu sống nhiều sinh mạng hơn trong chiều dài lịch sử so với chủ nghĩa can thiệp mang tính nhân đạo. 

Đông Á là một khu vực rộng lớn trải rộng gần như từ Bắc Cực đến Nam Cực – từ quần đảo Kuril hướng về phía Nam đến Niu Dilân – và có đặc trưng là một chuỗi đứt đoạn các bờ biển cô lập và các quần đảo trải dài. Ngay cả tính đến việc công nghệ đã thu hẹp khoảng cách đáng kể ra sao, thì biển vẫn đóng vai trò là một hàng rào ngăn chặn sự tấn công, ít nhất ở một mức độ mà đất liền không có được. Biển, không giống như đất liền, tạo ra các đường biên giới được xác định rõ ràng, đem lại cho nó khả năng giảm thiểu xung đột. Rồi cần phải cân nhắc đến tốc độ. Ngay cả các tàu chiến có tốc độ nhanh nhất cũng di chuyển tương đối chậm, chẳng hạn 35 hải lý, làm giảm khả năng xảy ra những tính toán sai lầm và cho các nhà ngoại giao có nhiều giờ hơn – thậm chí là nhiều ngày hơn – để cân nhắc lại các quyết định. Các lực lượng hải quân và không quân đơn giản là không chiếm đóng lãnh thổ bằng phương cách như lục quân. Chính nhờ các vùng biển xung quanh Đông Á – trung tâm sản xuất toàn cầu cũng như gia tăng mua sắm quân sự toàn cầu – mà thế kỷ 21 có cơ hội tốt hơn thế kỷ 20 để tránh được những cuộc đối đầu lớn về quân sự. 

Dĩ nhiên là Đông Á đã chứng kiến các cuộc đối đầu quân sự lớn trong thế kỷ 20, mà các vùng biển không ngăn cản nổi: cuộc chiến tranh Nga-Nhật Bản; gần nửa thế kỷ diễn ra nội chiến ở Trung Quốc đã đi kèm với sự sụp đổ từ từ của triều đại nhà Thanh; các cuộc chinh phục khác nhau của đế quốc Nhật, tiếp theo sau là Chiến tranh thế giới thứ Hai ở Thái Bình Dương; chiến tranh Triều Tiên; các cuộc chiến tranh ở Campuchia và Lào; và hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam liên quan đến Pháp và Mỹ. Thực tế là việc địa lý của Đông Á chủ yếu là biển có rất ít ảnh hưởng đến những cuộc chiến tranh như thế, mà cốt lõi của chúng là các cuộc xung đột nhằm củng cố hoặc giải phóng quốc gia. Nhưng kỷ nguyên đó phần lớn nằm ở phía sau chúng ta. Quân đội các nước Đông Á, thay vì tập trung vào bên trong với các quân đội công nghệ thấp, đang tập trung hướng ra bên ngoài với các lực lượng hải quân và không quân công nghệ cao. 

Về việc so sánh giữa Trung Quốc ngày nay và Đức trong thời gian trước khi xảy ra Chiến tranh thế giới thứ Nhất mà nhiều người từng làm, đó là một sự sai lầm: Trong khi Đức, do vị trí địa lý của châu Âu, chủ yếu là một cường quốc trên đất liền, thì Trung Quốc, do vị trí địa lý của Đông Á, sẽ chủ yếu là một cường quốc hải quân. Đông Á có thể được chia thành hai khu vực chính: Đông Bắc Á, bị chi phối bởi bán đảo Triều Tiên, và Đông Nam Á, bị chi phối bởi Biển Đông. Đông Bắc Á xoay quanh số phận của Bắc Triều Tiên, một nhà nước độc tài bị cô lập với tương lai mờ nhạt trong một thế giới bị chi phối bởi chủ nghĩa tư bản và truyền thông điện tử. Nếu Bắc Triều Tiên nổ tung bên trong, thì các lực lượng mặt đất của Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc có thể gặp nhau trên nửa phía Bắc của bán đảo này lấy cớ là tất cả những sự can thiệp nhân đạo, ngay cả khi họ tạo ra những phạm vi ảnh hưởng cho chính họ. Các vấn đề hải quân sẽ là vấn đề thứ yếu. Nhưng một sự thống nhất cuối cùng của Triều Tiên sẽ sớm làm cho các vấn đề hải quân trở nên nổi bật, với một Triều Tiên lớn hơn, Trung Quốc và Nhật Bản trong sự cân bằng mong manh, bị chia cắt bởi Biển Nhật Bản, Hoàng Hà và Bột Hải. Tuy nhiên bởi vì Bắc Triều Tiên vẫn tồn tại, giai đoạn Chiến tranh Lạnh của lịch sử Đông Bắc Á chưa hoàn toàn chấm dứt, và sức mạnh trên đất liền có thể chi phối truyền thông trước khi sức mạnh trên biển sẽ làm điều đó. 

Ngược lại, Đông Nam Á đã tiến sâu vào giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh trong lịch sử. Việt Nam, chi phối bờ biển phía Tây của Biển Đông, bất chấp hệ thống chính trị của mình, là một sức mạnh tư bản chủ nghĩa ghê gớm, tìm kiếm các mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Mỹ. Trung Quốc, được Mao Trạch Đông củng cố vững chắc như một nhà nước vương triều sau các thập kỷ hỗn loạn và biến thành nền kinh tế năng động nhất của thế giới nhờ chính sách tự do hóa của Đặng Tiểu Bình, hối hả vươn ra bên ngoài bằng hải quân của mình đến cái mà họ gọi là “chuỗi đảo đầu tiên” ở Tây Thái Bình Dương. Nước Hồi giáo khổng lồ, Inđônêxia, sau khi trải qua và cuối cùng kết thúc những thập kỷ của chế độ cai trị quân sự, đang sẵn sàng nổi lên thành một Ấn Độ thứ hai: một chế độ dân chủ sôi động và ổn định có khả năng triển khai sức mạnh bằng nền kinh tế đang phát triển của mình. Xinhgapo và Malaixia cũng đang tăng tiến về kinh tế, trung thành với mô hình vừa là nhà nước thành phố vừa là nhà nước kinh doanh thông qua những sự pha trộn đa dạng chế độ dân chủ và chủ nghĩa độc tài. Bức tranh ghép là về một nhóm các nước, với các vấn đề về tính hợp pháp trong nước và việc xây dựng nhà nước ở đằng sau họ, sẵn sàng thúc đẩy các quyền lãnh thổ đã được nhận biết vượt ra bên ngoài các bờ biển của họ. Sự thúc đẩy chung hướng ra bên ngoài này nằm trong buồng lái nhân khẩu học toàn cầu, bởi vì đó là ở Đông Nam Á, với 615 triệu dân, nơi 1,3 tỷ dân của Trung Quốc hội tụ với 1,5 tỷ dân ở tiểu lục địa Ấn Độ. Và nơi gặp gỡ về mặt địa lý của các nước này, và quân đội của họ là biển: Biển Đông. 

Biển Đông nối liền các nước Đông Nam Á với Tây Thái Bình Dương, có chức năng như một cái cổ họng của các tuyến đường biển toàn cầu. Đây là trung tâm của Âu-Á trên biển, bị ngắt quãng bởi các eo biển Malắcca, Sunda, Lombok và Makassar. Hơn một nửa số tàu chở hàng hóa mỗi năm của thế giới và 1/3 toàn bộ giao thông tuyến đường biển đi qua các điểm thắt này. Dầu lửa được chuyển qua eo biển Malắcca từ Ấn Độ Dương, trên đường đến Đông Á thông qua Biển Đông, gấp 6 lần số lượng đi qua Kênh đào Xuyê và gấp 17 lần số lượng đi qua Kênh đào Panama. Xấp xỉ 2/3 nguồn cung năng lượng của Hàn Quốc, gần 60 % nguồn cung năng lượng của Nhật Bản và Đài Loan, và khoảng 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Biển Đông. Còn nữa, Biển Đông mang lại trữ lượng dầu lửa 7 tỷ thùng và ước tính 900 nghìn tỷ phút khối khí tự nhiên, một món quà tiềm năng to lớn. 

Không chỉ vị trí và nguồn dự trữ năng lượng hứa hẹn mang lại cho Biển Đông tầm quan trọng địa-chiến lược thiết yếu, mà còn các tranh chấp lãnh thổ tàn nhẫn từ lâu đã lẩn quất xung quanh các vùng biển này. Một vài tranh chấp liên quan đến quần đảo Trường Sa, một quần đảo nhỏ ở phía Đông Nam Biển Đông. Việt Nam , Đài Loan và Trung Quốc mỗi bên đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ hay phần lớn Biển Đông, cũng như toàn bộ các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đặc biệt là Bắc Kinh khẳng định một đường lịch sử: họ tuyên bố chủ quyền đến tận trung tâm Biển Đông trong một vòng cung rộng lớn (được biết đến rộng rãi là “đường lưỡi bò”) từ Đảo Hải Nam của Trung Quốc ở cực Bắc Biển Đông suốt 1.200 dặm về phía Nam đến gần Xinhgapo và Malaixia. 

Kết quả là tất cả 9 nước tiếp xúc với Biển Đông ít nhiều đã dàn trận chống lại Trung Quốc và do đó dựa vào Mỹ để được hỗ trợ về ngoại giao và quân sự. Các tuyên bố chủ quyền gây xung đột này có thể trở nên gay gắt hơn do nhu cầu năng lượng leo thang của châu Á – tiêu thụ năng lượng dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, với Trung Quốc chiếm ½ trong con số tăng trưởng đó – khiến Biển Đông trở thành một nơi đảm bảo thậm chí còn mang tính trung tâm hơn cho sức mạnh kinh tế của khu vực này. Biển Đông đã ngày càng trở thành một doanh trại vũ trang, khi các bên tuyên bố chủ quyền tăng cường và hiện đại hóa lực lượng hải quân của họ, ngay cả khi sự tranh giành các quần đảo và các bãi đá ngầm trong những thập kỷ gần đây hầu như đã kết thúc. Cho đến nay, Trung Quốc đã chiếm 12 điểm địa lý, Đài Loan chiếm 1, Việt Nam chiếm 25, Philíppin chiếm 8 và Malaixia chiếm 5. 

Chính địa lý của Trung Quốc định hướng nước này theo hướng Biển Đông. Trung Quốc nhìn về phía Nam hướng tới một vùng biển được hình thành, theo chiều kim đồng hồ, bởi Đài Loan, Philíppin, đảo Borneo chia cắt giữa Malaixia và Inđônêxia (cũng như Brunây nhỏ bé), Bán đảo Malaixia chia tách giữa Malaixia và Thái Lan, và bờ biển kéo dài hình rắn lượn của Việt Nam: tất cả đều là những nước yếu so với Trung Quốc. Giống biển Caribê, có đặc trưng là các quốc đảo nhỏ và được bao quanh bởi nước Mỹ quy mô lục địa, Biển Đông là một vũ đài hiển nhiên cho việc triển khai sức mạnh của Trung Quốc. 

Thật vậy, vị trí của Trung Quốc theo nhiều cách giống với vị trí của Mỹ đối với Caribê có quy mô tương tự vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Mỹ đã công nhận sự hiện diện và các tuyên bố chủ quyền của các cường quốc châu Âu ở Caribê, nhưng tuy thế vẫn tìm cách để thống trị khu vực này. Chính là cuộc chiến Tây Ban Nha-Mỹ vào năm 1898 và việc đào Kênh Panama từ năm 1904 đến năm 1914 đã báo hiệu sự xuất hiện của Mỹ với tư cách là một cường quốc thế giới. Hơn nữa, việc thống trị Vịnh Caribê rộng lớn hơn đã đem lại cho Mỹ sự kiểm soát có hiệu quả bán cầu Tây, điều đã cho phép nước này gây ảnh hưởng đến cán cân quyền lực ở bán cầu Đông. Và ngày nay Trung Quốc tìm thấy chính mình trong một tình huống tương tự ở Biển Đông, tiền sảnh của Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc cũng mong muốn có sự hiện diện của hải quân để bảo vệ các nguồn cung năng lượng từ Trung Đông của mình. 

Tuy nhiên, một điều gì đó sâu sắc và tình cảm hơn là vị trí địa lý đẩy Trung Quốc hướng về Biển Đông và hướng ra bên ngoài tới Thái Bình Dương: đó là sự chia cắt phần nào của chính Trung Quốc bởi các cường quốc phương Tây trong những năm tương đối gần đây, sau khi đã là một nước lớn và nền văn minh thế giới trong hàng thiên nhiên kỷ. 

Vào thế kỷ 19, khi triều đại nhà Thanh trở thành một kẻ bệnh tật của Đông Á, Trung Quốc đã đánh mất nhiều phần lãnh thổ của mình vào tay Anh, Pháp, Nhật Bản và Nga. Thế kỷ 20 đã diễn ra các cuộc tiếp quản đẫm máu của Nhật Bản đối với Bán đảo Sơn Đông và Mãn Châu Lý. Tất cả những điều này là sự sỉ nhục lên đến đỉnh điểm mà Trung Quốc phải chịu bằng các thỏa thuận đặc quyền ngoại giao của thế kỷ 19 và 20, nhờ đó các nước phương Tây cố giành lấy quyền kiểm soát các phần của các thành phố Trung Quốc – cái gọi là “các hải cảng mở theo hiệp ước”. Vào năm 1839, như sử gia Jonathan D.Spence thuộc trường Đại học Yale nói với chúng ta trong cuốn “Tìm kiếm Trung Quốc hiện đại”, do những sự cướp phá này cũng như cuộc nội chiến Trung Quốc, thậm chí còn có mối sợ hãi tiềm ẩn rằng “Trung Quốc sắp bị chia cắt, rằng nước này sẽ không còn tồn tại như một quốc gia nữa, và rằng 4.000 năm lịch sử đã được ghi chép của nó sẽ đi đến một kết thúc chóng vánh”. Sự ham muốn bành trướng của Trung Quốc là một tuyên bố rằng họ không bao giờ có ý định để cho những người nước ngoài lợi dụng mình một lần nữa. 
Giống hệt lãnh thổ Đức đã hình thành tuyến đầu về quân sự của Chiến tranh Lạnh, các vùng biển thuộc Biển Đông có thể tạo thành tuyến đầu về quân sự của những thập kỷ tới. Khi hải quân Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn và khi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về Biển Đông mâu thuẫn với tuyên bố chủ quyền của các nước vùng duyên hải khác, các nhà nước khác này sẽ buộc phải phát triển hơn nữa các khả năng hải quân của họ. Họ cũng sẽ đối trọng với Trung Quốc bằng việc ngày càng dựa vào hải quân Mỹ, mà sức mạnh của nó có thể đạt đến đỉnh cao trong những điều kiện tương đối, ngay cả khi nó phải chuyển hướng các nguồn lực đáng kể sang Trung Đông. Đa cực trên toàn thế giới đã là một đặc trưng của ngoại giao và kinh tế học, nhưng Biển Đông có thể cho chúng ta thấy đa cực theo nghĩa quân sự thực ra sẽ như thế nào. 

Không có gì lãng mạn về mặt trận mới này, không có cái như các cuộc đấu tranh mang tính đạo đức. Trong các cuộc xung đột hải quân, trừ khi có pháo kích trên bờ, tự nó không có các nạn nhân; cũng không có kẻ thù triết học để đối đầu. Không có gì trên quy mô của sự thanh lọc sắc tộc có thể xảy ra trong chiến trường trung tâm xung đột mới này. Trung Quốc, bất chấp những người bất đồng ý kiến đau khổ của nó, đơn giản không phải là như một đối tượng của cơn giận dữ về đạo đức. Chế độ Trung Quốc chỉ chứng tỏ một phiên bản hàm lượng calo thấp của chủ nghĩa độc tài, với nền kinh tế theo kiểu tư bản chủ nghĩa và một hệ tư tưởng quản lý hầu như chẳng có gì để nói đến. Hơn nữa, Trung Quốc có thể trở thành một xã hội cởi mở hơn thay vì đóng kín trong những năm tương lai. Thay cho chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quân phiệt, Trung Quốc, cùng với các nước khác ở Đông Á, ngày càng được xác định bởi sự kiên định đi theo chủ nghĩa dân tộc theo kiểu cũ: chắc chắn là một ý tưởng nhưng không phải là ý tưởng đã hấp dẫn các trí thức kể từ giữa thế kỷ 19. Và cho dù Trung Quốc trở nên dân chủ hơn, chủ nghĩa dân tộc của nước này có thể chỉ tăng lên, như ngay chính một cuộc khảo sát ngẫu nhiên về quan điểm của các cư dân mạng tương đối tự do cho thấy rõ. 

Chúng ta thường nghĩ về chủ nghĩa dân tộc như một tình cảm phản động, một di tích của thế kỷ 19. Tuy nhiên, chính chủ nghĩa dân tộc truyền thống đang chủ yếu thúc đẩy các hoạt động chính trị ở châu Á, và sẽ tiếp tục như vậy. Chủ nghĩa dân tộc đó không thể chối cãi đang dẫn đến sự phát triển quân đội các nước trong khu vực – đặc biệt là các lực lượng hải quân và không quân – nhằm bảo vệ chủ quyền và khẳng định chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị tranh chấp. Không có sự lôi cuốn mang tính triết học ở đây. Đó tất cả là về lôgích lạnh lùng của cán cân sức mạnh. Trong chừng mức mà chủ nghĩa hiện thực không ủy mị, liên kết với chủ nghĩa dân tộc, có một ngôi nhà về mặt địa lý, thì đó là Biển Đông. 

Do đó, bất cứ thảm kịch nào về đạo đức xảy ra ở Đông Á cũng sẽ mang hình thức chính trị quyền lực khắc khổ theo kiểu khiến nhiều trí thức và nhà báo bị tê liệt. Như Thucydides đề cập đến điều đó một cách đáng nhớ trong chuyện kể của ông về cuộc chinh phục đảo Melos của những người Aten cổ đại, “kẻ mạnh làm những gì họ có thể làm và kẻ yếu phải chịu những gì họ phải chịu”. Trong câu chuyện kể lại của thế kỷ 21, với Trung Quốc trong vai trò của người Aten với tư cách là một cường quốc biển khu vực vượt trội, nước yếu sẽ vẫn cam chịu nhưng chỉ thế thôi. Đây sẽ là chiến lược không được tuyên bố của Trung Quốc, và các nước nhỏ hơn thuộc Đông Nam Á có thể sẽ đứng về phía Mỹ để tránh bị giống số phận của người Melos. Tuy nhiên sẽ không có sự tàn sát. 

Biển Đông báo trước một hình thái xung đột khác so với các hình thái mà chúng ta đã quen với. Kể từ đầu thế kỷ 20, chúng ta đã bị tổn thương một mặt bởi các cuộc giao tranh thông thường lớn trên đất liền, và mặt khác bởi các cuộc chiến tranh nhỏ bẩn thỉu, không chính quy. Do cả hai loại chiến tranh đã tạo ra những thương vong lớn cho dân thường, chiến tranh đã là đối tượng cho các nhà nhân văn cũng như các tướng quân đội. Nhưng trong tương lai chúng ta chỉ có thể thấy một hình thái xung đột thuần túy hơn, giới hạn ở lĩnh vực hải quân. Đó là một kịch bản tích cực. Không thể loại bỏ hoàn toàn xung đột khỏi trạng thái sinh tồn của nhân loại. Một chủ đề trong “Các luận bàn về Livy” của Machiavelli là xung đột, được kiểm soát một cách đúng mức, sẽ có khả năng dẫn đến sự tiến bộ của nhân loại hơn là sự ổn định cứng nhắc. Một vùng biển đầy các tàu chiến không mâu thuẫn với thời đại đầy hứa hẹn dành cho châu Á. Sự mất an ninh thường nuôi dưỡng sự năng động. 

Nhưng liệu xung đột ở Biển Đông có thể được kiểm soát một cách đúng đắn hay không? Đến đây lập luận của tôi giả thiết rằng chiến tranh quy mô lớn sẽ không bùng nổ ở khu vực này và rằng thay vào đó các nước sẽ bằng lòng với việc dùng mánh khóe để tranh giành vị trí bằng các tàu chiến của mình trên các vùng biển khơi, trong khi vẫn đưa ra những tuyên bố chủ quyền mang tính cạnh tranh về các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thậm chí có thể tán thành với việc phân chia chúng công bằng. Nhưng điều gì xảy ra nếu Trung Quốc, đi ngược lại tất cả những xu thế hiển nhiên này, định xâm lược Đài Loan? Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc và Việt Nam, mà sự kình địch mạnh mẽ của họ bắt nguồn từ sâu xa trong lịch sử, đi đến chiến tranh như họ đã tiến hành vào năm 1979, lần này với các vũ khí gây sát thương hơn? Bởi vì không phải chỉ một mình Trung Quốc đang xây dựng quân đội của mình một cách đáng kể; các nước Đông Nam Á cũng vậy. Ngân sách quốc phòng của họ tăng khoảng 1/3 trong thập kỷ qua, ngay cả khi ngân sách quốc phòng của châu Âu giảm xuống. Các vũ khí nhập khẩu vào Inđônêxia, Xinhgapo và Malaixia tăng lên đến lần lượt là 84%, 146%, và 722% kể từ năm 2000. Sự chi tiêu này nhằm vào các phương tiện hải quân và không quân: các chiến hạm trên mặt nước, các tàu ngầm với hệ thống tên lửa tiên tiến và các máy bay chiến đấu tầm xa. Việt Nam gần đây đã chi 2 tỷ USD để mua 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo tối tân và 1 tỷ USD để mua các máy bay chiến đấu của Nga. Malaixia vừa mở một căn cứ tàu ngầm trên đảo Borneo . Trong khi Mỹ bị phân tâm bởi các cuộc chiến tranh trên đất liền ở khu vực Trung Đông rộng lớn hơn, sức mạnh quân sự đã lặng lẽ chuyển từ châu Âu sang châu Á. 

Hiện nay Mỹ đảm bảo nguyên trạng không yên ổn ở Biển Đông, giới hạn sự xâm lược của Trung Quốc chủ yếu ở những tấm bản đồ và giữ vai trò kiềm chế các nhà ngoại giao và hải quân của Trung Quốc (mặc dù điều này không phải để nói rằng Mỹ trong sáng trong các hành động của mình và Trung Quốc đương nhiên là một kẻ ác). Những gì Mỹ mang lại cho các nước thuộc khu vực Biển Đông không hẳn là thực tế về đức hạnh dân chủ của nó mà là thực tế về sức mạnh cơ bắp. Chính sự cân bằng quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc cuối cùng đang giữ cho Việt Nam, Đài Loan, Philíppin, Inđônêxia, Xinhgapo và Malaixia được tự do, có thể làm cho nước lớn này chống lại nước lớn kia để có lợi cho mình. Và bên trong không gian tự do đó, chủ nghĩa khu vực có thể nổi lên như một sức mạnh tự nó, dưới hình thức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, quyền tự do như vậy không thể tự nhiên mà có. Vì tình thế đối đầu căng thẳng đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc – mà mở rộng sang một loạt phức tạp các chủ đề từ thương mại đến cải cách tiền tệ đến an ninh mạng đến sự giám sát tình báo – cuối cùng đang đe dọa thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc ở Đông Á, phần lớn là do tính chất trung tâm về địa lý của Trung Quốc ở khu vực này. 

Tổng kết toàn diện nhất về cảnh quan địa-chính trị mới của Châu Á không phải đến từ Oasinhtơn hay Bắc Kinh, mà từ Canbơrơ. Trong một bài viết dài 74 trang được xuất bản năm 2010 có tựa đề “Sự chuyển giao quyền lực: tương lai của Ôxtrâylia giữa Oasinhtơn và Bắc Kinh”, Hugh White, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại trường Đại học Quốc gia Ôxtrâylia, miêu tả đất nước của ông là một cường quốc “nguyên trạng” tinh túy – một cường quốc hết sức muốn tình hình ở châu Á vẫn duy trì đúng như trên thực tế, với Trung Quốc tiếp tục phát triển để Ôxtrâylia có thể buôn bán ngày càng nhiều với nước này, trong khi Mỹ vẫn là “cường quốc mạnh mẽ nhất ở châu Á”, để là “người bảo vệ cuối cùng” của Ôxtrâylia. Nhưng như White viết, vấn đề là cả hai điều này không thể tiếp tục. Châu Á không thể tiếp tục thay đổi về mặt kinh tế mà không cần phải thay đổi về mặt chính trị và chiến lược; gã khổng lồ kinh tế Trung Quốc đương nhiên sẽ không hài lòng với sự vượt trội về quân sự của Mỹ ở châu Á. 

Trung Quốc muốn gì? White thừa nhận rằng người Trung Quốc có thể mong muốn ở châu Á một loại đế chế theo phong cách mới mà Mỹ đã sắp đặt ở bán cầu Tây một khi Oasinhtơn đã đảm bảo sự thống trị đối với Vịnh Caribê (như Bắc Kinh hy vọng nước này sẽ thống trị đối với Biển Đông). Theo lời của White, đế chế kiểu mới này có nghĩa là các nước láng giềng của Mỹ “ít nhiều được tự do điều hành đất nước của chính họ”, ngay cả khi Oasinhtơn khăng khăng rằng các quan điểm của mình sẽ được “xem xét đầy đủ” và được ưu tiên hơn so với quan điểm của các cường quốc bên ngoài. Vấn đề với mô hình này là Nhật Bản, nước có thể không chấp nhận sự bá quyền của Trung Quốc, dù mềm mỏng thế nào. Điều đó để lại mô hình Sự hòa hợp của châu Âu, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ và có thể một hay hai nước khác sẽ cùng ngồi thảo luận về sức mạnh châu Á một cách ngang bằng. Nhưng Mỹ có chấp nhận hay không một vai trò khiêm tốn như vậy, vì nước này đã gắn sự thịnh vượng và sự ổn định của châu Á với địa vị đứng đầu của mình? White cho rằng đứng trước sức mạnh đang nổi lên của Trung Quốc, sự chi phối của Mỹ từ nay trở đi có thể có nghĩa là sự bất ổn cho châu Á. 

Sự chi phối của Mỹ được dự đoán trên quan điểm rằng bởi vì Trung Quốc độc đoán ở trong nước, nước này sẽ hành động “một cách không thể chấp nhận được ở bên ngoài”. Nhưng có thể không phải như vậy. Quan niệm của Trung Quốc về bản thân mình là một cường quốc ôn hòa, không mang tính bá quyền, một cường quốc không can thiệp vào triết lý nội bộ của các nước khác theo cách mà Mỹ vẫn làm – bằng kiểu đạo đức bao biện của mình. Bởi vì Trung Quốc tự xem mình là Vương quốc trung tâm, cơ sở sự thống trị của nước này là tính trung tâm vốn có của họ đối với lịch sử thế giới, chứ không phải bất cứ hệ thống nào mà họ tìm cách xuất khẩu. 

Nói cách khác, Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, có thể là một vấn đề trong tương lai. Chúng ta có thể thực sự quan tâm quá nhiều đến bản chất nội tại của chế độ Trung Quốc và tìm cách hạn chế sức mạnh của Trung Quốc ở bên ngoài bởi vì chúng ta không thích các chính sách trong nước của nước này. Thay vào đó, mục đích của Mỹ ở châu Á cần phải là làm cân bằng chứ không phải là thống trị. Đó chính xác là bởi vì quyền lực cứng vẫn là chìa khóa cho các mối quan hệ quốc tế mà chúng ta phải tạo không gian cho Trung Quốc đang trỗi dây. Mỹ không cần phải tăng cường sức mạnh hải quân của mình ở Tây Thái Bình Dương, nhưng nước này cũng không thể giảm đáng kể sức mạnh này. 

Việc mất đi một nhóm tàu sân bay của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương do những sự cắt giảm ngân sách hay sự tái triển khai sang Trung Đông có thể gây ra các cuộc thảo luận căng thẳng trong khu vực này về sự sa sút của Mỹ và kết quả là cần phải có những sự sửa đổi và các thỏa thuận phụ với Bắc Kinh. Một tình huống tối ưu là sự hiện diện của hải quân và không quân Mỹ ít nhiều ở mức độ hiện nay, ngay cả khi Mỹ làm tất cả trong quyền lực của mình để hình thành các mối quan hệ thân mật và có thể dự đoán được với Trung Quốc. Theo cách đó qua thời gian Mỹ có thể điều chỉnh cho thích nghi với hải quân biển khơi của Trung Quốc. Trong các vấn đề quốc tế, phía sau tất cả các câu hỏi về đạo đức là các câu hỏi về sức mạnh. Sự can thiệp nhân đạo ở Bancăng chỉ có thể có bởi vì chế độ Xécbi là yếu kém, không giống như chế độ Nga, từng phạm các tội ác quy mô tương tự ở Chesnia trong khi phương Tây chẳng làm gì cả. Ở Tây Thái Bình Dương trong các thập kỷ sắp tới, đạo đức có thể có nghĩa là từ bỏ một số lý tưởng được ưa thích nhất của chúng ta vì lợi ích của sự ổn định. Chúng ta có thể làm gì khác nữa để tạo không gian cho Trung Quốc gần như là độc đoán khi quân đội của họ mở rộng? Bản thân cán cân quyền lực, thậm chí còn hơn cả các giá trị dân chủ của phương Tây, thường là sự bảo vệ tốt nhất cho quyền tự do. Đó cũng sẽ là một bài học về Biển Đông trong thế kỷ 21 – một bài học khác mà những người theo chủ nghĩa lý tưởng không muốn nghe./.

  Theo Foreignpolicy (số 9-10/2011)

 Hương Trà (gt)