Trong khi thế giới đang chú tâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu, những sự kiện ở vùng biển châu Á lại cho thấy một cơn chấn động khác. Sức mạnh kinh tế của khu vực này đang sống chung với những căng thẳng về chính trị và an ninh đang đe dọa sự ổn định lâu dài của khu vực. Những căng thẳng này gây áp lực ngày càng lớn đối với hải quân Mỹ vốn đang phải đối diện với giảm thiểu ngân sách và tăng cường trách nhiệm. 

Những biến động này bắt đầu với một vụ nổ gây chìm một chiến hạm của hải quân Hàn Quốc vào cuối tháng 3, kéo theo sinh mạng của 46 thủy thủ. Việc phá hủy chiếc Cheonan có thể là một hành động gây hấn của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, vì không có bằng chứng rõ ràng, Xơun đành phải bó tay, và khả năng lên án chứ không nói đến trừng phạt Bình Nhưỡng vì hành động gây hấn này đang giảm thiểu từng ngày. 

Những đụng độ bằng hải quân giữa miền Bắc và miền Nam là một nét đặc trưng thường thấy trong sự đối đầu giữa hai nước vài thập niên qua. Nhưng việc đột ngột đánh đắm chiếc Cheonan là một sự leo thang nghiêm trọng của Bắc Triều Tiên và có thể dẫn đến những xung đột lớn hơn - đặc biệt nếu Kim Châng In cảm thấy lực lượng hải quân của mình có thể qua mặt an toàn sau vụ giết hại hàng chục thủy thủ Hàn Quốc. 

Nhưng làn sóng khuấy động vùng biển châu Á dài hạn lại đến từ những chiến dịch ra khơi và những công bố chiến lược của Hải quân Quân Giải Phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc. Đầu tháng Tư, những chiếc tàu Trung Quốc đã tiến về hướng Đông và hướng Nam để nới rộng tuyên bố chủ quyền chính trị cũng như phạm vi hoạt động của nước này. Ở vùng Biển Đông, hai chiếc tàu Ngư Chính đã được điều đến để hộ tống các tàu đánh cá tư nhân trong khu vực quần đảo Trường Sa. Gần đây, các tàu Trung Quốc đã bắt giữ những thuyền đánh cá Việt Nam gần vùng cực Bắc của quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù cả Việt Nam, Đài Loan, Malaixia và Philíppin đều tuyên bố chủ quyền trong những phần của quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc hiện đang mở rộng tuyên bố chủ quyền của mình trên toàn bộ vùng Biển Đông ở mức độ "lợi ích cốt lõi", theo lời các bản báo cáo. 

Qua việc biến vùng Biển Đông thành vấn đề hàng đầu về lãnh hải và chiến lược, Bắc Kinh đang mạnh mẽ nâng cao tầm quan trọng đối với những đối đầu trong tương lai, dù có chủ ý hay không. Họ cũng đang muốn hải quân Mỹ lưu ý rằng họ sẽ tăng cường sự hiện diện và đối đầu của mình trong vùng biển châu Á, nơi Mỹ từng tuần tra mà không bị quấy rầy trong sáu thập niên qua. 

Để hỗ trợ cho việc mở rộng tuyên bố chủ quyền mới của họ, quân đội Trung Quốc đang tiến hoá cùng với học thuyết của mình. Việc Trung Quốc xây dựng những tàu ngầm tân tiến, những máy bay chiến đấu từ đất liền cùng với việc phát triển những tên lửa đạn đạo đối biển sẽ tạo nguy hiểm cho những chiến hạm lớn của Mỹ như hàng không mẫu hạm. Khả năng không cho Mỹ và các lực lượng đồng minh quyền tự do hoạt động trong những khu vực tranh chấp ví dụ như vùng biển xung quanh Đài Loan, là một phần của học thuyết mới nhằm phát triển lực lượng hải quân của Trung Quốc. 

Những học thuyết mới này đã được trình bày trong những cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc vào tháng Ba và tháng Tư. Trong vùng Biển Đông, một chiến dịch kéo dài ba tuần có sự tham gia của các lực lượng trong Hạm đội Bắc Hải của Hải quân PLA đã diễn ra ở vùng biển Hoàng Sa đang bị tranh chấp. Ở đấy, các máy bay chiến đấu đã tập luyện những trận không chiến, bao gồm cả việc tiếp nhiên liệu trên không và thả bom giả, qua đấy cho thấy khả năng hiệp đồng tác chiến của quân đội Trung Quốc. 

Liền sau đấy, ở phía Đông, một hạm đội đông đảo gồm 10 chiến hạm của Hải quân PLA, trong đó có cả tàu ngầm, tàu khu trục với tên lửa điều khiển và tàu hộ tống, đã đi đến khu vực Biển Hoa Đông. Họ đã vượt qua vùng biển ngoài khơi Okinawa, rồi tiếp tục đi xuống những hòn đảo cực Nam của Nhật Bản, vùng đảo san hô Okinotori. Ở đó, theo tường trình của báo chí Nhật, họ đã tiến hành tập trận hải chiến bằng tàu ngầm. Quần đảo Okinotori nằm giữa Đài Loan và Guam, một trong những căn cứ tiền phương của Mỹ. Vì thế, các cuộc tập trận của Hải quân PLA chính là một thông điệp cho Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ rằng không nên ỷ lại khả năng có thể vươn đến những điểm trọng yếu trong vùng Tây Thái Bình Dương của mình. 

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất cảm thấy lo lắng về khả năng có thể rời xa bến hàng nghìn dặm của Trung Quốc. Trong khi Hạm đội Bắc Hải đang hoạt động ở vùng lãnh hải Nhật Bản, những chiếc tàu của Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản đã theo sát họ trong một khoảng cách an toàn. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách đưa trực thăng đến quấy rầy các tàu chiến Nhật Bản, dẫn đến sự phản đối ngoại giao của Tôkyô. 

Trung Quốc gọi chiến lược mới của họ là "phòng thủ biển xa", đánh dấu một thay đổi quan trọng từ việc bám bờ được dùng trong học thuyết chỉ đạo hải quân mãi cho đến thập niên hiện tại. Với khả năng, chiến lược và học thuyết của mình, hải quân Trung Quốc đang phản ánh tầm nhìn toàn cầu của quốc gia và quan trọng hơn nữa, báo hiệu cho những quốc gia láng giềng rằng họ sẽ đóng một vai trò rộng lớn trong khu vực. 

Ít người tin rằng Hải quân PLA đang tạo ra một đe dọa đối với lực lượng Mỹ trong vùng Thái Bình Dương. Ví dụ như lực lượng tàu ngầm to lớn của họ đa số vẫn phải bám gần bờ, trong khi cũng cần nhiều năm nữa mới có thể hoàn thành việc xây dựng những chiếc hàng không mẫu hạm có hiệu quả. 

Điều này cũng không ngăn được Tư lệnh mới của Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Robert Willard, lưu ý những bước tiến "đầy kịch tính" của Trung Quốc. Điều đáng lo hơn, Đô đốc Willard đã công khai lưu ý việc thiếu vắng mối quan hệ làm việc chung dựa trên nền tảng tin cậy lẫn nhau giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc. Một khi quan hệ chính trị mang tính nghi ngờ hoặc nguội lạnh, sẽ chẳng có thời gian để giải quyết những khó khăn hoặc kiềm chế các sự cố, ví dụ như việc Trung Quốc quấy rối những chiếc tàu thăm dò của Hải quân Mỹ đầu năm 2009, cũng ở trong vùng Biển Đông. 

Hệ quả là những căng thẳng chính trị và an ninh đang dần tăng lên ở châu Á. Việc thăm dò của Trung Quốc được tiếp nối với một khoảng thời gian im ắng, sau đấy bị phá vỡ bởi những tuyên bố chủ quyền mới và những cuộc tập trận phô trương hơn. 

Phản ứng tự nhiên nhất trong khu vực là hướng về Hải quân Mỹ để có được một bảo đảm ổn định tuyệt đối. Nhưng công việc này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cho rằng họ phải tự xoay trở với một ngân khoản ít ỏi hơn, có thể là thiếu đi một số hàng không mẫu hạm và cũng có thể sẽ không có tàu ngầm gắn tên lửa đạn đạo thế hệ mới. 

Vào ngay thời điểm Trung Quốc đang phô trương sức mạnh hàng hải của mình, đường lối chung lại đi vào một hướng sai lầm. Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò giữ vững ổn định trong khu vực Tây Thái Bình Dương, nhưng với một tương lai không chắc chắn lắm và nếu có một dạng đụng độ nào xảy ra, khu vực này sẽ bị đe dọa nhiều hơn. Rõ ràng điều này có nghĩa là toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị đe dọa nhiều hơn./.